Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đỉnh Ba-Rai cao vút

T

ôi lên Cù Bai vào những ngày cuối Đông. Không còn phải ngồi xe gát đặc chủng của bộ đội Biên phòng rẽ cây rừng mà đi. Cũng không phải ngược sang đất bạn Lào, vòng về lội sông, cắt rừng đến mệt nhoài cả ngày đường nữa. Đường Trường Sơn huyền thoại đã thông thương từ Bắc vào Nam. Những cung đường rải nhựa phẳng lỳ, uốn lượn lên dốc, xuống đèo, vòng theo chân núi, vượt qua bao nhiêu núi đồi hùng vĩ của miền tây Khe Sanh, Hướng Hóa. Xe chúng tôi dừng chân bên đỉnh Mù Sương, ngắm cảnh đẹp mê ly khi đèo Tà Rưng được chẻ làm đôi cho con đường vươn dài về phía trước. Mãi ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ của Trường Sơn, tôi không biết mình đã ở bên bờ sông Xê Băng Hiêng. Chiếc xe nghiệp vụ của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh không qua cầu mà chở chị em chúng tôi lội ào qua sông. Nước réo ràn rạt hai bên thành xe, qua những quãng sâu, nước như chực ào qua cửa xe trông đến là thích.

Sau gần hai giờ đồng hồ, từ đồn Biên phòng Sen Bụt 609, đúng ba rưỡi chiều, chúng tôi đã có mặt ở đồn Biên phòng Cù Bai. Ở Đông Hà, buổi sáng, trước khi xe chuyển bánh, Phó tổng biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Mính Tứ đến chào chúng tôi, chúc một chuyến đi vui vẻ. Anh còn dặn chị em trong CLB nhà báo nữ: Các chị nhớ mặc cho thật ấm. Biên giới mùa này lạnh lắm. Đông Hà đang lạnh mười hai độ, mưa bụi bay ướt áo. Bây giờ, chúng tôi đang đứng trước cổng đồn Biên phòng Cù Bai, trời như chiều lòng, không mưa lạnh, ửng một chút nắng cuối chiều.

Vây quanh chúng tôi là những gương mặt chiến sĩ trẻ trung, gọn gàng trong những bộ quân phục mới. Những câu chào hỏi thân tình, những cái bắt tay thật chặt. Nhìn khung cảnh của đồn phong quang sạch sẽ, lại có băng rôn “Mừng Đảng mừng xuân” treo ngay ngắn trước cổng nhà Hội trường, tôi như thấy mùa xuân đến sớm nơi biên cương. Và tôi được biết ở đồn sáng nay vừa diễn ra một sự kiện quan trọng là “Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ mới” vừa kết thúc. Từng gương mặt rạng rỡ, tươi tắn, chững chạc trong những bộ quân phục của lính tôi càng thấy thêm tin yêu các anh.

Cũng đã vài ba lần tôi đến vùng Lìa, qua đồn Biên phong 617, cửa khẩu La Lay, đồn biên phòng 609, cửa khẩu Lao Bảo. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Cù Bai, vùng đất xa xôi, cách trở nhất của tỉnh Quảng Trị. Những gì tôi được tận mắt chứng kiến, nhìn thấy và những gì bạn bè đồng nghiệp đã đi, kể lại từ trước, tôi hiểu ở đây đang có một sự đổi thay lớn mạnh.

Trung tá Nguyễn Tấn Trịnh, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình có một thâm niên công vụ trên đất Bình Trị Thiên khói lửa trên hai mươi năm, anh đã từng lên rừng, xuống biển, gắn bó mỗi vùng biên cương xa xôi của Quảng Trị. Anh về cắm chốt tại Cù Bai vài năm nay, với cương vị Chỉ huy trưởng kể cho chúng tôi nghe: Đồn Cù Bai được thành lập tháng 3 năm 1959, đến nay qua 45 năm chiến đấu và dựng xây, đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Đứng chân và quản lý một xã Hướng Lập rộng lớn gần bằng một huyện đồng bằng, diện tích gần 22 ngàn ha. Một trăm phần trăm là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, các thôn bản cách nhau hàng ba, bốn chục cây số. Hướng Lập thực sự là địa bàn trọng điểm hết sức hiểm trở, khó khăn và phức tạp. Một vùng biên giới rộng lớn, với chiều dài 27km đường biên gồm 9 thôn, 13 bản, 352 hộ trong tổng số 2.232 nhân khẩu. Các anh trong Ban chỉ huy đồn, anh Trịnh, anh Hiến, anh Sơn luôn trăn trở, để đề ra kế hoạch xây dựng đồn vững mạnh. Trong công tác tuần tra, các anh phải vượt qua từng con suối, trèo qua những ngọn núi cao, vừa kiểm tra từng mét đường biên, phát quang từng cột mốc. Đồn có ba trạm kiểm soát là trạm Tà Rưng, Tà Puông và trạm Cù Bai ở rất xa đồn. Cán bộ chiến sĩ từ trạm Cù Bai mỗi lần về họp, giao ban phải lội rừng nửa ngày đường mới đến được Đồn… Nhất là bản Cuôi là bản xa nhất xã, giáp biên giới xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), chỉ vỏn vẹn 14 hộ dân. Để đến được bản tuyên truyền vận động dân bản thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, các chiến sĩ của đồn Biên phòng Cù Bai phải vượt qua 50 con suối, và núi rừng hiểm trở đi cả ngày mới tới được bản đó. Đó là nói những ngày bình thường. Còn mùa mưa lũ, có khi các anh phải mắc kẹt giữa rừng sâu, đói ăn, sốt rét hoành hành, chưa thể nào chế ngự được con bệnh sốt rét rừng quái ác.

Nhưng với tinh thần anh Bộ đội Cụ Hồ, “đâu có giặc là ta cứ đi”. Ở đâu có giặc dốt, giặc đói, giặc mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu là ở đó có mặt các anh. Nhất là trong chương trình phối kết hợp xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ, cán bộ và chiến sĩ đồn đã tham mưu đắc lực cho chính quyền xã để tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với từng hộ dân. Nhất là về công tác xóa mù chữ, công tác bảo vệ rừng, về chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, về thâm canh gối vụ. Công việc của Đội vận động  quần chúng là một trong những công việc vất vả nhất. Cán bộ chiến sĩ phải đến từng thôn bản để vận động con em đến trường học chữ, vận động sinh đẻ có kế hoạch, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đồn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra song phương với nước bạn Lào; Hàng tháng, hàng tuần kiểm tra từng cột mốc, từng đoạn đường tiểu mạch qua biên giới. Chính nhờ vậy, đồn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị: bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn, đoạn biên giới được phân công.

Cũng chính nhờ vào sự phối kết hợp, nhờ tận tụy và sự hy sinh lặng thầm của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng nơi biên cương này mà đời sống nhân dân trên địa bàn đồn quản lý đã giảm được nghèo, không còn hộ đói. Nhiều thôn bản như Cù Bai, Tà Rưng, Cà Tiêng, A Xóc… đã được công nhận đơn vị Văn hóa cấp Tỉnh lần hai. Đồn có hai y sĩ ngoài công việc chuyên môn, thường xuyên chăm lo chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho nhân dân theo chương trình 135. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, các anh trong Ban chỉ huy cũng đã có nhiều chương trình cải thiện đời sống tinh thần cho chiến sĩ, cho đồng bào dân bản thông qua việc xây dựng nhà văn hóa, khuôn viên, ghế đá, bồn hoa, cây cảnh. Nơi đây bà con và chiến sĩ thường xuyên được xem truyền hình. Trước đây, đời sống chiến sĩ tự túc là chính, nay có đường Hồ Chí Minh đi qua, giao thông thuận tiện, đời sống cán bộ chiến sĩ ngày càng được cải thiện. Đơn vị chăn nuôi được mười con bò, ba mươi con dê, gần hai chục con lợn phục vụ bộ đội trong những dịp lễ tết.

Tôi hỏi anh Trịnh:

- Anh đã có chuẩn bị gì cho anh em chiến sĩ vui Tết?

- Ban chỉ huy chúng tôi đã chuẩn bị cho Tết cổ truyền của dân tộc, chuẩn bị mua sắm hàng tết chu đáo cho từng bộ phận. Trong điều kiện xa xôi, cách trở, nhưng chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị cho cán bộ chiến sĩ đón một cái Tết nơi biên cương thật chu đáo và ấm cúng. Đơn vị cũng đã xác định một trăm phần trăm chiến sĩ yên tâm ăn tết tại đơn vị, đảm bảo an toàn địa bàn.

- Anh có nhắn nhủ gì về xuôi không?

- Cán bộ chiến sĩ đồn chúng tôi, chúc hậu phương đón một mùa xuân mới thật hạnh phúc. Còn điều quan tâm và trăn trở nhất của chúng tôi là làm sao tham mưu cho chính quyền xã để xây dựng một hệ thống trường học, có thầy cô giáo dạy học cho con em dân bản, vận động làm sao để xóa bỏ được những hủ tục còn nặng nề lạc hậu, nam nữ ngày càng được bình quyền. Hiện nay, đường Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều thôn bản, nhưng cũng có những bản xa xôi, cách trở như Cuôi, Cù Bai, Xê Pu chưa có đường đi. Bà con nhiều thôn bản đã phải bán bò đàn để đầu tư khai hoang trồng lúa nước. Vì vậy chúng tôi muốn đề xuất với Đảng và chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa đối với nhân dân vùng sâu vùng xa, làm sao cho họ có một con đường nhỏ, một công trình thủy lợi nhỏ, để bà con dân bản làm được lúa nước mà khỏi phải bán đi đàn bò là sức cày kéo. Nhiều bản như Tà Pằng, Xê Pu, bản Tri đã có trường học, có học sinh nhưng lại không có giáo viên, nhân dân yêu cầu các anh biên phòng dạy học. Cần có sự phối hợp nhất định giữa đồn biên phòng và Phòng Giáo dục huyện để cho trên 100 học sinh các bản này được học cái chữ. Và có như vậy mới giúp bà con dân bản thay đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm chủ cuộc đời.

Buổi tối xuống nhanh trên vùng rừng núi. Dự định đốt lửa trại của chúng tôi không thành vì trời bắt đầu mưa săn hạt. Trong hội trường vừa được trang hoàng cho Đại hội Đoàn lúc sáng, chúng tôi cùng cán bộ chiến sĩ của đồn hát những khúc quân hành của người lính. Ngân vang giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, tiếng hát, tiếng thơ, tiếng đàn quyện vào nhau không dứt. Những câu ca hùng tráng: Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao rồi Đời mình là một khúc quân hành…cứ vang xa, vang mãi. Cùng với anh chàng Hải - người dẫn chương trình vui nhộn, cộng với những điệu lăm vông, đêm như ngắn dần nơi miền biên ải. Một số bà con dân bản đã tụ tập để nghe hát… Rồi chúng tôi thiếp đi giữa điệp khúc Trường Sơn trong hương rừng biên cương.

Buổi sớm, khi mọi người còn yên giấc, tôi dậy một mình ra đứng lặng trên cầu Sê Băng Hiêng. Nhìn dòng sông miệt mài chảy giữa bốn bề rừng núi thâm nghiêm, lòng tôi dậy lên cảm xúc rưng rức khó tả. Phía bên kia đỉnh núi Ba Rai là bản Tà Rùng, một trong những bản làng đổi mới nhiều nhất của xã Hướng Lập. Bản Tà Rùng với 48 hộ dân, trên 300 nhân khẩu, canh tác 20 ha ruộng lúa nước mỗi năm hai vụ, thu từ 15 tấn/ vụ. Bản Tà Rùng của Hướng Lập đã xóa được đói, giảm được nghèo, hầu hết con em dân bản đã được đến trường học. Tôi nghĩ, rồi đây tất cả mười ba bản của xã Hướng Lập xa xôi, hiểm trở này cũng sẽ được như Tà Rùng vì đã có những người lính Biên phòng nơi đây nâng cánh, giúp đỡ họ. Bất chợt, tôi ngước nhìn lên đỉnh Ba Rai cao vút, đỉnh núi như một tấm bình phong che chắn gió bão mưa nguồn bên kia cho bản Tà Rùng, bên này cho bản A Xóc, nơi tôi đang đứng. Cũng phía bên này sông, phía bắc bản A Xóc là đỉnh Cà Tam vách đá dựng đứng. Hình sông thế núi của Tổ quốc mình nơi đây đẹp đến mê hồn.

Còn nhớ lúc tối, trước khi giao lưu văn nghệ, tôi đã hỏi Hoàng Xuân Thảo, anh lính đẹp trai, quê Hà Tĩnh, tốt nghiệp phổ thông trung học, Thảo ước mơ thi đỗ Đại học biên phòng. Bây giờ anh đã toại nguyện, học xong anh được điều vào Quảng Trị và anh đã có hai năm tuổi quân tại đồn Cù Bai.

Tôi hỏi em: - Răng học xong Thảo không xin về một nơi gần nhà, gần người thân cho đỡ vất vả?

- Ước mơ tuổi trẻ của chúng em là được đi xa. Em nghĩ đã là người lính thì ở đâu cũng vất vả và thiếu thốn. Nhưng tuổi trẻ tụi em lại thích được đi xa và cống hiến. Sống giữa bạn bè và đồng đội nơi này em cảm thấy vui lắm.

Trung úy Hồ Văn Ngụ, người con của núi rừng Pa Cô thì lại kể cho tôi về sự quan tâm của cấp trên. Anh được theo học lớp Đại học biên phòng. Anh trở về quê hương đem những điều học được phục vụ đồng bào con dân bản quê hương mình, anh tự hào và cảm thấy thật hạnh phúc.

Tôi gặp những dòng thơ trong lá thư người vợ đồn phó Nguyễn Thanh Hiến gửi thăm chồng, trong nhớ nhung yêu thương chờ đợi vẫn mong chồng con mình làm tròn trách nhiệm trên giao: Thư lên sát với nước Lào/ Biết anh trên ấy thế nào cũng mong/ Chúc anh phấn đấu lập công/ Tình yêu giữ đất biên phòng - có em. Ôi! Những người vợ, người mẹ và người yêu của lính. Biết bao đêm thấp thỏm, âu lo, nhớ thương đợi chờ chồng con, người yêu trong xa cách. Cuộc sống bình yên hôm nay được trả giá bằng máu xương của biết bao lớp người chiến sĩ, vẫn đâu hết được những trăn trở và hy sinh lặng thầm của các anh.

Và tôi cũng bắt gặp trong phòng truyền thống những nét chữ non nớt của các cháu học sinh ở khắp mọi miền quê, viết thư động viên các chú Bộ đội nhân dịp tết đến xuân về. Cháu Lê Thị Thúy Vi, viết: Mỗi dịp xuân về tết đến cháu lại nhớ các chú bộ đội ngoài biên giới. Các chú đã giữ cho Tổ quốc được bình yên để chúng cháu hằng ngày cắp sách đến trường. Nơi biên cương mùa này chắc là lạnh lắm. Các chú nhớ mặc cho ấm để giữ gìn sức khỏe khi đi tuần tra. Cháu hứa sẽ học tập thật tốt…

Ừ biên giới mùa này lạnh lắm. Nhưng tất cả chúng tôi như ấm lên bởi những tình cảm gần gủi thân thương từ hậu phương gửi đến, từ biên cương xa xôi gửi về. Từ những suy nghĩ của các em - những chiến sĩ nơi biên cương, tôi nghĩ về những cảnh náo nhiệt của thị thành. Giữa cảnh đời đua chen cơm áo, những người lính trẻ trung này có quyền khoác tay bạn gái đi giữa phố đông, vào một quán cà phê nơi góc phố, nhâm nhi giọt cà phê đắng hay cùng người yêu dạo phố dưới ánh đèn nê ông sáng xanh để nghĩ về một ngày mai tươi sáng… Vậy mà tất cả họ đang ở đây, nơi biên cương mù xa, trong ồn ào phút chốc khi có chúng tôi lên thăm. Còn ít phút nữa thôi xe chúng tôi chuyển bánh về xuôi, các anh, các em - những người chiến sĩ ai lại vào việc nấy, lại lặng thầm vượt núi cao suối sâu đến từng bản làng, trên mỗi mét đường biên ải để giữ gìn Đất mẹ. Những người lính Cụ Hồ, lặng thầm đi, lặng thầm hy sinh, chịu trăm bề thiếu thốn để đem cái chữ, đem ánh sáng đến với bà con dân tộc, làm đổi đời những người dân Pa Cô Vân Kiều hàng nghìn đời nay đói khổ… Họ là những người lính Cụ Hồ.

Mọi người đã thức dậy đón chào một buổi sớm mai. Chúng tôi chia tay các anh, tạm biệt núi rừng biên cương xã xôi mang theo những niềm yêu thương và nỗi nhớ. Tôi thầm hứa với các anh: hẹn một ngày gần nhất trở lại.

                                                                                                   T.S

Thúy Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 113 tháng 02/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground