Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khe Gió, điểm du lịch sinh thái

 vùng đất Quảng Trị còn nhiều vất vả nghiệt ngã này, những cái tên gọi mộc mạc liên quan đến gió, nắng có lẽ bị dị ứng và chẳng mấy mặn mà với ai nữa. Đã qua rồi cái thời ngợi ca để các nhà thơ có thể lấy những cái tên đại loại như "miền nắng gió", "cát gió" đặt tên cho tập thơ yêu dấu của mình. Bây giờ, đang lưu hành mốt của những cái tên gì thật to tát tầm cỡ quốc tế hoặc chữ nghĩa cao siêu theo kiểu tâm linh mới làm cho mọi người chú ý. Vậy nên có chuyện "oan" cho chúng tôi được mời đi khảo sát cái khe có tên gọi là "Gió" đã không hăng hái cho lắm! Nhưng lần lữa, lỡ hẹn mãi rồi chúng tôi cũng định được chuyến đi khe Gió, để không "mất lòng" những người quá nhiệt tình với thiên nhiên nơi xứ sở nổi tiếng có hai thủ phủ: Tân sở Cần vương và Chính phủ Cách mạng lâm thời...

Theo hẹn, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND huyện Cam Lộ từ sáng sớm. Những ngày này tiết trời Quảng Trị như có sự khác thường, đã vào tháng ba của hai tháng hai nhuận mà vẫn chưa thấy có gió Lào. Những cơn gió đầu mùa bao giờ cũng quá ư nhiệt tình, hào phóng và bạo liệt kèm cái nóng oi nồng chẳng mấy dễ chịu nhưng vẫn thường thổi vào dịp sau tết âm lịch báo hiệu cho người dân nơi đây và những ai lạ lẫm biết "lễ độ" thế nào về một mùa hè rực lửa ở vùng đất nắng gió. Có phải, bởi cái thiên nhiên nắng gió khắc nghiệt và mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá, mất mát mà con người nơi đây ngày một phải thấy yêu quý và trân trọng thiên nhiên như một khát vọng tự thân và lối thoát cho chính mình để vươn lên! Và chính đó cũng là sự cắt nghĩa, lý giải cho tôi hiểu về con người nơi đây và hiểu rõ hơn mục đích chuyến vào rừng hôm nay mà tôi may mắn được tham dự?

Ở sân ủy ban huyện, trong khi chờ đợi, chúng tôi ra khỏi xe cô gái đi trong đoàn nhìn trời phấn khích thốt lên: - Trời đẹp quá. Tất thảy chúng tôi đều ngoái cổ nhìn: Bầu trời trong cao xanh màu ngọc bích, lãng đãng mấy quầng mây bạc không chuyển động như thể đang lơ lững nhòm ngó, suy tư về nhân tình thế thái dưới trần gian hay như cô gái nói mây đang quan sát theo dõi chuyến đi của chúng tôi chẳng biết nữa. Dẫn đường tham gia chuyến khảo sát với chúng tôi là hai cán bộ huyện còn khá trẻ và rất hăng hái. Người cao to, tên là Bình có giọng nói ồm ồm đậm chất vùng biển Quảng Trị, nhưng anh sinh ra và lớn lên ở vùng khe Gió nên biết và thông thạo đường đi lối lại ở đây. Hôm nay anh là "hướng dẫn viên du lịch" đáng nể của chúng tôi. Anh kể, khe Gió trước đây là cả một vùng rừng núi rậm rạp hoang vu có rất nhiều chim, thú và cá dưới suối... Tuổi thơ anh đong đầy kỷ niệm về những ngày lặn ngụp bắt cá, mò cua và vào rừng lấy củi ở khe suối này. Trong lời anh pha chút hoài niệm, nuối tiếc bởi cái thời ấy đâu xa xôi gì, chỉ hai mươi năm trở lại, vậy mà mọi thứ giờ đây đã lùi về dĩ vãng và chỉ còn lại trong ký ức.

Trước khi vào khe Gió, chúng tôi ghé qua chợ thị trấn Cam Lộ để mua mỗi người một đôi dép nhựa vì theo anh Bình phải lội suối nên không thể mang giày được. Trừ cô gái không thay đổi giày của mình, còn chúng tôi ai cũng được trang bị một đôi dép mới. Có điều đó chưa phải là đôi dép cao su vượt ngàn dặn của bộ đội Trường Sơn. Nhân điều này, anh giám đốc doanh nghiệp du lịch đi trong đoàn nảy ra ý tưởng sẽ tổ chức du lịch khe Gió có dép cao su để sẵn phục vụ cho khách du lịch, nghe anh phát biểu ai cũng tán thành, nhất là cô gái. Phụ nữ, về bản chất rất nhạy cảm với thiên nhiên nhưng bù lại khả năng tiếp nhận và đúc kết kinh nghiệm thiên nhiên lại rất kém so với đàn ông. Bây giờ cô gái đã thấm thía bài học đi khe Gió nên mang giày hay dép. Cả đoàn chỉ mình cô con gái nên được chúng tôi quan tâm hơn hết, nhưng rút cuộc mọi sự bất trắc và oái ăm lại cứ nhằm cô lãnh trọn. Trước hết là "đôi hài công chúa" cô mang khi lội suối bước trên những phiến đá trơn trượt không có độ bám đã hành cô. Rồi chiếc áo cánh ngắn để lộ cánh tay trần với làn da trắng mịn của cô mà cành cây lau lách cũng ham muốn được "vuốt ve" không thương tiếc, cô buộc phải nghĩ cách cho hai tay lồng vào chiếc áo mưa trông đến buồn cười và tội nghiệp. Nhưng chẳng hề chi, chúng tôi có non tiểu đội trai khỏe và ai cũng tự nguyện sẵn sàng hết mình phục vụ người đẹp.

Khe Gió nằm ở khoảng cây số 21 quốc lộ 9, cách phía dưới cầu Đầu Mầu một đoạn. Đi từ Đông Hà lên khe Gió xe cứ theo đường 9 đến gặp ngã ba phía tay trái, đường rẽ vào đồi 241, một địa danh lịch sử của chiến dịch đường 9 - Nam Lào là xem như đã đến nơi. Đứng tại ngã ba này ta có thể nhìn bao quát toàn cảnh vùng khe Gió. Đó là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm kẹp giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng Đông, Đông Bắc tạo nên cái lồng máng hút gió từ sông Ba Lòng, Đakrông thổi về. Gió ở đây thổi rất mạnh, nhất là mùa hè và cái tên "khe Gió" là bắt nguồn từ đấy. Chúng tôi thả xe bên đường 9 rồi đi bộ theo con đường đất chừng non cây số băng qua mấy nương rẫy, tiếp đó là lội suối suốt chặng đường còn lại hơn cây số nữa, tính thời gian cho cả chuyến đi chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ. Tất nhiên đó là chưa nói ai muốn ở lại lâu hơn thì còn tùy và cũng chưa tính đến nền đường được đầu tư dễ đi hơn thì lại khác. Chúng tôi có trao đổi về điều này và nhất trí là đầu tư vào khai thác khe Gió không tốn kém nhiều. Về cơ bản vẫn phải giữ "kiểu du lịch" như chúng tôi đang đi và tận hưởng. Nghĩa là có lội suối, có men theo vách đá và khi qua những phiến đá trơn, khó đi tay cứ nắm tay nhau mà đi, đỡ nhau mà qua trong khung cảnh của thiên nhiên, cái âm vang của rừng Trường Sơn và cái gió của khe Gió, gió của đại ngàn dâng lên thật vui và thú vị.

Hình như, khe Gió có quá nhiều chỗ nghỉ lý tưởng cứ đi một đoạn thấy cảnh đẹp là chúng tôi phải dừng lại chụp ảnh rồi ngồi nghỉ để thưởng ngoạn. Hai chiếc máy ảnh chúng tôi mang theo, loại kỹ thuật số hảo hạng được thay nhau nâng lên bấm liên tục, hết công suất. Chỉ tiếc, ban đầu ham chụp nhiều quá không ai ngờ khi vào đến chặng cuối, cảnh đẹp hơn thì máy lại hết pin. Thật ngạc nhiên, càng đi sâu vào khe Gió chúng tôi càng khám phá hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bàn tay tạo hóa thật kỳ diệu, cảnh sắc nơi đây đẹp như bức tranh thủy mặc, hay cảnh mà thầy trò Đường Tăng đã trải qua trên đường đi thỉnh kinh Tây Tạng trong thiên truyện "Tây du ký" nổi tiếng của Trung Quốc. Ở đây có hồ tiên nữ tắm, có bãi đá để Đại Thánh cùng bầy khỉ tụ sơn đại náo thiên cung... Theo cách nói hình ảnh nghe là lạ của một cán bộ du lịch trong đoàn: Khe Gió là cả "một hòn non bộ suối", với chất liệu kiến tạo chủ yếu là: Đá - Nước - Cây. Đá ở đây nhiều tầng nấc, lớp lớp hình thù mà tuyệt đỉnh nhất là "tòa nhà đá" Nước ở đây là suối nước trong veo, mát rượi chảy quanh năm, là hồ nước và thác nước của "công viên du lịch" Cây ở đây là cây rừng nguyên sinh, cây như bonsai bám cheo leo vách đá và đứng thiền soi bóng xuống mặt hồ... Cảnh đẹp khe Gió thật muôn màu, muôn vẻ và nhiều cung bậc. Nhưng lạ lùng và khó lý giải nhất là chúng tôi đi vất vả mà không biết mệt nhọc! Lẽ nào cái sự vất vả ấy, ở đây có bàn tay hiển diện của thiên nhiên tạo ra rồi lại thu về và đổi ngay lại cho người ta cái cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn? Sẽ chẳng ai tin khi nghe nói như vậy, nhưng sự cảm nhận đó là rất thật và chúng tôi ai cũng cho đó là điều kỳ diệu nhất của khe Gió. Rồi khi nghe anh Bình nói, vào mùa hè có rất đông học sinh, đôi lứa thanh niên trong nhiều vùng rủ nhau đến khe Gió, trong số đó khi trở về có nhiều đôi lứa đã thành vợ thành chồng thì mấy anh ở du lịch phấn khích vẽ ra viễn cảnh sẽ mở các tour du lịch cho khe Gió, nào là tour du lịch đôi lứa, tour du lịch giảm béo, phục hồi sức khoẻ,v.v... có người còn đề xuất đổi tên khe Gió thành khe tình yêu nghe rất lãng mạn?

Chúng tôi đến điểm gọi là "tòa nhà đá" và dừng lại ở đấy khá lâu. Đó là một bãi đá rộng, cao đến mươi mười hai mét, muốn leo lên phải trèo qua nhiều cấp đá lớn. Có thể coi đây là điểm cao nhất và cũng là điểm cuối khe Gió. Ở phía đầu nguồn con suối còn mở rộng và kéo dài nữa nhưng anh Bình nói đến đây là "hết" đường đi nên chúng tôi dừng lại. Rừng ở đây may mắn còn nguyên vẹn vì chưa ai vào chặt phá được. Chúng tôi ngã mình trên các phiến đá nước mài nhẵn thín và vốc nước suối tắm rửa thoải mái. Lúc này không ai thấy mệt nhưng có cảm giác đói và chỉ tiếc lúc đi nếu biết trước mang theo một ít thức ăn để có thể bày ra một "bữa tiệc" ở đây thì thú vị biết mấy. Người thì bảo nên mang bánh mì hay bánh chưng theo, người bảo phải có xâu thịt nướng. Còn cô gái thì cho, nên mang đàn ghi ta để chúng tôi cùng hát. Ai bảo cũng thấy đúng và hay cả, thôi đành lỡ hẹn vui với khe Gió ở một dịp khác vậy.

Có nhiều cựu chiến binh kể rằng, trong thời kỳ chiến tranh chiến đấu giữa rừng Trường Sơn Quảng Trị từng bắt gặp nhiều khe suối, hang động, thác nước thiên nhiên đẹp và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng nhìn ở đâu nay chưa xác định được. Có chuyện một cựu chiến binh Mỹ cùng vợ đi du lịch theo tour DMZ về thăm chiến trường xưa đã nằng nặc yêu cầu hướng dẫn viên đưa vợ chồng ông ta đến một thác nước, theo ông rất đẹp ở vùng Khe Sanh - Hướng Hóa mà ngày ấy khi bị quân giải phóng đánh, chạy lạc giữa rừng ông ta đã bắt gặp nhưng không sao quên được; Chuyện bộ đội chiến đấu bị thương, khát nước trườn về con suối tìm nước uống cầm hơi nằm ở đấy mấy ngày liền cho đến khi đồng đội tìm gặp mới được cứu sống...

Tạm biệt khe Gió mà chúng tôi có cảm giác như khe Gió ở gần lắm, gần như khe Mây, hồ Trung Chỉ quanh quanh Đông Hà vậy. Có phải, vì ấn tượng về hồi ức quá khứ, thiên nhiên - Con người - Chiến tranh, hay thực tế phủ phàng những cánh rừng đang ngày bị đẩy lùi xa, bị đồi trọc hóa và đồng bằng hóa mà chúng tôi ngộ tưởng như vậy. Sự thật hiển nhiên là con người đang tàn phá thiên nhiên và mất mát này không gì bù đắp được. Liệu chúng ta và rồi cả con cháu nữa sẽ làm được gì để trả lại cái màu xanh ngọt ngào ấy cho đất Mẹ. Tôi hiểu, anh Bình và nhiều người khác trên vùng đất này đang bắt đầu từ những suy tư sâu thẳm ấy và hơn hết muốn truyền cảm tình yêu thiên nhiên, muốn thổi cái hồn khe Gió đến với mọi người, mà chúng tôi mới cảm nhận được từ một chuyến đi khe Gió đầu mùa hạ.

H.L

Hồng Luân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 117 tháng 06/2004

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

5 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground