Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một đêm trên ngư trường con hỗ

Tôi có thằng bạn tên là Ngô Vương Khìn, thân nhau từ thuở nhỏ. Bây giờ nó lái tàu đánh cá thuê đâu mãi tận cực nam Trung bộ. Xa nhau mấy chục năm trời, thỉnh thoảng nó nhắn về cho tôi mấy lời vắn tắt nhưng nghe thật da diết: "Tao không bao giờ quên mày, cũng không bao giờ quên biển quê hương".

Mấy hôm trước, tàu nó ra ngư trường Con Hổ ở phía đông đảo Cồn Cỏ, nó điện cho tôi: "Tàu sẽ vào Cửa Tùng để bán cá, nhận tiếp liệu, đổi nước ngọt. Tàu lớn, không vào cửa lạch được, phải neo mé ngoài bãi tắm, nếu muốn đi biển thì xuống bến, theo thuyền thúng của dân ra mua cá, lên tàu đi với tôi một chuyến ra khơi cho vui".

Đi biển vốn là niềm đam mê của tôi. Gần hai mươi năm từ giã hạm tàu chiến đấu, tôi chưa có dịp trở lại biển khơi, chưa một lần lại gặp cảm giác lâng lâng khi đứng trước mũi tàu đón làn gió biển mơn man, rin rít hơi muối mặn, nhưng mát lạnh từng chân tơ kẻ tóc; ngắm nhìn đàn hải âu dập dờn trên sóng bạc đầu.

Vào thu, trời và biển Cửa Tùng trong xanh khoáng đạt như nhòa vào nhau ở phía chân trời. Phía Trường Sơn đêm đêm vẫn lóe chớp nhì nhằng; báo những cơn giông  vẫn ở bên kia biên giới. Những đợt gió phơn tây nam yếu dần.

Mùa này, trời nước này, đi biển là cực tuyệt. Tuy vậy nhưng đêm trước lúc lên đường, tôi vẫn đợi đến mục dự báo thời tiết sau bản tin thời sự cuối ngày của đài truyền hình Trung ương để săm soi tin xem có cái "xoáy trâu" nào lởn vởn ở phía ngoài quần đảo  Phi-líp-pin, chực hướng vào biển đông hay không, cho nó yên tâm. Vợ tôi bảo:

- Anh mà xem đọc được ảnh mây vệ tinh, cả nước này trở thành dự báo viên thời tiết!

***

Con tàu 160 CV rùng rùng chuyển động; nhổ neo hướng mũi tàu ra biển đông...

Ngô Vương Khìn cho tôi ngồi trong buồng thuyền trưởng. Vừa điều khiển con tàu, Khìn vừa nói với tôi:

- Bây giờ đi, chập tối là đến ngư trường chính. Thức một đêm với tụi mình, sáng mai quay vào bờ trả ông về với đất liền; Giống như lịch trình một chuyến tuần tra trên biển thuở nào nhé!

Khìn cười vang trong tiếng máy tàu, tiếng sóng và tiếng gió.

Ở gần bờ nhìn con tàu có vẽ đồ sộ thế. Ra khơi độ một giờ, khi bốn bề vời vợi trời nước mênh mang, mới cảm thấy con tàu nhỏ nhoi mỏng mảnh. Tiếng máy tàu nghe cũng êm dịu hơn. Người trở nên bồng bềnh lâng lâng. Một cảm giác chơi vơi chống chếnh và sự tự tin của con nguời như giảm đi đôi chút, chỉ còn có con tàu là vô tư hùng dũng đè sóng lướt tới băng băng.

Khìn tự tin khi ngồi trong buồng lái. Mắt nó nhìn ra khơi; những túm tóc bên thái dương quăn queo đã điểm nhiều sợi bạc; nó cất giọng ồm ồm, ngâm nga:

"Tôi sung sướng gọi tên mình thủy thủ

Nơi sinh: bên bờ đại dương

Những buổi chiều êm gió về ru ngủ

Sóng vỗ trưa vàng - ngọt tiếng quê hương".

- Thơ ai hay quá, mày nhớ không?

Tôi cũng quên không nhớ tên tác giả, chỉ nhớ mang máng tên bài thơ là "Thủy thủ" và tôi nhớ mãi chuyện này: Hồi lớp bảy, tôi với thằng Khìn ngồi học mà say sưa nói chuyện riêng. Thầy giáo dạy văn đang đọc cho cả lớp nghe một bài thơ. Thấy tôi và Khìn nghe một cách lơ đảng, thầy tức giận tróc cả hai đứa đứng dậy, tưởng thầy trị chiêu độc, hai thằng tái xanh mặt mày, nhưng thầy lại phạt rất ngọt ngào:

- Tôi đọc đoạn thơ sau đây ba lần. Một trong hai em phải nhắc lại cho đúng. Nhắc đúng, tôi cho cả hai em ngồi xuống. Nếu nhắc sai cả hai đứng vậy cho tới hết giờ của tôi!

Thầy hắng gọng:

"Lớn lên, tôi vào bộ đội

Đường chiến khu qua núi xuyên rừng

Ngắt lá ngụy trang thả theo dòng suối

Ai hiểu rằng: anh lính nhớ đại dương"

Thầy mới đọc xong hai lượt, mà tôi thần hồn nát thần tính thế nào lại nhẩm ra thầy đã đọc xong lượt thứ ba, vội vàng bắt vào đọc ngay...và gảy! Hai đứa đứng nghiêm suốt nữa giờ còn lại của thầy; chân cẳng tê dại. Tiết học được thầy cho loại C; cuối buổi học, hai đứa còn bị cô giáo chủ nhiệm mời lại..."họp"! Thật là ê ẩm.

Nhưng rồi bài thơ ấy lại như một lời tiên tri định mệnh. Hai đứa chúng tôi sinh ra bên bờ biển bãi ngang; lại cùng nhập ngũ một ngày; cùng lên rừng và quay quắt nhớ về quê biển; rồi cùng được cử đi học lái tàu. Sự việc diễn ra cứ y chang như ý tứ trong bài thơ ấy vậy.

Tôi đọc tiếp ngay khi Khìn vừa dứt lời:

"Thuở nhỏ mon men bãi cát

Ngập màu xanh chẳng thấy bờ đâu

Mặc áo rách đâu nghĩ buồm lộng gió

Chơi võ ngao - đâu dám ước một con tàu".

Thằng Khìn ôm tôi cười ngất:

- Vậy mà hai mươi năm sau chúng mình cùng nhau trên một con tàu...

- Nhưng mình thì đi nhờ; còn cậu thì lái thuê! Chưa được oách lắm!

Thằng Khìn không vì thế mà bớt vui. Hắn hạ giọng nhưng nói chắc nịch:

- Mấy năm trước rời làng vào Nam làm thuê, tao mang theo hai bàn tay trắng và một cái đầu hoang mang. Còn bây giờ: Bàn tay tao đã nổi đủ các cục chai to tướng, sần sùi, và một cái đầu dày dạn kinh nghiệm đi biển đánh cá với lưng vốn đủ để thực hiện ý chí làm giàu trên một con tàu!

***

Đứng ở đất liền Vĩnh Linh; nhìn ra, đảo Cồn Cỏ giống như chiến hạm giữa trùng khơi, mũi tàu hướng về phía nam. Trên bản đồ thì Cồn Cỏ hình hài như một con rùa biển bé xíu. Con rùa, trong tâm linh dân gian người Việt được xếp trong bộ tứ quý: Long, ly, quy, phượng. Chẳng thế mà dân đi biển ngang qua Cồn Cỏ thường xì xụp khấn vái mong cho Hòn Mệ (tên dân gian của đảo Cồn Cỏ) phù hộ độ trì để trời yên, biển lặng, cá nặng đầy khoang.

Khìn cho tàu đi qua phía nam đảo Cồn Cỏ để ra khơi. Nó bảo tôi:

- Đi thế để cho mày có điều kiện quan sát vị trí lợi hại của đảo đối với miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hồi ấy, bất kỳ một con tàu nào của Mỹ ngụy, dù là tàu biệt kích vỏ gỗ, hay tuần dương, khu trục, hễ ngoi lên khỏi đường chân trời là các chiến sĩ ta trên đài quan sát đặt ở đảo Cồn Cỏ phát hiện ra ngay. Thậm chí còn chỉ rõ hướng đi gây tội ác ở miền Bắc của chúng nữa:

Tôi chêm vào:

- Hèn chi hồi ấy Mỹ ném bom và bao vây chặn đường tiếp tế của đất liền với Cồn Cỏ ác liệt thế.

Giọng Khìn xa xăm:

- Hồi đó, bằng thuyền nan chèo tay, dân vùng biển Vĩnh Linh đã bất chấp bom đạn hy sinh, chở ra đảo từ những lít nước ngọt, đến những cổ pháo nòng dài, súng máy cao xạ, đạn dược, lương thực đủ để bộ đội ta bám trụ dài ngày giữ vững vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Tuy nhiên cái giá phải trả cho từng hạt gạo, viên đạn không rẻ. Hàng trăm gia đình ngư dân các xã ven biển Vĩnh Linh có người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Nhiều người bị hải quân Mỹ ngụy bắt đi biệt tích. Có những chuyến ra đi không ai trở về, cả một đội sản xuất lấp lóa khăn tang...

- Cồn Cỏ bây giờ đã có khu dịch vụ nghề cá, có thanh niên xung phong tình nguyện xây dựng  đảo thành đảo thanh niên, và nghe tin, chỉ sau gần một năm ra xây dựng đảo, Cồn Cỏ sắp có tiếng trẻ khóc chào đời  đầu tiên sau nghìn vạn năm phong hóa...

Mặt biển tím dần. Cồn Cỏ đã ở về phía tây. Tàu dừng lại thả neo. Và hầu như cùng một lúc cả vùng biển bao la bỗng rực lòa ánh điện. Đèn điện trên biển dày như sao sa và lung linh như kim tuyến. Mỗi ngọn đèn hóa thành hai vì phản chiếu xuống mặt biển. Tôi quá ngỡ ngàng. Biển khơi về đêm giống với thành phố về đêm...Khìn chỉ cho tôi, qua từng loại màu ánh đèn trên biển mà phân biệt tàu của ngư dân nước này và nước khác trong vùng. Cái khái niệm: "Điền tư, ngư chung" trong tôi, khi ra tới ngư trường ngoài biển khơi mới rõ.

Điện bật sáng được một lúc, các ngư phủ chưa soạn xong lưới ra boong tàu, đã nghe quanh mạn tiếng cá đớp đèn sùng sục. Tôi ghé nhìn xuống: Một cảnh tượng như thể cho cá tra nuôi trong lòng bè ở Nam Bộ ăn: Cá lớp nọ trườn lên lớp kia, con nào cũng cỡ vài ba ký nần nẫn láng mướt. Tôi gào lên trong tiếng máy sùng sục:

- Cho tôi một chiếc thuyền thúng và một cái vợt; một lượt xúc cũng được mươi cân!

Một chàng thủy thủ trẻ măng giọng Nam Trung Bộ nghe nhẹ lao xao, không ăn nhập gì với vẻ phong trần của người đi biển:

- Cá nóc đấy chú ơi! Nó sống ở tầng nước đáy, rất mẫn cảm với ánh đèn. Đèn sáng là nó ngoi lên ngay để ăn cá nhỏ. Chỉ cần hạ áp chút xíu là bọn này lặn biến, dễ đến nhưng cũng dễ đi!

Tôi có một bài học về có nóc ngay trên biển, rằng: Cá nóc có rất nhiều loại nhưng ven biển miền Trung có mấy loài chính: Nóc lụa, nóc cơm, nóc thu...loại nào cũng độc bảng A! Chế biến kiểu gì cũng nguy hiểm hết!

Chàng thủy thủ trẻ ngượng nghịu lúng túng khi tôi hỏi:

- Độc thế sao người ta vẫn đánh về, vẫn bán, vẫn có ngươi mua ăn và...chết?

- Thường thì cá nóc sẽ bị loại ngay khi mới đánh lên. Nhưng vì thịt nó nạc và ngon nên nhiều người tiếc rẻ. Tụi cháu cũng có lúc nổi máu "hải tặc" làm thịt cá nóc để nhậu, nhưng phải do các tay đi biển già đời làm đầu bếp mới an toàn.

- Có cách gì giải độc khi ăn phải cá nóc không?

- Tốt hơn hết là đừng có ăn, kể cả dạng khô nướng thơm lừng đến mức quyến rũ...ngộ độc cá nóc nhẹ thì lấy muối hạt đỗ kín ướp cả người như ướp cá một lúc, sau đó giải độc bằng cho nôn, ăn cháo đậu xanh loãng...còn bị nặng thì khỏi vào bờ luôn.!

Công việc của các ngư phủ không nhẹ nhàng chút nào. Hò hì hụi thả lưới kiểm tra dòng chảy, phao đèn...và hầu như thức suốt cả đêm. Việc cứ cuốn hút và không khí xung quanh cũng nhộn nhịp, vì vậy, xa bờ cả trăm cây số nhưng người đi biển vẫn không hề thấy cô đơn; ai cũng chí thú làm ăn, ai cũng chú tâm vào công việc.

Khìn nói với tôi:

- Đã đi biển ra đến tầm này thì không lo lỗ. Chỉ lo mình không đủ phương tiện đánh bắt mà cạnh tranh với người ta. Đánh bắt xa bờ phải đồng bộ: Tàu và phương tiện đánh bắt hiện đại, đội ngũ thuyền viên phải lành nghề. Không đạt được tiêu chí ấy thì tốt nhất là nằm lại bờ.

Khìn nói say sưa:

- Biển mình đã nghèo đi rất nhanh. Mày xem: - Ngoài này tàu thuyền đánh cá đủ màu cờ sắc áo các nước trong vùng; với đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại: Máy định vị tìm cá tàu lớn có cả cơ sở chế biến đồ hộp ở trên tàu. Họ dàn hàng ngang như thể hàng rào ngoài biển, cá mú nào lọt được vào gần bờ để mà kiếm phù du ở các cửa sông mà lớn lên, mà sinh đẻ. Con nào lọt được vào gần bờ thì ngư dân mình chà đi xát lại ở các bãi biển nông, bắt ráo từ tấm mén...trách chi nguồn lợi không cạn kiệt.

Bình minh trên biển vỡ òa nhanh như ban mai ta mở cửa nhà. Mấy chiếc tàu lạ đang đậu gần tàu chúng tôi có vẻ vội vả nổ máy chạy tít về phía đông. Khìn bảo tôi:

- Họ thấy tàu mình treo cờ Việt Nam họ biết đây thuộc lãnh hải của mình nên họ không đánh cá mà bỏ đi. Khi thấy vắng tàu mình thì họ xáp vô làm tới. Họ hiểu luật pháp quốc tế ra phết. Nhưng khi biết không ai dám sát thi hành luật thì họ vi phạm. Y như ở quê, mình có cây quýt ngọt cuối vườn, nếu không chăm nom rào dậu, trẻ con thỉnh thoảng tạt vào vặt trộm ấy mà...

- Thì ra sắm tàu đánh cá xa bờ cũng là một việc "nhất cử lưỡng tiện" vừa đánh được nhiều cá vừa trông chừng bờ cõi. Quốc gia, quốc tế gì cũng vậy: "Vắng bóng chủ nhà gà vọc niêu tôm" vậy đó. Những thủy thủ trút cá vào khoang tàu và ướp nước đá. Tôi hỏi một ngư phủ:

- So với mọi bữa hôm nay thế nào? Ông đùa vui:

- Có vía mới của chú, hôm nay khỏi xin gạo, xin dầu; còn có thừa tích lũy.

Tôi không hiểu, thằng Khìn giải thích:

- Ông ấy muốn nhắc một kỷ niệm vừa buồn cười vừa tủi của một thời đi biển. Một số tàu đánh cá của ta chạy ra khỏi hải phận quốc tế, vì tàu xộc xệch phương tiện đánh bắt kém nên không cạnh tranh với các tàu đánh cá sang trọng của các nước trong vùng được bèn chơi hạ cờ, ăn xin. Cho tàu mình tiến sát tàu bạn. Hoa tay múa chân, ra hiệu hết dầu máy, hoặc hết lương thực. Các tàu nước ngoài rất hào thiệp, họ ghé cặp mạn, ném ống nhựa sang hút cho cả chục can dầu, mấy bao gạo loại xịn, có trong thực đơn khách sạn năm sao, làm vài cú ăn xin, lời hơn đánh cá!

- Bây giờ còn thế không?

- Chuyện của mấy năm trước, bây giờ mà làm thế cảm thấy xấu hổ không chịu được.

- Biết xấu hổ  nghĩa là biết tự trọng. Trong cuộc sống, nhiều khi lòng tự trọng lại chính là động lực thúc đẩy sự thành công.

Tàu hướng mũi về phía tây, mặt trời như một đĩa thiếc trắng trôi trong màn sương mỏng bên trên đường chân trời sau lưng chúng tôi. Tôi nghĩ mông lung; chỉ mười giờ đồng hồ nữa con tàu lại vào neo đậu trước Cửa Tùng, lại diễn ra cảnh nhộn nhịp: các thuyền thúng từ bờ thoăn thoắt bơi ra mua cá chở lên bờ. Rồi theo các phi đội xe máy cá vào các chợ nội địa. Con cá trích, cá nục, cá cơm, giá bảy tám trăm đồng một ký tại biển Cửa Tùng mà cứ vào sâu trong nội địa năm sáu cây số có khi giá đã lên cả mười lần. Gần vựa cá biển miền Trung mà đành chịu vì tàu bé, phương tiện đánh bắt kém và cả trình độ đánh cá thấp.

***

Các nhà hoạch định quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2000 - 2010 chỉ ra rằng: Vùng kinh tế biển Vĩnh Linh có thể chia ra ba tiểu vùng: Tiểu vùng Cửa lạch, tiểu vùng bãi ngang, tiểu vùng biển đảo, với diện tích đất tự nhiên gần 1600 ha, gần một vạn dân. Vùng bờ biển dài 18 cây số được chia làm hai phần khá đặc biệt: Từ Mũi Lay trở ra phía Quảng Bình, biển Vĩnh Linh giáp vịnh Bắc Bộ. Từ Mũi Lay vào Cửa Tùng, biển Vĩnh Linh giáp biển đông. Chia ra như vậy, nghe có vẻ máy móc; nhưng thực chất thì lịch sử dân tộc đã vĩnh viễn trao lên vai Vĩnh Linh một trọng trách gắn với sự trường tồn của đất nước. Cùng với đảo Cồn Cỏ có diện tích khiêm tốn 350 héc ta, Vĩnh Linh bao quát cả một vùng biển cửa ngõ ra vào vịnh Bắc Bộ, có vị trí quan trọng về Quốc phòng - An ninh, là bàn đạp để vươn ra mở rộng ngư trường và thềm lục địa của Tổ quốc. Vì từ Cồn Cỏ ra biển quốc tế là con đường gần nhất Việt Nam.

Cũng theo các nhà soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Linh; ngư trường "Con Hổ" hay còn gọi là ngư trường phía đông đảo Cồn Cỏ, hiện nay khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác hàng năm từ 60 đến 80 nghìn tấn hải sản...

Tôi biết mấy năm nay, Vĩnh Linh đã có đội tàu đánh bắt xa bờ. Đã có dự án nuôi tôm trên vùng cát nông bãi ngang. Được nghe các nhà quản lý bàn bạc với các nhà khoa học xây dựng mô hình làng sinh thái trên cát bạc màu...Và đến giờ này, ý tưởng vươn ra khơi xa và quyết tâm biến những vùng cát trắng chói chang, nhức mắt, thành vùng "cát xanh" dọc miền chân sóng Vĩnh Linh đang dần dần hiện hình sinh động.

Một đêm lênh đênh thức cùng các ngư dân trên ngư trường Con Hổ, tôi chưa nhận thức được gì nhiều. Hết nhìn ra Thái bình dương rồi lại nhìn vào bờ, tôi chỉ thầm cầu mong cho những  ý tưởng rời rợi xanh như biển xanh, trời xanh, giữa mùa thu dịu mát, đã phôi thai, sẽ lớn dậy những nụ, những mầm, ấm no hạnh phúc, làm đổi thay cuộc sống người dân biển Vĩnh Linh ngàn đời nay lam lũ cần cù nhưng cuộc đời cũng như con tàu chưa đậu bến bình yên.

Bất chợt, tôi hỏi Khìn:

- Đi làm thuê mấy năm, gom được bao nhiêu vốn rồi?

- Đủ để mua một con tàu và tự mình cầm lái đánh cá trên ngư trường Con Hổ!

- Bao giờ thì về?

Khìn không nói, nhưng nó tăng tốc cho con tàu lao nhanh hơn về phía bờ biển quê hương...

Chắc chắn nó sẽ sớm về, bởi vì người Việt Nam mình không có ai lại chấp nhận cảnh sống với manh chiếu rách, mấy củ lạc rang suốt đời lang thang khắp thế gian.

T.P.T

 

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 99 tháng 12/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground