Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hát mãi lời nhớ thương

T

rong vô vàn sự kiện buồn vui đi qua cuộc đời của một con người, có nhiều sự kiện dù chỉ mới xảy ra nhưng đã vội nhạt nhoà ngược lại, có kỷ niệm dù trải qua đằng đẵng tháng năm nhưng lớp lớp thời gian vẫn không thể nào che lấp; cứ mãi mãi tinh khôi, lộng lẫy, sống động trong ký ức để mỗi lần nhớ đến là trái tim ấm nồng lên những cảm xúc thật bình yên, hạnh phúc. May mắn biết bao khi cuộc đời đã dành tặng cho cô những khoảnh khắc thật ngọt ngào và diệu kỳ -Ấy là lúc cô  được gặp Bác Hồ.

Nghệ sỹ ưu tú Kim Quý vừa nói vừa dẫn tôi đến bên bức ảnh đen trắng phóng to, treo trên tường; một bức hình đã cũ, in hằn dấu vết thời gian. 

- Đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây là Kim Phú, Bích Hường, Châu Dinh, Thu Lưỡng, Ngọc Dậu, Sỹ Cừ, Mai Sơn, Hồng Tuyết, Trần Thị Lý, Mộng Điệp… những nghệ sỹ nổi tiếng một thời của Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương và Đoàn Dân ca Bình Trị Thiên. Còn cô bé bận áo dài trắng ngồi gần Bác Hồ chính là cô của ngày xưa đấy; mới đó mà đã trải qua mấy chục năm trời.

Năm đó, cô vừa tròn mười bốn tuổi. Từ miền quê xa xôi, còn nhiều vất vả, khó nghèo, được ra Hà Nội học tập, mọi thứ đều khiến cô rất ngỡ ngàng. Hà Nội thật lung linh với Hồ Gươm xinh xắn như một lẵng hoa, cầu Thê Húc cong cong duyên dáng, tươi màu sơn roi rói và phố phường nằm yên bình dưới những vòm cây... Nhưng đặc biệt nhất là Hà Nội có Bác Hồ - đó là điều mà hầu như tất cả trẻ em Việt Nam lúc bấy giờ đều nghĩ đến đầu tiên khi được đặt chân đến Thủ đô. Là người Việt, ai chẳng ước mơ một lần được gặp Bác, nhưng Bác bận trăm công nghìn việc, mình lại chỉ là trẻ con thì làm sao có được cơ hội hiếm hoi đó vậy mà thật diệu kỳ, ước mơ của cô đã trở thành sự thật!

Hôm ấy, Đoàn Dân ca Bình Trị Thiên nhận được lệnh cử đi biểu diễn phục vụ một đoàn khách đặc biệt. Xe chở anh chị em diễn viên đi qua rất nhiều con phố tấp nập của Thủ đô và bất ngờ dừng lại trước cổng Phủ Chủ tịch. Biểu diễn ở Phủ Chủ tịch ư?  Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng, hồi hộp.  Đây chắc chắn phải là một buổi biểu diễn cực kỳ quan trọng- mọi người tự nhủ và động viên lẫn nhau cố gắng, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Bác Hồ, Bác Hồ… tiếng reo của Sỹ Cừ - một thành viên trong đoàn đột ngột cất lên. 

   Như có một luồng điện chạy qua người, cô và tất cả mọi người đều hướng về phía trước, đồng loạt reo lên vui sướng, vỡ oà trong niềm hạnh phúc bất ngờ. 

Bác Hồ, Bác Hồ! 

Bác đứng đó, dáng cao cao, râu tóc bạc phơ, bộ quần áo ka ki bạc màu. Bác vẫy tay chào mọi người; nụ cười tươi rói trên môi. Không ai bảo ai, tất cả anh chị em diễn viên đều chạy ùa đến bên Bác. Mãi cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ đến phút giây đầu tiên gặp Người, lòng cô lại thấy ngập tràn hạnh phúc; nhất là khi Bác dừng lại bên, âu yếm hỏi cô bằng giọng xứ Nghệ ấm áp:

- Quê cháu ở đâu?

- Cô đăm đắm nhìn Bác, trả lời: Dạ thưa, quê cháu ở Vĩnh Linh.

Bác nhìn cô rất lâu rồi nói: Vĩnh Linh lai; khiến tất cả mọi người xung quanh cười oà lên vui vẻ. Có lẽ tại ngày ấy cô trắng trẻo, xinh xắn, mái tóc đen óng mượt dài chấm gót, đã thế lại diện bộ áo dài trắng muốt nên không giống với phần nhiều những đứa trẻ ở vùng quê Vĩnh Linh nắng gió, còn nhiều vất vả, khó khăn chăng?

Bác nói với tất cả mọi người:

- Hôm nay, có Đoàn Quân đội Liên Xô sang thăm Việt Nam. Các cháu hãy biểu diễn thật hay để bạn hiểu thêm về đất nước và văn hoá Việt Nam, đặc biệt là những làn điệu dân ca.

Theo sự phân công của Trưởng Đoàn, cô mạnh dạn bước lên sân khấu giới thiệu chương trình biểu diễn nghệ thuật. Mở đầu lời giới thiệu là những câu thơ về Vĩnh Linh- mảnh đất giới tuyến đang ngày đêm đối mặt với quân thù. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vỗ tay, nhìn cô cười  khích lệ khiến người cô cứ lâng lâng. 

Có một kỷ niệm khiến cô nhớ mãi ấy là lúc chị Kim Phú (16 tuổi) biểu diễn tiết mục múa kiếm. Do múa quá say sưa, chiếc thắt lưng đột ngột bị tuột ra. Thấy chị có phần lúng túng, lo lắng, Bác nhỏ nhẹ động viên:

- Kệ hắn con, cứ tiếp tục múa đi. 

Chị Kim Phú bối rối nhìn Bác, lưỡng lự chừng mấy giây rồi bình tĩnh tiếp tục hoàn thành xuất sắc tiết mục biểu diễn.  Lúc ấy, cô thấy Bác thật gần gũi biết bao; dường như Bác không phải là Vị Chủ tịch nước cao sang mà là người cha nhân hậu, thân thương như mọi người cha khác trong những gia đình nước Việt.

Đến tiết mục hò Giã gạo - dân ca Bình Trị Thiên, Bác cười thật tươi, vỗ tay, hào hứng xô theo phần biểu diễn của các diễn viên. Bác còn ghé vào tai vị tướng Liên Xô, dạy cho vị tướng cách xô theo điệu hò. Hoà theo tiếng vỗ tay của Bác và các vị khách quý, điệu hò Giã gạo của quê hương Bình Trị Thiên cứ ngân lên mãi tưởng chừng như không muốn dứt.

Cảm động nhất là khi chị Hồng Tuyết ngâm bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam. Đến đoạn: Giặc giết em rồi quăng mất xác/ Bởi vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh chết nửa con người/ Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi…Cô thấy Bác cúi đầu, lặng đi, mắt Bác hơi đỏ và ươn ướt nước. Khi ca sỹ Ngọc Dậu hát “Bài ca hy vọng”, ánh mắt Bác cũng đượm buồn. Miền Nam luôn hiện hữu trong trái tim Người; có lẽ lúc ấy lòng Người đang đau đáu hướng về một nửa đất nước đang rên xiết dưới vòng kìm kẹp của quân thù, khi nhịp cầu Hiền Lương còn là giới tuyến chia đôi nước Việt, khi câu hò còn bị xẻ làm đôi thì làm sao lòng Bác được thảnh thơi?

Buổi diễn kết thúc, Bác ngồi lại rất lâu với các nghệ sỹ diễn viên. Bác ân cần hỏi thăm từng người về bản thân, gia đình và hỏi rất nhiều về quê hương Bình Trị Thiên như thể người thân đi xa lâu ngày mới gặp lại, có biết bao nhiêu điều cần hàn huyên, tâm sự. Bác nói:

- Các đồng chí Quân đội Liên Xô đã giúp đất nước chúng ta rất nhiều trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hôm nay, các cháu đã thay mặt người dân Việt Nam giúp cho các bạn Liên Xô hiểu thêm về văn hoá, về các làn điệu dân ca quê mình. Bác rất thích nghe dân ca, nhất là những làn điệu dân ca Miền Trung. Các cháu phải biết yêu quý và giữ gìn những làn điệu dân ca, đừng để mất hay phai nhạt đi… Nào, bây giờ Bác cho các cháu chụp ảnh để làm kỷ niệm.

Mới nghe đến đấy, tất cả anh chị em diễn viên đều nhao nhao đòi được đứng gần Bác. Bác cười, âu yếm:

- Đừng kéo Bác mà Bác bổ (ngã), để Bác ngồi xuống đã, cháu nhỏ nhất đâu, hãy đến ngồi cạnh Bác.

Như trong một giấc mơ thần tiên, cô hớn hở chạy đến ngồi bên Bác, khẽ nghiêng đầu dựa vào vai Người thật bình yên, tin cậy. Chụp ảnh xong, Bác lấy kẹo phát cho mọi người. Thật hạnh phúc khi cô là người được Bác cho nhiều kẹo nhất. Những chiếc kẹo Bác cho cô đã giữ mãi mà không dám ăn, mãi cho đến khi tất cả  số kẹo đó đã chảy thành nước…

- Những năm tháng sống ở Hà Nội, cô có còn được gặp Bác lần nào nữa không? Tôi đột ngột ngắt lời Nghệ sỹ ưu tú Kim Quý. Nữ nghệ sỹ lặng lẽ nhìn vào khoảng không gian xa xăm, đôi mắt đỏ hoe vì cảm động.

- Cô chỉ được gặp Bác một lần, nhưng dù có trải qua bao tháng, bao năm, trong trái tim mình, hình bóng Bác vẫn vẹn nguyên với nụ cười ấm áp,  với những cử chỉ bình dị, hiền hoà… Và cho đến tận bây giờ, cô vẫn không thể nào quên chiều đông Hà Nội năm 1969. Trong cơn mưa ào ạt tái tê của Hà Nội, bồng trên tay đứa con chưa tròn một tuổi, cô tìm đến quảng trường Ba Đình, lặng lẽ vừa thầm gọi tên Bác vừa khóc, trái tim quặn tràn đau đớn, bàng hoàng xót xa khi Bác đã vĩnh viễn đi xa.

Sinh ra ở làng Tùng Luật - xã Vĩnh Giang. Ba của cô mất khi cô còn trong bụng mẹ. Rồi mẹ đi lấy chồng mới, gửi cô ở lại sống với cô ruột. Hai cô cháu  nương tựa vào nhau trong một túp lều tranh xơ xác. Từ thuở còn thơ, cô đã  không biết đến niềm hạnh phúc khi có đủ đầy cha mẹ. Mỗi buổi chiều, ra bờ sông, thấy cảnh cha con, vợ chồng các gia đình khác tíu tít bên nhau khi thuyền cập bến, lòng cô lại quay quắt nhớ người thân. Nhưng chờ mãi, chờ mãi mà vẫn không mấy khi được gặp mặt những người mình yêu quý. Chính vì vậy  khi nghe tin Bác mất, cô thấy hẫng hụt vô cùng, dường như cô đã mất đi người thân ruột thịt duy nhất của đời mình. Cô thầm nói với đứa con còn non nớt trên tay: Con ơi, con không thể nào gặp Bác được nữa rồi. Làm sao con còn được nhìn Bác bằng xương bằng thịt, làm sao con được ngồi trong lòng Bác mà nũng nịu, đòi kẹo, đòi quà…

Bức hình chụp chung với Bác luôn được cô treo trang trọng trên tường; đó là kỷ vật vô giá duy nhất về Bác mà cô còn giữ được. Mỗi lúc buồn phiền, cứ nhìn vào đôi mắt và nụ cười thân thương của Bác, cô lại thấy trong lòng nhẹ nhõm và bình yên.

Những diễn viên của Đoàn Dân ca Bình Trị Thiên và Ca nhạc nhẹ Trung ương năm xưa nay đã già, đã về hưu, người còn, người mất. Mỗi khi gặp nhau, hàn huyên chuyện cũ, ai ai cũng nhớ như in những phút giây tuyệt vời bên Bác, nhớ đến cả từng chi tiết nhỏ nhất của buổi biểu diễn đặc biệt nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Có một điều mà tất cả đều khắc sâu ghi nhớ ấy là phải làm sao để sống xứng đáng với Người.

Trong con đường nghệ thuật của mình, từ khi là một cô bé con cho đến khi đã trở thành một diễn viên có tiếng tăm, từng đạt rất nhiều Huy chương vàng cá nhân của các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, được phong Nghệ sỹ ưu tú…mỗi khi đạt được thành tích gì cô cũng thầm khoe với Bác.

Bác Hồ ơi, cho dù Bác đã đi xa nhưng trái tim chúng con vẫn luôn hướng về Người với biết bao ân tình sâu nặng. Và mỗi khi nghĩ đến Bác, trái tim chúng con vẫn sẽ hát mãi những lời nhớ thương…

                                                                                     P.M.Q

 

Phạm Minh Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

4 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground