Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức Bến Hải

H

ồi còn học phổ thông, cứ nghe những cái tên Bến Hải, Cửa Tùng, cầu Hiền Lương... là lớp học sinh chúng tôi thường hình dung ra một khung cảnh gì đó rất đổi thiêng liêng, thơ mộng. Những nỗi bồi hồi xao xuyến, những sự khát khao khôn nguôi, mong được một lần đặt chân tới vùng đất trong mơ đó.

Đất nước còn bị chia cắt, chiến tranh vẫn diễn ra ngày càng ác liệt và thế trận khi ấy đang ngày một nghiêng về phía Quân giải phóng miền Nam, đã như thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi thời đó, dù đã được nghe, xem được gần như hàng ngày, qua hệ thống thông tin có được thời bấy giờ mà khi trực tiếp hòa cùng đoàn quân vạn nguời chiến sĩ nối đuôi nhau trên con đường Trường Sơn mang tên Bác, mới cảm nhận được, mới nhận thức được, mới thấm thía được những thực tế, khốc liệt của chiến tranh.

Tuổi trẻ vô tư mơ mộng! Thoắt đấy nô đùa, thoắt đấy khóc than nhiều lúc biến đổi tâm trạng nhanh như trẻ nhỏ từ sợ hãi nhút nhát có thể trở thành ngay những chàng trai kiên cường dũng mãnh. Có thể do xúc cảm chưa đạt độ chín muồi cho nên vừa mới hôm qua mắt mũi còn đẫm lệ vĩnh biệt những người đồng đội này, thì hôm nay đã lại nô đùa trêu chọc nhau với những đồng đội khác. Nhưng rồi độ vô tư trong trẻo kia ngày càng bị thay thế bởi những khuôn mặt khắc khổ u hoài, xưa thì là những đêm đen đứng gác, những lúc nghỉ ngơi những sau trận đánh nay là những khi nhàn rỗi, nhất là vào những buổi ban chiều vắng vẻ, một mình tựa lưng ghế đá công viên, trước mặt hồ nước lăn tăn gợn sóng. Ký ức một thời đạn bom lại hiện về, không bao giờ có thể phai mờ được. Tôi chỉ có thể viết ra được lúc này một phần rất nhỏ, rất nhỏ trong một khoảng thời gian và thời gian rất hạn hẹp, có lẽ cũng chẳng dám so sánh với bất cứ một hồi tưởng chiến tranh nào của bất cứ ai - những người giải phóng quân năm xưa, trong những ngày đầu tiên băng qua quãng thượng lưu con sông Bến Hải lịch sử, bởi vì cuộc chiến tranh đã trôi qua kia, là cả một sự bao la rộng lớn, oanh liệt và vĩ đại không ngôn từ nào diễn tả được.

Sau cái đêm mưa đổ dồn dập, lũ quét bất ngờ không kịp trở tay cuốn đi số võng tăng của một số chiến sĩ ít kinh nghiệm hạ trại, nghỉ gần lòng suối của tiểu đoàn hành quân áp sát bờ bắc sông Bến Hải. Ngày hành quân, tối đến binh trạm, số ốm đau ở lại trông trại, số khỏe mạnh khẩn trương quay ngang, men theo đường núi để làm nhiệm vụ đi nhận bổ sung gạo lương. Khoảng 10 giờ đêm mang được gạo lương về, ăn uống vội vàng rồi tranh thủ lên võng ngủ như chưa bao giờ được ngủ, ngủ say sưa đến nỗi nửa đêm về sáng B52 đến đánh ngay bên cạnh cũng mặc. Kệ cho đất đá lá cành rào rào lộp bộp rơi quanh, những giấc ngủ trai trẻ, do quá mệt mỏi và do còn một chút chủ quan yên trí cho rằng nằm võng dưới hào nên chẳng loại tiếng động nào có thể dựng họ, đánh thức họ dậy được.

Sáng tinh mơ hôm sau, đường rừng còn ẩm ướt, khi tiểu đoàn hành quân gấp qua khu vực nguy hiểm, có tin truyền miệng kháo nhau rằng đêm qua B52 đã đánh trúng đội hình một đơn vị vừa rời chốt. Lính tráng ở chốt lâu ngày tù túng chủ quan nên xả hơi, để lộ ánh lửa trong đêm .Chúng tôi hành quân vội vã quanh qua những hố bom khổng lồ còn mới nguyên, đây đó ngổn ngang thi thể bộ đội quấn kín tăng võng. Lặng lẽ và kinh hoàng, đoàn người nối đuôi nhau rảo bước như thôi miên, ít trò chuyện nói cười, gò lưng ba lô nặng trĩu, kồng kềnh chảo xong, súng ống, đạn dược... chân chạm đá sỏi dòng sông mong chờ lúc nào không rõ, dòng Bến Hải!

Dẫu hối hả vội vã bao nhiêu thì khi nghe có tiếng người phía trước truyền lệnh "vượt nhanh Bến Hải" tôi cũng không quên dừng lại chốc lát quãng giữa sông, quay nhìn lại phía bờ bắc, lia mắt ngắm xung quanh rồi thu lại dưới chân mình. Gọi là sông nhưng thực ra chỉ có đôi lạch nước mỏng nông choèn ngang đầu gối, xen giữa các dải đá cuội đá hòn lô nhô trắng mốc và những khóm cây chi hao hao giống trúc đào xác xơ đây đó. Thì ra đây là sông Bến Hải, tôi lẩm bẩm một mình, lòng không chút cảm giác rung động, không chút uy nghi thiêng liêng thần thoại như vẫn thường suy nghĩ về nó trước kia. Cầu Hiền Lương còn xa lắm dưới phía hạ lưu, có tiếng người giục, chợt nhớ khu vực này đang rất nguy hiểm - tôi tiếp tục co chân rảo bước lên kịp đội hình, trong đầu vẫn không thể dứt được hình ảnh quãng sông vừa băng qua, con sông mà bất cứ ai là người Việt Nam đều đã từng mong mỏi  một lần được đến.

Trời vẫn mây mù u tịch, đoàn quân càng đi càng hối hả, tối sẩm thì dừng lại dọc theo một triền đồi, đồi cây lúp súp lưa thưa, bầu trời ảm đạm lờ mờ, tiết trời lành lạnh ướt át. Mọi người khẩn trương sửa sang lại những căn hầm hào mà các đơn vị đi trước đã đào sẵn. Lại bếp Hoàng Cầm, lại những bữa cơm thịt hộp, ruốc bông và rau tàu bay hăng hắc khó nuốt. Rồi những giấc ngủ, những phiên gác đêm thâu mưa rét rồi cũng vào quãng nửa đêm về sáng, khi đoàn quân đang yên giấc, một loạt bom B52 đánh trúng đội hình, và những đồng đội hy sinh. Giữa đêm, cả đoàn quân được lệnh đi ngay vì cho rằng khu vực đã bị lộ. Sáng hôm sau, khi băng ra đường 9, cảnh tượng lạ lẫm làm lính tráng thảng thốt, đoàn quân như đi trong mơ, lần đầu tiên nhìn thấy một con đường nhựa đẹp đến thế. Lính tráng trầm trồ, dù đang đi đánh Mỹ vẫn khen nước Mỹ giàu… cái con đường mịn mượt đen nhung, đôi chỗ điểm những lỗ pháo khoan đen ngòm, bật lên những tảng nứt bê tông và nhựa rải đường chắc chắn dày dặn. Rẽ ngang vào một khu làng mạc hoang tàn đổ nát bên phải đường, có ai đó giới thiệu đây là Cam Lộ. Tôi kinh hồn len lén đảo mắt quanh những đám cháy leo lắt còn dang dở, vắt vẻo trên đám chuối xơ xác một cánh tay người máu tươi nguyên thò ra hai bên ống tay áo vải màu đen người ta chưa lượm kịp hay chưa nhìn thấy gì đó, mùi thịt người khét lẹt gây gây rùng rợn. Bom B52 lại vừa rải thảm ở đây, thường thì cứ bom hoặc pháo vừa oanh tạc xong mà đi ngay thì an toàn hơn, để lâu nữa dễ gặp đợt tiếp theo nên bộ đội rảo cẳng đi nhanh như có ma đuổi. Vượt qua những ngổn ngang sắc màu lạ lẫm. Chúng tôi vừa đi vừa kịp nghe phong tin, trận bom vừa rồi đã đánh trúng một cuộc họp Huyện ủy, nghe đâu như có quân chỉ điểm. Không có lấy một nóc nhà nguyên vẹn, không thấy có sự sống dân giã nơi đây, đôi khi thấp thoáng một vài bóng phụ nữ cứ như những bóng ma, quần áo bà ba đen, khăn rằn đen trắng đang vẩn vơ nhặt nhạnh thu gom thứ gì đó hoặc đang cắm những nén hương lên những nấm mộ còn mới nguyên bên vườn. Tất cả quang cảnh, tiết trời và màu sắc cảnh vật không gian nơi đây hiển hiện là một bãi chiến trường man rợ hãi hùng, dựng tóc gáy những tâm hồn non trẻ ngây thơ bỡ ngỡ đang chân ướt chân ráo bước tới ngưỡng cửa chiến trường của chúng tôi.

Rồi chúng tôi cũng vượt qua những giây phút rùng rợn hãi hùng kia khi qua vùng Cam Lộ. Tiểu đoàn vào đóng quân tạm bên con suối La La nổi tiếng trước khi lên thượng lưu con sông Ba Lòng,  lại một cái tên đã nghe rất nhiều bây giờ mới gặp. Pháo hạm giặc nã liên hồi kỳ trận phía sau phía trước. Bên kia sông là đồn bốt địch, còn bên quân ta chỉ có chốt, những cái chốt đơn sơ sát mép sông phía bờ nam. Cuối năm 1972, sau cuộc tấn công Thành Cổ, bom đạn của cả hai bên trút xuống suốt không chỉ dọc con sông này mà cả tỉnh Quảng Trị, khối lượng không thể tính xuể. Ngay cả lúc này đây, khi quân ta và quân địch hàng ngày hàng giờ đang giằng co nhau từng tấc đất, tiểu đoàn chúng tôi dẫu tạm được yên quân trong vùng bom pháo, chuẩn bị mai kia sẽ sang thay thế cho một đơn vị đã chốt giữ lâu ngày, quân số của họ sắp sửa tới cữ không thể đảm đương được nhiệm vụ, mà cái sống và cái chết cũng đã rình rập từng phút từng giây.

Ngày thứ hai, phía bờ bắc sông Ba Lòng, bom B52 một lần nữa lại đánh trúng đội hình, hy sinh chỉ hai người song đó là một ngày đánh dấu một lần cho tôi biết thế nào là sống chết liền kề. Chỉ cần nhanh chân thêm mươi bước là một mình tôi hưởng trọn một trái bom B52. Thực tế chiến trường cho thấy nhiều khi nhanh quá cũng chết mà có khi chậm quá cũng chết, những lúc ấy con người thường mang sự may rủi ra để giải thích cho một vấn đề mà người đời chưa thể giải thích được. Một anh bạn cùng trung đội cũng vừa mò được chiếc bật lửa dưới suối, khi vừa qua chỗ cây cầu được mấy hục bước cũng là lúc bom trút xuống. Cây cầu độc đạo mà mố cầu qua con suối ấy là hai gốc sung. Khi dứt trận bom ra xem không còn thấy hai gốc sum đâu cả... Và lính tráng chúng tôi lại được một phen cười đùa, lại có một dịp để trổ tài bốc phét sướng miệng cho vui vẻ, cho át đi trong đầu những cảnh tưởng rùng rợn khác.

Sau ba ngày thay quân sang chốt, tôi cùng đồng đội vượt sông vào một buổi sớm mai, lúc phao bơi còn lênh đênh giữa dòng Ba Lòng thì pháo địch lại dội xuống xung quanh, những cột nước dựng cao vời vợi tung tóe, lại cũng may mà pháo chẳng trúng ai, tới bờ là vừa chạy vừa thông tin cho nhau rằng tiểu đoàn đã hy sinh và bị thương khoảng hai phần ba. Chạy qua mấy nấm mồ chôn tạm, chúng tôi mím môi, nghiến răng, căng mắt và lắng tai cao độ băng qua các triền đồi nham nhở hố bom, giữa tiếng đạn pháo gào thét trên đầu, bọn giặc cứ thay phiên hết pháo khoan rồi đến pháo phá, pháo khoan là để khoan xuống hầm vừa tiêu diệt người dưới đất, vừa như xua họ rời bỏ hầm hào ra ngoài để rồi tiếp đến là những loạt pháo phá. Pháo khoan nghe trầm đục chỉ nghe tiếng đề ba rồi đến những tiếng ục ục...đất đá đen sì tóe phun lên trời. Pháo phá, sau những tiếng đề ba nếu không trúng ta thì ta còn được nghe thêm những tiếng nổ chát chúa ù đặc tai sau đó. Những mảnh vỡ văng đi chém bạt cỏ cây cảnh vật, nhiều khi làm bay víu cả những chiếc mũ cối đang đội trên đầu lính tráng...những thứ hãi hùng lạ lẫm ấy càng làm rối tung rối mù và kinh hoàng tột đỉnh những cái đầu của những lính mới tò te. Từ trong hầm lô cốt, lính trinh sát bộ binh đôi khi ngốc đầu ngó ra hướng địch, lựu đạn những thùng, súng ống những đống xếp đầy giao thông hào, lúc nào cũng buông chốt an toàn, không một lúc nào ngớt tiếng bom rơi đạn nổ bên cạnh...Đó là những hồi ức của những ngày đầu tiên chúng tôi vượt qua bờ bên kia dòng Bến Hải mơ mộng hôm nào, dù chưa hề thấy được cây cầu Hiền Lương huyền ảo ra sao, cũng chưa từng được đứng gần kề nói chuyện với bất cứ người dân nào ở vùng Quảng Trị này, nhưng tôi có cảm tưởng mình như đang sống ở một thế giới hoàn toàn khác lạ, một thế giới làm con người thấy khiếp hãi nhất.

Ba mươi năm chưa thể xóa nhòa những ký ức hào hùng và đau xót về một thời chiến tranh, nhưng đã xóa nhòa được ranh giới cách chia đất nước. Hai miền Bắc Nam từ lâu đã là một dãi non sông thống nhất, hơn bao giờ hết và hơn ai hết trên thế giới này, người Việt Nam chúng ta căm ghét chiến tranh và mong muốn rằng, bằng những phương pháp hòa bình sẽ ngày càng góp phần nhiều hơn vào việc ngăn chặn những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những cuộc chiến tranh chỉ có làm khổ đau nhân loại.

N.T.T

Nguyễn Trường Tam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 108 tháng 09/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground