Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nắng gió Cao Nguyên

          I. Theo tiếng gọi của rừng, hai mươi năm sau tôi lại lên vùng Đăkrlấp.

         Mùa mưa. Những con đường trơn như đổ mỡ. Chiếc Dream của anh Tưởng không đóng xích xe đạp bánh sau, đổ dốc tuồn tuột. Hết xuống lại bườn lên. Cứ luồn theo những lô cao su mà đi. Mắt chạm tấm biển “Vùng đệm rừng Nam Cát Tiên”, vẫn chỉ thấy cà phê và cao su, và ong óng màu đất đỏ như vừa nhuộm xong. Nhớ năm 2001, chúng tôi đi từ Buôn Mê Thuột tới Plâyku, anh bạn nhiếp ảnh cứ thắc mắc: - Sao không thấy Trường Sơn. Tôi biết trong đầu anh ta, Trường Sơn là bạt ngàn cây núi, là rừng thiêng nước độc. Thành ra đi trên đường Trường Sơn công nghiệp hóa, mà anh ta cứ tưởng đang đi trên xa lộ vùng cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Nhất là tới đâu cũng thấy nhà cửa san sát, phố xá mọc như nấm.

Giờ thì tôi đang thật sự nếm mùi cao nguyên mùa mưa. Bầu trời sũng nước, mưa cứ lắc rắc lắc rắc mãi không dứt được. Muốn chụp vài tấm hình cũng không biết làm cách nào. Chiếc máy cà tàng của tôi, rõ là không chịu nổi thời tiết khó chịu đến oải cả người. Lâu lâu gặp vài vũng nước, xe ngập bánh, máy hụ như trâu rống. Đã thế, gần tới địa phận Đăcksin, bánh trước lại xì hơi lép xẹp. Tôi nghĩ phải xuống xe dẫn bộ, ai ngờ anh Tưởng cứ tống ga chạy tới tới. “Xứ này vậy đó. Đang chở cả trăm ký mủ, xe lủng cũng cứ phải chạy. Chạy về rồi thay ruột mới. Trăm ký mủ gấp mấy chục lần cái ruột”. Mãi tới chợ Đăcksin anh Tưởng mới dừng lại vá sống lỗ mội. Tranh thủ vào quán húp tô phở. Trời vẫn rây mưa lướt thướt. Sướng cho mấy chàng trai, mới chín giờ sáng đã rượu đế bò xào; vừa nhậu vừa coi Euro phát lại trận cầu đêm qua trên cái màn hình tổ bố. “Lính cạo mủ hết việc đó. Buổi sáng lên rẫy chừng hai ba tiếng, mỗi đứa bỏ túi ba, bốn trăm ngàn. Gặp mưa buồn thì nhậu”. Dân cao nguyên nhậu rượu đế như xe ben uống dầu. Khi chúng tôi rời quán, đã thấy bàn nhậu hết nghiến hai chai, loại mỗi chai ba xị.

Thế rồi chúng tôi cũng đến được lô cao su bảy năm tuổi của anh Tưởng. Trời mưa nên xuống xe là tôi chui tọt ngay vào căn nhà gỗ cất lưng lửng chân đồi. Hậu, con gái anh Tưởng đang ngồi ăn cơm với chàng trai làm công quê ở Hải Dương. Anh này lựa từ đống sầu riêng nơi góc nhà ra mấy trái. Nghe mùi thơm lừng lựng trên bàn, bầy gà choai choai cỡ nắm tay bỗng rộn lên. Có con táo tợn nhảy lên cả mặt bàn, xông tới mổ lia lịa vào đĩa sầu riêng vàng nghín. Gà cũng thèm ăn sầu riêng như người.

Đang mưa lực sực, thoắt cái nắng đã ửng lên mấy vạt. Tôi lập tức xách cái máy chạy xuống chân đồi. Xuyên qua cả trăm mét tiêu chạy dài, tôi bị chặn lại bởi một cánh rừng hoang. Nghe rõ thác đổ ồ ồ, vậy mà không làm sao tìm ra được lối đi để lần xuống. Ngoảnh qua phía đất trống, thấy rõ một thung lũng bị bỏ hoang xanh rì màu cỏ. Vất vưởng một dòng suối đỏ quạch. Vừa giương ống kính thì trời lại chụp mưa. Lại vắt giò lên cổ mà chạy. Vào nhà, nhìn xuống hai ống quần, thấy loang lổ từng bệt đất đỏ như son.

Đất Tây nguyên đã nhuộm tôi từ lúc nào.          

II. Anh Tới kể:

Khoảng năm 1961, dân Gia Độ vô tới vùng đất thuộc chợ Đạo Nghĩa ngày nay. Hồi đó chỉ là con lộ đất nhỏ như đường mòn. Tất cả khoảng mười tám gia đình nheo nhóc người già và con nít. Ông Diệm phát cho mỗi tháng 21 ký gạo theo đầu người lớn. Đất ở thì cấp theo bước nhảy của lính đạc điền. Nó khỏe nhảy xa thì đất rộng. Nó mỏi cẳng nhảy cà xịa thì đất hẹp. Rộng hẹp là tính theo mặt đường; còn mở sâu xuống bao nhiêu, mở thẳng lên bao nhiêu là tùy sức từng nhà. Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Cần nhất là phải có sức đàn ông. Cây rừng cả mấy vòng tay ôm, không dễ gì mà phát ngay cho nổi. Đầu tiên phát cây nhỏ, rồi chặt cây vừa, rồi cuối cùng mới hè nhau đốn hạ cây to. Cây to, có khi hai chàng lực lưỡng ỳ ạch đục đẻo cả ngày, đổ tháo mấy thúng mồ hôi, cũng chỉ hạ được một cây, hai cây là cùng. Cây đổ ầm ầm như bom dội. Phải cò cưa hè nhau cắt ra thành từng mảnh. Chờ cây nhỏ khô quắt mới xúm nhau nổi lửa đốt đùng đùng để dọn đất tỉa bắp, trồng lang, trồng mì. Là chỉ dọn khơi khơi lấy có, chứ những gộc cây lớn, cứ y như rằng phải đốt đi đốt lại hàng mấy tháng mới cháy lồi ra cái lõi cứng như thép. Đất bazan tốt như mật, cây lên bời bời. Vậy mà vẫn chưa chắc ăn. Mang, mển, cheo, heo, khỉ… phá tàn bạo. Người phá rừng của chúng thì phải cho chúng ăn, chứ không mà được à?

Mới đầu, Chính phủ của ông Diệm định trợ cấp ba tháng, nhưng rồi công cuộc khai phá chậm quá, lại phải cấp thêm ba tháng nữa. Rừng vẫn ỳ mặt lì lợm. Cái đói cứ lởn vởn từng nhà. Không gia hạn trợ giúp, dân đùng đùng kéo lên xã đòi bỏ rừng về xứ. Chánh quyền phải đầu hàng, đành phải rót thêm gạo thịt chớ chẳng phải tốt đẹp gì. Ai cũng biết ông Diệm đưa dân lên cao nguyên để thiết lập vành đai an toàn cho thủ phủ của ổng ở dưới Sài Gòn. Vậy là bày đặt khai khống thêm người để lãnh gạo muối trợ cấp. Diệm bị dân Gia Độ xỏ mũi từ trong trứng thời mở đất. Nhà nào đói kém thắt ngặt cùng lắm phải cho con đi lính lãnh lương gửi về. Lính nào cũng có con “ma” trên giấy tờ. Hai con thì khai bốn. Độc thân khai có vợ. Tiền bạc trợ cấp đã có ông Mỹ mắt xanh lo. Ổng lo dựng cả chánh phủ bù nhìn còn được, nhằm nhò gì mấy chuyện “con ma”,“lính ma”. Có tiếng là đi lính, nhưng vẫn ở nhà phá rừng rầm rầm. Miễn là phải biết điều theo kiểu bà Trần Lệ Xuân: Ông ăn chả bà ăn nem. Ở nhà lãnh lương lính thì phải chia phần cho xếp đồn. Êm ru bà rù từ trên xuống dưới. Rừng rú bạt ngàn, ai vô tới nơi mà thị thực thị chứng.

Thuở ấy nơi ăn chốn ở như cái chòi túm húm. Nhà nhà đan sạp tre, sắp chỗ ngủ cho vợ chồng con cái như sắp lính. Cả nhà là tiểu đội hàng ngang, cứ đặt lưng nằm xuống là ngáy pho pho thẳng cẳng một mạch cho tới sáng. Làm gì có radio chứ đừng nói tới tivi. Lay lắt ngọn đèn dầu lửa đỏ quạch như trái ớt hiểm. Đèn ấy thắp phòng hờ trẻ con mắc đái hay chột bụng đêm hôm. Lạnh thì nhúm đống lửa bếp bằng củi gộc. Sợ nhất là đêm hôm rắn lạc đường bò vô nhà, thành thử trồng sả cập mé nhà là đối sách.

Mùa mưa ròng rã sáu tháng, đất nhão như bột nếp nhuộm phẩm, tới đâu cũng thấy sàn nước lót kế cửa sau; làm vậy để tiện rửa chân trước khi vô nhà ăn cơm hay nằm nghỉ. Nắng nung đất khô giòn. Gió quạt đất vụn ra thành bột. Chỉ cần một chiếc xe chạy qua, bụi phún lên bựng bựng thành vệt, chạy dài vài trăm mét. Thọc tay ngoáy lỗ mũi, ngón tay đỏ như dính máu của đất. Giếng phải đào sâu ngoài hai chục mét, may ra mới đủ nước ăn, nước tưới.

Rừng đãi người nghèo bằng con cá dưới thung, củ mài trên núi, măng tre trong rừng. Muốn có tiền thì đi suốt mây, song. Dây song, dây mây dài tới không tưởng nổi, có khi vất vả kéo cả giờ không hết một cây. Hứng lên thì đi bắn thú, đi đặt bẫy. Hồi đó Đăkrlấp thiếu gì voi, cọp, gấu, heo rừng và tê giác. Người không cần nuôi chim, chim cũng đậu cửa nhà hót lời cao nguyên đất đỏ. Người không cần tranh chấp, đất cũng cho người những tai nấm linh chi to như miệng thúng. Ốm đau cứ việc hái lá rừng mà trị. Thứ thuốc tây cần nhất phải trữ là novaquinne để chống sốt rét.

Trải qua bao nhiêu năm, bà con từ Gia Độ, Triệu Phong, Quảng Trị đã bám lấy rừng mà lần hồi sinh sống.

Cho tới ngày cây cà phê mọc lên.         

III. Thực tình mà nói, thời ông Diệm, người ta đã cho trồng thử cây cà phê. Nhà ông Bồng bây giờ có trồng một vài cây như trồng kiểng, đợi gần Tết hoa cà phê nở trắng xem chơi. Tới trái già đỏ sậm, người ta cũng thu hoạch, rang, xay để uống. Uống lơi khơi mà cũng có người ghiền. Họ đem xương gà nướng tồn tính thành than, nghiền nhỏ trộn vào bột cà phê cho béo. Lại có người quả quyết, phải thêm chút bột bắp, chút nước mắm cho bùi, cho thơm. Thuở ban đầu, trồng cà phê chỉ cốt cho vui, chứ chẳng bổ báu, giàu có gì.

Phải từ thập kỷ 80 trở đi, cà phê mới thật sự lên ngôi thống trị.

Bốn năm chục ngàn một ký, dân phất lên vù vù. Nhiều nhà mua máy đèn, mua máy bơm. Chợ Đạo Nghĩa bắt đầu thành phố. Mau như nước cờ bàn, cờ thế, cho con xuống phố học nghề điện tử, nghề sửa honda, học nghề cắt kiếng, ráp khung nhôm… Làng Quảng Trị phố rừng bắt đầu có cháu con theo đại học. Cây cà phê nuôi tất tần tật mọi chuyện. Nhiều người đã nghĩ tới chuyện về quê rước thêm bà con vào khẩn đất. Cà phê cứ mọc lên. Mọc lên. Mọc lên cùng nhà cao cửa rộng. Bấy giờ tại chợ Đạo Nghĩa, mỗi ngày có tới mấy chiếc xe vận tải nhỏ chở bia từ Sài Gòn lên. Nườm nượp mỗi ngày như thế, mà bia lên bao nhiêu cũng hết biến. Cùng với bia là sự nảy nòi karaoke lâm quán. Nhạc Tây, nhạc Tàu tối ngày túa ra chát đùng vô tội vạ. Khổ công làm ra tiền thì phải chơi chứ để làm gì. Muốn nhiều tiền hơn thì nhà đi vay ngân hàng. Chỉ cần thế chấp miếng giấy đỏ là vay được vài trăm triệu. Nhà nhà vay ngân hàng. Người người vay ngân hàng. Đi vay còn vui hơn đi hội.  Cả một vùng đất toàn triệu phú. Có người ngoài quê mới vào, đất còn đang dọn mà cũng hớn hở đi ngân hàng rinh về hơn trăm triệu. Ngân hàng tin dân như tin thánh sống. Chắc họ không biết chuyện trạng ở Vĩnh Hoàng quê tôi.

- Tau mới chộ con cá to như bắp vế nằm kẹt ngoài vũng sình giữa đồng. Đứa mô cho điếu thuốc, chút nữa tau dẫn cho coi. Vậy là có thuốc hút.

- Con cá nớ phải gấp rưỡi bắp vế đàn bà chửa trở lên. Đứa mô có cà phê uống không bây? Vậy là có cà phê uống.

- Nó là cá song đen, đem bán ngoài chợ, giá phải bằng tiền công kéo vồng khoai mấy tháng. Đứa mô có rượu trắng không bây? Vậy là có rượu trắng.

Chừng anh ta yêu sách nhiều quá, có người cắc cớ đòi dẫn coi tận mắt mới tin. Anh ta dẫn lòng vòng ra vũng sình, la lối: - Đứa mô hớt tay trên của tau rồi! Phải mi không? Dấu chân còn nì!

Kẻ vừa mới đãi rượu bị chụp cổ tay, hoảng quá đánh bài chuồn. Tại mình ngu chớ bộ. Cá song ngoài biển, có đâu lội được vô đồng.

Thời đó ngân hàng cho vay dễ quá, cứ khai “tui có đất” là được vay. Nếu cà phê không rớt giá, với kiểu đi vay tới tới mỗi năm mỗi lần, không khéo Đạo Nghĩa đã thành thủ đô cà phê của cả nước.           

IV. Vợ chồng o Hiếu, anh Năng từ Gia Độ mới vô nhập cư năm chín mươi tám, nhờ giỏi tính toán, giờ đã thành chủ vựa cà, tiêu. Mỗi lần xuất xuống Bình Dương cả xe tải. Chưa giàu nhưng cũng tivi, xe máy, con cái học hành đàng hoàng đâu đó. Anh em gặp nhau là cắt cổ gà cái rụp. Anh Tính, chị Vân nhà kế bên, ngồi đình huỳnh ra dáng ông, bà chủ vật liệu xây dựng miền đất hứa. Tiền làm ra vài triệu mỗi tháng, tiêu xài cũng ngót ngét cỡ đó. Gặp mùa Euro, cho công nhân nghỉ việc, đặng yên tâm mà coi cho đã. Bạn bè chiều nào cũng tới ngã bàn cờ tỉ thí. Ngẫu hứng sĩ tượng thì kéo cá dưới ao. Chép, phi giãy đùng đùng kêu oan cũng kệ. O Hà, anh Lưu tậu tới ba mặt tiền trên phố chợ, bày bán hàng bách hóa ê hề. Vậy mà còn mấy héc ta tiêu, cà, với hơn chục con bò trong trại. Anh Phương, o Oanh mở cửa tiệm bán đồ điện máy. Mới chân ướt chân ráo lên đây năm 2000, vậy mà cũng ẩm trong nhà sổ đỏ gần ba héc ta, ngồi không thuê mướn nhân công, vậy mà năm rồi cũng hốt cả tấn tiêu. O Tình bán gạo, bán thức ăn gia súc, ngồi một chỗ bấm đốt ngón tay nuôi con ăn học đâu vào đó.  Nàng út trong nhà mới lớp chín mà cha mẹ dứt khoát bắt phải xuống Sài Gòn học thêm cho chắc cú chuyện lâu dài. Hai chàng rể mới đầu chỉ bán buôn, sửa xe máy, bất ngờ nổi hứng xa lộ, vung tiền mua hai xe tải, một xe ben, đặng được làm tài xế cho vui, mỗi chuyến hàng cũng vô bạc triệu.

Tôi đeo anh Tư lên rẫy anh Hải vào xế trưa, lúc trời mưa lất phất. Mấy thùng bia, mấy chàng lãng tử: tội con ngỗng, Nam Tào chưa gọi mà đã sớm chầu trời. Những kẻ lãng tử có máu lang bạt kỳ hồ, phải kể tới Lê Đình Suất. Cứ rượu vào là hát rum giai điệu nắng, giai điệu gió. Ngoài năm mươi mà giọng còn có lửa. Ngầu hơn là anh vỗ nhịp xoang, bước chếnh choáng như cao nguyên khát tình đời.

Không thể kể hết ra được cái sự làm ăn của người Gia Độ ở chốn vốn là rừng xanh nước đỏ. Tôi nhớ anh Toản năm nào, nửa đêm nhấc điện thoại gọi tôi từ bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn. Anh em tôi tá hỏa nhào xuống phố kiếm xe ôm, tới nơi thì đồ thị màn hình điện tâm đồ chỉ còn là một vạch băng trắng. Em trai tôi nhấn nút báo động màu đỏ trên tường. Cô điều dưỡng viên chạy tới, bác sĩ trực ca chạy tới, thay nhau ép ngực dẹp xuống, tưởng gãy xương sườn tim mới đập trở lại. Chuyến đó, tiền đội nón ra đi không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà kinh tế gia đình dượng Đoài giờ cũng đã vực dậy được. Lại còn chuyện đứa bé lủn củn biết đi chập chững hai mươi năm trước. Cả nhà lên rẫy, con chị bảy tuổi sơ sểnh qua nhà hàng xóm đánh chắc đánh chuyền, để lạc đứa em một mình tha thẩn xuống thung lũng. Tối đêm cả làng đốt đuốc đi tìm. Vậy mà mãi trưa hôm sau mới phát hiện đứa bé bị đàn chó cắn xé tả tơi trên gò cỏ tranh. Bấy giờ đất đai ngút ngát, rừng rậm còn nhiều. Rẫy nằm lọt trong rừng, người lên rẫy gần như cô đơn giữa trùng trùng heo hút. Đã có chị đang cặm cụi làm cỏ, bị đứa du đảng cô hồn chếnh choáng hơi men đằn ra hãm hiếp. Đã từng có xung đột dao với rựa vung lên, máu người đổ xuống.

Có được một phố chợ giữa núi rừng Đăkrlâp như hôm nay, bà con ta đã phải đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt.

V. Tôi hỏi anh Phương, mới chân ướt chân ráo lên rừng ba, bốn năm, tiền đâu mà giám khoan cái giếng sâu tám mươi mét hết mười một triệu đồng, kéo điện lên rẫy hết bốn, năm triệu đồng. Anh ta cười: không mạnh dạn đầu tư làm sao có ăn. Tôi biết đằng sau sự mạnh dạn của mỗi người, mỗi gia đình, còn có sự hỗ trợ đắc lực và thiết thực của nhà nước. Phá rừng mở đất không phải là chuyện một vài chục triệu, một vài năm. Tôi đã lặn lội đi thăm rẫy tiêu mới trồng của vợ chồng anh Pháp, vợ chồng anh Thuận. Còn gian nan lắm. Giữa mùa mưa sập sụi mà các nọc tiêu vẫn thơ thớt gợi màu gian nan đói kém. Anh Pháp lít nhít mấy đứa con, tíu tít như gà con quẩn theo chân mẹ. Anh Thuận mới một bé trai tuổi mẫu giáo, trông gương mặt như ông giáo làng, nhưng hai bàn chân thì dính đầy đất đỏ. Vợ anh ta trắng đẹp như bông bưởi, chẳng biết sức đâu mà tưới rẫy mùa khô nắng lửa. Lại còn vợ chồng anh Tuấn, chị Dung, ngoài bốn mươi cả rồi mà một mụn con không có. Nhìn ra chỉ thấy núi đồi trùng trùng đất đỏ.

Nhớ em Kutai ngủ trên lưng mẹ. Nhớ lời ru dài một chuỗi nốt rề trầm đục lời rừng già. Tây Nguyên đang cần có nhiều ĐamSan và H’Nhí, H’Bnhi. Tây Nguyên đang cần những quyết đoán táo bạo cho con đường đi lên cao nguyên hạnh phúc. Nhưng cao nguyên vẫn đang trong cơn vật mình sinh nở.

Dưới nóc ngôi nhà yên ả thanh bình giữa những vườn tiêu xanh óng mượt, gánh nặng nợ nần vẫn trĩu đôi vai người lao động. Có phải ít đâu. Mỗi nhà dường như đều thiếu nợ ngân hàng vài chục, vài trăm triệu. Họ đã từng mơ một tương lai vào đồng vốn. Họ đã từng vắt kiệt sức mình cho đất đỏ cao nguyên. Vậy mà đứt gánh giữa đường. Cà phê bỏ rơi họ chênh vênh bên bờ vực phá sản tới trắng tay. Bỏ thì thương, vương thì tội. Chẳng lẽ đốn bỏ công sức ròng rã mấy chục năm trời? Nhưng đã bán cà phê thì rồi bán cho ai? Bán được mấy đồng? Dưới kia, những quán cà phê Trung Nguyên vẫn đèn mờ xanh đỏ. Nhưng trên này cây cà phê đang khóc. Giá đã nhích lên, nhưng vẫn chậm như rùa bò chân dốc. Nhiều dự án nhà cao cửa rộng, bỗng dừng ngang như thể trò đùa. Rêu đã trùm lên tường gạch những ngôi nhà mộng ước từng nằm trong tầm tay dân phố núi. Và… cà phê thì vẫn khóc.

Tôi đã hỏi nhiều người về gánh nợ chất chồng trên cuộc đời xa quê của họ. Ai cũng nói là phải trả, sẽ trả. Nhưng là bao giờ? Bao giờ? Khi mà đã đến lúc các ngân hàng phải buộc lòng xiết nợ. Nhưng chẳng lẽ xiết nợ cả cao nguyên bầm bầm đất đỏ? Người dân có sai lầm gì trong chuyện này không nhỉ? Họ đã sống, đã ước mơ, đã lao động cật lực. Canh bạc mà họ gieo vào mặt đất đâu phải là đồng tiền ném xuống những mặt bàn ở Lasvegas. Rồi thì rừng sẽ đi về đâu? Cao nguyên sẽ đi về đâu? Những bài toán đặt ra tới bạc đầu người lãnh đạo.

Thôi, cứ trở về với thiên đường hạnh phúc của tuổi thơ. Tôi quý mấy đứa cháu gái nhỏ như chim Ch’rao của vợ chồng anh Tới, chị Luỹ biết bao. Đi đâu về chúng cũng sà vào lòng tôi. Chúm chím những đôi môi son như đất đỏ cao nguyên. Đen láy những ánh mắt nhìn trong veo như Hồ Lắc. Và…chao ôi là những nụ cười con trẻ. Hồn nhiên và thánh thiện tới ngọt lịm giấc mơ về cao nguyên hạnh phúc. Ngày ấy cái Liễu, thằng Cường, thằng Phong cũng nhỏ như con của chúng bấy giờ; nhưng tới nay đã đều là bà chủ, ông chủ của những rẫy tiêu, những lô cà phê, cao su ngút ngàn. Mà ở cả vùng Đạo Nghĩa này, thanh niên dường như ai biết chí thú làm ăn, đều đang trở thành ông chủ, bà chủ. Đất đai đâu có phụ bạc con người. Chuyện rớt giá tiêu, cà phê là chuyện có thể lường trước, một khi mà cung - cầu vượt quá sức nhau.

Tôi đã thức với mấy đứa cháu ông Bồng để xem chúng lên hàng chở cao su về xuôi. Tới hai giờ sáng mới xong việc. Vậy mà sáu giờ sáng đã thấy cả vợ lẫn chồng rồ xe máy lên rẫy cạo mủ. Rồi lại trở về với cửa hàng cửa hiệu. Lớp trẻ cao nguyên bây giờ năng động hơn cha ông trông thấy. Chúng yêu cà phê, nhưng chúng không sống chết với cà phê tới mức ỳ ra trong đường mòn tâm lý. Xốc tới. Đó là dáng đi, là bản lĩnh vào đời của thế hệ trẻ cao nguyên trong thời đại mới.

Khi tôi viết những dòng này, thì Quốc, con trai út của anh Tưởng đang bước vào kỳ thi đại học. Chàng trai trẻ trung này không hề biết nản lòng. Mà nản lòng sao được, khi anh Tưởng gần sáu mươi tuổi, hàng ngày vẫn khoác trên vai chiếc máy cắt cỏ, trụ thế đứng vững như một tướng lĩnh giữa gia đình. Lại còn bác Tư của Quốc. Ngoài sáu mươi vẫn còn ngược xuôi lo chuyện đất đai - địa chính cho xã. Người ta nói ông Tư là cán bộ gương mẫu cùng mình. Vâng, không gương mẫu thì làm sao con cái lại chí thú làm ăn, làm giàu được vậy.

Tôi về Sài Gòn hôm trước, hôm sau không ngờ lại gặp được cái Bé và chị Lĩnh của nó xuống chơi. Mà không phải đi chơi. Hai chị em đi thử hàng đem về phố núi. Chuyện đời là như vậy. Lớp trẻ ngày nay đi lại như con thoi. Chúng là gạch nối giữa cao nguyên với đồng bằng. Chúng là niềm hy vọng vào một tương lai rất gần của cao nguyên nắng gió đang bừng dậy khúc hoan ca hạnh phúc.

Hình như có tiếng chim từ quy đang khắc khoải gọi bạn? Không! Đó là tiếng gọi của cao nguyên đang trỗi dậy trong lòng tôi niềm thổn thức hẹn về!

                                                                                                

       H.T.T.

 

 

 

Hồ Tĩnh Tâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground