Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lặng im như lửa

T

rong những ấn tượng tuổi thơ tôi có một ngọn núi đêm đông bập bùng ánh lửa, gió bấc thổi xào xạc, lửa càng khuya càng lan tỏa, càng bén nhanh, nó trườn liếm khắp sườn núi.

Tôi ngồi trước thềm, hai tay bó gối, bên mảnh sân nổi rêu, những lùm nhãn um tùm tối sẫm, hàng cau nhè nhẹ đung đưa. Nhà trong nhà ngoài đều đã tắt đèn, chỉ còn tiếng một con cuốc sót lại dưới ao là vẫn đang khắc khoải kêu như nỗi nhớ một mùa hạ đã qua từ lâu rồi, thế là có cuốc đông chứ không phải chỉ có cuốc hè, con cuốc này kêu lạ lắm, lúc lúc nó lại nấc lên thảng thốt. Trông lên đằng xa trong màn đêm dày đặc không trăng không sao, ngọn lửa vẫn cứ đang lúc ẩn lúc hiện, và tôi tự nhủ, ai người đốt lửa trên núi, mà đốt thế để làm gì?

Bà tôi bảo đấy là đám trẻ rủ nhau vơ cỏ chất thành đống, lúc sắp lùa trâu về thì gửi lại một mồi, gió đưa lửa chạy nổ lép bép. Chúng nó cứ thích thế, đốt lửa rồi cưỡi trâu nhong nhong về làng.

Nhưng chị Gái người ở của nhà lại kể khác, chẳng phải thế đâu bà ạ, đấy là thằng Tây cao kều xua lính dõng ra đốt sạch cỏ quanh đồn để bộ đội không còn chỗ bò nấp. Mấy lần các anh ấy đã vào cắt hàng rào dây thép gai toan bắt nó mà không xong, thằng ấy ranh ma lắm, lúc ngủ trong bốt, lúc lủi xuống đồng, phục kích bắn vào đoàn người vượt vành đai trắng ra vùng tự do. Người làng trên ấy kể có hôm nó choàng áo tơi đội nón lá lụ khụ như ông lão tìm vào ấp Nhẫm làm gì ấy không biết nữa, có một bà chợt thoáng thấy đôi mắt nó xanh lè như mắt mèo thì rú lên nhảy ào xuống ao, nó chỉ cười không đứng lại.

Bà nói nghe cũng phải, chị Gái nói nghe cũng phải, tôi là đứa đã sớm nghe ai nói thế nào cũng phải. Mẹ tôi mắng mày là thằng cả ngẩn, quan tám cũng ừ quan tư cũng gật. Bà nội thì chỉ cười, nhìn ngắm cháu một hồi rồi chép miệng, có thế nó mới sống được, là ông trời ông ấy định thế. Chị Gái một hôm vừa băm rau lợn vừa dặn, tôi thấy cậu là người tuy bé mà khôn nên tôi bảo nhỏ nhá, lúc nào cậu nghe thấy có nhiều súng nổ ở phía núi thì đừng sợ, cứ việc chui vào gầm giường hoặc thùng trấu trong bếp mà ẩn. Tôi hỏi vặn, quân ta sẽ về bắt Tây cao kều à, sao chị biết? Chị Gái vừa xếp nhặt mấy dây khoai lang vừa thủng thẳng, thì tôi cứ nói thế, cậu nghe cũng biết thế.

Tôi nghiệm ra nhiều chuyện lớn nhỏ chị Gái nói trước sau đều hiển hiện. Vậy là tôi phấp phỏng đợi đến một ngày súng nổ ran trên núi. Đêm đêm tôi nhìn lên đằng ấy, thấy ánh lửa thật xa, ban ngày lại thấy núi quá gần. Từ làng tôi lên đến chân núi phải qua mấy cánh đồng ruộng bậc thang, chỗ cao chỗ thấp, gò đống ngổn ngang, một vùng khoai lúa đầm ấm, tiếng người ơi ới gọi nhau, những tiếng cười chao chát, những tiếng chửi thề, những câu than thở. Tôi thường mong một lần trong đời được leo lên ngọn núi kia, cứ phải leo lên lấy một lần, chả để làm gì cả, lên để nhìn ngắm tứ phía, thế thôi. Vậy mà vẫn chưa thể, lúc nhỏ đã chưa thể, đến giờ xem ra càng khó. Tóc trên đầu đã sắp bạc trắng, tuổi tác đến rồi, chân cẳng lắm lúc nghe đã thấy lỏng lẻo như là của người khác chứ chả phải còn là của mình. Huống hồ lại đang sống ở xa, càng ngày càng ít có dịp quay về chốn quê cha đất tổ. Cái giấc mơ tưởng như đơn giản mà hóa ra khó thành.

Trái núi ấy nào phải Tản Viên, Tam Đảo, chẳng qua nó cũng chỉ là một quả núi trọc, một hòn đất thừa ông trời ông ấy ném xuống quê tôi sau khi đã làm xong cái việc tạo sơn tạo thủy. Những vùng núi trùng điệp gọi là quần sơn nằm trên thượng ngàn, vùng quê tôi là miền đệm trung du, dốc thoai thoải, thảng hoặc mới có một vài quả núi nhô lên trơ vơ. Các nhà địa chất gọi đó là những hòn núi sót, là dấu chấm hết cho diễn thế của một dải địa tầng.

Giáp làng, ngoài đường cái quan có một cái chợ nho nhỏ gọi là chợ Nếnh. Nếnh là nánh đọc chệch đi, nó là một tiếng cổ. Nó gợi một hình ảnh bên cao bên thấp, bên nặng bên nhẹ. Từ Nếnh hắt lên là đồng cao, từ nếnh hắt xuống là vùng chiêm trũng. Vùng chiêm trũng vào mùa nước sóng đánh ì oạp, thuyền câu trôi nổi, qua Ninh Khánh, Núi Hiểu, Bài Xanh, Trúc Tay, xuống mãi Lục Đầu. Đàn trâu bò dưới ấy ngụp lặn cũng giỏi như người dưới ấy, mỗi lần chúng ngoi lên là đã thấy có ngoạm một nắm cỏ nước chảy tong tỏng. Trẻ con lên năm lên bảy, cởi truồng nhao xuống nước một loáng, lúc nhô lên đã thấy hai tay hai con cá.

Chỉ dích lên một tị, đồng đất làng tôi đã khô ráo, một năm hai vụ chính, gặt xong lúa là bắt tay vào cày vỡ làm đất chuẩn bị gơ khoai lang, trồng khoai sọ, trồng rau, trồng ngô, reo đỗ, reo lạc. Ở mấy vạt đất thấp gần nước thì trồng dâu nuôi tằm, vây ao vây chuôm thả sen nuôi cá.

Có một dòng sông máng lấy nước mãi bên Thái Nguyên về, một hệ thống dẫn thủy nhập điền rất hợp lý lại đẹp thêm cho phong cảnh miền quê mấy huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng có một bài thơ làm khi ông phóng xe đạp đi vòng vo theo dòng sông máng Bắc Giang, bài thơ ấy có tên là Bài thơ sông máng. Và hệ thống sông máng ấy về đến vùng tôi là chấm hết, về đến đấy nước máng được thải xuống dãy ao trước làng, mặt ao và đáy kênh đào chênh tới cả chục mét.

Miền Tây Thanh Hóa có một hệ thống sông máng như thế, trong Phú Yên cũng vậy, nếu không gặp hai cuộc thế chiến người Pháp còn định cho đào thêm mười hệ thống lớn nhỏ nữa. Mấy năm tôi còn bé sống ở làng thì sông máng cạn nước, cạn trơ đáy, trẻ con gọi nhau vơ cành khô, lá khô, rơm rạ, vơ  tất cả những gì có thể vơ, càm cả xuống lòng máng đốt cho khói um lên làm nước mắt nước mũi ràn rụa, ấy vậy mà vui, cũng thật lạ, những chuyện trẻ ranh lại nhớ rất lâu. Vài ba con bé tóc để đuôi gà, buộc tóc bằng một sợi rơm khô, chổng mông chổng tĩ vừa thổi lửa vừa nhanh nhẹn nhặt mấy củ khoai bỏ vào đống nhấm. Mùa đông rét căm căm, chân tay nẻ toác, má đứa nào cũng thấy ram ráp như da rắn. Cả đời tôi dọc ngang tưởng chả còn thiếu nơi nào vậy mà vẫn không thấy mấy ai đẹp hơn những người em gái ấy.

***

Đàn trâu nghênh ngang chen lấn nhau trên những con đường nhỏ rồi khi ra tới cánh đồng cả lũ tóe ra đuổi nhau, húc nhau, ghì đầu nhau xuống đất, con lồng lên con quỳ xuống, những đám ruộng cầy vỡ bụi tung mù trời. Đám con gái chia bài tam cúc, lũ con trai đánh đáo đánh khăng, có hôm trẻ con làng nọ ném nhau với trẻ con làng kia, đuổi nhau dọc bờ sông máng, trên những luống cày, những cục đất khô khốc cứng như những cục gạch tương cả vào đầu nhau máu chảy ròng ròng, đấy là những cuộc chiến tranh liên miên đầy phấn khích và khó phân thắng bại.

Xa xa là một chú trâu dái với đôi sừng vút cong nom thật đáng nể, nó đứng lảnh một chỗ trong tư thế chúa tể của bầy đàn. Đôi mắt đỏ ngầu gờm gờm đầy uy lực, nó làm những con đực khác phải biết ý lảng ra xa, còn mấy ả cái vú vê thỗn thện thì lại sán đến, cái mũi hít hít, cái đuôi ve vãn, và tảng mông béo tốt rung nảy lên như đang được gãi.

Chú trâu dái có đầy đủ ý thức về quyền lực của nó, chú chả thèm quan tâm tới mấy mẹ sề làm gì, chú dậm chân lắc sừng, phì phì thở ra làn hơi nóng hôi hổi. Lát sau chú lững thững bước lên một bờ đất cao phủ đầy sim mua, những bụi ràng ràng, những khóm khuể. Đó là bờ một khe nước chạy quanh co trên cánh đồng. Cũng chẳng rõ cái khe ấy đã có từ bao giờ, người già nói tự dưng nó có chứ chả ai đào.

Mùa khô nước đọng thành vũng trong lòng khe, mùa mưa nước khắp cánh đồng đều dồn cả xuống đấy, cái khe bỗng hóa thành suối ồn ào răm ba ngày, đổ nước lung tung ra những dộc thấp, xong xuôi khe lại hoàn khe. Cái khe bắt nguồn từ chân núi kia. Quả núi có hình con voi nằm, vòi voi thả dài trên đồng làng Nhẫm, bởi vậy mà nó có tên gọi là núi Voi, cũng tức là núi Nhẫm. Núi là núi voi thì cái khe phải là khe Voi Đái. Qua nhiều đời, do người đông đất chật, thấy cai khe chẳng ích lợi gì, có khi trâu bò và người các làng còn bị ngã xuống gãy cả chân tay, thành thử mỗi đời lại san lấp một chút, làm cái khe nông dần, đứt thành từng khúc, thế là con voi cứ nằm đấy mà không bao giờ đái được nữa.

Tôi nhiều lần đã theo đuôi lũ bạn trong làng lang thang trên những cánh đồng, đi trên bờ cái khe nước ấy, loanh quanh rất lâu mới đến được chân núi Voi. Chân núi là một triền đất thoai thoải, rộng rãi chẳng kém gì cánh đồng, ở đấy cũng có xóm ấp, có người ở và tre pheo rậm rạp lắm. Đứng từ đấy quay lại tìm làng mình đã không còn thấy đâu nữa, nó đã bị che khuất bởi các làng khác. Chúng tôi đứng lại ngẩng mặt nhìn lên đỉnh núi rồi bảo nhau quay về. Chỉ nghĩ trên đó đang có Tây cao kều là đủ ngán rồi.

Những hiểu biết của tôi về quê hương quanh quẩn cũng chỉ có vậy, là vì chưa đến mười tuổi đã rời quê để một đời làm kiếp tha hương. Đó là một mớ những kỷ niệm lào phào, rất vụn vặt, nhắc chuyện quê nhà tôi lúng túng như thày bói sờ chân voi. Nhưng cũng có thể chính bởi thế mà chút kỷ niệm nghèo nàn kia đối với tôi lại hóa vô giá, không thể để mất.

Làng tôi là làng Mật Ninh, một cái tên dễ có gốc gác với một làng cổ. Đã có làng Mật Ninh lại phải có đình chùa, văn chỉ Mật Ninh và cũng phải có người Mật Minh, tiếng Mật Ninh. Tiếng làng ấy không trộn vào đâu được, nghe nặng lắm, mà nói to lắm và đàn ông đàn bà nhìn chung đều đon đả mau mắn. Ở xa về qua chợ Nếnh, chưa kịp nhận ra ai vào ai, mà nghe vài lời đã hiểu người làng ta đây rồi.

Có dạo tôi vào Thanh, ngủ lại Đông Sơn, sáng sớm chợt tỉnh, nghe có tiếng ai như tiếng người làng đang gọi nhau ra đồng, không khéo ông tổ làng tôi là người trong này kéo con cháu ra ngoài kia lập ấp lập làng chăng? Rồi lại có bận ngủ ở làng Mường Yên Lạc, sớm ra chị chủ nhà đánh thức dậy uống trà nóng, ngồi chuyện trò với mấy ông già một hồi bỗng giật mình, không khéo người Mật Ninh ít nhiều có gốc gác Mường cũng chưa chừng.

Năm xảy ra chiến tranh Biên giới, tôi ngồi xe lên với bộ đội Lạng Sơn, trong xe có một ông công an đi nhờ, dọc đường ông ấy đắn đo mãi rồi mới hỏi, ông Chu nghe đâu gốc họ Chu, vậy thì liệu có dây mơ rễ má gì với Tàu không? Tôi đâm hoảng nhưng cứ phải nói cứng, cũng chả hiểu thế nào, nếu thế thật thì cũng là chuyện đã trên nghìn năm. Đời Trần, đời Lý các cụ nhà tôi đã làm nghề dạy học, tên tuổi công tích được nhà vua cho chép vào sử nước, có ông được rước vào thờ trong nhà Thái học Văn Miếu - Tôi cũng xin hỏi đồng chí họ gì? Mình họ Cấn, vợ mình họ Cái! Ối giời ơi là giời, tôi vỗ đùi làm cả xe phá lên cười, nghe thế thì nhà đồng chí còn Tàu bằng mấy nhà tôi.

Năm trước vợ chồng tôi sang thăm Hàng Châu, có ông bạn Trung Quốc vừa gặp đã ôm lấy tôi mà bảo, đồng tính đấy nhé, phải uống rượu ngay tại đây theo phong tục gặp họ mới được. Rồi ông ấy vỗ tay gọi người phục vụ tới, nhờ bày cho một bàn tiệc thết đãi chúng tôi. Hương rượu Mao Đài dâng ngào ngạt, cạn chén rồi cạn chén. Ngoài sân có tuyết rơi, tuyết nhẹ như bụi phấn bám vào các khung cửa sổ đóng kín, những bông tuyết đầu mùa vùng Hoa Nam như những cánh mận trinh bạch và kiêu kỳ lả tả bay trong gió, Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu... Trong một căn phòng ấm cúng và tin cậy tiếng cười giọng nói người qua kẻ lại xiết bao gần gũi.

Mới hiểu từ cái làng ra đến nước, rồi từ nước ra đến nhân loại là cả một con đường dài với rất nhiều hiểm trở ghềnh thác. Đấy là một hành trình đòi hỏi con người ta phải có sự chuẩn bị công phu để có đầy đủ phẩm chất cần phải có. Ở đây bản sắc riêng là không thể thiếu, nhưng một khi có cái riêng thì cũng có nghĩa là ở đời còn có cả những cái chung nữa. Làm gì có nổi bản sắc riêng nếu không biết tới bản sắc chung, những đặc điểm cơ bản nhất để làm nên cái ta vẫn gọi là loài người. Một dân tộc thiếu những mực chuẩn để có thể cùng chung sống với nhân loại là một dân tộc đang tha hóa giữa nhân loại.

Tuổi thơ tôi đang lùi xa dần theo năm tháng như chiếc thuyền nan đang khuất dần vào cõi vô cùng, đến một lúc sẽ như một cánh chim bay lẫn vào mây khói chỉ còn để lại cái bóng của nó trong sóng hồ, trong đáy một vũng nước đọng dưới lòng khe.

Thế kỷ vừa qua là một thế kỷ lắm bể dâu, lắm bão tố, thân phận con người bị lăng mạ, bị chà đạp, thân phận nhiều dân tộc bị đẩy tới những khốn nhục tưởng không còn chỗ sống. Một tình thế khiến nhân loại sa vào thảm cảnh và trước những hiểm nghèo đó nó đã phải hết sức khôn ngoan, cật lực vận động.

Cũng như rất nhiều người khác, tôi hóa một đứa trẻ trôi dạt, thành cái cây được bứng đi nơi khác, thành tiếng nói lạ giữa nơi xa lạ. Hiểu thiên hạ hơn hiểu quê nhà, quanh năm suốt tháng ăn cơm thiên hạ, mà bát cơm quê mình chỉ là bưng lên từng bữa. Nói trả ơn cho đất cho người là trả ở đâu đâu, chứ nghĩ kỹ là không khỏi ngượng ngùng. Cái ơn sinh thành của mẹ cha, của quê hương là cái ơn phải đội trên đầu suốt một đời, ấy vậy mà sự đền đáp của mình lại chẳng được là bao, thật chả thấm tháp gì.

Đã bao năm rồi ánh lửa bập bùng trên ngọn núi tuổi thơ tôi giờ vẫn cứ bập bùng, nó luôn luôn thắp sáng lòng tôi, tinh thần sống tinh thần đi tới, như dây khoai bò trên cánh đồng như bông súng tím ngoi trong ruộng, mùa lại mùa e ấp những thương yêu không nói ra lời và lặng im như lửa.

***

Buổi trưa hôm đó tôi ngồi trước thềm học bài, mở cuốn Tân quốc văn đọc nghêu ngao, “Ai bảo chăn trâu là khổ, không chăn trâu sướng lắm chứ, đầu tôi đội nón mê, tay cầm cành tre vắt vẻo trên mình ngựa”... Đang ngâm nga thì súng đâu nổ ầm ầm, thế là có chuyện rồi, tôi quăng vội quyển sách toan vọt ra ngoài ngõ thì có một bàn tay rắn chắc túm lấy cổ tôi giữ lại. Chị Gái ở đâu hiện ra nhanh thế không biết. Chị kéo tôi xuống bếp, dúi ngồi vào thùng trấu. Cậu cứ ngồi im đấy, lúc này không phải lúc chạy nhảy, nếu súng nó nổ dữ hơn thì rúc hẳn đầu vào trấu, đắp trấu lên khắp người, trấu là thứ chống được đạn. Lúc nào bà về thì bảo với bà là chị đi rồi, bao giờ thắng lợi chị mới về, giờ chị phải chạy lên chỗ đang có súng nổ để mang các anh bị thương ra vùng tự do.

Nói rồi chị vọt đi liền, mau như một cánh én. Tôi ngồi đực trong thùng trấu một lát thì bừng tỉnh, thấy mình đúng là ngớ ngẩn thật và tôi cũng vọt ra ngoài xem sao, tôi có tội vạ gì mà phải ngồi trong cái thùng trấu này cơ chứ. Ở đầu làng đang có một đám đông lố nhố. Họ đứng đó nhìn lên phía núi, lắng nghe tiếng súng để phán đoán tình hình chiến sự.

Súng liên thanh nổ từng tràng chát chúa, súng trường nổ tắc bọp, một lúc sau đã nghe có tiếng súng cối, gọi là Mooc-chi-ê, từ trên núi Voi giót xuống, trên Mỏ Thổ câu sang. Một ông trung niên vừa ẵm đứa con vừa hất hàm hướng về chỗ có bóng chị Gái đang tất tả chạy ngoài cánh đồng.

- Con bé kia liệu có điên không nhỉ, nó đâm đầu vào chỗ ấy lúc này để ăn bổng ăn giải gì, một viên đạn găm vào đầu là cuối năm đừng lấy chồng nữa. Nghe súng nổ kiểu này là đang quần nhau ở đồng Nhẫm. Thế còn có lý chứ bảo đánh bốt con Voi thì đánh thế đếch nào được.

- Không đánh giặc ở trên núi thì rình lúc nó xuống mà đánh chứ có làm sao.

Tôi bâng quơ lên tiếng góp chuyện, cũng có ý cãi lại. Người ấy quay ra nhìn tôi hồi lâu, mặt gờm gờm. Tôi không dám đối đầu, đưa ngón tay chỉ chỏ về phía chị Gái đang sắp mất hút, nhưng mắt cũng gờm gờm chả kém gì.

Chiều tối bà về. Tôi kéo bà vào bếp thầm thì những điều chị Gái đã dặn, nghe xong bà gật đầu bảo, đừng bép xép nhé, thằng Tây nó mà biết thì nó kéo đến đốt nhà mày. Từ hôm đó bữa cơm chỉ còn có hai bà cháu ngồi quanh một chiếc mâm gỗ sứt xở. Suốt đêm tôi thức đợi chị Gái quay về, tôi vẫn chưa thể tin là chị đã đi rồi. Tôi còn cho là chị cũng chỉ nói phét thế thôi chứ mã chị mà làm Việt Minh sao nổi, Việt Minh là phải xuất quỷ nhập thần, thiên biến vạn hóa, hai tay hai súng, bách phát bách trúng. Đằng này chị ấy chỉ giỏi vo gạo chẻ củi chăn lợn chăn gà, cả vụ mới một vài lần nhảy vào chuồng hôi gánh phân ra đồng ném vào dõng khoai dõng bí. Mà chị thì gan góc gì, nhiều đêm phải gọi cả tôi cùng dậy vì không dám ra sân ra vườn một mình khi có tiếng chân lạ, có tiếng chó sủa ngoài đó.

Nằm trong buồng một đêm mấy lần bà tôi rên rỉ, Gái ơi, thức hay ngủ, nghe như có tiếng đứa nào bẻ nhãn đấy. Gái ơi, sao con lợn hôm nay nó kêu nghe khác thế. Gái ơi, con gái mà ngủ say li bì như cái cối đá thế thì đứa nào nó thèm rước, dậy xem đã đóng cửa chuồng gà chưa.

Sự thực chả đứa nào thèm lai vãng nhòm ngó nhà bà, những cây nhãn nhà bà vẫn cứ nguyên từng chùm nặng trĩu, có phàn nàn là phàn nàn đàn dơi vào mùa nhãn chín nó nhũng quá, kéo về đông quá.

Chỉ có một sự thực là chị Gái đã từ biệt ngôi nhà vắng tanh vắng ngắt này rồi. Ngôi nhà này chị đã từng có nhiều năm gắn bó, từ thuở mới lên chín lên mười chị đã cùng bà gánh vác chăm nom nó.

Đêm đến tôi vẫn trước thềm, hai tay ôm gối, mắt đăm đăm trông lên những ngọn lửa lập lòe trên núi Voi. Và tôi bắt đầu lơ mơ hiểu ra mình không chỉ có những đốm lửa kia thôi đâu, đời mình phải thuộc về những tiếng gọi xa hơn nữa. Hãy đi xa hơn nữa, như chị Gái đã đi. Tôi mong mình chóng lớn, càng nhanh càng tốt.

Trên cái thềm nhà cổ với những hàng cột gỗ mốc thếch này, với những viên đá bó thềm lạnh lẽo này, tôi đã ngồi mài cục son núi đầu tiên để tập tô những nét chữ Nho đầu tiên. Và tôi cũng đã ngồi đó mà tơ tưởng tới bóng dáng một cô bé thường vẫn lướt qua ngõ nhà mình vào những buổi sớm. Đấy là cô bé xinh nhất, dịu dàng dễ thương nhất trong mọi cô bé ở trên đời.

Và cứ thế tôi vẩn vơ, tôi lan man nghĩ ngợi. Tôi miên man chìm vào những ước vọng cho những ngày sống của mình đang đến. Kinh Thi có câu “Miên man Hoàng Điểu chỉ khâu ngung”, kìa có con Hoàng Điểu nhảy nhót trong gò kín. Đời ai mà chả có những kỷ niệm đẹp, những tư tưởng đẹp và nó đều đang được cất kỹ, giấu kỹ trong tâm khảm. Là con người mà thiếu điều đó được chăng? Con người biết yêu và biết thương, và tình thương mới lớn, tình thương mới khó, tình thương nâng con người lên cấp độ thượng đẳng trong khi tình yêu thì dù ít dù nhiều đến con vật cũng có thể có.

Mình nói với ta mình hãy còn son, Ta đi qua ngõ thấy con mình bò, Con mình những đất cùng gio, Ta đi gánh nước tắm cho con mình.

Đấy là một câu ca không dễ gặp trong thế gian rộng lớn này, vậy mà lại có ở đất ta, người ta, đấy là món quà vô giá tổ tiên đã gửi lại để cho không những ai đến sau. Nếu thiếu tình thương thì mọi tư tưởng, mọi triết thuyết dẫu có khôn bằng giời cũng chỉ nên vứt vào sọt rác.

Ngày ấy, khi chị Gái đã xa nhà được một năm, có anh bộ đội từ mặt trận Điện Biên về thăm quê đã kể gặp chị ở Quân y viện dã chiến, chị bây giờ trở thành nữ cứu thương xuất sắc và đã đổi tên là Gấm. Xưa là Gái mà nay thành Gấm. Có ai hỏi tên mình chị vừa e thẹn vừa vui, dạ thưa em là Gấm. Thực ra chị còn giấu đấy, chứ đồng chí chỉ huy khi lập lý lịch cho chị đã dặn từ nay đơn vị đặt tên cho em là Hồng Gấm, tấm gấm hồng, em có hiểu không.

Nhiều thương binh khi được đưa về trạm phẫu thuật tiền phương phải cưa chân cưa tay, thuốc thang chả có, họ đã hát Tiến quân ca để quên cái đau, lại có người không hát mà gọi tên người con gái mình mang lòng thương yêu, gọi cho đến lúc ngất đi thì thôi. Không phải chỉ một hai anh đã gọi tên chị. Các anh rên rỉ, Gấm ơi, em có đấy không, Hồng Gấm ơi anh khát... Vào những giây phút ngặt nghèo, tinh thần phiêu diêu ở chốn sông Mê bến Lú, cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc, hình ảnh chị chính là ngọn lửa hồng vẫy gọi các anh, níu giữ các anh.

Còn với tôi thì sao, với tôi hình bóng một người chị tất tả chạy lên hướng có tiếng súng hôm nào ở cánh đồng làng và những ánh lửa bập bùng trong tuổi thơ đã là quá đủ để tôi mang theo suốt một kiếp người, ai đó đã nói hành trang càng nhẹ thì đường đi càng dài. Trong tư cách một người cầm bút tôi nói, với tôi quê nhà yêu dấu bao giờ cũng là cội nguồn của mọi sáng tạo. Một lần ngồi trước trang văn là một lần lại Về quê đốt lửa.

           Đ.C

      Rút trong tập “Thăm thẳm bóng người”

     Nxb Hội Nhà văn - 2008

 

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 161 tháng 02/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground