C |
hưa bao giờ tôi vấp phải cảm giác lạ lùng như khi lần mở tấm phong bì hôm ấy. Một tấm thiệp màu hồng với nét chữ tròn trịa, ăm ắp một nỗi niềm mãn nguyện. Đó là tấm thiệp như bao tấm thiệp bình dị khác mà vợ chồng tôi vẫn thường nhận được từ bằng hữu gần xa. Có ai đã bao giờ thống kê xem mỗi tháng, mỗi quí, mỗi năm như thế họ nhận được bao nhiêu tấm thiệp mời? Hẳn chẳng ai hoài công. Nhưng có điều chắc chắn rằng cứ mỗi lần cầm tấm thiệp trong tay người ta lại được chiêm ngưỡng, hưởng thụ một sự kiện bất ngờ. Những cái bất ngờ vô giá. Chúng đến từ những nơi mà bản thân không hề tưởng ra, chúng vẽ ra những bức tranh thực vô lý mà đầu óc ta chưa bao giờ nghĩ đến. Cứ thế, những thông điệp như lốc bão, òa chật cảm giác, làm lung lay đảo lộn cả một trật tự thần kỳ mà bộ não đã dày công tạo dựng. Để rồi khi mụ mị bắt đầu dần lắng, thì cảm giác bồi hồi ngờm ngợp lại xô vào ta những sắc thái trái ngược nhau. Hoặc là niềm ngất ngây lan từ hạnh phúc bạn bè, hoặc là nỗi ưu hoài mam mác, ẩn dấu bóng hình cố nhân thời dĩ vãng. Và đôi khi phá phách chút lòng ghen tị bởi sự thành đạt của kẻ đồng trang lứa.
Còn với tôi, tấm thiệp ấy không chỉ mang đến niềm vui mà có cả chút buồn và mơ hồ một cảm giác hờn ghen. Bởi vì rằng cuối cùng rồi thì thằng T bạn tôi đã quyết định lấy vợ. Nhưng người hắn chọn làm bạn trăm năm lại chính là cô H.L.
Không chỉ là một kĩ sư hóa hữu cơ phụ trách kỹ thuật của một công ty sáng giá ở Đông Hà, T bạn tôi còn là một tạng người dễ khiến phái yếu mệt mê bởi chất đàn ông rất "Bắc kỳ" của mình. Ngoài ba mươi tuổi hắn vẫn độc thân, suốt ngày lông bông trên chiếc xe Win 100. Lâu lâu gặp, vợ tôi nhắc:
-Anh T. liệu mà kiếm nơi gửi thân đi. Tuổi "băm" rồi mà chưa vợ dễ "chạm mát" lắm.
Hắn tưng tửng:
- Tớ là đệ tử trường phái phản sống gấp. Vội gì chứ, thiên hạ thì hơ hớ thế kia mà mình vẫn còn xoan lắm. Cứ ở vậy cho bọn con gái nó chết thèm.
Và hắn làm thật. Hết em này tới cô nọ, tóc dài có, tóc ngắn có, em gầy rồi lại em mập... thay nhau ôm lấy vòng eo của hắn mà diễu qua phố Đông Hà mỗi buổi chiều hôm. Nhưng chẳng em nào ôm được vòng eo ấy đến lần thứ ba. Vốn là người không tin vào số kiếp, thế mà tôi giật mình khi nghe tin T cưới H.L, đây chẳng phải là sự vẽ bày của duyên mệnh thì là cái gì nữa? Nói cho cùng xét về nhan sắc, H.L không phải là xuất sắc để mê hoặc những trang nam nhi lãng đãng. Tôi chẳng thấy gì đặc biệt nơi cô. Nhưng hắn nhất mực quả quyết rằng H.L có một cái gì đó rất định danh, gần như là một thứ bùa mê siêu lực phát ra tần sóng đặc trưng làm rối loạn thần kinh của loại đàn ông vốn kiêu bạc trước đàn bà và có thiên năng hớp hồn thiếu nữ mới lớn dễ như thò tay lấy vật trong túi áo. T lâng lâng gọi sức quyến rũ của H.L là "siêu lực đồng nội". Hắn tìm thấy ở nàng bóng dáng mảnh trăng, con cò, một đường nét của đồng quê và sắc hương thời hoang dại. Nhiều đêm mê sảng, hắn gọi nàng là thần nữ của phù sa và, v.v... Đang ngon trớn vậy, bỗng một khuya, T.gõ cửa nhà tôi:
-Tao thôi H.L rồi.
-Tưởng mày đã thay đổi cách sống, đã tìm được nơi neo đậu cho đời, ai dè vẫn thế - Tôi cười lớn.
- Tao cũng đã tưởng thế. Tao chưa yêu ai nhiều như nàng, nhiều như cuộc đời tao - T nói như thở dài, trên gương mặt điển trai kéo lên đám mây buồn thảng thốt, làm tôi cụt hứng.
Rồi chúng tôi cũng hiểu ra T cắt đứt quan hệ với H.L chính vì chuyện hắn phát hiện ra nàng làm tiếp viên tại một quán bia ôm ngay giữa lòng thị xã. Nghe thế, mọi người đều cám cảnh lắc đầu, riêng vợ tôi thì phản đối ra mặt.
Hồi các tỉnh Bình Trị Thiên mới chia tách, chẳng biết từ đâu xuất hiện một câu chỉ dẫn xanh rờn: "Muốn uống bia thì ra Đông Hà, muốn làm nhà thì về Đồng Hới". Tôi chẳng tìm thấy có cái căn cứ nào để tin tưởng có sự hợp lý trong câu "sấm" ấy. Thế nhưng cũng thừa nhận trong cuộc biến chuyển về chiến lược để cải biến nền kinh tế từ tập trung quân liêu bao cấp sang hình hài một xã hội được giải phóng hoàn toàn mọi năng lực tiềm ẩn bấy lâu thì khắp nơi, kể cả Đông Hà chúng ta, các loại hình dịch vụ đã bung ra thật dữ dội và mọc lên như nấm, nhất là hệ thống nhà hàng. Cuộc sống khắp nơi đang khá lên, và khi đồng tiền xủng xẻng hầu bao, chẳng còn phải lo nghỉ chuyện xếp hàng mua thịt, phải bóc lạc đổ gạo nữa thì con người ta cũng đổi thay cách sống. Lễ nghĩa sinh ra nhiều hơn, tốn kém hơn cho dù đạo đức con người chẳng thấy tốt hơn bao nhiêu. Ngược lại chuyện "lỗi phép gia phong", tình trạng coi khinh luật pháp quốc gia nhức nhối hơn bao giờ hết. Tất cả, tất thảy hầu như đều muốn bung ra, bị lôi tuột lên mọi thứ bàn đạp để nhảy xô vào thị trường. Ăn nhậu hình như trở thành một thứ "mốt" thịnh hành trong giới mày râu từ cậu ấm con ông giám đốc quèn đến anh bảo vệ xí nghiệp, cũng như ở nhiều nơi đang dậy lên thứ mô đen ngoại tình để làm sang thêm cuộc sống cá nhân. Cơ chế thị trường quả thiên biến vạn hóa, thiếu cái gì là được bù đắp ngay cái ấy. Vì thế ở một vùng đất còn chưa định hình đầy đủ các thế mạnh kinh tế nào khả dĩ cả, thì kinh doanh nhà hàng là nghề hái ra tiền nhất. Đó là sự lý giải riêng cho Đông Hà vậy. Gọi là nhà hàng cho có vẻ, thực tình ở đây chỉ có một mặt hàng chủ đạo "chiến lược" đó là Bia. Giống như sự bùng phát về quán xá, hội chứng về bia diễn ra ở khắp nơi. Mà sao lắm thứ bia thế không biết: từ Huđa, Tiger, đến Heineiken, Tuborg, rồi thì B.G.I vào bao thứ khác từ đâu đó bên Hà Lan, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Đức.v.v... đổ xô về. Loại đặc phẩm giải khát này thực lạ, càng vui vẻ thì càng thấy khát, càng khát thì càng giải, càng giải thời càng thêm vui và cứ thế nó lôi kéo con người đang chập chững bước vào cơ chế thị trường hàng hóa, tham gia những cuộc vui thâm đêm suốt sáng. Từ xa xưa người ta đã đúc kết lề thói cuộc đời rằng "hành tửu" thường đi liền với "hành sắc", cũng như tìm ra cái lý thường trầu phải có cau hay thịt chó nhất thiết phải có củ riềng. Xét cho cùng thì chuyện hàng trăm cô gái làm nghề tiếp viên ở quán xá Đông Hà hoặc hàng vạn cô khác ở đó đây tỉnh bạn, chính là hiệu ứng của cái lý đời đó.
"Thần nữ" của thằng bạn tôi cũng như đồng nghiệp của cô, trước khi rời Đông Hà còn vô tư như loài cỏ dại, đang nô nghịch nhau dưới lòng mương ăm ắp nước hay vắt vẻo trên lưng trâu, mũm mỉm cười khi thả hồn vào giấc mơ cô lọ lem. Cho đến một ngày bọn đầu nậu kéo nhau đến. Họ về làng bằng những chiếc xe hơi đời mới thuê được của một ai đó, hút thuốc ba số 5 và đặt vào lòng bàn tay chai sần của mọi người những tấm danh thiếp thơm lựng nước hoa tự xưng là trưởng phòng tổ chức hay Phó giám đốc công ty dịch vụ vẩn vơ. Thế là ở xã, rồi thôn bà con họp nhau lại bình xét thâu đêm những con em đáng được diện đi "thoát ly" làm cán bộ. Những chức danh "tiếp viên", "chiêu đãi viên", "nhân viên tiếp thị"... nghe thật ngỡ ngàng và hiện đại nơi lỗ tai của những con người suốt đời chỉ quen tiếng gió ngàn và đồng nội. Những cô gái đồng đất quê mùa bước qua ngưỡng cửa nhà hàng mà như lạc vào một thế giới kỳ dị mà họ chưa bao giờ nghe thấy, dù là ở trong mơ hay trong chuyện cổ tích xa xưa. Họ chỉ được dạy vẻn vẹn một kiến thức duy nhất là bằng mọi cách để làm cho khách vui mà uống thật nhiều bia, tiêu thật nhiều tiền. Kiến thức, kỹ năng Maketing ấy không cần sách vở trường lớp nào hết. Họ phải học lấy dăm ba ngón nghề mà hành đạo thôi. Thế rồi thế giới tửu sắc nghiệt ngã, loằng ngoằng như cái vòi con bạch tuộc hút lấy số mệnh các cô thôn nữ, bạo tàn ném họ vào vòng tay của hết gã trai này đến lão già nọ. Họ phải cười, phải hát, phải nói những lời thật hoa mỹ, thậm chí còn để cho những bàn tay đàn ông suốt ngày dài chí đêm thâu rị mọ trên da thịt mình... Sau những phút đẫn đờ đến kinh hoàng cả thân xác, những "thần nữ phù sa" sau cánh cửa nhà hàng bắt đầu phản ứng như một cử chỉ bản năng của con cừu trắng khi sắp làm vật tế thân. Có người phản đối bỏ về, có người cắn môi ngoảnh mặt chịu đựng để mong tìm một cơ hội, và có người buông mình, thích nghi một cách chống vánh bởi ranh giới đạo đức thuần phong và sự băng hoại thật mỏng manh như sương khói. Đã có lần tôi được các anh công an Đông Hà giới thiệu phần "trích ngang" căn cước của một số nữ tiếp viên các nhà hàng ở thị xã và điều làm tôi suy nghĩ mãi là cái điểm để xuất phát vào cuộc đời của họ thật giống nhau, đều là những cô bé con nhà nghèo, dù quê họ có ở đâu ở đâu ngoài Thái Bình, Hà Tĩnh hay vào xa trong kia nữa. Cái nghèo khó và khát vọng kiếm tìm manh áo bát cơm đỡ đần gia đình đã đẩy họ ra khỏi tổ ấm, ra khỏi lũy tre làng nguồn cội để lạc bước vào chốn hồng trần với bao cám dỗ và những sự lựa chọn nghiệt ngã. Ai chả ấp ủ cho mình một ước mơ dẫu là thật giản dị, nhỏ bé? Nhưng nhất thiết chẳng ai mơ cho mình rơi vào vuốt nanh của cái xấu. Thế mà rồi không lâu sau, bóng dáng những thôn nữ ngoan hiền lần lượt đội nón ra đi không bao giờ trở lại với tâm hồn nhiều cô gái ấy. Lẽ thường là thế thôi bởi thân phận nữ nhi làm sao có đủ sức lực mà chống chọi với cả một liên minh điều xấu với phường nhà chủ lắm kế gian ngoan và dư thừa lòng tham tiền bạc. Bởi thế mới có chuyện nhiều cô thôn nữ hôm trước còn rụt rè, sợ hãi chẳng biết uống bia là gì, thì hôm sau đã đủ sức "lên" được má phấn môi son, và nụ cười lường gạt để chài đổ những đấng mày râu túi bóp căng phồng thích đến mê muội những làn da mát lịm của gái quê mới lớn. Để rồi bỏ bê nhà cửa, thả nổi vợ con, suốt ngày lang thang hết nhà hàng này đến quán bia nọ. Người ta cũng đã quá đỗi bình thường khi chứng kiến cảnh các bà vợ có đức lang quân dại gái tả xung hữu đột trước các cửa nhà hàng để chửi bới, đánh ghen và lùng bắt ông chồng còn ẩn nấp đâu đó. Rồi thì lợi dụng những gã trai phê phê, bốc máu anh hùng hảo hán, muốn thể hiện đích thực bậc chí nhân quân tử, có em ma mãnh mượn xe Deam II mới bóc tem đi ra phố và dông thẳng lên chín tầng mây, mặc cho "trang quân tử" chạy ngược chạy xuôi, dở cười, dở mếu...
Nói đến chuyện bia ôm là người ta hạch tội vắng mặt những nữ tiếp viên không chút tiếc thương. Người ta gọi họ là những con điếm, là nỗi kinh hoàng của hạnh phúc gia đình, là mầm mống bệnh hoạn và sự suy đồi nhân cách của con người và xã hội. Người đời chẳng hề che dấu cái nhìn nghiệt ngã đối với họ giống như việc thẳng bút phóng những gạch chéo lạnh lùng trên các bức ảnh chụp cảnh vi phạm Nghị định 87/CP vẫn thường đăng tải đó đây trên báo chí. Một người làm công tác xã hội có quan điểm mềm dẻo nhất ở Đông Hà cũng phải chép miệng "Họ đã góp phần biến nhiều bà vợ vốn tính dịu hiền trở thành sư tử Hà Đông, góp phần rạn nứt tổ ấm biết bao người vốn rất gia giáo. Và quan trọng hơn họ là tác nhân làm rạn nứt một mặt của xã hội vốn dĩ được người Việt Nam cực kỳ tôn trọng, đó là cái trật tự ý thức thuần phong của dân tộc và luật pháp". Vâng, quả thật chính họ đã làm nên cái nhức nhối cho xã hội về mặt trật tự và văn hóa. Nhưng lẽ nào chỉ có họ là nạn nhân chính mà thôi?
Một tiếp viên trong đợt thanh tra bị công an phường bắt làm biên bản đã nức nở giải bày: "Nào em có dám làm thế đâu. Em chỉ cầu mong có được một công ăn việc làm ổn định để có thu nhập. Nhưng mà người ta buộc em phải thế, em biết làm sao?" Hẳn mọi người đã đoán biết lời cảnh báo của nhà chức trách: "Biết thế thì cô bỏ ngay hành vi ấy và kiếm một công việc khác". Đúng thế vì đấy thường là câu đồng thanh của xã hội để chỉ vẽ, đe nẹt, khuyên giải người có lỗi lầm. Nhưng mà họ cần hơn thế nhiều. Hãy nghĩ đến họ, chúng ta mới thấy các cô gái làm nghề tiếp viên luôn luôn bị tấn công từ nhiều phía. Và hãy soi vào từng số phận của con người để mà tin rằng chẳng ai trong chúng ta nỡ khóa chặt bản tính nhân tâm vốn có mà nghiệt ngã quay lưng với họ, những số kiếp lạc đường trong cơn túng quẫn nhất. Tôi đã được nghe câu chuyện kể về một trường hợp bi hài rằng có một lão nông dưới quê xa "vãn mùa tóc rã rơm khô" bèn khăn gói lên Đông Hà tìm thăm cô con gái cưng đầu lòng. Đứa con hiếu thảo nhất nhà đã rứt bỏ sự nghiệp học hành dở dang để lên thị xã tìm nghề những mong có tiền giúp đỡ bố mẹ già trong cơn đau ốm và đàn em nhỏ dại. Nhờ trời, con ông đã được vào làm ở một cơ sở dịch vụ nào đó và những gì cô làm được cho gia đình thật là hệ trọng. Vâng, ông đã rất tự hào và mừng thầm về đứa con yêu dấu. Ai dè, bước chân vào lối cửa nhà hàng, chưa kịp định thần bởi tiếng la ré như giọng của một đám người điên, ông đã té ngữa khi chứng kiến nhãn tiền cảnh tượng đứa con gái rất mực tận hiếu, hiền ngoan đang ngã ngớn say mèm trong vòng tay một gã trai mà tuổi tác chẳng thua kém gì ông. Người cha chỉ còn biết đấm ngực, đập đầu kêu trời khi hiểu ra những đồng tiền con gái gửi về đưa cả nhà vượt qua những khúc hoạn nạn chính là nhờ những nguồn thu như thế.
Trong dịp triển khai thực hiện Nghị định 87/CP vừa rồi, người ta mới phần nào có điều kiện để phân tích, để tìm hiểu những gì mang tính nguyên nhân liên quan đến việc các nhà hàng tuyển dụng nữ tiếp viên. Phải nói rằng, lương các cô gái thả nổi số phận mình trôi theo dòng thác loạn trong thế giới hoa hương không nhiều. Nhiều cô trong họ dù đã tới mức làm điếm chuyên nghiệp vẫn có thể quay về với cuộc sống của cộng đồng như trường hợp cô Nguyễn Thị N. quê Thanh Hóa để kết duyên xây dựng gia đình với một anh chàng vốn làm "vệ sĩ" tại bãi C15. Nhưng cũng không ít cô ra vào đồn công an như đi chợ. Đợt truy quét nào cũng gặp họ. Một cô giải thích: "Em không giải nghệ được nữa, dù các anh có bắt đi cải tạo thì rồi em vẫn về đây thôi". Và đúng vậy, trong danh sách những cô gái bán hoa, tôi thấy có những gương mặt đã qua các trại cải tạo, có người đến hai lần. Nhưng đa số còn lại, các cô gái tiếp viên vẫn nuôi một cái chí rằng: Sẽ có ngày họ bước chân ra khỏi nhà hàng, từ giã những nỗi kinh hoàng, từ giã thế giới dị kỳ không có trong cổ tích để bước ra cuộc sống bình thường. Dẫu cho xung quanh cái đói nghèo, bươn chải vẫn hiển hiện, vẫn còn đầy rẫy sự xô bồ và nghiệt ngã trần ai, nhưng với họ, đó quả là một thiên đường, chốn thần tiên quen thuộc của người đời. Bởi vậy mà bao nhiêu nữ tiếp viên đã lao vào tìm kiếm cơ hội. Sẵn có những đồng vốn kiếm được, họ đêm đêm làm việc các nhà hàng, còn ban ngày lau hết phấn son, dấu hết dáng dấp yêu kiều, giả dối để đến các điểm cắt may, dạy làm đầu, làm bánh kiểng, làm bún, nấu phở. Có cô còn mạnh dạn hơn còn theo đến cùng các lớp tiếng Anh mở riêng hay tham gia các khóa đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn ngắn hạn khác. Trong số họ cá cả H.L "thần nữ" của bạn tôi.
Sau ngày gửi thiệp mời ném cho vợ chồng tôi nỗi bất ngờ và kinh ngạc ấy, đám cưới của T và H.L đã trở thành một cuộc vui hiếm có kéo dài từ thị xã Đông Hà về đến một làng quê xa nằm ở miền đông Gio Linh. Và mãi đến bây giờ, không hiểu vì lý do cá nhân, hay mảng vui với hạnh phúc bên "Thần nữ phù sa" mà T. chưa kể cho tôi nghe đoạn tái ngộ cuộc tình duyên của hắn với H.L. nhưng tôi biết lần quyết định này, T đã suy nghĩ rất nhiều, đã chuẩn bị để vượt qua cơ man nào những điều tiếng, những trở ngại tấn công vào hắn từ nhiều phía. Và T đã có đủ sức mạnh để vượt qua, sức mạnh đó không gì hơn là tình yêu chân thành, sâu nặng và một nhân tâm cởi mở nhất mực. Giờ đây, sau ngày làm việc, chúng tôi lại thấy T trên chiếc xe Win 100 phóng như bay ra khỏi thị xã, hắn lao xe băng qua những đoạn đường gồ ghề ổ gà. Nơi hắn hướng đến, một quán may nho nhỏ núp dưới bóng cây ngô đồng cổ thụ của làng quê, ngoảnh mặt ra con đường đất lỗ chỗ vết chân trâu và bóng những tấm lưng áo bạc phếch màu bùn đất. H.L bây giờ là "cô chủ nhỏ" xinh đẹp như bông sen giữa đầm làng. Tôi đã về thăm họ, và từ những gì thấy được, cho tôi hiểu ra một điều, cả T lẫn H.L hình như đã giúp được nhau quên đi chuyện quá khứ, chuyện một thời làm tiếp viên nhà hàng bán bia. Sự lãng quên đó, sao tôi thấy giống cảnh nàng Kiều tái hợp cùng Kim Trọng để quên đi mười lăm năm lưu lạc giữa chốn đoạn trường. Chỉ khác rằng, người đời sau không tin được cuộc tái ngộ Kim-Kiều vì cho là sự phục sinh trong ý thức nhà thơ. Còn chuyện của T và H.L hoàn toàn là có thật một trăm phần trăm.
Trại viết Cửa Tùng 7.1996
Đ.N.H