Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ niệm thị xã 2

Tiếp theo kỳ trước ( Cửa Việt số 42, tháng 3 - 1998)

IV.

Ở một đơn vị chiến đấu, trong mỗi hoàn cảnh, cán bộ và chiến sĩ chúng tôi lại có dịp hiểu nhau thêm một chút. Ví như không có việc về thị xã Quảng Trị, có lẽ không bao giờ tôi biết đến anh em trong đơn vị tôi lại lắm chuyện về các thị xã thành phố trong chiến đấu đến như thế. Nhân dịp này, anh em kể ra hết: Từ thành phố Lê-nin-gờ-rát bị bao vây trong chiến tranh chống Đức, cho đến Vinh, Đồng Hới bị đánh hủy diệt ngoài miền Bắc. Nhưng được nhắc nhiều nhất vẫn là chuyện thủ đô Hà Nội vào cuối năm 1946. Năm ấy, vào những ngày mùa đông rét mướt, trong khi nhân dân tản cư theo kháng chiến có những chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ sao vuông ở lại quyết tử với Hà Nội. Tủ, giường các nhà chất ra đường làm chướng ngại vật ngăn xe cơ giới. Bom ba càng sắp sẵn ở đầu phố. Các chiến sĩ đục tường luồn từ phố này qua phố khác chiến đấu. Đồng bào tản cư nhưng vẫn để lại các thứ chuẩn bị cho các chiến sĩ một cái tết đàng hoàng. Vào nhà nào cũng thấy có các dòng chữ dặn lại như vậy. Và giữa những ngày bom đạn khói lửa mù mịt, vẫn có những cô gái ngoại thành mặc áo tứ thân gánh hoa Ngọc Hà đến tặng các chiến sĩ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

 Những chuyện trên đây tôi được nghe từ miệng Linh, đồng chí y tá thuộc Xê Bộ. Từ hôm vào với phố xá, những điều Linh nhớ được trong một quyển sách đọc đã lâu bỗng trở lại trong đầu, Linh mang ra kể vanh vách. Như trên tôi đã nói, trong đại đội chúng tôi chẳng có ai là chính gốc thành phố. Tuy vậy nếu như có cần một người hiểu biết hơn một chút như một thứ "chuyên gia" về thành phố thì mọi người nhất quyết "bầu" Linh. Người y tá này nguyên là con một gia đình chữa đồng hồ một phố huyện. Hình như trong chuyện máy móc, hễ đã biết một thứ là người ta có thể biết mọi thứ khác. Linh là một ví dụ. Ngoài nghề chính là y tá, một y tá hạng cứng, và nghề "gia truyền" chữa đồng hồ, Linh còn biết chữa đài, tháo lắp xe đạp một cách thành thạo. Tôi nhớ có một lần, một đồng chí đi trong phố, nhặt được cái hộp sắt vuông vuông, dễ đút vừa cái túi cóc, ở giữa hộp có lắp một mắt kính nhỏ. Thứ kính này khá lạ: Nhìn qua kính, những người đứng ở gần cứ như bị đẩy ra xa một quãng. Dĩ nhiên là đa số chúng tôi chịu không biết đó là cái gì cả. Đến  khi vào tay Linh, anh chỉ nhìn qua loa rồi quả quyết: Đó là một thứ máy chụp ảnh rẻ tiền và tiện dụng cho người mới tập chụp. Thứ máy này thường được các nhà báo nước ngoài mang theo dăm bảy chiếc, mối khi đi chụp mặt trận. Lắp vào đó một cuốn phim, họ sẽ phát cho các lính tráng chụp văng mạng, có thể sau này họ cho không máy, chỉ lấy lại phim. Biết đâu trong số mấy chục kiểu ảnh đó, họ chẳng thu được một vài kiểu cần thiết.

Không hiểu sao, những việc của một thị xã mới mẻ đối với Linh dễ hiểu như vậy. Phần đông chúng tôi không được thế. Nhiều người cũng khá tò mò, táy máy những của thấy trong phố xá vẫn còn lại. Nhưng có cái này: chúng tôi cũng muốn sống gắn bó với Quảng Trị, như những bác kẹo kéo, bác xích lô cho đến anh sinh viên Hà Nội trước kia từng gắn bó với thủ đô. Nay mai, chúng tôi sẽ chiến đấu như vậy. Giò đây trong lúc chuẩn bị, chúng tôi muốn tạo cho mình một cuộc sống đàng hoàng, một tư thế chững chạc. Những chuyện như mắc máy điện thoại từ Xê Bộ xuống các trung đội, bữa nọ tôi nghe đồng chí cán bộ tiểu đoàn chủ lực nói, bây giờ không thu hút được ai nữa. Địa điểm ở rộng thì phải làm theo cách đó. Mọi thứ hôm qua thấy lạ bây giờ đã quen do chiến đấu mà đâm quen. Tôi chỉ muốn nói về mặt sinh hoạt. Như ở bộ phận Xê Bộ chúng tôi. Tầng cuối cùng của căn nhà dinh tỉnh trưởng là một cái hầm khá rộng chia thành nhiều ngách sẵn những giường xếp, giường lò xo cũ của bọn ngụy, chúng tôi kê thành hàng ngay ngắn, có chừa lối đi cẩn thận. Ban ngày, qua những vòm cửa sổ nho nhỏ, ánh sáng vẫn vào căn hầm đủ để chúng tôi có thể ăn cơm, tiếp khách. Ban đêm thì có đèn điện cẩn thận. Địch để lại khá nhiều pin trong những kho hậu cần trong khu Thành Cổ. Chỉ cần một lần đại đội trưởng hay mấy cậu liên lạc vào công tác ở trung đội phụ trách khu Thành xin về một ít, tức là đủ để chúng tôi thắp nhiều đêm. Rồi sinh ra dây điện mắc dọc, mắc ngang, ăm-pun to nhỏ đủ loại, công tắc đủ loại... Nhiều buổi sáng, tôi gần như ngạc nhiên trước quang cảnh chung quanh căn nhà tỉnh trưởng. Trong lúc chờ cơm, mỗi người một việc: Linh tươi tỉnh may nốt mấy đường nẹp vào đôi quần đùi kịp chốc nữa gửi xuống cho một cậu ở trung đội hai độ nọ ba lô bị cháy. Trong những cu cậu nghiêng đầu le lé mắt nhìn đường chỉ, lúc lúc lại ngẩng lên gật đầu tiếp chuyện người khác, chân vẫn đạp máy nhoay nhoáy, thật rõ ra một gã thợ may thành thạo. Phương, đại đội phó thì chỉ đáng một anh chữa xe đạp loại tồi. Lấy băng dính vá víu cái xăm mãi không được, anh vứt quách cái xăm cũ, độn mấy cái lốp lại với nhau lấy dây điện buộc thật chặt vào vành. Thế rồi anh đẩy xe, nhảy phốc lên, gò lưng tôm đạp quanh nhà. Cái tướng ông này thì phá xe đạp lắm đây. Tôi nghĩ và nhớ lại câu chuyện hôm qua Phương kể: Ở nhà cũng có xe đạp, nhưng anh chàng con một này đến xe cũng không thèm lau. Có gì cần gọi mấy đứa cháu đến, vứt cho chúng mấy hào. Được cái từ hôm nọ, anh đã tháo ra tháo vào chiếc xe bao nhiêu bận. Cho nên trong lời anh đe "Phen này về mở hiệu xe đạp được rồi" không khỏi có phần đáng tin. Trước khi thành thạo một loại dụng cụ gì, người ta chẳng qua những bước phá đi một vài cái cụ thể? Tôi tự lý lẽ và nhìn sang góc bên cạnh. Túm tụm lại bên một chiếc bàn, mấy cậu liên lạc mấy hôm nay hì hục đánh vật với... cái máy chữ. Toàn mổ cò giấy giới thiệu về "cưới vợ". Cậu nọ đánh máy cho cậu kia rồi đuổi nhau cười rúc rích. Còn như Kỳ thì không màng đến chuyện máy móc. Đi đâu cần lắm đại đội trưởng mới hỏi mượn xe đạp của Phương, còn thường Kỳ đi bộ. Rỗi rãi là anh chăm mấy con chó mới mở mắt không biết rước ở đâu về. Người đâu có người quý giống vật làm vậy! Anh cứ bế chúng hoài, vác chúng lên vai chạy quanh khắp nơi, vừa đi vừa ru chúng ồi ồi. Trong khi người khác kể chuyện ở nhà đi họp, mua xe đạp, thì anh kể chuyện thuở bé đã thích nuôi chó, ở nhà chuyên môn lấy cắp gạo của mẹ nấu cháo cho chó, em gái cắp bát đến xin cũng nhất định không cho!

...Chính là trong khi về đồng bằng, về thị xã, chuẩn bị một cuộc chiến đấu quyết liệt, nhiều người trong chúng tôi vẫn rất bình thản và có dịp là sống lại những giờ phút của cuộc sống bình thường. Chúng tôi nhớ lại kỷ niệm hôm qua từ những ngày còn bé, cho đến tình hình một năm trước ở hậu cứ, một tháng trước ở một vị trí đóng quân. Chúng tôi nói về hôm nay: Từ ngày vào thị xã, nhiều người hay viết thư và đứng bên bụi dâm bụt nở đầy hoa đỏ đầu nhà tỉnh trưởng, ao ước một kiểu ảnh... Lại còn những dự định tới: cậu có nghĩ đến chuyện về thị đội công tác, cưới một cô vợ ở ngoại thị: Thạch Hãn, Trí Bưu... Không ai có thể ngỡ những cái đó ẩn kính trong mình khá sâu nặng. Là một người phụ trách công tác chính trị trong đơn vị, tôi hiểu một ít tình cảm như vậy là thường có trong mỗi chiến sĩ. Chúng tôi sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới và khi đó, những giây phút hôm nay lại trở thành kỷ niệm, những ấn tượng về cuộc sống, nó nói lên một phần những lý do cuộc chiến đấu mà chúng tôi thường xuyên phải nhắc nhở mình. Ở đây, không làm gì có những cô gái Ngọc Hà mang hoa tới các trận địa. Ở các đầu đường, các đồng chí phụ trách gác hàng ngày chỉ gặp những người dân quân chạy qua, từ phía Nam lên phía Bắc, từ bên Như Lệ đổ sang bên phía Trà Lộc, Trà Trì. Ở đâu thì cũng những người dân ấy: các cụ già chậm rề chậm rệt vẫn gan góc bước đi như muốn níu lấy cuộc sống; những người đàn bà gánh nặng trên vai cả gánh nặng gia đình; và những em bé còn mãi chơi đùa: có cu cậu "sơ tán" còn mang theo một chiếc xe đạp con cố dằn xuống đạp theo bước đi của người lớn. Mỗi khi gặp bà con đi qua đi về, nếu có dịp chúng tôi vẫn ra đứng nhìn theo, ân cần hỏi ít câu thân mật. Gần như ngày nào các đơn vị chiến sĩ chúng tôi cũng phát hiện ra một chuyện gì mới trong phố xá. Nhưng không gì thú vị bằng một lần nghe một đồng chí thuộc cơ quan an ninh thị xã kể về một ít gia đình sống trong khu chợ thuộc Tỉnh hội phật học ở phía Bắc thị xã. Và tôi đã tới chỗ ấy. Mấy gia đình ở lại một gian nhà ngang. Không hiểu vì sao họ lại dạt đến đây, tôi nghĩ mà chưa tìm cách nào tiện để hỏi, chỉ im lặng nhìn họ trong cách ăn ở tạm bợ. Bây giờ suốt ngày người ta chỉ còn cách ngồi nấu ăn, đàn bà khâu vá cho con cái, cánh đàn ông thì dò hỏi và túm tụm ngồi bàn tính chiến sự. Cũng trong gian nhà này có một "hộ" độc lập: hai thanh niên Sài Gòn mới bị bắt vào lính ngụy đưa ra vùng ngoài. Trong một đêm tối trời, một chiếc xe tải đổ họ xuống không kịp giao cho đơn vị nào đã phóng xe chạy mất, y hệt mang con bỏ chợ. Cả tốp thanh niên, nửa dân nửa lính chạy toán loạn. Hai người này bị thương, may rạch vào đây ở nhờ. Đến giờ nhìn mặt mũi người nào cũng vẫn còn vẻ lơ vơ thất thểu. Lại một lần nữa, tôi cảm thấy muốn nói rất nhiều mà không biết nói gì với họ trong lúc này. Tuy nhiên, trong những ngày sau, giữa cuộc chiến đấu, thỉnh thoảng có lúc nhớ khu vực trên có một ít gia đình chưa kịp chạy. Mãi tới khi nghe các đồng chí an ninh nói rằng họ đã sơ tán đi xa, tôi mới thấy thật yên ổn. Có lẽ bất cứ ai từng ở lại quyết tử với một mảnh đất đều trân trọng một ít linh hồn còn lại trên mảnh đất đỏ, trân trọng có khi còn hơn chính cuộc sống của mình nữa.

V.

Đầu tháng 7-1972. Đôi lúc nghĩ lại không ai trong chúng tôi không khỏi giật mình trước những biến đổi rất nhanh trong tình hình mặt trận qua một thời gian ngắn ngủi. Đến với mỗi người lính, đó là những đoạn đường đã qua, những thay đổi nhiệm vụ, vị trí chiến đấu... Những ngày chốt ở thị xã có dịp chúng tôi lại cùng nhau ôn lại mọi chuyện. Những bữa ăn khá một chút, chúng tôi nhớ những ngày ở hậu cứ, đói gạo, đói muối. Gạo ít nấu cháo, cháo phải ăn nóng (ăn nhạt nó tanh). Gạo không đủ, sim lấy về nhiều khi nhựa đen, đánh không tơi nữa vẫn phải mang độn với cơm. Còn chuyện ở trên khu căn cứ, đêm rét, nằm đốt lửa, võng ám khói vàng như da bò. Ở khu giáp ranh mùa nước, nhìn xuống đồng bằng cũng chỉ thấy nước, thỉnh thoảng phất phơ một túm cây xanh. Chiến tuyến rộng, lúc nào cũng có thể gặp địch. "Đánh nhau xong, mỗi bên đi về một ngả, còn trơ lại mặt đất cho pháo đạn!" Từ mấy năm nay, nhiều đồng chí trong chúng tôi gặp nhau trong ý nghĩ trên dù biết rằng cách đánh của mình lúc ấy phải thế. Bởi vậy đầu năm nay, nghe tin về đồng bằng, nhiều anh em trong đơn vị đang ốm cũng xin đi. Giờ đây, bảo làm sao chúng tôi không quyết tâm sống chết với mảnh đất thị xã mà mình có nhiệm vụ bảo vệ?

Đó cũng là những điều đầu tiên chúng tôi tính tới trong các hội nghị chi bộ, chi ủy bàn về quyết tâm chiến đấu của đơn vị. Trên tiểu đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về tình hình nhiệm vụ, và tôi xuống từng trung đội để tổ chức việc học tập này. Theo chỗ tôi hiểu một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một chính trị viên là việc thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần của mỗi cá nhân trong đơn vị, của cả đơn vị. Muốn làm như thế, ngoài phần phương pháp, trước hết chính anh phải giữ gìn cái trong sáng của tâm hồn, cái quả quyết của ý chí. Lấy những biến động trong suy nghĩ của anh để hiểu các đồng chí khác, lấy chính mình để nói với mọi người. Tôi yêu cái cách thức ấy. Tôi đã làm như thế trong những dịp làm ở hậu cứ, đơn vị chúng tôi có đủ hội trường. Chúng tôi ngồi trong nhà có hầm thùng để học tập. Tôi vẫn giữ cách làm việc ấy trong những ngày về thị xã. Để củng cố ý chí chiến đấu trước hết, chúng tôi nhớ lại truyền thống của đơn vị. Nhưng cũng có thể nói ngay về những điều hôm nay anh em đang quan tâm tới: Ở mỗi nơi trên mảnh đất mới giải phóng này, tôi gắng tìm được những ví dụ dẫn chứng trong công tác của mình. Như ở trung đội Ba, cái trung đội chốt phía Nam thị xã chẳng hạn. Anh em đóng ở căn nhà chính thuộc khu cảnh sát cũ của cả Quảng Trị. Bề ngoài, dãy nhà có vẻ tuềnh toàng; mấy gian nhà tôn rộng nhưng sơ sài; ngoài sân cát đổ tạm bợ: đi lại cát rúc đầy cả giày dép; hễ động có gió là bụi lên mù mịt. Nhưng bất cứ ai cũng hiểu đây là một trong những "tổ quỷ" ghê gớm nhất của bọn ác ôn ở Quảng Trị. Không nói về những phương tiện tra tấn của bọn cảnh sát, hãy xem những cách thức quản lý như chụp ảnh, làm căn cước, giấy tờ của địch, cũng đủ hiểu mức độ chúng kìm kẹp người dân ở vùng này chặt chẽ như thế nào. Cũng như nhiều công sở khác, ở đây trước khi chạy, bọn địch không kịp thu dọn. Xộc vào nhà nào giấy tờ cũng còn tung tóe khắp lượt. Trong tù, nhiều tờ căn cước có gián ảnh xếp vào một đống, mỗi tờ là một cuộc đời đã bị theo dõi. Thường khi lật ra xem, anh em chúng tôi hay liếc nhìn những dòng chữ ghi tên người, năm sinh, nhất là những dòng chữ ghi quê quán. Bao nhiêu địa điểm, có nơi chúng tôi từng qua, có nơi chưa ai từng đến, tất cả đều gửi một ít "con tin" ở đây. Lại có lúc tôi cố tìm những bộ mặt trong ảnh xem có nét mặt nào quen thuộc. Trong những bức ảnh  chụp dưới ống kính cảnh sát, làm sao nét mặt  người ta còn giữ được nét hồn nhiên thường có! Bao giờ đây cũng là những nét mặt nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh đến lạnh lùng. Nhưng có vẻ nghiêm chỉnh thật sự nào mà không thầm mang trong mình một niềm tự trọng, một tinh thần phản kháng chính đáng trước mọi mưu mô đe dọa cuộc sống? Có lẽ bởi thế một nét mặt trong ảnh lại ẩn dấu một vẻ thách thức kín đáo, nét mặt nào cũng thế. Tôi thử hình dung những cuộc đời được thu gọn mấy chữ trong căn cước... Trong đơn vị tôi, có một đồng chí tên là Lặn. Quê ở một vùng bị kìm kẹp nặng. Nói về bọn cảnh sát, anh còn nhớ được nhiều chuyện khác nhau. Chuyện ở quê anh, bọn cảnh sát khám thuyền dân đánh cá: sáu chiếc ca nô lập thành sáu trạm gác, rải từ Bến Mạ (bến gốc) trở đi. Hắn xem xét rất lâu, lục lọi mọi đồ dùng trong ghe, có khi gần trưa mới cho thuyền ra biển. Chuyện bọn cảnh sát thị xã quần ka ki áo trắng mũ trắng hạch sách bà con làm ăn trong thị xã và bà con các vùng xa chạy xuồng lên buôn bán. Những ấn tượng về bọn cảnh sát đè nặng lên mỗi người dân, ăn vào tâm trí một thanh niên mới lớn, cho đến ngày mấy chú ở xã tổ chức cho Lặn lên căn cứ, rồi về đơn vị. Anh cũng không ngờ có dịp về thị xã trong tư thế một chiến sĩ vũ trang giải phóng. Ngày nhỏ, anh có lên đây thì cũng sợ hãi ngồi trong xuồng dưới sông Thạch Hãn cho mạ lên chợ mua bán. Mấy hôm vào khu cảnh sát, Lặn tần ngần mãi bên những bức ảnh. Cái mớ chữ anh mới học được từ hồi lên khu giải phóng chỉ đủ để anh đánh vần một ít địa điểm nhưng anh đã nhận ra được một số mặt người quen. Và trong buổi sinh hoạt chính trị, anh đã kể với chúng tôi về "mấy chú", những cán bộ trung kiên của quê hương anh, cũng là phong trào xã anh, một xã anh hùng thuộc huyện Gio Linh. Những chiến sĩ mới trong đơn vị chúng tôi ban ngày cười đùa nghịch ngợm, nhiều cậu còn dại chưa biết làm gì: có bữa nấu canh mướp... để cả vỏ; có bữa luộc thịt xong mang đổ hết nước đi... Rồi nô đuổi nhau, rồi làm đàn bầu, suốt ngày tưng từng... Tất cả những khuôn mặt ấy trong những giờ sinh hoạt chính trị quan trọng đều trở nên xúc động. Mỗi người lính trong đơn vị biết truyền cho nhau và học ở nhau lòng căm thù, như đã truyền cho nhau, học ở nhau kinh nghiệm chiến đấu.

Và như thế, mặc dù vắng người mảnh đất dưới chân chúng tôi không phải là mảnh đất chết. Thị xã vẩn sống, dường như vẫn biết nói chuyện, dặn dò tâm sự với chúng tôi. Dấu vết những người dân còn đây, dấu vết kẻ thù còn đây, và có cả những đồng chi chúng tôi đã ngã xuống nơi đây. Ở một góc sân khu cảnh sát, có một nấm mồ một đồng chí thuộc đơn vị đi trước. Có thể là anh đã bị một mảnh đạn pháo từ biển bắn lên đổ sập hôm nay? Bằng cả cuộc sống của mình, và khi cần, bằng cái chết, chúng tôi sẽ gắn bó với đất này mãi mãi. Đêm nằm trong cái lô cốt chất bằng bao cát ở cổng sau khu cảnh sát, tôi với Lặn nói mãi với nhau về những điều đó.

Ngày hôm sau, tôi quay trở về Xê Bộ. Đã bắt đầu đợt chuẩn bị căng thẳng trước việc địch phản kích. Ngày, B52 của Mỹ ném bom Ái Tử khói đặc cả trời, và  tàu biển pháo kích thị xã hằng giờ liền. Đêm, căn hầm ở dinh tỉnh trưởng của chúng tôi nhiều lần chuông điện thoại đổ liên hồi. Trong đêm, nhiều người tìm đến: các đồng chí phái viên cấp trên. Các đồng chí ở các đơn vị phối thuộc. Chúng tôi đóng vai những người chủ cũ thị xã, hướng dẫn các đồng chí đó đi lại, làm việc. Về phần chúng tôi không còn cái cảnh ngồi lắp pin làm đèn, ngồi tập đánh máy chữ như hồi trước nữa. Từ Kỳ cho đến các đồng chí khác, người nào việc ấy răm rắp. Thức cả trưa đào thêm hầm vượt khu vực pháo kích lên tiểu đoàn báo cáo... Linh, người lính tâm hồn Hà Nội 1946 kể với mọi người khẩu hiệu của tự vệ thành Hoàng Diệu: "Sống chết với Thủ Đô". Bây giờ, theo anh, khẩu hiệu của chúng tôi phải là "Sống chết với Quảng Trị". Anh kẻ khẩu hiệu đó lên mấy bức tường. Một bữa tôi theo đồng chí đại đội trưởng trinh sát lên một nóc nhà cao nhất ở trung tâm thị xã. Lâu lắm, tôi mới có dịp nhớ ra dòng sông Thạch Hãn vẫn bình thản phía sau lưng. Bao nhiêu chú ý của chúng tôi giờ đây dồn cả về phía trước. Trong hai vòng tròn ống ngắm, tôi nhìn thấy cả biển, cả dãy tiểu Trường Sa phía đông nam Quảng Trị. Thoắt cái, tôi quay lên, những sườn núi Động Ông Gio nổi tiếng. Nhưng ống ngắm ngừng lại lâu nhất là cánh đồng La Vang. Nơi đây, những cánh máy bay trực thăng đang là là mặt đất như những cánh chuồn chuồn lởn vởn trên mặt nước. Tiếng súng, tiếng bom đạn đằng ấy không còn lẻ tẻ, mà trong khoảng thinh không, có lúc tôi nghe ầm ì, mơ hồ xa xôi như một thứ tiếng sóng dội. Không cần phải nói, mọi người đủ hiểu những gì đã xảy ra. Đồng chí đại đội trưởng ra lệnh và đồng chí thông tin vô tuyến cùng đi với anh ráo riết làm việc trên máy. Bằng một ngôn ngữ riêng biệt, những người lính thông tin đường dài bao giờ cũng truyền đạt mệnh lệnh cật lực đến nỗi người ngoài tưởng như anh ta đang nói trực tiếp với một người nào đó vô hình đứng trước mặt. Và tôi biết rằng họ sẽ hiểu nhau: những quả đạn pháo sẽ được rót xuống nơi cần rót, một chốc sau đây. Tôi nhớ tới tất cả những trận địa của đại đội mình ở khu Thành Cổ, ở Cầu Ga, ở khu cảnh sát. Chúng tôi đã sẵn sàng cả.

 

Anh! Bởi có nhiều người đã kể với anh về việc đánh địch nống ra thị xã, nên hôm nay, tôi xin kể ít chuyện lùi về trước một tí, những ngày chúng tôi đang còn chuẩn bị. Trong đời mỗi người lính, có bao nhiêu kỷ niệm và có lúc, tôi đã nghiệm thấy điều này: Những ngày thật sự giáp mặt với địch, miết tay vào cò súng không mấy nhiều hơn là những ngày đi lấy gạo, lấy đạn, đào hầm, khênh thương binh, bao nhiêu những công việc không tên trước và sau một trận đánh, và chính nó lại là những ngày chiến đấu căng thẳng thực sự. Những chiến thắng một phần được hình thành từ đấy. Với mỗi người lính chúng tôi, đó cũng chính là những ngày có dịp suy nghĩ nhiều nhất, tình cảm bén nhạy và có những biến đổi sâu sắc. Đời sống tinh thần của mỗi người được hình thành trong những ngày ấy. Riêng với thị xã Quảng Trị, những phố xá sẽ trở thành một trận địa phòng ngự ác liệt trong những ngày địch phản kích thì một ít ngày chuẩn bị, những tình cảm, những ý nghĩ đã khắc vào tâm khảm chúng tôi trong thời gian đó thật đặc biệt. Nó không phải chỉ rung lên trong những ngày chiến đấu liền ngay đấy, mà là in vào cả cuộc đời mỗi chiến sĩ từ đó về sau. Tôi lấy tôi ra mà suy, tôi có quyền tin mọi người ai ở địa vị chúng tôi cũng như thế, phải không anh?

                                                                                                    12.1972

                                                                                                       V.T.N

 

Vương Trí Nhàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 43 tháng 04/1998

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground