Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Màu cờ ấy...!

“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”

Không biết do tình cờ ngẫu nhiên hay tất yếu thời đại mà có hai bài hát tôi thuộc đầu đời lại đậm chất… cách mạng. Ca khúc thứ nhất là Giải phóng Điện Biên. Đơn giản là khi lên sáu tuổi vào lớp vỡ lòng cũng là lúc bài hát này đang thịnh hành. Thầy giáo bèn nhờ một anh bộ đội phục viên mặc áo trấn thủ dạy chúng tôi hát. Sau này cứ mỗi khi nghe giai điệu ấy là lại thấy hiện lên hình những quả trám chần đều đặn trên áo anh bộ đội. Khi vào lớp một, qua học ở đình làng bên, lần đầu tiên tôi đứng trước sân chào cờ. Toàn trẻ con nhưng chênh nhau tới năm sáu tuổi, có đứa mặc quần đùi, tóc tai xơ xác. Thầy hiệu trưởng cũng già nua thậm chí hơi gù lưng. Người ta trồng một cây tre thẳng. Anh trưởng tràng kéo sợi dây. Chúng tôi hát bập bõm lời một ca khúc rất lạ lùng nghe hơi bí hiểm như có tiếng gươm khua ngựa hí. Bài này không tươi tắn phảng màu xanh như Giải phóng Điện Biên mà có màu đỏ thẳm, giai điệu trầm hùng: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Tôi mường tượng thấy một toán đàn ông vài ba chục người trùm áo mưa vải bạt màu đen đi trong rừng rậm hơi tối, nòng súng nhấp nhô, không ai nói với ai lời nào. Xa xa có đốm lửa, bóng vài ba người phụ nữ thập thò im ắng, buồn. Đang gân cổ hát, tôi chợt nhìn lên bỗng thấy òa ra một quầng đỏ rực. Một lá cờ vuông vắn nền đỏ sao vàng không hiểu sao cứ lừ lừ tiến cao lên giữa trời. Rất lâu về sau, thậm chí cả bây giờ trong giấc ngủ tôi vẫn có ảo giác rằng, chính tiếng hát đồng ca của chúng tôi đã đẩy lá cờ lên cao. Điều thú vị nữa là, khi cả lớp ngừng hát, lá cờ cũng đứng yên trên đỉnh cột. Đó là một sáng thứ hai đầu tháng Chín, nắng rất vàng và gió rất nhiều. Lá cờ định vị trên cột liền phấp phới bay. May mắn thay cho đời học trò của tôi đã có được một khởi đầu như thế. Sau này, cứ mỗi dịp nghe đâu đó giai điệu Tiến quân ca là trước mắt tôi lại hiện lên cái màu đỏ thắm và văng vẳng như có tiếng cờ bay phần phật. Những lúc đó tôi thường đứng lại, tự lắng nghe mình, lật giở những tầng tầng ký ức về một kỷ niệm không dễ gì lạt phai.

Cứ thế được năm năm, đâu đó có đám đông lại xuất hiện những lá cờ. Trường tôi cứ sáng thứ hai là lại đứng trước cái màu quen thuộc thiêng liêng ấy. Nhưng rồi tới cuối năm 1964, bắt đầu vắng những đám đông và màu đỏ vàng của cờ. Thay vào đó là màu xanh lá ngụy trang, màu xám của đất. Thậm chí sau này người ta ngụy trang cả bằng cành khô lá úa để che mắt địch. Công sự đào lên đất mới phải phủ bằng cỏ, áo quần trắng, xanh, đỏ, tím, vàng phải nhuộm hết. Cả những nòng pháo cao xạ cũng được quấn dây leo như ngọn trầu thân cau. Máy bay Mỹ gầm thét, các cỡ súng của ta hướng lên trời khạc lửa. Trưa mồng 6 Tết Ất Tỵ (1965) hàng trăm máy bay các loại của không lực Mỹ ồ ạt tiến hành chiến dịch “Mũi lao lửa 1” băm nát Đồng Hới và Hồ Xá, đánh phá 700 mục tiêu trên dải đất hẹp Quảng Bình - Vĩnh Linh. Học trò học dưới hầm không làm lễ chào cờ được nữa. Đâu đó có các cuộc họp của người lớn hay lễ kết nạp đảng viên dưới nhà hầm. Không phải kéo mà người ta căng lên hai lá cờ ở vách hầm: Cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm. Có khi mới nắm tay thề dưới cờ mà mươi phút sau đã lại nổ tan xác dưới đám bom từ trường. Những năm ấy, tôi chưa qua tuổi thiếu niên nhưng cũng đã cảm nhận được tính nghiêm trọng của thời cuộc. Tới hồi 1967 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại dần dần đẩy đến độ hủy diệt, tất cả trẻ con, người già, phụ nữ sơ tán ra Bắc. Dân số còn chừng một nửa, tất cả đều chiến đấu. Mặt đất chỉ còn tiếng sắt thép chạm nhau, súng, bom, pháo kích. Cái mùi đặc trưng là mùi thuốc súng, mùi máu. Cái màu độc tôn là màu xám của sắt thép và màu đỏ trong đôi mắt người lính trong lễ truy điệu liệt sĩ. Dưới các nhà hầm vẫn trương Quốc kỳ, Đảng kỳ trong các lễ kết nạp đảng viên, lễ “truy điệu sống” trước khi phá bom nổ chậm, từ trường hay thủy lôi. Ở bến phà Gianh có lễ truy điệu độc nhất vô nhị: năm chiến sĩ lái ca nô phá thủy lôi. Người ta úp năm cái thúng, phủ quốc kỳ lên trên làm mộ giả. Mỗi người đứng trước “mộ mình” cũng là trước quốc kỳ mà thề không lùi bước. Nhiều người chết thật, có người sống. Sau ba lần như thế Phạm Xuân Khuể được phong anh hùng. Suốt nhiều năm liền ở cầu Hiền Lương (Bến Hải - Vĩ tuyến 17) có cuộc “đấu cờ” dai dẳng bất phân thắng phụ giữa ta và địch. Ban đầu cột cờ của ta ở bờ Bắc là một cây phi lao cao 12 mét. Bọn địch ở bờ Nam cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 mét. Các chiến sĩ ta liền lội rừng tìm được cây gỗ thẳng làm cột cờ cao 18 mét. Liền đó Mỹ Diệm xây trụ cờ 25 mét. Ngày 19 - 7 - 1957 ta lắp ráp cột cờ bằng sắt cao 34,5 mét. Ít lâu sau bờ Nam lại nâng cột cờ lên 35 mét. Năm 1962 Chính phủ ta điều hẳn một đơn vị vào xây cột cờ. Từ đó, lá cờ đỏ sao vàng rộng 108 m2 bay lồng lộng trên đỉnh cột cờ 38,6 mét tượng trưng cho ý chí thống nhất Bắc Nam. Trong mười một năm từ 1956 - 1967 ta sử dụng hết 264 lá cờ. Trong chiến tranh, không quân Mỹ tập trung đánh vào cột cờ, 11 lần cột cờ bị gãy, 11 lần ta dựng lên. Riêng năm 1967 có 42 lần lá cờ bị bom đạn phá rách, mẹ Ngô Thị Diệm, người làng Hiền Lương từ chối đi sơ tán, ở lại đêm đêm vá cờ. 13 chiến sĩ ngã xuống ngay dưới cột cờ, 50 người khác bị thương. Đến ngày 2 - 8 - 1967, Mỹ - ngụy huy động tối đa bom đạn đánh sập hẳn cột cờ của ta. Ngay đêm đó, an ninh ta đặt bộc phá đánh gục cột cờ ngụy ở bờ Nam. Mẹ Diệm không còn nữa, nhưng lá cờ mẹ vá trong bảo tàng hiện hữu như một tín ngưỡng. Ông Hùng ở miền tây Đồng Hới là một người hậu sinh của mẹ Diệm. Ông không vá cờ mà chuyên may cờ. Ông là thợ may, nhưng tuyệt nhiên đến nhà ông không thấy cái cảnh vải vóc bừa bộn. Vải đỏ mua về ông cất trong tủ, may xong cờ đỏ và sao vàng ông lại xếp vào tủ. Nhà ông có hai điều tối kỵ: giẫm lên hạt cơm rơi và bước qua cờ. Có thể nhờ vậy chăng mà con cháu ông đều thành người có đức được xã hội tôn trọng!

Năm 1973, chính xác là 7 giờ sáng ngày 28 tháng 1, Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, ngừng bắn. Không ai đứng đó cắm cờ lên phân ranh giới. Ngặt cái, đúng giờ ấy ở bãi cát nam Cửa Việt đang đánh nhau to. Một đại đội tăng thiết giáp của ta chặn đánh hai thiết đoàn Mỹ để giữ lấy cái cảng yết hầu chiến trường Trị Thiên. Phải tới hơn 8 giờ, khi cả hai bên đều xác xơ, xe cháy sạch mới ngưng súng. May quá, cảng vẫn trong tay ta. Trước đó, trung tuần tháng 9 - 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị, sau tám mươi mốt ngày đêm ta mất đứt tám mươi mốt đại đội (một vạn chiến sĩ), Thành Cổ thất thủ, cờ địch cắm lên. Một trăm ngày sau, nếu lấy sông Thạch Hãn làm chuẩn, chúng tôi phải lùi thêm gần 10 kilômét nữa. Vậy mà khi cắm cờ lên, ngó lại đại đội không còn mấy người. Riêng xe tôi “năm anh em trên một chiếc…” mất bốn rưỡi, còn mỗi một thương binh nặng. Những người còn sống cắm lên một hàng cờ, chống súng ngẩn ngơ nhìn mà không ngờ rằng còn phải giương cao ngọn cờ tắm máu, hành quân gần cả ngàn ngày nữa mới cắm được lên nóc Dinh Độc Lập.

Hồi ấy, tròn hai mươi tuổi, lần lượt chôn từng thành viên trong xe xuống lớp đất cát nóng của Triệu Phong, Quảng Trị, tôi không khóc. Vậy mà những ngày này, đất nước như đang xốc lại đội hình, như thể cả một dân tộc vừa ngộ ra cái nội lực lâu nay đang tiềm ẩn, nghe lại Tiến quân ca và lá cờ đỏ sao vàng cứ tịnh tiến lên trời như thể chỉ nhờ dòng nhạc, ca từ Cờ in máu chiến thắng… mà được đẩy lên cao. Chỉ được chiêm ngưỡng điều đó qua cái khuôn hình TV sao nước mắt đàn ông lại trào đẫm trên mi?!

N.T.T

Nguyễn Thế Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground