Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường xa

C

huyến đi châu Âu vừa qua tôi đã dừng chân ở lại Vác-sa-va mươi ngày để làm lữ khách của cộng đồng người Việt sinh sống tại đó. Chả là tôi vẫn thường mong mỏi có một dịp như thế.

Các anh trong “Sứ” xếp sắp tôi về nghĩ chỗ anh Quán, tính thế là ý tứ lắm, vì họ đều biết hai chúng tôi là bạn cũ đã nhiều năm, Quán giờ lại đang là cán bộ đối ngoại phụ trách công tác người Việt ở nước ngoài.

Một căn hộ khiêm tốn trong một chung cư khiêm tốn do Sứ quán ta đứng ra thuê lâu dài. Ngành ngoại giao cứ vài năm lại một lần luân chuyển cán bộ, người về kẻ đến, chỉ ngôi nhà là vẫn đứng đó, xem chừng ngày một già nua. Tôi để ý mấy vòi nước trong nhà cái thì khô rang cái lại tong tỏng chảy, nắm giẻ băng bó quanh nó lúc nào cũng sũng ướt. Nhà có hai buồng ngủ, một buồng của Quán còn buồng kia dành cho cháu Tố Uyên là con gái anh, thời gian này con bé đang vùi đầu vào làm luận văn tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Vác-sa-va. Trong tình thế ấy tôi tất nhiên chỉ còn cách chiếm lĩnh phòng khách. Nước nôi hút thuốc hàn huyên trên đi-văng, lúc một mình thì nằm dài trên đi-văng. Mấy hôm đó tôi còn bị cảm nữa mới rách việc chứ, khạc ho ầm ĩ, sổ mũi nhức đầu, nằm nhìn trân trân lên trần nhà cố tìm một con thạch sùng mà không thấy, kiếm đâu ra thạch sùng ở cái xứ lạnh chết người này. Càng nghĩ càng thương bạn, càng nể bạn. Một ông khách lù lù hiện ra, rõ là không mời mà đến, đến bất chợt như thể từ trên trời rơi xuống. Có khổ cho người ta hay không? Phương Tây có câu, khách tới nhà ngày đầu là vàng, ngày hôm sau là bạc, ngày thứ ba là đồng, còn những ngày sau nữa thì là đá, là chì là gì gì, không cần kể. Dẫu sao với tôi phải hiểu như thế là tiện cho mình lắm, chỉ phiền là phiền cho bố con nhà Quán mà thôi.

Nhớ lại hai chục năm trước, ở Matxcơva, tôi cũng đã từng có những lần đến làm khách nhà anh. Là cứ ăn ngủ tự nhiên như ở nhà, thuốc hút khói um, chuyện trò thâu đêm suốt sáng, đứng trước cửa buồng chị Oanh vợ Quán hai tay chống nạnh, miệng tuy cố gắng cười mà đôi mắt thì gườm gườm như mắt hổ. Một đôi mắt hổ thiếu ngủ vì con bé con vừa sinh cũng có mà vì mấy gã đàn ông vô ý vô tứ đang kéo đến làm loạn cái tổ ấm này cũng có. Mấy bóng đàn ông chụm đầu vào nhau chuốc rượu, tay mỗi thằng cầm một con cá khô vùng Ast-ra-khan vừa mặn mọt vừa cứng như gỗ. Năm ấy chúng tôi kéo nhau qua đó là để theo một khoá học của trường viết văn M.Gorky, trong đoàn có cả Phạm Tiến Duật, tôi và Duật chung một buồng, những chiều rỗi rãi hai thằng lại rủ nhau kéo tới nhà Quán bù khú cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Quán là một người bạn tốt tính tốt nết, lịch duyệt, mềm mỏng, và hết sức kiên nhẫn, nhún nhường. Có phải vì nhờ những ưu điểm ấy mà anh đã được chọn làm ngoại giao chăng.

Trong tiếng o oe của cháu gái từ buồng bên đang vọng ra, Duật lâm li nâng chén rượu lên, đôi mắt anh ươn ướt, long lanh như cũng muốn khóc cùng con bé. Duật nói, nào chén này là để uống mừng Oanh và Quán, chúc cháu gái mau khôn lớn, nó là món quà quý nhất ông trời đã ban cho cô chú. Làm ngoại giao của một đất nước nghèo như nước mình thì không thể tránh khỏi nhọc nhằn, đến một bộ quần áo ra đường nhiều lúc cũng thiếu, nhưng chẳng sao, điều sinh tử là phải giữ cho mình một cái cốt thật vững chãi. Những năm tháng này tớ thấy hình như đang sắp có chuyện gì không bình thường, thành phố này như đang sắp lên cơn say cả với nhau. Hãy cứ đứng trước cửa các ga tàu điện ngầm mà nhìn, quả là rối loạn, vào ra rối loạn. Lối vào có viết rõ chữ “vơ khốt”, lối ra là “vư khốt”. Nhưng đám người vào cứ “vư” mà lao, còn người ra thì cứ “vơ” mà xô đến. Vơ vư chen lấn xô đẩy, thành tắc nghẽn không thoát được. Đó là dấu hiệu bất thường. Mấy ông già bà lão, mấy cô cậu thanh niên cứ ngồi xuống ghế là y như rằng mỗi người đặt một cuốn sách lên đùi, nhưng con mắt lại ngó nghiêng đâu đâu, thế là diễn mà không đọc, bụng dạ nào mà đọc nữa.

Rồi Quán lại rót rượu và Duật lại uống. Chưa biết Matxcơva có lên cơn say hay chưa, nhưng đúng là đêm ấy Duật đã uống rất nhiều và anh đã say, anh lăn ra ngáy ầm ầm trên tấm thảm trải sàn, đầu gối lên đùi Quán. Một đêm có bão tuyết, gió chạy ù ù, nhìn ra cửa sổ thấy ngoài trời mù mịt, bóng đèn đường chập chờn mờ tỏ, tuyết bay phủ khắp nơi.

Bây giờ thì tôi đang nằm đây trong căn phòng khách của bố con anh. Một phòng khách nho nhỏ, đơn sơ có thể hiểu là chả có gì đáng giá, nó chỉ như một phòng trọ hạng bét. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy hết sức bình yên.

Vác-sa-va cũng vừa ra khỏi một mùa đông nhiều tuyết, thành phố trẻ ra và đang mới mẻ lên theo năm tháng. Bầu trời trong veo, những nắng và gió, cây lá dệt thành những tấm thảm lục bát ngát phủ khắp các đường, đâu đó tôi nghe có tiếng chim riu rít, rất nhiều chim. Vác-sa-va là một thành phố của chim và của các thiếu nữ. Từng đám con gái đẹp như thiên thần, lộng lẫy kiêu sa, cô nào cô ấy áo xiêm duyên dáng, trong họ mà ngỡ như đó là những nàng tiên vừa bước lên từ hai bờ của dòng sông cổ tích Vít-soa.

Cứ theo chương trình mà Quán đặt ra thì sáng mai tôi có việc ở sứ quán, buổi chiền sẽ lên thăm chợ Trung tâm. Và ngày kia sẽ về vùng Puốt, một thành phố nhỏ của miền quê cách thủ đô chừng hai trăm cây số. Ở đó có một gia đình người Việt, vợ chồng anh Phát và chị Hà, đều là người của Hà Nội ra đi. Rồi những ngày sau đó là trở lại Vác-sa-va để tiếp xúc với các anh các chị đang sinh sống nơi đây. Chương trình này mà thực hiện hết thì có lẽ chả còn dịp nào để đi thăm các nơi trong thành phố nữa, tôi nóng lòng muốn được lên thăm thành cổ, nơi ấy tôi đã thoáng trong thấy từ xa khi xe lướt qua. Quán nghe tôi đặt ra yêu cầu đó thì chỉ cười, anh hứa sẽ có kế hoạch đưa tôi đi chơi rồi anh ngâm nga: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, đường bạch dương anh đứng bán hàng, em lần lên chợ trời chưa sáng, một giọng quê nhà một giọng than...”

Tôi hỏi Quán, con Uyên học xong định thế nào, đi làm, lấy chồng... hay còn cho nó học lên?

Quán nói, việc này vợ chồng em đang bàn, riêng cháu muốn xin được học thêm. Con bé là đứa ham học, năm năm vừa qua cháu đều là sinh viên ưu tú, các giáo sư quý nó lắm. Cũng nhờ có mấy năm ở nhà cháu được theo học trường Đoàn Thị Điểm, một trường chuyên Pháp ngữ của Hà Nội, do vậy khi qua đây tiếng Ba Lan và tiếng Pháp của cháu đều khá vững, hè này cháu sẽ sang Luân Đôn để luyện nói tiếng Anh, đã tới Đại sứ Anh ở đây để xin phép, họ đồng ý cấp giấy cho rồi nhưng trong giấy còn ghi rõ là cấm không được kiếm việc làm thêm. Nơi nào cũng vậy, người mỗi ngày mỗi đông việc mỗi ngày mỗi ít, càng văn minh càng muốn ít việc thì phải.

Tôi nói, đấy là một trong những chuyện nan giải của nhân loại ở thế kỷ này. Nó là lửa đốt đít mọi chính phủ. Thử hỏi có ông tổng thống, có ông thủ tướng nào lúc ra tranh cử lại quên không hứa tìm kiếm thêm nhiều hơn nữa công ăn việc làm cho dân chúng, nhưng rút cục là người nghèo vẫn ngày một đông, lại thêm khí hậu thời tiết rất khó lường, không khéo còn đói to ấy chứ. Cho nên người ta mới gọi mấy ông ấy là mấy tay nói khoác thượng thặng. Ở ta việc này xem chừng càng nghiêm trọng, nông dân ruộng đất chẳng còn mấy, thành phố ùn ùn những người từ khắp nơi kéo về, việc làm vẽ đâu ra kịp, khó khăn lắm đấy. Ấy vậy mà mình lại thấy ở một vùng kia người ta đã dám đặt ngay trước cổng tỉnh lỵ một khẩu hiệu thế này, “Quá khứ hào hùng, hiện tại vẻ vang, tương lai ngời sáng”! Quả là lòng tin lớn, quyết tâm cao, nhưng thiết tưởng những người đang lo đang nghĩ thì không ai lại dám nói thế.

Giờ nhân loại đang bàn nhiều đến khái niệm một thế giới phẳng, người đi tứ xứ, ta làm cho tây, tây làm cho ta, cũng vẫn là để kiếm lấy miếng ăn cả với nhau mà thôi. Các cụ ta từ xưa đã dặn, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, phải biết nhìn người ta mà sống, học hỏi người ra mà sống. “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, dẫu có gắp được con sâu ra thì nồi canh cũng không còn sạch nữa.

Nghe kể ở Mỹ hễ chỗ nào có người Việt ta dọn đến là láng giềng muốn bỏ đi, giá nhà xuống ngay, ngang như tình trạng các khu có đường dây điện cao thế chạy qua vậy. Đành là vẫn biết không phải hết thảy đều thế, nhưng điều để phải nói là đã có những chuyện thế. Ở đâu cũng nghe có những chuyện không lấy gì làm vui. Bên Tiệp vừa rồi có một đôi vợ chồng son gọi điện tới một chỗ có ngôi nhà rao cho thuê qua mạng, đầu dây đằng kia, cầm máy liền, đang chuyện trò với nhau dễ dàng lắm, bỗng bên kia dừng lại hỏi, anh chị thuộc quốc tịch nào, chúng tôi người Việt Nam, thế là dập máy. Đó là một đêm họ mất ngủ. Có ra ngoài mới ngẫm được nhiều tình cảnh, mới có dịp định thần mà nhìn về thân phận nhà mình. Quê nhà mấy năm nay thấy bàn nhiều đến hội nhập, bàn tùm lum, bàn vui vẻ, nhưng chưa bàn nhiều trước câu hỏi nghiêm túc vậy ta cần phải làm thế nào để có thể hội nhập? Đây là câu hỏi dành cho mỗi người chứ không phải chỉ là việc của nhà nước. Đừng nghĩ cứ có tiền là muốn gì cũng được, vấn đề ở đây là chất lượng con người Việt, chất lượng từng cá nhân Việt.

Cộng đồng Việt bên này nhìn chung là thuần, phần đông đều có học vấn, thoạt đầu sang là để học hành, bởi do tình thế mà bảo nhau nhảy ra làm ăn buôn bán, đó là một phản ứng mau lẹ, rất có bản lĩnh. Đã có học vấn tức là đã được giáo dục, có giáo dục là có hiểu biết, phàm đã hiểu biết thì sẽ sống biết điều. Người đã gọi là biết điều ở đâu sống cũng dễ, ít gây phiền nhiễu, biết làm việc thiện, có tự trọng và sẽ được tôn trọng.

Nhiều năm qua bà con mình từ mọi ngả vẫn thường đứng ra quyên góp gửi tiền về nước mỗi khi được tin ở nhà đang có lụt có bão, cách cư xử đó thật cao quý. Kiếm được một đồng ở xứ người đâu có dễ dàng, gian nan lắm, vất vả lắm chứ, “sương như búa bổ mòn gốc liễu, tuyết nhường cưa xẻ héo cành dương”. Nhưng cái mà ở nhà trông đợi nhiều nhất chắc chắn chưa phải là tiền, cái ấy tiền không thể mua nổi, đó là niềm mong mỏi người đi tha hương sớm tìm được một cuộc sống ổn định, nhanh chóng hoà hợp được với nơi mình sống và biết góp phần điểm tô để nó đẹp thêm.

Một lần qua Đức lúc ra về, làm xong mọi thủ tục rồi nhưng tôi còn chùng chình vì hình như ông hải quan đứng gần đấy đang có ý muốn nói gì với mình thì phải. Một người đàn ông Đức đã cao tuổi, nét mặt đăm chiêu khắc khổ. Rồi ông ấy rầu rầu hỏi tôi, vậy chứ ông là người Trung Hoa hay Người Việt Nam? Thưa ông, tôi là người Việt Nam. Ông ấy không nói gì nữa, chỉ khẽ gật đầu. Nhưng ông ấy đã kịp gửi cho tôi một cái nhìn thật não nề, từ ánh mắt ấy tôi tìm thấy một lời trách cứ chân tình và tôi tự thấy phải thốt ra một lời xin lỗi. Một lời xin lỗi như thể bâng quơ mà chứa đựng biết bao nông nỗi không thể nói ra được. Thế mà ông ấy lại cảm nhận được, ông ấy hiểu được tinh thần trong câu xin lỗi của tôi và tôi thấy nét mặt ông ấy dãn dần ra, một nụ cười nhuốm vẻ cảm thông sáng trên gương mặt Đức im lặng.

Đêm đầu tiên ở Vác-sa-va tôi và Quán thức khuya. Sớm dậy cả nhà gọi nhau vào bếp, mỗi người ăn một bát mì ăn liền. Cô cháu gái sửa sang ăn mặc xong thì đưa tay lên chào bác chào bố, sau đó nó ngồi vào xe phóng tới trường. Con bé có một nụ cười tinh quái mà ý nhị. Hai chúng tôi bước thong thả dọc con đường  vắng dẫn tới sứ quán...Hôm nay trên đó sẽ làm lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt.

Bàn thờ được bày biện giản đơn, tôi trân trọng thắp nén hương trước chân dung ông cụ. Đứng bên cạnh, anh Xương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền khẽ khàng cho biết anh cũng từ vừa từ Kracốp về hồi đêm. Anh xuống đó là để chúc mừng một nghiên cứu sinh Việt Nam vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học. Tôi cũng khẽ khàng thưa lại, nếu như biết sớm tôi nhất định xin được theo anh cùng xuống đó. Đây là một vui mừng chung. Bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở một đất nước đã từng sinh ra Côpécních, Mari Quyri và rất nhiều tên tuổi khác, chỉ riêng điều đó thôi cũng đã đủ là một vinh dự. Đang ở xa nên tôi cứ băn khoăn không hiểu ông Kiệt được an táng ở đâu, Hà Nội hay Sài Gòn, hay dưới quê nhà. Cả ba nơi ấy với ông đều thân thiết, ông đã sống cho nó và sống cùng nó. Đầu năm nay, nhà văn Nguyễn Khải qua đời tại Sài Gòn, hôm ấy ông đã tới viếng, hôm sau lại mò dậy sớm để kịp đưa anh Khải đến nghĩa trang thành phố. Dọc đường ông đã thốt lên một cách hồn nhiên trước mặt mấy người bạn tôi rằng mình có những ba nơi để chôn, đó là Mai Dịch, Sài Gòn và quê nhà. Liệu như thế có phải là điềm báo không nhỉ, liệu có thể xem đấy là một lời tiên tri không, điều đó tôi không biết, nhưng tôi có thể biết ông là một nhân cách, quyết đoán, sinh động và rất ung dung, bao giờ cũng ung dung.

Một lát sau có đoàn khách ngoại giao khá đông mang vòng hoa tới, lúc ra về vị đại sứ đó còn lưu luyến dừng lại chuyện trò với anh Xương. Ông ta nói: “Ông Kiệt là một người dễ chịu, một người đa nhân cách, một nhà hoạt động có phong cách”.

*  *  *

Chợ Trung tâm là khu siêu thị lớn, cơ ngơi khang trang mang tính lâu dài. Một cái chợ lấy bán buôn là chính, bán lẻ không bao nhiêu. Khách hàng là ở các chợ nhỏ từ xa tìm về. Có một con đường rộng chia khu này ra làm hai, từ ngoài đường đi vào bên trái là chợ Việt Nam, tiếp đó là chợ Thổ. Còn bên phải là chợ Trung Quốc. Tôi hỏi toàn hàng Trung Quốc là nghĩa làm sao? Chú Thành, được mệnh danh là “Thành vua Giày”, đồng hương với tôi đã dõng dạc tuyên bố, nếu bây giờ người Trung Quốc ngừng làm giày thì hai phần ba nhân loại sẽ không có giày mà đi, và nếu người Trung Quốc ngừng làm quần áo là một nửa nhân loại sẽ không có cái mặc. Gọi là chợ Trung tâm chắc là để nói đến vai trò cung cấp lớn của nó chứ không có nghĩa nó nằm ở giữa thành phố. Từ chợ về tới thành phố còn phải mất trên một giờ xe chạy, vượt qua cả khu vực sân bay quốc tế, mà sân bay quốc tế thì không thể đặt gần thành phố được. Gọi là chợ Việt Nam tất nhiên chủ chợ và đội quân đứng bán hàng đều là người Việt Nam, chợ Thổ cũng vậy, nhưng bên chợ Trung Quốc thì không vậy, bên chợ Trung Quốc người Trung Quốc đứng bán hàng cạnh người Việt Nam, người Thổ, người Ba Lan, người Nga... chỉ có chủ chợ là Trung Quốc mà thôi.

Chủ chợ Việt Nam là mấy ông tiến sĩ học giỏi từ bé, lúc sang tới bên này vẫn là những sinh viên và nghiên cứu sinh thuộc hàng xuất sắc nhất. Họ ngồi nói chuyện kinh doanh khôn ngoan như khi nói chuyện thời thế, bàn chuyện nước nhà cũng chắc chắn như bàn đến chuyện thế giới. Họ hiểu việc xây dựng và quản lý chợ là một khoa học thật sự và họ yêu công việc của mình. Chính họ đã nói quả quyết là rồi ông Barack Obama thế nào cũng thắng cử. Họ không phải thầy bói mà là những trí thức am hiểu tình hình.

Tôi đã ngồi chuyện trò và ăn cơm chiều cùng họ ở trung tâm điều hành, lúc chợ sắp tan tôi xin phép được xuống tìm một người mà tôi phải tìm, cô ta đang là chủ một quầy hàng trong chợ. Cô tên là Hiền, một cô gái sinh ra ở một cái làng giáp Hồ Tây. Cửa hàng của Hiền nằm cuối dãy, toàn mũ là mũ, đủ các kiểu, đủ các mẫu. Người ta gọi cô là Hiền mũ. Trong chợ thường gọi tên nhau như vậy để dễ tìm. Giả thử Hiền đứng bán ở quầy phở thì cô lập tức được gọi là Hiền phở và cô cũng chẳng có gì mà phải thắc mắc. Tôi chưa hề gặp cô lần nào, đến lúc ấy hai chúng tôi vẫn là người xa lạ, vậy mà khi tôi còn đang đứng lớ ngớ trước cửa hàng cô thì cô đã réo vang tên tôi khiến tôi không khỏi kinh ngạc. Cô nói, từ hôm qua em đã nhận được điện bên chợ Sapa gọi sang, chị Hằng em bên ấy mà đã ra lệnh cho em phải chăm sóc anh trong những ngày ở bên này, thì anh đừng lo gì nữa. Tôi bước vào cửa hàng chật chội, Hiền kéo ra một chiếc ghế nhỏ mời tôi ngồi, chưa kịp hỏi han nhau thì có hai bà tây vào, cô liền bỏ mặc tôi ngồi đó, chạy ra vừa chỉ vào từng giá mũ vừa thuyết trình, cô với tay lấy những chiếc mũ trên cao xuống chụp lên đầu hai bà, rồi lại lấy những chiếc mũ khác, và lại chụp lên đầu họ, ngắm nghía, nói đùa một câu gì đó khiến họ đều cười ngặt nghẽo. Mỗi bà mua một chiếc, đội luôn, chủ khách bắt tay nhau, trước khi ra về hai bà còn đứng nói một thôi dài với Hiền. Ở bất kỳ nước nào phụ nữ cũng là những người nói nhiều và rất dễ hoà hợp. Không khéo chỉ mười năm nữa là các bà sẽ nắm quyền khuynh loát ngoại giao khắp thế giới.

Tôi khen, em nói những gì anh không hiểu, nhưng biết là em rất giỏi, em học tiếng Ba Lan thế nào? Học ở chợ thôi anh ạ, ngày nào chả tiếp xúc với họ. Em đã từng có lần toan ra toà cải hộ con bạn đấy chứ, nó bị vu oan mà anh. Bạn em chúng nó gọi em là trạng sư Hiền, trạng sư mù chữ, nhưng nói thì tạm được. Ngày mai anh và anh Quán muốn lên Puốt thăm gia đình người bạn mà không có xe, anh Quán nhắn em cố gắng đi với bọn anh một ngày liệu được chứ? Muốn đi mấy ngày cũng được tất, em vừa lái xe vừa làm phiên dịch. Một đồng tiền bỏ ra mua chỗ bán hàng này, mấy năm đầu làm ăn vui vẻ lắm cứ như hái ra tiền, vài năm gần đây thấy cứ khó dần, đứng đợi suốt ngày chẳng thấy ma nào đến, các chợ xép mà ế ẩm thì cũng chả còn sức mua, chợ này không khéo tan cũng nên. Em đang tính bán béng cửa hàng này đi, ôm tiền về nuôi con rồi mình thì đi kiếm việc làm thuê, đứng bán hàng cũng được, làm bồi bàn cho các ret - to - ran cũng xong, hồi mới sang em đã từng lăn lộn mãi rồi, chịu thương chịu khó, đảm đang một tí thì chẳng thể đói được, mẹ con em không dễ chết đâu anh. Cô mà chết đói thì có hoạ là trời sập! Chả biết trời có sập hay không nhưng nghe ngóng thấy ngày càng chật vật, hàng ở nhà đánh sang bị giữ lại chất đầy ở các cảng biển, hải quan họ làm gay gắt lắm, không khéo chúng em sắp thành lũ bán hàng thuê cho người Tàu mất rồi. Đêm đêm em gọi điện tứ tung, hỏi lũ bạn bên Đức bên Hung, bên Nga gọi cả cho bà cô bà bác bên Pháp, đâu cũng rên rỉ  than vãn về chuyện làm ăn, chẳng phải chỉ có người Việt than vãn mà người Tây cũng than vãn, kiếm đồng tiền đã khó mà tiền lại mất giá dần, có đời thuở nào đồng đô la lại hoá rẻ rúng cơ chứ! Có một cụ già mùa đông vừa rồi đi một đôi giày rách bươm như đứa ăn xin, em phải mua tặng ngay cho một đôi Trung Quốc, giày Trung Quốc bán rẻ như bèo mà cũng không đủ tiền mua.

Lúc tôi lên chợ là đi cùng một ông trong Hội đồng quản trị, bây giờ cùng về với Hiền. Tôi hiểu thêm về cô nhiều lắm. Cô đã từng có một đời chồng và một cháu gái, vợ chồng không ở nỗi với nhau thì bỏ nhau, vậy thôi. Giờ hai mẹ con sống riêng, sáng dậy đưa con đến trường, chiều về đến trường đón con, cái nhịp điệu ấy cứ thế quanh năm suốt tháng, mẹ lên chợ con đi học. Bỏ nhau nhưng đôi bên đều chả biết dọn đi đâu, nhà là nhà mình mua mà vẫn cứ phải chứa đức ông chồng ở buồng bên cạnh, ra vào vẫn gặp nhau nhưng không ai chịu mở miệng hỏi nhau lấy một lời. Đời con người ta đúng là trăm thứ khổ, không có khổ nào giống cái khổ nào. Ngày lên đường mẹ cầm tay dặn dò, thân con gái đi chợ đằng xa nếu gặp ai thương thì lấy, mình nghèo bán đồ nghèo cho người nghèo mua. Đồng tiền nhỏ nằm trong các túi nhỏ. Bí quá thì nhặt quả sấu quả trám hay quả táo mang về, chua ngâm với đường, ngọt dầm với muối, bày bán cho đám trẻ cũng sống được.

Nhiều lúc ngồi nhớ đến bà cụ Hiền bỗng bật cười, cười giàn giụa nước mắt. Ở đây bói đâu ra sấu ra trám hả mẹ. Con chỉ thấy có quả ô lưu là gần quả trám, người ta cũng có làm muối làm mứt bằng nó, nhưng không thể ngon như trám ngâm nước mắm, còn táo thì nhiều vô kể nhưng táo to bằng cái bát ăn cơm, không có loại táo xoan như nhà mình. Thêm nữa trẻ con bên này chúng nó có được ăn uống lung tung như ở ta đâu. Ở bên này cái gì người Việt Nam khen ngon thì họ lại sợ, chẳng hạn giả cầy mắm tôm giềng mẻ với chân giò, còn như thịt chó thì càng tối kỵ, ai giết chó chỉ có đi tù. Cũng thì gói mì ấy, rau thơm ấy, lá chanh lá bưởi ấy, người Việt làm họ ngần ngại, người Lào người Thái Lan làm họ khen ngon. Người ta hàng ta chưa có thương hiệu quốc tế, thương hiệu chẳng qua cũng chỉ là chất lượng, uy tín và danh dự, chỉ có thế thôi mà khó khăn. Con lo không khéo sắp tới sẽ phải tìm một ông chồng người Thái người Lào mất thôi. Tết sắp đến rồi, bên này chúng con có đủ đỗ, gạo và lá dong, gì cũng có, có nhiều hơn ở nhà, chỉ thiếu là thiếu cái tình cảm, con muốn ôm lấy vai mẹ, cầm lấy tay mẹ, mặc áo ấm cho me, nhưng thân gái dăm trường làm sao con có thể.

Kế hoạch đi Puốt thăm Phát, Hà và các cháu tạm gác lại vài ngày sau vì Quán mắc công việc. Tôi gọi điện báo tin này cho Hiền, rồi lại gọi tiếp cho vợ chồng Hương Phú để họ mang tôi đi đâu thì mang. Hương là con gái của ông bà Văn Cao, Phú là chồng cô, trai phố Bà Triệu, tiến sĩ vật lý Viện Dúpna. Họ thành vợ chồng từ lúc còn ở bên Nga, khi đó Hương đang làm thạc sĩ ở khoa Dương cầm nhạc viện Traicốpski. Cô Hương nhận điện giọng khàn khàn trong máy, anh cứ đợi đấy, nửa tiếng nữa cả nhà em sẽ đến. Nửa tiếng sau họ đến thật, cười nói râm ran từ cầu thang. Hôm nay họ sẽ dành một ngày đưa tôi đến thăm nhà Sôpanh vĩ đại, cách Vác-sa-va một trăm cây số. Nhà Sôpanh còn xa mà cái vui mừng thì đã đến ngay từ dọc đường. Trên xe tôi được xếp ngồi giữa hai cháu gái. Thanh Thảo đã ra dáng một thiếu nữ trưởng thành. Thu Quỳnh thì rõ ràng còn con nít. Khuôn mặt nó nhác trông đã thấy rất Văn Cao, đặc biệt là ở cái mũi lớn. Cái mũi Văn Cao được gọi là cái mũi đởm tị, nghĩa là mũi hình trái mật, đó là quý tướng của những người xuất chúng.

Mỗi đứa chiếm một khung cửa nhỏ nhòm phong cảnh hai bên đường. Có vẻ chúng ít được ra ngoài, thấy gì cũng lạ. Mà lại rất kiệm lời, thin thít như thịt nấu đông. Quần áo thì mẹ nào con nấy, xuyềnh xoàng xong thôi, tóc tai thì loà xoà như lũ quạ gặp mưa. Xem ra ông bố cũng chả hơn gì, tôi thấy Phú mang một bộ vét đã sờn vai sờn cổ, đôi giày cũ mèm, lại thêm một cái túi da đen nhàu nát kè kè bên nách. Nom anh có dáng phớt đời như ông nhà thơ nào ở Hà Nội vậy. Tôi hỏi cậu đeo túi tiền chăng, Phú bảo làm gì ra mà có tiền, bọn em vụng dại lắm, chẳng bằng ai, Hương là dân pianiste, em làm vật lý nguyên tử, hai đứa ôm các cháu làm một cú xuyên quốc gia xem thử thế nào, sang tới đây buôn buôn bán bán mấy năm toàn thất bại, giờ Hương thì yên tâm dạy đàn cho mấy đứa trẻ con, Việt Nam có mà Ba Lan, Trung Quốc cũng có, lớp học của nhà em là lớp quốc tế. Riêng em đang định quay sang dịch sách, cái túi này là bản thảo bất ly thân. Tôi cũng chẳng hỏi xem là anh đang định dịch những gì.

Thế nhưng chuyện trò một hồi lại thấy phải giật mình, hoá ra niềm kiêu hãnh của họ lại là hai cô con gái đang im như thóc bên cạnh tôi. Hình như sắp tới đây rất có thể hai nhạc viện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ lo đón hai đứa về biểu diễn báo cáo thì phải.

Cả hai cháu đều là những cây dương cầm có triển vọng lớn. Tại các cuộc thị dành cho các lứa tuổi được tổ chức thường kỳ hàng năm tại Ba Lan, hai chị em đều được nhạc viện Vac-sa-va chọn cho đi dự và lần nào chúng cũng mang về những giải cao.

Tháng 4 năm 2006, trước ngày tạm biệt Vác-sa-va lên đường qua Mỹ nhận học bổng vào học năm thứ nhất nhạc viện Manhattan (Mew York), Lê Thanh Thảo đã ngồi trong dàn nhạc giao hưởng Ba Lan biểu diễn tại nhạc viện mang tên Sôpanh. Sau một năm học tập tại Mỹ, Lê Thanh Thảo có một vinh dự đặc biệt, ngày 5 tháng 5 năm 2008 cô đã được mời tới biểu diễn sôlô tại cung hoà nhạc nổi tiếng Well Recital Hall - Carnegie Hall, New York, một địa chỉ âm nhạc sang trọng vào bậc nhất thế giới, nói cho đơn giản thì đấy là ước mơ của mọi pianiste.

Xe đi khoảng hai tiếng đồng hồ thì tới khu nhà Sôpanh, đây là nơi ra đời của một thần đồng, một thiên tài âm nhạc, ông đã dành cho nhân loại những tác phẩm mà người ta vẫn gọi là tiếng nói của trời đất. Tôi đã cùng cái gia đình nhỏ bé kia tha thẩn gần hết ngày trong khu vườn rộng như một cánh rừng, thấp thoáng sau những vòm cây cổ thụ um tùm là một ngôi nhà hai tầng không lấy gì làm đồi sộ, một ngôi nhà cổ nằm yên tĩnh giữa vườn, giữa một thế giới đang lam lũ và không ít nhốn nháo. Nó nằm đấy như một lời trò chuyện minh triết với tất cả chúng ta. Từ ngôi nhà quét vôi trắng mái lợp đá đen kia tiếng dương cầm thánh thót vẳng tới, đó là dư âm của bản nhạc bất hủ Fantazja-Im Fromturecis moll.

Hai đứa trẻ đang dắt nhau bước lên một chiếc cầu bắc qua con suối, còn tôi ngồi xuống cỏ chuyện trò với vợ chồng Hương Phú. Cô Hương nói, chúng em chỉ mong các cháu sớm trưởng thành là dắt nhau về Hà Nội. Vợ chồng em mơ ước mua được một căn hộ tập thể ở mạn gần với phố Văn Cao, các cháu tự hào có ông ngoại. Chúng em thì nhớ Hà Nội, thèm sống ở nhà, gì thì cũng vẫn là được ở nhà. Tôi nhìn ngắm cô con gái ông bà Văn Cao, lại nhớ nhiều năm trước khi ông còn sống tôi thường đến thăm, ông luôn nâng cái chén hạt mít lên bằng những ngón tay xương xẩu rồi cứ thế cất tiếng khàn khàn ngập ngừng chuyện trò. Những năm ấy ông bà nhiều vất vả chỉ có cô con gái học trường nhạc viện là hồn nhiên dễ cười. Bây giờ nom thì đúng là đã phong trần lắm rồi. Người phong trần lại có cái đằm cái duyên mà thuở con gái chưa thể có. Tôi ngẩng lên, nắng ấm lạ thường, mây trên đầu ngổn ngang, những đám mây trắng trôi dạt trong gió.

 

Đ.C

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

18 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground