Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khe Sanh - Giấc mơ của đất

        Ngày nhà thơ Thái Ngọc San còn làm báo Thanh Niên, anh lên huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) công tác, ghé thăm nhà ba mạ tôi ở đó. Ngày hai bữa ăn cơm với môn tím hái trong vườn, xắt mỏng bóp với muối, chấm nước mắm do mạ tôi làm, bữa nào anh cũng khen ngon và nói ăn ri mãi cũng được.

Sau này, gặp tôi ở Huế, anh Thái Ngọc San nói: "Tau lên Khe Sanh, ở lại nhà mi mấy ngày, ăn cơm với dưa môn ngon chi lạ. Ba mi là người giỏi giang, thiệt thà, tội. Tau nghe ông kể chuyện mấy năm sau giải phóng, ông lột bán bớt từng tấm tôn trên mái nhà để gửi tiền cho mấy anh em mi học đại học, thương chết i. Hồi nớ, vùng kinh tế mới Khe Sanh mới lập được mấy năm, sắn cũng không có nhiều chứ đừng nói là gạo, đói khổ như rứa mà ông vẫn quyết tâm cho con cái đi học cả, tau thấy hiếm". 

Cũng đúng là hiếm thật. Hồi đó, cả tỉnh Quảng Trị có vài ba trường cấp ba thôi. Học sinh các huyện muốn học lên lớp 10 phải về thị xã Đông Hà hoặc Thành Cổ. Nói cho công bằng, "hiếm người cho con đi học" không phải vì lý do nghèo, vẫn có những người giàu có, dư dả nhưng con cái vẫn nghỉ học đi làm kiếm tiền. 

Thời buổi sinh ra vậy. Nhìn lên những người quyền thế trong thôn, xã, hợp tác xã... hết thảy đều là những người không học hành hoặc không học hành nhiều, trong khi những người có trình độ, học vấn thì vì những lý do nhân thân, lịch sử này nọ nên bị xếp là "người thừa", người ta nghĩ học làm chi, biết nhiều, hơn người chọc họ ghét, có khi mang họa nữa. Thành ra, người nào cho con cái đi học cũng là "lập dị", khác người rồi. 

Năm 1978, lần đầu tiên huyện Hướng Hoá mới có hai người đậu đại học, anh trai đầu của tôi đậu Bách khoa và anh Hoàng Phới ở Tân Lập đậu Sư phạm, cả hai người đều học cấp ba ở Thành Cổ. Rồi bốn năm sau nữa, mới có thêm hai người ghi tên vào danh sách đậu đại học, anh Lê Thạnh ở Tân Hợp và anh kế tôi, cùng đại học Y khoa, cả hai cùng bới cơm gạo về học cấp ba ở Đông Hà. Hai năm sau - 1984 - tôi rất may mắn là một trong hai người đầu tiên học "cấp ba nhô" ngay tại Khe Sanh thi đậu vào đại học Sư phạm, cùng với Lê Đăng Hưng - em ruột của bác sĩ Lê Thạnh - đậu ngành Toán đại học Tổng hợp. 

Cũng may, giai đoạn "hiếm người đi học" đại học rồi cũng mau chóng qua đi. Ngọn gió đổi mới những năm 90 của thế kỷ trước đã trả xã hội về với những giá trị cũ: Người có học hành, giỏi giang được người dân tôn trọng, và quan trọng là khả năng "làm ra tiền" cũng được thừa nhận, khẳng định. Thời của bè phái, cục bộ, chủ nghĩa lý lịch... cũng phải dần thoái lui. 

Bây giờ, hàng năm, chỉ riêng xã Tân Liên quê tôi, con số đậu đại học cũng vài ba chục người rồi. Đã có ngày càng nhiều hơn con em của những người làm rẫy nhưng có bằng cấp vào làm việc ở "nhà trắng", "nhà đỏ" ngay tại đất Khe Sanh. Xa hơn, tại các trường đại học, trung tâm y tế, nghiên cứu tầm quốc gia, con em của những gia đình kinh tế mới Khe Sanh - Lao Bảo đã "cắm rễ", khẳng định năng lực và có nhiều đóng góp hữu ích cho đất nước. 

Người dân Triệu Phong là lực lượng tiên phong, "nồng cốt" trong cuộc khai khẩn kinh tế mới ở Hướng Hoá những năm sau giải phóng. Bạt ngàn rừng rú, lau lách và ngổn ngang bom đạn. Những ngày đầu khởi sự, gần như ngày nào cũng có bom nổ gây sát thương cho người khai hoang. 

Đã có không ít người, do quá hoảng sợ, đã đưa cả gia đình trốn khỏi Khe Sanh trong đêm vào tận đồng bằng Nam Bộ hoặc Tây Nguyên lập nghiệp. Nhưng rồi, trời đất cũng hiểu được lòng người. Ý chí vươn lên cùng với sự cần cù, thông minh của người dân "vùng đất hai huyện" đã biến đất đai bazan màu mỡ thành lương thực, của cải. 

Chẳng bao lâu sau của cái thuở ban đầu đói cơm thiếu sắn, người dân Khe Sanh đã hợp cùng với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sở tại làm nên những kỳ tích từ đất. Gần năm ngàn hécta sắn cao sản ở vùng Lìa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn Sê Pôn nằm ở xã Thuận, hàng năm thu về hàng triệu đôla từ xuất khẩu sản phẩm này, và cùng với nó có gần cả trăm người dân tộc thiểu số mang họ Bác Hồ ở vùng Lìa "rừng thiêng nước độc" trở thành triệu phú nhờ củ sắn là chuyện nếu không "mục sở thị" hẳn không tin nổi. 

Ông Hồ Đại Nam - người đứng đầu doanh nghiệp làm ra nhà máy tinh bột sắn Sê Pôn - được những người họ Hồ ở Lìa ghi ơn không chỉ vì cái "nhà máy xay củ sắn in ra tiền" mà chính nhờ ông Nam đã lặn lội đến từng làng bản thổi vào họ, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của họ từ củ sắn trồng nhiều bán cho ai cho đến việc phải thâm canh, bón phân thì sắn mới cho năng suất, tỷ lệ tinh bột đủ tiêu chuẩn xuất khẩu... 

Một người họ Hồ khác, có công đối với đất Khe Sanh, đó là ông Hồ Văn Minh, một người theo đạo Tin Lành. Ngày tỉnh Quảng Trị trở về tên cũ của mình sau khi tách ra từ tỉnh to Bình Trị Thiên, ông Minh khăn gói từ Tây Nguyên ra Khe Sanh với ý định và khát khao lớn, chinh phục hàng trăm hécta đất bazan trồng cây cà phê và nhiều cây ăn quả khác. 

Giữa lúc người dân sở tại đeo đẳng với cây cà phê mít do người Pháp trồng thân to, lá to nhưng hiệu quả kinh tế thấp, ông Minh làm một cuộc cách mạng, cày sạch trơn cây cà phê mít, trồng mới cà phê vối kiểu Tây Nguyên. Tiền tỷ vốn vay và công sức đổ ra cho cây cà phê vối đã trở thành học phí sau năm năm khi nó trả lời rằng do độ ẩm cao, mưa nhiều của đất trời Khe Sanh khiến cho cây nhiều lá, lắm cành, ra hoa trắng cả rừng nhưng không... kết trái. 

Không chịu buông súng đầu hàng, với sự tin tưởng mang tính khoa học và tiếp sức của Agribank Quảng Trị, ông Minh tiếp tục trồng thử nghiệm, rồi đại trà cây cà phê chè. Từ "mô hình ông Hồ Văn Minh", người dân gặt được thành tựu lớn nhất và duy nhất là cây cà phê chè. Con số 4.470 hécta cà phê chè tại Khe Sanh tới thời điểm này cùng với hàng chục nhà máy chế biến cà phê quả tươi theo công nghệ hiện đại cho thấy giấc mơ mang cà phê thành phẩm thương hiệu Khe Sanh ra toàn cầu hoàn toàn không xa vời...

Một thế hệ doanh nhân trẻ, đa phần lứa tuổi 7X, 8X, có học vấn, chuyên nghiệp, giàu khát vọng đã và đang tạo ra một diện mạo mới trên nhiều lĩnh vực kinh doanh cho vùng đất cửa khẩu biên giới từng có thời nổi tiếng với các hoạt động buôn lậu, làm ăn kiểu chụp giựt, mánh mung phi vụ bất chấp danh tiếng, thương hiệu của vùng đất, quê hương. 

Tính đến cuối năm 2010, huyện Hướng Hoá có 185 doanh nghiệp và gần 2.700 hộ kinh doanh cá thể. Những người trẻ của Khe Sanh giờ đây là cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư... đã có thể tự mình vẽ lại và xây dựng thành phố Khe Sanh bằng sự trải nghiệm và tình yêu của họ. Trải dài từ thị trấn Khe Sanh - trung tâm huyện lỵ - cho đến khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, chừng hai chục cây số, có thể nhận thấy rất nhiều bảng hiệu kinh doanh thương mại dịch vụ mang tên Bảo Cường. 

Chủ nhân của doanh nghiệp là Lan - một phụ nữ lứa 7X, nhưng người góp công lao nhiều nhất làm nên thương hiệu này chính là Nguyễn Văn Minh - em ruột của Lan, và hàng trăm cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp Bảo Cường - thế hệ những đứa con sinh ra, được nuôi nấng và trưởng thành từ ruột rà của đất mẹ Khe Sanh. Minh nói rằng, ai cũng có một quê hương, một cội nguồn để yêu thương, tự hào, để dâng hiến và góp phần làm rạng danh quê hương. Nghĩ vậy và Minh đã hành động: Thiết lập và tạo dựng một hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý xuyên suốt từ Khe Sanh cho đến Lao Bảo với mục tiêu thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hoá ngày càng cao của nhân dân địa phương và khách du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). 

 

Chàng trai trẻ nhà ở Khe Sanh, vừa nhận bằng kỹ sư xây dựng, nói với tôi: "Cũng nhiều nơi mời gọi, nhưng em chắc chắn sẽ về lại làm việc ở quê, để thực hiện giấc mơ từ thuở bé...". Chờ mãi nhưng chỉ thấy ánh mắt của cậu ta nhìn xa xôi về phía núi. Tôi hỏi: "Giấc mơ gì vậy?". Chàng trai cười bí ẩn: "Giấc mơ của đất!".

L.C.C

 

 

Lâm Chí Công
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 198 tháng 03/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground