Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điều chưa biết ở xứ sở hoa Tuylip

1

.Buổi chiều tháng ba. Khi tiếng bom của liên quân dội về từ đất nước Libya xa xôi đêm qua như báo hiệu cho tương lai loài người đang sống trong thế giới đi kèm với sự phát triển là bất ổn, biến động bởi chiến tranh, thiên tai… thì những người bạn đến từ “xứ sở hoa tuylip” mặc từng cơn mưa lưa thưa mang theo cái rét ngọt cứ lặng lẽ đi thăm từng phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh chỉ để hỏi anh hướng dẫn viên tại sao lại có nhiều hàng chữ trên bia mộ giống nhau đến thế. Để rồi, khi anh hướng dẫn viên phiên dịch ra tiếng Hà Lan dòng chữ Việt trên tấm bia mộ, họ đã xót xa thốt lên: “chiến tranh là thế này đây. Ôi những con người yêu chuộng hòa bình phải từ giã cái tên họ mà mẹ cha kỳ vọng đặt cho để nhận lấy phần mình dòng chữ “liệt sĩ chưa biết tên” khi Tổ quốc cần”. Tôi biết họ chỉ vô tình ghé chân trên dặm dài thiên lý Bắc – Nam để tìm hiểu con người, thăm thú danh lam, thắng cảnh của đất Việt. Và tình cờ chiều nay tôi gặp họ bởi sự tò mò xen lẫn chút lạ lẫm trước cảnh nhiều người khách nước ngoài vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh và sau đó là chụp ảnh lưu niệm bên chiếc xe tăng gãy gục nòng pháo bên đồi Dốc Miếu.

Nhẹ nhàng nhổ nắm cỏ hoang mọc trên nấm mộ như sợ người chiến sĩ dưới nấm mộ kia không ngon giấc ngủ nghìn thu trên đất mẹ, ông Dirk Vlaar nói với tôi rằng hồi ông chưa đến Việt Nam thì cụm từ “chiến tranh Việt Nam” trong đầu óc ông cũng chỉ mơ hồ như bao cuộc chiến tranh vệ quốc khác trên thế giới mà ông từng đọc qua sách báo.

“Họ đều có tên tuổi, có quê hương bản quán nhưng những kẻ đi gieo rắc chiến tranh bằng súng đạn đã lấy đi tên tuổi của họ. Mỗi người nằm lại nơi đây đều có một miền quê yêu dấu, nơi họ cất tiếng khóc chào đời. Có thể là họ đến từ miền quê nằm e ấp bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa hay con sông Cầu sinh thành nên câu quan họ mượt mà…người ơi…người ở….hoặc có người từ giã vợ con tận miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long lên tàu bí mật vượt biển ra đất Bắc để rồi hòa vào đoàn quân quay trở lại quê hương miền Nam chiến đấu. Tất cả họ có điểm chung là khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng giã biệt quê hương để lên đường góp máu xương vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đến hôm nay, để tìm lại dòng tên của họ, nhiều người mẹ, người chị, người vợ, người anh đã lặn lội cơm đùm, gạo bới khắp chốn rừng sâu, núi thẳm để tìm từng nắm tro xương, di vật của các anh hùng liệt sĩ với nguyện ước trả lại tên tuổi, quê hương bản quán cho họ”. Tôi đã không nén được cảm xúc trào dâng trong lòng mình mà khẳng định với ông Dirk Vlaar như vậy.

 Chờ đợi cho dòng cảm xúc của người bạn Việt Nam lắng xuống, một lúc sau ông Dirk Vlaar mới tâm sự với tôi rằng riêng ở đất nước Hà Lan thân thương của ông thì sự khắc nghiệt, đau thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở từng trang nhật ký của cô bé Anne Frank. Như để tôi biết thêm chút ít về cuộc đời Anne Frank, qua anh hướng dẫn viên phiên dịch, ông đã sơ lược với tôi vài nét về tiểu sử của Anne Frank cũng như không quên tặng tôi cuốn Nhật ký Anne Frank của dịch giả  Đặng Kim Trâm. Cuốn Nhật ký mà ông mua làm kỷ niệm khi đến Việt Nam và dự định mang về Hà Lan để khẳng định với bạn bè rằng những dòng Nhật ký đau thương của cô bé Anne Frank đã không còn biên giới. “Anneliese Marie Frank sinh ngày 12/6/1929 tại Frankfurt-on-Main (nước Đức), trong một gia đình Do Thái. Cha cô bé là ông Otto Heinrich Frank, đã từng là sĩ quan trong quân đội Đức vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng khi Hitler lên nắm chính quyền đã dùng sắc dân Do Thái làm “vật tế thần” (tức là một loại kẻ thù của nước Đức Quốc Xã) thì ông Otto đã quyết định mang gia đình qua thành phố Amsterdam (nước Hà Lan). Vào tháng 5 năm 1940, quân đội của Hitler tràn qua miền đất Hà Lan trung lập. Gia đình Frank cũng như toàn thể sắc dân Do Thái trở thành nạn nhân của một hệ thống chính trị đàn áp và khủng bố. Trước hành động khủng bố này, cha của Anne bắt đầu thu xếp cho gia đình ẩn nấp trong căn phòng không sử dụng nằm dưới mái nhà của tòa nhà số 263 đường Prinsengracht. Cũng từ đó (từ ngày 12/6/1942), Anne Frank bắt đầu viết nhật ký. Cuốn nhật ký được cô viết trên một quyển giấy mỏng có bìa sọc nhiều màu mà cha mẹ cô tặng nhân ngày sinh thứ 13. Thế nhưng khúc cuối bi đát của cuộc đời Anne Frank đã tới vào buổi sáng ngày 4/8/1944, sau khi Anne Frank cùng với những người ẩn nấp đã trải qua 761 ngày đau khổ. Khoảng 10 giờ 30 phút sáng, chiếc xe quân đội Đức ngừng lại trước tòa nhà số 263 đường Prinsengracht, cảnh sát mặc thường phục với một cảnh sát mặc sắc phục dẫn đường chạy vào tòa nhà. Một lúc sau, 8 người Do Thái lẩn trốn đã bị bắt. Tới xế chiều, cô Miep Gies và cô Bep Voskujl là thư ký của cha Anne Frank vào căn phòng bí mật sau khi bọn Đức Quốc Xã bỏ đi. Trong khi thu lượm giấy tờ rơi rải rác trên sàn nhà, Cô Miep đã tìm được tập nhật ký của Anne Frank. Một tháng sau, 8 người Do Thái lẩn trốn kể trên bị dồn vào toa xe lửa cuối cùng chở các tù nhân từ Hà Lan tới trại tử thần Auschwitz. Sau đó, Anne bị đưa tới trại Bergen-Belsen thuộc miền trung của nước Đức. Tại nơi này, giống như số phận của 28.000 tù nhân Do Thái khác, Anne qua đời vào tháng 3 năm 1945 trước vài tuần lễ khi quân đội Anh tiến vào trại tử thần ngày 15/4/1945”.

Đứng bên cạnh ông Dirk Vlaar, vợ ông chia sẻ: “Đến hôm nay khi tôi đặt chân tới nơi này để tự tay sờ lên từng tấm bia mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, tôi mới thực sự thấu suốt cụm từ “chiến tranh Việt Nam” cũng như bao cuộc chiến tranh khác đã diễn ra hay đang manh nha trên thế giới. Dọc đường từ Bắc vào Nam, tôi thấy nhiều nghĩa trang như thế này. Nhiều lắm. Đó cũng là điều mà tôi chưa biết ở “xứ sở hoa tuylip” của tôi”.

Quỹ thời gian hạn hẹp nên những người bạn Hà Lan chỉ dừng lại chốc lát rồi lên xe, để lại tôi cùng cơn mưa chiều ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh. Chỉ còn tôi với niềm hối tiếc đã không kể cho họ nghe câu chuyện gần nửa đời người đi tìm nắm xương cốt ông tôi giữa hàng bia mộ “liệt sĩ chưa biết tên” của bà ngoại tôi.

 

2. “Khi mô tìm được nắm xương cốt ông thì bà mới yên lòng mà nhắm mắt xuôi tay. Chừ thì đêm mô bà cũng nhìn thấy ông mặc bộ áo quần sờn rách về đứng ở sân mà không nói chi cả. Hay ông giận bà không đi tìm ông về nên không thèm nói chuyện với bà. Mà đến khi mô thì bà mới tìm được ông về để tự tay đắp cho ông nắm đất, khắc cho ông cái tên…”. Lời nguyện cầu đó của bà ngoại cứ chảy suốt lòng tôi từ thuở bé thơ giành nhau với mấy đứa em để được nằm cạnh bà trong đêm vắng làng quê cho đến khi đủ lớn để thấu hiểu nỗi đau đớn, xót xa, thương nhớ gửi gắm trọn vẹn trong lời nguyện cầu ấy. Để mường tượng được hình ảnh của ông cùng trận đánh ác liệt đến giọt máu cuối cùng của ông cùng đồng đội trong câu chuyện kể của bà. Bà kể: “Buổi sáng ngày 4/6/1966, ông cùng đồng đội trong đơn vị K8 (Tỉnh đội Quảng Trị) khi hành quân qua làng Phú Liêu (xã Triệu Tài, Triệu Phong) thì lọt vào ổ phục kích của địch. Địch quá đông nên đồng đội của ông hy sinh gần hết. Chỉ còn lại vài người nhưng ông cùng đồng đội đã dùng bờ mương, góc ruộng làm chiến hào để bắn trả quyết liệt khiến địch không dám xông lên. Trận đánh ác liệt kéo dài cho đến cuối ngày thì ông và đồng đội hết đạn. Không thấy tiếng súng đánh trả, bọn địch vẫn bắn như vãi đạn về phía ông cùng đồng đội đang chờ chúng đến với lưỡi lê lên nòng cho trận tử chiến cuối cùng với kẻ thù. Ông đã hy sinh sau hai năm nhập ngũ (nhập ngũ ngày 20/7/1964). Đêm hôm đó, bà con làng Phú Liêu đã bí mật chôn cất ông cùng đồng đội. Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông và đồng đội ông được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nhưng rồi chính việc quy tập làm thất lạc sơ đồ mộ chí. Ông thành “liệt sĩ chưa biết tên” từ đó cho đến tận bây giờ”.

“ Nhiều năm rồi, năm mô bà cũng lên Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Tài, Triệu Phong thắp hương. Có thể ông đang nằm đâu đó trong các phần mộ “liệt sĩ chưa biết tên” ở hai nghĩa trang ni. Mỗi lần lên thắp hương là bà cứ thắp hết lượt. May ra, hương khói làm ấm lòng ông cùng đồng đội. Bà chỉ làm được chừng đó…Mẹ và mấy dì của cháu cùng bà nhiều năm nay đã lần lặn lội đi khắp nơi nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp mộ ông nhưng rồi mỗi người nói một cách nên bà không biết ông nằm ở phần mộ mô” – Bà nói với tôi mà như tâm sự nỗi lòng bà cùng với ông trong buổi chiều cuối năm tôi theo bà lên thắp hương các phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Tài. Tôi thấy giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua của bà. Màn đêm đã buông mà bà vẫn ngồi tần ngần bên nấm mộ “liệt sĩ chưa biết tên” như chẳng muốn về.

 

H.T.S

 

Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

1 Phút trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

13 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground