Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lính đảo Phan Vinh

C

ánh lính trẻ ở tàu Ti-tan nói với tôi rằng: ở Trường Sa có hai nơi xuồng cập vào khó khăn và nguy hiểm nhất là đảo Phan Vinh và đảo An Bang. Phan Vinh, phần chìm của đảo là vách đá dựng đứng không thoải dần ra như các đảo khác nên khi sống đập vào bị cuộn ngược trở ra thành hình lưỡi búa. Tàu của ta đến đây có lúc gặp sóng cấp sáu đã không buông neo nổi hoặc không thể cho xuồng cập bờ được. Lúc ấy, người trên boong tàu, người trên bờ đảo nước mắt dân dấn giơ tay vẫy vẫy nhau. Cái động tác khó đặt tên chính xác, nửa như là chào chia xa, nửa như là gọi trở lại.

Cuộc đổ bộ lên Phan Vinh chiều nay của chúng tôi may mắn thay không gặp phải cảnh đó. Trời và biển như trộn lẫn vào nhau, hòa điệp một màu xanh ngăn ngắt mêng mang. Gió đại dương chỉ thoáng qua như những tiếng thở dài. Khe khẽ.

Lính đảo, một nửa quân phục chỉnh tề xếp hàng đứng trên bờ, một nửa đứng sẵn dưới nước để phụ trợ với lính tàu đẩy xuồng cao su vào. Trời lặng biển yên như thế mà những con sóng ở thềm đảo vẫn cứ cồn lên làm chao chiêng cặp xuồng cao su mong manh như đôi lá giữa mây nước miên man.

Thuỷ triều đang xuống. Xuồng không thể cặp bến được. Chúng tôi xắn quần xuống lội bộ. Mấy em văn công xinh đẹp cũng định làm theo liền bị cánh lính tàu, lính đảo cản lại và từng em một, những Bích Nguyên, Bích Ngọc, Hồng Hạnh, Lan Hương, Xuân Hương, Thuý Hằng, Hồng Lam được các chiến sỹ ta ghé lưng cõng vào bờ.

Lội gần tôi là một chiến sỹ tuổi chừng hai mươi, vừa bì bỏm bước đi vừa nhỏn nhẻn cười. Trên lưng chàng là diễn viên múa Thuý Hằng thanh mảnh kiều diễm như nàng tiên cá. Quay sang chàng lính, tôi nháy mắt hỏi nhỏ:

- Nặng không?

Trả lại cho tôi cũng một cái nháy mắt tinh nghịch, chàng lính đảo nói:

- Nhẹ như mơ anh ơi, cõng thế này thì cho chúng em cõng cả ngày cũng được.

- Thế có cõng được người ta cả đời không? Tôi đùa.

- Cái ấy thì anh phải hỏi người ta trước chứ. Chắc các anh đã biết lính đảo bọn em thương văn công đến cỡ nào rồi!

Nhìn lên Thuý Hằng, tôi ướm lời:

- Người ta nói rứa, ý của miềng răng em?

Thoắt cái, cả khuôn mặt trái xoan của cô diễn viên múa hồng rựng. Thay cho câu trả lời là câu nói như reo “Kìa anh, ở Trường Sa này cũng có cây dừa!”

* * *

Đảo nổi, nằm ở vĩ độ 08 độ 58 phút, kinh độ 113 độ 41 phút 30 giây, Phan Vinh không rộng. Chắc nhiều người đã biết Phan Vinh là họ tên người anh hùng trên tàu không số đã hy sinh anh dũng trong thời đánh giặc Mỹ. Ngoài phần nổi, đảo Phan Vinh còn có một dải san hô hình vành khuyên ẩn chìm trong biển khi thuỷ triều dâng và nhấp nhô lộ ra khi nước rút. Cây dừa mà Thuý Hằng trông thấy đã reo lên như gặp vật lạ là một trong bốn cây bóng mát ở đảo Phan Vinh. Một cây dừa và ba cây bàng vuông, toàn đảo chỉ có thế. Cây dừa này do một cán bộ thuộc lớp đầu tiên ra đảo trồng. Cây con mang từ đất liền ra, khi trồng xuống phải che chắn gió bão và chăm sóc cẩn thận lắm mới được như thế này. Nay dừa đã cao gấp ba lần tôi, rìa tàu lá bị nắng sém đỏ, đang ra quả. Bốn buồng non, trái nhỉnh hơn quả cau lớn một chút, màu lơ trắng. Cây dừa Phan Vinh toả bóng xuống cột mốc chủ quyền cắm trên đảo. Điều làm tôi xúc động như khi thấy bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt Nam quốc sơn hà khắc vào đá gắn trên cột mốc đảo Đá Tây hôm qua là trong buổi chiều tĩnh lặng này bên cột mốc thiêng liêng trên đảo Phan Vinh chúng tôi được đọc lời dặn dò của Bác kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Nhiều người trong đoàn chúng tôi đã đến bên cây dừa để chụp ảnh. Chỉ một khoảnh khắc thôi nhưng nó sẽ lưu lại suốt cuộc đời mình như một kỷ niệm đẹp và hiếm bởi vì đâu dễ có lần thứ hai trở lại với quần đảo bão tố này. Có lẽ, còn hơn cả kỷ niệm vì bao lâu nay đã là người Việt Nam ai không đau đáu Trường Sa. Trường Sa có tâm hồn mình như tình yêu cương vực, cõi bờ khôn nguôi, như dấu chân lịch sử chưa khuất lấp trên mặt đá san hô, như là nhịp đập vĩnh hằng của anh hùng Phan Vinh, của Trần Văn Phương và sáu mươi tư chiến sỹ hải quân đã ngã xuống trong ngày 14 tháng 3 năm 1988. “Không được lùi bước. Hãy lấy máu mình tô thắm lá cờ Tổ Quốc”. Lời thề ấy, còn vang vọng đâu đây giữa Trường Sa chiều nay.

Nhác thấy bóng Thuý Hằng, tôi gọi em đến bên cây dừa để chụp ảnh. Cười rất tươi, Hằng bảo: “Vâng. Nhưng anh chờ cho em mấy phút nghe”. Tôi đáp: “Nhất trí. Nhưng phải nhanh nhanh lên đấy, nắng sắp tắt rồi em ạ”. Tôi chờ. Một, hai phút. Năm, sáu phút. Bảy phút. Vẫn chưa thấy cô bé trở lại. Đúng mười phút sau mới thấy Thuý Hằng trở lại. Cười. Xin lỗi. “Chậm vì em còn phải đi tìm người ta anh ạ”.

Người ta, chính là chàng lính đảo đã cõng Thuý Hằng từ xuồng cao su lên bờ. Người ta cười tít cả mắt, thanh minh với tôi: “Cô ấy chưa biết tên em nên phải đi hỏi thăm hơi lâu”. Tôi giả đò vu vơ: “Thế bây giờ các bạn đã biết tên nhau chưa?”. Thuý Hằng nhanh nhảu: “Biết rồi, tên đẹp lắm, đẹp như tên con gái, Mai Châu Giang, anh ạ. Lại là đồng hương Nghệ An với em. Dân Cửa Lò đó”. Tôi giục: “Thế càng hay. Bây giờ hai em đứng bên cây dừa để anh chụp cho mấy kiểu ảnh kỷ niệm. Biết đâu đấy...”. Cả hai có vẻ e thẹn cứ đứng tách xa nhau. Tôi phải thét lên: “Sao xa thế. Đứng gần vào hơn nữa cho nó tình cảm. Mà Giang, cậu tươi lên một tý sao mặt thỗn ra thế. Xúc động lắm à”. Tôi bấm máy. Biết đâu sẽ có được một điều gì đấy.

* * *

Cạnh cây dừa là nhà của bộ phận quân y đảo. Đại uý bác sỹ Bùi Xuân Thanh, quê Hải Dương, thiếu uý chuyên nghiệp, y sỹ Nguyễn Đình Cảnh quê Hà Tây. Hai anh đều trẻ cùng ra đảo một lần. Hỏi chuyện, biết thêm Bùi Xuân Thanh chưa có dịp về thăm. Anh tâm sự “Chưa biết mặt thằng cu ra sao mà nhiều đêm em vẫn mơ thấy nó. Thương con lắm anh ạ”. Nguyễn Đình Cảnh mới có người yêu. Cô đang là sinh viên cao đẳng sư phạm. Hai người chăm viết thư cho nhau lắm. “Chuyến tàu này em nhận được mười bốn lá thư, riêng của cô ấy là mười lá”. Cảnh thật thà khoe với tôi rồi nói thêm: “Thấy anh chụp ảnh cho hai bạn ấy em nhớ Trâm Anh quá. Ước gì Trâm Anh được ra đảo để chúng em được chụp ảnh với nhau nơi cây dừa này”.

Bộ phận quân y đảo Phan Vinh nổi tiếng khắp Trường Sa với hai ca mổ ruột thừa gay cấn. Trường hợp thứ nhất là mổ cho bệnh nhân Hoàng Xuân Hồng, thuỷ thủ tàu HQ 613. Bảy giờ tối hôm đó, đảo nhận được điện của lữ đoàn từ đất liền gọi ra là chuẩn bị cấp cứu bệnh nhân. Mười một giờ đêm tàu mới đưa được thuỷ thủ Hồng đến đảo. Đêm ấy, gió hơi to, biển gợn sóng bạc đầu. Vất vả lắm mới cõng được Hồng từ tàu xuống xuồng và việc đưa xuồng vào đảo là một cuộc vật lộn cam go với sóng nước. Trước hết, phải chọn một người khoẻ mạnh, bơi giỏi kéo sợi dây thừng vào bờ. Sau đó, mấy người trên xuồng cầm chắc sợi thừng đó vừa để giữ thăng bằng cho xuồng vừa kéo nó đi. Những con sóng hình lưỡi búa tung bọt nước trắng nhóa ánh lân tinh muốn bứt chiếc xuồng ra khỏi sợi dây để lật nhào nó cùng mấy con người ngồi trên đó xuống biển. Người khoẻ, người ốm đều ướt nhèm. Mệt lử lả nhưng chả ai dám lơi tay vì tai họa có thể xảy ra trong gang tấc. Cuối cùng thì xuồng cũng nhích được vào bờ. Bác sỹ Bùi Xuân Thanh khám thấy bệnh nhân tuy tỉnh táo nhưng sốt cao, đau quằn quại ở hố chậu phải. Viêm ruột thừa cấp giờ thứ ba mươi hai. Theo thường lệ đã quá tám giờ phải xử lý. Mổ ngay, bác sỹ Thanh quyết định. Thanh mổ chính, bác sỹ Hương (quân y đảo Tốc Tan đi theo bệnh nhân) và y sỹ Cảnh phụ mổ. Bốn mươi lăm phút ca mổ hoàn thành. May quá, cái ruột thừa đã căng mủ, sưng to sắp vỡ thì được cắt ra khỏi ổ bụng. Một tuần sau bệnh nhân Hồng đã đi lại bình thường.

Ca thứ hai là mổ cho Nguyễn Trọng Thuật, thuỷ thủ tàu HQ 640. Trường hợp này bệnh nhân được đưa đến đột ngột. Năm giờ chiều hôm đó, Thuật được đưa vào đảo. Ca này triệu chứng không điển hình nhưng bằng kinh nghiệm bác sỹ Thanh chẩn đoán bệnh nhân đã bị viêm ruột thừa. Anh trao đổi thêm với chủ nhiệm quân y Vùng 4 trên máy và hai người đi đến quyết định cho mổ. Kíp mổ ngoài Thanh ra còn có y sỹ Cảnh và y sỹ Lưu Văn Phú. Mổ từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối ca mổ mới xong và ruột thừa của thuỷ thủ Thuật dài tới 12 xăng-ti-mét, gấp đôi người bình thường.

* * *

Đảo tràn ngập ánh trăng. Bên cây dừa độc nhất trên đảo bộ đội ta vai kề vai ngồi xem văn công biểu diễn. Với lính đảo Trường Sa được nhận thư đất liền và xem văn công múa hát là ước mong lớn nhất. Thường thì phải vào mùa biển lặng tàu lớn mới chở văn công ra đảo. Sân khấu là nền đảo, phông màn là trời biển bao la, người biểu diễn người xem gần sát bên nhau, tưởng chừng nghe rõ hơi thở và nhịp đập của con tim. Chưa có ở đâu người hát và người nghe đồng cảm với nhau như ở Trường Sa, tôi dám chắc thế. Lính ta nghe văn công hát xong vỗ tay rầm rập, có người mang ốc nón, cành san hô biển lên tặng diễn viên. Tôi nhớ mãi tiết mục đơn ca của ca sỹ Bích Ngọc. Các chiến sỹ trên đảo và cả chúng tôi nữa như trôi đi êm ả trong giọng hát sâu lắng ngọt ngào của em với bài “Neo đậu bến quê”. Cánh lính cứ trầm trồ xuýt xoa “Chị Bích Ngọc hát hay qúa. Tiếc là không có hoa tươi để tặng chị”. Chợt một người lính rất trẻ từ bên ngoài chạy vào sân khấu trên tay cầm những bông hoa trắng muốt. Trời ơi, hoa tươi, cánh trắng mỏng dường như đang phập phồng, phập phồng trên bàn tay cháy nắng. Những bông hoa dân dã quê mùa trên tay người lính đẹp như một giấc mơ bay về từ chốn ca dao có ngọn gió phù sa mát rượi. Người lính tặng hoa cho Bích Ngọc. Tất cả lặng đi khi nhận ra đó là những bông muống trắng được người lính trẻ vừa hái về từ khay rau của tiểu đội mình.

Lính đảo hát, ngâm thơ xen vào với tiết mục của văn công. Không ngờ Mai Châu Giang, chàng lính quê Cửa Lò lại hát hay thế:

Đảo mùa này chợt nắng, chợt mưa

Không có em anh phải làm con gái

Một đầu anh đuổi bắt một đầu em...

Giang càng hát càng say. Và, đêm đảo Phan Vinh càng lãng mạn hơn khi Thuý Hằng trong bộ đồ múa tiết mục Biển và Đảo xanh màu ngọc bích chạy lên hôn nhẹ vào má chàng lính đảo “đồng hương xứ Nghệ” của mình. Tiếng vỗ tay, tiếng reo cười vang lên vui như Tết. Trong ánh trăng mười sáu bàng bạc những tàu dừa lấp loáng đung đưa như cũng đang múa giữa biển trời yêu dấu Trường Sa...

            N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 147 tháng 12/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground