Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ngày thu

Đ

ã hơn năm giờ chiều. Nắng còn rớt lại loi thoi trên những ngọn tre. Chỉ có lúc chập choạng thế này mới có thể lên khỏi mặt đất để đi lại trên vùng quê vốn rất trù phú, ngút ngát cây trái nhà cửa đã bị bom đạn Mỹ san thành bình địa. Sau khi hội ý với ban chỉ huy trung đội nhân dân triển khai một số công việc đột xuất, men theo hào giao thông ra đến gần bàu Tràm, anh Chúc cúi xuống sửa lại quai dép cau su rồi đu mình nhảy lên mặt đất, anh muốn vượt qua đường tàu hỏng để đi tắt xuống đường Cụ về Phan Hiền. Mới bước được vài bước đã nghe tiếng ca nông xẹt xẹt trên đầu.

   - Eng Chúc, nằm xuống ! Tiếng mấy cô dân quân đang sửa lại một đoạn hào giao thông bị bom đánh sập khi trưa ở gần đó la lên thất thanh. Anh Chúc lăn một vòng rồi rơi xuống hào giao thông khi kịp loạt ca nông nổ bên kia bàu Tràm, mảnh đạn văng vèo vèo. Nó bắn đạn chụp. Thằng này tâm lý ghê, hắn biệt cả ngày ở trong hầm, trong hào, giờ thế nào cũng có người lên khỏi mặt đất đi lại, bắn vài loạt ca nông chơm thế này cũng có người dính. Anh Chúc nhếch mép cười nghỉ vậy rồi rẽ sang một đoạn hào khác đi về phía mấy o dân quân đang sửa hào.

   - Sắp tối rồi, chưa nghỉ mấy út.

   - Đang còn sớm, răng eng không ở lại với tụi út mà về với ả vội vã rứa. Tí xíu nữa thằng Dốc Miếu hắn không cho về rồi đó.

   - Cháu Long được ba tháng chưa mà hấp tấp vội vã rứa eng? Ha… ha… í… úi… Tiếng cười, tiếng đấm lưng thùng thụp của mấy nữ dân quân cất lên rộn rã như át hẳn tiếng ùng oàng của ca nông địch từ Dốc Miếu đang chuyển làn bắn thăm dò ở Phát Lát, Tân Minh. Anh Chúc đứng lại thộc tay vào túi áo lấy gói thuốc rê. Sờ bên túi trái lấy mảnh lá chuối mới xé lúc trưa ở vườn bà Sâm, giờ đã héo queo, anh vuốt vuốt cho phẳng rồi quấn một cái kèn, nhồi thuốc vào đó. Thói quen hút thuốc bằng lá chuối của anh không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng đó đã trở thành một nét riêng thật đáng yêu mà nhiều người ở xã Vĩnh Sơn này gọi anh là ”Chúc lá chuối”. Xoay lưng về phía Dốc Miếu, bật lửa châm thuốc, miệng lập bập rít lấy ngọm khói đầu cay nồng, sảng khoái, anh ngẩng lên nói với mấy cô dân quân trẻ tinh nghịch đáng yêu:

   - Này, đứa mô lại đây cầm gói thuốc mà hút. Có cả giấp pơ–luya nữa đây. Tối nay tiểu đội bốn sang Do Linh tải thương, về sớm lo cơm nước được rồi đó.

O Hà trẻ nhất tiểu đội, nhanh nhảu nhảy qua hào giao thông rối rít:

- Nghe nói thuốc lá eng Chúc ngon lắm. Bọn út khi chiều đến giờ hết thuốc, thèm đắng cả miệng. À, chị và cháu khỏe không anh.

- Khỏe cả O ạ! Này cầm cả gói sang cho mấy đứa hút với.

- Lấy chi eng hút? Hà vừa nhóc thuốc vừa hỏi, mà ánh mắt đã lộ vẻ vui mừng.

- Tối anh về nhà lấy, mấy út ở trên này trực chiến, có lúc thiếu thuốc hút. Thôi anh đi nghe. Mai anh bận họp và làm việc với ủy ban, có khi mốt mới lên. Có mấy công việc anh đã bàn với chú Mạnh và anh Oanh, anh Ly rồi. À mà này, út có ưng cu Sử của eng không đó Hà. Nếu ưng nói trước eng chuẩn bị thuốc lá cho.

   Hà bẽn lẽn khi nghe nhắc đến Sử vội bỏ chạy, suýt xô phải chị em Thơm, Loan và Tại. O Tại cũng nghe câu hỏi của anh Chúc với Hà, nói với sang:

   - Hắn còn mơ mộng anh bác sĩ Trạm phẫu, không muốn làm dâu họ Nguyễn Duy mô.

   Hà chúi đầu vào lưng Tại, hai tay đấm thùm thụp vào vai Tại như để che dấu sự bối rối, e thẹn của mình. Anh Chúc mỉm cười về mối quan hệ của hai người con chú, con Bác bên vợ anh. Anh Ly con bác Phức đã lấy con ông Hạnh. Còn cậu Sử con chú Siếc lại đang muốn tìm hiều Hà, em gái chị Hạnh.

   Anh săm săm bước về phía Phan Hiền – nơi đó vợ và ba con anh đang sơ tán mấy hôm nay chưa về thăm được, để lại mối lo ở Nam Sơn, không biết tối nay và ngày mai địch bắn phá ac liệt thế này, ai còn, ai mất …

   Một chiếc OV-10 rè rè từ phía Nam bay rà dọc theo đường tàu, chắc là chuẩn bị thả pháo sáng. Phía Vĩnh Thủy bùng lên những đám cháy trong tiếng máy bay phản lực gầm gào. Sắp đến ngày Quốc khánh 2-9, địch càng tăng cường đánh phá ác liệt. Lúc trưa khẩu đọi của Túc – Sản cũng suýt bị bom rơi trúng hầm. Còn ở Tiên An cũng có mấy người chết và bị thương vì pháo ở Cồn Tiên – Dốc Miếu bắn sang. Sau trận càn tháng năm, hầu như mặt đất ở làng quê anh đã bị bom lật tung lên hết. Nhưng trển cánh đồng lỗ chỗ bom đạn như mặt trăng này, những đám ruộng vẫn xanh ngát màu xanh sự sống. Một màu xanh quật cường.

   Anh Chúc về đến nhà anh Ba – Chủ nhiệm hợp tác xã Phan Hiền, nơi vợ con anh đang sơ tán, lúc đã  tối hẳn.

   Sau bữa ăn tối, hai anh chủ nhiệm cũng là hai anh em họ trao đổi công việc. Bây giờ Phan Hiền là hậu phương của Nam Sơn rồi. Tất cả xã viên già trể của Nam Sơn đã sơ tán về Phan Hiền, trừ dân quân trực chiến chốt lại trên các địa đồi 13, 17, ga Tiên An… mọi hoạt động ở Nam Sơn đều ở dưới hầm, hào. Anh em, chị em chia ra các tổ trực chiến khác nhau, ở khác hầm để tránh tổn thất nặng nề về cho các gia đình nhỡ bom rơi trúng hầm. Ngoài trực chiến đánh máy bay Mỹ, dân quân còn tham gia đi tải thương, tải đạn bao vây Dốc Miếu chi viện cho quân giải phóng Do Linh, Cam Lộ.

   Có những đợt địch bắn phá ác liệt suốt 24/24 giờ trong ngày, dân quân Phan Hiền tải gạo, cõng đạn lên chi viện cho Nam Sơn, Lê Xá. Cả huyện Vĩnh Linh là một chiến trường đánh Mỹ. Trong mỗi xã lại cơ cấu ”hậu phương” và “tiền tuyến”. Cũng như Vĩnh Linh là tiền tuyến của miền Bắc, nhưng lại là hậu phương của miền Nam. Sự chi viện tại chỗ kịp thời đã làm tăng hiệu suất chiến đấu và hạn chế được thiệt hại rất nhiều. Trong những năm hòa bình, Phan Hiền và Nam Sơn là hai hợp tác xã luôn có sự thi đua quyết liệt trong các phong trào của xã. Nếu như Phan Hiền có lợi thế đất đai màu mở, năng suất lúa cao hơn Nam Sơn, thì Nam Sơn lại mạnh về trồng màu. Nam sơn có trung đội dân quân nhiều năm liền đạt danh hiệu quyết thắng với những tên tuổi như Hoàng Anh, một xạ thủ của Vĩnh Linh từng dự thi bắn sung quân dụng toàn miền Bắc; Trần Hữu Mạnh – “Con hùm xám” nổi danh từ những năm đánh Pháp; Lê Văn Châu ”Lực sĩ” một mình vác cả khẩu cối vận động còn nhanh hơn người khác; rồi Trần Hữu Bảy, Lữ Hữu Túc, Nguyễn Văn tải, Nguyễn Duy Ly, Nguyễn Hà, Nguyễn Văn Sản… có đội văn nghệ từng nổi đình, nổi đám trong xã và huyện với các giọng ca Kim Khánh, Hồng Thiết, Bích Đào… và “Cây sáng tác” Nguyễn Văn Hoan, tấu hài Phạm Văn Chuyên. Và bây giờ những thế mạnh đó của hai hợp tác xã đang bổ sung cho nhau, chi viện cho nhau. Hình như hôm nay anh Chúc nói nhiều hơn anh Ba, một sự khác với thường ngày. Anh nói cả về những dự tính tương lai khi chiến tranh kết thúc. Đó là chiếc cầu bắc qua sông Bến Hải để bà con bên này đi chợ Kênh bên Võ Xá cho gần, xuống đường một vô Đông Hà, vô Huế cũng thuận tiện. Đó là xây trường cấp một thiệt đẹp bầu Tràm trước cửa trường sẽ được thả sen, bờ bầu xây lại sạch đẹp có thể đi dạo xung quanh. là một con đườngtừ Nam Sơn ra Lê Xá ra xã Vĩnh Lâm, nối với thị trấn Hồ Xá. Con đường sẽ đi qua hồ sen này, chạy thẳng vào bờ sông. Bến sông xây lại thiệt đẹp, có chỗ cho đò, xuồng neo đậu… lòi Chùa, lòi Hiệm được quy hoạch tôn tạo trồng thêm các loại cây gỗ quý để là nguồn giữ nước cho bàu Bường, bàu Hiệm… anh Ba ngắt lời: đang chiến tranh ác liệt thế này mà chú Chúc cứ nói chuyện xây dựng khi hòa bình về chắc mai mốt Nam Sơn dưới bàn tay chèo lái của chú sẽ rất đẹp.

   Anh Chúc đứng dậy đỡ bình nước chè từ hai tay chị Doãn vợ anh Ba, rót ra chén cười phá lên:

   - Phải mơ mộng một chút chú anh Ba. Biết đâu mình đánh mạnh thế này, chịu không nổi ra tết, thằng Mỹ xin đầu hàng để rút quân về nước. Khi đó mình lại bấn lên việc nọ xọ việc kia không theo kế hoạch chuẩn bị trước, có khi hỏng chuyện chứ chơi à.

   Thấy vui, chị Doãn cũng vừa rửa chén đũa vừa góp chuyện. Trong hầm, chị Đỉu đang ru cho thằng Long ngủ. Tiếng chị cất lên êm dịu làm mọi người như quên đi tiếng máy bay trinh sát của địch ì ì bay qua trên đầu.

   - À ơi, làm một bức thư gửi qua Giang Đông, trước thăm chồng sau thăm tiện thiếp. Đạo vợ chồng nghìn kiếp không quên…

   Anh Ba đứng dậy: - Thôi chú Chúc đi ngủ đi, cả ngày ở trên nớ chắc mệt lắm rồi. Mai có lên trên đó nữa không. Anh Chúc ghé điếu thuốc lá chuối vào ngọn đèn phòng không rít rít cho cháy rồi ngẩng lên: - Sáng mai hội ý chi ủy chiều tui làm việc với Đảng ủy, chuẩn bị kế hoạch K9. Giờ phải xem lại báo cáo khi chiều O Dư phó chủ nhiệm mới đưa cho chưa kịp đọc.

   Anh Chúc vào hầm với tay lấy cái xắc vải đựng tài liệu. Chị Đỉu níu lại giọng trách yêu:

   - Thì làm cả ngày, tối về nghỉ ngơi một chút. Ngồi với con một chút không được à. Cả ngày nay thằng Long cứ giật mình khóc hoài à. Chị đưa mắt nguýt chồng: - Chắc là hắn hờn cha hắn đi biền biệt mấy ngày nay không ngó ngàng đến.

   Anh Chúc ngồi xuống bên vợ, đưa bàn tay nóng ấm cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của cu Long, nắm nắm nhè nhẹ, một tay vuốt vuốt lại mái tóc của vợ: Thằng Lộc với con Lợi ngủ bên hầm chị Doãn à.

   Ừ, à thằng Thọ mới gửi thư về hồi chiều eng bé ghé lại đưa đây này.

   Chị móc túi lấy lá thư của đứa con trai đầu sơ tán ở Thanh Hóa đưa cho chồng. Anh Chúc cầm bức thư ghé sát lại bên ngọn đèn phòng không chỉ chừa một lỗ nhỏ hắt về một phía. Anh đọc to cho vợ cùng nghe. Anh mừng vì các con anh đều khỏe và ngoan, thằng Thọ học giỏi, con Lý mập ú như củ khoai, anh rất yên tâm. Nghe xong thư, chị Đỉu nhắc chồng:

   - Mai có rảnh viết cho con lá thư, chắc nó mong và lo lắm. Chiến tranh ác liệt thế này, biết cha mẹ, em út trong này sống chết ra sao. Nghe nói bữa trước nhận tin thím Thí chết vì bị pháo bắn, chị em con Quang khóc đến ngất đi đó.

   Nghe giọng vợ nghèn nghẹt đẫm nước mắt, anh Chúc ghé mình xuống bên vợ, an ủi chị bằng giọng hài hước vốn có:

   - Bom đạn nó cũng sợ mình chứ. Tui đi lên đi xuống Nam Sơn, Phan Hiền ngày có hai ba bệnh, Cồn Tiên, Dốc Miếu nhìn sang nó thấy hết, mà bắn hay trật.

   - Eng chỉ nói trạng, lỡ rủi ro, mạ con tui bấu víu vô ai.

   - Thì có bà con chú bác, có hợp tác …

   Ào… ào… ầm… ầm… ầm! Bom nổ rất gần hình như phía đầu xóm ông Chín, ông Lơ, ngọn đèn bị hơi bom phụt tắt. Giây phút bình yên của một người suốt ngày giam mình trên trận địa, giờ mới được gần gũi vợ con, cũng bị xé ra bởi loạt bom tọa độ. Anh Chúc vội vùng dậy khoác khẩu tiểu liên K50 cùng anh Ba chạy về phía bom vừa nổ. Anh Ba quay lại: - Chú cứ ở nhà, có gì dưới này để tui lo cho. Chị Doãn chạy ra níu lấy áo anh Chúc:

   - Chú ở nhà với thím và trông mấy cháu dùm tui. Cả ngày ở trên ấy đã mệt rồi.

   - Ả để mặc tui, ả vô với mấy cháu đi. Tui quen việc, vả lại ở nhà cũng nóng ruột lắm, để tui đi phụ với anh Ba.

   Một cậu dân quân vội vã chạy xốc vào:

   - Eng Ba đâu rồi.

   - Vừa chạy ra đó. Có chuyện chi rứa chú.

   - À, có eng Chúc đây. Bom nổ đứt mạch một đoạn nương La Ngà, không ai bị gì – chỉ hai con trâu bị thương nặng, út lên hỏi eng Ba xem giải quyết ra sao.

   Anh Chúc chặc lưỡi: - Chà hắn làm thế này thì vụ tới e hết trâu bò để cày mất. Anh đưa mắt nhìn về phía bom vừa nổ rồi chạy lại nói với cậu dân quân: - Hai con đều bị nặng cả à, tiếc hè. Thôi cậu xuống đó đi, anh Ba đang ở dưới.

   - Dạ! Cậu dân quân chào hai người rồi cũng vội vã như lúc đến, tay giữ chặt báng súng để khỏi đập mạnh vào hông, chạy rút ra đoạn hào giao thông công cộng.

   Pháo sáng bùng lên trắng lóa cả vùng. Thứ ánh sáng ma quái chập chờn soi mói. Thằng OV-10 quay lại thả pháo sáng ngay trên điểm bom tọa độ vừa rồi là để rình rập xem, nếu có hầm sập nhà đổ vẫn có nhiều người lo đào bới cứu nhau, lúc đó sẽ gọi cho pháo Dốc Miếu, Cồn Tiên hay ngoài biển bắn vô sát hại những người đang làm nhiệm vụ cứu nạn. Thật là nham hiểm.

   Một lúc sau, ánh đèn dù pháo sáng dần lụi tắt. Ánh trăng trung tuần tháng bảy lại tỏa sáng dịu êm lung linh trên nóc hầm, trên mảnh vườn nhà anh Ba, trên miền quê “Bán đảo” kẹp giữa hai con song Bến Hải và Sa Lung này. Chiến tranh, ánh trăng cũng bị cắt nát bới khói lửa đạn bom, bởi pháo sáng lập loè. Và cũng chỉ trong chiến tranh, ánh trăng mới được con người tận dụng “hết công suất”. Đêm nay, dưới ánh trăng ngời, những đoàn xe chở hàng, xe kéo pháo ra tiền tuyến… Sẽ không cần bật đèn gần. Đêm nay dân quân Vĩnh Sơn tranh thủ trăng sáng để củng cố lại trận địa, sửa sang lại những hầm hào bị bom đạn đánh sập. Mấy tiểu đội qua Do Linh tải thương sẽ đỡ vất vả hơn. Miên man với những suy nghĩ tốt lành về ánh trăng, anh Chúc lại nhớ về những đêm trăng hòa bình thanh niên đắp đường, làm thủy lợi, tập văn nghệ sôi nổi, vui vẻ… Chà, mong sao hết chiến tranh để trả lại cho ta ánh trăng hòa bình trẻ trung…

   Ào… ào… Tiếng rít xé gió của máy bay phản lực lướt qua trên đầu cắt dòng suy nghĩ của anh Chúc. Tiếng bom dội lên phía Nam Sơn, Lê Xá, rung cả vách hầm. Anh Chúc nhổm dậy ra khỏi hầm nhảy lên mặt đất nhìn về phía Tây, lo lắng, bồn chồn: Không biết nó có đánh trúng hần ai không.

   Vừa lúc, vợ chồng anh Ba về:

   - Chú chưa ngủ à.

   - Mới nằm xuống một lúc, nghe nó đánh trên kia không ngủ được. Tình hình dưới đó ra sao rồi?

   - Sơ sơ, mất hai con trâu, tiếc thật. Tôi cho làm thịt và cử hai dân quân khiêng lên cho Nam Sơn, Lê Xá mỗi nơi một ít rồi. Thôi vô ngủ đi, khuya rồi.

   Đêm tạm thời yên tĩnh trở lại nơi đây. Nhưng tiếng bom, tiếng pháo vẫn còn ùng oàng đâu đó. Thỉnh thoảng vách hầm vẫn rung lên.

                                                                 * * *

   Sáng nay anh Chúc dậy sơm tranh thủ súc mấy xẻng đất đắp thêm vách hầm chữ A. Công việc hợp tác, chi bộ xoắn lấy người anh suốt ngày, thành thủ chỉ có luc chạng vạng và chập tối mới có thể tranh thủ giúp vợ con. Anh thường dí dỏm gọi những lúc này là bài tập thể dục buổi sáng. Cơm nước xong, khoác chiếc túi dết đựng tài liệu một bên, khẩu K50 một bên, cúi xuống cài lại dây dép cao su, quay sang hôn vào má cu Long một cái, anh bước ra khỏi hầm, lăm xăm đi về nơi làm việc của Chi ủy và ban quản trị HTX.

   Chi ủy họp trong một tâm trạng lo lắng cho các tiểu đội trực chiến bởi suốt cả buổi sáng nay địch đánh Nam Sơn ác liệt quá. Hầu như khói bom đã che phủ hết cả mấy ngọn đồi trên đó. đến mười giờ rưỡi vẫn chưa thấy cậu bé liên lạc trỡ về. anh Chúc sốt ruột lắm. Tan họp, anh đi như chạy, tạt qua nhà, chỉ đứng ngoài hầm nói vọng vào:

   - Mạ con cứ ăn cơm trước, tui lên trên đó xem tình hình thế nào, về ăn sau.

   - Cơm chín đây rồi, eng ăn một chén đã rồi đi. Chị Đỉu bưng nồi cơm ra cửa hầm nói với chồng.

   - Thôi, mấy mạ con cứ ăn trước đi, tôi sốt ruột lắm. Vừa nói anh vừa lúp xúp chạy về phía Nam Sơn. Qua cửa nhà ông Lơ, chị Nang và mẹ thấy anh gọi với theo:

   - Chú Chúc vô đây ăn chén cơm đã, đi mô mà coi bộ vội vã rứa.

   - Tui lên Nam Sơn xem tình hình thế  nào, sáng nay nó đánh rát quá.

   - Chúc vô ăn chén cơm rồi hẵng đi. Mẹ anh tay vịn của hầm, nhìn theo dáng tất bật của con trai, thở dài một tiếng. Bà thương anh lắm, có lẽ hơn những đứa con khác một chút, bởi anh còn luôn bận rộn với công việc của chi bộ, của hợp tác và luôn được bà con yêu mến. Các con bà đứa mô cũng ham làm siêng năng, có tính hài hước. Cả thằng Phong, con Còi ở nhà, hay thằng Định, thằng Nhì đang ở bộ đội đứa mô cũng hiền thục, ở đâu cũng được lòng mọi người. Đó là sự kết tinh của dòng họ Trần Hữu và họ Lê nhà bà. Trong nắng lóa của buổi trưa tháng Tám, nhìn theo đứa con trai đang ở độ sung mãn của đời người, luôn đặt cái lo cho hợp tác, cho mọi người lên trên cái lo cho gia đình, cho bản thân, bà cầu mong con bà được bình an giữa khói lửa đạn bom. Bà quay vào hầm, có cái gì cay cay trong mắt. Một loạt bom nữa rung lên. Dẫu biết, con trai chưa lên đến trận địa, bà cũng thấy giật thót mình.

   Băng qua màn khói bom do ngọn gió Nam thổi tạt xuống, anh Chúc lọt vô trận địa, vội tìm đến hầm trung đội trưởng Mạnh để nắm tình hình. Trao đổi công việc xong, anh đi kiểm tra lại trận địa, nhắc anh em sửa chữa lại ngay những đoạn hào bị sập, lở. Đi qua hầm tiểu đội bốn, Hà và hai người nữa đang ăn cơm. Họ mời anh ở lại ăn cơm, anh vui vẻ: - Tau có suất ở nhà rồi, tau ăn đây, bay lại phải nấu suất khác cho anh em đang trục ở ngoài chốt, mà trên này nấu được bữa cơm đâu có dễ. Dựng lại quấn điếu thuốc hút, anh dặn lại với mấy o dân quân:

   - Em xuống kho lúa kiểm tra xem nó bắn phá có hư hại chi không. Lỡ có chi mấy út xuống coi thử nghe.

   Nói xong, bóng anh đã mất hút ở đoạn hào gấp khúc.

   Mấy phút sau, khi bữa cơm của tiểu đội bốn chưa xong, bỗng nghe tiếng đại bác xé gió rồi nổ đoàng một tiếng phía kho lúa. Chỉ một tiếng nổ rồi im bặt. Mấy phút trôi qua lặng ngắt, khó hiểu, ai cũng nghĩ rằng thằng địch sẽ bắn tiếp nhưng vẫn im lặng. Mọi người ngó ra, nó bắn chi lạ, chỉ một phát thôi. Linh tính cho mọi người biết rằng Dốc Miếu phát hiện ra bóng anh Chúc ở trận địa mới bắn như rứa. Anh Oanh, Mạnh cử o Hà y tá và mấy dân quân cùng chạy xuống. Hai ống quần anh Chúc ướt đẫm máu, anh vẫn tỉnh và đang cố moi cuộn băng ở chỗ túi cứu thương cá nhân để tự băng bó cho mình. Hà lấy kéo cắt đứt ống quần của anh. Một mảnh pháo cắt phía sau đầu ngối làm đứt động mạch. Máu phụt ra rất mạnh. Hà lấy băng thắt garô nhưng không sao cầm được máu. Đông mạnh chìm giữa hai dây chằng cơ đùi nên rất khó chèn. Cô y tá mới ra trường lúng túng không sử lý được vết thương hiểm. Anh Chúc vẫn tỉnh táo động viên Hà: - Út cứ bình tĩnh sử trí, không sao anh đâu.

   Sự tỉnh táo lạ thường của anh làm mọi người vừa khâm phục, vừa lo lắng. Kinh nghiệm chiến trường cho anh em dân quân biết sự tĩnh táo như thế này cũng làm mất nhiều máu, nguy đến tính mạng. Anh Oanh lạnh cho bốn dân quân khẩn trương lấy cáng đưa anh Chúc về trạm y tá của xã ở Phan Hiền. Ba cây số chạy bộ qua những đoạn đường dày đặc hố bom, không biết anh Chúc có sao không. Mọi người nhìn theo lo lắng, thương cho người cán bộ đáng kính của mình.

   Nghe tin anh Chúc bị thương nặng, ông Thường – Bí thư Đảng ủy cùng ông Sum, ông Đo, anh Hai trong thường vụ đến trạm xá thăm và chỉ đạo việc cứu chữa. Bà con Nam Sơn, Phan Hiền nữa kéo đến thăm rất đông. Các đồng chí cán bộ xã và dân quân phải thuyết phục mọi người trở về không nên tập trung đông dễ bị lộ, máy bay địch có thể đến oanh tạc. Chi Nan (Chị dâu anh Chúc) và chị Khánh (em dâu) chỉ kịp đút cho anh mấy thìa cháo. Chị Đĩu ngồi ở nhà rất sốt ruột lo lắng khi thấy mọi người đến thăm chị (lấy cớ thăm cháu Long mới được ba tháng tuổi) với vẻ mặt buồn bã, e ngại. Linh tính cho chị biết có điều gì chẳng lành đối với chồng. Chị bảo con bé Lợi ngồi ôm thằng Long rồi ào đến trạm y tế gần đó trong tiếng khóc xé lòng. Các cô dân quân ôm chầm lấy chị, bế chị vào một hầm khác, ra sức an ủi động viên, bình tĩnh để các y bác sĩ cứu chữa cho anh.

   Nhưng do bị mất quá nhiều máu, tính mạng anh Chúc đang bị đe dọa, ông Thường – Bí thư Đảng ủy xã lệnh cho dân quân đưa anh Chúc ra trạm phẫu dã chiến của quân đội ở Vĩnh Lâm để có điều kiện cứu chữa.

   Anh Chúc tỉnh lại, nói quá hơi thở yếu ớt:

   - Chú Thường chắc tui không qua khỏi đâu. Chú cho gặp các anh ở Ban quản trị và chi ủy để bàn giao một số công việc.

   Ông Thường cúi xuống bên anh: - Chúc cứ an tâm để lo cứu chữa – Công việc có Đảng ủy và ban quản trị lo. Rồi ông quay ra giục: - Dân quân đâu, đưa đồng chí Chúc đi mau.

   - Đừng … đưa tôi đi, cho tôi ở đây… Để gặp vợ con, anh em… đồng chí…

   Anh đừng nói với mẹ anh và chị Nang :

   - Răng không cho vợ con tới cho gặp. Chị Nang nhấc cái chân này (anh chỉ vào chân bị thương) gác lên chân kia cho... nghỉ… một chút.

   Rồi anh quay lại chìm vào cơn mê.

   Bốn dân quân bế anh lên trạm cứu thương khẩn trương đưa qua trạm phẫu.

   Mọi người nhìn theo trong ngấn nước mắt. Vẻ mặt ai cũng đầy lo âu, thương cảm. Chạy được một đoạn khá xa, o Sang nghe tiếng anh Chúc yếu ớt:

   - Mấy út dừng lại… đừng đi nữa… cho anh về.

   - Anh yên tâm, sắp tới nơi rồi.

   Họ đổi vai cho nhau, chạy tiếp trong những đoạn hào giao thông chật hẹp vượt qua con đường đất lồi lõm, vòng vèo bởi hố bom, hố pháo.

   Ai cũng muốn mau tới trạm phẫu để may ra cứu được người cán bộ mà họ rất tin yêu. Nhưng sự sống đang dần rời xa anh. Chạy được một đoạn nữa, thấy anh ra hiệu, họ dừng lại. Anh thều thào, giọng yếu dần:

   - Mấy út ở lại… anh gửi lời chào… các anh… trong Đảng ủy, Ủy ban và bà con hợp tác… anh … đi.

   Cả bốn dân quân òa khóc nức nở. Họ gọ tên anh trong nỗi đau đớn tuyệt vọng.

   Bốn giờ chiều, anh được đưa về trụ sở đội bốn Phan Hiền. Được liên lạc chạy về báo trước, các anh trong Thường vụ Đảng ủy xã, Chi ủy ban quản trị Nam Sơn, Phan Hiền cùng nhiều dân quân và bà con xã viên có mặt ở đây để đón anh.

   Cụ Kĩnh chống gậy lập cập bước vô nhà.

   - Răng chú vội đi rứa, bà con đang chờ chú đó tề - chú Chúc ơi, răng chú không sống để thăm đồng với tui.

   Tiếng khóc của cụ già – Tiếng khóc của một người xã viên mẫu mực rất yêu thương anh, càng làm cho mọi người tê tái, buồn đau.

Chị Đĩu được dìu tới gặp chồng lần cuối. Chị như tàu lá héo oặt mềm trong đớn đau thảng thốt. Ông Thức – Phó Bí thư chi bộ, phó chủ nhiệm HTX, dìu một bên chị, an ủi:

- Cháu đừng khóc nhiều, mất sức. Dù sao chồng cháu cũng làm tròn nhiệm vụ rồi. Chúc nó thanh thản lắm. Bà con ai cũng thấy thương.

- Chú ơi, răng không cứu eng Chúc cho mẹ con cháu. Eng Chúc ơi eng đi mà các con không gặp được eng… Chị Đĩu ngất lịm đi, mấy chị em phải đưa sang hầm khác cấp cứu.

Tin anh Trần Hữu Chúc hi sinh làm mọi người bang hoàng. Không chỉ ở Nam Sơn, mà hầu như cả xã Vĩnh Sơn này ai cũng biết anh, người cán bộ mẫu mực vui tính. Anh gần gũi với bà con xã viên, thấu hiểu hoàn cảnh của từng nhà, từng người. Có điều gì thắc mắc, mọi người tìm đến anh. Đêm Đêm anh vẫn thường đi tuần tra với dân quân dọc bờ sông giới tuyến, anh chu đáo với anh em, giữ nghiêm kỷ luật với chiến sĩ. Anh ngã xuống ở tuổi ba chín khi những trải nghiệm của cuộc đời đang độ chín.

Mộ anh được đặt bên con đường ra đồng. Mỗi ngày đi làm qua đây, mọi người như thấy anh tay mạng túi dết văn công, vai mang súng, tay cầm chiếc cuốc đứng đó dõi theo những đổi thay của quê hương Vĩnh Sơn yêu dấu.  

                                                                           H.T

Hữu Thọ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 94 tháng 07/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground