Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngụ ngôn của những bông hoa trên đá

D

ẫu đã được may mắn đi qua những miền hoa của nhiều xứ sở từng được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”. Có là xa xăm chốn đất khách quê người như Hàng Châu, Tô Châu đất Trung Hoa, lộng lẫy như Orchid Garden ở Singapore, từ thủ đô mới ở Putrajaya của xứ Mã Lai đến công viên Nongnooch đất nước Thái… Là xứ lạ với bạt ngàn kỳ hoa dị thảo hay gụi gần với những “thành phố hoa” tươi đẹp của trời Nam như Đà Lạt, Sapa… quanh năm bốn mùa hoa thắm, nhưng tôi vẫn tin rằng khó ở đâu trên thế gian này, những bông hoa lặng thầm lại toát lên một câu chuyện với nhiều ẩn ngữ, chẳng nơi đâu, mỗi mùa hoa luôn chất chứa một ngụ ngôn về đất nước quê hương như miền cao nguyên đá Hà Giang!

***

Làm sao có thể cắt nghĩa được ở cái xứ chỉ đá và đá ấy, hiếm đất hiếm nước ấy  lại có những mùa hoa quanh năm, mùa nối mùa, có mùa hoa đẹp tinh khôi buổi nguyên đán, có mùa hoa rực vàng dấu yêu, có mùa hoa tím hồng biêng biếc trong giá rét.

Mùa xuân nguyên đán với  màu hoa đào nơi biên ải.

Cái sắc hồng của hoa đào luôn mang một ngụ ngôn riêng, thách thức mà can trường, lộng lẫy mà kiêu hãnh. Dù mùa đông bắc vẫn ào ạt ràn rạt trên bạt ngàn “tai mèo đá” “răng cưa đá”, lô xô, chen chúc ngạo nghễ và thách thức. Giữa trùng trùng màu đá đen xám ngạo nghễ, thách thức và nhuốm màu kiêu bạc ấy, vẻ đẹp của những cây đào hồng rực sắc hoa dọc con đường từ thành phố Hà Giang qua Quản Bạ, Yên Minh, lên Đồng Văn sang Mèo Vạc trở thành một ấn tượng trong tôi, như một ấn chỉ của riêng Hà Giang, miền cực bắc nước Việt.

Không mọc thành vườn, không trồng thành làng, đào ở Hà Giang mọc miên man bất tận ở bất cứ chỗ nào nó có thể cắm xuống. Bên bờ rào đá, nghiêng nghiêng dưới nếp nhà lợp gỗ pơ mu, góc sân, ven vệ đường, giữa lưng chừng núi, bên góc ruộng bậc thang, cứ như thể hoa đào là một loài cây dại hơn là một loài hoa mà người miền xuôi vốn nâng niu chăm bẳm. Và cho dù mọc ven đường hay góc ruộng, lẫn giữa mái đá hay thấp thoáng bên hè nhà, những cây đào của cao nguyên đá đều giống nhau ở những thân cành gân guốc, cứng cáp vừa kiêu hãnh, vừa thách thức.

Chuyến đi đầu tiên của tôi lên biên ải Hà Giang khoảng năm năm về trước kéo dài hơn nửa tháng, đi qua gần một chục đồn biên phòng, và thật đặc biệt, trước sân mỗi đồn biên phòng ở Hà Giang  đều luôn có những cây đào to đẹp đến kỳ lạ. Cây đào ở đồn Lũng Cú chỉ mới được trồng hơn mười năm nay thôi nhưng những thân cành vươn ra phủ bóng kín một khoảng sân đồn. Những người lính đặt bộ bàn ghế đá dưới bóng đào, phút thư giãn ngồi cùng chén trà nghe hương đào vây bọc, những cánh hoa mỏng tang cứ thế nhẹ rơi vào ly nước, có lẽ chưa bao giờ chúng tôi có được cái cảm giác khinh khoái nhẹ bẫng giữa không gian, dưới màu nắng trong veo se lạnh buổi đầu xuân như thế. Ở đồn Phó Bảng, những cây đào chưa lớn như Lũng Cú nhưng đào mọc khắp nơi, vây quanh sân, mọc lan lên mái núi phía sau đồn, trải dài dọc theo lối cổng. Từ những cây đào cứ thấy toát lên một vẻ đẹp rất riêng như người lính  biên cương này vậy. Rồi như một mặc định, cứ mỗi lần nghĩ về người lính biên phòng nơi cực bắc này, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh những cây đào trổ hoa  kiêu hãnh trong gió bấc, cứ  hiện về như một biểu tượng đẹp và can trường.

Còn nhớ hôm ngồi ở đồn Lũng Làn (thuộc huyện Mèo Vạc), ngồi với anh em trong đồn, trên truyền hình đang phát bản tin dự báo thời tiết. Thiếu tá Trần Anh Tuấn, đồn trưởng đồn biên phòng Lũng Làn bảo: “Dưới xuôi, đài báo gió mùa đông bắc phải chậm mất một hai hôm mới đến. Trên này vừa  nghe tin gió mùa đông bắc là đã thấy nó về sau lưng”. Câu nói của người đồn trưởng rất hồn nhiên nhưng chúng tôi hiểu rất nhiều điều ẩn ngôn trong câu chuyện “gió bấc sau lưng”. Nhưng gió gì thì gió, hoa đào vẫn nở cùng mùa xuân, rực rỡ, tươi hồng, kiêu hãnh và tự tin như chính người lính, như chính người dân, những người đã và đang bám trụ cùng biên ải!

***

Có lên tới Hà Giang mới hiểu vì sao người Việt đã gọi Tổ quốc là Đất  Nước.

Tôi đã gặp trên những nẻo đường chênh vênh của cổng trời Tam Sơn - Quản Bạ, trên những cung đường Yên Minh, Phó Bảng, qua Mã Pí Lèng - Mèo Vạc… con đèo trứ danh đến ngựa phải quỳ… Vậy mà cao hơn cả đèo, cả núi đá là những người dân ngàn đời nay “sống trên đá - chết vùi trong đá”.

Và cũng ngàn đời nay, nhẫn nại và âm thầm như đá núi, người dân cõng từng gùi đất đổ vào các hốc trên núi đá tai mèo để gieo vào những hạt ngô. Để có hốc đá tra hạt ngô vào cũng phải dùng choòng, dùng xà beng đào lỗ trên đá, bật máu bàn tay mới đủ chỗ để nâng niu đặt vào từng vốc đất. Gieo hạt ngô lên mầm, nuôi cho cây  ra hoa trổ bắp, chính những bàn chân gầy guộc quấn xà cạp ấy đã cõng từng gùi nước, bấm bíu bàn chân vào cạnh sắc của đá tai mèo để tưới tắm cho chính mầm sống - cuộc sống của họ.

Hình ảnh “gùi đất - cõng nước” ấy cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh hơn về Đất và Nước. Với người dân trên đất liền, không ở đâu hiếm đất như ở đây, không ở đâu nước quý như ở đây. Và vì sự quý hiếm ấy, người ta hiểu giá trị hai chữ Đất - Nước một cách bình dị mà sâu sắc, cụ thể mà thâm hậu, không cần phải văn chương huê dạng nhiều lời.

Cái hình ảnh những đôi chân người Mông rách xé bởi đá tai mèo, những bàn tay tóe máu vì cầm còng đục đá tra ngô, những mái đầu kiêu hãnh trong gió lạnh cao nguyên đá mang lại cho tôi một niềm tin yêu kỳ lạ về đất nước, rằng sẽ không một kẻ thù nào có thể khuất phục được những người dân nước Việt, bởi với người dân nước Việt, Tổ quốc đồng nghĩa với Đất - Nước!

Tôi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Việt Nam, với lá cờ Tổ quốc thắm dòng máu cha ông ngày đêm bay hiên ngang trên tọa độ  23°23' 08" độ vĩ Bắc - 105°19'55" độ kinh Đông. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc reo bay ở nơi cực Bắc này mang đến cái cảm giác rất lạ. Nó khác với cảm giác khi đứng ở mốc tọa độ mũi Cà Mau cực Nam, cũng khác với sự cảm động nghẹn ngào khi gặp lá cờ Tổ quốc trên những hòn đảo giữa trùng khơi cực Đông xa xôi hay khi chạm tay vào cột mốc cực Tây ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ở  A Pa Chải, có lẽ vì đây là cực Bắc!

Lũng Cú, có người giải thích đơn giản rằng trong tiếng Mông có nghĩa là thung lũng ngô vì trên đá núi này cây ngô gắn bó với người Mông. Nhưng tôi thích cách giải thích hơi chữ nghĩa một chút rằng Lũng Cú chính là “Long Cổ”- nghĩa là trống của Vua. Tương truyền xưa kia vua Quang Trung (có sách chép là từ thời vua Lê Lợi) sau khi đánh tan quân xâm lược đã cho treo ở đây một cái trống đồng rất to để dùng tiếng trống ấy báo tin dữ tin lành về sự an nguy của biên ải. Tiếng trống vang trên miền biên viễn này khiến người dân như có thêm một điểm tựa tinh thần. Và bây giờ ở bản Lô Lô Chải dưới chân đỉnh Lũng Cú cũng có hai chiếc trống đồng huyền thoại như thế đang được người dân nơi đây cất giữ như báu vật.

Tiếng trống của cha ông từ thuở xưa và sắc đỏ lá cờ Tổ quốc hôm nay bay hiên ngang trên bầu trời địa đầu phía Bắc là một lời nhắc nhở với cháu con về chủ quyền đất nước, như một câu thơ của Thu Bồn chợt vang vọng trong tôi khi đứng dưới cột cờ Lũng Cú: “Cho con biển rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm…”.  Cứ mỗi  lần lên đỉnh Lũng Cú cực Bắc, nhìn lá cờ Tổ quốc reo phần phật trong gió, tôi chợt nhận ra ở Hà Giang đá cũng có linh hồn. Hình như không phải ngẫu nhiên mà điểm cực Bắc của Tổ quốc lại nằm ngay trên trường thành đá, đá giăng thành hào thành lũy, che chắn bảo vệ cõi bờ. Rồi chợt giật mình khi nhớ rằng đã nhiều lần tôi đã tin hoa đào rất “có lý do” trong những mùa xuân hoa đào nở muộn.

Dạo lên Hà Giang  vào  trung tuần tháng  2 năm 2009 (tròn 30 năm chiến tranh biên giới). Đã qua Tết nhưng đến thời điểm  đó hoa đào mới rực rỡ mãn khai, thay vì nở sớm  trước Tết như mọi năm. Đi qua những nghĩa trang người lính ắng lặng, tôi chợt nhận ra hoa đào nơi đây dường như cũng có linh hồn. Hoa đào năm đó nở muộn có lẽ không phải do thời tiết lạnh giá, hình như hoa đã tự mình chắt chiu từ trong sương gió, gìn giữ mạch nguồn từ nắm đất hiếm hoi trên đá núi, để bừng nở rực hồng đúng vào dịp tưởng niệm 30 năm như một niềm biết ơn với những người lính đã ngã xuống vì đất nước!

***

Nếu hoa đào như một sự tương hợp với vẻ đẹp trầm mặc và kiêu hãnh của núi đá Hà Giang thì hoa tam giác mạch lại mang một vẻ đẹp khác hẳn.

Hoa đào khởi nguyên một năm mới, còn hoa tam giác mạch lại nở đón mùa đông về với màu nắng hanh hao se lạnh mà óng vàng trên những triền đá rợn ngợp.

Nếu hoa đào, hoa mận mang lại cho Hà Giang vẻ đẹp của sức sống mùa xuân, những thân cành của hoa đào, hoa mận mọc từ núi đá nên gân guốc và can trường sau những lớp rêu và địa y, nhìn dáng hoa rất đăng đối với vẻ trầm mặc của dáng núi thì tam giác mạch lại là loài hoa thân thảo, mềm mại và yểu điệu. Vì mềm mại và yểu điệu nên hoa tam giác mạch trở nên tương phản với hình ảnh của cao nguyên đá. Những đá núi dựng ngang trời sừng sững can trường đã khiến cho vẻ đẹp mong manh  của hoa tam giác mạch trở nên kiêu sa hơn. Và ngược lại, chính vẻ đẹp mềm mại của tam giác mạch càng tôn lên vẻ kiêu bạc cứng cáp và can trường của cao nguyên đá.

Cứ tầm tháng 10, tháng 11, khi mùa đông rẻo cao bắt đầu báo hiệu với những cơn gió bấc tràn về từ bên kia biên giới thì những thân cảnh mảnh mai của hoa tam giác mạch chúm chím những nụ hoa trắng hồng trên những thửa ruộng bậc thang. Bạn đã nhìn thấy những ruộng lúa bậc thang chín vàng óng ả, xếp tầng tầng lớp lớp viền quanh những mái đồi thì cứ thay cái sắc vàng của lúa bằng sắc tím hồng xen lẫn sắc trắng đỏ của tam giác mạch sẽ hình dung ra sức mê hoặc của loài hoa này.

Trên con đường từ thị trấn Yên Minh lên Lũng Cú, Đồng Văn, chỉ cần nhìn hai bên vệ đường sẽ thấy hoa tam giác mạch nở hồn nhiên như những tấm thảm hoa rực rỡ dưới ánh nắng mùa đông cao nguyên.

Thật ra ở vùng Tây Bắc có nhiều nơi trồng được tam giác mạch nhưng chỉ có vùng Hà Giang mới có được những núi hoa xinh đẹp đến vậy.

Hãy nhìn kỹ một bông tam giác mạch, mầu hoa phớt hồng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Thật bất ngờ với chúng tôi khi dừng lại bên một mảnh vườn  ở Sủng Là. Thửa ruộng tam giác mạch của anh Mùa Nọ Hờ ở bản Lũng Cạn Trên, xã Sủng Là tuy không rộng lắm nhưng cũng đủ hút hồn những du khách đang trên đường từ Hà Giang lên Đồng Văn dừng lại để sà vào giữa ruộng hoa để thưởng cho mình những tấm hình mang về xuôi khoe cùng bè bạn.

Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là ruộng hoa tam giác mạch ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ở đấy hoa tam giác mạch không mọc chênh vênh trên ruộng bậc thang mà mọc trên một khu ruộng phẳng rộng mênh mông chạy dài ngút ngát như  một thảo nguyên.

Dưới nắng trưa, từ ruộng hoa nhìn lên đỉnh Lũng Cú với lá cờ Tổ quốc rộng 54 mét vuông tung bay trên đỉnh cột cờ địa đầu cực Bắc, niềm cảm khái linh thiêng về chủ quyền đất nước trào dâng trong chúng tôi.  Đứng trước vẻ đẹp của núi non biên ải, của những bản làng bình yên, của mùa hoa tam giác mạch tinh khôi rực rỡ, dường như đây là lúc chúng tôi cận cảnh hơn với tình yêu Tổ quốc, nó rõ ràng và cụ thể, trong mỗi bông hoa, trong dáng quốc kỳ!

Và cũng chính vì vẻ đẹp nơi địa đầu Tổ quốc này mà giờ đây, ngày ngày có rất nhiều bạn trẻ  lên Hà Giang. Mùa xuân ngắm hoa đào, mùa thu ngắm lúa chín trên ruộng bậc thang, mùa đông đi ngắm hoa tam giác mạch khoe sắc. Hoa tam giác mạch không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn cho vùng địa đầu Tổ quốc nơi có địa danh “Công viên đá toàn cầu”. Mùa hoa ấy có một tiếng nói riêng, một hấp lực riêng thôi thúc những bước chân bạn  trẻ tìm về Hà Giang khám phá và chiêm nghiệm. Để cho mình  hành trình từ biết yêu một mùa hoa đến yêu hơn Tổ quốc. Chúng tôi cảm giác những đồng hoa đã chắt chiu cùng đá núi để dâng cho đời sắc hoa rực hồng, sắc hồng ấy dường như hắt ánh lên sắc cờ đang phần phật kiêu hãnh bay trên bầu trời cực Bắc, như một nhắn nhủ với hậu thế, hãy biết giữ gìn và bảo vệ từng tấc đất quê hương ngàn đời qua đã thấm máu cha ông. Trong cái buổi trưa Lũng Cú ấy, trên sắc hoa tam giác mạch ràn rạt thành sóng hoa kiêu hãnh trước gió bấc, chợt vọng về câu thơ của Thu Bồn: “Cho con biển rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm”. Yêu tha thiết một mùa hoa biên giới, cũng là để yêu tha thiết hơn cõi bờ Tổ quốc chúng ta!

Bạn còn chờ gì nữa? Hãy thu xếp cho mình những chuyến đi như thế, không chỉ hoa đào hoa mận mùa xuân, lúa chín vàng mùa thu hay tam giác mạch mùa đông, còn những đồng hoa cải vàng cải trắng miên man trên miền đá, cả những ruộng hoa hồng vừa được mang về miền đất mới, hoa ở Hà Giang là những ngụ ngôn  rất riêng của biên ải, can trường và kiêu hãnh, như thách thức gió bấc và giá rét mây mù…

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 220 tháng 01/2013

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

3 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground