T |
ừ sân bay Phú Bài nhìn lên, tầng cao nhât dãy Trường Sơn luôn chìm trong một màu xanh huyền ảo trên nền trời; về phía Nam mạch núi vươn cao hẳn lên, kéo một nét thẳng tắp, giống như tiết diện của một thảo nguyên nhìn trên bản đồ. Mỗi lần có việc về sân bay, tôi thích đứng ngóng chân trời, thấy hiện ra bóng dáng một thằng người nho nhỏ bằng ngón tay út đi lúc thúc theo cái riềm khói xa mờ ấy để trèo tới cái mặt phẳng núi non kia, vui chơi như thằng người gỗ Picnochio của Carlo Collodi. Thẳng nhỏ đó chính là tôi, và giữa vết thảo nguyên kia là bản Ariel yêu dấu.
Ariel như là ngôi làng quê của tôi, ở đó tôi đã biết cầm rìu đốn ngã những cây đại ngàn như một chàng trai của núi rừng, biết cúi lưng dưới nắng để tria ngô như tập đếm trên mặt đất, biết cách lấy rượu từ những cây rừng, và thêm nữa những kỉ niệm quấn quýt hoa ngàn gió núi.
Trại sản xuất là căn nhà lợp tranh mây bên bờ một con suối lớn, đối diện với khu rẫy dân bản bát ngát tận đỉnh đồi. Tôi thường ngồi võng ngắm rừng dẻ dựng những thân gỗ màu trắng thẳng tắp phía bên kia rẫy. Vào cuối ngày khi ánh sáng chập choạng trùm khắp thung lũng, tán lá của rừng dẻ chợt bừng lên trong một màu đỏ cồn cào tận đáy lòng, như một nỗi đam mê cuồng nhiệt. Vào giờ ấy, thỉnh thoảng Kan Sao theo con suối ngang qua chỗ tôi ném cho tôi vài thứ rau trái, cùng với nụ cười mỉm mơ hồ hoà ngâu ;và tôi rạo rực ngóng nhìn theo cái lưng tròn lẳn của nàng uyển chuyển theo bước chân nhảy nhót trên đá.
Tôi quen Kan Sao từ bữa ngồi uống rượu chơi với Kon Lai bên con suối nhỏ, nơi cắm trại của ông. Kon Lai là một người già kì lạ của núi ngàn, đến nỗi, đối với tôi được đánh bạn cùng ông là một hạnh ngộ trong đời. Người cao lớn, bắp to, tóc dài trắng như bông lau, mặt vuông quắc thước, hiện thân cửa một tráng sĩ Ka Tu trong các sử thi miền núi. Tôi không tài nào đoán ra tuổi ông: thân thể vẫn cường tráng như một khối đá, nhưng ông lại kể với tôi toàn chuyện thời vua Hàm Nghi; vào thời đó ở vùng núi Quảng Trị, ông đã đốt đuốc bọp bọp chạy theo vua Hàm Nghi rồi. Tôi nghĩ bụng, e ông đã trở thành một cây tùng cổ, đã quên già để sống không biết tuổi. Kon Lai có nhà, nhưng hầu như quanh năm ông sống lang thang trong rừng, cái nong lớn lăn theo làm chỗ nằm, lưu lại ít lâu bên một dòng suối nào đó, rồi lại dời chỗ sang một cánh rừng khác.
Nơi tôi gặp ông bây giờ là một bãi đằm cỏ xanh mượt, với nhiều cây ổi có trái chín mà ông hái mời tôi. Kon Lai cho thuốc vào chiếc vó có cán dài bằng trúc, và khi tôi bật lửa thì ông lắc đầu; ông quen lấy lửa bằng đá. Với hai thỏi đá đánh vào nhau và một nhúm bùi nhùi. Kon Lai lấy lửa nhanh như một que diêm. Tôi tưởng dễ thử lắm, đánh mãi lửa vẫn câm nín trong đá.Ông chỉ lên áo tôi:
-Cái ni kêu bằng chi?
-Áo ấm.
-Ờ… cơm no áo ấm.
Kon Lai nhả khói cười vu vơ, và tôi chợt bắt gặp một thoáng mơ mộng rất lạ trong cái nhìn mông lung của ông.
Một cô gái bước rón rén tới sau lưng, lấy tay bịt mắt ông, cười khúc khích.
Ông già gọi tên cô, nói gì một tràng dài bằng tiếng Cà Tu,. Kan San vụt chay vô rừng. Một lúc sau, cô trở lại, lấy từ chiếc a-cha mang sau lưng mấy ống ô- rang dài đầy rượu, lấy từ cây đồng đình. Kon Lai bảo với tôi, một cây đình đồng cho rượu uống hết đời ta tới con. Để giữ sức cho cây, người ta chọn năm ba cây để lấy rượu luân phiên, hết vòng quay trở lại. Kon Lai có nhiều cây đồng đình như vậy rải rác trong rừng, và thường cắm trại ở gần “lò rượu” đang hoạt động của anh.
- Mày uống nước lã của tao!
Lon Lai rót rượu ra bát, đưa mắt bảo Kon Sao mời tôi, vì tôi được xem như là khách của ông. Nàng bưng bằng cả hai tay đưa mời tôi. Đây là bát rượu trao nhau đầu tiên, tôi phải uống cạn một hơi. Rượu đồng tình màu vàng đậm, vị ngọt như bia, nồng hơn bia, uống xong thấy ngọt và lâng lâng. Chuyện trò một lát tôi bưng rượu mời
- Anh uống giùm cho em
Nàng quỳ gối trên chiếc mấn màu xanh chàm, hai tay vẫn đỡ vào bát trong khi tôi uống, và như vậy bát rượu nhường này được nâng lên bằng bốn bàn tay gần như ấp lên nhau. Đó là phép lịch sự bắt buộc của người miền núi khi trả rượu cho khách quý.
Tôi tin rằng cộng đồng người cổ sơ, không cần ai dạy dỗ, đã tự mình phát minh ra cái chất chí tình với cuộc đời này là rượu, cùng với cung cách mời mọc xứng đáng với khát vọng “chơi đẹp”. Thỉnh thoảng tôi đến uống rượu mây với A Lung, anh của Kan Sao. Rượu mây, gọi là chà –vi, quý nhất trong các loại rượu của miền núi. Muốn uống là phải thật kỳ công vì đọt cây mây cao tít lưng trời. A Luhng thích rủ tôi tới nhà để nghe chuyện thành phố, vì từ khi bản Ariêt được xác định là hậu cứ của thành. Mọi người ở đây đều cảm thấy mình là người Huế. Lần nào cũng vậy, Kan Sao trải chiếu mới mời tôi ngồi, nấu nướng cho chúng tôi những món theo bếp rừng. Và trong cơn say lâng lâng tôi lại thấy nàng quỳ gối khép nép, mời rượu tôi bằng nụ cười hoa ngâu và đôi mắt nại dịu dàng của Huế. Vâng, nàng cũng là Huế đấy, trong khi thành phố mến yêu của tôi mịt mù cuối những chân mây tôi không biết nhìn về phương nào và bao giờ tôi trở lại
*
* *
Mùa đông năm ấy lực lượng lao động của Tòa soạn được huy động lên “đường mòn” cùi gạo cứu đói, cả anh Nhơn quản trại Ariêl. Lên trại lúc này chỉ có tôi và Văn, phóng viên ảnh từ Hà Hội vào chiến trường. Anh Nhơn, du kích vùng biển bị bật hầm lên đây lo việc sản xuất là tay tài nghệ bậc thầy trong việc lùng kiếm của rừng. Ngay giữa mùa đông tới những gốc Ô-rang phủ đầy lá khô, không biết anh nhìn thấy bằng cách nào, cứ đào sâu xuống là được những củ măng to bằng củ khoai tía.
Tô và Văn lên trại đúng vào mùa lễ Giáng sinh, ở một nơi mà từ sĩ chí dân, không ai có khái niệm gì về cái lễ đó cả, ngoài hai đứa tôi. Chợt nhớ ra những củ măng anh Nhơn để lại, tôi rủ Văn thử tổ chức một bữa ăn Rvéillon mừng Chúa ra đời. Chàng trai hà Nội hưởng ứng ngay, bảo tôi cùng đi bắt chuột về hầm măng. Nghe đến chuột là tôi hết hồn. Văn bảo chuột rẫy thì cũng như các thú khác, com nhím chẳng hạn và Văn bảo đảm sẽ có những món “chuột” rất ngon do tài chế biến của Văn. Chúng tôi kéo nhau lên tấm rẫy trước mặt nhà nơi Văn đã nhìn thấy một cái hang có những chú chuột bụ bẫm vô ra hằng ngày.Văn dùng bùi nhùi xông khói vào cửa sau của hang rồi giao việc cầm mác để chém con chuột khi nó ra khỏi hang. Tôi thủ sẵn lưỡi mác tư thế chém, hồi hộp cứ sợ mất con chuột. Đến lúc khói nghi ngút tuôn ra khỏi hang, đầu óc tôi căng thẳng đến độ tôi yêu cầu đổi việc cho văn, bởi tôi biết tôi rất vụng về.
- Họ đi khỏi rồi, không có trong nhà nữa mô!
A Lung đến sau lưng chúng tôi từ lúc nào, vừ hút ống vó, vừa cười, chỉ cho chúng tôi thấy dấu chân chuột ra khỏi hang còn mới. tôi bảo Văn, thay vì chuột, chúng tôi đi bắt ếch về hầm măng. Thế là đầu bữa tối, chúng tôi cầm đuốc đi soi ếch dọc khe đá, nơi tôi vẫn thấy A Lung thỉnh thoảng bắt rất nhiều ếch. Chúng tôi rọi ánh đuốc trên những vầng đá giữa suối, cứ tưởng sẽ bắt gặp những chú ếch to tổ bố ngồi chổm hổm nhìn sao. Hơn một tiếng đồng hồ cho đến lúc cơn mưa xuống, chúng tôi chỉ tóm cổ được một con ếch bé tẹo bằng ngón chân cái, thực ra là một con nhái. Tôi bảo thả ra, nhưng Văn cười bảo rằng đây là “con ếch danh dự”, không thể tha thứ được. Đành thế, chúng tôi ngồi nhai mảnh thịt nướng của con ếch tôi nghiệp, nghe nhạc và ê a hát theo. Không phải vì Chúa, nhưng để nhớ một thời hào hoa cùng người đẹp lang thang trong bồng bềnh đêm sương, thời của những đêm Noel đẹp hơn kinh thánh bây giờ đã thuộc về một cõi khác.
Có tiếng chân lội suối dừng lại trước nhà, chúng tôi quay lại. Ồ chính là Kan Sao vừa đi soi về, tay cầm đuốc, tay kia xách một xâu ếch nặng trĩu. Lòng tôi mừng lên một nỗi vui mừng khó tả; dưới ánh lửa, nàng hiện ra như thiên sứ. Văn kể lại cuộc đi săn ếch thảm hại của chúng tôi. Kan Sao cười rũ:
- Ếch họ không ngồi trên hòn đá giữa khe. Họ ngồi trong bụi cây hai bên bờ để bắt con muỗi thôi!
Tôi giải thích với Kan Sao về đêm Noel. Nàng tỏ ý vui thích như là lần đầu tiên, nàng trở thành tín hữu của chúa Kytô. Kan Sao để lại cho chúng tôi mấy con ếch để hầm măng và nhất định ra về vì đêm đã khuya, dù chúng tôi cố giữ nàng ở lai để “ăn réveillon”. Kan Sao hẹn sáng mai tới chơi, và chup ảnh kỉ niệm.
Sáng hôm sau, khi nắng lên, Kan Sao đến trại trong chiếc áo hoa và chiếc váy thổ cẩm dệt hoa văn mới tinh, cùng một a - cho đầy quà Noel mang từ rẫy về có cả những bông hoa rừng. Và một ống bương rượu mây, tất nhiên, với Kan Sao, chụp ảnh là cả một mơ ước trong đời. Nàng bắt tôi trang điểm cho nàng “giống in như văn công” đâu biết rằng cái máy ảnh thông tấn xã Việt Cộng của Văn chỉ in ra những tấm ảnh 3x4 nhỏ xíu và không có khái niệm gì về phim màu. Văn giao nhiệm vụ trang điểm cho tôi, chuẩn bị phim máy rồi ra rừng tìm cảnh.
Dù sao tôi cũng chiều ý nàng. Tôi dùng giấy điều thấm nước làm ra má hồng, bút chì than đồ dùng làm ảnh của Văn kẻ lông mày, dùng que bông nhúng thuốc đỏ, thuốc cứu thương tỉ mỉ tô môi cho nàng. Cuối cùng sẵn chai dầu dừa của mấy o trong cơ quan tôi để lại tôi cho vào lòng bàn tay xoa tóc và chải óng mượt mái tóc xõa tự nhiên của nàng. Mọi thứ đều tạm bợ thế thôi nhưng tôi đã làm bằng tất cả tâm hồn nền cuối cùng trông nàng rực rỡ hẵn lên, nàng đẹp không kém gì những thiếu nữ mà tôi đã một thời thầm yêu trộm nhớ. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nhan sắc là quà tặng trời ban cho con gái ông trời hào hoa không phân biệt giàu nghèo, dẫu lam lũ nhưng cô Tấm thì vẫn cứ thế mà đẹp.
Kan Sao lấy chiếc gương bỏ túi ra soi và không biết nàng học ở đâu cũng mím mím môi mấy cái, cười một mình giống như cử chỉ gương lược của các cô gái. Xong nàng cứ nhìn thẳng vào tôi, dạn dĩ và hỏi có chút khiêu khích, như có ý hỏi tôi: “Anh xem em có đẹp không?”
- Kan Sao, em đẹp như trong giấc mơ của anh!
Tôi chắp tay chiêm bái nàng, nói tiếp ý nghĩ của mình:
- Mai mốt hòa bình về phố anh sẽ mua tặng em một hộp đồ trang điểm thật đàng hoàng. Giống như đồ làm đẹp của cô dâu vậy!
Kan Sao hỏi tôi bằng một vẻ trang nghiêm bất ngờ:
- Mai mốt hòa bình, anh thích được có cái chi nhất?
Tôi hiểu ý câu hỏi của nàng. Tôi đang đọc Kim Dung trước khi lên rừng, nhớ mãi hoài cái điều làm tội làm tình sau cùng mà Triệu Minh đặt ra cho Vô Kỵ. Tôi trả lời Kan Sao theo kiểu Kim Dung:
- Mai mốt không còn chiến tranh anh chỉ thích mỗi sáng ngủ dậy anh được kẻ lông mày cho Kan Sao mà thôi.
Không biết biết Kim Dung là ai trên đời này, nàng vẫn hiểu đầy đủ ý nghĩa điều tôi nói, như thể nàng đã từng đọc hết thiên tình sử. Kan Sao vùng vằng đôi vai trả lời tôi:
- Hoàng chỉ thích kẻ lông mày cho các chị ở thành phố thôi!
Nói thế nhưng nàng tựa đầu vào vai tôi, ngước nhìn tôi bằng đôi mắt trìu mến vô ngần. Tôi đặt chiếc hôn trên môi nàng, ghì siết đôi vai nàng và nghe trong vòng tay tôi tấm thân Kan Sao run rẩy như một cây lau nhỏ. Khác với tôi tưởng Kan Sao không hề bỡ ngỡ trong chiếc hôn tình ái ban đầu. Tình yêu ban đầu của nàng, Kan Sao nói với tôi và cả gã cáo già trên nhất đời này cũng không có quyền nghĩ rằng một cô gái miền núi như Kan Sao lại biết nói dối. Ôi chiếc hôn … Ai bày ra cho con người cái điều kỳ diệu ấy? Không cần ai bày chiếc hôn là một aspéranto bẩm sinh của tình yêu, dùng chung cho một nhân loại nói nhiều thứ tiếng khác nhau.
Những ngày với Kan Sao ở Ariêl hình như tôi đang ký xong một hiệp định hòa bình với trời đất. Rừng núi bây giờ không còn là nơi để nơm nớp về bom đạn mà là cõi xanh biếc để hai người yêu nhau không ai biết. Có đêm trăng khuya nghe vượn hú tôi biết là Kan Sao đợi tôi ở đầu ngọn suối. Có một chiều theo nàng lên rẫy gặp mưa bất ngờ tôi và nàng trốn vào vòm cây dương xỉ rậm rịt, ngay giữa vầng sáng ngũ sắc của cây cầu vồng mọc từ vực thẳm lên trời, gương mặt nàng đẹp hoang đường như thần nữ.Tôi cảm ơn Kan Sao đã ban cho tôi một khung trời thơ mộng y nhiên tự lại giữ những chết chóc và hận thù. Tình yêu ấy thật sâu thẳm và nhẹ nhàng, chúng tôi chưa hề vược qua ranh giới của quan hệ thể xác. Cả hai chúng tôi đều giống như tín hữu phải tuân thủ luật cấm nghiêm ngặt của Giáo hội:với tôi là kỉ luật khắc khe của cuộc chiến đấu, và với Kan Sao là phong tục ngàn đời. Chính điều này đã giúp tôi không phải chút gì ân hận dù khi tôi đã xa nàng.
Trước hôm tôi phải rời Ariêl, tôi và Kan Sao lang thang với nhau ở giữa rừng, ghé vào nơi cắm trại của Kan Lai. Ông già nhìn chúng tôi, nheo mắt cười, kể cho nghe một chuyện cổ tích miền núi. Hàng ngàn xửa ngàn xưa ấy, người Kinh và người Thượng là một, “cùng đắp đền thờ ở đàn Nam Giao” , có một nàng gái con nhà giàu tên là Nang Trơ Ngức, nghĩa là Nàng Câm. Tên nàng như thế bởi người cha cấm ngặt nàng không được giao du chuyện trò với ai, mục đích để con gái dâng cho vua. Dân làng đi trỉa lúa cho nông nhà giàu, thách ai xin được bưởi của Nang Trơ Ngức về ăn cho đỡ khác sẽ thưởng . Một chàng trai mồ côi xin đi… chuyên kể tiếp về những mưu kế thông minh của chàng trai đẻ thấy cô gái cấm cung, và sau đó luôn cả cuộc thách đố của người cha: Nang Trơ Ngức đã phải xuống lầu, chuyện chàng, cho bưởi và còn giúp chàng mổ heo, nấu xôi để đãi dân làng…Ông nhà giàu tức giận thả bè trôi sông, chàng mồ côi xin đi theo để cùng được chết với nàng. Rồi thần linh nổi gió thổi ngược chiếc bè lên tới nguồn sông Hương; hai người sống với nhau, sinh con đẻ cái thành dân miền núi bây giờ.
Nghe Kon Lai Kể chuyện, tôi cười ngất. Còn Kan Sao ngảnh mặt nhìn suối, lặng lẽ buồn.
***
Tôi bận nhiệm vụ chiến dịch đường Chín – Nam Lào ở vùng sâu suốt một năm. Mùa thu sau tôi trở lại Ariêl thầm ý chỉ mong gặp lại Kan Sao. Vừa đến tranh anh Nhơn báo tin ngay: chiều nay đám cưới Kan Sao , chúng tôi có nhiệm vụ lo hết mọi việc. Chồng sắp cưới của Kan Sao là một thanh niên ở làng, mồ côi cả cha mẹ nên thoát ly sớm, đơn vị công tác thì ở xa. Trong trường hợp này, theo đúng phong tục miền núi thì cơ quan phải đứng ra thay mặt nhà trai để tổ chức lễ cưới. Ở Ariêl duy nhất chỉ có trại sản xuất chúng tôi là thuộc về ý niệm “cơ quan” , vì thế anh em chúng tôi nghiễm nhiên thành “nhà trai’. Chúng tôi chia nhau công việc: anh Nhơn mổ heo, giết gà, Trường nấu thức ăn,phần tôi lo trang trí và mọi việc phục vụ khác.
Tôi biết thế nào Kan Sao cũng phải lấy chống nhưng không ngờ sư việc lại đến nhanh thế. Ở miền núi, người con gái bước vào cuộc trăm năm của mình như thế này. Một buổi chiều ông bố đi uống rượu ở đâu về, gọi nàng lại bảo: “Mày sắp có chồng …”. Tôi chợt nhớ lại nét buồn rầu trên gương mặt Kăn Sao hôm nghe già Kon Lai kể chuyện. Chắc hẵn là vừa đêm qua, nàng vừa nghe câu nói của bố nàng: “Mày sắp có chồng”.
Tôi cố làm những lồng đèn thập đẹp dành cho hạnh phúc của nàng. Bằng giấy mỏng, mực đỏ và mực xanh và những lọ Pênixilin tôi tạo ra những lồng đèn màu đẹp như mong muốn, có cả những chiếc đèn sao viết lồng chữ tên của hai người. Khi chúng được thắp lên, mọi người đều trầm trồ như một sự lạ chưa từng thấy.
Những người đến sự đều ngồi uống trà trên nhà sàn, nhất thiết không nhúng tay vào một việc gì cả. Đó là nghi thức miền núi quy định sẵn. Nhiệm vụ của tôi là mang ống bương xuống gùi nước suối lên để mọi người rửa chân; sau đó làm sạch mọi thứ ruột gan phèo phổi của con lợn vừa mổ để đưa vào nấu nướng. Anh Nhơn không muốn để tôi nhúng tay vào công việc lam lũ này. Nhưng tôi vẫn chọn phần hành: thực ra là để được một mình ở dưới suối. Mở đầu lễ cưới tôi phải thay mặt “cơ qaun” phát biểu. Bài bản cả thôi, nhưng quả tôi đã nói bằng tất cả tấm lòng mong cho em được hạnh phúc suốt đời.
Giữa chừng tôi lặng lẽ ra về sớm. Được một quãng suối, tôi chợt nghe một tiếng gọi nhỏ bên tai:
- Hoàng!
Kan Sao đứng chờ tôi dưới gốc cây, trong bóng tối chập choạng. Nàng ghé đầu vào vai tôi một thoáng. Tôi nâng cằm Kan Sao nhìn đăm đăm vào đôi mắt đen thẳm của nàng rồi đặt một chiếc hôn giữa biệt lên trán nàng.
- Em kỷ niệm anh đây!
Nàng dúi vào tay tôi một vật nhỏ trong khăn tay, rồi quay lưng. Tôi còn kịp nghe tiếng khóc nức nở của nàng rải theo bước chân vội vã dọc con suối, giống như tiếng //// gọi nhau những đêm rừng mưa.
Bên bếp lửa một mình, tôi mâm mê trong tay kỷ vật của nàng.
*
* *
Sau đám cưới Kan Sao, tôi đi thẳng ra chiến trường Quảng Trị theo chiến dịch Thành Cổ và từ đó tôi chưa gặp lại nàng.
Năm trước con gái tôi theo đoàn sinh viên đi cứu trợ đồng bào miền núi. Trở về nó cho tôi xem một tấm hình kỷ niệm và hỏi:
- Ba có biết a mế (mẹ) này không?
Trong ảnh con gái tôi đứng cạnh một bà già gầy guộc, tóc bạc trắng và mặt đầy nếp nhăn. Tôi lắc đầu.
- Bà ấy tên là Kan Sao, nói có quen với ba hồi xưa.
Tôi thất kinh nhìn kỹ lại tấm ảnh. Không thể nào nhận ra nỗi nhưng đôi mắt đen và sâu vẫn tỏa ra cái nhìn lặng lẽ buồn thì đúng như in là Kan Sao. Kan Sao thực sự là một a mế già nua, không phải do tuổi tác bình thường mà là nỗi già nua của sự nhọc nhằn, là sự tàn phá của thời gian số phận. Tôi có cảm tưởng rằng con gái tôi đứng cạnh chính là hình bóng của nàng ngày ấy.
Mỗi lần qua Phú Bài tôi vẫn nhìn thấy dáng của Ariêl chìm trong màu khói núi xanh thẳm. Tôi nhớ một cổ tích Trung Hoa kể về màu núi kia. Có một người lại bị ám ảnh bởi màu xanh bí ẩn của rặng núi trước nhà, bèn quyết định cưỡi lừa đến tận nơi để xem cho biết . Người đi qua núi đồi, suối khe và tung lũng, cứ mỗi lần tới đích thì màu xanh kia lùi lại xa hơn về phía chân trời. Vừa mỏi, vừa đói đành quay về, ngồi bệt trước thềm nhìn lại. Và như thể trêu đùa, cái màu xanh huyền hoặc kia bây giờ lại hiện ra trên rặng núi gần gũi trước nhà.
Mới đó thôi mà…, ôi thời gian, ôi Diễm xưa của tôi!
H.P.N.T