Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lan man chuyện làng

N

ghề làm báo đã đi nhiều về các vùng quê Quảng Trị, ở đâu cũng bắt gặp những hình ảnh thân quen của những làng quê Việt. Ẩn sau những ngôi làng nhỏ thấp thoáng trong những vườn cây trái sum suê là những người nông dân một nắng hai sương chí thú làm ăn, đùm bọc yêu thương nhau trong cuộc sống và nổi tiếng bởi trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Triệu Trạch là một trong tám xã được chọn là xã điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới quê tôi cũng vậy. Cuộc sống của người dân đang thay da đổi thịt từng ngày. Trong sự đổi thay ấy, lòng người Triệu Trạch đủ độ chín suy ngẫm mà lần tìm về nếp sống, nếp nghĩ, việc làm trong việc ủng hộ một chủ trương lớn của của đất nước.

Vào một ngày đầu vụ gặt hè thu tôi về lại Triệu Trạch. Thấy tịnh tâm để tận hưởng  không khí thanh bình với bầu trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh, những chú chim nhỏ ríu ran hót trong các lùm cây quanh nhà. Đàn trâu thong thả ra đồng, tiếng lục lạc thả đều theo nhịp bước. Không khí thanh bình còn hiện lên trong từng ngọn gió, trong tiếng quét sân nhè nhẹ của mạ, trong hương thơm của đồng lúa đang chín vàng mùa gặt. Ở đây cũng có bến nước, gốc đa, mái đình, dòng sông, cũng có những tà áo nâu bạc màu mưa nắng... Ngỡ rằng nơi đây cũng như bao ngôi làng khác. Nhưng không phải vậy, khuôn mặt người người như vui sướng hơn. Thôn xóm đang thay dần áo đẹp từ sau Nghị quyết số 26 của Đảng về chính sách tam nông. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang mang đến một thần sắc phấn khởi vui tươi, hăng say lao động, người nông dân đã đặt mình vào vai trò trung tâm, chủ thể của quá trình phát triển và nó đã thực sự phát huy hiệu quả vì  họ thấy vị trí của mình đã được xác lập một cách bền vững.

Người ta nghĩ tới một ngày mai rất gần, đường liên xã, liên thôn sẽ rộng rãi, vững chắc và sạch đẹp hơn nhiều. Kênh mương nội đồng sẽ được bê tông hóa một trăm phần trăm, luôn đủ nước tưới tiêu. Trụ sở, trường học, nhà văn hóa sẽ khang trang hơn nhiều. Chợ nông thôn sẽ rộng lớn, tạo nên một hệ thống thương mại nối liền chợ huyện, chợ tỉnh, phục vụ tốt hơn đời sống người dân. Những tệ nạn xã hội vốn không nặng nề ở vùng nông thôn Quảng Trị sẽ ngày càng bị triệt tiêu. Thôn xã  trật tự, bình yên và hạnh  phúc.

Triệu Trạch cũng như nhiều làng quê khác ở Triệu Phong, nơi được đánh giá là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh. Đứng trước những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp của Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Long, Triệu Đại…đang mùa thu hoạch, sóng lúa bời bời óng ả chạnh nghĩ về người nông dân  Quảng Trị quê tôi, hơn bốn trăm năm trước họ  đã dũng cảm rời quê hương Thanh - Nghệ, theo chúa Nguyễn Hoàng ra đi mở cõi...

Hành trang mang theo lúc ấy ngoài sức vóc tuổi xuân của buổi đầu đi mở cõi còn  có một thứ vô cùng quý giá là truyền thống và đạo đức của những gia đình Việt. Tại mảnh đất Ô Châu này, truyền thống ấy được mài giũa thêm đẹp hơn, sáng hơn… cứ thế mà thành nếp, thành cộng đồng, nó như khuôn vàng, thước ngọc  cho lối sống của từng cá thể, từng nếp nhà, từng vùng quê.  Những người mở cõi đã tận tụy thi hành chức phận của mình, lập trấn dinh nơi biên viễn, củng cố cương vực, phá thạch khơi sông, dẫn thủy nhập điền theo nghiệp nông trang, mở mang đất nước. Ngay từ thuở ấy, họ mặc nhiên là những nông dân tích cực và yêu nước theo đúng nghĩa cao cả của từ này. Họ đã tạc vào lịch sử nơi đã từng là phên dậu che chắn hai miền, nơi ba lần  đã từng là kinh đô thủ phủ trong thời khắc bi tráng của thời  cuộc với tư thế là tay cày tay cuốc và tay gươm. Họ đã làm lụng cần mẫn, nuôi con nuôi cháu và nuôi đất nước… để bảo vệ  mình, bảo vệ con cháu và giữ trọn tự do khát vọng độc lập cho đất nước, vươn tới ấm no hạnh phúc.

Không đâu trên thế giới như ở mảnh đất này, một mảnh ruộng, một dòng sông, một con đường, một ngọn núi, mỗi khu rừng, mỗi hang động… đều in đậm chiến công và máu của những người yêu nước, mà đa số trong số họ là những người nông dân mặc áo lính. Chỉ tính riêng cuộc chiến mười ngàn ngày chống Pháp, chống Mỹ xâm lược đã để lại trên mảnh đất của tỉnh nhỏ Quảng Trị 72 nghĩa trang với  hơn bốn mươi chín ngàn bảy trăm Liệt sĩ đang yên nghĩ và hàng vạn Liệt sĩ không thể tìm được, máu xương của họ đã hòa vào đất, vào sông, đã bị bom đạn tung lên trời thành khói bụi. Nhân loại đã kinh hoàng vì hai trái bom nguyên tử ném xuống Hi-rô-si-ma, Na-ga-za-ki, càng kinh hoàng hơn vì một lượng chất nổ tương đương bảy trái bom nguyên tử đã ném xuống cổ thành Quảng Trị trong trận chiến 81 ngày đêm mùa hè 1972. Phải chăng những chiến công vang lừng: Đường 9 Nam Lào, làng Vây, Khe Sanh, Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành Cổ Quảng Trị… đã góp phần vinh danh Tổ quốc...

Máu của họ đã thấm đẫm bao đất đai, luống cày thôn xóm, họ chỉ được thảnh thơi bấm đốt ngón tay làm ăn, làm giàu mới đây thôi, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng lãnh đạo. Để hôm nay làng quê Quảng Trị có được 117 xã sầm uất dân cư, trù mật đất đai, 47.000 ha đất lúa, 14.000 ha cao su, 4.400 ha cà phê, 2.180 ha hồ tiêu, làm ra một sản lượng có hạt ổn định, đủ đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu; để có được cuộc sống hòa bình, ngày càng đổi mới, người dân Quảng Trị nói chung và nông dân Quảng Trị nói riêng đã chấp nhận một cái giá xương máu cực kỳ to lớn. Hơn ai hết, họ quý vô cùng từng tấc đất, từng mảnh ruộng, từng khu đồi, mỗi trái cây, mỗi hạt lúa, củ khoai. Họ khao khát xây dựng làng quê ngày một tươi đẹp, ngày một khang trang, giàu có. Bởi vậy họ đón chào phong trào xây dựng nông thôn mới với tinh thần tích cực, hồ hởi, phấn khởi. Mười chín tiêu chí xây dựng nông thôn mới là mười chín công việc lớn phải làm, nhằm một mục đích lớn: đưa lại hạnh phúc cho nông dân. Mọi thành quả đạt được, nông dân đều được hưởng lợi. Họ xác định mình là chủ thể của phong trào. Không thể ngồi chờ nguồn lực của trên đầu tư như nhiều dự án thường thấy. Họ phát huy nội lực của chính mình, đổi mới những việc mình đang làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa dần máy móc công cụ vào thay thế sức người, tạo sức bật mới trong nông nghiệp, nông thôn, nhằm  tăng giá trị ngày công, tăng năng suất lao động ngày càng cao.

Nếu như một nơi nào đó, một ai đó kỳ kèo tiền đền bù giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ tiến độ thực hiện một dự án, thì ở đây, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gần như không thấy hiện tượng này. Ví như ở  thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, xây dựng con đường theo tiêu chí mới, đi qua đất canh tác của hai mươi lăm hộ gia đình. Cả hai mươi lăm hộ đều tình nguyện hiến đất, không nhận một đồng tiền đền bù nào. Chị Nguyễn Thị Tình nhà rất nghèo, hai vợ chồng có bốn đứa con. Con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, đang dạy học ở Đakrông. Một con trai đang học trường cao đẳng an ninh. Một con trai đang học lớp một. Tài sản gia đình không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng. Chị nói: “Gia đình thuần nông, làm được hai tấn thóc thì thóc xuống giá không ai mua. Ngày lúa có giá cao cũng không đủ tiền cho con ăn học, nay thóc chỉ còn năm ngàn/kg, không biết tìm đâu ra tiền”. Vậy mà trong quá trình vận động hiến đất làm đường, chị đã hiến 120m2 đất màu của mình, không nhận tiền đền bù. Chị nói: “Đường đi qua nhà thì mình hiến đất, cả thôn này ai cũng làm rứa, không chắc chi mình. Làm đường đi cho mình hưởng chứ làm cho ai mà so kè. Làng xóm được răng thì xà đăng được rứa. Làm đường lớn, bà con đi, mình cũng đi, cũng sướng, sạch đẹp, con mắt ai cũng thích. Nếu không làm, mùa mưa lầy lội, nhớp nháp, người lớn khổ, trẻ con đi học cũng khổ, thương lắm”. Lời chị hồn nhiên tự như nó đã có sẵn trong cội rễ, tâm can. Dù nghèo, dù khó quanh năm bới đất lật cỏ nhưng tấm lòng thật bao dung rộng lượng, cách khu xử thật mặn mà đôn hậu. Phải chăng chị cũng như những người nông dân thuần hậu quê tôi vẫn còn lưu giữ  thứ hành trang mang theo của những ngày đi mở cõi, đó là cốt cách quê nhà, là cội nguồn gốc gác. Đó là bản sắc riêng của người quê tôi trên con đường đi đến hoà nhập vào bản sắc chung của văn hoá cả dân tộc. Lòng yêu nước gắn với tình cảm quê  hương, gia đình làng xóm, ý thức cộng đồng... là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của những ngôi làng Việt.        

Để đạt được các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn quá nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt, nhưng người dân đã đồng thuận đồng lòng, đoàn kết với nhau hơn. Ông Trương Duy – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Triệu Trạch cho biết: “Nhân dân rất phấn khởi. 100% người dân đều tỏ thái độ đồng tình ủng hộ, hào hứng chào đón và tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới vì ảnh hưởng tốt đến sinh hoạt và đời sống của họ.” Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện phong trào này, Triệu Trạch xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn có giá trị kinh tế cao, toàn xã đã có trên sáu mươi mốt ha đạt thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/ năm trở lên. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên toàn xã đã tăng lên bốn trăm bảy mươi ha. Các mô hình trang trại được hình thành với một số loại con nuôi mới như dê, đà điểu, vườn ao chuồng... bước đầu đem lại thu nhập cao. Nhiều máy móc công cụ: máy bơm nước, máy cày bừa, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát… được sử dụng ngày càng nhiều. Năng suất ngày công, nhờ thế ngày một cao. Công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp đang được vận hành tích cực.

Không chỉ ở Triệu Trạch mà  bây giờ đi đâu ở vùng nông thôn Quảng Trị, từ đồng bằng lên miền núi đâu đâu cũng thấy người dân mở đường liên xã, liên thôn, xây chợ, xây trường, xây trạm xá, nhà văn hóa; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; dồn điền đổi thửa… Vâng, đó là một cuộc cách mạng nhận thức, từ nhận thức đúng đắn người nông dân đã biết làm giàu ngay chính trong điều kiện tưởng chừng như là không tưởng.

Đảng ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có vị trí chiến lược trong sự nghiệp hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng; giữ gìn, phát huy bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Điểm mấu chốt của vấn đề đã được Đảng và Nhà nước ta xác định, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Mọi chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển, nhất định chính sách đó sẽ phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Gặp bất kỳ đồng chí Bí thư, Chủ tịch của huyện nào, của xã nào ở đây  chúng tôi cũng nghe một câu nói tương tự: Thực hiện đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một việc vô cùng khó khăn, nhưng dù khó khăn bằng mấy, Đảng bộ và nhân dân cũng quyết tâm xây dựng cho kỳ được, vì đó là nguyện vọng của mọi người, là hạnh phúc của mọi nhà mà mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tôi đã có một đêm ở lại Triệu Trạch, thưởng thức ánh trăng quê dịu dàng tĩnh lặng. Khuya lắm rồi mà không sao ngủ được, cứ lan man suy nghĩ về làng, về tình người, về sự rộng lượng và đôn hậu, cả về những ấp ủ dự định cho tương lại của những người nông dân quê tôi... Lại một mình đi ra cánh đồng trước làng, những cánh đồng lúa trĩu hạt trải dài đang dập dờn dưới trăng. Xa xa những chiếc máy gặt đập liên hợp, những chiếc xe tải chở lúa sau một ngày làm việc vất vả nằm ngoan hiền bên bờ ruộng. Một niềm vui khó tả len lỏi trong tôi, đời sống người dân quê tôi đang khởi sắc, bởi họ đã biết bám đất, bám làng và đã biết đứng dậy ngay  trên mảnh đất  này bằng chính đôi chân của mình.

 

                                                                                  T.L 

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

9 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground