Ngày ấy, chúng tôi vào Thnh Xuân khi bom Mỹ bắt đầu ném xuống miền Bắc. Các trường cấp ba phải sơ tán ra ngoại thành. Bắt đầu một cuộc sống ăn ở tập thể mà trước đó chưa có. Song chính nhờ ở bên nhau nơi sơ tán, chúng tôi có nhiều thời gian chia sẻ với nhau hơn. Một bạn trai đọc cho tôi nghe bài thơ tình toàn được viết bằng ngôn ngữ toán học và vật lý. Tôi chép ngay vào sổ tay.
Em ơi! Trải qua một chu kỳ nguyệt động
Hình ảnh em quỹ tích của lòng anh
Anh nhớ mãi một ngày hè lao động
Ta gặp nhau dưới ánh sáng đô thành
Đôi mắt em là một cung chứa góc
Một vùng trời nội tiếp dưới hàng mi
Tâm hồn em bắt anh chưa đồng dạng
Chứng minh ra sao định lý ly kỳ
Chân em bước hàm số nguyên dương
Thân hình em một hàm số bình phương
Hai điểm nối cong vô cùng kỳ diệu
Ôi! Đạo hàm vĩ đại của tình yêu
Tỏa quanh em một từ trường cực đại
Hút đời anh với một lực cu-lông
Sức hấp dẫn sẽ muôn đời tồn tại
Càng làm say với sức mạnh ly tâm
Tình anh tựa phương trình đẳng cấp
Khoảng cách nào làm có thể triệt tiêu
Dù chỉ lớn như lũy thừa vô cực
Không có em một hàm số tiêu điều
Anh chỉ muốn suốt đời làm tiêu điểm
Chẳng mong làm điện tử Ro-zi-phơ
Xung quanh em dù không gian xa cách
Vẫn vượt qua như làn sóng điện từ.
Chép xong, tôi học thuộc và rồi đem chép tặng bạn gái. Cô bạn được tặng cười khanh khách rồi đem ra cho rôi xem một bài thơ tình toán học khác, do một bạn trai khác chép tặng. Làm thiếu nữ sướng thế đấy. Nhưng tại sao lại dám tặng cho nhau thơ tình toán học thôi, thì bạn đọc nên hiểu và thông cảm cho thời kỳ đó. Song cũng từ đó mà tin tưởng con người, tình yêu ví dù khó khăn đến mấy, tình yêu và con người vẫn vượt qua. Bài thơ tình toán học ấy lại được tôi chép tiếp vào sổ tay. Nhưng chắc chắn là “tam sao thất bản” nên có thể có nhiều chỗ chưa chính xác, cũng mong “đại xá” giùm.
Vốn thuở trước ta xa nhau vô cực
Bỗng hôm nay lại quay về một trục
Phương trình thỏa nghiệm luôn luôn
Dù ai có triệt tiêu
giới hạn
căn thức
khai phương
Lòng anh vẫn yêu em như đạo hàm liên tục
Anh đã khảo sát dùng nhiều dạng thức
Mà phân tích lòng anh
Đồ thị kia vẫn đồng biến rành rành
Hàm số tình anh tăng lên bậc ba, bốn
Em ơi!
Đừng bắt anh như một cung tam giác lượng
Khi đột biến bất thường
Cũng đừng bắt anh như một Pa ra bôn
Khi cực tiểu rồi khi cực đại
Đừng bắt anh vô nghiệm chầu rìa
Chỉ nhìn nhau không bao giờ được gặp
Đảo ngược con đường xa cách
Cho anh về giao điểm cùng em
Xa nhau một Ép-xi-lon
Đường lên quỹ đạo tìm em xa vời.
Và từ đó tôi thuộc lòng cả hai bài thơ. Tôi đã đọc nó cho bạn bè nghe trong những ngày đại học, cả những ngày “xẻ dọc Trường Sơn”, nhưng không biết ai là tác giả của những bài thơ tình độc đáo ấy.
Năm nay, tôi về Tuy An – Phú Yên thăm quê Nguyễn Mỹ nhân 25 ngày mất của anh thì mới được biết rằng bài thơ tình toán học ở trên là do Nguyễn Mỹ viết ra. Thì ra anh không chỉ là nhà thơ của “Cuộc chia ly màu đỏ”, “Hoa cúc tím”, “Giấc mơ xanh” những sắc màu riêng biệt mà còn là tác giả bài thơ tình toán học rất độc đáo. Từ nhận biết này tôi cũng “bán tính bán nghi” không hiểu bài thơ tình tôi chép ra ở phần đầu có thể cũng là của Nguyễn Mỹ lắm chứ. Xin giải bày băn khoăn này với độc giả. Mong được cùng chia sẻ.
N.T.K