Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Du lịch Quảng Trị trong mối quan hệ với du lịch tiểu vùng sông Mêkông

       Với nhiều du khách quốc tế, nhắc tới Việt Nam nhiều người vẫn hình dung về một đất nước với quá khứ chiến tranh khốc liệt nhiều hơn là hiểu biết về một hình ảnh Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập. Và nói tới quá khứ chiến tranh bi tráng của dân tộc, mảnh đất Quảng Trị là một điển hình - ở đây có quá nhiều những chứng tích của cuộc kháng chiến trường kỳ 20 năm với những địa danh đã đi vào sách sử: Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh – đường 9, Dốc Miếu – hàng rào điện tử Mc Namara, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là tỉnh tập trung đến 70 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trong đó có NTLS Trường Sơn và NTLS Đường 9 là hai NTLS quốc gia với hơn 6 vạn nấm mồ liệt sĩ, đã thành địa chỉ hành hương của nhân dân cả nước…

Vì sao* Quảng Trị?

Lẽ ra với một miền đất nặng đầy dấu ấn lịch sử như thế du lịch Quảng Trị đã có thể trở thành một thế mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng ví von một cách hình ảnh thì thực tế du lịch Quảng Trị suốt bao nhiêu năm qua vẫn là “mảnh vải chưa thành áo”. Năm năm trước, từng có một hội thảo quy mô được tổ chức tại Quảng Trị với sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch, Hội Cựu chiến binh, cùng nhiều công ty du lịch hàng đầu trong cả nước với chủ đề: “Du lịch – hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” thực sự là cuộc tổng kiểm kê “tài nguyên đặc biệt” của du lịch Quảng Trị, nhằm biến tiềm năng du lịch này trở thành hiện thực sinh động và hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh liên kết vùng miền trong cả nước, rộng hơn, là “tiểu vùng sông Mekong” vấn đề phát triển du lịch của Quảng Trị, trên bình diện văn hóa, không chỉ là chuyện các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, mà phải tính đến chuyện cùng liên kết để phát triển dựa vào những lợi thế riêng có, đặc biệt là vị trí của Quảng Trị trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nối kết một lộ trình xuyên Á cho du khách.

Di tích ở Quảng Trị vừa là lịch sử nhưng đồng thời cũng là văn hóa. Những chứng tích chiến tranh, trong một nghĩa nào đó là những giá trị nhân văn, tôn vinh sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam mà Quảng Trị chính là nơi lịch sử đã chọn lựa và gửi gắm.

Với một mật độ di tích chiến tranh cách mạng dày đặc như ở Quảng Trị, vậy thì sẽ liên kết như thế nào trong khu vực miền Trung để phát huy giá trị các sản phẩm du lịch được đổi bằng xương máu này?

“Bầu trời sao và ngọn lửa”

Những người làm du lịch vẫn ví mật độ di tích danh thắng của miền Trung Việt Nam như một dải ngân hà lấp lánh tinh vân và bốn di sản văn hóa thế giới: Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng như bốn vị tinh tú chói sáng long lanh trên bầu trời du lịch trung độ đất nước. Dĩ nhiên Quảng Trị không thể là ngôi sao trên vòm trời du lịch, không có các di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới như Huế với quần thể di tích cố đô lộng lẫy vàng son, không như Quảng Nam với đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, không như Quảng Bình với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng huyền bí và kỳ vỹ…

Nhưng Quảng Trị có gì? Nếu các di sản thế giới – cũng là những sản phẩm du lịch độc đáo ở miền Trung – được tạo nên bởi tự nhiên (Phong Nha – Kẻ Bàng), bởi các giá trị văn hóa độc đáo được gìn giữ qua hàng thế kỷ (Hội An, Mỹ Sơn) hay sự hòa quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên và văn hóa làm nên “bài thơ đô thị” tuyệt tác như Huế… thì với Quảng Trị, những sản phẩm du lịch của mảnh đất này hầu như được tạo nên bằng máu! Và như thế, giữa những tinh tú trên ngân hà du lịch miền Trung này Quảng Trị không phải là sao, nhưng Quảng Trị là ngọn lửa! Một ngọn lửa cháy suốt cuộc trường chinh oanh liệt và bi tráng của dân tộc mà cái giá cho ngày hòa bình là những nghĩa trang lớn nhỏ nằm khắp góc bể bìa rừng với hàng vạn nấm mồ liệt sĩ giữa một xứ sở ngờm ngợp gió Lào và mịt mù cát trắng.

Để sống đã là gian khó làm sao nói chuyện du lịch? Nhưng rồi Quảng Trị vẫn làm du lịch, làm như thể một cách thế chống lại sự lãng quên hơn là thu hút người ta phải tìm về như một điều không thể. Rất nhiều người hình như một năm không về dâng hương trên những nấm mồ liệt sĩ Quảng Trị là họ không an lòng, mà trên đất này có máu xương của liệt sĩ quê khắp 64 tỉnh thành gửi lại. Bao nhiêu máu xương của cả dân tộc đổ ra hai mươi năm để chiếc cầu Hiền Lương liền nhịp qua dòng Bến Hải, hơn một vạn người lính trai trẻ tài hoa ngã xuống gìn giữ từng viên gạch của Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của mùa hè 1972 để cái thị xã bé nhỏ bên sông Thạch Hãn này vang danh khắp địa cầu trên các bản tin chiến sự, nay đã trở thành một cõi thiêng. Hàng vạn người dân Vĩnh Linh đã đội mưa bom bão đạn đào nên những làng hầm thẳm sâu dưới lòng đất để sống và chiến đấu, yêu nhau và sinh con đẻ cái để tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ để giờ đây những du khách quốc tế sau khi chui vào lòng địa đạo Vịnh Mốc đã thốt lên: Chỉ với địa đạo này thôi các bạn cũng đã trả lời cho thắc mắc ám ảnh chúng tôi bao nhiêu năm: Vì sao các bạn đã chiến thắng! Và bao nhiêu địa danh là bấy nhiêu máu xương nhuộm đỏ đất đai: Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Dốc Miếu… Là trùng trùng bia mộ trên ngút ngàn cát trắng, trên những mái đồi cằn khô hoang  hoải bởi ngọn gió Lào bỏng rát thổi dọc rẻo đất nghèo. Không quá lời chút nào nếu nói rằng Quảng Trị là một bảo tàng chiến tranh lớn, một sa bàn phong phú và đầy đủ nhất để giới thiệu về cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong thế kỷ XX của nhân loại. Và như thế, với du lịch Quảng Trị không bao giờ là sao, mà chỉ có thể là ngọn lửa, cháy như một nhắc nhở.

Từ “Nhịp cầu xuyên Á” nghĩ về du lịch Quảng Trị và tiểu vùng Mekong.

Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” ở Quảng Trị là một khởi động ngoạn mục cho vấn đề khai thác du lịch tiểu vùng Mekong. Lễ hội này là sự kết hợp và tổng hòa các giá trị du lịch đã hiển lộ cũng như tiềm năng trên địa bàn và trong khu vực.

Chắc chắn Quảng Trị khó để có một lễ hội quy mô như Festival Huế hay lễ hội phố cổ như Hội An, lễ hội pháo hoa như Đà Nẵng, nhưng với “Nhịp cầu xuyên Á”, những phác thảo của việc khai thác du lịch tiểu vùng Mekong đã được vỡ vạc! Vậy thì tại sao lại là Nhịp cầu xuyên Á? Bắt đầu của nhịp cầu ấy chính là con đường 9 máu lửa ngày xưa nay thành hành lang kinh tế xuyên từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Có một điều không con đường nào có được như quốc lộ 9, bởi cửa ngõ xuyên Á này chính là một truyền kỳ của cuộc chiến tranh mà không phải ai cũng biết hết: Trên con đường này là vô số những chứng tích lịch sử và văn hóa.

Nếu đường 9 bên phía Việt Nam chỉ khoảng 10 cây số lại có một di tích cách mạng mà những địa danh đã đi vào sử sách: Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Động Tri, Đakrông, Đầu Mầu, đồi 241, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trận Bạch Đằng trên sông Hiếu, Cửa Việt… thì đường 9 nối từ Lao Bảo lên đến thành phố Savanakhet của đất bạn Lào lại dày đặc các điểm đến cho du khách: Qua khỏi cửa khẩu Lao Bảo là bảo tàng đường Hồ Chí Minh trên đất Lào tại Bản Đông; tiếp đến là Mường Phìn, còn lưu nhiều dấu ấn về tình hữu nghị Việt - Lào trong kháng chiến, thác Pha Lan, điểm du lịch còn nguyên sơ và mới mẻ ở đất Lào. Đặc biệt, tháp Inhang, nằm ở ngoại ô Savanakhet được coi là thánh địa của Phật giáo tiểu thừa của vùng đất Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Mỗi kỳ lễ, hàng vạn du khách từ Đông Bắc Thái Lan vẫn về đây để đi lễ và du lịch.

Với cây cầu Hữu Nghị 2 được nối nhịp hai bờ Lào – Thái, hành trình khám phá du lịch Đông Bắc Thái và lên tận Mianmar lại càng thuận lợi hơn. Đặc biệt đây cũng là vùng có cộng đồng Việt kiều đông đảo và giàu lòng yêu nước. Có thể tham quan ở đây ngoài những di sản văn hóa của vùng đất Iasl, tại Nakhon Pha Nom còn lưu dấu ngôi nhà xưa của Bác Hồ với bí danh Thầu Chín đã sống và hoạt động. Cạnh đó, làng hữu nghị Việt Thái cũng là một công trình mang đậm dấu ấn hữu nghị giữa hai dân tộc vừa được khánh thành chưa lâu…

Việc tiến hành lễ hội Nhịp cầu xuyên Á có lẽ cần thêm sự quảng bá rộng rãi coi lễ hội này là một “Nhịp cầu” để thu hút lượng du khách này đến Quảng Trị, và từ đây tạo thành đầu mối đưa khách đến các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung.

Chắc chắn với vị trí “đầu cầu” Quảng Trị đã có một yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây này. Nhất là với nguồn khách đông đảo Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan rất giàu lòng yêu nước, việc tham quan các di tích văn hóa - lịch sử - cách mạng chắc chắn là lựa chọn số một của cộng đồng này. Lượng du khách này sẽ đông hơn khi bao năm qua, các du khách quốc tế khác của tour DMZ đã lựa chọn Quảng Trị như một nơi để hồi tưởng quá khứ và trải nghiệm với hiện tại. Ba mươi lăm năm, một thời gian đủ dài để mọi người hiểu hơn cái giá hòa bình, hiểu hơn nữa khi đêm đêm bật truyền hình lại thấy bao nhiêu nơi trên cái địa cầu không lấy gì làm rộng lớn này vẫn chất chứa hận thù bom đạn, những cái chết tức tưởi trên cát bỏng Trung Đông hay núi cao Apganistan… Chúng tôi tin rằng khi nhìn hàng hàng mộ bia trong ánh nến của đêm nghĩa trang linh thiêng giữa chập chùng núi đồi khô cằn đất Quảng Trị mọi người sẽ thấu cảm hạnh phúc của mỗi ngày bình yên. Vì thế, thông điệp của Nhịp cầu xuyên Á cần được nhân lên, không chỉ thể hiện lòng tri ân tháng 7 mà còn cơ hội để du khách khám phá và đối diện với lịch sử, trải nghiệm và thấu hiểu những điều nằm phía sau chứng tích hay ký ức chiến tranh.

Gìn giữ chứng tích – một quan ngại!

Chuyện cơ sở hạ tầng cho du khách chừng mươi năm trước là chuyện rất đáng lo khi cả Đông Hà chỉ có vài khách sạn bé nhỏ, phòng ốc xập xệ. Nhưng giờ đây, chuyện ăn ngủ không còn là mối lo với sự bùng nổ của hệ thống khách sạn những năm gần đây. Điều đáng lo lại nằm ở phía khác: Các dấu tích của chứng tích!

Câu chuyện của quá khứ giờ đây chỉ có thể nhìn thấy trong rất nhiều cuốn phim, bức ảnh tư liệu mà không thể thấy trên thực địa. Ba mươi năm sau ngày hòa bình, tất cả những di tích chiến tranh đã được dọn sạch trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn của người dân vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Những căn cứ quân sự lớn như cứ điểm Khe Sanh, căn cứ Carol (đồi 241), Làng Vây, Rockpile, sân bay Ái Tử, sân bay Tà Cơn, đặc biệt là hệ thống hàng rào điện tử McNamara từ Dốc Miếu lên Cồn Tiên… tất cả đã được dọn sạch, sạch đến mức cả những hố bom – chứng tích đơn giản nhất của cuộc chiến tranh, hàng chục vạn hố bom được lấp đi để có đất cai canh tác. Một hướng dẫn viên (HDV) du lịch kể rằng, có lần một du khách quốc tế đề nghị cho ông ta thấy hình ảnh cái hố bom nó ra làm sao, người HDV đã đi tìm toát mồ hôi mới chỉ cho ông khách kia thấy một cái hố bom không “điển hình” cho lắm. Cái hố bom chứng tích ngỡ rất dễ kiếm đã khó tìm làm vậy, huống nữa bao nhiêu căn cứ đồn lũy quân sự mà “vật chứng” của nó như ghi sắt, bao cát công sự, xác xe, vỏ đạn… có thể trợ vi cho người dân trong cuộc mưu sinh từ phế liệu chiến tranh! Không thể không thừa nhận rằng chính nguồn phế liệu này đã từng nuôi sống hàng vạn gia đình trên mảnh đất này sau ngày hòa bình.

Vài năm trở lại đây, lượng du khách tìm về Quảng Trị ngày càng nhiều. Khi cuộc mưu sinh không quá vất vả, việc đi du lịch tìm về những vùng đất khi xưa người ta đã sống và chiến đấu, trở về để thắp một nén nhang cho những bạn bè đồng đội đang nằm lại, về để sống lại với ký ức, để chiêm nghiệm và suy tưởng… Du khách không chỉ là những người lính cách mạng mà cả những người lính bên kia chiến tuyến, đặc biệt lượng du khách khá lớn là các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam.

Du lịch trở lại chiến trường xưa có một thương hiệu rất quen thuộc với khách quốc tế là DMZ tour (The Demilitarized Zone tour – du lịch khu phi quân sự), tuy nhiên gần hai mươi năm nay tour du lịch này vẫn chưa có gì mới so với khi vừa ra đời, cách tổ chức cũng rất sơ sài, bởi với một số lượng di tích như Quảng Trị (theo thống kê của Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị, trên địa bàn hiện có 431 di tích chiến tranh cách mạng thì tour DMZ mà đi trong một ngày chỉ là chuyện cưỡi ngựa xem hoa, chưa kể những đơn vị bán tour, để rút ngắn quãng đường, giảm chi phí đã “giản ước” nhiều di tích ấn tượng cho khách. Nhưng điều đáng nói hơn cả là hầu như khách tham gia tour này phải có óc tưởng tượng thật phong phú (!) vì những di tích “đinh” hầu như đã bị xóa sạch dấu vết nên chỉ còn cách nghe HDV giới thiệu, xem vài hình ảnh tư liệu và… cố gắng tưởng tượng ra! Những năm qua các ngành Du lịch, Văn hóa và Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu sự… tưởng tượng cho du khách nhưng cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu của họ. Ví như sân bay Tà Cơn – cụm cứ điểm mạnh của Mỹ tại vùng bắc Khe Sanh trước đây chỉ có vài hình ảnh tư liệu thì nay đã có một nhà trưng bày bổ sung tương đối đầy đủ, trong khuôn viên di tích này du khách cũng thích thú khi thấy hai chiếc máy bay (một trực thăng HU1A và một máy bay vận tải Sinouk - loại máy bay người Mỹ dùng thông dụng trong chiến tranh Việt Nam), vài khẩu pháo và xe tăng… Hay cụm di tích làng hầm Vịnh Mốc đã được tôn tạo với hình ảnh sinh động của những hầm chữ A, lán trại, kẻng trực báo làm bằng vỏ bom… Đặc biệt là cụm di tích đôi bờ Hiền Lương với nguồn vốn đầu tư tôn tạo, phục chế lên đến hàng chục tỉ đồng đã trở thành một điểm dừng trên đường thiên lý Bắc Nam, di tích này không chỉ riêng cho du khách mà cả những hành khách ngược xuôi trên quốc lộ I vẫn cảm nhận được ký ức đất nước khi thấy hình ảnh của cột cờ giới tuyến với lá cờ Tổ quốc rộng gần một trăm m2 bay trên dòng sông lịch sử…

Những nỗ lực ấy trong điều kiện làm du lịch của một tỉnh nghèo như Quảng Trị rất đáng ghi nhận nhưng cũng không thể không thấy rằng nếu quanh quẩn với những hình ảnh đơn giản như vậy thì rất khó thu hút đông đảo du khách cho Quảng Trị. Cần một sự đầu tư dài hơi và thiết thực hơn với những di tích lịch sử cách mạng của miền đất này bởi đây chính là sự lưu giữ và bảo tồn lịch sử, một phương cách để giáo dục lịch sử và truyền thống chứ không chỉ làm du lịch. (Ví như gần mười năm nay các cơ quan của Bộ Quốc phòng đã nhiều lần bàn đến việc phục chế một đoạn hàng rào điện tử McNamara nhưng đến nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Căn cứ Rockpile rất nổi tiếng nhưng khách tham gia tour chỉ có thể đứng bên đường quốc lộ 9 nhìn lên đỉnh núi theo hướng tay chỉ của HDV và nghe… kể lại)

Ngoại đề: Một miền đất của tâm linh.

Những di tích lịch sử cách mạng cũng như các di tích lịch sử văn hóa trên đất Quảng Trị đang thu hút nhiều du khách theo hướng du lịch tâm linh. Không biết từ đâu đã hình thành nên câu đồng dao truyền khẩu: “Cầu lộc La Vang, cầu an Sắc Tứ, cầu tự Trường Sơn, cầu ơn Thành Cổ”.

La Vang là ngôi nhà thờ ở phía Tây Nam Thành Cổ Quảng Trị, được xem là Trung tâm hành hương. Nhà thờ bị chiến tranh năm 1972 làm hư hại nặng, hàng năm ngày kiệu Đức Mẹ La Vang vẫn được tổ chức vào trung tuần tháng 8 thu hút rất đông giáo dân cả nước tìm về.

Sắc Tứ là ngôi chùa cổ khi mới lập có tên là Tịnh Độ Am, nằm ở Ái Tử. Năm 1739 Chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự giá Quảng Trị đã ngự bút viết năm chữ: Sắc Tứ Tịnh Quang Tự từ đó chùa mang tên Tịnh Quang, nhưng dân chúng quen gọi là chùa Sắc Tứ vì đây là chùa được nhà nước (chúa Nguyễn) sắc phong.

Còn Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Thành Cổ Quảng Trị là hai “địa chỉ thiêng” – Thành Cổ là nơi hàng vạn người lính trẻ đã ngã xuống năm 1972 và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ nằm ở đầu nguồn sông Bến Hải thuộc địa phận xã Vĩnh Trường huyện Gio Linh – Quảng Trị.

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 193 tháng 10/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground