Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm thức

1. Ông Gạt lặng lẽ nhìn ra biển. Mùa biển lặng mà bến bãi vắng teo, lèo tèo vài con thuyền ra khơi cập bến, lưa thưa kẻ mua người bán. Năm mươi năm ra khơi vào lộng gắn bó với vùng biển này, ông hiểu rất rõ tính tình của biển. Ông nhận thấy những gì biển đã hào phóng dâng tặng quê ông và cả những gì mà con người làm biển nổi giận. Ông kỳ vọng mọi thứ sẽ được đổi thay và lại đợi chờ...
 

Vùng biển quê ông đẹp nổi tiếng, đó là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất nghèo khó vốn “ăn cơm bữa diếp” này. Phía Nam là bãi cát Đại Trường Sa nối liền với Cửa Việt. Phía Bắc là những vùng đồi đất đỏ ba-zan ăn sâu ra biển như những con Khủng Long nằm phơi mình trên cát được gắn với những tên gọi dân dã: Mũi Si, Mũi Lay, Mũi Hàu... với những đường cong uốn lượn tạo thành những vũng vịnh tương đối kín đáo, cùng với độ sâu, độ mặn và các bãi cát mịn màng tạo cho bờ biển này thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Ông Gạt chưa từng đi hết các cửa biển của đất nước như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đèo Ngang, Nhật Lệ, Cửa Thuận, Cửa Đại, Quy Nhơn, Ô Cấp... nhưng trong thâm tâm ông không đâu đẹp bằng Cửa Tùng - xứ biển quê ông. Có lẽ suy nghĩ của ông cũng phần nào đúng, vì không cớ gì mà người Pháp và các vua quan triều Nguyễn trước đây đều công nhận ghi vào sổ sách “Cửa Tùng là hòn ngọc của các biển Thừa Lương”, người Pháp còn cho xây dựng nhiều khách sạn to, nổi tiếng gọi là Ô Cáp Ten. Khâm xứ Trung kỳ, Lào, vua Bảo Đại đều có biệt thự riêng ở Cửa Tùng. Cửa Tùng trước đây còn là một cảng thị sầm uất, với sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ đã làm cho nhiều thương khách biết đến và Cửa Tùng dần dần trở thành một cảng biển có vai trò to lớn trong nền kinh tế đằng Trong. Vùng “kẻ lái” này cũng là nơi đầu tiên đã sắm được những ghe thuyền có trọng tải lớn, giao thương buôn bán ra Bắc vào Nam. Vì thế mà nó đã được lấy tên đặt cho một vùng đất rộng lớn bao gồm hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh gọi chung là xứ Cửa Tùng.

Nhưng có lẽ điều ông tự hào nhất về vùng biển quê ông không chỉ là những điều đó mà còn những đặc sản của vùng biển này mang lại, những đặc sản từ chính bàn tay của những người như ông cất lên từ biển. Những loại cá chim, thu, ngụ, né, tôm he, tôm hùm, sò điệp... ngon nổi tiếng và biết bao nguồn lợi khác mà biển đã cưu mang đem đến sự giàu có cho Cửa Tùng. Điều đó càng khẳng định thêm rằng ngư trường của vùng biển này cũng không thua kém gì các nơi khác. Nhưng mà, đó là chuyện của ngày xưa. Giờ thì biển vẫn thế, vẫn xinh đẹp và lộng lẫy, nhưng nguồn lợi từ biển mang lại hình như ít hơn. Nhiều loại đặc sản từ biển ông từng nâng niu trên tay như tạ ơn với biển cả giờ gần như mất hẳn. Biển luôn mang những bí mật của riêng mình. Mái chèo như ngọn sào chưa cắm đúng chỗ sâu kín chứa đầy tiềm năng của biển. Của biển là của trời cho, không ai gieo mà gặt được bao giờ.

Trong ký ức lão già của biển cả, từng là một tay ngư phủ nổi tiếng trong vùng, ông Gạt thuộc ngư trường quê ông như lòng bàn tay. Từng vùng Rạn ở biển gắn với các điển tích cũng như các tên gọi thân thương: Rạn Róc (nơi có nhiều cá Róc), Rạn Cửa (sát cửa biển), Rạn Trà (là nơi có một trà cá ở đâu trôi về cả làng câu mãi không hết). Rồi Hòn Mú (nơi có nhiều cá Mú đến ở), Hòn Làng (nơi cá phèn, cá hồng ở đâu tới giúp làng cứu đói những năm mất mùa), Hòn Khít, Hòn Hở (làm điểm để buông câu)... Tất cả gắn bó thân thiết như ngôi nhà của ông. Trong các địa danh đó, Hòn Mệ (đảo Cồn Cỏ) được ông nhắc đến với lòng ngưỡng mộ nhất. Mà không riêng gì ông, ngư dân vùng này đều xem Hòn Mệ như “Cái cươi” (sân) của nhà mình. Họ quả quyết rằng truyền thuyết người Khổng lồ gánh hai sọt đất là có thật vì ở bậc đá sát biển gần đồn Công an Cửa Tùng giờ vẫn còn dấu chân người Khổng lồ đã bước xuống. Mỗi lần ra khơi vào lộng, người dân quê ông đều hỏi nhau “đến Mệ chưa?”. Vì đó là vùng đất duy nhất nằm giữa bao la biển cả, người đi biển lâu ngày nhớ đất liền ghé vào đảo để hít hà hơi ấm của vùng đất đỏ ba-zan, những lúc trái gió trở trời Hòn Mệ đều giang tay che chở.

Mười lăm tuổi, ông Gạt đã là người kỳ cựu cầm lái xuôi về không bao giờ nhầm lạch, là người đứng mũi chui thuyền để câu cá. Trời mưa cũng như nắng, chỉ mặc độc bộ áo quần bằng vải buồm nhuộm lá bàng, lá sim và bùn non trộn lẫn. Vẫn cứ đôi gánh trên vai mà đòn gánh là mái chèo với một đầu là cái bồ tre trát bằng phân trâu và dầu rái đựng các phương tiện đi biển và đầu kia là những vàng lưới thay đổi theo mùa vụ và từng loại cá khác nhau.

Ông có đôi mắt nheo nheo nhưng nhìn xuyên thủng cả sông núi, mây gió để nhận sao, đoán sóng tìm về cửa biển không cần la bàn, nắm được chu kỳ con nước “sinh”, con nước “rặc” mà đánh bắt cho có hiệu quả. Theo ông nước “sinh” là con nước “chết”, tất cả các loại cá không ăn câu vào thời điểm này. Mỗi tháng có hai con nước “sinh”, tháng ba và tháng tám thì có ba con để người đi biển tránh. Chỉ ngửi mùi biển ông có thể đoán được luồng cá đang chạy ở đâu. Tai ông còn nghe được tiếng thở của cá để biết được đàn cá đang đi là loại gì. Việc xác định toạ độ để “Tra cơn” có lẽ ông thuộc loại kỳ cựu nhất làng. “Cơn” của ông lúc nào cũng nhiều cá vì ông biết xác định toạ độ dựa vào hướng núi và hướng đất liền. “Cơn” ở đây là những cây tre trồng ở biển, những cây tre đực dài từ mười lăm đến hai mươi sải tay. Dưới gốc, phần thả xuống đáy biển được nối với một cái lói đan bằng dây chạc chìu, trong rỗng chứa được khoảng hai mét khối đá hộc. Xung quanh lói được kết một lớp lá dày gồm lá cây mè tré, dừa và chuối. “Cơn” phải được tra ở biển từ mười đến mười lăm ngày cho cá đến làm tổ, sau đó cho thuyền ra câu dò, nếu thả mồi xuống cá ăn nhiều hay cá nổi lên váng cả mặt nước xung quanh thì cho thuyền và lưới ra đánh bắt. Đánh cá ở “cơn” thường dùng loại lưới mành rút hoặc câu. Nghề đánh cá không có lớp lang nào dạy cả, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian. Vì thế kinh nghiệm trong “tra cơn” là rất quý, có “cơn” thả xuống biển thu về tiền triệu, có chỗ lại về không. Kinh nghiệm này là sự kết tụ lâu năm, từ đời này qua đời khác và người đi biển còn phải biết kết hợp với cả giác quan và nhạy cảm nữa. Nghề này trước đây là một trong những nghề đánh bắt chính của làng ông, sản lượng thu được rất cao. Hiện nay việc “tra cơn” ở biển vẫn duy trì nhưng phương thức đánh bắt có nhiều thay đổi.

Không những nổi tiếng là có kinh nghiệm ở nghề “Tra cơn”, ông Gạt còn nổi tiếng trong nghề câu. Thôi thì trong bồ của ông lúc nào cũng đầy đủ các bộ câu, lưỡi câu, các loại cước và những hòn phao chì nhiều kích cỡ khác nhau. Cá thu thì câu bằng dây đồng hoặc dây đàn, cá xanh dùng cước, cá hồng cần lựa chọn kỹ các loại đòi chì... đi với mỗi loại cá là các loại phao chì và ống câu khác nhau. Ví như để câu được con cá ngừ thì kỹ nghệ cắt lưỡi câu, tóm lông câu đòi hỏi mất nhiều thời gian và phức tạp. Lưỡi câu cá ngừ làm bằng sợi đồng nguyên chất. Trước đây, người ta phải cắt từ các thau đồng cũ, mài dũa gò đập lại thành dây tròn mới cắt được. Lưỡi câu loại cá ngừ chỉ cắt những ngày biển động, rảnh rỗi thời gian mới đảm bảo độ chính xác, độ nhạy bén của câu. Trong nghề câu, câu mực là nghề ông khoái nhất. Ông nói: Câu mực phải có mẹo, “mực mẹo” mà. Tìm được chỗ mực đóng, biết mực ăn câu ở làn nước nào là cả một kho bí mật. Mùa mực rộ nhất vào tháng ba hàng năm. Câu mực bằng “rường”. “Rường” ở đây là một chùm câu gồm bốn lưỡi được chụm lại với nhau quay ra bốn hướng. Dây câu được làm bằng các sợi tơ se lại, tơ mua ở các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hoà được se dài ngắn khác nhau tuỳ độ nông sâu của nước. Từ “rường” lên chỗ móc lưỡi câu có mồi dài từng hai mươi phân, lúc thả câu ở biển thấy nặng tay biết mực đã cắn mồi, giật ngược lên tua mực dính vào chùm câu. Câu mực có thể dùng câu cần hoặc câu ống, một thuyền có lúc đạt năng xuất hàng tạ những lần ra khơi. Với loại câu này chủ yếu dính câu là các loại mực to, mực thước. Ông cũng từng câu được những loại mực thước dài vài ba gang, loại mực này hiện nay hình như vắng bóng. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó việc khai thác đánh bắt với những loại lưới hiện đại như lưới chụp, rê mực làm mực sinh sản không kịp lớn vì thế nghề câu mực đang ngày bị mai một dần.

Trong ký ức của mình, ông Gạt nhớ da diết những buổi sớm bình minh, khi nước biển còn tím sẫm, dập dềnh từng làn sóng nhỏ, cả làng đổ xô ra bãi biển để đánh lưới cào. Mùa lưới cào như những ngày hội của làng, từng tốp người cứ cúi rạp mình căng sức kéo lưới, bóng họ lố nhố dọc bờ cát mịn. Những đôi chân trần cuộn cơ bắp, những đôi vai săn chắc bóng nhẩy đẫm mồ hôi, tất thảy đều hả hê với những tạ, những tấn cá hố, cá lẹp, cá cơm. Rồi những đêm cả làng soi đèn đi bắt cóc về làm mồi rập tôm hùm để sáng dậy cóc đã trở thành món hàng độc nhất vô nhị ở chợ Do. Và cả những đêm thức trắng trên biển để đợi cá chuồn đóng vó... giờ chỉ còn lại trong quá vãng thời vàng son của ông.

2. Cánh buồm nâu lặng lẽ căng phồng đón gió và những mái chèo cạy sóng chỉ còn lại trong thơ ca và ký ức lãng mạn một thời. Làng ông đã hoàn toàn lột xác, đổi thay khi con người nhìn nhận ra nguồn tài nguyên “vàng trắng” có giá ở biển khơi thông qua việc xuất khẩu và người làng ông cũng kịp nhận ra nguồn tài nguyên ấy trong ngư trường rộng lớn của mình. Các loại thuyền gỗ dần dần được thay thế bằng thuyền sắt và các loại chèo được thay bằng máy đẩy. Toàn xã có 105 tàu thuyền các loại trong đó có ba tàu đánh bắt xa bờ. Đi cùng với nó là sự chia tay với một số ngành nghề đánh bắt bằng phương pháp truyền thống. Với các phương pháp đánh bắt hiện đại như lưới chụp, rê, lưới bắt ốc, áo quần lặn để bắt tôm hùm... làm cho sản lượng tăng đáng kể. Ở ngoài khơi với nạn trộm nổ mìn giết cá, dùng đèn cao áp soi xuống tận đáy. Việc dùng đèn cao áp thể hiện sự khôn ngoan của con người biết tập tính của các loài thủy sản mê thích ánh sáng đèn. Nhưng với thứ ánh sáng hồ li này các loại cá lớn nhỏ đều đóng đèn, mắt cá nổ tung ra, chỉ cần một mẻ lưới đã diệt gọn. Gần bờ thì có lưới rùng, lưới quây, những con cá nhỏ như chiếc tăm cũng không thoát nổi. Môi trường biển bị xâm hại dẫn đến sự cạn kiệt bất ngờ của các loài hải sản. Những tàu đánh bắt xa bờ với trang thiết bị hiện đại, đầu tư cho một con tàu này gần bạc tỷ. Sản lượng đánh bắt của những tàu này mấy năm đầu chiếm khoảng năm mươi phần trăm tổng sản lượng đánh bắt toàn xã. Nhưng trong những năm gần đây sản lượng giảm, đa số các thuyền đi đều bị lỗ vì đầu tư cho một chuyến đi dài ngày rất tốn kém nhưng hiệu quả thu được không đáng là bao. Không đi xa được họ lại cạnh tranh ngư trường với các tàu thuyền gần bờ và với các phương tiện đánh bắt hiện đại làm cho ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt thêm. Năm 2005 này phần lớn các tàu xa bờ đã không xa bờ nữa, tàu họ đang nằm ở khu neo đậu cửa biển, không biết do hạn chế của nguồn hải sản biển hay những phương tiện này chưa thể làm bạn với người dân làng ông.

Tiếp tôi trong buổi sáng ấm nắng, biển vẫn xanh và lặng gió báo hiệu một ngày đi biển tuyệt vời. Bưng bát chè xanh ấm nóng trên tay, anh Phan Đình Tế - Chủ tịch UBND xã với giọng buồn, cung cấp thêm cho tôi những con số: Năm 2005 này xã đang đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu khai thác từ 1.200 tấn xuống còn 600 tấn vì số lượng đánh bắt hải sản trên biển giảm mạnh.

Nhưng người Vĩnh Quang vốn nổi tiếng trong vùng về tài xoay xở. Trong cái khó ló cái khôn, họ lại dựa vào biển để khai thác các ngành nghề khác tăng thu nhập đời sống. Họ không thể buông chèo gác mái mà xa biển được vì đây là nghề chính của làng và phần nữa hồn họ đã bị biển khơi cất giữ. Những lúc trời yên biển lặng những tay ngư phủ gắn bó với nghiệp biển vẫn tiếp tục ra khơi với hy vọng con cá con tôm đóng lưới. Làng đã hội nhập, tìm kiếm và phát triển thêm những ngành nghề mới như nghề nuôi tôm sú, tôm giống, chế biến hải sản và phát triển các dịch vụ du lịch từ biển. Kinh tế Vĩnh Quang phát triển khá ổn định, là nơi có tỷ lệ nhà xây kiên cố, ô tô, xe máy và các phương tiện sinh hoạt hiện đại khác cao nhất nhì huyện. Những chuyển biến tích cực trong kinh tế tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá xã hội phát triển.

3. Mấy ngày nay ông Gạt buồn thực sự vì người con trai cả nhỏ to khuyên ông nên bán vàng lưới mành rút, đó cũng là vàng lưới duy nhất còn lại ở làng để sắm lại loại lưới khác bén hơn, hiện đại hơn. Ông không muốn chia tay với nó vì ông xem nó như báu vật gắn với kỷ niệm những chuyến ra khơi vào lộng của mình. Thực ra, trong thâm tâm ông vẫn chưa muốn chia tay với những lưới nghề xưa cũ vì những nghề đó chưa xâm phạm môi trường biển bao giờ. Đành rằng có nghề vẫn đang còn giữ lại và có nghề đang mai một dần đi cho phù hợp với xu thế đánh bắt hiện đại, tăng sản lượng. Nhưng những đêm đỏ mắt trên biển chờ cá mà không có ông vẫn cầu mong cho những ai đó đừng vì con cá con tôm để giảm nghèo đi chốc lát mà nhẫn tâm phá vỡ quy luật và môi trường biển. Không biết nói gì, tôi chia sẻ với ông bằng những thông tin vừa đọc trên một tờ báo nói rằng: Với tốc độ tăng dân số và quy mô khai thác tài nguyên hiện nay, thế kỷ 21 là thế kỷ con người đổ xô ra khai thác biển vì quá trình khai thác đại dương cả truyền thống lẫn hiện đại cho đến nay chỉ mới khai thác được 1/1000 những tài nguyên có ở biển.

Chia tay ông, chia tay với cửa biển xinh đẹp này, câu nói của ông làm tôi suy nghĩ mãi: Cháu biết không! muốn chinh phục biển phải sống hoà hợp với nó. Tôi thương ông quá, thương những đêm thức trên biển chờ cá và những đêm thức trong lòng ông hiện tại. 

            Trại sáng tác Văn học Quảng Trị-Tháng 10/2005

                             T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 135 tháng 12/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground