Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không trong cũng nước Nguồn Hàn

Những trang hồi ức về nhóm văn nghệ NGUỒN HÀN của tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp (1947 – 1952)

ĐÔI ĐIỀU XIN NGỎ TRƯỚC:

Sau khi từ Hà Nội trở về lại với Quảng Trị, năm 1973, nhân vào thăm đơn vị truyền thanh địch vận tại chốt Động Ông Đô (Hải Lăng), được qua về và dừng chân ở chiến khu Ba Lòng cũ, tôi bỗng dưng nhớ lại những nơi từng sống và nảy ra ý định ghi chép lại những năm tháng hoạt động của nhóm văng nghệ Nguồn Hàn. Từ đó ý định này cứ đeo đẳng mãi, bởi tôi thường nghĩ rằng đây là tổ chức văn nghệ đầu tiên ở tỉnh nhà, tiền thân của Hội Văn nghệ Quảng Trị hôm nay, là những bước đi khai phá, xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng và kháng chiến trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của đất quê mặt khác còn bởi trong tâm trí tôi, khi tuổi tác càng cao lại càng thao thức những kỷ niệm về những ngày chung sống gian lao, đi thực tế chiến đấu giữa đồng chí đồng đội, như thể một “buổi ban đầu lưu luyến ấy”.

Tôi đem ý định của mình đến thăm dò ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo cũ của tỉnh lúc ấy, cũng tìm hiểu ý nghĩ nhiều anh chị em cán bộ đồng hương và cả các anh em quê ở các tỉnh bạn gần xa đã đến Quảng Trị công tác một thời gian trong khánh chiến chống Pháp. Điều may mắn chưa dám mong đợi trước là tất cả đều đồng tình, thiết tha, hứa giúp đỡ và khuyến khích tôi cố gắng sớm hoàn thành công trình. Nhưng sau lúc mới thử viết hai bài Nhớ lại những ngày văn nghệ Nguồn Hàn và giá như Dương Trường còn sống đêm hôm nay (1), tôi đã thấy quá khó khăn. Sự việc cách xa hơn ba bốn chục năm rồi, bản thân đã quên, tài liệu lại gần như mất hết, anh chị em hoạt động cùng thời cũng không nhớ, hoặc có thì cũng chẳng mấy cụ thể. Thế là ngừng lại, tự hẹn dần, rồi bị cuốn hút vào công việc trước mắt mà quên lửng.

Bỗng cuối năm 1992, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường – lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt (bộ cũ), vốn biết rõ ý định của tôi – viết thư vào Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu viết một bài hồi ký về nhóm Nguồn Hàn. Tôi giật mình nhớ đến món nợ đã hứa mà chưa trả được. Tuy ý anh là viết một bài vừa phải, vì tạp chí không chơi “feuilleton” nổi, nhưng trước sự gợi ý của nhiều anh chị em cũ cho rằng viết như thế thì không “đã”, chẳng những không đủ để cảm ơn các bạn xa đã đến chia lửa, chia nơ rơ (2) với chúng ta lúc ấy, mà còn không thể trả nợ được cho đồng đội, nhất là với những người đã khuất, tôi bỗng nhận thấy viết bây giờ là một bổn phận, một trách nhiệm tinh thần không thể nào thoái thác được đối với cả một tập thể. Nhận thức đó đã cho tôi một hào hứng, một quyết tâm mới để gạt bỏ mọi bận rộn nhất thời, tập trung toàn tâm toàn lức cho công việc. Thế là tôi bắt tay thu thập, đối chiếu tất cả các tài liệu còn sót lại và gửi thư yêu cầu các bạn cũ cung cấp thêm cho tài liệu mới. Đến lúc này mới thấy rõ sự thiếu mặt Dương Tường là một trở ngại lớn cho những chi tiết cần chiều sâu. Bởi vì những ngày ấy, Tường vừa trực tiếp theo dõi, lặn lội với phong trào, vừa như có mặt từ đầu chí cuối, không như tôi phải ra Khu non một năm, khi trở về lại phải chuyên trách tờ báo của Mặt trận tỉnh. Đã mất Dương Tường tôi lại còn bỏ lỡ cơ hội, không kịp tranh thủ sự giúp đỡ quý báu của các anh Trường Sinh (3), Hồng Chương, Vĩnh Mai, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Lê Tri Kỷ (4)… những nhóm viên sáng lập, những nhóm viên đầu tiên tận tâm, tận lực xây dựng nhóm, trước lúc các anh vĩnh viễn ra đi. Cơ lỡ đến thế, nhưng đã trót hứa rồi, tuổi tôi đâu còn thời gian để lần lữa như trước nữa. Tôi phải viết, không thể cầu toàn. Thà chịu thiếu sót còn hơn là một kẻ phủi ơn, vỗ nợ. Vì vật rất mong bạn đọc thông cảm cho về những sai lầm, thiếu sót không thể nào tránh được. Với những bạn đã từng ở trong cuộc, xin phép giúp đỡ, đính chính hoặc bổ sung thêm cho để hy vọng những gì tôi sắp viết ra đây có thể giúp cho tuổi trẻ văn nghệ Cửa Việt hôm nay hình dung, hiểu rõ hơn công việc và tấm lòng của anh chị em văn nghệ Nguồn Hàn chúng ta buổi ấy.

***

I

Mở đầu những trang hồi ức này, điều trước tiên tôi muốn nói đến là cái tên riêng Nguồn Hàn của nhóm văn nghệ.  Đây là một cái tên hẳn bây giờ không phải nhiều người hiểu rõ gốc gác nhưng trước kia lại là những chữ đầu lưỡi trong nhân dân tỉnh ta. Chẳng là thời ấy, tên làng Thạch Hãn, sông Thạch Hãn còn được gọi theo lối dân dã là làng Đá Hàn, sông Đá Hàn, chữ “Hàn” cũng có nghĩa là ngăn cản, hàn bịt như chữ “Hãn”. Thành ra nguồn Hàn là nguồn sông Thạch Hãn, dòng sông dài nhất, lớn nhất, trong nhất, do đó được xem như là đại diện cho nét đẹp sông nước quê nhà. Tự hào với nét đẹp ấy, nhân dân Quảng Trị ta, từ lâu lắm đã có câu ca dao:

Không thơm cũng thể hương đàn

Không trong cũng thể nước Nguồn Hàn chảy ra.

vừa ca ngợi dòng nước, vừa nhắc nhở nhau giữ mãi phẩm chất trong thơm của mình để cho xứng đáng với con sông đất nước.

Khi cân nhắc cái tên này để đặt cho nhóm văn nghệ đầu tiên của tỉnh, Ban vận động còn nhấn mạnh thêm ý nghĩa của chữ Nguồn, một chữ mang ý niệm “xuất phát, khởi đầu”, nghĩa là tự nhận mình chưa rộng, chưa sâu, nhưng tin tưởng ngày mai sẽ thành ngòi, thành sông, đổ ra biển cả. Chính vì thế khi biểu quyết giữa những cái tên được gợi lên như Ba Lòng, Thạch Hãn, Mai Sơn, Cửa Việt… hai chữ Nguồn Hàn dân dã ấy không phải chờ đợi lâu lắc gì để trở thành tiêu điểm cho một sự nhất trí lựa chọn. Cái tên Nguồn Hàn của nhóm văn nghệ đã ra đời từ một cảm nhận chung như vậy đó.

Tuy nhóm mãi đến đầu năm 1949 mới chính thức được thành lập, nhưng trong nhận định của lãnh đạo tỉnh cũng như của anh chị em văn nghệ Quảng Trị lúc bấy giờ thì phong trào mà nó đại diện, trên thực tế, đã bắt đầu nảy nở từ trước đó hai năm, lúc tác phẩm đầu tiên của cuộc kháng chiến ở tỉnh nhà ra đời. Đó là một phong trào văn nghệ bắt nguồn từ tư tưởng yêu nước, từ chủ nghĩa nhân văn của nền văn nghệ Việt Nam và tiếp tục truyền thống đấu tranh chống xâm lược “Mài gươm mấy độ dưới trăng cao” (5), “Dấy đội quân nhân nghĩa quét sạch giặc cường bạo” (6), “Giọt lệ sơn hà vai một gánh” (7) và “Thù non sông há dễ ngồi yên” (8) của những người con quê hương đi trước.

Nó còn là sản phẩm tất yếu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đang trải qua giai đoạn nhân dân tỉnh nhà ta đang cùng với nhân dân trên toàn quốc đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Bởi thế nên từ chiến trường mới rực lửa chưa bao lâu, đã có một số bài thơ ca xuất hiện. Ra đời sớm nhất, có tầm cỡ và có tiếng vang nhất là bài Tráng sĩ hành, sau đó đổi tên lại là bài Đội biệt động đường số 9 của anh Hồng Chương, người xây dựng và chỉ huy đơn vị.

Tôi xác định vị trí mở đầu của phong trào văn nghệ kháng chiến của Quảng Trị cho bài thơ này như thế là do trong buổi gặp tác giả đang đóng quân ở một xóm nhỏ của đồng bào Thượng tại vùng rừng giáp giới Do Cam đầu tháng 4 – 1947, nhân rủ tôi cùng đi viết về cuộc chiến đấu của quân dân Cam Lộ và Hướng Hóa, anh có cho biết là đã khởi thảo được một bài thơ khá dài hơi mà đến gần cuối năm ấy, tại Khe Me (Hải Lăng) khi tôi hỏi thăm, anh đã trả lời đó là bài Đội biệt động.

Lấy con mắt và trái tim lúc ấy mà xem xét, tuy anh em không phải không thấy một số điểm còn đáng bàn về cấu tứ và hình thức biểu hiện, nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng bài thơ đã có một sức truyền cảm rất mạnh và đến giới thiệu ở đâu cũng được nhiệt liệt hoan nghênh. Đầu năm 1948, lúc Báo Tiền tuyến của Quân khu 4 đăng lên thì tiếng vang của nó không còn bó hẹp trong sáu huyện của tỉnh ta nữa. Vì bài thơ đã được phổ biến rộng rãi, cả trong tập Thơ Việt Nam 1945 – 1956 Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1960 nữa, tôi chỉ xin nhắc lại ở đây vài đoạn:

…Gót thoăn thoắt trèo đèo lội suối

Núi ngất trời dẫm dưới chân trai

Rú ngàn lùi lại sau vai

Làng xa lấp ló giữa hai trái đồi.

Tiếng suối vẳng lặng nghe tấm tức

Nỗi lầm than uất ức luân vong

Gió gầm oán trả chưa xong

“Quốc gia khôi phục” vững lòng chim khuyên (9)…

Tuy đây không phải là lần đầu anh làm thơ - anh đã viết một số bài trong thời gian bị giam cầm trước cách mạng tháng Tám tại các nhà lao Thừa Phủ và Ban Mê Thuột như Cái đầu gối, Cục đường, Bão tố, nhưng "viết song thất lục bát để cho chiến sĩ dễ nhớ" được như thế cũng đã khá nhuần nhuyễn.

Sau Đội biệt động, trong những ngày chờ ra Khu điều trị, anh còn viết được thêm hai bài thơ khác là bài Chiến khu tả cảnh sống động của căn cứ địa Ba Lòng và bài Máu lửa đồng quê, ca ngợi tinh thần dũng cảm chiến đấu của quân và dân vùng Chợ Cạn (10). Tất cả các bài này, năm 1948 đã được Nhà xuất bản Dân chủ mới của Khu tập hợp in thành tập Máu lửa đồng quê(11).

Suốt cả sáu tháng cuối năm 1947, do các cơ quan phải thường xuyên di chuyển, đề phòng địch càn quét và dùng máy bay oanh tạc, anh em cán bộ chưa mấy ai nghĩ đến chuyện sáng tác, lại cũng không biết viết như thế nào cho hợp lý nữa. Chỉ có anh Vĩnh Mai, từ Huế chuyển ra, nhờ trước đã có một năm viết cho báo Quyết chiến của Việt Minh Trung Bộ, nay lại giữ chức Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh, trực tiếp phụ trách hai tờ báo Tiếng vang Echo (12) nên tuy bận vẫn viết được một số bài. Rất tiếc trong tay và cả trong trí của tôi hiện chỉ còn một bài Nhớ đồng. Bài thơ tả nỗi lòng của tác giả nằm ở chiến khu buồn nhớ cuộc sống chiến đấu ở đồng bằng:

Đâu những đoàn người bước bước nhanh

Vượt đường quốc lộ giữa đêm thanh?

Đâu còn đò nhỏ trên sông vắng

Lặng lẽ đưa ngang khách bộ hành?

Nhưng hồi ấy nhiều anh em lại cho rằng nỗi nhớ chưa được đậm nét bằng nỗi buồn:

Buồn đen đọng đặc giữa hồn tôi

Buồn rụng thiu thiu giữa núi đồi

Buồn kéo dật dờ theo ngọn nước

Buồn chìm từng đám giữa mây trôi.

Dầu sao, nỗi buồn nhớ này vẫn là có thực và cũng phải nhận rằng bài thơ vẫn gợi mở một cách thể hiện mới.

Thực tình mà nói, ngoài anh Hồng Chương và anh Vĩnh Mai ra, anh em chúng tôi lúc bấy giờ phần đông vừa mới tham gia cách mạng, mới bắt đầu cuộc sống kháng chiến, chỉ lo làm tròn phận sự của mình, nên dù có biết viết lách ít nhiều chăng nữa cũng vẫn còn ngần ngại, chưa dám công khai nói đến sáng tác, sợ viết sai, viết dở. Thảng hoặc có lúc rảnh rang, thích viết thì cũng viết riêng cho vui ít câu, ít bài tức cảnh theo lối thơ Đường luật để đọc cho nhau nghe mà thôi. Vậy mà không ngờ, vào một đêm ở Bốm Bạc (13), anh Phan Giá (14) đã đọc cho nghe một bài thơ khá hay nhan đề là Tiếng chim, anh viết khi đi công tác qua Hố Nguồn, Hướng Hoá:

"Bóp bóp" kìa nghe vọng suốt đêm

Giọng nhường ai oán, điệu êm êm

Phải chăng rừng vắng chim tìm bạn

Hay lúc canh dài chị gọi em?

Khắc khoải gần xa trong một tiếng

Bâng khuâng thương nhớ biết bao niềm

Đêm trường khắc vợi niềm hiu quạnh

Như oán hờn ai suốt cổ kim.

Câu chuyện về truyền thuyết con chim kêu đêm "Bóp thì bóp" này, có lẽ chúng ta đã biết rõ rồi, tôi xin miễn nhắc lại. Điều đáng nói là bài thơ, tuy chưa hẳn là thuộc đề tài cách mạng và kháng chiến nhưng vẫn phải nhận rằng nó có chất lượng, nhất là hai câu 5 và 6.

Tiếng con chim "bóp bóp" của anh Giá, tiếp đến là tiếng con chim "Quốc gia khôi phục" của anh Hồng Chương cứ gợi cho tôi nhớ mãi những tiếng cuốc kêu ở Nà Tiên (15) và viết một bài tứ tuyệt:

Tiếng cuốc đâu nghe sớm lại chiều

Nỗi niềm mất nước khổ bao nhiêu

Ta nghe chim khóc lòng thêm vững

Suối thẳm non cao cứ vượt đều.

Nhưng rồi thấy khô quá, không sánh nổi hai tiếng chim kia, lại nghĩ mình đã bắt chước mà không vượt lên được, nhất là sợ bị cười chê "lên gân" nên chẳng dám đọc cho ai nghe cả.

Nói đến thơ Đường luật, tôi lại thấy không thể không nhắc đến một nhà thơ cũ đang có mặt tại chiến khu, là cụ Cử Phúc Khê Hoàng Hữu Kiệt. Tuy tuổi đã 63, thân thể gầy gò nhưng cụ vẫn rất vui tính và sáng tác cũng rất khoẻ. Ngày nào cụ cũng đến tìm các anh em biết làm thơ để đọc cho nghe một bài mới làm hoặc một bài trong tập thơ Phúc Khê cụ viết trước cách mạng. Tiếc rằng vì tất cả đều là thơ Đường luật, anh em không muốn học theo nên chẳng ai ghi chép lại cả, kể cả con cháu cụ. Tôi có gửi thư hỏi anh Giá xem anh có nhớ được bài thơ nào chăng, nhưng anh cho biết chỉ nhớ bài cụ dịch bài Tầm ẩn giả bất ngộ của Giã Đảo đời Đường mà thôi.

Ở chiến khu mà còn thơ Đường luật như vậy thì ở đồng bằng, khi lứa tuổi thanh niên có máu văn nghệ hầu hết đã thoát ly đi chiến đấu, chỉ còn lại các cụ nằm nhà, tình trạng càng không thể khác. Mãi sau tôi có về Triệu Phong tìm thử nhưng chỉ lượm lặt được một vài bài, một số đoạn còn sót lại trong trí nhớ của bà con. Chẳng hạn đoạn giữa của một bài thơ cảm cảnh:

Ba đứa con trai đi đánh giặc

Dăm thằng cháu nhỏ chạy quanh sân

Vườn trồng rải rác khoai đôi luống

Tủ bỏ nghênh ngang sách mấy ngăn (16)

Ngay hai bài thơ của cụ Tú Dự ở Tài Lương và cụ Khoá Ngô ở Tường Vân ai điếu cụ Lê Thế Hiếu, Đại biểu Quốc hội, hy sinh trong một buổi giặc về càn quét vùng biển, cũng không còn nguyên vẹn:

Đứng lặng bên mồ dạ tưởng trông

Suối vàng Người có thấu chăng lòng

Sống giành quyền lợi cho dân tộc

Thác để thanh danh với núi sông

Muôn thuở ái hoài ngài quốc hội

Ngàn thu ghi tạc dấu kiên trung

Hai mươi lăm vạn dân yêu quý

Nguyện kết đoàn hơn nối bước ông.

Ít người cách mạng được như ông

Sau trước vì dân chẳng ngã lòng

Vào Hội Thanh niên lo hoạt động(17)

Mở hàng Hưng Nghiệp để giao thông (18)

(Mất bốn câu dưới).

 Tất nhiên, những tác phẩm văn nghệ ở vùng đồng bằng trong thời kỳ này không phải chỉ có ngần ấy.

II

Bước sang năm 1948, tình hình chung của toàn tỉnh có phần ổn định, tạo điều kiện cho hoạt động văn nghệ được thuận lợi hơn. Ở đồng bằng, ta đã phần nào gỡ được thế bị động đối phó. Ở chiến khu, địch cũng không còn dễ dàng lên càn quét như trước. Sau Tết âm lịch không lâu, cơ quan lãnh đạo tỉnh từ Khe Me trở về Khe Su. Vùng Đuồi, Văn Vận, Đá Nổi, nhân dân tản cư lên đông hơn, quán xá rộn rịp. Hội công chức kháng chiến tỉnh thành lập, dựng câu lạc bộ phía mé dưới đồi Văn Vận. Chiều chủ nhật, anh chị em cán bộ các cơ quan đóng sâu hơn trong khu rừng kéo nhau ra "dạo phố", mua sắm ít thứ cần dùng hoặc tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền. Cùng với phong trào thi đua tăng gia sản xuất, phong trào báo tường, báo tay nảy nở tại các cơ quan có đông cán bộ như Uỷ ban Kháng chiến hành chánh, Ty Thông tin, Ty Công an, Ban chỉ huy Trung đoàn 95, Ban chỉ huy Tỉnh đội… anh em đã viết càng viết hăng hơn, anh em chưa viết cũng bắt đầu nhập cuộc.

Giữa không khí chung ấy, vào khoảng tháng bốn hay tháng năm gì đó, cụ Nguyễn Xuân Luyện, Chủ tịch UBKCHC tỉnh, nhận được quyết định của Khu điều ra nhận công tác mới. Vốn là một vị Khoa mục của làng Lập Thạch, nay thuộc xã Triệu Lễ, thị xã Đông Hà – cụ đỗ cử nhân Hán học năm 1918 – trước ngày lên đường, cụ có một bài thơ lưu giản:

Bao phen duyên nợ với Ba Lòng

Một bước ra đi một ngoảnh trông

Suối nước in sâu lòng thiết thạch

Rừng chim thúc giục chí tang bồng

Đồi phong quyến khách, ngô quằn lá (19)

Chợ Chiến đưa người, sậy trổ bông (20)

Này Hãn, nọ Lam nào khác mấy

Khải hoàn xin hẹn với non sông.

Bài thơ sâu đậm tình nghĩa. Tiếc rằng lúc này cụ Phúc Khê đã về nghỉ, anh Phan Giá đã về làm Chủ tịch huyện Hải Lăng, bác Trương Quang Phiên lại bị bận vào việc nhận chức vụ chủ tịch, anh em chúng tôi lại không vững về thơ Đường luật, nên không nghe có bài họa nào. Cũng đáng tiếc.

Cụ Luyện đi Khu một thời gian thì anh Lưu Trọng Lư được điều từ chiến khu Hòa Mỹ của Thừa Thiên ra Ba Lòng. Do chưa có một tổ chức văn nghệ tỉnh để tiếp nhận, tòa soạn báo Tiếng vang lại chỉ là một bộ phận nhỏ của Ty Thông tin, lãnh đạo bố trí anh làm trưởng ban thi đua ái quốc, một chức vụ tuy không thuộc sở trường của anh nhưng lúc ấy lại có thể giúp anh có thời gian để sáng tác. Trước đó ban ngày chỉ có một cán bộ phụ trách, ở chung trong trụ sở Ủy ban tỉnh, song vì anh Lư có chị Lệ Minh và cháu Nu mới hai, ba tuổi đi theo nên lãnh đạo cho cất một trụ sở riêng kiêm nhà ở bên tả ngạn Khe Su. Thời gian này, hai anh Dương Tường và Trần Việt Tú, cán bộ Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc, đã được giới thiệu ra Khu dự lớp văn hóa văn nghệ kháng chiến khóa hai, anh Tân Trà trưởng ty Bình dân học vụ còn ở tận Ba Cầu (Hải Lăng) nên không hoặc ít lui tới, còn các anh chị em khác như anh Trường Sinh, Chính ủy Trung đoàn 95, anh Vĩnh Mai, anh Nguyễn Văn Cừ ở Ty Thông tin, anh Nguyễn Thường và tôi ở Ủy ban tỉnh, chị Hoài Phương ở Tỉnh hội phụ nữ, anh Nguyễn Duy Hính ở Ty Công an, anh Thái Hanh ở Ty Cứu tế xã hội… và cả anh Phan Giá ở Hải Lăng khi lên họp, do thuận đường cũ cứ đến chơi và trò chuyện về thơ văn mãi. Một hình ảnh cho đến bây giờ còn hiện rõ trong tâm trí tôi là vào một buổi chiều hôm, mấy anh em chúng tôi đến, thấy anh đi lại trước sân, tay phải bồng cháu nhỏ, tay trái cầm bản thảo, miệng dỗ cháu đang khóc đòi mẹ bằng những câu thơ vừa khởi thảo, anh càng đọc mạnh, cháu càng khóc to hơn. Thấy chúng tôi đến, chị Minh đang bận nấu cơm tối bèn bỏ bếp đang đỏ lửa, chạy ra chào và đỡ lấy cháu cho anh tiếp chuyện. Chị Minh, mới cách đó hơn một năm còn là thầy đàn tranh ở Huế, vậy mà bây giờ đã trở thành một phụ nữ chịu thương chịu khó, đảm đang rất mực. Chị vốn tính vui vẻ, xởi lởi, lịch thiệp và nhất là thương anh, vì anh hết mình. Nhờ "Cái cò lặn lội" ấy mà tại căn nhà nhỏ này, chỉ non một năm, anh Lư đã viết được một số bài thơ ngon lành như Tiếng hát tăng gia, Ngò cải đã đơm hoa, Nỗi đau sum họp (21)…, hoàn chỉnh tập ký "Chiến khu Thừa Thiên", thảo xong truyện vừa Phoi (22) và còn hoàn thành mấy vở kịch ngắn nữa.

Sự có mặt một nhà thơ nổi tiếng như anh Lư đã đem lại cho anh chị em văn nghệ ở chiến khu một hào hứng gấp bội trong sáng tác. Anh vừa động viên vừa giúp đỡ như một người thầy, một người bạn. Anh còn đến các cuộc hội nghị, các lớp huấn luyện, các cơ quan, các đơn vị nói chuyện về thơ ca kháng chiến, làm nảy nở thêm những mầm non văn nghệ mới. Bởi vậy mà trước ngày anh đến, nếu số anh em sáng tác còn chưa đếm đủ trên đầu ngón tay: anh Trường Sinh với bài thơ Anh Vệ quốc quân, anh Vĩnh Mai với các bài Nhớ đồng, Mẹ, Lương An với các bài Trạm bên đường, Tiếng hát trên sông (23), Dương Tường với bài Giữ mùa, Nguyễn Duy Hinh với mấy truyện ký về ngành Công an thì sau đó, đội ngũ đã đông thêm một cách trông thấy. Có thể kể một số anh chị em: anh Tân Trà với các bài Chuyến đò, Làng tôi, anh Phan Giá với các bài Ngày mùa, Ngày khởi nghĩa, Tết của lòng tôi, anh Kinh Kha với bài Tình lúa, anh Duy Hoàng với bài  Te hót, các anh Nguyễn Viêm (24), Thái Văn Công, Nguyễn Đức Toại với một tập ca dao chung do Ban chính trị Tỉnh đội in, có lời đề tựa của anh Lư, anh Nguyễn Văn Cừ với mấy bài bút ký đăng trên báo Tiếng vang, anh Trần Thanh Tâm với mấy bức tranh ký hoạ, chị Hoài Phương với một bài thơ tôi quên mất đầu đề…

Khoảng thời gian này có một chuyện vui trong giới sáng tác và yêu thích văn nghệ ở chiến khu là cuộc tranh luận về cách xưng hô giữa cán bộ với nhau trong văn chương nhưng lại có quan hệ với cuộc sống chung bên ngoài. Nguyên là anh Vĩnh Mai có viết bài thơ Khóc Hoài (còn gọi là khóc bạn Thanh Hoài) - khóc một người bạn thân ở Thừa Thiên bị giặc sát hại lúc đang đi công tác, trong đó tác giả xưng hô với bạn là "tau, mi":

Tau với mi hẹn nhau từ Khu bộ

Lúc trở về cố sáng tác văn chương

Hoài mi ơi mới bước được nửa đường

Răng mi chết thình lình oan uổng rứa?

Tau với mi thôi từ đây xa cách

Mi chết rồi còn tau lại trên đời

- Thôi văn chương nào có thiếu chi người

Tau nói thế mà lòng tau ứa lệ.

Trong cuộc tranh luận, bên này bảo: "Ngôn ngữ trong thơ phải đẹp, trong sáng, lịch sự. Thơ ca truyền thống Việt Nam vốn thế. Tây nó tutoyer (gọi nhau thân mật bằng tu, toi), dịch ra không phải mày, tao. Ở đây dùng anh với tôi có phải nhuần nhị hơn không?". Bên kia không chịu, cho đây là giữa hai đồng chí đồng trang lứa, xưng anh em thì không được, mà xưng anh với tôi thì khách sáo, mất đi cái thân mật "hai mà một". Thời ấy cán bộ cùng trạc tuổi thường gọi nhau mi, tao, nên ý kiến bênh vực dù thiểu số vẫn không dễ gì bị đánh bạt. Cuối cùng hai bên cũng nhận rằng đây là một trường hợp đối thoại cá biệt, chữa lại e lạc ý, chỉ nên lưu tâm tránh đưa những cái gì còn có thể bàn cãi vào thơ. Không ngờ câu chuyện văn chương này lại lan ra bên ngoài và góp phần làm anh em cán bộ tránh né bớt rồi bỏ hẳn lối xưng hô ấy.

Ngoài cuộc tranh luận này, còn có những cuộc gặp gỡ hẹp hơn để trao đổi ý kiến, giúp nhau nâng cao chất lượng tác phẩm và động viên nhau tranh thủ viết, nhưng tác động đến phong trào mạnh hơn cả là mấy sự kiện văn hoá văn nghệ nối tiếp nhau diễn ra trong năm. Trước hết phải nói đến tác dụng mở lối của Hội nghị văn hoá kháng chiến Phân khu Bình Trị Thiên (25). Hội nghị đã tiếp nhận những quan điểm về nền văn hoá dân chủ mới Việt Nam được khẳng định tại hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, họp vào tháng 7 năm 1948 tại Việt Bắc, trong đó có ba phương châm dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá, và lập trường về tư tưởng lấy duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc, về sáng tác lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc. Sự kiện thứ hai là việc các đoàn văn nghệ sĩ chuyên nghiệp từ Khu vào thâm nhập thực tế chiến đấu để sáng tác, đồng thời giúp đỡ cho anh chị em văn nghệ ở ba tỉnh khói lửa mới bước vào nghề. Hai đoàn đầu tiên là đoàn hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng và đoàn nhạc sĩ Phạm Duy. Đoàn anh Nùng vào đến Thừa Thiên và dọc đường đã ghi được một số ký hoạ. Đoàn anh Phạm Duy chỉ vào đến Bắc Quảng Trị và bản thân anh đã sáng tác được ba bài nhạc Về miền Trung, Bà mẹ Do Linh, Bên ni bên tê. Vì cả hai đoàn đều không dừng lại lâu nên không mở đượng lớp hướng dẫn cấp tốc nào. Đến đoàn thứ ba là anh Phan Đình Sung và Trần Hoàn, một anh quê Thừa Thiên, một anh quê Quảng Trị, nên mới đủ tinh thần xung phong ở lại lâu hơn, chia lửa đạn, chia gian khổ, sáng tác phục vụ. Đến đâu hai anh cũng ở lại báo cáo tình hình, nói chuyện văn nghệ, và riêng anh Trần Hoàn, với chiếc đàn ghi ta luôn bên mình, lúc nào cũng vui vẻ trình bày các bản nhạc mới sáng tác như bài Đường rừng và hai bài vui nhộn: Con trâu kháng chiến, Con ong kháng chiến. Hai anh chưa vào đến Thừa Thiên mà cả Quảng Trị, từ chiến khu cho đến vùng du kích đồng bằng, đâu đâu cũng đã vang lên các câu hát: Trèo, trèo Ba Rền, băng qua Nhã Nam (26), vui lên đi tươi cười, nụ cười gian nan…Trong bài Đường rừng, như trước đó đã lan nhanh những câu: Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày, cho dù áo rách sờn vai, con ăn bát lưng bát đầy… của bài Bà mẹ Do Linh, mới biết trong gian lao, nhạc là loại hình có đôi hài bảy dặm và có tác dụng làm dịu những nỗi đau, gây tinh thần lạc quan trong chiến đấu.

Một sự kiện đáng kể nữa đối với anh chị em thơ văn là cuộc nói chuyện về thơ ca kháng chiến tại Khe Su của anh Lưu Quý Kỳ, nguyên Thư ký Toà soạn tạp chí Sáng tạo của Hội văn nghệ kháng chiến Khu, lúc đó được điều vào công tác tại Nam Bộ và cùng đi trong đoàn đồng chí Lê Đức Thọ. Đêm đầu đông ấy, toàn bộ trụ sở UBKCHC tỉnh được biến thành hội trường, vậy mà nhiều anh chị em - văn nghệ và cả không văn nghệ, từ Hà Vụng, Đá Nổi, Văn Vận, Đuồi, vì đường xa đến chậm, phải đứng bên ngoài.

Từ đó anh em chúng tôi, lúc về đồng bằng công tác, ngoài các bài nhạc mới còn phải chép thêm một số bài thơ mới nữa, như Phá đường, Bầm ơi của Tố Hữu, Bài ca vỡ đất, Bộ đội về làng của Hoàng Trung Thông, Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm… và cả một số bài "cây nhà lá vườn" như Người dân quân xã của Vĩnh Mai. O tiếp tế, Ngò cải đã đơm hoa của Lưu Trọng Lư, Tiếng hát trên sông của Lương An…Anh chị em nào quên khuấy chuyện này là bị kém điểm dân vận như chơi. Nhưng rồi, không chỉ anh em văn nghệ mà cả cán bộ chính trị, quân sự, văn hoá thông tin cũng phải làm như vậy. Vì lỡ các chị, các em, các cháu hỏi bài hát, hỏi thơ mà không có thì lúng túng, ngượng ngượng thế nào ấy.

III

Một yêu cầu thưởng thức văn nghệ sâu rộng như thế hiển nhiên là một sức mạnh thúc đẩy thêm phong trào sáng tác. Tuy nhiên, do anh chị em - dù ở tỉnh, huyện, hay xã cũng thế - hầu hết đều là cán bộ, bộ đội mới bỏ nhà trường đi kháng chiến, chưa mấy người đã từng có quá trình hoạt động trong các ngành nhạc, hoạ, kịch nên phong trào, cho đến lúc này, vẫn chủ yếu thiên về thơ ca. Dù vậy cũng đã đến lúc cần có một tổ chức để tập hợp, lãnh đạo và hướng dẫn nghiệp vụ. Mặt khác, thời gian này, cuộc kháng chiến đã bước vào năm thứ ba với một tình thế mới: Thế lực ta đã mạnh dần lên rõ rệt, địch thì càng bị động, tinh thần sa sút, vùng tạm chiếm bị thu hẹp, các vùng căn cứ du kích nống rộng ra, điều kiện cho sự ra đời và hoạt động của một tổ chức văn nghệ đã chín muồi. Vì vậy, sau một cái tết có bánh chưng bánh tét, có mứt trà, có cả thịt mỡ dưa hành, có đi lại thăm chúc nhau, kế hoạch tổ chức một cuộc họp bạn để thành lập một nhóm văn nghệ với một chương trình hoạt động đã được Ban vận động (27) trình lên lãnh đạo tỉnh và không lâu sau, được thông qua.

Vì sao chỉ tổ chức họp bạn mà không tổ chức hội nghị? Vì họp bạn vừa phù hợp với số người được triệu tập chưa phải đông đảo gì, với khả năng tổ chức của một tổ chức bán chuyên nghiệp, vừa tạo được không khí cởi mở, thân mật, lại vừa có tính chất nhẹ nhàng, dễ tiến dễ lùi khi cần. Còn vì sao lại chỉ gọi là nhóm? Vì số lượng còn có hạn, nhất là phần lớn còn ở tình trạng nghiệp dư, chưa thể thành Hội, thành đoàn như ở Khu.

Sau một thời gian chuẩn bị, sáng ngày 5 tháng 5 năm 1949, cuộc họp bạn được tổ chức dưới một lùm cây xanh um ở Hà Vụng, bên bờ sông Thạch Hãn. Nơi họp quả là lý tưởng theo tiêu chuẩn dã chiến: hai chiếc tăng (bạt) bằng vải dù thu được của địch, hai cái bàn nhỏ, mươi chiếc ghế gỗ dài mượn của đồng bào, một tán cây rậm và rộng, đủ che lấp sự dòm ngó của máy bay, tất cả dưới làn nắng ngọt ngào đầu mùa hè, trong hơi gió mát từ sông lên, rồi đến tối, ngoài đèn đuốc còn có ánh sáng một vành trăng mồng tám. Đã lâu quá rồi, tôi không nhớ hết các đại tiểu tỉnh đến dự, chỉ biết chắc là có anh Trường Sinh, vừa đại diện Ban lãnh đạo tỉnh, vừa là ban viên Ban vận động, bác Trương Quang Phiên, Chủ tịch UBKCHC tỉnh (28), ông Trần Duy Mân, Trưởng Ty tiểu học vụ, đại diện Ban chính trị Trung đoàn 95 Bùi Khuyến, đại diện Mặt trận liên Việt tỉnh, tỉnh hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc, đại diện Ty Thông tin và đại diện UBKCHC xã Triệu Nguyên. Anh chị em văn nghệ từ Phân khu, từ các cơ quan đoàn thể tỉnh đều đến đông đủ đã đành, từ huyện xã cũng cơm đùm gạo bới có mặt, như Cam Lộ có anh Hoàng Tài, Hải Lăng có anh Trần Hậu (tức Minh Lương); xã Linh Hoà Do Linh có anh Trương Công Thái. Ngoài bộ môn thơ văn còn có anh Lê Văn Tạo ngành nhạc, ở Văn phòng mặt trận, người công giáo, anh Trần Thanh Tâm, ngành hoạ, ở báo Người lính, anh Phạm Ga ở Văn phòng Uỷ ban tỉnh và cô Nguyễn Thị Loan ở Trạm quân y, ngành kịch. Một số anh chị em có duyên nợ với văn nghệ như các giáo viên dạy văn ở Ty tiểu học vụ, các cán bộ thông tin tuyên truyền ở Ty Thông tin cũng đến tham dự với tư cách dự thính. Tôi bỗng nhớ lại lúc sáng sớm, nhìn đoàn người đi lại rộn rịp trên các nẻo đường Đá Nổi, các anh trong Ban vận động cũng cảm thấy ngốt, lo địa điểm họp không kham nổi, nhất là lúc không may có báo động. Tôi nhắc lại bài thơ Nỗi đau sum họp với anh Lư, anh cười rất tươi: "Hôm nay là "Nỗi vui sum họp" rồi, đau gì nữa". Anh Trường Sinh cũng phấn khởi không kém. Có lẽ cảm xúc trước không khí đó cũng như kết quả của cuộc họp mà chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã viết được một bài thơ rất dễ yêu là bài Rừng quê.

Theo kế hoạch cuộc họp bạn chỉ kéo dài một ngày. Mở đầu, anh Lưu Trọng Lư thay mặt Ban vận động trình bày một số nét chủ yếu của phong trào sáng tác và hoạt động văn nghệ trong tỉnh thời gian qua và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cả hai mặt hơn nữa để phục vụ cuộc kháng chiến, trong đó có việc tổ chức một nhóm văn nghệ lấy tên là Nguồn Hàn. Tiếp theo anh Bùi Khuyến lên thuyết trình về thơ ca trong lực lượng võ trang, rồi cuộc họp chuyển dần sang phần nhận xét, phân tích ưu khuyết điểm trong một số bài thơ ca và vở kịch ngắn địch vận Ngọn đèn của anh Dương Tường vừa viết trong lớp văn hoá kháng chiến. Cuối cùng là phần quyết định lập nhóm Nguồn Hàn và cử người vào ban phụ trách. Vì lúc này các anh Trường Sinh, Lưu Trọng Lư và Vĩnh Mai đều đã có công văn của Khu điều động nên cuộc họp chỉ cử một trưởng nhóm Dương Trường và một phó nhóm là tôi.

Kết thúc cuộc họp bạn là một đêm liên hoan ngâm thơ, hò mái nhì và hò giã gạo đối đáp. Đồng bào ở chiến khu, từ Văn Vận cho đến Nà Nầm, nghe tin có hò, kéo tới nườm nượp, đứng chật vòng trong vòng ngoài. Hấp dẫn công chúng nhất là tiết mục cuối. Nội dung vở hò đối đáp địch vận do hai anh Hoàng Tài và anh Hoàng Văn Quỵ cùng sáng tác và trình diễn, tuy chưa có những tình tiết thật gay cấn, nhưng tiếng nói của chính nghĩa cùng với hình thức đối đáp nam nữ - vốn quen thuộc với sinh hoạt dân gian và lâu nay thiếu vắng - quả đã có sức lôi cuốn ngoài dự đoán của mọi người.

Theo dư luận chung trong giới văn hoá văn nghệ lúc ấy cuộc họp bạn đã thu được kết quả mỹ mãn. Với việc xác định quan điểm văn nghệ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, quá trình tiếp thụ và vận dụng ba phương châm của nền văn hoá mới đã để lại dấu ấn rõ rệt trong khuynh hướng "nói thay đại chúng" ở Khu Bốn - trong đó có Quảng Trị ta - như anh Hoài Thanh đã nhận xét trong tập Nói chuyện thơ ca kháng chiến. Riêng từng anh chị em thì thấy phấn chấn hơn với những hiểu biết về nghề nghiệp mới được trang bị, với việc có một tổ chức để gặp gỡ, giúp đỡ nhau nâng cao chất lượng để sáng tác. Có thể nói, với mỗi người, lúc chia tay nhau một chân trời mới đang mở ra.

Nhóm vừa triển khai công tác thì anh Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai rồi tiếp anh Trường Sinh, lần lượt lên đường ra Khu nhận công tác mới. Khoảng một tháng sau tôi lại được Uỷ ban tỉnh cho ra Bệnh viện Khu điều dưỡng một thời gian, cùng đi một chuyến có hai anh Nguyễn Đức Toại và Nguyễn Viêm được Tỉnh đội gửi ra Quân khu bồi dưỡng về nghiệp vụ. Trên đường đi ra, đến xóm Mới (Vĩnh Linh), chúng tôi cùng gặp anh Chế Lan Viên đang đi vào. Anh cho hay là hội Văn nghệ Kháng chiến Khu đã chuyển thành Chi hội và anh được cử đi "thực tế chiến trường" đồng thời có trách nhiệm giúp nhóm Nguồn Hàn của tỉnh, nếu tiện thì vào thăm nhóm "Giết giặc" (29) vì, theo anh biết, sẽ có anh Bùi Hiển vào giúp Thừa Thiên nay mai. Bọn chúng tôi nghe nói mà tiếc mãi là mình đã lên đường quá sớm.

Anh Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan - quê gốc ở làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ. Vào Quảng Trị, với anh, là trở về quê nhà. Tuy chỉ bận "áo nâu" về quê nhưng anh đã được lãnh đạo tỉnh tiếp đón hết sức ân cần, niềm nở, anh đã được đi về một số vùng nông thôn, được bố trí đi theo bộ đội công đồn mấy trận và điều anh không ngờ đến là còn được được đưa về ngoại vi thị xã Đông Hà (30) gặp ông cụ thân sinh đang bị giặc dồn vào ở đó. Bởi vậy, khi gặp nhóm Nguồn Hàn, anh đã tình nghuyện xin làm một nhóm viên (31). Nhưng sự kiện đã làm anh cảm kích đến tột độ và từ đó gắn chặt con người và tâm hồn anh với dải đất Quảng Trị là việc các đồng chí trong Ban lãnh đạo tỉnh đã đứng ra giới thiệu và kết nạp anh vào hàng ngũ Đảng. Tình cảm sâu sắc này đã được anh thể hiện rõ trong bài thơ phải suy nghĩ lâu mới thành của anh là bài Kết nạp Đảng trên quê mẹ:

Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời

Kết nạp Đảng bỗng quay về đất mẹ

Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ

Trong buổi đầu tiên ta theo Đảng đi lên

Ôi tiếng đầu tiên ta gọi "Đồng chí"

Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị

Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi

Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai.

Ngày anh trở ra Khu, anh Hồng Chương cũng nối bước anh, xin được kết nạp vào nhóm Nguồn Hàn. Anh Lư, anh Vĩnh Mai, anh Trường Sinh và tôi đều rất cảm động trước việc làm ấy của hai anh.

(Xem tiếp kỳ sau CV số 28).

                                                                                                                L.A

(1) Cả hai bài này đều đã in trên tập san Văn nghệ Bình Trị Thiên, không nhớ số, riêng bài sau đã được in lại trong tập Chiến trường sống và viết của Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam năm 1982, trang 110.

(2) Tức là nước ruốc, tượng trưng cuộc sống gian khổ.

(3) Tức là anh Lê Chưởng, người làng Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, lúc bấy giờ là chính uỷ Trung đoàn 95, tác giả một số bài thơ có tiếng vang như Hoang tàn, Anh vệ quốc quân, Ma-hô-mét…

(4) Lúc bấy giờ còn ký tên thật là Nguyễn Duy Hinh, người làng Lương Kim, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, là tác giả một số tập truyện có giá trị về ngành công an như Phố vắng, Sống chìm, Cuộc tình thế kỷ…

(5) Trích bài Cảm Hoài của Đặng Dung.

(6) Trích bài Biện về việc làm ra chiếc gậy để đánh Tần Sở của Bùi Dục Tài.

(7) Trích bài Tự vịnh của Lê Thế Tiết.

(8) Trích bài Kêu gọi quốc dân của Lê Thế Tiết.

(9) Tiếng chim "Bắt cô trói cột", thời đó ở rừng cho là nó kêu "Quốc gia khôi phục".

(10) Ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong bây giờ. Sau khi địch chiếm thị xã, chúng luôn càn quét, cố chiếm nhưng không được.

(11) Anh Hồng Chương quê làng Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Sau tập Máu lửa Đồng quê, anh chuyển sang viết văn xuôi với các tập: Ngược đường số 9, Một luồng gió mới, cuối cùng lại chuyên về lý luận và phê bình văn nghệ với các tập Văn nghệ cách mạng và văn nghệ không ngừng, Mấy vấn đề lý luận và phê bình văn nghệ, Mãi mãi đi theo đường lối văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.v.v…

(12) Tiếng Pháp nghĩa là Tiếng vang, in khổ nhỏ hai trang, ra không định kỳ, nội dung địch vận, chỉ ra được mấy số.

(13) Nằm bên đường đi từ Hòn Linh vào Khe Me, trên nguồn suối sông Giồng.

(14) Người làng Thượng Xá, nay thuộc xã Hải Thượng (Hải Lăng), lúc đó là Trưởng phòng hành chánh UBKCHC tỉnh, về sau là uỷ viên Uỷ ban, hiện về hưu ở làng. Anh có trình độ hán học khá vững và trước đó cũng có một số bài thơ. Nay vẫn thường có thơ và câu đối, Nôm có, Hán có. Nhưng từ năm 1948, anh lại làm thơ mới nhiều hơn.

(15) Vùng tiền chiến khu huyện Hải Lăng, bên bờ sông Giồng.

(16) Nghe nói hình như của cụ Lê Đình Trạch ở Bồ Bản.

(17) Tức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội mà Cụ là một hội viên.

(18) Tức Hưng nghiệp xã hội, đặt tại thị xã Quảng Trị.

(19) Đồi phong: Chưa nắm chắc nghĩa, đồi bị phong hoá chăng, hay là ghi sai chữ?

(20) Chợ chiến: Chợ kháng chiến.

(21) Với những bài thơ này của anh Lư, cũng như với những bài thơ của anh chị em, vì đã in danh sách in báo rồi nên chúng tôi không trích giới thiệu lại nữa.

(22) Lấy tên nhân vật chính trong truyện.

(23) Đã đăng trên báo Tiếng vang dưới đầu đề này, nhưng sau đó, khi đăng lại trên tờ Thép mới của Chi hội văn nghệ Khu và đưa vào tập thơ kháng chiến Liên khu IV, anh Lư đề nghị đổi lại là Cô lái đò.

(24) Từ năm 1950 trở đi, anh Viêm chuyển sang sáng tác nhạc. Sau này anh trở thành hội viên Hội nhạc sĩ, có album Đàn T'rưng và mấy tập nghiên cứu về âm nhạc, trong đó có tập Truyền thống âm nhạc Việt Nam, được giải thưởng của Hội. Anh là người làng Tài Lương, huyện Triệu Phong, mất năm 1955.

(25) Ban vận động Hội gồm có: Bác sĩ Phan Văn Hy, giám đốc quân dân y viện tỉnh, một nhà thơ viết dưới bút hiệu Kính Chỉ, người làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong; Cụ Hoàng Đức Trạch, nhân sĩ Thừa Thiên; ông Võ Thuần Nho, nhân sĩ Quảng Bình; Nhà thơ Lưu Trọng Lư và nhà báo Vĩnh Mai. Hội nghị họp vào ngày 4-9-1948 tại Ba Lòng.

(26) Ba Rền là tên một dãy núi cao, Nhã Nam là tên một mái trạm trên đường Thượng đạo từ Quảng Trị ra cực Bắc Quảng Bình.

(27) Gồm ba đồng chí Trường Sinh, Lưu Trọng Lư và Vĩnh Mai.

(28) Bác Phiên rất mê thơ ca, trước cách mạng bác cũng có làm một số bài thơ Đường luật, ký bút hiệu là Tiên Việt (vì bác là người làng Mai Xá Chánh, huyện Do Linh, nơi có núi Cồn Tiên - Tiên Sơn - và Cửa Việt (Việt hài môn).

(29) Tức là nhóm văn nghệ Thừa Thiên Huế. Lúc đó anh em đều công tác tại Toà soạn báo Giết giặc của tỉnh nên thường gọi thế, chứ không phải là tên riêng của nhóm.

(30) Lúc đó, còn là thị trấn.

(31) Vì vậy, lúc biên tập Thơ ca Nguồn Hàn, chúng tôi đã đưa bài thơ Đưa con ra trận của anh góp cho vào nhóm vào, xem như của một nhóm viên khác.

 

 

 

Lương An :mongoactron:Chắp bút:dongngoactron:
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 27 tháng 12/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

1 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground