Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đông Hà mà tôi yêu mến

Dễ đã mười năm về trước, khi lần đầu tiên nghe bài hát “Đông Hà thành phố tương lai” của Hoàng Sông Hương, đứa bé mười lăm tuổi lúc ấy là tôi đã bồi hồi xúc động. Trước những gì tương tự như thế, con người thường lý giải cho mình rằng nó xuất phát từ lòng yêu thương quê hương. Cho đến ngày chợt hiểu mình khát khao gặp tác giả của bài hát kia, tôi mới nhận ra điều đó. Cảm giác ấy giờ đây vẫn còn in đậm trong tôi, cho dẫu dễ chừng ấy thời gian đã qua đi.
 

Hôm nay, hoài bão làm được một việc gì đó để bày tỏ được lòng tự hào về quê hương và cũng là để xứng đáng với quê hương vẫn chưa thực hiện được, thì cũng chính bài hát năm xưa ấy thôi thúc tôi trở về. Những mong đứa con đi xa trở về cảm nhận được sự đón chờ độ lượng của quê nhà, mạ tôi âu yếm nắm tay tôi từ ngoài ngõ để đưa vào nhà, hệt như hồi tôi còn bé. “Tháng này, con tròn hai mươi lăm tuổi. Mạ nhớ ngày sinh con vào tháng ba năm bảy hai, bom đạn nổ hết ngày này qua ngày khác ở nơi này. Vậy mà đã hai mươi lăm năm”… Ơi, ký ức của mạ tôi vẫn chưa hết những ngày khốc liệt của chiến tranh. Dẫu mạ không nói ra nhưng tự đáy lòng mình, tôi chợt hiểu mạ đang nhắc tôi về cái ngày lịch sử của mảnh đất đã sinh ra và nuôi tôi lớn lên. Tôi không thể dám chắc ngày mình cất tiếng khóc chào đời mình hạnh phúc hơn hay hôm nay được trở về nghe những lời của mạ mình hạnh phúc hơn. Chỉ có điều, khi rời khỏi ánh mắt yêu thương của mạ, tôi bước đi trên những con đường trong thị xã nhỏ bé này mà lòng chợt nghe câu hát “Đông Hà mà ta mến yêu” dâng đầy trở lại.

Hai mươi lăm năm đó là một thời gian cho một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Cũng trong ngần ấy thời gian, những chủ nhân mới của vùng đất nắng lửa, gió Lào và bụi đỏ này đã thực hiện một cuộc chạy đua với thời gian để biến niềm mơ ước của ngày chiến thắng thành sự thật. Dẫu chưa đủ thênh thang và hiện đại, con đường Hùng Vương giữa lòng thị xã cũng có thể đem đến cho bước chân người qua đôi chút thư thả. Hai bên đường, phố mới đã mọc lên san sát đang ấm dần lên trong không khí náo nức của cuộc sống hôm nay. Có lẽ, những người như tôi thuộc lớp hậu sinh, lớn lên đã thấy quê hương im tiếng súng, bom. Nhưng chúng tôi lớn lên trong những nhọc nhằn gian nan của cuộc đời đặt lên vai mọi người sau một cuộc chiến. Chúng tôi là những người chứng kiến từng ngày mồ hôi của mạ, của ba, của o, của bác và của anh chị… trộn vào đất đá nơi đây trong suốt hai mươi lăm năm qua để khỏa lấp những vết thương chiến tranh và để xóa đói giảm nghèo cho chính mình. Vâng, đó là cái mà tất cả chúng ta không đếm được, không quên được. Cũng chính từ những giọt mồ hôi ấy trong rất nhiều hồi niệm của tôi về quê nhà chưa bao giờ vắng đi hình ảnh của một miền đất được thức dậy, được hồi sinh sau mấy chục năm chiến tranh tàn phá nặng nề.

   Đến Quảng Trị sau ngày giải phóng nhà báo phương Tây đã bình luận không một chút đắn đo cân nhắc: “Mảnh đất này bị chiến tranh hủy diệt đến 200%”. Khó có thể hình dung chính xác về định lượng ấy, nhưng tôi không thể nào quên cái thị xã Đông Hà ngày ấy hoang tàn đổ nát như thế nào. Đâu đâu trên mảnh đất này cũng chỉ toàn là “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ”… dưới hơi nóng của những đợt gió Lào thổi tràn. Những ngôi nhà được dựng lại trên tro tàn. Ngày đất nước thống nhất, người Đông Hà quay trở lại với dòng sông Hiếu ngày một nhiều hơn. Dẫu rằng đó là sự trở về với hai bàn tay trắng và những đau thương mất mát tính bằng xương máu của một thời loạn lạc. Bắt đầu từ đó, họ chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống mới. Cái đận khởi đầu ấy quả thật gian nan bởi vùng đất nhỏ bé này quá nhiều phế phẩm của chiến tranh hơn là đất đai, ruộng đồng mầu mỡ. Tuổi thơ tôi trôi qua trong những ngày ba tôi và nhiều người khác, sau thời gian làm việc ở hợp tác xã phải đi tháo dây thép gai ở sân bay cũ, kiếm từng phuy xăng hỏng…về làm vách nhà. Một buổi chiều như bao buổi chiều anh em tôi ngồi học bài bên bàn, đợi ba tôi về, và rồi ở bậc cửa ba tôi xuất hiện với nét mặt ủ dột. Thì ra chiều hôm đó, người đi cùng gỡ thép gai với ba tôi đã chết vì vấp phải mìn. Thời gian đó, sau mấy tháng sinh em nhỏ thì mẹ tôi mất sữa, em bé khóc ngằn ngặt, ba tôi gạn nước cơm mớm cho em trong lúc nước mắt mạ tôi lã chã rơi. Chợ Đông Hà ngày ấy chưa mấy đông, hàng hóa ít và mạ tôi trồng rau muống, bầu bí, khoai môn…đem đổi chén cá, bát tôm. Đường đi lối lại phần lớn vẫn còn bị khuất lấp bởi nhiều cỏ dại. Và niềm vui của đám trẻ con chúng tôi ngày đó là nỗi mong chờ cái ngày đến lượt xóm nhà mình lại có điện thắp sáng thay những lúc học bài ở nhà trong ánh đèn dầu yếu ớt. Mơ ước trong tôi về một thị xã thân thương sáng bừng ánh điện được gieo mầm từ đó. Điều ấy vượt lên cả nỗi khát khao không còn ăn bo bo, cơm độn sắn chan nước mắm mậu dịch. Và chính từ ước mơ thời bé con đó của chúng tôi mà ba mạ tôi chắt chiu từng hào nhỏ nuôi chúng tôi ăn học. “Ấu nhi học, tráng nhi hành” – tôi tin vào câu nói đó theo từng ngày thấy rằng thế hệ sinh ra chúng tôi đã và đang phát quang nhiều hướng đi tới một con đường rộng mở và tươi sáng cho mai hậu. Ngày ấy, cả phường Một – nơi đông dân cư nhất của thị xã mới có vài trăm nóc nhà với nhiều ao tù và bóng tối, phường Hai hiu nhất với những ao hồ, phường Năm heo hút với những khu đồi lóc xóc đá sỏi và bụi rậm. Trẻ con chúng tôi không dám ra khỏi nhà vào ban đêm, không được đi xa hơn xóm mình để bắt chuồn chuồn, đuổi bướm…

Cho đến bây giờ, thời gian vẫn neo trong ký ức tôi hình ảnh xác những chiếc xe tăng nằm dưới chân cái lô cốt đen ngòm trên đỉnh dốc của con đường ga – nơi cao nhất của thị xã hồi ấy. Sau giờ tan lớp, chúng tôi thường đến đó, trèo lên những khối thép im lìm ấy chơi ú tim. Ở đó, cũng sau giờ tan học, anh trai tôi đặt thùng đồ nghề sữa chữa xe đạp lúc vừa tròn bảy tuổi để kiếm tiền giúp ba mạ. Suốt những mùa hè gay gắt nắng và gió Lào, mùa đông mưa dầm như thế làm anh tôi bớt hồn nhiên đi ít nhiều. Nhưng anh vẫn nhường cho tôi và những đứa em sau nữa chiếc khăn quàng đỏ mới tinh, cuốn vở đẹp hay ngòi viết tốt – phần thưởng của anh qua mỗi năm học xuất sắc. Thuở ấy, trên mảnh đất này có bao nhiêu người anh như thế ai nào dễ đếm được.

Chẳng là Đông Hà của người Đông Hà cứ hoài cơ cực, cứ mãi chịu những cơn khát của vùng đất khát. Nhiều gia đình đã ra đi. Họ vào nam tìm chỗ sống dễ dàng hơn, cho dẫu đó là: vùng kinh tế mới hay không. Hàng xóm của chúng tôi vẫn lại là một đại úy của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, sau mấy năm học tập chú trở về với chiếc xe đạp cũ để đi thồ, nuôi bốn đứa con bằng tuổi anh em tôi, vợ của chú là một giáo viên. Đó là một phụ nữ xinh đẹp, những năm tháng ấy, cô cũng nhanh chóng quên việc tô lục chuốt hồng để cuốc mảnh đất cằn khô sau nhà trồng rau, nuôi lợn. Có hàng ngàn gia đình như thế ở cái thị xã nhỏ bé này thời ấy. Họ quen dần với tem phiếu, mậu dịch quốc doanh trong nhiều thiếu thốn của cuộc sống thường nhật. Nhưng, điều lạ lùng hơn hết là người ta vẫn sống, vẫn hy vọng, vẫn yêu nhau, sinh con đẻ cái, vẫn cho con cái đến trường trong chính những nhọc nhằn của họ. Có lẽ, họ sống bằng sức lao động, niềm tin và hy vọng về ngày mai. Bởi họ đã thấy qua cái ngày cả một vùng Triệu Hải đồng khô cỏ cháy nẻ chân chim bị bỏ hoang vào mùa hè, ngập trắng bờ vào mùa mưa thành bờ xôi ruộng mật khi dòng nước của công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn chảy về. Rồi hạt lúa củ khoai ngày thêm căng mẩy, dồi dào và ngọt bùi hơn.

Bây giờ, đứng trên cầu Đông Hà nhìn xuống dòng sông yên bình chảy với tấp nập thuyền ngược xuôi, nhìn người nhộn nhịp mua bán trong ngoài khu chợ mới khang trang bề thế, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Dường như chỉ mới hôm qua, tôi còn nghe câu hát “Gặp lại em nhớ câu hò hẹn, giải phóng quê hương ta đi vào nhà máy… giải phóng quê hương ta xây lại Đông Hà”… Tôi đã yêu bài hát ấy, đã sung sướng trong lần đầu nghe người khác hát nó lên giữa những gian nan của Đông Hà ngày ấy. Tôi mang theo bài hát ấy vào trường Đại học đúng ngày chia tách Bình Trị Thiên. Đông Hà trở thành trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Kiến thiết và dựng xây. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi về thăm nhà lần đầu tiên trong đời sinh viên, thấy cái lô cốt cùng những chiếc xe tăng trên đỉnh dốc không còn nữa. Và kìa, nhà máy xi măng đang nhả khói bên những công trình xây dựng đang mọc lên.

Vậy là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã đúng khi ông cảm nhận được Đông Hà sẽ đổi mới, đi lên. Có lẽ điều đó xuất phát từ lòng tin và niềm hy vọng. Hay chính nhạc sĩ nói thay cho người Đông Hà mơ ước của chính họ từ những ngày khó nhọc về một “Đông Hà thành phố tương lai”.

Tương lai của ngày ấy đã thành hiện thực hôm nay. Dẫu chưa thể gọi là Thành phố, dẫu vẫn còn bề bộn với công việc phải làm cho thị xã đẹp và giàu hơn, nhưng tôi đã nghe những người đi xa Đông Hà hàng chục năm cứ xuýt xoa trước những thay đổi của thị xã. Sẽ hóa thành một bản tụng ca mới, nếu kể hết những điều con người Đông Hà đã và đang làm được. Hai mươi lăm năm đã đi qua với bao thay đổi của thời thế, từ bao cấp đến kinh tế thị trường con người ở đây luôn cố gắng hết sức mình để nâng cuộc sống lên từng bước một, để có được ngày sánh bước cùng cả nước trên con đường đến ấm no hạnh phúc.

Không còn nữa một Đông Hà đi ngủ sớm trong những đêm mất điện. Phố phường giờ đây rộn rã tiếng người xe qua lại. Đã qua rồi cái thời những đoàn xe quá cảnh lao nhanh trên những con đường nhỏ hẹp của thị xã, để lại những đám bụi đỏ khổng lồ trước nỗi sợ hãi của các em nhỏ. Vùng đồi phường Năm hoang vắng ngày trước đã trở nên đông vui cùng phường Một, phường Hai. Những miền quê Đông Thanh, Đông Giang, Triệu Lương, Triệu Lễ đã ấm sáng từng mái nhà dân, từng ngôi trường lớn nhỏ… Con người vẫn làm việc, vẫn chưa thể xoa tay ngồi ngắm tất cả - nhưng đã có đôi chút thảnh thơi trên đồng ruộng, nhà máy để ngẩng nhìn quê nhà trong nụ cười rạng rỡ. Những đứa trẻ sau “30 tháng 4” của thị xã đã trở thành sinh viên, kỹ sư, giáo viên… đỉnh đạc đường hoàng. Và các cuộc trò chuyện giữa những chủ nhân mới ấy của Đông Hà hôm nay là cơ chế thị trường với nhiều cách làm giàu từ gia đình đến xã hội, vốn đầu tư, kỹ thuật tin học, đường dây 500KV, bưu chính viễn thông, đĩa compac, ngoại ngữ, phim ảnh và thời trang… Cũng từ những người trẻ tuổi đó, tôi thấy rõ con đường xuyên Á, cảng Cửa Việt, khu thương mại quôc tế của nơi này không chỉ có trên các văn bản dự án, như dòng nước Trúc Kinh vừa tràn vào đồng ruộng đây đó…

Hai mươi lăm năm của “nhân sinh thất thập” đủ để cho Đông Hà của chúng ta bao niềm vui qua biết mấy lo âu vất vả. Mới hôm nào đây thôi, đi giữa Hà Nội nhộn nhịp, hay Huế thơ mộng, hoặc Sài Gòn hoa lệ, lòng tôi rưng rức niềm nhớ và thấy Đông Hà của mình còn lắm gian nan nghèo khó. Mà đó cũng là lúc càng yêu thêm mảnh đất quê nhà. Để rồi hôm nay nghe trong gió nơi này những chuyện vừa quen vừa lạ mà khấp khởi mừng vui. Hai mươi lăm tuổi, vẫn còn vài mươi năm nữa để tôi hy vọng và tin yêu cùng quê nhà “xây những tầng cao cao mãi”. Điều đó mãi là niềm mơ ước trong tôi và cũng sẽ là hiện thực của Đông Hà mà tôi mến yêu.

N.B.N

Nguyễn Bội Nhiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground