Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khe Sanh, đi một ngày đàng...

V

ới những cựu chiến binh Mỹ mà tôi tình cờ gặp trong chuyến lên Khe Sanh lần này thì, như mọi người đã kể, đã biết một cách mặc định rằng chắc chắn trong họ sẽ dâng trào cảm xúc “bồi hồi” chen lẫn sự mặc cảm về “tội lỗi và thất bại”, bởi cách đây mấy chục năm khi còn trai trẻ họ đã tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Rồi sau đó còn sống sót trở về Mỹ, có thể họ từng là nạn nhân của  cái “Hội chứng Việt Nam?”. Ấy, như mọi người vẫn hằng suy nghĩ về họ, và có khi ngay cả chính họ cũng tự ám thị mình như vậy. Nói thật, tôi không thích cái cách dễ dãi khi chúng ta cứ muốn khoác lên tư duy người khác bằng ý chủ quan, vâng, hoàn toàn chủ quan của mình, dù cái chủ quan ấy rất tốt, rất có ý nghĩa tuyên truyền. Chúng ta quên rằng, hễ cứ một cựu binh Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam thì chắc chắn rằng đó phải là “một người Mỹ trầm lặng”. Sự thật là, tôi, và nhiều người khác nữa chẳng bao giờ thèm quan tâm mấy đến họ suy nghĩ gì, tình cảm ra sao…đến cái gọi một cách lịch sự, văn vẻ là “ Hội chứng Việt Nam”!. Bởi họ đã gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa thì đương nhiên họ phải thất bại và trả giá. Chỉ đơn giản thế thôi! Giữa trưa nắng chói chang tháng tư, trên cao điểm gần 1000m Làng Vây tình cờ gặp họ, tôi liên tưởng ngay đến cuộc chiến tranh hết sức đẩm máu mà chính quyền Mỹ đang tiến hành bên Iraq. Vũ khí “thông minh” đã giết người dân Iraq vô tội, hàng ngày, hàng giờ truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin cập nhật. Một cuộc “chiến tranh chớp nhoáng” hay một cuộc chiến kéo dài hay bất kỳ kiểu chiến tranh gì chống lại một đất nước có chủ quyền, xâm phạm độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh đều phi pháp và là tội ác. Cả thế giới đang xuống đường tranh đấu, chống chiến tranh, bảo vệ nhân dân Iranq. Song, quân Mỹ-Anh vẫn phớt lờ tất cả, đã coi thường vận mệnh của các dân tộc, đạp lên dư luận thế giới, đạo đức con người…vẫn tiếp tục tiến quân, Lính Mỹ đã vào được thủ đô Bát-đa, dù bước tiến có hơi chậm so với các bài tính toán quân sự của các nhà chiến lược chiến tranh Mỹ. Cũng như cách đây ba mươi lăm năm, các nhà chiến tranh Mỹ dù đã tính toán rất cẩn thận, chi ly cho cuộc chiến ở Việt Nam và đương nhiên không hề tính đến một khả năng là quân Mỹ thất bại, phải cuốn cờ về nước sau Hiệp định Pari. Song lịch sử đã xảy ra và thừa nhận đúng như vậy…Tôi nghĩ đến vài chục năm nữa, liệu có những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Iraq trở lại chiến trường xưa, để mà nghiền ngẫm, ve vuốt cái “Hội chứng chiến tranh” như từng ở Việt Nam?  Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Iraq đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có ngành du lịch, ước tính thiệt hại ban đầu đến hàng chục tỷ USD, thế mà hôm nay, khi chiếc xe của “tua” DMZ vừa dừng lại trên cứ điểm Làng Vây, những “trung úy Giôn”, “thượng sĩ Đanien”, “thiếu tá Xmít” v.v…làm như những người Mỹ hoàn toàn vô can ùa cả xuống, tất cả đứng trầm ngâm giây lát, không thèm nghe người hướng dẫn viên giới thiệu (có thể thông cảm vì họ đã quá thông thuộc lịch sử và địa lý của vùng đất này). Họ chỉ đứng trầm ngâm giây lát rồi rối rít chụp ảnh, trầm trồ nói với nhau bằng  thứ tiếng Mỹ xa lạ. Các cựu binh Mỹ say sưa chụp ảnh và trong khi quay ống kính để thu vào khuôn hình cái địa thế cực kỳ lợi hại về mặt quân sự dải đường Chín quanh co uốn lượn như dòng sông bạc ánh lên dưới nắng tháng tư, nơi họ đã từng chiến đấu, họ đã phát hiện ra chúng tôi! Một người trong họ kêu lên:

            - Ô…Ô, Vi-xi! Vi-xi!...

            Mọi người quay lại cả, và tất nhiên, chúng tôi cũng không ngần ngại mỉm cười đáp lại. Chúng tôi là nhóm làm phim của Báo- Truyền hình Quân khu Bốn, đang thực hiện một số cảnh quay tại địa danh lịch sử này. Chúng tôi mặc quân phục sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, và đại tá Trương Quang Thành, một nhân vật trong phim của chúng tôi là người đã từng chiến đấu trên chiến trường này, hôm nay, thật tình cờ đã gặp lại những người một thời ở phía bên kia. Anh không ngạc nhiên với những điều đang diễn ra, bởi lẽ anh là sĩ quan còn tại ngũ, số phận đời anh như định mệnh phải gắn bó mãi mãi với vùng đất kham khổ này. Trong hơn ba chục năm đời lính anh đã ba lần đến rồi đi, rồi cuối cùng quay lại Khe Sanh- Hướng Hóa. Lần thứ nhất - năm 1970, lính của Quân đoàn 2, hành quân hàng tháng trời từ Bắc vào tham gia chiến dịch Nam Lào; lần thứ hai - năm 1977, từ chiến trường Bạn về nước trong đội hình Đoàn C68; và lần thứ ba - năm 1999, từ Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh trong đội hình Đoàn B37 (Quân khu 4) hành quân lên Hướng Hóa - Khe Sanh làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng. Hơn ba chục năm, từ một người lính chiến trở thành một người lính kinh tế; từ chàng binh nhất trở thành một người lính kinh tế; từ chàng binh nhất trở thành đại tá phó đoàn trưởng. Thấm thoắt, mái tóc đã điểm bạc như cây lau bạt gió bời bời kỷ niệm. Đồng đội người còn, người mất, chả còn lại bao nhiêu. Nghĩ mà xem, trải hàng trăm trận đánh, làm sao có thể dám cam đoan bảo toàn được từng bao nhiêu người trẻ xông vào nơi lửa đạn…Anh nói với chúng tôi rằng nơi ta đang đứng, ngày 2/7/1960, trước một tuần khi ta hoàn toàn giải phóng Khe Sanh, hãng tin Roitơ (Anh) đã cay đắng nhận định trong một bản tin: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu!”. Tôi nhìn những vỉa đá màu váng sắt dưới chân, thầm nghĩ rằng sắt thép vũ khí, bom đạn thuốc nổ đã bị nung chảy mà hòa tan vào đất đá Khe Sanh, chứ không phải là các nguyên tố kim loại bị ruột đất nung chảy trong hàng triệu độ, phun trào lên thành núi lửa để cho màu đất đai nơi đây đỏ tươi màu máu. Đến bây giờ, chúng ta biết rằng người Mỹ đã phải trả một giá đắt không chỉ bằng máu. Họ phải trả bằng danh dự, bằng niềm tin, họ phải trả bằng sự hoài nghi của hàng trăm triệu công dân nước Mỹ vào chính các “ giá trị Mỹ”…

            Đại tá Trương Quang Thành và một số sĩ quan khác ở Đoàn B37 trở lại vùng đất nơi mình từng chiến đấu này không như những cựu chiến binh Mỹ đang đứng kia chi tiền đi theo một “tua” du lịch. Các anh trở lại trong tư thế của người lính thực thi nhiệm vụ, nghĩa là trên đôi vai đã chớm già nua của các anh vẫn còn gánh nặng của Tổ Quốc giao cho - Đấy là cánh nhà báo chúng tôi nói một cách văn vẻ vậy, chứ các anh suy nghĩ đơn giản lắm. Mình là lính, mình phải thực hiện nhiệm vụ trên giao một cách tốt nhất, đó là danh dự và trách nhiệm của tất cả mọi người! Vẫn biết là như thế, nhưng nhìn bàn tay của các anh hết chai mòn vì đào công sự, lấp hố bom, lại tiếp tục bong lên từng u, từng cục vì đào hố trồng rừng, ươm cây, chiết cành, mới ngẫm ra Quân đội ta đã rèn đúc lên những con người như thế, là đội quân chiến đấu giỏi và công tác giỏi.

            “Bọn Mỹ”- đó là cách mà đám trẻ con Vân Kiều, Pa Cô ở Khe Sanh nói với nhau như vậy - sau một hồi bắng nhắng chụp ảnh, quay phim và xì lồ xì la, hình như bắt đầu thấm cái nắng tháng tư vừa gắt vừa chói chang nhức mắt đã chui vào chiếc xe 24 chỗ máy lạnh, phóng vút đi. Cái nắng tháng tư Khe Sanh của chúng ta thật đặc trưng của một vùng đất có đến “6 tiểu vùng khí hậu”. Nắng oi như từ trong đầu nắng ra đã làm những cái đầu hói và không hói tóc hoe vàng rất Mỹ không chịu nổi…Nắng đó thấm chi so với hơn ba chục năm trước, chúng nó không trần trôốc ra mà dúi đầu dưới công sự bao cát mà chịu cơn bão lửa của “pháo binh Việt cộng” đấy à? Hết cơn bão lửa, chưa kịp ngóc trôốc lên, thò tay giật dây cò pháo “vua chiến trường” bắn trả thì đã nghe tiếng động cơ gì rền vang, hình như là tiếng máy húc, máy ủi? Hay là xe tăng? Việt cộng mà đưa được tăng vào đến đây, có là Chúa mới làm nổi. Nhưng Chúa ơi, đúng là tăng thật rồi. Việt cộng đưa tăng vào bằng cách nào, sao không hề có một tin tức tình báo? Vậy chúng ta thua rồi, người Mỹ thua thật rồi! Tăng Việt cộng đã tiến qua cửa mở, và bộ binh xông lên dũng mãnh không kém gì tăng khống chế hoàn toàn điểm cao. Đó là ngày 9/7/1968, cả nước Mỹ bàng hoàng: 17.000 binh sỹ Mỹ, 480 máy bay Mỹ, 120 xe quân sự Mỹ, 65 đại bác Mỹ, 55 kho đạn dược, hậu cần và hàng chục ngàn tấn trang thiết bị kỹ thuật có dán nhãn USA đã bị loại khỏi vòng chiến. Lời huênh hoang “Mỹ có thể dùng căn cứ này làm một lá chắn ngăn chặn Việt cộng từ Lào sang và là căn cứ quan trọng để cho cuộc hành quân “tìm diệt”, “đánh phá kho tàng” của tướng Mỹ Oét - mo - len đã tiêu hủy. “Lá chắn” của Oét trở thành “Hăm-bơ-gơ” - “Đồi thịt băm” ngày ấy hôm nay đang là công trường xây dựng thành di tích lịch sử. Thu hút đầu tư, phát triển “ngành công nghiệp không khói” đang là một phương sách làm ăn tỏ ra có hiệu quả và độ bền vững lâu dài của Quảng Trị nói chung và Hướng Hóa nói riêng.

            Ở Khe Sanh, khí hậu vùng cao rất thích hợp cho xây dựng các khu nhà nghỉ, an dưỡng, nhiều di tích lịch sử chiến tranh cách mạng: Nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, Động Tri, Cửa khẩu Lao Bảo v.v…Khe Sanh có nhiều hồ, đầm tự nhiên, nước trong xanh, đồi thông reo vi vu, nhiệt độ trung bình mùa hè chỉ vào khoảng 25 độ C trong khi ở Đông Hà gió Lào rít từng trận bão thì nơi đây vẫn yên lành. Giữa mùa hè mà đêm nằm đắp chăn bông để nhấm nháp hồi ức về những mùa đông trong kho kỷ niệm của mỗi người thì thật là thú vị. Mùa hè, cần chi phải về Cửa Tùng, Cửa Việt cho nắng và sóng biển mặn đánh rám da, nhất là đối với các cô gái sắp lấy chồng, hãy cứ theo một chuyến tốc hành lên Khe Sanh trong những ngày nghỉ cuối tuần để mà khoác tay người yêu dưới những tán thông xanh ngời, trước mặt là hồ nước xanh vợi, dưới chân là thảm cỏ xanh êm. Buổi tối ra thị trấn, kêu thêm ly cà phê Khe Sanh - Hướng Hóa chính hiệu tỏa hương ngào ngạt, thấm lên đầu lưỡi vị cà phê cay cay một chút, ngắm những giò lan rừng rũ hoa yểu điệu mà chủ quán kỳ công sưu tầm, nói vài câu chuyện tâm tình và ước mơ… Một viễn cảnh như vậy chắc sẽ không còn xa nữa, tôi nghĩ vậy khi ngắm nhìn công trường xây dựng khu di tích lịch sử Làng Vây bộn bề xe máy công trình. Và như không cần chờ đến khi công trình hoàn thành, đã biểu hiện bên đường Chín tấm pa - nô biểu trưng “Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ mới”, với tấm hình cô gái quê Quảng Bình có nụ cười tuyệt đẹp. Xưa là chiến trường, vòng xích tăng T54 và những chiến sĩ giải phóng quân và chân dép lốp, mũ tai bèo lên làm chủ điểm cao thì nay, cũng là những vòng xích, nhưng là vòng xích của máy ủi, gạt, lu và những công nhân áo xanh da trời lấm lem dầu mỡ, cùng hình ảnh cô gái nón trắng quai hồng cùng nụ cười vĩnh viễn Việt Nam lên chiếm lĩnh “cứ điểm Làng Vây”.

            Ba mươi năm, qua những khúc quanh của lịch sử, một chân lý đã hiển hiện rõ ràng trước mắt ta, như không thể nào khác được, nghĩa là những giá trị của lịch sử luôn được trả về đúng nghĩa của nó. Như tôi đã có một phép so sánh hơi khập khiễng rằng sau ba chục năm để quay trở lại chính nơi hai bên từng đọ súng này, các cựu chiến binh Mỹ đã  đi một con đường (theo nghĩa bóng). Từ cuộc chiến ấy, những cựu binh Mỹ có thể sám hối, ăn năn vì quá mù quáng tin theo những điều người ta rao giảng và quảng cáo, hoặc là họ đã không có đủ tự tin và lòng dũng cảm để dám phản biện lại chính mình, chống lại thói quen tự huyễn hoặc mình trong trong cái sức mạnh tưởng là vô địch và các “giá trị Mỹ” áp đặt. Hoàn toàn khác vậy, thế hệ của đại tá Trương Quang Thành đã đi vòng qua những mấy cuộc chiến đấu nữa, với đủ các loại giặc dã, thêm những hy sinh không nhỏ, trên mình thêm mấy vết thương, để hôm nay lên cứ điểm Làng Vây mà đứng trước ống kính của chúng tôi, tâm sự một đôi điều với khán giả sẽ xem phim:

            - Chúng ta lại đến đây, tiếp tục đổ mồ hôi sao cho xứng với máu chúng ta đã đổ xuống mảnh đất này ba mươi năm trước. Mồ hôi, ấy cũng là một thứ máu, là thứ máu chảy ra từ bàn tay và khối óc của một dân tộc yêu hòa bình, yêu lao động. Nhưng khi cần thì cả dân tộc ấy sẵn sàng hiến dâng máu tươi đỏ từ triệu triệu trái tim. Máu của dân tộc ấy sẽ hòa thành lửa thiêu nung chảy hết mọi thứ sắt thép của quân xâm lược…Riêng tôi, ba lần đến Khe Sanh - Hướng Hóa, mỗi lần một nhiệm vụ khác nhau nhưng có điều chung nhất là đều phấn đấu cho những điều tốt đẹp nhất, mong cho những điều tốt đẹp nhất trên vùng đất này…Tôi nói thế, có dài quá không các nhà báo?

            Chúng tôi cười, thu dọn máy móc lên xe theo đường Hồ Chí Minh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa hành quân tiếp vào Hướng Linh, nơi có trại chăn nuôi của đoàn B37, nơi rồi đây sẽ chìm dưới gần chục mét nước của lòng hồ thủy điện - thủy lợi Rào Quán đã được Chính Phủ quyết định đầu tư tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Nó sẽ là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy vùng cao Hướng Hóa phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược miền tây Quảng Trị . Một ngày bình yên ở Khe Sanh sắp trôi qua trong cái biến động vô hồi kỳ trận. Cao điểm Làng Vây vẫn là điểm khống chế, là “huyết chiến điểm” trên quốc lộ Chín, cả hôm qua và hôm nay. Và tôi bắt gặp một thoáng trầm ngâm trên nét mặt đại tá Trương Quang Thành khi bản tin chiến sự Iraq của đài tiếng nói Việt Nam thông báo rằng lực lượng quân Mỹ đã kiểm soát được sân bay Bát - đa. Là người lính chiến, anh đang nghĩ về cái khốc liệt của chiến tranh, và mỗi con người chính nghĩa thì cần phải làm gì, đúng không, anh Thành?.

            …Chợt nhớ câu tục ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của dân tộc ta. Người Mỹ đã đến đây không chỉ một ngày, họ đã học được mấy “điều khôn”?.

                                                                                                T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 105 tháng 06/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground