Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồn chợ

T

ôi vốn là người đa cảm. Một trong những việc hay làm của tôi là nhớ về quá khứ. Không phải lúc sa cơ, hết thời mà lúc xêng xang, sung sướng tôi vẫn chạnh nhớ thuở bần hàn. Những lúc đó, trong ký ức tôi, những hình ảnh cũ luôn làm tôi sống dậy cả một thời quá khứ. Một trong những nỗi nhớ đó, lằn trong ký ức của tôi là những lần lẽo đẽo theo mạ ra chợ Do. Con bé tôi tóc cháy khét nắng được mạ cho đi chợ là mừng lắm, có thể xem đó là những chuyến du lịch khám phá quan trọng của tôi. Từ những lần đi chợ đó để rồi sau này đi nhiều chợ, nhiều siêu thị sầm uất khắp cả nước, tôi vẫn thầm so sánh với chợ Do. Tôi tìm ra một điều gì đó thật khác lạ, lưu mãi trong ký ức nhưng khó gọi ra thành tên.Thôi thì tôi tạm gọi ra và đặt tên nó là “Hồn chợ” vậy.

Nằm ở vùng Đông Vĩnh Linh, chợ Do dân dã, hiền lành, lam lũ khiêm tốn như người dân ở đây. Như câu ca ai đó đã truyền tụng lâu đời: Chợ Do chợ của nhà quê. Chợ sắn, chợ cá, chợ chè, chợ tiêu. Nếu bạn muốn khám phá nguyên khí của vùng đất này, nơi có những cánh đồng lúa bát ngát, những triền đất đỏ bazan nhức mắt, nơi có những vườn hồ tiêu, chè, ớt, sắn chen nhau. Nơi có cánh rừng nguyên sinh Rú Lịnh, có cửa biển và những vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ của con sông Hiền Lương lịch sử... Tất cả  đặc sản của vùng đất đó đều hội tụ đầy đủ ở chợ Do này.

Hoa trái của vùng đất này từ hạt gạo, củ khoai, củ sắn, hạt tiêu, bó chè rồi mớ rau lang, rau muống... trái dưa, bó sả rồi cá biển, cá đồng, mớ tép, mớ tôm... tất cả đều được gồng gánh trên đôi vai của các mẹ, các chị về họp mặt ở ngôi chợ quê này.Những người dân chân chất đã khoác lên chợ một cái gì rất  dỗi thiêng liêng, thâm trầm dân dã. Và cả những thứ được xem như đặc sản của chợ Do thì cách bày và bán cũng không giống bất cứ chợ nào. Đầu tiên phải kể đến là hạt tiêu, đây là thứ đặc sản mà tôi dám chắc với bạn rằng không nơi nào trong tỉnh nhiều hơn ở chợ Do. Tiêu chợ Do hạt chắc cay đến nao lòng. Mùa tiêu chín, chợ Do la liệt, từng đùm, từng gói được bày bán trên các nẹt. Người bán nhiều từng thúng, từng bao chất đầy khắp chợ. Hạt tiêu phơi khô cất trữ quanh năm. Những dịp lễ tết, mua sách vở, quần áo cho con đến trường họ lại đem vài yến ra bán. Những lúc có khách khứa, cần vài ba chục lẽ họ lại đem vài cân, thậm chí vài long ra chợ Do. Cứ túc tắc, thủng thẳng như thế, chợ Do không lúc nào thiếu tiêu. Có một điều là là tiêu chợ Do lúc nào cũng bán hết, chẳng mấy khi người bán mang về bởi vì đây đã có người gom sĩ đem đi bỏ mối nơi khác.

Chè ở chợ Do cũng là điều đáng nói. Chè ở đây có hương vị khác chè các nơi khác. Tất cả những người nghiện chè đều thích uống chè xanh chợ Do. Dù được chở đi bỏ mối ở đâu thì người ta phải chọn bằng được loại chè xanh ở đây để mua. Chè chợ Do khi nấu uống có vị thơm ngon, nước có màu xanh. ở đây không rõ vì sao lại tập hợp rất nhiều giống chè: Chè Hà Giang, chè Phú Thọ, chè Thái Nguyên. Chắc trong quá trình Nam tiến, những người đất bắc mang theo vào rồi sinh tồn và phát triển cho đến ngày nay. Đặc điểm của các loại chè này là lá nhỏ, dày và thường nấu đến nước thứ hai thứ ba vẫn còn chát nhưng có vị thơm và ngọt không đắng như chè nơi khác. Vì thế, cứ mỗi sáng sớm trên đường 70, tấp nập những xe đi Quảng Trị, đi Huế chất ngồn ngộn trên nóc chè xanh Vĩnh Linh.

Với khách đường xa, đi chợ là để xem, để khám phá một vùng quê. ở chợ Do này chẳng cần rao bán, chèo khéo nhưng khách không đành lòng bỏ đi. Ngoài những đặc sản truyền thống của vùng đất thì nhiều thứ quà vặt ở đây cũng đủ níu chân bạn. Cầm lòng sao được khi nhìn thấy giữa lưa thưa hàng quán là những nẹt xếp đầy bánh đúc rau câu, một thứ quà của biển  cả cộng với bát ruốc pha thêm trái ớt đỏ bày ra trước mắt. Thứ bánh này ngày nay đã nâng lên hàng đặc sản,cũng rất khó tìm. Đây là thứ quà vặt thích thú nhất, ăn vào bổ và mát. Nhờ nó mà chống lại cái nắng, cái gió ở vùng đất này chăng.Chợ Do còn có một thứ đặc  sản nữa là bánh bột lọc kẹp bánh đa.Cũng là thứ bánh bột lọc, nhưng cách làm ở đây khác lạ so với các nơi khác. Quá trình làm giống bánh bột lọc thông thường nhưng không có nhân. Sau khi bánh luộc chín vớt ra trộn với nước lèo gồm tôm giả nhỏ, lạc, nước mắm, nước mỡ và một số gia vị khác. Những chiếc bánh đa được nướng phồng thơm phức, bẻ đôi, kẹp ở giữa là bánh bột không nhân đó quả là món ăn hấp dẫn. Bánh ăn vào có hương vị của ném, vị cay của ớt tiêu, vị ngọt của tôm, vị bùi của lạc và bánh đa.Tất cả trộn lẫn vào nhau tạo nên một hương vị độc đáo, khó lẫn vào đâu được.Ăn bánh đúc rau câu,bột lọc kẹp bánh đa, uống bát nước chè xeng “đứng đụa”, những món quà quê dân dã dù ở đâu vẫn nhớ, khi nhắc đến vẫn thèm. Đó là thứ quà của những bà mẹ nghèo Vĩnh Linh dành cho con cháu như nhắc nhở chúng đừng bao giờ quên gốc gác quê hương.Những món quà của trời đất bình dị là vậy mà đã là ngẫu hứng cho biết bao nhiêu người, không ai nỡ xa vì thương nhớ. Phải chăng những thứ quà quê đó đã làm nên hồn cốt chợ Do này.

Nhưng điều khiến tôi nghiện chợ Do này chưa hẳn là những thứ đặc sản đó. Điều làm tôi nhớ đến nao lòng, nhớ như nhớ người thân  của mình là những người mẹ người chị buôn bán ở chợ Do này. Tôi thường ngắm họ những lúc ra chợ.Những người phụ nữ lam lũ trên cánh đồng một nắng hai sương, những người đàn bà gắn bó với ruộng vườn, với chiến tranh và chia cắt. Quanh năm vất vả ăn khoai, ăn sắn, uống nước chè xanh. Cái khó, cái khổ cũng giống như cái vui... thì tất cả cũng rứa, họ luôn bình thản để chống chọi với số phận mặc dù họ đã lập nên bao nhiêu kỳ tích anh hùng và cả cuộc đời tần tảo chỉ biết hy sinh cho chồng, cho con. Những đôi chân to bè không bao giờ mặc dép, gan bàn chân chai nhiều chỗ, gót nứt nẽ như đồng khô mùa hạn, những đôi vai chống đỡ nhọc nhằn với chiến tranh, với mùa màng thất bát, với gió lào, ngập lụt thiên tai để rồi cứ mỗi sáng sớm trên các ngã đường đất đỏ Vĩnh Hiền, Vĩnh Hoà, Vĩnh Thạch...gồng gồng gánh gánh trên vai họ lại đổ về chợ Do với mùa nào thức nấy. Đi bộ hàng mấy cây số, tất cả ra chợ mua mua bán bán để rồi lại tất tả  trở về với mảnh ruộng, mảnh vườn. Những đồng tiền nhỏ nhoi thu được từ mớ rau, con cá, hạt tiêu, bó chè... tuy nhỏ nhoi thật nhưng đầy niềm vui, bởi nó được làm ra từ những giọt mồ hôi mặn chát. Với từng ấy công việc, ngút ngàn thời gian, đáng ra họ phải mệt nhoài, thế mà lạ, tất cả họ đều tươi tắn. ấy là vì việc làm mà quên mệt, ấy là vì thương chồng thương con mà không quản ngại vất vả. Lòng yêu thương khi thấy người thân của mình hạnh phúc làm cho con người ta quên nỗi buồn phiền cực khổ, nhiều khi ham mê công việc quá và cũng có khi thấy nhà cửa bình an, vui vẻ mà quên hết nỗi mệt mỏi của mình.

Như đã hiểu nhau nỗi vất vả nhọc nhằn nên người mua bán ở chợ Do cũng lạ lắm, người mua không cần mặc cả bon chen, người bán cũng chẳng cần đanh đá, chua ngoa kẻ chợ. Chợ như chỉ để trao đổi, chia sẻ với nhau những gì mình có. Người xứ ruộng bán đi những thứ nông sản để mua về con cá con tôm, kẻ ở biển bán con cá con tôm để mua về mớ rau hạt gạo. Không hề có chuyện nặng nhẹ, cân đong đo đếm ở đây, giữa người mua người bán đã có niềm tin trong nhau đầy ăm ắp.

Người đi chợ nhiều khi không hẳn vì mục đích mua bán mà ra chợ để gửi gắm thông tin, tình cảm cho nhau. Những cô gái lấy chồng xa xứ, thương cha nhớ mẹ ra chợ vì muốn thăm hỏi sức khoẻ của người thân, gửi gắm thông tin tình cảm cho mẹ già, em nhỏ, gửi đồng quà tấm bánh thông qua những người đi chợ cùng quê.

Ngôi chợ cũ, hàng quán lưa thưa, phất phơ mái tranh những chiều gió Nam ràn rạt thổi giờ chỉ còn trong ký ức. Cũng như  đất Quảng Trị này, ngoại trừ lòng người ra thì có gì trọn vẹn như xưa nữa.Chiến tranh - ly tán. Chợ Do phải di chuyển nhiều lần và nó cũng phải trải qua những bước thăng trầm như lịch sử chính vùng đất này vậy. Ngôi chợ ngày nay càng ngày càng sung túc phồn thịnh. Mặc dù không được họp trên nền chợ cũ, chợ Do hiện tại có nhiều nhà xây kiên cố, nhiều mặt hàng mới xuất hiện như thuốc Tây, thời trang, mỹ phẩm, áo quần... người đi chợ cũng ít gồng gánh mà thay bằng đi xe máy. Song không phải vì thế mà những sản phẩm hàng hoá truyền thống, chân quê ở đây mất hẳn, nó vẫn trường tồn theo năm tháng vì nó là sản vật gắn bó với vùng đất này. Mà cả những người đi chợ nữa, những người mẹ, những người chị, vẫn thế, vẫn lam lũ quần quật một nắng hai sương với những lo toan nhưng không bao giờ buồn, chính họ đã dệt nên những nét riêng đặc sắc, không lẫn vào đâu được ở chợ Do này.

Nếu bạn đã mệt nhoài ở thành phố, với bao lo toan, chức tước, công danh, khói bụi. Tôi khuyên bạn nên làm một chuyến dã ngoại về chợ Do. Bạn sẽ gặp lại những món quà quê từ thuở bé, những đặc sản trong những khu vườn ở miền quê Đông Vĩnh  Linh trù phú. Gặp những người chị, người mẹ, những khuôn mặt thân thuộc, những khuôn mặt mới mẽ, những người đã từng gặp và cả những người bạn chưa từng gặp, tất cả đối với bạn họ đều gần gụi, thân thuộc làm sao. Chính họ đã là hồn chợ.

                                    T.L

 

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 144 tháng 09/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground