Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dòng sông không lặng lẽ

C

ác lực lượng chống buôn lậu hiện đang dốc quân, dốc sức vào chiến dịch. Trên tuyến biên giới có Hải quan, Biên phòng. Trên tuyến nội địa có Quản lý thị trường, Công an, Thuế. Chống buôn lậu hiện đang là chuyện thời sự nóng hổi. Nhưng chống buôn lậu không phải là chuyện chỉ có tính thời sự, chỉ có tính nhất thời. Chống buôn lậu là chuyện đã quá cũ mà vẫn không...cũ hẳn đi.

Vì sao chuyện chống buôn lậu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Sự lặng lẽ...tương đối

Tôi ngồi tại Trạm kiểm soát đường sông ở cột mốc R2 của Hải quan và Biên phòng Lao Bảo mà ngó ra dòng Sê Pôn lặng lẽ. Dòng sông nhỏ chỉ “tày gang” mà đã thành dòng sông buôn lậu nhức nhối lâu nay là đây ư? Nước sông ít từng biết đến trong xanh nên mặt sông mang màu đỏ đục. Tôi chợt liên tưởng đến ít nhiều máu của lực lượng chống buôn lậu đã đổ vì xô xát với đội quân buôn lậu liều lĩnh, máu của thường dân đã đổ vì xe cộ buôn lậu lạng lách tốc độ gây tai nạn giao thông và nhiều, nhiều máu ngoại tệ đã chảy vì hàng lậu qua dòng Sê Pôn này.

Trên toàn tuyến biên giới, lực lượng Hải quan và Biên phòng đã tăng cường dân quân chốt chặn (hải quan 45 người, biên phòng 36 người). Riêng tại trạm kiểm soát đường sông ở cột mốc R2, lực lượng chống buôn lậu từ 11 người đã nâng lên 16 người. Ngày trực, đêm tuần tra. Anh Lê Xuân Thành, tổ trưởng Hải quan kiểm soát đường sông cho biết: “Trước đây, mỗi ngày có từ 30 đến 40 chiếc thuyền qua sông Sê Pôn. Bây giờ, mình triển khai chiến dịch trên sông có lúc chỉ còn 4-5 thuyền. Hàng lậu được chở về Tân Long và chưa biết rải ở chỗ nào để đối phó, tránh mặt với lực lượng chống buôn lậu”. Tôi cật vấn anh Thành:

- Mình giăng quân như thế này, các đối tượng buôn lậu sẽ chọn “giờ G” bất ngờ để hoạt động?

- Trên sông chủ yếu chỉ ngăn chặn hàng lậu chứ không bắt được mấy. Giăng quân thường xuyên là rất khó, khi mình kết thúc là “nó” lại nổi lên.

- Không bắt được hàng chi phí trích thưởng phục vụ cho lực lượng chống buôn lậu liệu có gặp khó khăn?

- Chi phí cho lực lượng chống buôn lậu sẽ gặp khó khăn nếu tình hình này kéo dài vì không bắt được hàng mà chỉ ngăn chặn. - Anh Thành bộc bạch.

- Thú thật, nhìn ra mặt sông Sê Pôn lặng lẽ một cách “căng thẳng dồn nén” chứ chẳng phải là một sự lặng lẽ yên tĩnh, nhìn vào đội quân “nhàn cư...vi bất động” của anh Thành, rồi nhìn vào cõi vô hình đâu đó bọn buôn lậu đang ém quân “án binh bất động”, trong tôi có một nỗi nghi ngại khó tả. Tôi không dám nghi ngại gì ở tinh thần và phẩm chất của lực lượng chống buôn lậu, nhưng tôi nghi ngại về một sự lặng lẽ có tính ... tương đối của mặt sông Sê Pôn.

Quả nhiên, điều nghi ngại đó là có thật, chứ không hề võ đoán. Chạy xe dọc đường Chín, tôi vẫn phải lo “phòng thân”, ép sát vệ đường những quãng quanh co, khi thỉnh thoảng bắt gặp từng chiếc xe Minxk chở thuốc lá lậu chạy thục mạng. Đêm ngủ với Khe Sanh, vẫn nghe từng tiếng xe Minxk xé vào khuya khô khốc và khét lẹt. Tạt vào “bản doanh” của đội quản lý thị trường số 2 Khe Sanh tôi được anh Trần Hoàng, đội trưởng cho biết: “Đường biên chặn, hàng ít về. Nhưng mấy ngày gần đây, hàng có chiều hướng về lại”. Trước đây, khi chưa có chiến dịch tăng cường chống buôn lậu, bình quân mỗi tháng, đội này chỉ xử lý thu được mười triệu đồng, nay trong tháng Tám đã xử lý thu được bảy mươi mốt triệu đồng. Anh Thước, một cán bộ quản lý thị trường của đội chỉ tay cho tôi thấy vài chuyến Minxk đang chạy hộc tốc trên đường Chín rồi phân tích bằng con mắt nghiệp vụ: “Khi đi ít hàng, người ta chỉ cột, giấu trong người vài ba cây thuốc lá ngoại. Còn đi kiểu rô bốt như thế kia, chứng tỏ hàng vẫn về lại đấy”. Và anh Thước còn kể cho tôi nghe những gian truân cùng cả những “bất cập” nữa của lực lượng chống buôn lậu: “xe cộ của mình đã cũ, khó đuổi kịp với xe 12 chỗ ngồi chở hàng lậu. Để giữ xe chở hàng lậu lại kiểm tra, mình phải cho xe mình ra trước đường, phất cờ hiệu cách 100 mét cho xe họ dừng lại. Tuy nhiên, cách làm này gặp trở ngại khi có xe chạy ngược chiều ở những quãng đường hẹp”.

“Thị sát “tình hình dọc đường biên và đường Chín từ Lao Bảo về Tân Hợp, tôi hiểu thêm rằng, hoá ra con sông Sê Pôn chỉ lặng lẽ có lúc, có nơi thôi. Có khi phía cột mốc R2 lặng mà phía Tân Long lại động. Gặp nhau tại cổng B Hải quan khu Thương mại Lao Bảo ở Tân Hợp, anh Hoàng Văn Cừ, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, người “đặc trách nằm vùng” chỉ huy chống buôn lậu ở Lao Bảo mấy tuần nay kể với tôi một chuyện “sóng gió” nghiệp vụ: “Hôm qua, một chiếc ca nô của mình rượt đuổi một chiếc thuyền chở rượu ngoại, dân buôn lậu trên bờ thì ném đá, dưới thuyền thì ném rượu xuống sông rồi dùng phao bơi tẩu tán. Khi kéo được thuyền về xử lý, trên thuyền chỉ còn có... một két rượu. Ca nô của mình không có tấm chắn, khi bị ném đá không đỡ được”.

Dù sông Sê Pôn chỉ đang lặng lẽ... tương đối, nhưng phải nói rằng, việc ngăn chặn hàng lậu trên sông đã góp phần kiềm chế nạn buôn lậu trên bộ. Nói như anh Hoàng Văn Cừ: “Bắt được một két thuốc lá ở trên sông là làm bớt đi người chạy hàng lậu ở trên bộ”. Nhưng lực lượng chốt chặn trên tuyến biên giới hiện tại là lực lượng tăng cường theo chiến dịch. Khi chiến dịch qua đi (chiến dịch của Hải quan Quảng Trị sẽ kết thúc ngày 31.12.2002), anh em tăng cường trở về lại đơn vị cũ, tình hình trên tuyến Sê Pôn lúc đó sẽ ra sao? Rõ ràng, chống buôn lậu là chuyện khó có hồi kết, và muốn hướng đến hiệu quả lâu dài và bền vững thì dứt khoát không nên chỉ làm theo chiến dịch, mà phải làm thường xuyên, liên tục.

Buôn lậu lãi cao hơn: Ai trục lợi? Xử lý hàng tịch thu: Không đơn giản!

Một vấn đề rất đáng chú ý: khi nạn buôn lậu bị kiềm chế, buôn lậu khó hơn thì chênh lệch giá mà các đầu nậu buôn lậu thu được cao hơn trước. Anh Trần Hoàng, đội trưởng Đội QLTT số 2, Khe Sanh cho biết: “Trước đây, người ta đi nhiều, lãi ít, nay chỉ cần đi ít lãi nhiều. Trước đây buôn lậu thuốc Jet chỉ lãi 1500-2000 đồng/cây, hiện nay lãi khoảng 7.000-8.000đồng/cây. Mì chính từ 22.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg v.v... Có hiện tượng, một số quầy hàng ở chợ đã giấu bớt các loại hàng vải, kính, đồ dùng điện do Thái Lan sản xuất... Buôn lậu chỉ bị kiềm chế chứ không chặn đứng hẳn, vậy thì ai là người “thu lợi nhuận siêu ngạch”(!), nếu không phải là chính các chủ đầu nậu ở Lao Bảo, những người chỉ cần ngồi nhà phôn điện thoại di động và đếm tiền hời giá trên sống lưng những “cua rạm” gùi cõng oằn mình?

Có một nghịch lý: Trong khi hàng buôn lậu trôi nổi trên thị trường tăng giá như trên đã nêu thì hàng buôn lậu đã bị tịch thu có một số loại đang còn khó xử lý. Vừa qua, tổ kiểm tra kiểm soát thuộc Chi cục QLTT tỉnh phát hiện xe ô tô biển số 47V-0862 chở 14 kiện thuốc trừ sâu và 9 kiện thuốc chuột do Trung Quốc sản xuất nhập lậu. Chi cục QLTT tỉnh đã báo cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp nhận, xử lý nhưng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh không tiếp nhận vì cho rằng đây là thuốc trừ sâu giả, chứa độc tố có hại. Vì là thuốc độc hại, lại không có kho bảo quản chuyên dùng, Chi cục QLTT tỉnh phải che lán để...ngoài trời. Muốn tiêu huỷ phải có kinh phí và phải liên hệ với các đơn vị có chức năng tiêu huỷ. Theo phương án tính toán của Công ty TNHH Công nghệ môi trường Trường Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra với Chi cục QLTT tỉnh, kinh phí tiêu huỷ lên đến: 48,5 triệu đồng. Chi cục đã phải “xin ý kiến” UBND tỉnh về hướng tiêu huỷ, xin cấp kinh phí tiêu huỷ.

Đối với mặt hàng vải, việc kiểm tra xử lý cũng đang gặp vướng mắc. Trong tháng 8-2002, các lực lượng chống buôn lậu đã thu giữ 7000m vải. Sau hơn 10 ngày ra quân (kể từ 1-9-2002), Đội kiểm tra liên ngành 127 của tỉnh đã thu giữ hơn 1.100 kg vải các loại. Tuy nhiên, việc phân biệt, xác định rạch ròi vải nội, vải ngoại đang còn gặp khó khăn, do vậy Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã đề nghị Ban chỉ đạo 127 Trung ương chỉ đạo xử lý. Dĩ nhiên nói theo cách nghĩ “đơn giản hoá”, loại vải nào không có hoá đơn, chứng từ, không có nhãn mác là tịch thu, nhưng cũng có những món vải nội mà biên vải chưa ghi nhãn mác thì sao? Tôi đem điều này ra “chất vấn” anh Hoàng Chiếm Hùng, Chi cục trưởng QLTT tỉnh. Anh trả lời về hướng xử lý nghe có lý, dù hơi...tốn kém chi phí đi lại xác minh: “Với mặt hàng vải, nếu người nào bị tịch thu khai ra các cơ sở sản xuất trong nước, chúng tôi sẽ lấy mẫu xác minh. Ví dụ khai vải sản xuất tại Nam Định sẽ lấy mẫu đưa cho nhà máy ở Nam Định kiểm tra”.

“Mở đến đâu, tăng cường chống đến đó”.

Cùng với việc tăng cường chống buôn lậu qua đường biên, gần đây trên lĩnh vực chống buôn lậu xuất hiện thêm một vấn đề đáng quan tâm, đó là phải chống tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu vào khu Thương mại Lao Bảo để buôn lậu, trốn thuế, chứ không phục vụ cho mục đích tiêu dùng của nhân dân ở trong khu ưu đãi này.

Theo công văn số 4052/TCHQ-GSQL ngày 26-8-2002 của Tổng cục Hải quan có nêu: “Từ đầu năm 2002 đến nay, các doanh nghiệp trong khu Thương mại Lao Bảo đã nhập khẩu vào Khu Thương mại Lao Bảo một lượng lớn hàng hoá tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan, trị giá khoảng 48 tỷ đồng (riêng 3 tháng gần đây khoảng 30 tỷ đồng), chủ yếu gồm các mặt hàng: tủ lạnh (thuế suất thuế nhập khẩu 50%), ti vi (thuế suất thuế nhập khẩu 50%), nồi cơm điện (thuế suất thuế nhập khẩu 40%), máy điều hoà nhiệt độ (thuế suất thuế nhập khẩu 50%... với số thuế nhập khẩu được miễn khoảng 24 tỷ đồng”. Tổng Cục Hải quan đã cho rằng: “Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng vào Khu Thương mại Lao Bảo với số lượng khá lớn. Nhưng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong Khu Thương mại thì quá ít..., mà chủ yếu hàng hoá sau khi đưa vào Khu Thương mại bị một số thương nhân tìm cách đưa lậu ra ngoài Khu Thương mại để tiêu thụ trốn thuế”.

Để ngăn chặn tình trạng này, mà quan trọng hơn là tạo sự phòng ngừa từ xa, UBND tỉnh đã có công văn số 1306/UB-TM ngày 2-8-2002 yêu cầu Cục Hải quan tỉnh tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu đối với một số mặt hàng  tiêu dùng có nguồn gốc từ nước ngoài (rượu, nước giải khát, ly cốc thuỷ tinh, đường, mì chính...) vào Khu Thương mại Lao Bảo từ ngày 5-8-2002. Việc tạm dừng này chỉ là biện pháp trước mắt (có lẽ vậy nên UBND tỉnh đã dùng chữ “tạm”), tính về lâu dài, đòi hỏi cần có những biện pháp khác. Tại công văn số 1598/UB-TM ngày 11-9-2002 của UBND tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã nói đến việc tiếp tục tìm thêm biện pháp: “UBND tỉnh cũng đã báo cáo và làm việc với Bộ Thương mại để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm khắc phục tình trạng nói trên”.

Trong việc tìm kiếm các biện pháp, rõ ràng, nếu chỉ cần đưa ra các biện pháp “cứng” thì không có gì là khó cả. Chẳng hạn như biện pháp đề nghị Bộ Thương mại uỷ quyền cho UBND tỉnh phê duyệt “hạn ngạch” hàng hoá được nhập khẩu vào Khu Thương mại Lao Bảo. Tuy nhiên, biện pháp này liệu có bị coi là “cứng” không? Hẳn rằng rồi đây, các nhà quản lý sẽ tìm kiếm các biện pháp tối ưu đảm bảo được cùng một lúc cả hai yêu cầu: chặt chẽ mà thông thoáng. Qua tìm hiểu, trao đổi, tham khảo ý kiến các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, chung quy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng vào Khu Thương mại Lao Bảo để buôn lậu, cần thực hiện tốt các biện pháp như: thứ nhất, phải quản lý chặt chẽ khâu thanh toán này phải thông qua ngân hàng (thanh toán bằng L/C, thanh toán biên mậu), nhất là đối với doanh nghiệp, thứ hai, các danh nghiệp bán hàng ở khu Thương mại Lao Bảo phải mở cửa hàng miễn thuế của mình để chứng tỏ rằng họ nhập hàng về là để bán cho nhân dân trong Khu Thương mại, để nhân dân trong Khu Thương mại thực sự được hưởng giá bán ưu đãi, thứ ba, hoá đơn đầu ra của các doanh nghiệp, các đơn vị phải ghi rõ ràng và đúng thực tế các địa chỉ bán ra trong khu Thương mại Lao Bảo để các ngành chức năng tiện kiểm tra. Thực hiện cả ba khâu như vậy đã đủ đảm bảo chặt chẽ chưa, hay còn khâu nào nữa? Tôi đem những điều trăn trở này ra trao đổi với anh Lê Trọng Lưu, Cục phó Cục thuế Quảng Trị. Anh Lưu nói như được khơi đúng mạch nghĩ: "Địa chỉ bán ra trên hoá đơn, các đơn vị bán hàng đều ghi đầy đủ cả, chẳng hạn khi bán cho ông A, ông B, ông C v.v... ở Lao Bảo. Nhưng rồi từ đó, ông A, ông B, ông C có bán ra cho ai nữa, vào nội địa hay không? Để quản lý chặt chẽ điều này, đòi hỏi phải tăng cường khâu chống buôn lậu ở hai bên cánh gà Tân Hợp”. Đúng quá! Như vậy, biện pháp thứ tư là biện pháp đẩy mạnh chống buôn lậu (cả nước đang đẩy mạnh theo yêu cầu của Chính phủ, đâu riêng gì Lao  Bảo). Chính việc đẩy mạnh chống buôn lậu là cách làm thiết thực nhất để giúp cho nhân dân khu Thương mại Lao Bảo thực sự hưởng được các chính sách ưu đãi mà Chính phủ đã giành cho (chẳng hạn được mua hàng với giá rẻ), tránh không để cho một số đầu nậu lợi dụng để “phỗng tay trên”, để “hớt ngọn” của nhân dân. Còn nếu cứ có tư tưởng đổ lỗi cho buôn lậu là tại do...cơ chế ưu đãi miễn thuế mà không tích cực chống buôn lậu, như thế là có tội với nhân dân Khu Thương mại Lao Bảo. Biết rằng chuyện chống buôn lậu qua Lao Bảo là chuyện vừa không cũ, vừa lại phải đáp ứng những yêu cầu mới, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của đồng chí Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng chí nói một cách đầy xác quyết và tự tin: “Không nên né tránh vấn đề chống buôn lậu mà phải tổ chức chống cho có hiệu quả. Khu Thương mại Lao Bảo là khu kinh tế mở. Mở đến đâu thì phải tăng cường chống đến đó”. Vấn đề như thế đã quá sáng rõ.

Không chỉ bắt “cua rạm”, đã từng sờ đuôi voi, nhưng...

Từ khi các lực lượng chống buôn lậu mở chiến dịch (chiến dịch của  Hải quan, Biên phòng mở từ ngày 27-8-2002, chiến dịch của liên ngành QLTT, CA, thuế mở từ ngày 1-9-2002), hầu như ngày nào cũng có số vụ bắt giữ và xử lý hàng lậu, dù lượng hàng có khi không lớn do buôn lậu đã chuyển từ ồ ạt sang... “lặng lẽ”. Trong tháng 8-2002, các lực lượng chống buôn lậu đã bắt giữ 403 vụ với tổng trị giá hàng tịch thu trên 2,1 tỷ đồng. Trong những ngày đầu của đội ra quân chống buôn lậu thuốc lá ngoại, vải ngoại và các hàng hoá nhập lậu khác, kể từ 1-9-2002, các lực lượng chống buôn lậu đã bắt giữ số hàng lậu với tổng trị giá trên 380 triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy chống buôn lậu vẫn chỉ mới bắt được các vụ nhỏ lẻ, các vụ “cua, rạm” (nói theo ngôn ngữ đời thường) chứ chưa đánh mạnh được vào các vụ lớn, vào các đầu nậu. Đầu nậu nằm “bí hiểm” ở đâu mà chỉ thấy toàn “cua, rạm”? Ngồi quan sát tại cổng B Tân Hợp cùng anh Hoàng Văn Cừ, Cục phó Cục Hải quan tỉnh, anh Cừ chỉ tay ra đoàn người vài ba bà già đang kẹp xách lầm lũi đi bên mé đường rồi “phân tích nghiệp vụ” với tôi: “Anh biết không, trong cái cặp mà các mệ đang kẹp đấy là vài ba cân mì chính. Còn trong ống quần chân mệ đang đi với dáng thẳng thẳng kia, có giấu một hai tút thuốc lá. Động vào mệ là mệ vật vạ ra đường khóc lóc”. Không đánh vào mệ thì phải đánh vào khâu “huyệt tử” của bọn đầu nậu, đó là khâu vác tiền đô đi thanh toán hàng lậu chứ? Tôi từng nghe dư luận về những vụ bắt giữ tiền đô trái phép qua biên giới nhưng việc xử lý lại không thống nhất, có những khoản tịch thu đã phải trả lại, có những vụ bắt hụt. Tôi nói những chuyện “bắt đô” này ra với anh Cừ, anh bình luận: “Người này bắt, người khác gỡ thì khó đấy”.

Nhân nói đến yêu cầu đặt ra là phải bắt cho được đầu nậu chứ đừng chỉ có bắt “cua, rạm”, không thể không nhắc đến một vụ án từng được xác định là án điểm về chống buôn lậu ở Quảng Trị nhưng quá trình tố tụng lại tiền hậu bất nhất. Mà đây lại chính là vụ án được Thường vụ Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh quan tâm. Vụ án tóm tắt thế này: Ngày 15-3-2001, tại thị xã Đông Hà, Công an tỉnh phát hiện xe ô tô 72M 34-74 vận chuyển 80.000 cuộn phim Konica Nhật Bản không có giấy tờ nhập khẩu, trị giá trên 1,4 tỷ đồng. Đây là số hàng do Wlliam Yuen, một người Singapore giao cho Lô Chiu Hồng, một cán bộ của Công ty du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ tại Việt Nam. Công an tỉnh đã khởi tố Lô Chiu Hồng và Lê Văn Hiệu (trú tại khóm 3A, Khe Sanh, Hướng Hoá) về tội buôn lậu. Theo kết luận của cơ quan điều tra, Lê Văn Hiệu là người tham gia vận chuyển và giao phim cho Hồng đi tiêu thụ. Vụ án được xác định là trọng điểm này những tưởng sẽ được đưa ra truy tố, xét xử nhanh theo quan điểm mà 3 ngành nội chính của tỉnh đã thống nhất, nhưng rồi sau một hồi điều tra, trả lui trả tới hồ sơ, rồi thỉnh thị cấp trên (Viện KSNDTC), rút cuộc cũng chỉ dẫn đến... đình chỉ. Lý do là bởi Viện KSNDTC đã đưa ra một ý kiến chỉ đạo gây... sửng sốt! Chưa đủ căn cứ để truy tố Lô Chiu Hồng và Lê Văn Hiệu về tội buôn lậu! Để giải quyết những vướng mắc trong việc xử lý vụ án này, Thường vụ Tỉnh uỷ đã báo cáo đề nghị Ban Nội chính Trung ương làm việc với Bộ Công an  - TANDTC - Viện KSNDTC xem xét phục hồi điều tra vụ án. Lại phải bắt đầu bằng sự chờ đợi. Nhân khi các chiến dịch chống buôn lậu của các ngành đang được “hâm nóng”, tôi đã gặp anh Lê Xuân Đường, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh để cật vấn đôi điều xung quanh bút lục của vụ án điểm đang để ngỏ:

- Tại bút lục hồ sơ vụ án, Hồng khai rõ đã sang Lào xem mặt hàng phim Konica, ghi cụ thể từng loại phim, thế thì thưa anh đã đủ yếu tố khẳng định rằng Hồng đã “qua biên giới” - mà “qua biên giới” là một dấu hiệu đặc trưng của tội buôn lậu - hay chưa?

- Hồng sang Lào xem phim là để nắm được cái đát (hạn sử dụng) của phim để tiêu thụ cho người khác, chứ Hồng sợ, Hồng không đưa hàng từ Lào về. Anh Đường giải thích vậy, thì tôi cũng nghe vậy. Nhưng tôi vẫn gặng hỏi:

- Nếu thế thì Hồng có phạm tội tiêu thụ hàng do người khác phạm tội mà có không, thưa anh?

- Nếu biết được, nắm được cái con người khác đó, thì Hồng là đồng phạm với người đó về tội buôn lậu.

Chuyện pháp luật xung quanh vụ này dù có còn dông dài, dù các ngành chức năng còn cãi nhau đến mấy chăng nữa, vẫn sờ sờ ra đấy một điều không thể cãi, đó là một vụ buôn lậu lớn có thực đã bắt được, với số hàng lậu bạc tỷ đã xử lý được. Còn ai là thủ phạm, ai tham gia vụ buôn lậu này, xin đề nghị các  đồng chí làm công tác nội chính hãy đi đến cùng sự thật. Nếu không, chả lẽ câu chuyện chống buôn lậu cứ lặp mãi chuyện “bắt cua, bắt rạm” và chẳng lẽ đã từng “sờ được đuôi voi” lại để tuột? Làm sao đừng để ở đâu đó, tận những phương trời xa, những William Yuen vẫn cứ vừa “đánh quả” hàng lậu về cho các đầu nậu nào đó ở Lao Bảo, cứ vừa cười khẩy một “nụ cười Konica”. Làm sao đừng để câu chuyện chống buôn lậu cứ kéo dài điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hẳn rằng câu trả lời không chỉ nằm ở trái tim, ở ý chí quyết tâm của lực lượng chống buôn lậu mà cả ở các nhà bảo vệ pháp luật cũng như của toàn dân.

                        Lao Bảo- Đông Hà tháng 9.2002

                                  N.H

Nguyễn Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 97 tháng 10/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground