Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không bao giờ khuất lấp

A

nh hùng lao động Trần Chí Thành, hiệu trưởng trường đào tạo lái xe Quảng Trị đối với dân viết lách chúng tôi là chỗ quen thân. Cách đây 10 năm tôi và nhà văn Nguyễn Quang Hà đã viết một bài về trường đào tạo lái xe Bình Trị Thiên (cũ) do anh làm hiệu trưởng.

Lần ấy bọn tôi “ba cùng” với anh mấy ngày liền, gạn hỏi nhiều lần cũng chỉ biết trong chiến tranh chống Mỹ, anh là lái xe cùng đồng đội chở các cháu học sinh K8 từ Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc đến đoạn Bàu Sen (Quảng Bình) chẳng may gặp máy bay Mỹ phát hiện thả pháo sáng chặn đánh. Tình thế thật hiểm nghèo. Trên xe là hơn 600 cháu lít nhít chín mười tuổi nép vào nhau như đàn gà con gặp diều hâu. Dưới đất hai bên đường mênh mang nước. Phía trước bom nổ chậm chưa kịp phá. Trên đầu dưới ánh pháo sáng, máy bay địch gầm rú điên loạn. Trong cái giây phút hãi hùng ấy, trong óc Trần Chí Thành chợt lóe lên lời nguyền: Thà mình chịu chết chứ không thể để cho 600 con em bà con cô bác Vĩnh Linh bị diệt. Rồi với tư cách là đội trưởng xe, anh lệnh cho đồng đội lợi dụng pháo sáng quay đầu xe tìm nơi ẩn nấp, còn mình ngạo nghễ bật đèn pha thách thức với thần chết. Tụi phi công Mỹ mừng như vớ được của liền bâu lại vệt sáng dưới đường thi nhau ném bom và phóng rốc két, anh Thành vẫn bình tĩnh nắm chắc vô lăng len lách qua những hố bom lõng bõng bùn nước cho đến khi xe bị đánh hỏng, người bị thương nhưng anh rất mừng vì cứu được cả đoàn xe.

 Một lần khác đoàn xe 5 chiếc của Trần Chí Thành đang hối hả ra Quảng Bình nhận một số hàng đặc biệt đưa vào Nam, đến xã Hàm Ninh thì bị tắc đường. Mấy dân quân địa phương cho biết có một đoàn xe chở tên lửa trên đường vào Vĩnh Linh bị sập hố bom chưa kéo lên được. Vào lúc này một số lái xe tìm đường vòng tránh nhưng đoàn xe Trần Chí Thành không ai nói rõ ra nhưng đều nôn nóng đợi quyết định của anh. Chỗ này là một trọng điểm đánh phá của địch. Mấy đêm trước đây một tay lái trong đội của Thành đã hy sinh ở đây. Chần chừ ở đây, rất dễ “ăn” bom. Quá sốt ruột một lái xe đề nghị Thành phải triệt để chấp hành lệnh Khu ủy Vĩnh Linh khẩn trương vượt qua phà Quán Hàu đi nhận hàng đặc biệt càng sớm càng tốt, bản thân Thành cũng sốt ruột không khác gì đồng đội của mình, một mặt phải tùm mọi cách nhận chuyển hàng đặc biệt an toàn trở về, mặt khác lương tâm người lái xe đang cắn rứt vô lẽ bỏ mặc những “chuyến xe đặc biệt” này mắc cạn ở đây. Và có thể ít phút nữa hoặc vài giờ sau, đoàn xe tên lửa này sẽ làm mồi ngon cho máy bay Mỹ. Thành thuyết phục đồng đội ở lại, rồi vận dụng kinh nghiệm hàng chục lần cứu kéo xe ở đoạn đường quen thuộc này, anh phối hợp với dân quân địa phương và bộ đội đào hố chôn 5 chiếc xe của đoàn mình kết thành một cột trụ vững chắc đủ sức để Zin 157 có chỗ móc tời kéo những chiếc xe mắc lầy lên. Hai giờ sau một tốp máy bay Mỹ kéo đến ném bom vào đúng chỗ họ vừa kích kéo xe những đoàn tên lửa đang nối đuôi nhau vào chiến trường.

Khoảng nửa tháng sau, chính đoàn tên lửa này đặt trận địa tại Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) đã bắn rơi 2 máy bay B52 lần đầu tiên trên miền Bắc.

Đó, đại để tuy quen biết nhau nhiều năm chúng tôi cũng chỉ biết có một Trần Chí Thành vậy. Có thể là do chúng tôi choáng ngợp trước chiến công của anh mà cho rằng tư liệu ấy đã đủ cho một bài báo không cần khai thác gì thêm hoặc là anh khiêm tốn không muốn nói nhiều về mình hoặc cả hai?

Cho đến gần đây được tin trong nhiều năm qua anh Thành còn có nhiều chiến công trong sự nghiệp bảo vệ an ninh vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng bằng khen. Ôi! Sửng sốt quá, thú vị quá. Lại có người quả quyết với tôi ngay cái hành động bật đèn pha ô tô thu hút bom đạn về mình để cứu các cháu K8 dạo nào cũng là sự chỉ đạo của công an. Xốn xang thực hư, tôi tìm gặp Trần Chí Thành có ý phàn nàn sao ngần ấy năm quen biết, anh không nói một chút gì về sự kiện này nhỉ. Anh cười hồn nhiên:

- Bởi chưa bao giờ tôi kể với ai.

- Bây giờ thì anh vui lòng kể được chứ?

- Vâng, lúc này đã được phép, tôi sẵn sàng. Và rồi chắp nối nguồn tư liệu khác nhau, tôi được biết ngót bốn mươi năm trước, vào năm 1958 bấy giờ anh Thành là diện lái xe tích cực, gương mẫu của tập đoàn ô tô vận tải Vĩnh Linh. Sống ở địa bàn giới tuyến, ngày ngày nghe đài của bọn Mỹ- Diệm ở phía Nam sông Bến Hải lải nhải nói xấu miền Bắc, nói xấu Đảng, Bác Hồ. Chúng còn hô hào rằng “lấp sông Bến Hải”, rằng “biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”.v.v… Lòng Thành cũng như bao người dân Vĩnh Linh vừa căm thù địch vừa muốn làm việc tốt hơn, làm việc nhiều hơn… để mau đến ngày thống nhất đất nước. Được học tập về phong trào “bảo mật - phòng gian - bảo vệ trị an” vừa được các anh công an giúp đỡ Thành tự nguyện làm người chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cần phải nói thêm rằng từ sau Hiệp định Paris 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời hai miền Nam Bắc nước ta, thì khu vực Vĩnh Linh trở thành một trọng điểm của công tác phản gián. Đủ các loại gián điệp, biệt kích hoạt động phá hoại vùng giới tuyến. Nhiều tên phản động ở miền Bắc dồn về đây hòng vượt tuyến vào Nam theo địch. Bởi thế anh Thành rất lo lắng trước nhiệm vụ mới mẻ và phức tạp này.

Cái gì đang chờ đón anh ở phía trước. Cái gì sẽ giúp anh vượt qua những khó khăn không thể lường trước. Cái gì anh sẽ phải làm trước?... Thực là không giản đơn một chút nào. Càng nghĩ anh càng lo, càng lo anh càng cố gắng hoàn tất chức trách của một lái xe và với một số vốn nghiệp vụ ít ỏi mà anh được công an bồi dưỡng cấp tốc gần đây, Trần Chí Thành cảm thấy vui bởi mình được công an tin, rồi anh lao vào thực tiễn đời sống xã hội thực hiện nhiệm vụ.

Chiến công đầu tiên của Thành là phát hiện hai tên phản động đang trên đường trốn vào Nam theo địch bằng xe ô tô. Với tay nghề lái xe điêu luyện của mình, Thành đã bí mật bám theo và làm cho xe ô tô của chúng chết máy, khi chúng chưa kịp gây tội ác và kịp thời báo cho các đồng chí công an bắt giữ. Công an Vĩnh Linh biểu dương thành tích bước đầu của Trần Chí Thành, thôi thúc anh làm việc. Và, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau có lúc tưởng như là không thể vượt qua nổi. Nhưng suốt một dải đất từ Cửa Tùng lên Hiền Lương, ngược ra Hồ Xá ngày cũng như đêm có một chiến sĩ không trong biên chế nhưng không quản gian nan, vất vả và nguy hiểm, lặn lội đến từng nhà dân, ngõ xóm, truy tìm từng nguồn tin, nhận mặt từng đối tượng. Suốt trong những năm ấy kiên trì và lặng lẽ, Trần Chí Thành đã cùng đồng đội phát hiện hàng chục tên phản động gián điệp.

Tôi tìm gặp ông Lương chiến sĩ công an vũ trang giới tuyến ngày xưa. Ông nghỉ hưu tại một làng quê Vĩnh Hòa, sức khỏe không được tốt lắm song vẫn sôi nổi kể lại những kỷ niệm cũ mà ông nói rằng đã “chôn sâu trong người” rằng, có một lần tại trạm gác đường 70, ông đã bắt giữ anh Thành vì trong người không có một mảnh giấy tùy thân, lại thấy phong thái có vẻ là một thanh niên chậm tiến, tìm đường trốn vào Nam, ông sinh nghi liền bắt giữ và áp giải nộp cho đồn công an Hồ Xá. Anh Thành lủi thủi đi trước, ông Lương thận trọng đi sau, dẫu vậy ông vẫn không yên tâm sợ chạy trốn nên bắt anh cởi dép đi chân đất. Nắng hè đổ lửa, đường nhựa bỏng rát bàn chân nhưng anh Thành vẫn cắm cúi rảo bước mong chóng đến Hồ Xá. Tại đây được tin, lãnh đạo công an Vĩnh Linh ra lệnh thả Thành, sau đó bố trí anh hoạt động khu vực miền Tây Vĩnh Linh. Ông Lương nói với tôi rằng, ông vẫn nhớ như in “cái thằng vượt tuyến” nói giọng Quảng Bình, người đậm, da dẻ hồng hào, tóc gọng kính, lặng lẽ và lùi lũi đi trước mũi súng của bọn ông chốc chốc lại nhảy lò cò sang vệ cỏ ven đường tránh nóng. Rất nhiều năm sau này ông vẫn không biết “thằng vượt tuyến” nọ là anh hùng lao động Trần Chí Thành lại là người từng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đến khi gặp ông khai thác chi tiết này thì ông chồm người lên chiếc ghế ngạc nhiên xuýt xoa hoài “chà chà giỏi thiệt!”.

Chẳng rõ ông Lương khen ngành công an ta giỏi, khen anh Thành giỏi hay cả hai song tôi còn được biết trước vụ này anh Thành cũng bị dân quân xã Vĩnh Giang bắt giữ vì trông anh “rất ngầu” họ nghi là phản động. Thế mới biết “oan Thị Kính” đâu chỉ có trên sân khấu.

Trở lại vấn đề lời đồn đại gần đây anh khi biết anh Thành là cơ sở của công an, có người cho rằng anh bật đèn pha ô tô thu hút hỏa lực máy bay Mỹ để cứu các cháu K8 thuở nào cũng là do sự chỉ đạo của ngành công an.

- Có đúng như vậy không anh Thành?

Anh cười, vẫn nụ cười hồn nhiên.

- Không có chuyện đó đâu, nhưng trong chiến tranh công an còn giao cho tôi trách nhiệm phải phát hiện, ngăn chặn, phá tan hoạt động của kẻ địch dưới mặt đất khi chuyên chở hàng, người tuyến đường Bắc Nam nên chỉ tôi xác định nhiệm vụ của mình rất nặng nề, không thể làm việc lơ mơ được, cũng không thể nhút nhát, sợ chết. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được các đồng chí công an tin mình và giao cho mình nhiệm vụ. Tôi không thể phụ lòng tin đó được.

Thì ra thế. Khi ai đó đã chiếm được lòng tin của quần chúng thì quần chúng cũng chẳng tiếc chi những lời tốt đẹp vun đắp thêm cho người mình ngưỡng mộ thành huyền thoại.

Đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh Thành được giao làm hiệu trưởng Trường đào tạo lái xe Bình Trị Thiên đặt tại huyện Bến Hải (cũ) ở cương vị mới, nhiệm vụ mới anh vẫn không quên mình là một chiến sĩ công an không đeo sao, đội mũ và sắc phục. Đã nhiều lần anh giúp đỡ các lực lượng công an điều tra khám phá các vụ án xâm phạm tài sản XHCN, thu lại cho Nhà nước trị giá hàng trăm triệu đồng.

Vậy là đến bây giờ ngoài một Trần Chí Thành tận tụy, dũng cảm, mưu trí trong lao động, phục vụ chiến đấu của những năm còn đó một Trần Chí Thành âm thầm và lặng lẽ hoạt động trên trận tuyến an ninh mà ở lĩnh vực này anh cũng có nhiều cống hiến xứng đáng. Thêm nữa, qua gặp gỡ với anh để viết bài này, tôi thấy có thêm một Trần Chí Thành rất năng động trong cơ chế thị trường. Thử nghĩ mà xem làm sao mà không năng động được khi 19 năm qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm anh và tập thể cán bộ công nhân viên của mình đã đào tạo hơn 3.000 lái xe cung cấp cho các ngành kinh tế, xã hội ở cả ba tỉnh Bình Trị Thiên. Đồng thời để không ngừng nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên, anh đã mạnh dạn huy động hơn một tỷ đồng vốn tự có xây dựng khu bãi tắm Cửa Tùng phục vụ du khách bốn phương. So với những bãi tắm nổi tiếng trong nước thì bãi tắm này còn thua kém nhiều nhưng so với điểm xuất phát, cách đây không lâu nơi đây còn là một bãi biển hoang sơ thì những gì có được hôm nay ở đây đã là quý lắm, trân trọng lắm. Dĩ nhiên, để có một bãi tắm Cửa Tùng hôm nay còn có công đóng góp của nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh nhưng đằng thằng mà tính, anh Thành đóng góp nhiều nhất và lại là người đi đầu. Lại cũng vì có tư chất năng động như vậy nên tỉnh và huyện giao cho anh một lúc ba chức trưởng ban: Trưởng ban bãi tắm, Trưởng ban trồng cây, và Trưởng ban điện Cửa Tùng. Ở cương vị trưởng ban bãi tắm bấy lâu nay anh trăn trở nhiều, anh đang quản lý một bãi tắm đã được người Pháp trước đây xếp vào loại “nữ hoàng bãi tắm” lại là duy nhất ở Quảng Trị, anh muốn tỉnh quy hoạch đầu tư thích đáng từ việc tổ chức, quản lý đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm thoả mãn các nhu cầu ăn nghỉ, tắm biển, giải trí, đi lại… của du khách trong ngoài nước, có như vậy mới thu hút du khách thập phương và mang lại nguồn thu kha khá cho tỉnh nhà. Tôi rất thông cảm với điều trăn trở này của anh và cầu mong cho ước nguyện của anh trở thành hiện thực.

Năm tháng qua đi nhưng năm tháng sẽ giữ lại cho đời sau những gì mà con người tác động tích cực vào dòng chảy của nó. Nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của công an Quảng Trị, năm tháng vẫn lưu giữ đời đời hàng ngàn sự kiện và con người làm nên biết bao kỳ tích trong đó, ngoài những cán bộ, chiến sĩ biên chế trong ngành, còn có hàng trăm người dân bình thường, chưa một lần mang sắc phục công an, nhưng họ âm thầm lặng lẽ, có mặt khắp nơi, là “tai” là “mắt” của công an kết thành bức tường thành vững chắc trên trận tuyến giữ gìn an ninh Tổ quốc. Những người như vậy họ sống bình thường ở quanh ta, tưởng như bị khuất lấp trong cái bộn bề sự lo toan thường nhật và sâu thẳm của năm tháng. Nhưng không bao giờ bị khuất lấp. Ngạn ngữ Việt Nam chẳng có câu: “gái có công chồng không phụ” đó sao?

Một trong những người đó là anh hùng lao động Trần Chí Thành mà sự cống hiến của anh cho lao động sản xuất cũng như phục vụ chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang đều nổi trội.

Phải chi anh cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang?

T.B

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 12 tháng 09/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

15 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/02

25° - 27°

Mưa

08/02

24° - 26°

Mưa

09/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground