Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồi sinh

K

hông rõ tự bao giờ Vĩnh Kim quê tôi đã có cái tên quai nôi “làng Thuỷ Cần” chỉ biết rằng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 Thuỷ Cần có năm ấp: Ấp Sơn gồm (thôn Sơn Hạ, Sơn Trung thuộc xã Vĩnh Thạch ngày nay); Ấp Đông gồm (thôn Đông, thôn Se); Ấp Tây (nay là thôn Tây); Ấp Thuỷ có ba thôn (Thuỷ Bắc, Thuỷ Trung, Thuỷ Nam); Ấp Kim có sáu thôn (Hương Bắc, Hương Nam, Xuân, Noỗng, Bàu, Roọc.)

Tổ chức bộ máy chính quyền của làng trước Cách mạng theo chế độ phong kiến. Đứng đầu là Lý trưởng, kế theo một loạt chức vị nào Hương Bản, Tràm Làng, Tri Bộ, Thủ Sắc, Thủ Bộ, Hương Kiểm, Hương Mục, Phó Lý, Trùm Ấp, Trùm Xóm rồi đến Khoán, Mõ...Lý trưởng và các chức việc làng đều do quan huyện bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của Lý trưởng tuỳ thuộc vào khả năng của người đương nhiệm. Bên cạnh bộ máy chính quyền còn có tổ chức của các bổn tộc giòng họ. Mỗi họ có riêng một nhóm tộc biểu là đại biểu do họ bầu ra chịu trách nhiệm giải quyết các công việc thuộc phạm vi họ mình dưới sự quản lý của trưởng họ.

Thời phong kiến làng có nhiều người học cao, thông thái, có nhiều thầy Đồ thầy Cung nổi tiếng bởi vậy Thuỷ Cần thường lưu truyền câu ca: “Văn chương họ Nguyễn - Cung kiện họ Dương”. Cũng có người thi đỗ làm quan như ông Nguyễn Tấn Kiêm mà bàn dân thường gọi là Quan Hường để tỏ lòng tôn kính.

Làng có hai cây đa cổ thụ không rõ trồng vào thời gian nào mà toả bóng mát rượi phủ kín gần mẫu đất. Những cành đa xoè tán rộng như đôi bàn tay khổng lồ ôm trọn đình làng cùng hồ nước trong xanh soi tăm cá. Đình làng là nơi thu tô thu thuế của chế độ phong kiến, là nơi lực lượng khởi nghĩa tước ấn triện của Lý trưởng và cũng là nơi mỗi khi có việc hệ trọng con cháu trong làng đều hội tụ về đây bàn tính chuyện mưu sinh ích nước lợi nhà.

Vậy mà thuở xưa làng tôi nghèo lắm. Đất ruộng của làng đã ít lại tập trung vào tay của một số nhà giàu cho nên đại bộ phận dân nghèo phải đi làm thuê cuốc mướn mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhiều người phải rời làng, tha phương cầu thực vào đến tận Phú Riềng, Sông Bé, Nam Bộ. Ai đã từng đến thăm nhà bảo tàng Quốc gia hẳn không quên được tấm áo vá chằng vá đụp hàng trăm mảnh của bà Thập - một hiện vật của làng Thuỷ Cần. Dân làng có câu than rằng: “Áo rách chi lắm áo ơi. Áo rách trăm miếng không nơi rận nằm”. Thôn Xuân nơi tôi sinh ra, thời Pháp thuộc được khoác lên mình cái tên nghe sao mà định mệnh tủi hờn: “Xóm Bần!” Khổ cực đến nỗi cho tới bây giờ sau bao nhiêu cuộc vật đổi sao dời, người dân thôn Xuân vẫn không quên truyền thuyết bi thương về quá khứ tủi nhục của mình. “Chín năm không đẻ. Mười hai năm có đẻ không nuôi”. Thiếu ăn, đói rét, bệnh tật ốm đau không được chăm sóc y tế. Cuộc sống con người xóm Bần vật vờ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Vụ mùa năm 1944,  Đông Xuân 1944 - 1945  làng Thuỷ Cần mất mùa nghiêm trọng. Nạn đói đe doạ, cái chết len lỏi gõ cửa từng nhà lại thêm sự o ép của cường hào địa chủ, xóm làng xơ xác tiêu điều.

Tháng 8 năm 1945 chấp hành lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Huỳnh Công Đông, ông Yến, ông Nhạn cùng ông An đã tổ chức nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, tước ấn triện của Lý trưởng Nguyễn Đình Hào vào ngày 16 tháng 8 năm 1945, kết thúc sự tồn tại của một chính quyền phong kiến thối nát ở địa phương. Nhân dân làng tôi vui mừng chào đón cuộc đổi mới, kéo nhau tập trung về đình làng ở thôn Đông làm lễ ra mắt chính quyền cách mạng. Từ khi theo Đảng giành lấy chính quyền, biết bao biến cố đến với đất làng, người Thuỷ Cần vẫn một lòng một dạ thuỷ chung son sắt với kháng chiến.

Tháng 3 năm 1947 giặc Pháp kéo tới Thuỷ Cần lập đồn tại nhà thờ họ Nguyễn Đức thuộc thôn Sơn Hạ. Đồn Thuỷ Cần như một mũi dao thọc vào giữa con tim của làng. Uỷ ban kháng chiến được sơ tán lên chiến khu Thuỷ Ba. Đêm đêm cán bộ ở chiến khu vẫn đi về bám dân bám cơ sở, được nhân dân đào hầm bí mật nuôi dấu che chở. Địch lùng sục ruồng bố gắt gao. Nhiều đợt đại càn của quân Pháp cứ chà đi xát lại, lửa cháy rực trời. Cán bộ và quần chúng cơ sở bị bắt bị chặt đầu treo cổ lên cành cây mù u, đóng cọc cắm ở cổng chợ. Đất và người làng tôi phải gồng mình lên chịu đựng, kiên gan bám trụ quyết sống mái với quân thù. Du kích cùng bộ đội vệ quốc đoàn phục kích đánh địch khắp các ngả đường từ Ngõ Ra đến cầu Rú Ông, cửa Troong Môn... Đêm nào cũng vậy, tiếng mõ báo động cứ chuyền lan vang rền khắp mười hai thôn khiến cho địch ở trong đồn ăn không ngon ngủ không yên cứ thấp thỏm lo sợ trước trận đồ bát quái của làng. Rồi trận đánh đồn đầu năm 1949, mặc dù không thành nhưng tấm gương anh hùng bất khuất của chị Lê Thị Thỏn người con gái đất đỏ, bị thương vào đùi, giặc bắt được chúng xẻo vú, cắt tai chị vẫn kiên quyết không hé một lời làm cho quân thù khiếp sợ.

Tháng 11 năm 1949, trước sự bao vây quấy rối liên tục của du kích, quân Pháp đã rút chạy khỏi đồn Thuỷ Cần. Chuyện thời đánh Pháp của làng tôi là thế. Mất mát đau thương đất làng đã hoá đời người cho bao nhiêu số phận.

Hiệp nghị Giơ-ne-vơ được ký kết. Làng tôi cũng như bao làng khác ở Vĩnh Linh lại bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Đầu năm 1957 xã có ba trăm tám mươi hộ lập thành hai mươi ba tổ đổi công. Từ kiếp sống bần hàn được cách mạng chia cho ruộng cày, dân nghèo làm chủ cuộc đời càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hợp tác xã sơ cấp thôn Đông được thành lập tháng 7 năm 1957 là mô hình thí điểm đầu tiên của làng. Hợp tác xã tiến hành hoá giá ruộng đất trâu bò, nông cụ trên cơ sở xã viên tự nguyện để tổ chức làm ăn tập thể. Từ điểm xuất phát thôn Đông đến vụ mùa 1958 Vĩnh Kim có thêm mười một hợp tác xã ở mười một thôn còn lại để rồi sau những tháng năm thăng trầm trăn trở làng như cánh diều gặp gió vút bay lên. Đông Xuân 1958-1959 mười hai HTX cấp thấp được hợp nhất thành HTX cấp cao do ông Nguyễn Đức Nhiên làm chủ nhiệm. Tiếng vang Vĩnh Kim ra đến tận Hà Nội. Tại hội nghị lần thứ 16, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chọn Vĩnh Kim làm báo cáo điển hình cho cả nước về kinh nghiệm tổ chức xây dựng HTX.

Tôi không có tham vọng nói nhiều về cái thuở ban sơ làng tôi bước vào cuộc hồi sinh lần thứ nhất ấy. Xin được kể ra đây giai thoại rất thực mà mộc mạc chân phương như đất như người Thuỷ Cần vậy: Đầu năm 1959 ông Phan Văn Toàn, Bí thư Đảng bộ Vĩnh Kim thay mặt cho làng vinh dự được gặp Bác Hồ, được báo cáo với Bác và Trung ương Đảng kinh nghiệm của Vĩnh Kim trong tổ chức cung cách làm ăn HTX. Khi nói đến việc hoá giá tài sản, Bác hỏi Bí thư Toàn: “Thực hiện hoá giá tài sản thì ai là người định ra giá? Sau mấy năm thì HTX trả xong giá trị tài sản hoá giá cho xã viên? Các chú trả cho ai trước? Trả cho ai sau?”

Ông Toàn thưa: “Việc hoá giá do đại hội xã viên định ra giá. Sau ba năm phải trả xong cho xã viên. Căn cứ vào thực tế, ai cần trước thì trả trước, ai cần sau trả sau!”. Bác khen Vĩnh Kim làm như rứa là được nhưng Bác nhắc: “Hình thành HTX giống như mình sinh ra một đứa con. Phải nuôi dưỡng chu đáo. Phải quản lý tốt. Trong quản lý thì khâu quản lý con người là quan trọng nhất mà trong quản lý con người thì anh cán bộ là điều cần để ý, phải bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện thường xuyên. Cán bộ có tốt, chí công vô tư thì HTX mới mạnh, mới tồn tại lâu dài. Xã viên thu nhập ngày càng cao thì càng gắn bó với HTX hơn”. Bác lại khuyên: “Vĩnh Kim nên chế biến màu vì đất nhiều ruộng ít, sắn khoai là chủ yếu. Chế biến màu để cải thiện bữa ăn cho dân. Ở gần biển nên tích cực trồng cây gây rừng để che chắn gió bão vừa có gỗ cho dân làm nhà.”.

Nói đến việc lấy sức dân làm gốc, Bác Hồ dặn đi dặn lại Bí thư Toàn một điều: “Mọi việc phải thực sự dân chủ với xã viên, bàn bạc với dân để phát động dân cùng làm. Đừng làm một mình mà thiếu sự ủng hộ của quần chúng”.

Ghi lòng tạc dạ lời dạy ân cần của Bác, suốt từ những năm 1959 đến 1965 với khẩu hiệu “Phá xiềng ba sào”, “Ngọn lửa Thuỷ Cần”, Vĩnh Kim tiếp tục tiến quân vào mặt trận nông nghiệp. Những đồi hoang Bơợc Trợ, Troốc Ang, Cồn Hôi. ,Côộc Rôộng, Đuôi Tôm được khai phá mở ra những đồng đất ươm cho đời sự ấm no hạnh phúc. Lúa năm tấn thôn Đông vượt lên được mùa liên tiếp, khoai sắn Nam Xuân vẫn thắm sắc màu xanh. Những đồi chè, đồi tiêu làm lòng người lâng lâng như lạc vào cõi mơ. Cuộc sống được hồi sinh đã thổi vào hồn của đất, khí thiêng bừng bừng trỗi dậy của một miền quê lại kết thành đài hoa dâng cho đất cho đời. Tháng 2 năm 1960 máy cày từ đất nước Tiệp Khắc xa xôi tặng cho Bác Hồ lại về reo vang trên đồng quê Vĩnh Kim mãi mãi là một minh chứng về sự ghi nhận của Đảng, Bác Hồ đối với Vĩnh Kim âu cũng nói lên điều: Người dân quê tôi bao giờ cũng thế, đã hứa điều gì chắc như đinh đóng cột để rồi niềm vui nối tiếp niềm tự hào. Năm 1965 làng lại được vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng nông nghiệp” đã nâng tầm một thế vươn mạnh mẽ trong quá trình xây dựng HTX điển hình của Vĩnh Kim sau này.

Nhưng rồi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Với một chiều dài bờ biển non bốn cây số, có diện tích tròn bốn cây số vuông vừa bằng đảo Cồn Cỏ, hai ngàn hai trăm dân, bốn trăm năm mươi hộ, Vĩnh Kim đã kiên cường bám đất bám làng “một tấc không đi, một ly không rời”. Tập đoàn hiếu chiến Giônxơn điên cuồng đánh phá miền Bắc. Vĩnh Kim cũng bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, chúng muốn hất người dân ra khỏi quê cha đất tổ. Cuộc chiến tranh tàn phá dai dẳng diễn ra hàng ngày hàng giờ suốt từ 1965-1968. Toàn xã có bốn trăm năm mươi nóc nhà, đến năm 1973 chỉ sót lại hai nóc nhà còn nguyên vẹn.

Bốn năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chúng đã huy động một khối lượng bom đạn khổng lồ dội xuống mặt đất Vĩnh Kim (187.174 quả bom). Bình quân một người dân phải gánh chịu 85 quả, mỗi hộ hứng chịu 415 quả chưa kể các loại đạn pháo, rôốc két, đạn 20 ly, bom bi bom cháy... Hạ tầng cơ sở của làng bị bom đạn địch tàn phá nặng nề. Cơ sở vật chất của nền kinh tế HTX hầu như huỷ hoại hoàn toàn. Tám mươi hai con trâu bò bị giết. Bốn cầu cống, ba đập giữ nước cùng trường cấp một bị bom Mỹ  đánh sập. Trường cấp hai và nhiều công trình văn hoá khác bị tàn phá.

Ai có dịp đến Vĩnh Kim trong những năm 1966-1967 theo đường hào ra tận Đuôi Tôm (thôn Xuân) mới thấy cảnh huỷ diệt ở đây thực sự vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người. Một vùng đất trồng dừa cùng cánh rừng nguyên sinh ven biển vẻn vẹn chưa đầy sáu héc ta, suốt một năm liền bom Mỹ cứ tung lên nhào xuống, cây rừng biến thành đất. Vậy mà trận địa trực chiến vẫn hiên ngang. Từ Cồn Hôi, đồi Cây Sui, đất Cố Lương đến động Mái Nhà, mũi Cửa Hang, động Đỏ, trận địa Trạng Dưa lưới lửa phòng không tầm thấp của Vĩnh Kim đã bắn rơi bắn cháy năm máy bay, phối hợp cùng bộ đội pháo binh bắn cháy năm tàu chiến Mỹ. Đặc biệt ngày 3 tháng 11 năm 1967 tại trận địaTrạng Dưa khẩu đội 12 ly 7 của Vĩnh Kim đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát VOIOA đầu tiên miền Bắc để đến năm 1994 đoàn MIA lần tìm về Vĩnh Kim. Được đón tiếp bằng thuốc lá Điện Biên nước chè búp đậm đặc, sĩ quan chuyên viên về vũ khí của MIA khi hớp một ngụm nước đã hoảng hốt thốt lên bằng tiếng Việt rất sỏi: “Ô! Đi khắp Việt Nam chưa thấy nơi nào nước mặn như Vĩnh Kim”. Tôi hồi đó làm việc ở văn phòng UBND xã, đưa tay chỉ gói thuốc Điện Biên rồi nói với viên sĩ quan người Mỹ rằng: “Vậy đó! Dạo đang còn chiến tranh  chúng tôi đã từng hút loại thuốc này và uống thứ nước “mặn” mà ông vừa uống để rồi bắn rơi máy bay VOIOA của các ông!”. Người Mỹ xác nhận một phần cánh chiếc máy bay bị bắn rơi ở Trạng Dưa năm 1967 hiện đang nằm tại nhà truyền thống Vĩnh Kim là cánh loại máy bay trinh sát thân bừa của hải quân Mỹ.

Chuyện quê tôi trong những năm đánh Mỹ biết kể sao cho hết. Bởi cái chất anh hùng của một làng quê được khơi nguồn từ thuở tổ tiên mới khai thiên lập địa không ngừng truyền chảy trong mạch ngầm của đất để rồi chuyển lưu cho con cháu qua các thế hệ gìn giữ tôn vinh.

Chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Từ giữa tro tàn đổ nát, làng tôi lại bước vào cuộc hồi sinh lần thứ hai. Việc đầu tiên cần làm là khẩn trương tập trung sức lực trí tuệ của Đảng của Dân thực hiện bằng được việc quy hoạch lại khu dân cư, quy vùng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sao cho năm bảy mươi năm sau vẫn không bị lỗi thời tụt hậu.

Từ 1974 đến 2002 khoảng thời gian hai mươi tám năm trăn trở, thể nghiệm, có thất bại và có thành công, Vĩnh Kim đã khẳng định được cho mình một hướng đi tới trong tương lai. Đất làng đang từng bước thay da đổi thịt, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt nhờ đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, lấy ngắn nuôi dài, đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hoá huy động sức dân với sự hỗ trợ của tập thể của Nhà nước để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng có giá trị hàng tỷ đồng. Bằng sự lao động cần cù, năng động, sáng tạo trước sức bung ra của cơ chế thị trường, đất làng đang chuyển mình theo một đồ thị tăng trưởng đến chóng mặt. Từ chỗ mỗi hộ trồng năm đến sáu cây hồ tiêu năm 1974, đến nay Vĩnh Kim có 61,8 ha; 210 ha lạc hai vụ cho giá trị thu hoạch hàng năm xấp xỉ 1,5 tỷ đồng. Cây cao su - vàng trắng trên quê hương đất đỏ đã định hình 77,9 ha có chiều hướng đáng mừng. Hàng năm nhân dân đóng góp 1.200 công để mở rộng nâng cấp đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân đi lại sản xuất làm ăn thuận lợi. Trụ sở uỷ ban, trường học cho con em được cao tầng hoá. Toàn xã có 649 hộ thì có 599 hộ xây nhà kiên cố bán kiên cố đạt 92,3%. Một trăm phần trăm số hộ có điện thắp sáng; 35% số hộ có xe máy. Ngay như xóm Bần ngày xưa nghèo nhất làng vậy mà toàn thôn có 58 hộ thì 56 hộ có nhà xây mái ngói khang trang với trị giá mỗi nhà đến ba bốn chục triệu đồng; thôn có 2 sinh viên đại học và 1 thạc sĩ. Học sinh tiên tiến cả 3 cấp học 25 em, học sinh giỏi 10 em, trong đó có 2 học sinh giỏi cấp tỉnh.

Đời sống vật chất tinh thần văn hoá của làng ngày càng phong phú. Mười hai thôn có 24 đội bóng chuyền nam và nữ đã dấy lên phong trào thể dục thể thao sôi nổi hào hứng. Kinh tế xã hội ổn định, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công cuộc xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã và đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân làng tôi. Giữa ngổn ngang bề bộn của cơ chế trị trường một loạt gương mặt nông dân làm ăn giỏi xuất hiện đã chắp cánh cho bản hợp xướng Hồi sinh của Vĩnh Kim cứ ngân vang, bay xa bay cao. Đó là anh Nguyễn Hữu Thông một chủ nhiệm HTX trẻ, mạnh dạn, táo bạo trong tổ chức đời sống kinh tế là nhân vật số một về mô hình kinh tế vườn của làng. Hiện nay anh Thông có 0,5 ha cây hồ tiêu đã cho thu hoạch, và trồng mới được 8 sào gồm 860 gốc. Năm 2001 gia đình anh thu từ bán hom giống được 15 triệu đồng. Năm 2002 thu hoạch được 5 tạ tiêu hạt bán được 10 triệu đồng. Ngoài cây tiêu ra gia đình anh Thông còn tích cực sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, đầu tư chăm sóc cây cao su. Vụ lạc xuân 2002 anh Thông đạt sản lượng 1,6 tấn trị giá 8 triệu đồng; Nuôi hai lợn nái thu một năm được 4 triệu. Bốn ha cao su với 2100 cây của gia đình chủ nhiệm Thông đang hứa hẹn những năm bội thu. Ngoài chủ nhiệm Thông còn có các anh Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Khắc Linh, Nguyễn Đức Lập (phó chủ tịch xã), Nguyễn Xuân Việt, Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Hữu Trị... Mỗi người một cung cách làm ăn chính đáng đã hội tụ lại trong cái nghĩa đơm hoa kết trái cho đời.

* * *

Giữa ngày vui đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” của làng; Từ trên gác thượng của trụ sở UBND xã, tôi cùng anh Tú, anh Thược và anh Trang (Bộ ba thường vụ Đảng uỷ xã) vạch một tầm nhìn khái quát quanh làng. Con đường đất đỏ Vĩnh Kim với chiều dài 14,5 km (trong đó có 2,5 km bê tông hoá, rộng 8 m như một con rồng lửa mà đường toả về mươi hai thôn như mười hai cái chân bám chắc lấy thân rồng. Nhìn đi nhìn lại, ngắm thật kỹ tôi chợt nhận ra liền nói với các anh trong thường vụ mà như đang thì thầm với đất làng: - Chính nơi đây! Nơi chúng ta đang đứng này là cái đầu của con rồng - Rồng ngẩng lên nhìn trời - Rồng đang hướng Thiên! Vẫn chuyện con đường, anh Trang Chủ tịch xã nói đầy vẻ tự tin:

- Cũng mừng cho Đảng bộ và nhân dân xã nhà. Nhận thức chuyển kịp với thời cuộc nên đường chúng ta mở rộng như hôm nay. Nếu không, nay mai bê tông hoá toàn tuyến giao thông của xã, lại tháo dở, đào chuyển, đập phá thì vừa đau đầu cho lãnh đạo lại vừa làm khổ cho dân.

Anh Thược khẳng định: - Phải mừng chứ! Đâu phải chuyện đùa khi mà Vĩnh Kim chúng ta năm 1999 được Bộ Giao thông vận tải tặng thưởng bằng khen về thành tích “Đường giao thông nông thôn”.

Anh Tú nheo nheo mắt cất giọng xin lỗi:

- Rứa là yên tâm! Ước mơ của Đảng của n Vĩnh Kim nay đã thành hiện thực. Điện, đường, trường, trạm ta đã có đủ. Nhưng sử dụng như thế nào cho có hiệu quả mới là điều quan trọng.

Điều anh Tú nêu ra đâu phải là sự thoả mãn dừng lại. Âu cũng là khẳng định những gì Vĩnh Kim đã làm trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai.

Sau hai cuộc hồi sinh với hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, bốn mươi lăm năm đã qua là cả một chặng đường đầy máu và nước mắt, có cả sự hy sinh oanh liệt, sự phấn đấu kiên trì bền bỉ của biết bao thế hệ người làng Thuỷ Cần. Chúng tôi hậu duệ của hồn quê Vĩnh Kim xin kính cẩn nghiêng mình biết ơn tổ tiên,  ông cha đã chắt chiu để cho con cháu hôm nay được thừa hưởng cái chất anh hùng của nguồn sữa mát quê hương.

                                  Trại viết Cửa Tùng tháng 8.2002

                                 D.V.T

Dương Văn Thuận
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 97 tháng 10/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground