C |
on người ta, khi đã nên danh, nên nghiệp, những hồi niệm về quê nhà, về thuở hàn vi thường viết ra dễ dàng hơn. Cũng đúng thôi, người ta tự hào về quê hương cũng như quê hương tự hào về họ. Một món nợ đời người mà không dễ ai cũng trả nổi. Tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn như thế khi cầm bút muốn viết một cái gì đó về Cam Lộ, về cái miền đất chôn nhau cắt rốn của mình song trong thâm tâm cứ ngại ngần. Nhưng mà cũng không sao, cho dẫu suốt đời, không làm được điều chi danh phận, trong tôi quê nhà yêu dấu mãi mãi là miền ký ức hương hỏa- một thứ hương hỏa như thế đất đai, đồng ruộng, miễu vũ, chùa chiền…nó có trong mỗi một con người, mỗi một đời người, cho dẫu nẻo trần gian có nhiều, còn nhiều những vui buồn tán tụ, những biến dịch thăng trầm, những vật đổi sao dời…thì miền ký ức uyên nguyên ấy là thiên đường, vâng, như một bài ca: “Quê nhà-thiên đường của mỗi người là thiên đường quê nhà của riêng ta…”
Tôi đã nhận ra điều ấy, lặng lẽ, ân cần, ngấm dần vào mỗi ngày tôi sống, mỗi ngày đi qua. Quê nhà, Đỗ Trung Quân đã hơn một lần rưng rưng chiều ba mươi tết rằng: “có quê hương như thiếu quê nhà”, thiếu cái miền ký ức hương hỏa của ấu thơ, của đồng chiều cuống rạ. May mắn hơn, mười năm có lẻ, bao nhiêu chuyến đi xa, những chạng vạng chiều nơi xứ lạ quê người cứ đăm đẵm trong tôi hình bóng phiên chợ làng, ngôi đình rợp tán cây trông ra chợ, biền bãi phù sa dọc bờ sông Hiếu, tiếng xe chạy qua cầu Đuồi rung bằn bặt những đầm sắt vang lên và thân cò lặn lội đồng xa đồng gần của mạ, của o, của dì, của bác, những con ốc con đam nằm lọt thỏm giữa đôi rế tre, mái tóc khét nắng của đứa em trai, hàng tre gầy rộc mùa gió Lào, cái hố bom sâu hoắm ở góc nền nhà cũ…Ba mươi tuổi của cuộc đời và bao nhiêu tuổi cho ký ức? Thật khó trả lời!
Bởi gần mười thế kỷ trước, vó ngựa của Lý Thường Kiệt đã rong ruổi đến đây vẽ địa đồ nước Nam-Cam Lộ bắt đầu từ đó. Hay xa hơn, từ thời đá cũ mà những chiếc rìu đá, bàn mài của người xưa còn lưu dấu nơi hang đá vùng Tân Lâm – thượng nguồn sông Hiếu? Hay gần hơn, khi một ngày xuân năm Bính Ngọ 1306, Huyền Trân công chúa trở thành hoàng hậu Chiêm Quốc để Cam Lộ trên Châu Ô, Rý về lại đất Nam…Mà thôi, Cam Lộ trong thư tịch cổ bao nhiêu nhà nghiên cứu đã nhắc đến rồi, trong sâu thẳm thời gian và sâu dày quá khứ đang hun đúc cho buổi hôm nay những niềm hy vọng…
Hai mươi năm trước, thằng bé mười tuổi là tôi, được cha dắt về thăm quê sau mấy năm trời loạn lạc, trí óc non nớt không đủ nhận ra những âu lo cuộc đời sẽ ném xuống vai mọi người sau mỗi cuộc chiến tranh. Không biết rằng cuộc sống trên mảnh đất này chưa dễ yên đằm, chưa dễ hòa bình là không còn chết chóc. Mười tuổi, chỉ mơ ước một chiếc khăn quàng đỏ và hát vang làng: “Cam Lộ quê em có đồng lúa xanh tươi chiều chiều đàn em vui cắp sách đến trường…” Và những chiều thứ năm 5, chủ nhật, sau 5 tiếng kẻng là lũ nhóc trong đội nhi đồng chúng tôi mang chổi, mang cuốc đi dẫy cỏ đường làng, quét là tre khô và hốt phân bò cho phong trào “sạch làng tốt ruộng”. Một buổi chiều như bao buổi chiều “sạch làng tốt ruộng” ấy, tổ thiếu niên xóm Đông Định đang làm vệ sinh con đường men bờ sông bỗng một tiếng nổ chát chúa vang lên. Trời đất ơi, cả thằng Hiền và thằng Bình giãy giụa trên vũng máu. Cả hai chết trong đêm hôm đó, liên đội thiếu niên kết vòng hoa đưa tang. Ký ức ấu thơ của tôi có một vết hằn thứ nhất về cuộc chiến tranh đã qua.
Năm sau, đồng tháng Năm làm lúa vãi, cả tập đoàn đi đập đất “bệ” (đất phơi ải), giữa chang chang nắng chiều chợt “Ầm” cả làng nhao ra, than khóc. Một quả bom bi nằm trong tảng đất to, nhiều tay vồ xúm lại chung đập. Ba người chết, người thứ nhất là o Sáu, bà O của tôi chết để lại hai con nhỏ, người thứ hai là anh Thảo, anh củathằng Hiền vừa chết trong đợt trước, và anh Vinh, mẹ anh cũng chết bởi cuốc phải bom bi khi trồng khoai sau vườn.
Những tiếng nổ bom bi ấy cứ vang lên, khô và đanh như một định mệnh. Không nhớ bao nhiêu người đã ngã xuống trên đất này. Đứa con trai vừa chết vì bom bi người bố vào khoanh một miếng đất bên cạnh để trồng sắn, có dịp vào ra chăm nom mộ phần lại cuốc phải bom bi, ông bố chết bên nấm mồ con chưa kịp xanh cỏ. Rồi đến một ngày, định mệnh oan khiên cũng đem 6 vành khăn tang đặt lên mái đầu bạc của bà nội tôi, mái tóc pha sương của mạ tôi và bốn mái đầu thơ dại của anh em tôi khi cha tôi đã ngã xuống trên đồng đất quê nhà vì quả bom bi còn lẩn sâu trong cỏ.
Những tiếng nổ sau chiến tranh, những vành khăn tang sau chiến tranh, những giọt nước mắt sau chiến tranh…trên mảnh đất người đời này đã găm sâu vào trong ký ức của bao người. Những tấc đất ứa đỏ máu người ấy chưa mang lại bờ xôi ruộng mật, chỉ bằn bặt ngọn gió hoang hoải thổi qua từng đêm mùa khô, nhàu nhàu cây xấu hổ và cỏ tranh, cỏ ống, cỏ chỉ. Máu đã đổ suốt hai cuộc chiến tranh, máu tiếp tục đổ trong hòa bình mà ấm no xem chừng còn diệu vợi.
Đói, tất nhiên không thể so sánh với thuở Ất Dậu như bao nhiêu người vẫn kể, không như những năm sau Mậu Thân mà nhiều người vẫn nhắc, nhưng cứ tính một ngày công 2 lạng thóc. Một ngày công chỉ vừa một nắm gạo trong tay thì làm sao cho khỏi đói. Đếm sao cho hết những trận say sắn trong vùng mỗi gia đình này. Có người chết vì say sắn , đói quá mà. Nồi bo bo hầm hết một bó củi vẫn chưa chịu nhừ. Những năm 79 - 80 ấy đâu riêng Cam Lộ - câu hát “người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của Nguyễn Văn Tý, ngoài kia người ta cải biên lại thành: “Ta nghe trong “nớ” ăn cơm là chuyện lạ”- Lạ hơn là người ta vẫn sống và vẫn hy vọng. Không như câu chuyện về con gà mái ở chợ Kẻ Diên, trên mảnh đất này thôi, trên đồng đất Cam Lộ này, 5 giờ sáng đã kéo nhau dậy bới theo dăm củ khoai trong mo cau để ăn trưa, tối về còn lọ mọ bờ ruộng nhổ rau má đựng vào mê nón mà đắp đập ngăn hồ chứa nước, làm ruộng hai vụ.
Cho đến bây giờ, khi nhớ lại, nhiều người vẫn không hiểu vì sao họ có thể sống qua những ngày khó nhọc ấy mà vẫn yêu nhau, vẫn sinh con đẻ cái, vẫn cho con cái đến trường đàng hoàng.
Hai mươi năm, có một phân nửa thời gian ấy cho nhọc nhằn. Và chắc có người sẽ hỏi: Trong cái ngày vui này nhắc nhiều làm chi những chuyện cực nhọc, chuyện chết chóc ấy. Nhưng làm sao có thể không nhớ đến? Bởi đây đâu chỉ là câu chuyện của riêng ai. Máu và xương đã rải suốt cái hành trình dằng dặc mấy trăm năm, mấy ngàn năm, không ai có thể quên và có quyền quên. Và nhớ lại tất cả những chuyện ấy cũng để cho hôm nay biết ơn cái ngày hôm qua khó nhọc, tin tưởng vào cái ngày mai đang tới.
Làm sao không tin được cơ chứ, khi chỉ mới hai năm thôi, ngày chiếc xe MTZ-50 đưa những nhát ben trước sân UBND huyện san lấy một khoảng phẳng cho huyện lỵ bắt đầu mọc lên cũng là lúc có anh cán bộ huyện lúi húi viết lên tấm cót ép mấy chữ “cẩn thận, có mìn” gắm vào những đạn những mìn mà lưỡi ben vừa gạt lên. Vậy mà giờ đây một phố mới đang giăng giăng tường vôi vàng ấm, xanh êm, hồng dịu bên đường số 9. Một ngôi trường bề thế cao hai tầng cạnh chiếc cổng chào ngót nghét 20 năm rồi trơ gan cùng tuế nguyệt, điện về ấm sáng từng mái nhà dân, những cần ăng ten cao vút trên nóc… “Vui cứ đến một ngày nho nhỏ” – chưa thể xoa tay để ngồi ngắm tất cả, còn phải chung lưng đấu cật vật lộn nhiều hơn nữa nhưng bắt đầu từ những niềm vui này, nụ cười đã rạng rỡ mặt người.
Sẽ hóa thành một bài tụng ca mất, nếu cứ liệt kê những công trình đã và đang mọc lên trên mảnh đất này, nhưng làm sao có thể không ấm lòng khi nhìn những đứa trẻ trong xóm tôi, những đứa trẻ sau “30 tháng 4”, thế hệ ấy vừa tròn 18-20 đứa nào cũng vóc dáng cao lớn. Những cu Bi, cu Tèo, cu Tí hôm nào giờ đứa đã vào đại học, đứa vào lính, đứa làm thợ, đứa vẫn làm ruộng nhưng chao ôi, nhìn chúng bây giờ làm sao có thể tin những năm 76-80 đã ngằn ngặt khóc vì thiếu sữa, vì mẹ ăn toàn sắn, con xanh rớt bủng beo?
Hai mươi năm, nếu cứ cho “nhân sinh thất thập”, còn vài chục năm nữa để hy vọng và tin yêu cùng quê nhà. Rất có thể miền ký ức hương hỏa trong tôi còn “vật đổi sao dời” thêm chút nữa. Khi chiều nay gặp những cán bộ trắc trặc đang nheo nheo ngắm, hình như trong dự án nối đường xuyên Á về tận Cửa Việt có một chặng dài xa lộ đi ngang đây, chỉ mới nghĩ đến một con đường băng qua cánh đồng Trào Ba sùi sụt nắng mưa, băng qua dòng sông Hiếu, xuôi về Sòng vượt Cam An, Gio Việt về với cảng biển lòng đã rộn ràng vui chi lạ. Có thể cánh đồng rồi bị lấp, phố mới sẽ mọc lên, bãi thả diều sau đình làng không còn để nhường cho một xa lộ thênh thang băng qua, những đứa trẻ bây giờ khi lớn lên sẽ không có một miền quê đằm thắm và nhọc nhằn như ký ức tôi đã có. Nhưng hề gì đâu, mỗi cuộc đời lớn lên trên mảnh đất này sẽ biết mang theo quê hương khi đi xa. Cho dù không nên danh nên nghiệp chăng nữa thì cứ là một đứa con của đất, của làng, của mạ. Đâu phải vô tình mà một người Cam Lộ-Tiến sĩ khoa học Phạm Như Khôi từng đoạt giải thưởng về thơ của Pháp lại lấy cái tên làng Quất Xá quê nhà làm bút danh Phạm Quất Xá trong tập thơ “Les chansons suos la lune” (Tiếng hát dưới trăng). Mỗi người có một quê nhà trong tâm thức. Và trong tôi quê nhà là hương hỏa của ký ức riêng mang với tất cả vui buồn chất chứa và lặng lẽ yêu thương, lặng lẽ nhớ về, lặng lẽ tin yêu, hy vọng…
L.Đ.D