Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mò Ó hôm nay

T

ừ thời Nguyễn, Mò Ó không còn là phần đất của miền biên viễn nữa, mà là nguồn dự trữ và bổ sung nhân tài vật lực cho mọi nhu cầu của quốc gia. Dòng sông Đakrông chảy từ Tây sang Đông đi qua địa bàn Mò Ó, lưu vực của nó có địa bàn hiểm trở, là nơi bình thường có thể ẩn náu để dưỡng sức, khi thời cơ đến sẽ là địa bàn xuất thế tấn công. Chính vì thế, Mò Ó trở thành vùng đất tiềm dưỡng, thế “ngọa long” trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, phong trào Cần Vương ở Quảng Trị nói riêng vào nửa sau thế kỷ XIX.

Lịch sử đã từng ghi lại: Sau khi kinh đô Huế rơi vào tay giặc (5/7/1885), khi thực dân Pháp và tay sai đặt chân lên đất Quảng Trị để chiếm đóng và truy đuổi vua Hàm Nghi, tiêu diệt những người ủng hộ nhà vua yêu nước, đồng bào các dân tộc ở Mò Ó đã tích cực tham gia trực tiếp vào công cuộc chống thực dân Pháp.

Do thực dân Pháp âm mưu tấn công Tân Sở để truy bắt vua Hàm Nghi và tiêu diệt những người chủ trương chống Pháp, Tôn Thất Thuyết quyết định vượt sang phía Tây, theo ngã Đakrông đến La Ngan qua thôn Bù lên Hướng Hóa đi sang Lào và lên hướng Bắc để đến sơn phòng Quảng Bình - Hà Tĩnh.

Từ Tân Sở, ngày 26/7/1885, vua Hàm Nghi đi qua Mai Lãnh (cũng gọi là Mai Lĩnh) thuộc địa bàn xã Mò Ó huyện Đakrông ngày nay. Địa bàn Mò Ó lúc bấy giờ còn rừng rậm, âm u, núi non hiểm trở không có đường giao thông lớn mà chỉ là những lối mòn xuyên dưới những cánh rừng đại ngàn do đồng bào dân tộc thiểu số đi lại tạo thành. Vua Hàm Nghi và đoàn quan quân đã theo những lối mòn trong rừng để chạy thoát các cuộc truy bắt của thực dân Pháp. Trong những ngày chạy trốn, nhà vua đã được đồng bào các dân tộc ở Đakrông đón tiếp trọng thị, lo nơi ăn, chốn ở, chăm sóc, bảo vệ nhà vua chu đáo. Nhất là khi nhà vua dừng chân ở Mai Lĩnh thuộc bản Khe Luồi của xã Mò Ó được đồng bào các dân tộc nhiệt tình cất chòi, dựng nhà, ủng hộ gạo, thịt để vua và đoàn quan quân lưu trú. Tình cảm của đồng bào các dân tộc ở Mò Ó ủng hộ nhà vua kháng chiến đầu tiên dưới triều Nguyễn đã được vè “Thất thủ kinh đô” ghi lại rất thắm thiết:

Cậy cùng các mán Cà lơ

Làm nhà cư trú tức thì cho mau

Ầm ầm các mán kêu nhau

Làm nhà cư trú cho mau tức thì

Thánh thượng bàn hỏi mỗi khi

Quốc vương thủy tổ đây thì xứ chi

Ông huyện, ông tổng tâu quỳ

Địa đầu Mai Lĩnh thiệt thì nơi đây

Và tình cảm của vua Hàm Nghi đối với đồng bào các dân tộc và núi rừng Mò Ó được thể hiện khá ấn tượng trong bức tranh sơn dầu Déclin du jour (Chiều tà) mà nhà vua đã vẽ tại biệt thự Gia Long khu El Biar trong thời gian lưu đày tại Algérie.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đakrông nói chung, Mò Ó nói riêng là thế dựa lưng cho vùng đồng bằng Quảng Trị, là địa bàn để thao diễn, tập dượt cho lực lượng vũ trang, nơi cung cấp nhân lực, hậu phương quan trọng trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Và như một sự minh chứng của lịch sử về truyền thống yêu nước của đồng bào các dân tộc ở Mò Ó, ngày 3/2/1947, lực lượng du kích Mò Ó đã phối hợp với lực lượng bộ đội tập kích địch đóng quân ở Mai Lĩnh diệt 100 tên. Trong chống Mỹ, tháng 4/1968 lực lượng dân quân xã Mò Ó dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Pả Nam đã tiến đánh 7 trận vào cứ điểm Khe Yên diệt 40 tên Mỹ, thu nhiều súng đạn, góp phần đắc lực vào thắng lợi của chiến dịch giải phóng Khe Sanh.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Mò Ó đã trải qua biết bao chặng đường lịch sử, những ngày cách mạng tháng 8/1945 và những ngày tháng 4/1975 là những ngày vĩ đại của cả dân tộc nói chung và của Đảng bộ và nhân dân Mò Ó nói riêng.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, cũng như bao địa phương khác nằm trong khu vực hành lang đường 9, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc của xã Mò Ó phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã do chiến tranh gây ra. Do nằm trong hành lang chiến lược của đường số 9, trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đế quốc Mỹ quyết biến mảnh đất này thành vành đai trắng, nên hầu hết các thôn bản, ruộng đất, đồi núi bị hoang hóa, ken dày bom mìn, đầu đạn, chất độc hóa học. Đời sống của đồng bào các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cái ăn, cái mặc và chỗ ở. Trong khi đó, một bộ phận đồng bào các dân tộc sơ tán lên rừng núi cao, hoặc từ các khu tập trung trở về nên vốn đã khó khăn, Mò Ó càng gặp khó khăn gấp bội. Vào thời điểm sau chiến tranh, muốn có được một cuộc sống bình thường đồng bào các dân tộc của xã Mò Ó phải làm lại từ đầu.

Thế nhưng, với niềm vui quê hương được giải phóng, đất nước được thống nhất, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, đồng bào các dân tộc của xã Mò Ó đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh gây ra, cùng nhau khôi phục lại sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Một thành quả có tính quyết định cho bước phát triển của xã Mò Ó mà Đảng bộ và đồng bào các dân tộc đã giành được vào những năm đầu sau chiến tranh là xã Mò Ó đã huy động lực lượng dân quân tháo dở bom mìn ở các bãi đất bằng ven sông để làm ruộng nước hai vụ, xây dựng được hàng chục đập thủy lợi nhỏ, 1000m kênh mương để dẫn nước tưới tiêu. Đảng bộ xã Mò Ó còn vận động đồng bào các dân tộc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lấy cây lúa nước, cây đậu xanh, cây ngô làm kinh tế mũi nhọn, cũng như phát triển mạnh đàn chăn nuôi gia súc để cung cấp sức kéo, phân bón cho sản xuất, thực phẩm cho tiêu dùng. Đặc biệt các cấp chính quyền Mò Ó đã tích cực hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện định canh, định cư để tạo điều kiện phát triển sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn bản.

Với sự phấn đấu bền bỉ, đến hôm nay với tiềm năng về đất đai, với điều kiện thuận lợi về giao thông, thủy lợi, tiềm năng phát triển các loại cây, hàng hóa trên địa bàn và mở mang các loại hình sản xuất dịch vụ, cũng như những tiến bộ trong phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, xã Mò Ó đã được UBND tỉnh Quảng Trị lựa chọn là một trong tám xã điểm xây dựng nông thôn mới cấp xã.

Chúng tôi đã có dịp trở lại xã Mò Ó của huyện miền núi Đakrông vào những ngày đầu xuân. Mùa xuân đã thực sự về với núi rừng Mò Ó. Những vệt mây mỏng lẩn quẩn trên những ngọn đồi như điểm xuyết nét tươi tắn cho núi rừng Mò Ó. Đâu đó những cánh hoa rừng theo gió sà xuống từng bờ suối, từng con đường, từng thung ruộng lúa đông xuân đang lên xanh như đem cả mùa xuân về cho mọi nhà. Và trên những tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa, chúng tôi đã có dịp chạy xe máy đến các thôn bản của Mò Ó như Phú Thiềng, Khe Lặn, Khe Luồi, Ba Rầu. Đến thôn bản nào chúng tôi cũng được tận mắt chứng kiến sự đổi mới trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất và trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thôn bản nào cũng xây cổng chào, bảng tin, nhà văn hóa, sân chơi thể thao, điểm nuôi dạy trẻ, khu tập trung rác thải, 100% hộ đồng bào các dân tộc đều có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Trên địa bàn xã Mò Ó có hai dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm 70,68%; đồng bào Kinh chiếm 20,34%. Điều làm chúng tôi vui mừng trong chuyến đi này, Mó Ó đã có những tiến bộ vượt bậc về phát triển sự nghiệp GD - ĐT và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy là một xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế có một số khó khăn nhất định, nhưng Đảng bộ và đồng bào các dân tộc đã ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đúng hướng. Đến năm học 2013 - 2014 này xã Mò Ó đã có đủ ba cấp học. Toàn xã có một trường mầm non trung tâm và bốn điểm trường mầm non ở các thôn bản. Đội ngũ giáo viên có trình độ từ trung cấp đến đại học. Năm học 2013 - 2014, hệ thống trường mầm non của xã Mò Ó đã tiếp nhận một trăm cháu trong độ tuổi vào nuôi dạy theo chương trình bán trú. Trường tiểu học tiếp nhận một trăm chín mươi bảy em, trường THCS tiếp nhận một trăm mười lăm em. Nhiều năm liền cả hai trường tiểu học và THCS đã phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục mà hầu hết con em của đồng bào các dân tộc của xã Mò Ó đã được học cái chữ của Bác Hồ. Nhiều người trong số họ đã trở thành những người có ích cho xã hội như bác sỹ Hồ Văn Chim, sỹ quan biên phòng Hồ Văn Hữu, cử nhân Luật Hồ Thị Kim Cúc… Về sự nghiệp trồng người, đồng bào các dân tộc của xã Mò Ó luôn cảm động nhắc đến thầy giáo Hồ Văn Khằm (nay đã mất) và thầy giáo Hồ Chư - nguyên Phó phòng GD - ĐT Đakrông, tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Các thầy đã tham mưu với chính quyền xã mở rộng trường lớp, cũng như cùng ăn, cùng ở với đồng bào các bản để vận động đồng bào cho con em đến trường. Biết ơn các thầy, khi có thầy đau ốm, dân bản Ba Rầu đã vào rừng tìm các loại cây thuốc quý về nấu cháo thập cẩm cho thầy ăn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc cũng được cấp ủy, chính quyền xã Mò Ó quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đến nay, xã Mò Ó đã xây dựng được một trạm y tế kiên cố tại thôn Khe Lặn với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh, cùng với đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp làm việc tại trạm và đội ngũ y tế thôn bản. Hàng năm, trạm đã tiếp nhận mười ngàn ca đến khám và điều trị. Xã Mò Ó cũng đã hoàn thành công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, chương trình y tế quốc gia, công tác DS - KHHGĐ. Nhờ vậy, đến thời điểm cuối năm 2013, tốc độ tăng dân số của xã Mò Ó đã giảm xuống 1,69%. Đến năm 2014 này, toàn xã đã có trên một ngàn người tham gia bảo hiểm y tế.

Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Mò Ó cũng có những đổi thay đáng mừng. Với đặc thù có trên 70%  là đồng bào dân tộc Vân Kiều từ bao đời nay vẫn tự hào, vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình. Bên cạnh niềm tự hào về những thành quả cách mạng mà nhờ Đảng, Bác Hồ họ đã giành được, họ còn tự hào về gia tài văn hóa mà các thế hệ nối tiếp nhau còn lưu giữ được. Những phong tục, tập quán, nếp sống được truyền từ đời này sang đời khác được đồng bào các dân tộc luôn gìn giữ và trân trọng. Mặc dù ít nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại tiếp thu từ người Kinh, nhưng đồng bào dân tộc vẫn biết chọn lọc và không quên giữ gìn những phong tục, nếp sống đẹp đẽ như lễ cúng lúa mới, tục đi sim, lễ cưới hỏi, múa tạc - xình, thổi khèn khui… là những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đại tá Trần Biên và tôi đã được trưởng thôn Ban Rầu mời dự một đêm liên hoan văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân của dân bản. Dưới ánh điện bừng sáng ở nhà văn hóa thôn, những cặp trai gái Vân Kiều áo quần sặc sỡ hoa văn, say sưa nắm tay nhau nhảy điệu tạc - xình như kéo cả mùa xuân về trên gương mặt của người xem. Trong lâng say men nồng của rượu men lá, tôi như thấy cả núi rừng và con người Mò Ó đang giang tay đón mùa xuân về. Và điều làm cho chúng tôi phấn khởi là đến cuối năm 2013, tất cả các thôn bản của Mò Ó đã được công nhận là đơn vị văn hóa, trong đó có một thôn bản được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận.

Những thành quả mà Đảng bộ và đồng bào các dân tộc của Mò Ó đạt được trên lĩnh vực y tế, giáo dục và đời sống văn hóa đều dựa trên một nền sản xuất đang trên đà phát triển. Những ngày lưu lại tại xã Mò Ó, qua phản ánh của bà Hồ Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã và các đồng chí trong UBND xã, cũng như qua tìm hiểu đời sống sản xuất của đồng bào các dân tộc ở các thôn bản, chúng tôi được biết trong những năm qua, xã Mò Ó đã có những nỗ lực vượt bậc trong đổi mới sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã Mò Ó có nhiều sông suối chảy qua như sông Đakrông, Khe Chăn, Khe Luồi, Khe Lưỡi Câu, Khe Nhong… Hệ thống sông suối có trữ lượng nước lớn, địa hình cao có tiềm năng phát triển các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đặc biệt là thiết kế kênh mương trong điều kiện điều tiết và phân phối nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tận dụng lợi thế của tự nhiên, trong những năm qua, xã Mò Ó đã tập trung đầu tư xây dựng được hàng chục đập thủy lợi vừa và nhỏ để tạo điều kiện đưa các vùng đất bằng vào trồng các loại cây lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Mò Ó đã đầu tư xây dựng hoàn thành trạm bơm điện, tạo điều kiện đưa diện tích ở cánh đồng Đồng Đờn trở thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có tính hàng hóa trong nông nghiệp với 32,5ha lúa nước, 19ha ngô và 65,7ha cây công nghiệp ngắn ngày, gần 45,7ha lạc, 20 ha đậu xanh. Nhờ xây dựng được vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng chủ lực, nên mỗi năm Mò Ó đạt tổng sản lượng lương thực quy thóc 373,5 tấn, đảm bảo bình quân lương thực đầu người 347,8kg/năm. Mò Ò còn nằm sát trung tâm huyện, có tuyến đường tỉnh lộ 588A chạy qua, gần chiến khu Ba Lòng - Hải Phúc,… nên có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các loại hình sản xuất dịch vụ và du lịch sinh thái. Đây chính là lợi thế để Mò Ó thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn các xã trong huyện. Xã Mò Ó cũng hết sức chú trọng phát triển rừng sản xuất. Hàng năm, xã Mò Ó đã trồng được từ 15 đến 20ha rừng do chương trình PTNT Quảng Trị và dự án lâm sản ngoài gỗ đầu tư gồm tràm hoa vàng, keo, trầm gió, xây mây nước, cây măng tre,…

Chúng tôi đã đến thăm trang trại vườn rừng của ông Hồ Xuân Hồng - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã về hưu tại đồi Rì Rì. Người đảng viên 40 tuổi Đảng này bồi hồi nhớ lại: Sau khi về hưu thấy đất rừng mênh mông đang bỏ hoang mình tiếc lắm, nên quyết đầu tư để phát triển kinh tế trang trại. Nhưng đất đồi cao thâm u, máy cày, máy ủi không có, lao động cũng không, vì người dân ở đây không ai đi làm thuê, việc nhà ai người ấy làm. Buổi đầu gian nan ấy mình động viên vợ con phải gồng mình mà bạt đồi, phạt cỏ, khai phá đất rừng để trồng sắn, trồng ngô, trỉa lúa, chăn nuôi trâu bò. Có lúc nhiều việc phải xuống nhờ anh em ở cơ quan ủy ban xã, bạn chiến đấu trong chiến tranh phụ giúp. Lần hồi rồi cái trang trại của mình cũng được xây dựng hoàn thành và cho sản phẩm. Nhờ có kinh tế trang trại mà mình xây được nhà, mua được xe, nuôi con ăn học. Chúng tôi hỏi mỗi năm ông thu nhập từ kinh tế trang trại bao nhiêu? Ông chỉ cười và chỉ tay qua bà vợ ngồi cạnh bên…

Chia tay với ông Hồ Xuân Hồng giữa trang trại vườn rừng xanh ngút ngát với đủ các loại cây gắn bó với đời sống hàng ngày của con người, trời Đakrông trong xanh, nắng rực rỡ, chúng tôi ôm lấy ông vì quá đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và ý chí của người đảng viên người dân tộc này.

Chúng tôi cũng ghé thăm nhà ông Hồ A Ranh - một đảng viên lão thành của Đảng bộ Mò Ó. Hồ A Ranh từng bị địch bắt, từng đi bộ đội địa phương huyện, từng làm trưởng công an xã Mò Ó. Năm nay (theo ông) chắc khoảng 80 tuổi. Con cháu đi làm cả, mỗi mình ông ở nhà. Do bị thương, Hồ A Ranh nói tiếng phổ thông không chuẩn lắm, nên anh Hồ Thanh Thao - Ủy viên thường trực Đảng ủy Mò Ó làm phiên dịch. Ông nói đại ý: “Đã sống đến chừng này tuổi rồi, đã trải qua nhiều chế độ rồi, nhưng chỉ bây giờ mới thấy cuộc sống thật tốt đẹp”.

Chia tay Mò Ó, chia tay một điểm xây dựng nông thôn mới của miền núi Quảng Trị, loáng cái chúng tôi đã trở về phố núi Krông Klang. Đêm ngồi nhâm nhi cà phê ở quán cốc trước cổng nhà nghỉ Nhị Linh, đại tá Trần Biên thắc mắc: “Có xa xôi gì đâu mà ông bảo ngày xưa Mò Ó là phần đất của miền biên viễn”…

 

N.N.P

NGÔ NGUYÊN PHƯỚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 236 tháng 05/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground