Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hùng vĩ Việt Nam

C

ho đến hôm nay tôi vẫn còn thấy tiếc rằng tại sao ngày được ra thăm giàn khoan lại không đăng ký ngủ lại qua đêm trên biển. Những cán bộ của Công ty Vietsov Petro nói với tôi rằng, chỉ có đêm xuống với ánh đèn dày đặc và lộng lẫy nhảy múa trên sóng biển mới thấy hết sự kì vĩ của giàn khoan..Lí do chúng tôi không ở qua đêm đơn giản là, chúng tôi hơi ngại. Cứ có cảm giác là đã lạm dụng lòng tốt của chủ nhà.

Đấy là dịp trại sáng tác kịch bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà sáng tác Vũng Tàu. Thành phần dự trại bên cạnh một số tác giả chỉ chuyên viết kịch thì cũng còn có rất nhiều nhà văn tên tuổi, nhiều nhà báo khá thiện nghệ...Tuy nhiên, dù có là nhà gì thì công việc lúc đấy của chúng tôi là tập trung cao nhất để hoàn thành các kịch bản sân khấu đã có đề cương đăng kí trước. Công việc ấy có vẻ chẳng phù hợp chút nào với ân huệ của Công ty Vietsov Petro khi họ tạo điều kiện cho tám anh em trong trại được ra thăm giàn khoan. Là nhà văn hoặc nhà báo, một lần được tạo điều kiện đến với một cơ sở thực tế nào đó, nhất là những cơ sở đặc biệt như giàn khoan, khi về hẳn chủ nhà mong thấy một cái gì đấy ghi nhận sự có mặt của các cây bút danh tiếng. Nhưng tất cả chúng tôi lúc đấy lại đang  mắc kẹt vào những cảnh kịch, những mâu thuẫn, xung đột, những nhận vật tự bịa từ trước..Tự biết thế nào rồi mình cũng sẽ mắc nợ chuyến đi nên cả tám anh chị em trong đoàn đều không dám đăng ký ở thêm một đêm trên biển. Đi ra đi vào bằng trực thăng, ăn một bữa cơm tự chọn với cán bộ, công nhân và chuyên gia trên giàn đã tự thấy quá sức mong ước rồi. Ở thêm buổi chiều rồi ngủ qua đêm nữa thì thật sự thấy... ái ngại.  Và quả thật, sau khi trở lại đất liền, dẫu rất thú vị, rất nặng ân tình với Công ty... nhưng rồi mấy cảnh kịch với những mâu thuẩn lằng nhằng, xung đột trời ơi đã hút hết tâm trí chúng tôi. Rồi ngày tháng lại trôi đi… Quả thật chúng tôi đã mắc nợ, món nợ trước hết là với các công nhân trên giàn khoan hôm đấy. Họ đã rất mừng và rất vui vì sự hiện diện của chúng tôi..Nhà văn có khuôn mặt đặc biệt dễ nhận ra là Chu Lai- là người duy nhất anh em công nhân nhận ra đầu tiên khi trực thăng vừa đáp xuống- rồi nữ nhà văn Bích Ngân với khuôn trăng xinh xắn quyến rũ nhất trong đoàn đã mang đến sự mát mẻ như ngọn gió nồm xoa dịu cái nóng rát mặt vì nắng và hơi mặn của biển. Tôi cam đoan là kíp công nhân trực hôm đấy, có thể không nhớ tôi, không nhớ nhà viết kịch Lê Duy Hạnh v.v… nhưng sẽ nhớ và sẽ nhắc đến Bích Ngân và Chu Lai. Thế mà, hình như tất cả chúng tôi vẫn chưa có được một trang viết nào để bày tỏ sự nhớ về họ. 

 ***

Vậy can cớ gì hôm nay tôi lại ngồi nghĩ đến cái giàn khoan khổng lồ ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Vũng Tàu, nguyên nhân gì khiến tôi tức tốc bước ra khỏi nhà chạy xuống cảng Cửa Việt, một cảng biển của Quảng Trị, chọn một phòng nghỉ kín đáo để gõ máy viết vội đôi dòng về Vietssov Petro?..

Là vì suốt mười ngày nay, tin tức trên biển đông đã làm cồn cào ruột gan tôi. Chuyện vốn dĩ không mới, nó cũ rích như chuyện chính sử trên ngàn năm xa xôi, nhưng tin tức mấy đợt trước hầu hết chỉ dính líu đến những người ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam bị xua đuổi, bắt bớ. Những chuyện ấy cũng đã khiến tôi mất ăn mất ngủ nhiều đêm. Mặc dầu vẫn biết cái dã tâm bên trong của đám giặc biển ấy không phải chuyện tranh chấp mấy con cá, nhưng dầu sao, khi tham vọng dầu khí của họ vẫn còn được dấu kín trong lòng, thì hành động bên ngoài khả dĩ hy vọng người ta sẽ có chừng mực. Nhưng nay, những kẻ tham lam và lộng hành đã tự lột mặt nạ, tự phơi bày dã tâm khi ngang ngược phá hoại công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam. Rõ ràng bể dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam đã sôi quá 100 độ trong lòng họ, đã bật bung cái nắp mị thiên hạ mà trào lên khiến kẻ tham lồng lộn, điên cuồng, mất hết lí trí... Lòng tôi chợt thấy bồn chồn, có cảm giác đã rất gần một cơn động biển, như mơ hồ nhìn thấy tự khơi xa có ngọn sóng thần u ám chồm vào. Và thế là tôi nhớ tới những cái giàn khoan hùng vĩ ở phương trời Vũng Tàu, nơi có những công nhân áo màu da cam đang phơi trong nắng, da thịt tắm đẫm hơi muối mặn rát của biển. Tôi rất muốn biết, vào thời khắc này, các anh đang nghĩ gì? 

***

Kể một chút để bạn đọc nào chưa có dịp ra thăm giàn khoan biết được hình hài và công việc của nó. Tiếng là thăm giàn khoan, thực ra cái giàn mà trực thăng đưa chúng tôi đáp xuống không phải là chỗ khoan lấy dầu từ đáy biển lên mà là một nhà giàn trung tâm với hệ thống xử lí dầu đồ sộ như một nhà máy lớn. Còn những cái giàn trực tiếp lấy dầu thì nhỏ thôi, nó ở bao bọc quanh cái nhà máy trung tâm ấy. Dầu được hút lên từ các giàn khoan xung quanh rồi dẫn về khu trung tâm này. Ở nhà máy trung tâm này có 3 công nghệ quan trọng nhất. Đấy là lọc dầu và khí ra khỏi nước. Dầu sẽ được đưa xuống đường ống dẫn lên tàu chở vào đất liền. Khí cũng được lọc và dẫn vào bờ cho các nhà máy khí đạm. Còn nước thì được ép trở lại giếng khoan để cân bằng áp suất dưới lòng mỏ..

Những công nhân trên nhà giàn nói cho chúng tôi biết, với một tổ hợp nhà giàn cùng với công nghệ lấy dầu lọc khí như ở đây, chúng ta đã đưa công nghệ khai thác dầu của Việt Nam vươn lên một tầm vóc đáng tự hào trong khu vực và trên thế giới. Tài liệu có tại Công ty Vietsov Petro cho biết, trong gần 30 năm hiển diện, Vietso Petro đã khoan 368 giếng giữa biển khơi, bao gồm 61 giếng khoan tìm kiếm thăm dò và 307 giếng khai thác. Tại hai mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng có đến 40 công trình biển, trong đó có các công trình rất hùng vĩ như: 12 giàn khoan lấy dầu cố định, 10 giàn nhẹ, 2 khu nhà giàn trung tâm kiểu như tôi vừa kể. Tất cả các công trình ấy được kết nối thành một hệ thống ngầm nối các công đoạn khai thác trong một mỏ và nối các mỏ dầu với nhau với tổng chiều dài lên đến 400 km..Với những công trình hùng vĩ và tiên tiến như vậy, nên chỉ mới mấy mươi năm ngắn ngủi thôi, ngành khai thác dầu Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ ba trong khu vực Asean về xuất khẩu dầu thô, chỉ sau Indonesia và Malaisia..

 

Những con số ấy thật ấn tượng. Tuy nhiên, tôi chỉ đọc những con số đó khi đã trở lại đất liền sau hơn một buổi phơi nắng trên nhà giàn với kíp công nhân trực. Còn lúc ở trên nhà giàn, gần tám tiếng đồng hồ giữa biển với trời, đứng cao gấp nhiều lần ngọn sóng,  cảm giác của tôi chỉ là sự choáng ngợp, niềm tự hào và sự xúc động sâu xa thăm thẳm vì giang sơn Tổ quốc Việt Nam. Hơn ba mươi lăm năm về trước, tôi là người lính, và khi lần đầu được đứng trên đỉnh Trường Sơn, nhìn thấy mây ngàn phủ trắng chóp núi, cây rừng trập trùng, và xa tít tầm mắt nhìn về phía đông thấy biển là một vệt mờ hun hút, tôi cũng đã có cái cảm xúc hao hao như lúc này...Lâng lâng và xúc động về sự hùng vĩ của non sông nước Việt ta.

Tôi nói là hao hao thôi, chứ không hoàn toàn giống. Đứng trên chóp đỉnh Trường Sơn ngày ấy thấy Tổ Quốc mình thật hùng vĩ. Nhưng cái sự hùng vĩ đó có vẻ hơi lãng mạn với sắc trời, dáng mây, ngọn gió. Nó gợi cho con người sức tưởng tượng và sự liên tưởng nhiều hơn là sự choáng ngợp trực giác. Ngay cả cái câu: rừng vàng, biển bạc, ngày ấy lớp thanh niên chúng tôi cũng hiểu mơ màng, như là sự phấn khích mênh mang trong khát vọng. Còn bây giờ, đứng trên nhà giàn đồ sộ như một khu phố lừng lững giữa biển khơi, trên đầu khoáng đạt cả một vòm cao xanh, dưới chân - cách hàng mấy chục mét - mới chạm tới đầu những ngọn sóng bạc, lại nghểnh cổ nhìn về phía đầu chóp đỉnh nhà giàn, ngọn lửa đốt khí thừa rừng rực cháy như một tạo hình tuyên thệ của giang sơn giữa biển đông, lại phóng tầm mắt nhìn tràn trề xa tắp ra bốn hướng thấy tất cả đều mênh mông, tất cả đều trải ra trước mắt mình, dưới chân mình, trùng trùng sóng vỗ, chấp chới tàu thuyền, và xao xuyến Hải Âu bay..Lại được chỉ cho thấy những đường ống to hơn thân người đan ngang chạy dọc phía dưới lòng nước biến xanh biếc mà bên trong lòng ống là dầu khí đang ầm ầm chảy. Cảm xúc này thật kì diệu, vừa cực kì hùng vĩ, nhưng lại hết sức rõ ràng, minh bạch không hề có chút gì là tưởng tượng hay liên tưởng.

Tất nhiên là chỉ có mấy anh văn nghệ sĩ chúng tôi mới thoảng thốt và bàng hoàng đến ngơ ngẩn như thế, còn kíp công nhân và chuyên gia của Vietso Petro trên nhà giàn thì lại quá đỗi thản nhiên. Thản nhiên như người nông dân đang lúc gặt mùa, như người ngư dân đang bắt cá. Họ tiếp chúng tôi trong phòng khách có điều hòa nhiệt độ mát đến nổi da gà, dẫn chúng tôi đi đến các trung tâm điều hành các công nghệ xử lí dầu hay khí, rồi tất cả vào nhà ăn bữa cơm theo cách ăn tự chọn khá thịnh soạn. Họ còn theo chúng tôi tìm đến các vị trí đẹp nhất để chụp hình lưu niệm. Tóm lại, những người công nhân ấy, mỗi tháng có 15 ngày ra nhà giàn, sống dưới trời và trên sóng, họ làm việc bận rộn và kĩ lưỡng nhưng bình thản và đam mê, sống một kiểu sống vừa rất đặc biệt những cũng hết sức thông thường...Họ là một phần của nhân dân, một phần của dân tộc hôm nay, là một phần tất yếu của cuộc sống Việt nam trong thời đại Công nghiệp hóa.

Và cái nhà giàn hùng vĩ giữa trùng khơi ấy, cũng là một phần của đất nước Việt Nam, cái thềm lục địa phập phồng dưới chân các nhà giàn kia, những con sóng xao xuyến vỗ xung quanh kia, những dòng dầu và khí rào rào chảy trong các đường ống như những động mạch khổng lồ kia, và cả ngọn lửa cháy vĩnh cửu ở chóp cao kia nữa..Tất tất đều là một phần  đương nhiên của đất nước, một phần của giang san gấm vóc Việt Nam ta. Mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi được đứng trên nhà giàn đã giúp tôi nhận ra cái lẽ rất đương nhiên nhưng lại quá đỗi thiêng liếng ấy. 

*** 

Đêm nay, mới 12 Âm lịch mà trăng đã gần tròn. Một ngày nắng nóng bức bối đã tạm trôi qua cũng như sự bức bối, ấm ách trong lòng tôi gần mười ngày nay... cũng đã có phần lắng xuống. Bởi tôi đang ngồi trước biển Cửa Việt, cái cửa biển quê nghèo nhưng lại mang trên vai danh nghĩa đại diện cho cửa ngõ nước Việt. Biển vẫn yên bình. Nồm lên dìu dịu. Sóng se sẽ, khiêm nhường áp lên bãi bờ. Tôi cố tạo ra dáng ngồi bình thản trên cát để nhìn ra khơi xa nơi đang chấp chơi vô vàn những ánh đèn của tàu đánh cá. Và tôi gửi lòng về phương trời xa xôi ở phương nam nơi có những giàn khoan kiêu hùng ấy, những mạch dầu ùng ục trào lên và tuôn vào các mạch đường ống ấy... Những tấm áo bảo hộ lao động màu da cam ấy chắc đang lên xuống khẩn trương nhưng lại rất bình thản trong nhịp sống lao động và tình yêu cháy bỏng nước non biển trời. Có bao nhiêu mạch nguồn như thế nữa đang âm thầm chảy trong ruột đất mẹ , dưới muôn trùng sóng vỗ trên thềm lục địa Tổ quốc ta? Bất giác tôi lại thấy rùng mình, không phải vì ngọn gió mạnh đang thổi tới, mà hình như từ một cảm giác bất an xa mờ đâu đó ngoài kia.

Ấy là tôi. Chứ những người công nhân áo màu da cam kia chắc vẫn đang rất bình thản. Bình thản nhưng khẩn trương. Cả cái ngọn lửa trên chóp đỉnh giàn khoan kia vẫn đang cháy khẩn trương và bình thản. Cả cái dáng hùng vĩ của nhà giàn giữa trùng khơi kia nữa...Tôi thầm kêu: Tổ Quốc ơi! Đất nước chúng ta, biển dịu êm của chúng ta đã chứng minh bằng lịch sử hàng ngàn năm rằng, dẫu có muôn vàn bão táp, dẫu cho chớp bể mưa nguồn.. thì đất ấy, người này cứ vẫn bình thản mà khẩn trương. Cực kì khẩn trương nhưng lại rất bình thản. Ý nghĩ ấy làm lòng tôi dịu lại, và biển Cửa Việt trước mặt hình như cũng dịu dàng hơn.

Biển Cửa Việt, đêm 13/6/2011

X.Đ 

 

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 202 tháng 07/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground