Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức về làng

X

uân đến, những người đi xa hay nhớ về làng. Mỗi người một nỗi niềm, một tâm trạng, một kỷ niệm riêng, với tôi, làng có nghĩa là máu thịt cuộc đời.

Làng Lai Bình của tôi bây giờ, ngày xưa gọi là làng Lai Cách, được sử sách ghi lại là một trong sáu mươi lăm làng cổ của tỉnh Quảng Trị, hình thành từ đợt di dân đầu tiên sau chiến dịch quân sự của Lý Thường Kiệt mở cõi về phương Nam năm 1065.

Ba tôi kể: Ngày xưa, nếu có cuộc di dân quy mô lớn thì những người ly hương được phép mang theo tên quê hương bản quán cũ của mình đến để đặt tên cho quê mới.

Tôi nói: đó là nét văn hoá truyền thống độc đáo của riêng người Việt Nam mình. Thằng em út của tôi có chút kiến thức sử học tại chức cãi rằng: “Không cứ gì dân ta, loài người từ cổ chí kim đều làm thế cả. Chả thế mà mấy thế kỷ trước người Tây Ban Nha đến Mỹ thì mang theo cái tên đất từ bản quán là Xan Franxco, người Anh mang theo tên Bôxton đặt tên cho đất Mỹ. Còn ở ta, xưa bày nay làm, khi phải đành đoạn giã từ làng quê yêu dấu từng một thời gắn kết máu xương, nước mắt và mồ hôi, đến lập nghiệp ở những vùng đất mới, dân ta thường lấy tên quê cũ để  đặt tên gọi cho quê mới, hoặc chí ít cũng đem ghép một nửa tên cũ của làng mình với một nửa tên đất mới thành tên gọi của làng, tên xã, tên huyện. Tỷ như dân Hà Nội vào lập nghiệp ở Lâm Đồng đông đến cấp huyện nên Lâm Đồng có hẳn một huyện mang tên mới Lâm Hà, cốt là để cho con cháu truyền đời không quên gốc rễ, cội nguồn”.

Tôi đọc trên bản đồ châu thổ miền Bắc, tìm được một làng trùng với tên tục của làng tôi: Làng Lai Cách thuộc tỉnh Hải Dương. Mấy năm gần đây, làng Lai Cách ở Hải Dương đã được lên cấp thị trấn. Tôi nghĩ, biết đâu hơn chín trăm năm trước có một ông cụ kỵ nào đó muốn thoả chí phiêu bồng mà rời làng Lai Cách ngoaì Hải Dương, mang theo bồ đoàn thê tử làm một cuộc viễn du Nam tiến rồi đến đây thấy phong cảnh hữu tình mà dừng lại lập nên làng tôi bây giờ?  “Cứ theo ý tứ mà suy” thì các cụ ta xưa cũng lãng mạn lắm nên cái điều tôi giả sử trên đây, biết đâu qua con mắt các nhà sử học lại trở thành điều có thể.

* * *

Trở lại chuyện làng tôi, ngày tôi còn bé tí lẩm chẩm bước theo sau ba tôi như cái bóng trên những lối mòn của làng, nét cổ kính của làng vẫn còn rõ lắm: Một mái đình rêu phong, phía trước là ba cây đa cổ thụ thế chân kiềng bao lấy cái giếng hình bán nguyệt rộng tới cả sào. Chiều chiều giếng là nơi cả làng tụ hội: người gánh nước, người tắm giặt, người đi làm về nghỉ ngơi, và có cả những người “ra giếng để không làm gì” theo cách diễn đạt của nhà thơ Nguyễn Văn Dùng.

Làng tôi, qua bao năm tháng thăng trầm vẫn vẹn nguyên câu ca dao dung dị: “Giếng xóm Cồn vừa trong vừa mát, Đường xóm Làng cát mịn dễ đi”

Làng Lai Cách xưa, nay là thôn Lai Bình có hai xóm nhỏ gọi là xóm Làng và xóm Cồn, úp mặt vào nhau qua một doi ruộng hẹp. Đầu và cuối làng có hai khu rừng cấm, cây cối sum suê. Phía Bắc là rú Đình, phía Nam là rú Thần. Từ lâu đời cả hai rú được làng bảo vệ rất nghiêm. Lệ làng đặt ra cấm mọi người vào rú chặt cây, bẻ cành tươi, chỉ được vào rừng quét lá, nhặt cành khô, ai vi phạm làng phạt vạ rất nặng.

Rú Đình ở phía Bắc làm bình phong chắn gió mùa đông bắc, rú Thần ở phía Nam chắn gió nóng tây nam. Phía chánh tây của làng là vùng đồi thấp, kéo dài đến tận chân dãy núi Trường Sơn điệp trùng. Phía đông nam nhìn ra cánh đồng, thoáng đãng đến tận Hồ Xá phủ.

Chảy qua trước làng là một con sông nhỏ có hai phụ lưu, một từ phía Bắc xuống, một từ phía tây về, gặp nhau tại ngã ba Trường Lương. Đoạn sông chảy  qua trước làng tôi uốn thành hình cánh cung, không biết từ bao giờ được dân suy tôn là “rào mạ”. Tiếng quê tôi “rào mạ” nghĩa là sông lớn. Lớn lên tôi không hiểu vì sao con sông quê tôi chỉ bé như con suối lại được cả làng trân trọng phong vượt cấp thành rào mạ. Tôi hỏi ông nội tôi vì sao thì ông cũng chỉ trả lời phỏng đoán: “Cũng có thể là một cách tri ân của làng với con sông, giả sử không có con sông chắc gì người xưa đã chịu dừng lại để lập nên làng mình?”.

Con sông nhỏ nhưng quanh năm tải đầy nước trong và mát, chỉ rộn lên tí chút trong mấy ngày mưa lũ, còn thì hiền hoà đằm thắm chảy giữa hai bờ tre xanh mượt mà.

Các cụ cao niên nói: Theo thuật phong thuỷ, làng tôi ở vào thế “ỷ dốc”, sau lưng có núi, trước mặt có sông, sơn thuỷ điều hoà, phong vũ kiềm chế, đất ấy là địa lợi tất sinh nhân hoà, thường được thịnh trị, thanh bình, đầm ấm bền lâu.

* * *

Vui nhất là những ngày tết sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Thời kỳ ấy làng tôi còn nghèo nhưng tôi không sao quên được những chiều ba mươi tết đầm ấm thanh bình, mấy chị em tôi xúng xính trong những bộ đồ mới được may bằng vải hoa của nhà máy dệt Nam Định, xúm quanh chiếc nong lớn nhìn ba tôi đổ kẹo lạc lên những chiếc bánh đa  làm từ bột gạo lứt đỏ và vừng đen, để rồi tíu tít chia nhau những mẩu kẹo vỡ. Kẹo lạc, nước chè xanh là thực đơn của bữa tiệc ngọt tất niên dân dã đồng quê mà đầy hương vị. (Bây giờ năm hết tết đến vật chất khá hơn ngày xưa nhiều nhưng tôi cứ nhớ quắt quay những tất niên thuở hàn vi thanh tịnh ấy vì tôi biết vĩnh viễn tôi không còn tìm lại được ký ức tuổi thơ của mình).

Thế nhưng mới được chín năm hoà bình sau cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến tranh lại ập đến. Sau mấy trận bom Mỹ, rú Thần, rú Đình bao đời được làng trân trọng nâng niu giữ gìn đã  biến mất. Bọn Mỹ nghi trong rú cấm của làng là nơi ẩn nấp của quân ta.

 Người làng tôi lớp đi bộ đội ra trận chiến đấu, lớp vào dân quân tập trung, ngày dêm bám đất giữ làng. Lũ trẻ con chúng tôi mang theo gùi, khoác ống bương nước với nắm gạo nếp rang tẩm đường làm lương khô, thực hiện một cuộc triệt thoái chiến lược dài hơn nửa ngàn cây số bằng đôi chân trần đen cháy, khẳng khiu, sơ tán về hậu phương miền Bắc tiếp tục học tập.

Chúng tôi lên đường vào một buổi chiều đầu thu nhạt nắng. Ngang dọc bầu trời là những vết khói trắng của máy bay B52 lượn vòng  ném bom rãi thảm và tiếng rít ghê răng của bom toạ độ xé gió xen tiếng gầm của trọng pháo như sấm rền vọng lại từ bờ Nam.

Một bác nông dân đi làm về gặp chúng tôi đang tụ tập theo nhóm nhỏ dưới ba gốc đa cổ thụ chuẩn bị lên đường. Bác không chúc chúng tôi mạnh khoẻ bình an mà nói một câu đùa nhưng nghe cứ bùi ngùi:

- Mấy đứa nhỏ ni đi sơ tán, cá đồng làng mình không có ai bắt, tụi già chúng tao đi bừa ruộng, cá mắc nặng bừa trâu kéo sao nổi? Câu nói thì nghe như đùa nhưng nói xong bác khóc. Lúc ấy tôi còn nhỏ không hiểu nổi hàm ý câu nói, nhưng tôi thật xúc động khi nhìn thấy những giọt nước mắt to rơi nhiều và nhanh trên khuôn mặt nhăn nheo khô cằn của bác.

Quê tôi ngày xưa cá đồng nhiều vô kể. Mùa lụt cá chép kéo nhau từng đàn lên ruộng cạn quẫy đẻ ầm ầm như trâu húc nhau dưới nước. Đã có lần vào mùa nước sỉa, tôi cầm nơm núp vào chỗ khuất trên bờ, đàn cá chép đực say sưa bơi theo lũ cá chép cái truy hoan quẩn lại gần bờ, tôi tung cái úp  chuẩn xác đến từng ... chiếc răng nơm và phải đem cái thân xác nặng có mười lăm cân hơi của tôi ngồi đè lên đầu nơm mới giữ cho chiếc nơm khỏi bật ngửa bởi sức quẫy sùng sục điên loạn của năm con cá chép "cồ" đã nằm gọn trong nơm mà con út nhất cũng hơn hai ký rưỡi.

Tôi xa làng, mang theo hình ảnh cây đa, giếng nước, mang theo cả những gương mặt nông dân cần cù, lam lũ, cương nghị đến sắt đanh, mang theo nụ cười  móm mém của bà, vạt áo lá nâu loang lổ trắng mồ hôi muối thân thương của mẹ .

Năm năm sau tôi mới trở lại làng. Vất vả lắm tôi mới nhận ra cảnh cũ người xưa. Cái gì cũng hình như thấp xuống, bé lại và gần gũi hơn. Đạn bom đã làm cho cảnh vật làng tôi thay hình đổi dạng đến khó ngờ.

Tôi về trong đội hình của một tiểu đoàn bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu. Từ một chú bé con đen điu, năm năm sau tôi trở thành anh bộ đội. Biết trước đường hành quân sẽ qua làng tôi, tiểu đoàn trưởng vận dụng cho đoàn quân giải lao mười phút ven đê để tôi chạy bộ vào thăm làng.

Nói vào thăm làng mà không nói về thăm gia đình vì lúc đó ba mạ và các em tôi theo diện K10 đã ra sơ tán tận Nghệ An. Cô tôi lập cập cầm que cời than trong bếp chạy ra. Cô sờ nắn chân tay tôi như kiểm tra xem tôi là thằng cháu bằng xương bằng thịt hay chỉ là nằm mơ... Rồi cô tôi vội vàng bắt con gà mái cắt tiết dìm vào nồi cám lợn đang sôi sùng sục. Vội vã vặt lông, vội vã cắt hai đùi gà, vội vã đổ nước sôi trong phích ra luộc. Trong lúc tôi và thằng bạn đồng ngũ đang bận bịu với hai chiếc đùi gà thì cô tôi vào bếp làm các món tiếp theo. Cả ổ trứng gà cũng được đem luộc và gói lại. Cô tôi bảo: "Mang cho các chú ngoài nớ ăn cùng cho vui".

Cô tôi lưu luyến nhìn theo đoàn quân vào Nam nhỏ dần như sợi chỉ ở cuối chân trời. Chiều ngang của Vĩnh Linh hẹp, chúng tôi hành quân bộ ngang qua huyện chỉ hơn hai tiếng đồng hồ. Đêm ấy tôi đã ngủ ở bờ Nam con sông Bến Hải. Nằm  trong căn hầm lạ, da diết nhớ quê hương, nhớ bữa ăn cuối cùng vội vàng trên đất Bắc trong tiếng gầm của bom B52 và trái phá đó là bữa liên hoan mà cô tôi thay mặt quê hương, ba mẹ tôi tổ chức để tiễn tôi chính thức lên đường ra trận.

* * *

Những phút rảnh rỗi hiếm hoi ở chiến trường, tôi thường hay nhớ về quê. Kỷ niệm cũ cứ ào ạt hiện lên, kỷ niệm nào cũng rưng rưng xúc động: Hình ảnh  một cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi như tiên ông dưới gốc thị già bên đường làng, bên cạnh ông là một rá thị đầy, chín vàng ươm và thơm lừng. Chúng tôi đi học về lễ phép chào, ông xoa đầu từng đứa và chia cho chúng tôi mỗi đứa một quả thị và ân cần dặn dò:

- Thị chín ông đã hái sẵn đây, đừng có trèo cây hái quả, ngã gãy xương thì khốn.

Chúng tôi thích thú nhận phần quà ông trao. Nhìn ông cần mẫn, chậm chạp khều từng quả thị chín để cho lũ nhóc chúng tôi khỏi trèo cây nguy hiểm, càng lớn tôi càng hiểu tấm lòng của bậc cao niên, khả kính.

Lại nhớ những ngày hè khét nắng, lũ nhóc chúng tôi phơi cái đầu trần, lội bì bỏm giữa đồng nơm cá không phải bị ông bảo vệ mà là ông y tá thôn, cầm roi đuổi chạy như vịt. Đến đêm ngủ tôi còn giật mình nghe tiếng ông y tá thôn quát to như Trương Phi trên cầu Tràng Bản: "Tụi bây ngày đi phơi nắng, đêm về sốt nóng như cục than, cha mẹ bây chạy kêu y tá cả đêm ai chịu nổi?!". Cái lý do ông rượt đuổi chúng tôi không cho nơm cá ngoài đồng là sợ chúng tôi "sao" dưới ánh nắng nhức nhối giữa trưa rồi xuống "tẩm" mình dưới sông, dễ bị thương hàn nhập lý...

Tôi khoái nhất là những buổi chiều ngày mùa được mon men ra sân kho hợp tác để xin người lớn ngồi trên các trục đạp lúa bằng gỗ do trâu kéo, đi vòng tròn trên sân gạch rộng. Tuổi thơ tôi, cái trục đạp lúa bằng gỗ do trâu kéo trong sân hợp tác oai hùng như những cổ chiến xa. Khi người lớn làm việc, chúng tôi xin được lên trục cùng ngồi. Vừa lắc lư ngắm đất, ngắm bầu trời trong xanh.. vừa coi chừng chú trâu nào có dấu hiệu sắp "ị" là đưa cái trác lót sẵn rơm mang theo trên trục để hứng phân không cho rơi xuống lớp lúa đã tuốt ra dưới đất, sau đó bưng đổ ra ngoài rồi chạy vào leo lên trục tiếp tục hành trình...

Khi không trục lúa, những chiếc trục gỗ được chúng tôi biến thành những chiếc xe tăng chiến đấu với  nhau cả buổi đến thoả thích, để đến khi cần sử dụng, người lớn phải đem cưa đục ra sửa chữa, bổ sung các chi tiết sứt, hỏng khi chúng tôi giao chiến.

Tôi không hề biết, những chiếc "chiến xa" ấy là sản phẩm do người làng tôi nghiên cứu chế tác ra để trục lúa. Nó có năng suất cao hơn đạp lúa bằng chân theo tập quán cũ vốn rất thịnh hành thời đó cả trăm lần. Cái trục lúa bằng gỗ của quê tôi được Hội đồng khoa học Nhà nước xem xét đánh giá là nông cụ có giải pháp đơn giản, thiết kế hoàn hảo, mang lại năng suất lao động rất cao, tiết kiệm thời gian và giảm cường độ lao động cho nông dân thời đó. Năm 1962, anh Lê Văn Ánh, người sáng tạo ra cái trục lúa ấy được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động. Anh là vị Anh hùng ngành Nông nghiệp đầu tiên của khu vực Vĩnh Linh và cũng là vị Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đầu tiên của Vĩnh Linh trong thế kỷ XX.

Anh nổi tiếng cả nước, nhưng với lũ trẻ làng tôi thì anh thanh niên cao gầy, có chiếc răng vàng nơi khoé miệng, tính tình vui vẻ, thật gần gũi thân thương. Anh thường làm cho chúng tôi những mẫu đồ chơi bằng gỗ, bằng tre, trong đó, ấn tượng nhất là cánh diều mô phỏng hình chiếc máy bay khu trục bay cao cả trăm mét làm bọn tôi mê mẩn ngất ngây suốt cả mùa hè.

 Ngày được tuyên dương Anh hùng, anh mới hai mươi tám tuổi. Điều độc đáo là cả cái trục lúa do anh sáng chế không dùng tới một gam sắt thép, một vòng bi nào cả. Tất thảy đều bằng gỗ, một người thợ mộc lõm bõm biết cưa, biết đục là làm được cái trục do anh nghĩ ra. Khoa học đánh giá sáng chế của anh có tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao.

Bây giờ vào thăm Bảo tàng Vĩnh Linh, tôi trộm nghĩ: Tại sao ta không phục chế một cái trục lúa của anh Lê Văn Ánh đã làm và đã được tuyên dương Anh hùng gần nửa thế kỷ trước và giành một chỗ chừng 1-2 mét vuông trong bảo tàng để trưng bày cho các thế hệ con cháu hôm nay thấy được cái truyền thống lao động cần cù sáng tạo của cha ông? Đó là dấu ấn của thời miền Bắc mới chập chững bước vào thực hiện HTX nông nghiệp nông thôn theo khẩu hiệu :"Quyết tâm đưa nông thôn miền Bắc lên CNXH thông qua con đường hợp tác hoá nông nghiệp”.

Một kỷ niệm khác: mùa Đông năm 1972, đơn vị tôi đánh địch ở phía Đông Bắc Thành Cổ Quảng Trị. Đó là một mùa Đông ác liệt trong cuộc đời mười lăm năm đánh trận của tôi. Đơn vị hoàn toàn độc lập tác chiến. Mùa mưa ở đồng bằng Triệu Hải nước dâng chia cắt đội hình đơn vị theo từng làng, từng gò riêng biệt, thông tin vô tuyến không đến phân đội nhỏ, thông tin hữu tuyến thường xuyên bị bom đạn cắt đứt đường dây. Cánh lính chúng tôi đùa: "Chúng ta làm việc trực tiếp với Trung ương". Bởi vì chúng tôi có được thông tin một chiều ra với bên ngoài là chiếc đài thu thanh bán dẫn của Nhật, chiến lợi phẩm ngày đầu chiến dịch.

Một buổi chiều, khi khả năng bộ binh địch tấn công trận địa không còn. Chúng tôi cử người cảnh giới, còn lại thì chui vào hầm chữ A tránh pháo bầy, bom B52 và nghe đài. Trong tiếng bom pháo gầm làm cho căn hầm chao đảo, radio phát lúc to lúc nhỏ, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin làng tôi có một người được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân..." Anh hùng Đào Xuân Phương - quê Lai Bình - Vĩnh Chấp - Vĩnh Linh, Quảng Trị, trung uý bộ đội biên phòng...". Ông Đào Xuân Hướng khi được tuyên dương anh hùng mang bí danh Đào Xuân Phương. Tôi rất hãnh diện với đồng đội vì làng tôi đã có được người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

…Tôi nhớ một đêm đầu năm 1965, trong lúc cả xóm làng đắm chìm trong giấc ngủ thì bất ngờ từ phía bờ biển Vĩnh Thái, từng loạt tiếng nổ dồn dập vọng về rồi sau đó pháo sáng bắn lên rực cả một góc trời. Tiếp theo là tiếng pháo bờ biển của ta đánh trả dữ dội. Hồi ấy việc địch tập kích bằng hoả lực vào bờ biển còn là chuyện hiếm, nên khi nghe pháo hai bên nổ, cả nhà tôi dắt díu nhau chạy xuống hầm trú ẩn. Chỉ  còn một mình ba tôi, lúc đó làm Bí thư chi bộ kiêm chính trị đại đội dân quân, đứng ở trên mặt đất quan sát. Chợt có tiếng hô to dõng dạc:

- Báo cáo đồng chí Chính trị viên đại đội dân quân địa phương. Tôi Đào Xuân Hướng, chiến sĩ quân đội nghỉ phép, xin đến phối hợp chiến đấu với dân quân địa phương khi địch xâm phạm địa bàn.

 Sau này trở thành chiến sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi càng hiểu thêm ý nghĩa hành động tự giác của người quân nhân cách mạng, khi xa đội ngũ vẫn chấp hành kỷ luật quân đội: Chủ động phối hợp với các lực lượng bạn đánh địch khi có tình huống xảy ra. Lúc ấy tuy còn nhỏ nhưng tôi rất cảm phục hành động của ông. Dưới ánh sáng hoả châu, tôi nhìn từ dưới hầm trú ẩn lên, hình ảnh của người chiến sĩ Đào Xuân Hướng đập vào mắt tôi thật hiên ngang dũng mãnh: Ông mang đủ ba lô, súng đạn, gọn gàng như điều lệnh quy định, nghiêm trang chờ giao nhiệm vụ. Phẩm chất con người cách mạng của ông đã in đậm vào trong tâm trí  tôi.

Ngày ông Hướng nghỉ hưu về làng, theo chân ông là một đàn cò trắng mấy nghìn con về quần tụ trong vườn nhà ông. Đàn cò vườn nhà ông Hướng nổi tiếng lên tầm quốc gia, đài báo đưa tin rần rần, thêm một lần nữa khẳng định vị thế của làng là mảnh đất thiên thời địa lợi... Ngày ấy bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, dân làng cho rằng đó là một điềm báo hỷ. Qủa thực, gần hai mươi năm đổi mới, diện mạo làng Lai Bình đã nhanh chống đổi thay. Các đồi trọc đã phủ xanh bóng bạch đàn, tràm hoa vàng và thông nhựa. Làng xóm trù phú trở lại. Nhà xây, điện sáng ngời ngời, cái ăn dư dật, cái mặc đẹp đẽ hơn. Đầu làng mọc lên cái cổng chào xây hoành tráng, tâm tình con người càng cởi mở phóng khoáng; hào khí của làng phục sinh trở lại.

Hai năm trở lại đây, sau ngày tuyến kênh N1 của công trình thuỷ lợi Bàu Nhum được kiên cố hoá bằng bê tông, dân làng Lai Bình lại ngỡ ngàng đón nhận một sản vật trời ban: Trong lòng kênh bỗng xuất hiện một loại hến lạ: Hến nước ngọt. Xưa nay hến chỉ xuất hiện dọc sông Sa Lung vùng nước lợ, hến ở đó con nhỏ và đen, vì vỏ bám nhiều tạp chất, rong rêu. Con hến ở Lai Bình màu sáng ngà, sạch sẽ và to con. Bây giờ ở chợ Hồ Xá, các bà nội trợ cứ tìm hỏi mua hến Lai Bình mà không màng tới hến vùng khác. Nhiều giả thiết khác nhau về sự xuất hiện của hến trong đoạn kênh được bê tông hoá chảy qua làng Lai Bình: Người thì nói do ấu trùng hến lẫn trong cát xây dựng lấy ở vùng nước lợ trong quá trình xây dựng kênh, gặp điều kiện sống thuận lợi nên phát triển mạnh. Có người lại cho rằng đâu đó trong tuyến kênh có một mạch ngầm lớn thông ra với sông Sa Lung bị vùi lấp nay được nạo vét thông thoáng nên nước mặn theo đó mà thẩm thấu lên đáy kênh sinh hến. Dù là giả thiết nào thì điều kỳ diệu sau ngàn vạn năm phong hoá, đến những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba này, làng Lai Bình của tôi được tạo hoá ban cho một sản vật mới và ngay lập tức có thương hiệu hàng hoá trên thị trường nội địa: Hến Lai Bình. Đây là thêm một điều lành nữa báo hiệu thời kỳ hưng thịnh mới của làng trên con đường cùng cả nước tiến tới ấm no hạnh phúc...Âý là điềm Châu về Hợp Phố.

Làng tôi chưa có ai thật giàu lõi, cả làng vẫn bình bình, nhưng so với nửa thế kỷ thì quả là một cuộc lột xác thần kỳ. Các bậc cao niên cao giọng tự hào:" Từ bao đời nay, đất này không có địa chủ cường hào ác bá lúc Tổ quốc lâm nguy đất có anh hùng, thời bình, thịnh trị đất sinh tiến sĩ, doanh nhân"…

Xuân này, cùng với cả huyện Vĩnh Linh, làng tôi náo nức kỷ niệm 40 năm Vĩnh Linh lũy thép anh hùng. Tôi trân trọng mở pho sách đồ sộ ghi danh những tập thể anh hùng thời đại Hồ Chí Minh ra đọc lại. Trong số đơn vị của cả nước được tuyên dương anh hùng đợt đầu tiên sau khi giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, mảnh đất địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh, đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh đầu tiên của cả nước vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương anh hùng Lao động và có tới ba đơn vị trong Khu vực cùng được tuyên dương anh hùng. Khi được tin Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận huyện Vĩnh Linh sẽ tổ chức kỷ niệm trọng thể 40 năm sự kiện lịch sử ấy, một vị lão thành cách mạng cho tôi một thông tin: Vào thời kỳ ấy, nước ta chỉ có danh hiệu anh hùng Lao động và anh hùng Quân đội chưa có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân như bây giờ cho nên danh hiệu anh hùng Lao động của Khu vực Vĩnh Linh được tuyên dương ngày 1-1-1967 là danh hiệu anh hùng kép, cả sản xuất và chiến đấu đều đặc biệt xuất sắc…

Tôi chưa có thời gian để kiểm chứng, nhưng tôi tin đó là một thực tế. Bởi hơn bốn mươi năm trước, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh cả làng vác cuốc đi đào công sự suốt đêm để đưa pháo phòng không của bộ đội cơ động vào trận địa mới kịp thời đánh trả máy bay Mỹ, và sáng ra đã thấy dân quân vai súng tay cày có mặt trên đồng ruộng.

Hào khí của mùa xuân và những năm tháng ấy còn lắng đọng mãi đến hôm nay… 

                                                                      T.P.T

 

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 148 tháng 01/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground