Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ gìn hồn bản, hồn làng

“Phải cố gắng mà lưu giữ truyền thống văn hoá bản làng chứ. Không mai này, người già các bản lần lượt về với Giàng hết thì không khéo người PaKô không còn là người PaKô nữa”. Câu nói cửa miệng của Kray Sức (hiện là Trưởng Ban Văn hoá UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông) mà tôi được nghe khi vừa đặt chân đến mảnh đất Tà Rụt thật hồn nhiên, mộc mạc nhưng cũng hàm chứa cả sự quyết tâm của người PaKô “thương nguồn, nhớ cội” trước sự lãng quên của lớp trẻ đối với văn hoá dân tộc mình. “Muốn hiểu được phong tục, tập quán cũng như văn hoá nguồn cội của người PaKô thì phải mất cả tháng trời tìm hiểu chưa chắc đã hiểu hết. Thôi cứ đến nhà miềng uống rượu rồi miềng nói sơ qua cho nhà báo biết vậy”.
Nhận lời mời của Kray Sức tôi đội cơn mưa lưu lạc đang trở nên nặng hạt để đến căn nhà sàn của Kray Sức ở cuối bản Tà Rụt khi trời đã về chiều. Ở nhà Kray Sức đã có sự hiện diện của nghệ nhân Căn Giêng cùng cha con nghệ nhân Hồ Xương đang ngồi trên chiếc chiếu hoa được trải giữa sàn nhà... “Ndô bui crsang alang krchangq he chung pa hơm/Daq Krôông k-lang ti nga tơngq lơngq mbat mitq lom/Dang zyôn he bôn paang tu rmông/Pa tưng Daq Krôông ta li côh ciing/Anáq kruông côh ma he cớpq rơuq/He cưm li li nư yơuq ơi/ Tơt chơt rbang klưưng ti lếq aun con ca changq/Teng bui o la lơuq cu môr tơrluasq pôq chô” (Đây màu xanh bao trái tim đang chờ mong/Đây dòng sông Krông Klang ta cùng yêu/Ruộng rẫy đang cho hạt no/Đảng đã cho ta cuộc đời/Ta quyết tâm theo Đảng ta/Ta nắm tay hỡi người ơi/Em đẹp làm sao giữa ánh trăng đang chờ anh/Ôi cuộc đời ta về với nhau đang nở hoa-do Kray Sức viết lời mới). Khúc dân ca PaKô êm đềm, dào dạt như dòng suối, cánh rừng của đại ngàn Trường Sơn được Kray Sức cùng nghệ nhân Căn Giêng hát lên hoà quyện trong suối âm thanh thánh thót khèn bè, sáo Tirel của hai cha con nghệ nhân Hồ Xương. Xong khúc dân ca, Kray Sức vồn vã mời tôi chén rượu nếp ủ lâu ngày bốc men thơm nồng nả, ngọt lừ đầu lưỡi. “Uống đi. Uống để cầu chúc cho nhau chân cứng đá mềm. Cầu cho mưa thuận gió hoà cho rẫy nương lắm lúa, ngô... cho khe suối lắm cá và rừng nhiều măng...để người PaKô của bản Tà Rụt, A Vương, Vực Leng, A Đăng, A Liềng luôn “no cái bụng, ấm cái thân” mà mở hội Puh Boh, Aya, Arieu Piing”
Khi chủ và khách đã lữ lã trong men rượu, Kray Sức mới bắt đầu khai mở sơ lược cho trí tò mò vốn lưu cữu cố hữu trong huyết quản của tôi về những lễ hội của người PaKô mặc dù bây giờ chưa phải vào mùa lễ hội. Theo Kray Sức thì người PaKô có nhiều lễ hội nhưng trong đó có ba lễ hội chính là lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa) và lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả không ấn định thời gian tổ chức). Lễ hội Puh Boh được tổ chức vào mùa rẫy và thường diễn ra tại nương rẫy của bản. Bắt đầu cho lễ Puh Boh, già bản đọc lời kính cáo với thần sứ Kniéq vì sự ồn ào trong suốt thời gian canh rẫy. Sau khi già bản kính cáo với thần sứ Kniéq thì việc giữ rẫy được giao lại cho tốp con gái trong bản ở căn chòi tạm dựng bên rẫy. Biết có gái đẹp ở lại giữ rẫy, con trai các bản tìm đến chòi giữ rẫy để cùng con gái trong bản vào đêm Sim (một hình thức tìm hiểu, yêu đương của người PaKô-Vân Kiều). Đêm ấy cùng nhiều đêm sau nữa trong suốt lễ Puh Boh nhiều làn điệu dân ca PaKô như Cà Lơi-Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel...được trai gái hát lên hoà trong tiếng trống Toong, sáo Khui, Khèn bè, sáo Tirel. Lễ hội Aya (hội mùa) thường diễn ra vào dịp lễ tết để cúng mẹ lúa Acáq Abon và thần bổn mạng Yangcớt. Trước ngày diễn ra lễ hội, trai bản vào rừng chặt một cây tre lớn về làm cây nêu cắm ở trung tâm của bản. Đầu cây nêu được vẽ bốn cây A Rựưc là loại cây có củ ở trong rừng mà người PaKô dùng làm lương thực từ thuở xa xưa khi người PaKô chưa biết đến việc trồng lúa. Phía trên cây nêu có gắn một vòng đan làm bằng tre là biểu tượng cho rào chắn quanh làng để ngăn thú dữ, chống lại sự xâm nhập của người lạ cũng như nhiều điều cấm kỵ để bảo vệ sự bình yên cho bản làng. Thân cây nêu được gắn tua là biểu tượng của bông lúa trên rẫy vào mùa bội thu. Lễ Aya diễn ra hai ngày một đêm. Ngày thứ nhất các gia đình trong bản tập trung dâng lễ tại nhà thờ họ sau đó chờ đêm xuống dân bản bắt đầu nhảy múa theo nghi lễ thần Síaq hoặc múa Cu ru. Đến ngày thứ hai dân bản tiến hành việc cúng làng và cúng riêng tại gia đình mình. Lễ Ariêu Piing  (lễ bốc mã) là lễ hội lớn nhất của người PaKô mà phải nhiều năm mới tổ chức một lần và không hạn định thời gian. Tất cả công đoạn, sản vật dâng cúng thần tại lễ Ariêu Piing được dân bản chuẩn bị công phu, chu đáo trước đó cả năm. Lễ Ariêu Piing cũng là lễ hội nhằm giải quyết tất cả các vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh giữa các dòng họ trong bản và giữa các bản làng của người PaKô về các vấn đề như luật tục, phong tục tập quán, quan hệ anh em, láng giềng, hôn nhân gia đình, dòng họ...trong thời gian dài mà vẫn chưa giải quyết được. Bắt đầu vào lễ, một số trai tráng trong bản được phân công giết trâu, bò, lợn để làm lễ vật cúng thần và số khác được phân công dựng lăng, đắp mộ, dựng rạp. Vào lễ hội Ariêu Piing, tất cả khách mời gồm già làng, trưởng bản của các bản có quan hệ láng giềng lâu đời với bản tổ chức lễ hội Ariêu Piing dân bản đến tập trung tại điểm diễn ra lễ Ariêu Piing để cúng thần. Ngoài khách mời chính thống còn có khách không mời Âryóoc vẫn được đến dự lễ hội. Mặc dù là khách không mời nhưng các Âryóoc được đón tiếp chu đáo, nồng hậu bởi họ chính là nét độc đáo riêng chỉ có ở lễ hội Ariêu Piing. Các Âryóoc thường lượn lờ khắp làng  hoặc đến từng gia đình để nhảy múa góp vui, hát Cà lơi-Cha chấp, chửi lác rồi xin ăn. Lễ hội diễn ra trong bốn ngày, ba đêm. Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội Ariêu Piing nhiều điệu múa của người PaKô như múa Toong (múa giữa rẫy), Xiêng  câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock ...được trai gái trong bản biểu diễn thâu đêm suốt sáng bên ánh lửa bập bùng.
Trầm ngâm một lúc, Kray Sức mới buồn buồn cho tôi biết: “Bây giờ lớp trẻ người PaKô nhiều bản làng không còn mặn mà lắm với phong tục, tập quán làm nên nét văn hoá độc đáo của người PaKô. Nhiều thanh niên người PaKô chỉ thích vào quán hát Karaokê  hay nhâm nhi ly cà phê nghe nhạc thôi. Giả sử nếu có ai đó đề nghị họ hát nửa câu dân ca PaKô chắc họ cũng chỉ lắc đầu không biết. Nói thì nói vậy chứ cũng còn vài thanh niên PaKô như Hồ Xương còn say mê luyện tập nhạc cụ, làn điệu dân ca PaKô và khá am hiểu về lễ hội, phong tục, tập quán người PaKô đấy. Vừa rồi, vì lo sợ đến một lúc nào đó văn hoá người PaKô bị mai một dần nên miềng đã cất công đi tìm gặp các già làng, trưởng bản để sưu tầm, ghi chép cẩn thận gần hai mươi trang giấy A4 về quy trình tổ chức từng lễ hội. Ngoài ra, miềng còn sáng tác thêm lời mới cho nhiều làn điệu dân ca Pa Cô để tập cho Đội văn nghệ xã Tà Rụt. Miềng phải có trách nhiệm giữ gìn hồn bản, hồn làng chứ”.
Rời căn nhà sàn bạc phách nắng mưa của Kray Sức, tôi mang theo dư âm tiếng hát chan chứa niềm khát khao, hy vọng của Căn Giêng, Kray Sức cùng tiếng sáo Tirel thánh thót xa bay của Hồ Xương. “Rừng ơi cùng hát với người/Ta cùng nhảy múa hoà chung tiếng khèn..” Tôi biết chỉ còn chưa đầy tháng nữa là các bản làng người PaKô sẽ vào hội mùa Aya. Để lễ hội Aya diễn ra đậm chất văn hoá Pa Kô thể hiện hết hồn bản, hồn làng vẫn còn đó những người con của dân tộc Pa Kô như Kray Sức, Căn Giêng, Hồ Xương đang ngày đêm âm thầm gìn giữ, bảo tồn.
 
 
H.T.S
Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 174 tháng 03/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground