- Lên thôi Tấn ơi ? Đừng bơi ra xa, nguy hiểm đó...
- Tôi phớt lờ, lặn một hơi, trở vào bờ, ngoi lên gần chỗ đứng của Thơ.
Anh làm em mất hết cả hồn vía. Lặn sâu thì có bữa uống no nước đấy, Tấn ạ.
Năm đó nhà thờ La Vang rước kiệu to lắm. Người tứ xứ đổ về thị xã. Giáo hội cả miền Trung tụ tập về đây. Thơ rủ tôi đi xem rước lễ. Trưa ấy Thơ đãi tôi một chầu bánh khoái bà Chung. Bánh ngon nổi tiếng vùng này.
Một buổi chiều hè thời tiết đổi thay nhanh chóng. Những hạt mưa lất phất rơi, ướt áo người đi đường. Nóng càng oi bức thêm. Đội tự vệ chiến đấu của khu phố đi bộ dọc bờ sông, cầm loa trái bầu phát đi mệnh lệnh khẩn cấp của ủy ban kháng chiến Hành chính Trung bộ:
... “Chiến tranh! Toàn dân tiêu thổ kháng chiến”. Thị xã ầm ầm chuyển động. Giặc Pháp từ Lào tràn về Lao Bảo. Nhiều toán đi xuyên rừng. Lệnh tản cư, thực hiện: "Vườn không nhà trống". Già trẻ gái trai tạm biệt mái nhà êm ấm, ngõ phố thân thuộc của bao đời. Chia tay bến nước, khúc sông, mảnh đất tình sử từ thời Huyền Trân Công chúa. Tạm biệt những đêm trăng trên bến một thời em say mơ mộng bạn bè một thuở, mối tình trai trẻ để bước vào cuộc đời thật sự. Anh để lại sau lưng con đường phượng nở, hoa đỏ màu cờ, những chiều tan học, đi dọc con sông lững lờ xuôi về biển cả. Anh trai tôi đã lên đường vào Vệ quốc đoàn, hành quân lên đường Chín. Anh bận bộ đồ “soóc”, kiểu lính khố xanh thời bây giờ, đi giày “sơn đá” đầu đội ca lô lệch có sao năm cánh lấp lánh trên mũ. Một cái mã tấu bản to, thép xanh rì. Tôi thích như anh nhưng không nơi nào nhận. Họ chê "bé qúa". Tôi chạy một hơi đến nhà thầy giáo Phúc, ba của Thơ. Bà giáo thấy tôi đến, hỏi dồn dập:
- Hai hôm nay thằng Tấn đi mô? Vắng con, bác thấy cô đơn, trống trải lạ thường. Con Thơ cứ ra bờ sông, mong con hơn cả mong mẹ đi chợ về. Chiến tranh rồi, các con phải đi. Ông giáo muốn rủ hai gia đình cùng nhau về miệt ruộng Triệu Phong, các con tính sao?
Anh thứ nhất của tôi đã vào bộ đội. Mấy hôm sau anh thứ hai tiếp tục lên đường. Mẹ tôi chưa hiểu gì cội nguồn cuộc chiến tranh, buồn ủ rủ, bỏ ăn. Hai đứa con trai mà bà đã mang nặng, đẻ đau từ giờ phút ấy bà không còn gặp lại nữa. Rồi người con trai thứ ba, ít lâu sau cũng hy sinh tại một vùng quê, trong khi đang làm nhiệm vụ. Bà đau đớn, gầy gò. Suốt cả chặng đường tản cư những năm tháng ấy của cuộc chiến tranh, người mẹ mòn mỏi, khổ đau, không một tiếng phàn nàn với đói nghèo, gian khổ.
Thơ đến. Mẹ đang nhớ thương con trai bèn bảo với cô gái láng giềng:
- Mẹ nhớ hai thằng ấy không nguôi ngoai được.
- Mẹ ơi? Đừng buồn, chiến tranh mà. Anh Tấn và con lớn khôn như các anh ấy, chúng con cũng ra đi, mẹ có đồng ý không nào? Còn bây giờ anh Ba, anh Tư đi rồi. Anh Năm rồi cũng đến lượt ra đi. Mẹ phải giữ anh Tấn ở nhà, con út ít mà. Hàng ngày con sang chơi để mẹ vui cửa vui nhà nhé.
Hai năm sau, đến lượt tôi ra đi. Mẹ tôi lưng còng xuống. Cuộc đời bà cay đắng, nhẫn nhục. Cực níu lưng bà còng xuống đó em - tôi nói khẽ với Thơ. Đêm hôm đó, Thơ không về nhà thầy giáo. Nàng gục vào vai tôi, khóc.
Một nỗi buồn đau đớn như chiếc đinh nhọn găm vào cõi lòng, tôi an ủi, vỗ về người thôn nữ:
- Đừng khóc nữa em! Mai ra đi, em vui lên cho tâm hồn tôi nhẹ nhõm.
- Không! Anh Tấn ơi! Mẹ yếu lắm, anh không đi đâu hết. Anh đi nữa, em sẽ mất anh. Mộng mị cứ ám ảnh em hoài suốt mấy đêm nay. Em không còn là cô thiếu nữ láng giềng hay nũng nịu anh nữa đâu nhé. Giờ phút này, em là người đàn bà, ghen tuông, ích kỷ và tham lam.
- Em nói như người lớn không bằng.
- Chao ôi! Từng này tuổi đầu, em còn bé dại nữa ư? Anh yêu của em!
- Mẹ ơi! Con xin mẹ, không cho anh đi đâu hết. Lạy mẹ tha lỗi cho con.
Dòng sông chiều lặng, êm đềm trôi xuôi về một miền quê xa. Tôi và Thơ ra ngồi ở khúc sông bến tắm. Một giọng mái nhì vút lên, tụ lại, man mác nỗi buồn của hoàng hôn bao phủ.
Giấy báo tử anh tôi do Chủ tịch ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên gửi về còn nằm ở xã. Người ta chưa dám trao tận tay cho bà, sợ hai nỗi khổ đau dồn dập bóp nát trái tim người mẹ.
- Này, bạn ơi! Chiến tranh rồi. Chuẩn bị nhanh lên kẻo không kịp đâu nhớ. Sau buổi chia tay ấy những chàng trai thôn An tiếp tục lên đường ở ngã ba sông.
... “Chiêu lặng buồn. Chúng tôi ngồi quanh bếp rạ ăn cơm. Anh em nhìn nhau không ai nói một lời. Những vẻ mặt suy tư, dấu diếm tình cảm cá nhân. Cha tôi hỏi: - Thằng Ba, thằng Tư sắp đi hả các con? Mắt ông đục ngầu, đẫm lệ, nhìn xa xăm ra khoảng không gian bao la của mùa thu vẫy gọi. Tay ông mân mê vấn thuốc sâu kèn, châm lửa phả khói qua cửa sổ. Mẹ tôi ngồi cạnh luồn tay khâu những chiếc túi đựng gạo. Rồi ông lên tiếng, hỏi:
- Làm gì cho chúng nó ăn no để đi chứ. Tao bảo cậu Thục sáng mai tập trung về xã cũng kịp chán. Tối nay cha có câu chuyện muốn nói với mấy đứa lớn và thằng út.
Đầu óc tôi nặng nề, mênh mang. Tôi ào đến, ôm anh Ba, nằm gọn trong lòng anh
- Mai anh đi đánh Tây à? Súng mô? Các anh đi ráo ai cày ruộng ngoài Cồn Trưa. Lỡ mà chết thì còn về nữa không? - Tôi khóc to như bò rống...
Mùa đông năm sau, tin báo anh Tư hy sinh. Cha tôi lập bàn thờ, nhưng không có ảnh. Hồi đó, chiến tranh đành chịu vậy. Rồi chiến tranh bước vào năm thứ ba, mẹ tôi qua đời trong cảnh túng quẫn và thương nhớ các anh tôi...
Làng tôi lúc bấy giờ nghèo khó, nghiệt ngã. Mảnh đất cằn cối, khoai sắn trừ bữa suốt quanh năm. Dòng sông bao đời vẫn lặng lẽ, êm đềm trôi về biển cả. Sau làng, bãi cát trắng tít tắp đến tận chân trời. Đêm thanh vắng, sóng biển reo vỗ vào bờ cát mịn. Nắng hạn, gió Lào, con gái đen trũi, đàn ông gầy guộc tơi tả. Ngày lại qua ngày, những người thân thuộc, ruột rà, dân làng vẫn sống, sinh con đẻ cháu bầy đàn thê tử, nheo nhóc tiều tụy quanh năm như kiếp đời định mệnh bao vây họ.
Thời ấy thanh niên làng tôi đi khắp tứ xứ làm ăn kiếm sống. Nhiều người đi xa hàng bao năm, trở về thân tàn ma dại. Đến mùa giáp hạt, nhà nhà đi bán lúa non. Ngày ra Bắc học, mẹ tôi cũng bán dứt năm sào lúa non để có tiền cho con đi xa xứ. Tháng giêng, hai đói ăn, nạn rận núp sâu vào những mảnh áo quần vá đụp, bò lổm ngổm chạy trốn. Cha tôi dùng bình vôi tròn nghiền nát những con rận căng mọng, nổ lách tách. Trứng rận rãi nhung nhúc. Ông bảo: “Đun nước sôi, cho quần áo vào đun nghe nó lụp bụp, vui tai”.
Mẹ tôi, sáng dậy sớm, thường lệ luộc một nồi khoai đun bằng rạ. Khoai chín, bà đổ ra sàng, treo góc bếp. Các anh chị tôi đi làm về, khoai ăn suốt những ngày thơ bé. Cha tôi khó tính hơn, phải có cút rượu, ngày làm vài lưng chén cho giãn gân cốt, đi cày dai sức.
Mùa Thu tháng tám năm ấy, con trai làng tôi lần lượt ra đi hết. Tôi, đứa em út phải đợi, lên đường sau chót. Một cuộc đi xa có ai ngờ mãi hơn hai mươi năm sau tôi mới trở về lại ngã ba sông. Tôi đứng lặng bên này bờ, nom sang bến tắm ngày xưa, nơi nối tiếp những kỷ niệm buồn vui thời thơ dại. Bóng dáng của Thơ đứng mãi dưới gốc phượng vĩ: “…Anh Tấn ơi, đừng bơi ra xa bờ...”
Làng chài xác xơ, tiêu điều như sau trận cuồng phong. Vẫn dòng sông ấy in đậm trong tôi, lững lờ trôi xuôi, nhọc nhằn, uể oải. Đêm về, mảnh trăng non lên muộn, ánh trăng mờ ảo, mát dịu, kéo theo những nỗi buồn xâu chuỗi trong con tim những người trở về.
Ơi dòng sông quê hương vô cùng thương nhớ, bãi cát đôi bờ uốn lượn quanh co; những hàng phượng vĩ báo hè, những ngọn đèn dầu leo lắt của xóm chài Bến Đá..., tất cả đã đi theo tôi suốt cuộc hành trình thế kỷ, bắt đầu từ thuở xa xôi ấy. Bao năm rồi, tôi đã đi qua, vô vàn những dòng sông đất nước. Thế nhưng! Không có một dòng sông nào tôi quý, tôi yêu như con sông quê mẹ. Dòng sông xanh ngắt, núp bóng im lìm dưới những rặng tre mát rượi, trong suốt như cuộc đời thơ trẻ của trai làng. Một cô gái sinh ra, lớn lên bên dòng sông ấy. Ơi con sông nghĩa mẹ, tình em đã quyện gắn vào máu thịt những đứa con bao năm xa nhà.
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
..Quê hương mỗi người chỉ một ..
Như là chỉ một mẹ thôi...
Mùa xuân năm 1972. Đồng đội của tôi dừng lại bờ Bắc con sông. Bên kia bờ Nam là quân thù. Dòng sông chiều lặng, sóng nước lăn tăn, chiến sự im lìm.
Sư đoàn thiện chiến của quê hương rãi quân kín bờ phía bắc con sông. Bên kia bờ Nam quân thù cố thủ. Ngụy quyền Sài Gòn đưa Sư đoàn Ba “quân lực cộng hòa” đóng chốt dọc bờ sông phía Nam.
Mùa hạ về trên quê hương Quảng Trị oi bức, nghiệt ngã, gió Lào ngột ngạt, khó thở. Vắng vẻ những con đò khua nước “lốc cốc” lúc sáng sớm, buổi hoàng hôn. Những cuộn khói tử thần bốc lên hai bờ sông khi ánh chiều buông thả.
Dọc hai bờ những họng súng đen ngòm núp trong công sự kiên cố, có máy ngắm chính xác. Những tay bắn tỉa thiện xạ trăm phát trăm trúng đang rình rập để bóp cò. Không có một tốp lính nào dám mon men ra bờ sông chiều lặng. Quê hương ơi! Sông nước ơi! Ta ước ao tiếng súng im bặt một phút để những đứa con thỏa thích bơi lặn ra giữa dòng sông, mạch nước bắt nguồn từ những dãy núi đá Ba Lòng đổ về mát rượi.
Chiều xuống. Hoàng hôn lặng lờ vây cả dòng sông. Năm tên lính bờ Nam trườn xuống bến sông mắc ống cao su dẫn nước bơm lên cho hàng vạn con người sinh hoạt, ăn uống, tắm gội. Thân xác những tên lính nằm gọn trong ống ngắm tia hồng ngoại. Anh lính sư đoàn nhoài người định bóp cò. Một bàn tay gân guốc, chắc nịch níu giữ anh lại:
- Không bắn, cho chúng lấy nước sinh sống.
Người lính cởi áo, mắc quần đùi trườn xuống mép sông chiều. Anh thèm khát dòng nước mát ngọt quê hương anh như da thịt người con gái lũy tre làng. Anh vục nước dòng sông thân yêu, đẫm mình trong ánh chiều êm ả, bơi sấp, nằm ngửa như con sáo tự do.
- Đoàng!
Người lính chìm nghỉm, một dòng máu đỏ pha loãng dòng sông đang phả những cột khói lam dưới màn hoàng hôn bao phủ.
* * *
Ba năm sau bờ Nam con sông được giải phóng. Tôi sang sông không phải bằng chiếc cầu phao lúc đó, mà bằng chiếc thuyền của ông già và cô gái ở khúc sông phía dưới thị xã.
Tôi hỏi ông già lái đò:
- Cụ là người vạn đò ở bờ Nam hay bờ Bắc?
Cô gái tuổi dậy thì nhanh nhẩu lên tiếng trước ông già:
- Chú giải phóng ơi! Quê chú ở mô mà về miệt dưới?
- Cho chú về chỗ Bến Đá phía bờ Nam đề tìm ba mẹ và một người đã trót hẹn lời nguyền. Cô bé ạ! Cô quá thơ ngây để hiểu cuộc đời.
- Ai rứa chú?
- Cô có biết người mô tên là Thơ, nhà ở gần vạn đò Bến Đá không?
O Thơ con cụ Tú Khang chết lâu rồi mà. Quốc gia nghi o ấy của giải phóng gài lại. Cái chết của o thê thảm lắm chú ơi! Nghe đồn o Thơ có người yêu tập kết ra Bắc.
Mãi sau này, khi dân của cái thị xã này trở về đông vui, xây dựng phố phường, tôi gặp lại ông già lái đò và cả cậu con trai của ông ở vạn chài Bến Đá. Hồi bảy hai anh là lính chiến của sư đoàn Ba đang ở bờ sông phía Nam. Vừa tuổi mười bảy anh bị bắt đi quân địch. Sau ba tháng tập tành, chúng đưa anh ra giữ bờ Nam con sông.
… “Chiều hè năm đó - người lính Sư đoàn 3 nguỵ kể, bờ Bắc có mấy ông Giải phóng men ra sông tắm. Tên trung úy đại đội trưởng ra lệnh cho em dùng súng có máy ngắm của Mỹ nhắm lấy một điểm xạ. Em không đủ sức bóp cò. Tên chỉ huy rút súng lục chĩa họng vào thái dương em, ngắm lại đích thật chuẩn, ra lệnh lần thứ hai. Em hoa mắt, bóp cò, trông rõ mục tiêu trúng đạn qua ống kính...”
Anh lính ngụy có ngờ đâu rằng đó là Thăng, em ruột của Thơ bộ đội của Mặt trận Giải phóng Quảng Trị, lúc đó đang canh giữ bờ Bắc dòng sông quê hương anh.
Giá giờ phút này Thơ còn sống, em sẽ nguyền rủa tất bật, xô bồ cho tên lính một trận ra hồn. Thơ ơi! Em hẹn anh trở về một chiều sương rơi nhẹ bên sông thuở ấy. Dòng sông mãi mãi còn đây, chiều buông lặng lẽ, sóng vỗ lao xao. Bao năm rồi, anh mang trong lòng một nỗi nhớ, niềm khát vọng si mê của dòng sông chiều lặng, đò về bến Sãi chậm rãi thanh bình.
Chiều nay đây, quê hương sạch bóng quân thù, anh đứng trên bờ đá xa xưa, ngắm nhìn dòng sông, nghe phảng phất đâu đây tiếng gọi:
… “Lên thôi, anh Tấn ơi! Đừng bơi ra xa, anh có nghe không...”.
Anh vẫn nghe tiếng con sông rì rầm, một bóng người hiện về, nói rất khẽ khàng dưới chiều sương phủ:
Nếu chiều nay anh đến bến sông
Thì cứ hỏi: Người xưa đâu vắng
Bên nước thì thầm dưới chiều tím lặng
Có một người đợi mãi hoá dòng sông...
Trại viết Cửa Tùng 6.1996
T.Đ.P.