Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một người con của "mảnh đất người đời"

N

ăm trước, một nhóm anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị  của các phân hội nhiếp ảnh, hội họa, văn học…được ra nhà sáng tác Đại Lãi để dự trại. Tôi cũng là trại viên nhưng vì công việc, phải ra muộn hơn. Ra tới Hà Nội, chỉ mới “a lô” thông báo với nhà văn Ngô Thảo là có anh em Quảng Trị ở đó, ông vội vã : “Thế thì mình đi thăm anh em một chút chứ nhỉ!” Rồi ông khuân theo vài chai rượu quý, dọc đường lên Đại Lãi gặp ổi mua ổi, gặp vải thiều mua vải thiều ..mà ông bảo là “làm quà cho anh em uống rượu”.

Khỏi phải nói chiều hôm đó anh em đã vui như thế nào. Khu sáng tác Đại Lãi vốn yên tĩnh quạnh vắng (cho anh em tập trung… cảm xúc), có ông Ngô Thảo lên, anh em văn nghệ có người gặp lần đầu, có người vài lần gặp nhưng tên của ông anh em đã biết, đã đọc. Và những tâm tình Quảng Trị ấm áp dâng trào. Cũng là nhà văn tên tuổi, chức sắc cũng lên tới Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu, từng “cầm chịch” trưởng ban lý luận phê bình ở tạp chí Văn nghệ Quân đội danh giá, số đầu sách ông viết cũng dài theo đường văn chương, mới đây, cuốn sách thứ 14 của ông “Dĩ vãng phía trước” vừa được giải thưởng lý luận phê bình năm 2012 của Hội nhà văn Hà Nội.

Nhưng với rất nhiều người quen biết, dù sự nghiệp văn chương của ông khá lớn, nhưng “tình người Ngô Thảo”  mới là… vĩ đại! Ra Hà Nội, đi lang thang với ông, gặp người này người kia thấy mọi người hay gọi đùa ông là “Chị Thảo”, dần dần tìm hiểu mới biết, cái từ “chị” ấy gọi ông với tất cả yêu thương quý mến bởi ông là một người vô cùng chí tình và tận tụy, tận tụy với vợ con gia đình, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè không kể địa vị, tuổi tác, với ai cũng thấy ông chăm sóc chu đáo. Ngồi với ông uống bia cỏ vỉa hè Hà Nội, những người cùng bàn đều tầm tầm trung niên, nhìn cách thức bộ dạng cũng chỉ là đàn em đàn cháu ông Thảo, lấy con mắt trần tục mà xét thì cũng “tầm tầm bậc trung”, chưa nghe danh vị số má gì trong mọi chốn văn chương hay trường đời  giang hồ, nhưng cái cách ông ứng xử, gắp cho người này, rót bia cho người kia, hỏi han người nọ… Cái sự quan tâm chăm sóc trân trọng thật lòng mà chỉ có người trải đời, hiểu nghĩa lý vô thường mới ứng xử được thế.

Rồi khi nhìn cung cách ứng xử tận tụy ấy giữa đời thường, chợt soi vào những trang văn của ông, hóa ra sự tận tụy ấy có “căn cốt” hẳn hoi! Đọc gần 500 trang của tập sách “Dĩ vãng phía trước”, thấy từ thuở đang là lính, rồi bắt đầu bước vào nghề văn, sự cẩn trọng và tận tụy bẩm sinh ấy đã khiến ông ghi chép tỷ mỉ hàng ngàn trang tư  liệu, để rồi giờ đây, trên trang sách “dĩ vãng” được hiện ra chân thực và sinh động. Phía sau những dòng ghi chép cẩn trọng ấy là gương mặt của một thời đại với tất cả sáng tối buồn vui mưa nắng cuộc đời! Những ghi chép của gần nửa thế kỷ, được ông nâng niu, cất giữ như thế, hóa ra sự “nâng niu” ấy cũng là hiện thân của sự tận tụy nơi con người ông, cả “văn” và “đời”!

Nể ông từ sự lịch lãm, quý ông bởi sự chân tình, rồi mang tất cả những cảm nhận ấy mà quay lại đọc lại những trang đời của ông mới hay ông Ngô Thảo cũng là một “kỳ nhân”. Và như ông cha ta nói, “phúc nhà”. Năm 70 tuổi ông vẫn được trời cho một sức khỏe đủ để leo núi, đi Đông đi Tây. Mấy năm trước, ở tuổi 69, ông cùng với nhà biên kịch Nguyễn Hồ, nhà thơ Nguyễn Duy, đạo diễn Đào Anh Dũng, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn…trong đoàn làm phim của công ty BHD hợp tác với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) lặn lội qua Pháp, qua Algeria, qua Madagascar tận châu Phi xa xôi để làm bộ phim “Đi tìm dấu tích ba Vua” – ba ông Vua ấy là ba ông Vua yêu nước của nhà Nguyễn: Hàm Nghi-Thành Thái-Duy Tân. Tuổi “thất thập cổ lai hy” có thể là “lão giả an chi”  với ai đó, nhưng với Ngô Thảo, mùa xuân thứ 70 của cuộc đời mà ông cứ hết ngược Bắc lại xuôi Nam. Có lần gọi điện hỏi thăm, ông lại bảo đang lang thang tận miệt Cà Mau, Đồng Tháp để săn sóc cho bộ phim “Cánh đồng bất tận”- Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được công ty BHD mua bản quyền để chuyển thể kịch bản. Tuổi tác ấy, sức làm việc ấy đã là hồng phúc cho ông, một người như ông tự nhận : “Cố gắng không làm điều gì thất đức”.

Ấy thế mà con người tận tụy, anh em bằng hữu từ bằng vai phải lứa đến bạn vong niên, ai cũng tin yêu quý mến bởi “không làm gì thất đức” ấy, qua năm 2011 ông lại “dính đòn” của số phận: Ung thư hành tá tràng! Cả suốt một năm trời, bay đi bay về Singapore - Hà Nội, cứ nghĩ căn bệnh và tuổi tác sẽ quật ngã ông, vậy mà không, dù hóa trị, xạ trị và bị bác sĩ “mổ banh bụng”, tóc rụng hói cả đầu nhưng ông đã vượt qua bạo bệnh để bình an trở về giữa vòng  tay gia đình và bè bạn! Và ông lại tiếp tục hành trình “tận tụy” với việc sắp xếp lại những trang ghi chép từ mấy chục năm trước, vừa lo lắng cho những bạn bè đã đi xa. Mới dịp hè 2013, nhân 10 năm ngày mất người bạn tri kỷ - Nhà thơ Thu Bồn, ông lại đứng ra tập hợp in cho bạn mình cuốn sách “Tráng sĩ hề dâu bể” rồi dành tiền bán sách để lo cho vợ con của nhà thơ Thu Bồn đang bệnh tật.

Mùa hè vừa rồi, tôi may mắn được ông mời về dự lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm của gia tộc họ Ngô của ông ở Vĩnh Nam-Vĩnh Linh, đọc những dòng chữ đỏ thắm khắc trên bia đá mới thấy hết sự hy sinh của gia tộc ông cho cách mạng. Một trang gia phả thắm đỏ truyền nối mấy đời khắc lên đá hoa cương, mang trong mình nó biểu tượng của cả bao nhiêu đời dân đáp đền nợ nước, từ thuở phò vua theo chiếu Cần Vương cho đến ngày đất nước giành độc lập.

Tính ra, nhà văn Ngô Thảo là đời thứ tư của dòng họ Ngô đất này. Chữ khắc trên bia ghi đời thứ nhất, vị khai khẩn là ông Ngô Tính, quê quán ở Thủy Cần -Vĩnh Kim -Vĩnh Linh, là con trai trưởng trong gia đình cụ Ngô Tình. Dưới triều vua Tự Đức, ông làm cai trong đội cận vệ nội cung. Năm 1885 phò tá vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp. Trở lại Vĩnh Linh, ông Ngô Tính về vùng đất này khai hoang lập nghiệp. Vợ của ông Ngô Tính là bà Lê Thị Bình. Ông bà có bốn người con: Ngô Thị Ky, Ngô Thị Kỉnh, Ngô Thị Kiu, Ngô Tăng.

Ngô Tăng , người con trai duy nhất nối dõi tông đường thành đời thứ hai của họ Ngô chính là ông nội của nhà văn Ngô Thảo. Từ đầu thế kỷ 20, ông Ngô Tăng và bà Trần Thị Choai  đã là cơ sở cách mạng của các đồng chí Lê Duẩn, Trần Công Khanh, Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Lưu… những năm 1928-1945. Ông bà sinh ra bảy người con và tất cả đều là những  chiến sĩ cách mạng hoạt động từ tiền khởi nghĩa. Như ông Ngô Sừ, người con trai cả (bố của nhà văn Ngô Thảo) tham gia cách mạng từ năm 1928, đồng sáng lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Vĩnh Linh, Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh năm 1945, sau đó hy sinh, là liệt sĩ. Mộ ông Ngô Sừ nay vẫn nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ông Ngô Sòa, đảng viên từ 1940, chỉ huy lực lượng vũ trang Vĩnh Linh năm 1945, sau này cũng hy sinh. Một liệt sĩ khác là ông Ngô Sà, cũng tham gia cách mạng từ 1936. Với 3 người con là liệt sĩ, bà nội của ông Ngô Thảo - Cụ bà Trần Thị Choai được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ba liệt sĩ, gia đình ông nội của nhà văn Ngô Thảo có có bốn người con khác đều là lão thành cách mạng gồm: Ông Ngô Sồ, hoạt động cách mạng từ 1929, đảng viên năm 1930. Bà Ngô Thị Sù tham gia cách mạng từ 1937, bà Ngô Thị Sựu, hoạt động cách mạng từ 1940, đảng viên năm 1947, bà Ngô Thị Sùng hoạt động cách mạng từ 1943, đảng viên năm 1948…

Hôm khánh thành nhà bia tưởng niệm có nhiều cán bộ cựu trào của huyện Vĩnh Linh về dự, trước những dòng tên và công tích của những thành viên gia tộc họ Ngô khắc trên bia đá, lòng tự hào dâng lên không chỉ với những thành viên trong gia đình mà những khách mời đến dự vẫn thấy tự hào bởi đó chính là hiện thân của những con dân quê hương Vĩnh Linh trung trinh bất khuất, suốt đời phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân. Sự hy sinh ấy không phải là ngày một ngày hai mà truyền đời nối kiếp, như những hồng cầu cách mạng luân chuyển trong những dòng gia phả thắm đỏ tạc trên đá hoa cương!

Với một hương hỏa từ “gia tộc cách mạng” như vậy, nên cho dù đi qua chiến tranh đến được ngày hòa bình thì thái độ sống của Ngô Thảo luôn quyết liệt. Đó cũng là một thái cực ngỡ như mâu thuẫn trong con người ông: Vô cùng tận tụy mà cũng vô cùng quyết liệt!  Nếu trên đời, nhân gian có một đúc kết “đức năng thắng số” thì ông Ngô Thảo đã được chở che từ phúc ấm  tiền nhân trong gia tộc cách mạng của mình  để đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, trên một chiến trường ác liệt nhất, sống những ngày lẫm liệt nhất vẫn may mắn bình an trở về sau chiến thắng. Cái phúc ấm ấy cũng  chính là tình cảm quyết liệt mà ông thừa hưởng từ  hương hỏa tinh thần của gia đình. Mười năm trước, có người hỏi ông rằng: “Câu chuyện gia đình mà Ngô Thảo làm của hồi môn cho con gái con trai sau này đi lấy chồng lấy vợ? Ông Thảo nói đó là bà nội của các con ông- con gái một Hàn lâm học sĩ triều đình Huế, “đã yêu và bỏ tất cả để làm vợ một chiến sĩ cách mạng bị án tù là cha tôi bấy giờ.” Câu chuyện “động trời” ấy xảy ra vào năm 1939-1940, đến nỗi cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ báo Tiếng Dân đã có đôi câu đối tặng cho cuộc tình giữa thân phụ-thân mẫu của ông: “Ừ một tiếng sắt đinh-dù cho vật đổi sao dời, kết tóc giữ nguyên lời ước nguyện./ Duyên ba sinh hương lửa, sau lúc mù quang mây tạnh, trông trăng mừng thấy cuộc đoàn viên”. Đầu thế kỷ 20 mà yêu nhau như thế, dấn thân như thế, lên cả báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh như thế phải nói là “chấn động” lắm lắm! Và tình yêu quyết liệt ấy cũng được truyền nối trong huyết quản của chính ông. Ông hay hoài niệm về thời trận mạc, không phải lấy quá khứ xương máu của mình đã trải qua chiến tranh để tăng thêm sức nặng cho bản lý lịch đời mình. Ông nhắc nhớ chiến tranh như một món nợ đời người, khi ông còn sống đến hôm nay mà bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa đã lặng im nằm lại với đất đai nơi bìa rừng trảng cỏ. Và ông tri ân quá khứ, bày tỏ trách nhiệm với hôm nay không chỉ từ những trang viết, từ những cống hiến trên cương vị quan trọng-Phó Tổng thư ký thường trực hội Sân Khấu Việt Nam hai nhiệm kỳ liền.

Năm năm trước, chuẩn bị 55 năm sự kiện hiệp định Geneve (1954 - 2009) ông, với tư cách chủ tịch hội đồng hương Vĩnh Linh tại Hà Nội đã gửi về huyện nhà một bản đề xuất tôn tạo khu di tích đôi bờ Hiền Lương. Di tích này cần được mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của thống nhất hàn gắn, với đôi bờ sông hoa, với tình cảm của mấy chục tỉnh thành trên cả nước dành cho, không nhất thiết phải tượng đài hoành tráng. Lịch sử Việt Nam đã đi qua dòng sông “cách nhau chỉ một mái chèo” này đằng đẵng hai mươi năm, có tỉnh thành nào trên cả nước lại không có những con em đi qua dòng sông này? Vậy thì hãy để đôi bờ Hiền Lương được quy hoạch theo hướng “của cả nước”, mỗi tỉnh thành sẽ đóng góp cho bài ca dòng sông thống nhất này những công trình riêng của mình nhưng lại hài hòa trong một chính thể mang tính thống nhất và biểu tượng. Làm được như thế thì cũng là cách “đông tay vỗ nên kêu”, mà lại giải bài toán khó khăn muôn thuở là… kinh phí. Không biết ý tưởng của ông và các nhà lãnh đạo tỉnh, nhất là khối văn hóa đã được đồng cảm đến đâu, nhưng trên cơ sở ấy, câu chuyện của Hiền Lương hôm nay sẽ là một câu chuyện đẹp, và sự góp mặt của các vùng miền trên đôi bờ sông tuyến năm nào sẽ ngân cao hơn những nốt nhạc của bài ca khát vọng thống nhất …

Thấm thoắt đã năm năm trôi qua kể từ ngày ông Ngô Thảo “phác thảo” cái dự án về một “đôi bờ Hiền Lương mang tình cả nước”. Đã chuẩn bị dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của “đất thép lũy hoa” Vĩnh Linh 1954-2014, trước khi có những công trình kỷ niệm ngày trọng đại ấy, tôi vẫn nghĩ Vĩnh Linh là mảnh đất được dựng nên từ mồ hôi, nước mắt và máu của những gia tộc tận lòng yêu nước thương nòi như gia tộc họ Ngô của ông Ngô Thảo ở đất Vĩnh Nam. Hàng trăm dòng tộc như vậy trên mảnh đất người đời này đã đi qua tháng năm khốn khó và tao loạn, gian khổ và lẫm liệt, nước mắt và máu xương, đạn bom và hòa bình… để làm nên dàn hợp xướng của bản hùng ca Vĩnh Linh hôm nay. Và trong dàn hợp xướng ấy, những người con họ Ngô là những nốt nhạc vang ngân. Trong những nốt nhạc vang ngân ấy có một con người Vĩnh Linh “một trăm phần trăm” là nhà văn Ngô Thảo!

 

L.Đ.D

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

5 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground