Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩa tình Khe Sanh

V

ào một buổi chiều cuối tháng năm đẹp trời, mới chân ướt, chân ráo đến thị trấn Khe Sanh thủ phủ huyện Hướng Hóa, xanh ngắt ngàn cây, chưa kịp thưởng thức cái không khí mát lành sau cơn mưa lớn đầu mùa chảy tràn đường đi lối lại trong khu vực chỉ huy huyện đội, thì chúng tôi đã được trung tá Đỗ Xuân Hiệp – Phó chỉ huy trưởng về chính trị đon đả tiếp chuyện:

- Như các anh đã biết, cuối tháng năm, đầu tháng sáu thời tiết ở miền núi Hướng Hóa chúng tôi thường có những cơn mưa rừng bất chợt. Ban ngày vào buổi trưa hoặc xế chiều trời đang nắng như đổ lửa, bất thần từng đám mây đen kịt kéo đến rồi sầm sập đổ mưa như trút nước, gây cản trở nhiều công việc. Ban đêm thì mưa dầm lai rai kéo dài không ngớt hầu như khỏa lấp sạch mọi tiếng chim “bắt cô trói cột” khắc khoải dằng dặc suốt mùa khô. Mưa rỉ rả như vậy quả thực làm cho thảm thực vật miền núi rừng tây Quảng Trị, đặc biệt là hàng nghìn héc ta cây công nghiệp cao su, hồ tiêu, cà phê sau sáu tháng mùa khô héo úa nhanh chóng xanh tươi trở lại, đua nhau đơm bông kết trái. Nhưng, những cơn mưa rừng dai dẳng ấy cũng làm cho anh em cô bác mình – những người từ tứ xứ đi tìm mộ liệt sĩ ở trong rừng sâu vất vả gấp bội phần.

- Vậy công tác chính sách liệt sĩ ở huyện mình vẫn còn nặng nề lắm hả anh? Tôi vội thốt lên – Tôi cứ tưởng sau 30 năm Quảng Trị được giải phóng, 27 năm nước nhà thống nhất, với trên 10 nghĩa trang liệt sĩ (có hai nghĩa trang cấp quốc gia Đường 9 và Trường Sơn) hơn bốn vạn mộ liệt sĩ đã được quy tập, chúng ta đã cơ bản giải quyết xong việc tìm kiếm những người con ưu tú của Tổ Quốc đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc?

- Công bằng mà nói, trong hơn 20 năm qua (chủ yếu là những năm của thập kỷ 80), các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ quân khu tới các tỉnh đã thành lập những tiểu đoàn, đại đội phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tập trung tổng quy tập toàn bộ liệt sĩ đang nằm rải rác ở các cánh rừng Trường Sơn (kể cả nước bạn Lào và Campuchia) về các vị trí quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân “ngoài ý muốn” như sơ đồ mộ chí bị thất lạc, địa hình biến đổi, nhiều trường hợp bị bom pháo đánh trúng, đánh trùng gây khó khăn cho công việc tìm kiếm. Qua các đợt quy tập, nhiều đơn vị và gia đình đã tìm lại được hài cốt của người than. Còn những đơn vị và gia đình chưa tìm thấy thì cứ đau đáu trông chờ, ai mách bảo ở đâu là đi tìm ở đấy. Ở các tỉnh khác tôi không rõ lắm, chứ ở Quảng Trị nói chung và Hướng Hóa nói riêng, việc tìm kiếm các liệt sĩ còn nằm lẫn khuất trong rừng núi là một vấn đề đang làm day dứt lương tâm nhiều người, nhiều tổ chức đoàn thể xã hội. Rồi để chứng minh cho lời nói của mình, trung tá Đỗ Xuân Hiệp đưa cho tôi xem quyển sổ đăng ký danh sách những người đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực Khe Sanh – Đường 9 trong sáu tháng đầu năm 2002.

    Lật giở từng trang nhật ký ghi danh sách từng người dân từ khắp nơi đến khu vực Hướng Hóa tìm mộ liệt sĩ, tôi không chỉ không ngờ vì số lượng người đăng ký khá đông, đủ các thành phần, hầu như ngày nào cũng có, mà còn xúc động vì đạo lý nhân văn “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta bất cứ ở đâu và bao giờ cũng được thể hiện bằng tình cảm sâu nặng trước những người đã hy sinh vì dân vì nước. Tôi xin lược trích một số đoạn trong quyển sổ để mọi người tham khảo: “Quý I năm 2001. Ngày 4.4, ông Hoàng Văn Khánh, Cục Hậu cần Quân đoàn 3, liên hệ theo giấy giới thiệu số 208. Ngày 7 tháng 1,chị Trần Thị Nghiệp, Học viện Quốc phòng, liên hệ theo giấy giới thiệu 07. Ngày 9 tháng 1, ông Hà Hữu Oánh, Đông Anh, Hà Nội, giấy giời thiệu số 04. Ngày 15 tháng 1, chị Nguyễn Thị Năng, Lạc An, Lý Học, Vĩnh Bảo, Hài Phòng là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Sung cùng ba thân nhân là Nguyễn Duy Vũ, Nguyễn Văn Cao (em ruột) và Nguyễn Văn San (con trai liệt sĩ), giấy giới thiệu 125… Trang bốn ngày 8 tháng 3, ông Nguyên Văn Sâm, quê Hiếu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. NGày 13 tháng 3, các ông Nguyễn Hữu Hạnh, Lâm Văn Vần, Nguyễn Đức Thịnh, NGuyễn Hữu Đức liên hệ tìm kiếm các liệt sĩ thuộc tiểu đoàn 5, trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh ngày 1 tháng 4 năm 1971 trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào… Trang sáu, quý II, ngày 3 tháng 4 các ông Trần Văn Thức, Nguyễn Bá Được xã Quang Phú, Lương Tài, Bắc Ninh. Ngày 4 tháng 4, ông Nguyễn Ngọc Xuyên ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội… Ngày 26 tháng 4, ông Cao Xuân Trường ở Song Rạng, Xuân Lộc, Đồng Nai liên hệ tìm mộ liệt sĩ Cao Xuân Cường hy sinh ở điểm cao 860. Ngày 1 tháng 5, ông Hà Danh Lịch quê ở Long Thành, Yên Thành, Nghệ An, tìm mộ liệt sĩ Hà Danh Luyến hy sinh tháng 10 năm 1968 tại điểm cao 689…”

  Chúng tôi còn đang xem tiếp danh sách những người thân nhân đăng ký trong tháng 5 năm 2002, thì Trung Tá Đỗ Xuân Hiệp cho biết thêm những năm cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000, năm nào cơ quan quân sự huyện cũng phải đón tiếp trên dưới 150 đoàn thể, cá nhân từ khắp mọi miền đất nước đến Khe Sanh, Hướng Hóa để tìm kiếm người thân của họ đã hy sinh ở khu vực Đường 9 - Khe Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược theo địa chỉ giấy báo tử, hoặc những đồng đội của họ kể lại. Thật day dứt và khổ tâm nhiều lắm các anh ạ. Những thân nhân liệt sĩ đến liên hệ với cơ quan quân sự đề nghị được hướng dẫn giúp đỡ. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được, từ việc dồn ép anh em để nhường phần ăn ở cho khách, đến cử người dẫn các đoàn và cá nhân đến địa điểm mà họ yêu cầu. Cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan luôn xác định công việc tìm kiếm các liệt sĩ mất tích, hoặc chưa rõ tong tích là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước đồng đội đã hy sinh. Những điều day dứt nhất khi tiếp xúc với những người dân đi tìm kiếm liệt sĩ, hầu hết là những người lao động lam lũ nghèo khó. Để có những chuyến đi thực hiện việc hiếu nghĩa thế này, họ phải làm lụng tích góp hàng năm trời. Và, có nhiều gia đình không chỉ đến Khe Sanh – Đường 9 một lần, mà có khi tới bốn năm lần. Bắt gặp những ánh mắt và những cử chỉ đau buồn tích tụ mấy chục năm trên gương mặt ông bố, bà mẹ mòn mỏi mong tìm được dấu tích người con than yêu, chúng tôi đều thấy mình như có lỗi  trước sự mất mát không thể bù đắp nổi. Chính vì vậy mà bất cứ tổ chức, cá nhân nào đến Khe Sanh liên hệ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng được chúng tôi tiếp đón ân cần và họ cùng trực tiếp đi khảo sát tìm kiếm.

- Kết quả của công việc đại nghĩa ấy thế nào hả anh? Tôi nôn nóng hỏi Đỗ Xuân Hiệp. Không hiểu vì bị hỏi đột ngột hay vì lý do gì mà Hiệp lặng đi trong giây lát. Tôi biết anh là một cán bộ chính trị giàu tình cảm, năng nỗ hết long xây dựng đơn vị. Vợ con anh ở vùng ven thị xã Đông Hà, các cháu còn nhỏ, kinh tế gia đình còn vất vả. Vậy mà trừ công việc đột xuất ra, còn thì cứ “xuân thu nhị kỳ” anh mới đảo qua nhà động viên vợ con bằng điệp từ “cố gắng”. Với anh lúc nào cũng chỉ có công việc và công việc. Nhất là chính sách thương binh, liệt sĩ được anh rất chú trọng và tập trung giải quyết với trách nhiệm cao nhất. Hiểu vậy nên tôi nín lặng chờ đợi. Và phút sau anh đã lại lên tiếng.

   - Nhìn chung các cuộc khảo sát tìm kiếm liệt sĩ chỉ đạt 30% đến 40%. Nhưng ngay số mộ đào bốc lên cũng không làm ta hài lòng. Có liệt sĩ rõ tên. Có liệt sĩ không rõ tên, số hiệu đơn vị quê quán. Các anh biết đấy, trong những năm 1967 – 1968 và 1970 – 1971 trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh, quân đội Mỹ và Sài Gòn đã dung bom đạn đánh phá với mức độ ác liệt chưa từng có. Tại cái “ rốn” này, trung bình một ngày đêm phi pháo Mỹ đã dội xuống hơn 1000 tấn bom, bắn hơn 1500 quả đại bác hạng nặng từ 155 đến 175 ly để giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Nhiều nơi bị bom đạn đào xới thành bình địa. Do đó có nhiều trường hợp anh em trúng bom đạn hy sinh thi thể không còn nguyên vẹn. Tôi xin dẫn chứng hai trường hợp điển hình rõ them sự phức tạp của cộng tác này. Giữa năm 2001, khi phát hiên được nguồn tin các cựu chiến binh ở các tỉnh thuộc Khu 3, Khu 4 và đặc biệt là những người dân bản Khu 5, xã Thuận (nằm cạnh sông Sê Pôn đối diện dãy Cô Róc và nước bạn Lào) phát hiện được những nấm mộ nằm lẫn trong cỏ cây rừng tái sinh, chúng tôi lập tức cử cán bộ đi xác minh. Sau khi xác định rõ các mộ chỉ theo địa chỉ đã báo (đầu tháng 7 năm 2001), chúng tôi tạm gác một số công việc chưa cần thiết để phối hợp với bộ phận tổ chức lao động – thương binh – xã hội huyện tập trung quy tập hài cốt liệt sĩ về nơi quy định. Đợt một khai quật bảy mộ gồm các liệt sĩ Đức Hà (không rõ họ) C4-D33; Nguyễn Viết Xuân C4-D33; Phạm Hồng Quảng C4-D33; Thanh (không rõ họ) C4-D33; hai liệt sĩ còn lại không thể xác định vì không có vết tích lưu danh. Bảy liệt sĩ đều hy sinh ngày 7 tháng 2 năm 1968. Cuối tháng 10 năm 2001, khi mùa mưa vừa chấm dứt, ban chỉ huy quân sự huyện huy động dân quân xã Thuận cùng một số bộ phận quân dự bị động viên mở hai đợt tìm kiếm liệt sĩ. Qua ba ngày đào bới trên diện rộng gần nửa héc ta, chúng tôi đã phát hiện được 27 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ có năm liệt sĩ có tên và địa chỉ là Trương Đình Lan (có thể là Lanh vì nét chữ cuối bị rét gỉ) Đoàn 98 – Tăng, Hoàng Hóa, Thanh Hóa; Nguyễn Khắc Nguyên C9-D3-E4-F325, Thôn Gốc, Triệu Sơn, Thanh Hóa; Đức Cường (không rõ họ) C4D33; Nguyễn Văn Trọng C4-D33; Trần Danh Tuyên C4-D33. Tên tuổi, đơn vị, quê quán năm liệt sĩ trên đây được khắc nghi (hoặc đục lỗ trên từng miếng tôn nhỏ và đều hy sinh ngày 8 tháng 2 năm 1968. Hai mươi hai bộ hài cốt được đánh dấu theo thứ tự từ 1 đến 22, một số bộ hài cốt được nhận điên qua ký hiệu như H3-C3, SH3-125X, SH3-168X, SH3-98X, S113-232, còn lại khuyết danh tích. 34 liệt sĩ được quy tập trong hai đợt cuối năm 2001 đều có đặc điểm giống nhau là trong từng hài cốt có nhiều mảnh đạn cối, đạn M79 và mảnh bom nhỏ. Theo diễn biến lịch sử thì bộ phận cán bộ, chiến sĩ này có thể hy sinh trong trận tiến công Làng Vây (từ ngày 6 tháng 2 đến 8 tháng 2 năm 1968) trong chiến dịch tiến công Đường 9 – Khe Sanh, vì từ Làng Vây xuống vị trí này chỉ khoảng bốn ki lô mét.

   Còn trường hợp tìm kiếm 24 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh ngày 1 tháng 4 năm 1971 tại làng Bùng xã Hướng Phùng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mới thực hiện đầu tháng 3 năm 2002, thì công sức bỏ ra khá nhiều, nhưng kết quả vẫn chưa như ý muốn. Nguyên nhân chủ yếu là công tác tổ chức quy tập giũa các cấp chưa thống nhất, hồ sơ lưu trữ thiếu.

   Số là ngày 19 tháng 3 năm 2002, chấp hành chỉ thị của Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh Quảng Trị, được sự giúp đỡ trực tiếp của ba ông Trương Hữu Hạnh (thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hữu Việt) Nguyễn Đức Thịnh và Lâm Văn Vần (đồng đội liệt sĩ), Ban chỉ huy quân sự huyện phối hợp với đồn biên phòng 609, chính quyền xã Hướng Phùng và trưởng bản Ma Lai huy động 30 nhân công cùng hành chục cán bộ, chiến sĩ mỡ đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Qua 12 ngày (20 tháng 3 đến 1 tháng 4) đào bới trên tám điểm không phát hiện gì, lại thêm làm việc mệt mỏi, căng thẳng, một số người đã nản chí.

   Nhưng với quyết tâm bằng mọi giá phải tìm được khu vực mai táng liệt sĩ, bộ phận quy tập được sự giúp đỡ của các đồng chí Cam – nguyên là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 (ở Hà Nội vào ngày 2 tháng 4) tiếp tục bám trụ mở rộng địa bàn khảo sát. Bằng trí nhớ và nghiệp vụ trinh sát của mình, sau khi so sánh và đối chiếu lại thực địa và tọa độ bản đồ đã khẳng định khu vực mai táng liệt sĩ cách bản Ma Lai 1,5 km, tức khu vực bản Doa cũ xã Hướng Phùng. Đúng như dự đoán của đồng chí Cam, sau hai ngày chuyển hướng tìm kiếm (từ 19 tháng 4 đến 21 tháng 4) các bộ phận đã phát hiện được vị trí mai táng 24 liệt sĩ. Tuy nhiên quá trình khai quật anh em chỉ phát hiện được các mẫu vật tăng, dây lưng, giày ở các hố mộ đã được bộ phận nào đó quy tập cách nay hơn chục năm. Với miếng nhôm duy nhất , có kích thước 19cm x 20cm ghi tên Đ.V.Loan, năm sinh 49, hy sinh ngày 01 – 4 - 1971 còn sót lại, bộ phận quy tập đã đối chiếu bảng kê danh sách và sơ đồ mộ chí kèm của Sư đoàn 308, thì liệt sĩ đó là Đặng Văn Loan thuộc đại đội 5, Trung đoàn 8, Sư đoàn 308, quê thôn Chùa, xã Tân Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là tinh Thái Nguyên) một trong số 24 liệt sĩ đang được tìm kiếm. Có điều là bây giờ hài cốt các liệt sĩ đang nằm ở vị trí nào trong nhiều liệt sĩ chưa được xác định được tên ở hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9 thuộc tỉnh Quảng Trị. Như vậy, đối với chúng tôi và đối với hàng nghìn gia đình đã đến và sẽ đến thì cuộc tìm kiếm các liệt sĩ vẫn chưa có hồi kết. Vì đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, nhưng quân và dân Khe Sanh – Hướng Hóa quyết tâm làm hết sức mình vì nghĩa tình đồng đội.

   Có lẽ câu kết của Đỗ Xuân Hiệp đã nói lên tất cả những gì cần nói. Nhưng để chứng minh thêm cho tình cảm sâu nặng đó, trước khi dừng bút chúng tôi muốn lược trích đôi dòng trong “Lời điếu đọc tại lễ truy điệu các liệt sĩ tại Bản 5 xã Thuận ngày 20 tháng 10 năm 2001” của đồng chí lãnh đạo huyện đại diện cho quân và dân các dân tộc huyện Hướng Hóa: “Chúng ta bùi ngùi thương xót những đồng chí, người con của trăm nẻo vùng quê đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc nhân dân… Đảng bộ và nhân dân các tộc huyện Hướng Hóa đời đời tạc dạ ghi nhớ công ơn của các anh, những người con trung hiếu đã dâng trọn đời mình cho Đảng cho dân. Tên tuổi các anh tuy để lại không đầy đủ, song mỗi cành cây, ngọn cỏ và đất rừng Hướng Hóa đã in đậm hình ảnh các anh, những chiến sĩ quân giải phóng anh hung, các anh là những bài ca bất tận cho muôn đời con cháu mai sau”.

                                                                                                               N.T.H

Trần Tiến Hoạt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 94 tháng 07/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground