Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hồng Chương - chàng thư sinh kiên nghị

Giáo sư Hồng Chương (1921 - 1989) là một nhân cách đa dạng. Ông đến với văn chương cùng thơ, những bài thơ làm trong nhà tù năm 17 tuổi, được nhiều thanh niên yêu nước hồi đó thuộc lòng gần như thuộc thơ Tố Hữu. Bốn lần vào tù, bị đày lên những chốn rừng thiêng nước độc: Lao Bảo, Khe Sanh, Buôn Ma Thuột, Kon Tum. Hai lần vượt ngục. Ông làm thơ, viết truyện trong thành phố Huế, tại chiến trường địch hậu. Sau ngày đất nước thống nhất anh cho in tập truyện ngắn mang dáng dấp tự truyện Hương hoa ngọc lan (NXB Tác phẩm mới, 1983). Lĩnh vực ông có nhiều cống hiến nhất là chính luận và phê bình văn học với tư cách một cây bút trụ cột của tạp chíHọc tập, nay là tạp chí Cộng sản. Ông ra đi trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Hãy đọc lại một đoạn nhà văn Hải Triều viết về Hồng Chương thời kháng chiến chống Pháp: “Mùa thu năm 1945, tôi gặp chàng thư sinh mảnh khảnh ấy trong một cuộc hội nghị, khi ấy ảnh còn làm Bí thư Thanh niên cứu quốc Trung Bộ. Trong một cuộc hội nghị khác giữa một bầu không khí nặc đượm mùi chiến tranh mùa đông năm 1946 tôi lại gặp con người ấy tuy mắc bệnh nặng nhưng vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu giữa thành Thuận Hóa. Cuộc kháng chiến đến lúc gay go, quân Pháp từ đất Lào tràn xuống. Đoàn thể lại điều động anh về tỉnh nhà Quảng Trị, giao trách nhiệm thành lập và chỉ huy một đội quân tình nguyện ngược đường số 9, đánh tập hậu quân thù. Trong những ngày hoạt động du kích, đồng chí đã chia sẻ khổ đau cùng anh em đồng đội trong rừng xanh nước độc, gây cơ sở đầu tiên cho phong trào dân quân miền thượng du Quảng Trị. Sau những ngày tác chiến, trong những đêm trường bên hốc đá bờ khe, vật lộn với trùng sốt, trùng lao, anh đã ghi bao công tác trong lúc quyết chiến với quân thù, đồng thời ghi những cảm xúc bi hùng qua những vần thơ sôi máu căm thù và yêu nước. Ngày nay dưới mái nhà tranh lạnh lẽo, tôi lại gặp con người ấy, sau những cơn ho xé phổi ngồi chép lại những bản thảo, kiểm lại những vần thơ để gửi cho tòa báo.

Viết đến đây tôi lại nhớ một chiều thu năm 1946 lúc lên thăm mặt trận Đèo Cả ở Tuy Hòa. Cũng trong hốc đá, cũng dưới mưa ngàn, trong bầu trời âm u chốc chốc lại điểm mấy tiếng đại bác từ tàu địch ngoài khơi Vũng Rô vọng lại, tôi cũng gặp một chàng thư sinh như vậy, cũng đội trưởng, cũng mặt tái mét, cũng cặp mắt sáng quắc giữa quầng mi thâm tím. Anh đã kê vào vách đá chép tặng tôi những bài thơ nóng hổi. Khi anh ra về còn nắm tay tôi: “Chúng tôi thề chết trên đèo này chứ không bao giờ thoái lui trước giặc”.

Phải chăng Hồng Chương là con người ấy, hay con người ấy là Hồng Chương?”

Đoạn trích dẫn đủ phác họa cốt cách Hồng Chương, dù cuộc đời của anh có thừa để viết nên cả một bộ sách: những ngày hoạt động bí mật, đấu tranh trong tù, vượt ngục bị bắt, lại vượt ngục thành công nhờ sự đùm bọc của người Thượng người Kinh; thời gian anh tổ chức, chỉ huy chiến đấu tại Đèo Cả, Tuy Hòa, hay khi anh chỉ huy đội quân tình nguyện tại rừng sâu Hướng Hóa, Khe Sanh cạnh Quốc lộ 9 ngày đêm ầm ầm các đoàn xe nhà binh Pháp ngược xuôi; rồi những ngày dài chống chọi bệnh nan y, một ngày thổ huyết mấy lần, anh chống chọi bệnh tật để tồn tại và cống hiến cho nước cho đời, tới lúc chạm mốc cổ lai hy mới chịu ra đi.

Hải Triều viết những dòng trên ngày 2 tháng 2 năm 1949, nhằm vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Sửu, trong khung cảnh “dưới trời xuân kháng chiến, giữa cảnh chiến khu, chốc chốc lại nghe tiếng đì đoành bom nổ, đạn reo của các anh dân quân thử vũ khí bên kia đồi vọng lại”, không mấy xa nơi “chàng thư sinh mảnh khảnh đang chới với giữa cái sống và cái chết có thể vì bạo bệnh”. Ông viết gấp bài tựa tập truyện Ngược đường số 9 của Hồng Chương để kịp đưa in càng nhanh càng tốt, với tấm lòng dù không nói ra: biết đâu tác giả không còn có đủ thời gian nhìn thấy đứa con tinh thần của mình!

Hồng Chương trở thành nhà báo chuyên nghiệp năm 1954. Theo quyết định của Bộ Chính trị, tạp chí Học tập ra mắt bạn đọc bắt đầu từ tháng 1 năm 1955, do đồng chí Trường Chinh làm Tổng biên tập, Trần Quang Huy chuyên trách. Hồng Chương là một trong nhóm cây bút nòng cốt, anh lần lượt đảm nhiệm Thư ký tòa soạn, Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí (từ tháng 4 - 1982).

Anh tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 3, một nhiệm kỳ dài hơn hai chục năm, từ năm 1962 đến năm 1983, vào giai đoạn lịch sử dân tộc ta chói ngời vinh quang giải phóng, non sông liền một dải, và cũng là thời kỳ phải vượt qua bao gian nan khắc phục hậu quả chiến tranh, chống chọi suy thoái kinh tế, giúp bạn Campuchia diệt Khơme đỏ ở mặt trận Tây Nam, đẩy lùi xâm lăng, bảo vệ biên giới tại mặt trận phía Bắc. Đại hội 4 của Hội họp đầu tháng 12 - 1983 bầu lại nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch. Sáu Phó Chủ tịch đại diện các loại hình báo chí là Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Đào Tùng, tất cả đều kiêm nhiệm.

Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, sang đầu năm 1987, nhà báo Hoàng Tùng được phân công làm công tác xuất bản, ông xin từ chức Chủ tịch Hội Nhà báo. Phó Chủ tịch Hồng Chương được người từ nhiệm đề xuất đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội. Hồng Chương bắt tay cùng anh em chuẩn bị Đại hội 5. Không may phát hiện anh đang mang trọng bệnh trong người. Nhờ tiến bộ khoa học, bệnh sốt rét rừng và lao phổi từng trầm trọng của anh đã có thuốc đặc trị. Bệnh nặng của anh lần này, khoa học còn chịu bó tay. Đến tháng 10 - 1989, Đại hội 5 Hội Nhà báo họp tại Hội trường Ba Đình vắng bóng Chủ tịch Hội. Giáo sư Hồng Chương đã qua đời bảy tháng trước đó.

Cống hiến chính của Giáo sư, nhà báo Hồng Chương vào công tác chính trị, tư tưởng, theo tôi, là thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Ông viết nhiều bài đăng cho tạp chí Cộng sản và xuất bản mấy cuốn sách về chủ đề này. Quan điểm của ông thường cứng rắn. Ông là một trong số người đầu tiên tìm hiểu sâu cống hiến của báo Thanh niên (1925) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, điều hành1, và tiếp đó nghiên cứu lịch sử báo chí nước ta với quan điểm: “Lịch sử báo chí Việt Nam là một bộ phận của lịch sử Việt Nam. Hiểu lịch sử Việt Nam là cơ sở để hiểu sâu lịch sử báo chí Việt Nam. Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam cũng là góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam (...), từ đó có thể rút ra những bài học bổ ích cho việc xây dựng nền báo chí mới”2.

Nhớ giáo sư Hồng Chương, cho phép tôi gợi lại một vài kỷ niệm với anh. Trần Hồng Chương người thôn Phương Sơn (thường gọi làng Chợ Cạn), xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, cách làng tôi chừng sáu, bảy cây số. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tôi đã nghe danh Hồng Chương, thuộc lòng thơ anh, nhưng phải chờ Cách mạng tháng Tám thành công mới có dịp trò chuyện với nhau tại Đại hội Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh. Tạm biệt chúng tôi, Hồng Chương vào Huế đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn toàn Trung Bộ.

Tôi được đọc khá nhiều thơ văn của anh từ những năm 1948 - 1949, thời anh nén “những cơn ho xé phổi” chỉnh lý các tác phẩm viết giữa hai trận đánh. Tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu IV và cũng là một nhà văn hóa, đọc thiên trường ca Biệt động đội đường 9 của Hồng Chương, đã thốt lên hai tiếng: “Bi hùng!”. Tập truyện Ngược đường số 9 do nhà văn Hải Triều đề tựa nay tôi quên hầu hết nội dung, duy có một chi tiết 65 năm qua vẫn cứ nằm lòng: Anh chỉ huy người chiến sĩ đồng đội vật vã trong cơn sốt ác tính, nghẹn ngào đưa hai tay ôm mặt: “Phải chi có được mấy viên kinacrin, ta đã có thể cứu sống một mạng người!”. Gặp nhân vật Tuấn trong Hương hoa ngọc lan kể về những câu chuyện vượt ngục, đấu tranh trong tù, tình cảm người vợ Việt của tên giám ngục Pháp đối với anh tù chính trị thư sinh, tôi nghĩ luôn tới Trần Quốc Tuấn, tên thường gọi của Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Trung Bộ những năm 1945 - 1947.

Năm 1948, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên Nguyễn Chí Thanh chủ trương cho một số thanh niên học hành dở dang đang công tác tại địch hậu ra vùng tự do học tiếp, chuẩn bị đưa ra nước ngoài đào tạo cán bộ lâu dài. Tỉnh Quảng Trị năm ấy được chọn ba người. Trường học đóng bên bờ sông La, Hà Tĩnh, thuộc vùng tự do, nhưng một anh bạn và tôi đang là đảng viên, sau gần tháng trời leo dọc Trường Sơn, còn phải đi bộ tiếp mấy ngày nữa ra Thanh Hóa, đến Ban Tổ chức Liên khu ủy IV làm thủ tục xin chuyển sinh hoạt Đảng. Nghe tin anh Hồng Chương dưỡng bệnh tại một trang trại gần thị trấn Quán Giắt, tôi tìm đến thăm anh.

Đọc mấy bút ký, truyện ngắn tôi viết tại chiến trường, Hồng Chương nêu luôn ý kiến: “Báo Cứu quốc đang cần người. Anh nên sang làm phóng viên báo”.

Tôi không đồng tình. Anh nói: “Việc học của anh có thể chờ. Kháng chiến không thể chờ”.

Hồng Chương nghiêm mặt: “Anh là đảng viên. Đảng viên phải thi hành quyết định của Đảng, có phải không nào?”.

Có thể gọi câu chuyện trên là “cơ duyên” không nhỉ? Lúc Hồng Chương ép tôi bỏ học đi làm báo, anh đâu có ngờ rồi đây tôi sẽ kế nhiệm, gánh vác công việc anh làm dở tại Hội Nhà báo Việt Nam!

P.Q

____________________

1 Báo chí Việt Nam, NXB Sự thật, 1985.

2 Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, NXB Sách giáo khoa Mác - Lênin, 1987.

Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 279 tháng 12/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground