Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồn muôn năm cũ

 những chân trời khác nhau, trong nhiều cảnh ngộ khác nhau tôi cứ mù mờ không nhận chân ra được điều gì rõ rệt lắm về những bức thư pháp, một vườn thư pháp, thậm chí quyển thư pháp “Truyện Kiều” đồ sộ nặng gần trăm cân của nhà thư pháp Nguyệt Đình triễn lãm lộ thiên ở Phu Văn Lâu Huế nhân Festival năm 2002.

            Những tưởng đã trôi xuôi theo dòng thời gian hình bóng ông đồ gàn bán chữ mỗi độ xuân về trong bài thơ bất hủ của Vũ Đình Liên: Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ???

            Thế rồi bắt đầu chú ý từ khi “ta về ta tắm ao ta”, khi tiếp xúc với nhà thư pháp, đúng hơn tài năng thư pháp Hoàng Trung. Khi thì ở nhà riêng của anh trong thị xã Quảng Trị lúc đang luyện bút. Khi ở làng quê anh, nơi anh đã có cuộc trưng bày thư pháp nhân ngày làng đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đình làng Câu Nhi. Khi ở phiên chợ đình Bích La mùng ba tết anh vừa cặm cụi viết, vừa hí hững trao lộc chữ đầu xuân. Và ấn tượng nhất là vào một buổi chiều mưa xuân dưới chân tượng đài Thành Cổ Quảng Trị, nơi Hội Văn học nghệ thuật chọn làm lễ hội ra mắt ngày Thơ Việt Nam, thư pháp gia Hoàng Trung tự nguyện dự phần vào ngày Thơ Việt Nam bằng một cuộc trưng bày thư pháp khiêm nhường. Nhưng rồi khi lễ hội diễn ra, nghĩa là trong không  gian giao cảm của nhà thơ ca, những nhà tổ chức nhả thơ, thả những câu thư pháp chấp chới bay trên bầu trời như những cánh diều thơ thì tôi bỗng ngộ ra nhiều điều…

***

            Có lần tôi đưa ý tưởng này chia sẽ cùng nhà thư pháp Hoàng Trung. Cái gốc thư pháp nó nằm ở đâu, nhẩy? Hoàng Trung chậm rãi nói mà như là không để giải thích, rằng thơ xuất hiện rất sớm, nhân loại từ khi chưa nghĩ ra được chữ viết đã sáng tạo ra thơ rồi. Và rõ ràng là khi thơ xuất hiện nhân loại cũng đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu trình diễn thơ để truyền tụng thơ. Cái sự đọc thơ, hát thơ, kể thơ rồi ngâm thơ đều là những lối trình diễn thơ vô cùng độc đáo mà ngày nay ta vẫn ưa chuộng. Thế nhưng thơ còn có nhu cầu tiếp nhận bằng trực giác, nghĩa là được đọc bằng mắt mới thực sự thấm thía cái đẹp, cái lõi của con chữ.

            Có vậy người xưa mới khắc thơ trên núi đá, cung điện, đền đài, lăng tẩm. Chỉ tính riêng trên núi Dục Thúy ở Ninh Bình, rất nhiều danh sĩ nước ta có thơ lưu đề trên vách đá tất cả đều bay bổng, tung hoàng và giàu mỹ cảm đến thế mới lạ! Những nhà thư pháp không chỉ khắc chữ trên đá, trên gỗ mà còn viết trên gấm, lụa, giấy xuyến chỉ… bằng bút lông. Mỗi câu thơ, bài thơ viết ra như những bức tranh. Bằng nghệ thuật riêng của mình, những nhà thư pháp trình diễn thơ, tôn vinh thơ như những giá trị đích thực, vô cùng quý giá đối với con người. Thì ra khi các nhà thư pháp trình diễn thơ chính là lúc anh ta chắp cho thơ đôi cánh để bay cao bay xa, đến với hàng triệu tâm hồn tri âm, tri kỷ.

                                                            ***

            Tôi có hỏi Hoàng Trung: - Vào nghề, anh có chịu ảnh hưởng sâu sắc bút pháp vị tổ sư nào bên Tàu như Trương Húc, Vương Hy Chi hay Phạm Sư Mạnh, Cao Bá Quát nước Việt? Ngẫm ngợi một lúc rồi anh trả lời gần như có mà không. Học hết mọi người nhưng không chịu giống ai là phải, vì các nhà thư pháp lớn đều có sở trường, sở đoản riêng. Làm sao mà học được Vương Hy Chi khi bút lông, bút râu chuột qua tay ông quảng ra thành gò đống, và mực rửa bút của ông đỗ ra nhuộm hết cả khúc sông. Và làm sao mà học được Trương Húc khi ông chỉ viết chữ đẹp trong lúc say. Trong hơi men, ông chạy nhảy, la hét như người lên đồng, như có quỷ khóc thần sầu nhập vào ông hẵng múa bút phất chữ. Bấy giờ tác phẩm thư pháp của ông thực sự thăng hoa, phóng dật, tung hoành, bạo liệt. Ở Cao Bá Quát đã thấy xuất hiện phong cách này nhưng cũng chỉ là tài hoa của người viết thư pháp theo lối chữ thảo, nghĩa là có tung hoành, bay bổng nhưng mềm mại hơn, chưa phải là phóng túng đến mức cuồng thảo. Xem thư pháp Hoàng Trung, tôi dám đồ rằng Hoàng Trung đang là đồ đệ của cụ Cao Bá Quát. Nói vậy là vì tôi có vinh hạnh được chứng kiến Hoàng Trung phất bút đôi lần. Trước tết Nguyên Tiêu Quý Mùi năm ngoái tôi làm “trợ thủ” giúp anh cùng một lúc viết trọn bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, bản phiên âm và dịch nghĩa. Để viết bài thơ của Hồ Chủ tịch, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt khai bút, trước đó năm ngày anh phải kiêng khem, nghĩa là dọn mình sạch sẽ, luyện trí, luyện tâm dự trữ bút lực. Rồi như cụ đồ ngày xưa, anh khoác vào người bộ khăn đóng áo dài. Tôi soạn sẵn bút mực, trải hai tấm lụa đỏ phẳng phiu, đối xứng trên hai mặt bàn. Dưới gốc ngọn lan mang mác hương thơm, trước khi cầm bút anh uống cạn cốc rượu làng Kim Long và phất bút: Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên. Lật qua tấm lụa bên phải anh viết tiếp: Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân... Rồi như lấy hết nghị lực bình sinh anh quay sang bàn bên phải viết tiếp: Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền…Và: Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Đêm về bát ngát trăng ngân đầy thuyền…Những dòng thơ tuôn chảy, 56 con chữ của hai bài thơ có một thế ngữ khác thường, tự dáng rất kỳ lạ, nét nọ bắt nét kia hào sảng, thanh thoát và định vị trong hai khung lụa như một bức tranh phong cảnh toàn bích. Vậy đấy, để có một tác phẩm thư pháp, nhà thư pháp ngoài viêc rèn luyện rất công phu còn phải tạo dựng mạch nguồn cảm xúc. Dĩ nhiên là không gian sáng tạo ở sân vườn nhà anh buổi sáng sớm tinh mơ hôm ấy thì thật là “mờ nhân ảnh”… Hai bức thư pháp của một bài thơ Nguyên Tiêu sau đó được treo ở vị trí trang trọng nhất để phục vụ công chúng trong ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất ở Thành Cổ và Nguyên tiêu năm nay tiếp tục trưng bày ở trước sân khấu công viên Hùng Vương Đông Hà vẫn giữ nguyên thần thái, nguồn rung cảm của tác giả và truyền dẫn đến cho hàng trăm khách thưởng ngoạn bao nhiêu là thi hứng.

            Tôi biết, khi viết về những bức thư pháp dù ngắn, dù dài nhưng có tinh thần khẳng khái như trên, ngoài cảm hứng bao giờ Hoàng Trung cũng phải tạo được thần thái của người xưa mới dám viết. Bức thư pháp anh tặng riêng tôi cách đây ba năm cũng thế. Đó là câu thơ của danh sĩ Cao Bá Quát, thơ rằng: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai (Mười năm giao lưu để tìm bạn tri kỷ khó như tìm gươm cổ. Và vì vậy Một đời chỉ bái phục tinh thần thanh cao của hoa mai)…

***

            Ở cuộc trưng bày thư pháp năm nay, Hoàng Trung khiêm tốn nói với mọi người rằng anh đến với thư pháp chỉ để giải trí, luyện tâm và tải đạo. Cái chữ tải đạo làm ta chạnh nhớ cụ đồ khí khái Nguyễn Đình Chiểu, rằng Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Thì cũng là kiếp người và phận số thi nhân cả đấy thôi. Không thế thì làm sao anh viết cả ngàn bức thư pháp. Nào là Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru; Bồi hồi nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương (Thơ Nguyễn Duy). Rồi thì: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau; Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (Lời nhạc Trịnh Công Sơn). Ta còn một trái tim đau/ Yêu em cho đến nát nhàu mà thôi (Thơ Cao Hạnh).

            Anh Nguyễn Đăng Tam Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy sau khi xem hết phòng trưng bày, anh kéo tôi đến phẩm bình và quyết định “tậu” hai bức thư pháp, mỗi bức một chữ đưa về treo ở phòng khách nhà mình mà theo ý anh ngoài mục đích thưởng ngoạn còn là để giáo dục con cái trong gia đình. Hai chữ anh chọn là chữ TÂM kèm theo câu thơ của cụ Nguyễn Du: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài và chữ ĐỜI kia cũng kèm theo câu thơ của nhà thơ Gibrant: Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương. Tôi đùa anh Tam, có người suốt đời chỉ cố học và làm theo một chữ nào đó thôi. Ví như ông vua Tự Đức suốt đời học và làm theo một chữ KHIÊM. Anh “chơi” luôn hai chữ thì hơi “tham lam” đấy. Trong khi anh bạn vong niên của chúng tôi hiện đang là giám đốc Ngân hàng Công thương từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm quê ở Triệu Long thì đặt hàng cho Hoàng Trung viết hai câu thơ của chính mình gọi là “quà quê” đưa vào tặng vợ. Thơ nịnh vợ rằng: Ta cám ơn đời một nửa/ Còn một nửa để cám ơn em (Lê Quý Phi). Thế đấy, nghệ thuật thư pháp cũng như sự lựa chọn và thưởng ngoạn của người đời thật đa dạng, phong phú và vô cùng thâm thúy. Và chỉ bằng con đường “tiểu ngạch” này thôi, vài năm trở lại đây tác phẩm thư pháp của Hoàng Trung hiện diện khắp nơi, trong và ngoài tỉnh, và cả ở nước ngoài. Ngày càng có nhiều khách thưởng ngoạn đến phòng trưng bày, sau công viên Hùng Vương, Hoàng Trung đang có cuộc trưng bày dài ngày hơn ở quán cà phê “Nhà Cổ”. Khách không chỉ bình phẩm, trầm trồ, ngợi khen mà còn “mua chữ” nữa thì tôi tin anh còn nhiều triển vọng tiến xa hơn trong nghệ thuật thư pháp…

***

            Mới đây, ngồi uống trà ở “Nhà Cổ”, tôi hỏi chuyện Hoàng Trung: - Vậy thì bí quyết hay nghệ thuật thư pháp nó nằm ở chỗ nào? Cũng nhà thư pháp Hoàng Trung: Trong đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, chữ đẹp được xem là một giá trị sánh ngang hàng với văn, là biểu hiện cao của văn hóa. Có vậy cha ông ta mới nói “Văn hay, chữ tốt”, “nhất chữ, nhì tranh”. Hơn thế nữa, người Việt còn có mỹ tục xem chữ, qua chữ để nhận biết con người. Chữ viết ra phải đạt được sức biểu cảm sâu xa, mang đậm dấu ấn tâm hồn và đặc trưng văn hóa của người viết. Hài hòa hay rắn rỏi; mạnh mẽ, tung hoàng hay bay bổng đều là những yếu tố của thư pháp, thư họa. Đã là bậc thầy thư pháp thì viết ra nửa chữ người ta đã nhận ra thầy rồi. Rốt cuộc bí quyết hay nghệ thuật thư pháp là phép cầm bút, luyện bút, điều khiển ngọn bút, bố cục con chữ, hàng chữ và điểm hoạch, nhấn mạnh những con chữ có thần thái đặ biệt. Thưởng ngoạn, nhìn vào các tác phẩm thư pháp, người thưởng lãm có thể cảm nhận được học vấn, trình độ thẩm mỹ và tài năng của nhà thư pháp như danh họa vậy.

***

            Cám ơn ngày Thơ Việt Nam. Cám ơn thư pháp gia Hoàng Trung “hồn muôn năm cũ”… đã bỏ nhiều công sức để phục hưng những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Nhờ những cuộc trưng bày thư pháp của anh mà tôi ngộ ra một chân lý vĩnh hằng, rằng hồn phách cũ không chỉ trú ngụ trong những viên gạch đổ nát dưới chân thành quách cũ rêu mờ mà quanh quất đâu đây ở cây đa bến nước, đình chùa miếu vũ, trong vô vàn các giá trị văn hóa còn sót lại sau rất nhiều biến thiên lịch sử của các ngôi làng. Và hồn muôn năm cũ lấp ló, ẩn hiện đâu đó trong những bức thư pháp tuyệt chiêu còn tươi roi rói mầu mực nho trên giấy kén tằm, tơ lụa…

                                                       Tết Nguyên tiêu năm Giáp Thân

                                                                                Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 113 tháng 02/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground