Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người gắn với công việc tử tế

TCCV Online - Trong cuộc sống hối hả ngày nay, có những công việc rất ý nghĩa nhưng không phải ai cũng đủ tâm huyết để làm. Chúng tôi đã gặp anh Lê Văn Tương (sinh năm 1966), trú tại khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị vào một buổi sáng tinh mơ giữa đất trời Thành Cổ và xúc động khi biết hơn 10 năm qua, anh tự nguyện làm công việc quét dọn, vệ sinh ở khuôn viên Thành Cổ cùng nhiều việc làm có ích khác. 

Tình nguyện làm lao công 

Những sáng mưa phùn, gió bấc, tiếng chổi tre vẫn đều đặn vang lên giữa không gian yên tĩnh của Thành Cổ Quảng Trị. Người dân sống quanh khu vực đều biết người đàn ông đang trân mình trong giá rét, cần mẫn quét dọn kia là anh “lao công tình nguyện” Lê Văn Tương. Một số bà con đi ngang qua tặc lưỡi bảo: “Mưa gió thế này, chắc ít khách đến viếng Thành Cổ, chú quét tước làm gì?”. Anh Tương hồn hậu trả lời: “Tôi làm việc này là để Thành Cổ luôn sạch đẹp, cho người đã khuất, đâu phải chỉ vì khách tham quan”. 

Không kể mưa nắng, ngày ngày, anh Tương đều lặng lẽ vào Thành Cổ để lau chùi, quét dọn, nhổ chân hương, thay cát… Anh làm việc không lương và cũng chẳng yêu cầu ai phải khen thưởng hay ghi nhận công lao. Vốn là người gốc Hải Lăng, trước khi chuyển lên thị xã Quảng Trị dựng nhà, lập vườn cùng cha, anh Tương đã biết về địa danh Thành Cổ qua những mẩu chuyện xúc động. Thế nên, buổi đầu đặt chân đến đây, trái tim anh trào dâng cảm xúc khó tả. Anh biết dưới kia, trong từng tấc đất kia là biết bao xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Một lần ghé Thành Cổ vào sáng tinh mơ, đập vào mắt anh Tương là hình ảnh người cán bộ bảo vệ tất tả quét dọn trong khuôn viên rộng lớn. Anh Tương chợt nghĩ: “Sáng nào cũng có rất nhiều người vào đây tập thể dục. Tại sao mỗi người không góp một tay giúp giữ xanh Thành Cổ, để các chiến sĩ nằm dưới kia ấm lòng?”. Thế là, ngay hôm sau, anh tình nguyện làm…lao công ở Thành Cổ. 

Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ ngày anh Tương quyết định gắn bó với công việc hiếm ai đủ tâm huyết để làm. Hàng ngày, anh đều dành một tiếng đồng hồ để lau dọn, vệ sinh ở khuôn viên Thành Cổ. Những hôm trời giá buốt, anh Tương vẫn rời chiếc chăn ấm, đội mưa gió đi làm việc. Anh giải thích: “Thời tiết thế này, nếu không dọn dẹp thì cảnh quan Thành Cổ trông không đẹp mắt lắm. Vả lại, mình muốn vào đây để thắp nén nhang cho các anh hùng, liệt sĩ…”. Ngay cả những ngày không được khỏe, anh vẫn cố gắng làm công việc này bởi nếu nghỉ thì trong lòng cồn cào chẳng yên. 

Trước kia, thấy anh Tương luôn tay, luôn chân dọn vệ sinh nơi khuôn viên Thành Cổ, một số bà con cật vấn: “Người ta làm công ăn lương mới gánh vác việc này. Anh vất vả như thế để làm gì?”. Có người đi ngang qua nơi anh làm việc, bâng quơ thả mấy câu thơ: “Công đâu, công uổng, công thừa/ Công anh xách nước tưới đường mà chơi”… Mỗi lần như thế, anh Tương chỉ cười. Theo thời gian, nụ cười ấy rạng rỡ hơn khi ngày có càng nhiều người hiểu công việc tình nghĩa mà anh đang làm và thỉnh thoảng cùng chung tay giúp đỡ. 

Quen làm việc không lương 

Nhà anh Tương nằm bên cạnh chợ thị xã Quảng Trị. Trong không gian ồn ả, có phần xô bồ, anh thường ngồi lặng yên ở hiên nhà, tỉ mỉ cắt từng chiếc lốp xe cao su để làm dây buộc, dép, phụ kiện xe máy…bán cho khách. Anh Tương cho biết, đây là nghề bố mình từng làm để nuôi sáu người con trưởng thành. Giờ đây, tuy công việc chỉ mang lại nguồn thu nhập ít ỏi nhưng anh Tương không từ bỏ. Một phần bởi chỉ với nghề này, anh mới sắp xếp được thời gian để lo liệu những công việc không lương mà mình gắn bó. 

Do nằm gần chợ nên nơi Tương cư trú dễ nảy sinh các vấn đề về an ninh, trật tự. Trong tổ, một số thanh niên còn ham chơi, lêu lỏng, chưa chí thú làm ăn. Trước kia, nhiều người từng được tín nhiện làm tổ trưởng an ninh song hầu hết chỉ gánh vác trọng trách một thời gian ngắn, rồi xin nghỉ hẳn vì áp lực công việc. Biết điều đó nhưng anh Tương vẫn đồng ý khi nghe đồng chí Bí thư chi bộ và Tổ trưởng khu phố đặt vấn đề. Anh chia sẻ: “Trước khi làm Tổ trưởng Tổ an ninh số 6, tôi từng có gần 20 năm làm Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích. Bất kể ngày đêm, anh em đoàn viên chúng tôi phối hợp với lực lượng Công an giữ gìn an ninh, trật tự. Công việc không lương nhưng ai cũng quyết tâm cống hiến. Vì vậy, tôi không ngại khó khi được đề nghị làm Tổ trưởng Tổ an ninh số 6”. 

Dẫu vậy, lúc bắt tay vào công việc, anh Tương mới thấm thía hết nỗi vất vả. Ngày ngày, anh Tương phải gõ cửa từng nhà để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi việc nhỏ to trên địa bàn, từ đi thu lệ phí, thông báo cho bà con họp hành đến phối hợp với lực lượng Công an giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự đều đặt trên vai nên anh Tương luôn bận rộn. Có hôm vừa về đến nhà sau khi giải quyết xong vụ tranh chấp giữa hai gia đình, anh lại phải vội vàng đến nhà hộ dân khác để ngăn cản một vụ bạo hành. Đặc biệt, vào dịp lễ tết, anh Tương ít khi có mặt ở nhà. Có khi đang sửa soạn mâm cỗ tất niên hoặc chưa kịp thắp nén nhang lên bàn thờ trong thời khắc giao thừa, điện thoại trong túi anh đã réo inh ỏi. Thế là anh Tương lại nhanh chóng “bàn giao” việc cho vợ, rồi đi làm nhiệm vụ. 

Tưởng chừng những vất vả trong công việc sẽ sớm khiến anh Tương nản chí nhưng anh vẫn nhiệt tình, gắn bó với nhiệm vụ. Trước đây, anh rất phiền lòng khi chứng kiến một số đối tượng ham chơi, rồi sa chân vào con đường lầm lỗi. Thấy mọi người quay lưng với các thanh niên từng có lỗi lầm trong quá khứ, anh lấy làm lo lắng. Anh nghĩ: “Tuổi trẻ ai cũng có lần vấp ngã, điều quan trọng là đứng dậy được hay không. Nếu không chìa bàn tay ra giúp đỡ thì làm sao họ sửa chữa được lỗi lầm”. Nghĩ vậy, anh Tương vận động những người có uy tín trong tổ nhỏ to khuyên bảo, hướng cho các thanh niên lầm lỡ, chậm tiến tìm lại con đường sáng. Đến giờ, nhiều em đã tìm được công việc ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc. 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến nay anh Tương đã có 15 năm gắn bó với công việc tổ trưởng an ninh. Trong thời gian đó, anh còn gánh vác nhiệm vụ bảo vệ dân phố, tính ra cũng đã ngót nghét 8 năm ròng. Công việc bất kể thời gian, hiếm ngày nào giống ngày nào khiến anh gầy rộc, da đen sạm nhưng không làm vơi cạn sự nhiệt huyết trong anh. Mỗi khi ai đó hỏi về thu nhập, anh thường hóm hỉnh nói: “Người ta có lương tháng, còn tôi có lương tâm” hoặc “Tôi lấy niềm vui làm… lương”. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ của mình, anh Tương lấy làm ái ngại khi chiếc áo đồng phục bảo vệ dân phố ướt đẫm mồ hôi. Anh giải thích mình mới trở về nhà sau một giờ đồng hồ dọn vệ sinh ở khuôn viên Thành Cổ và vừa tạt qua nhà các hộ dân trong tổ để nhắc nhở giữ gìn vệ sinh công cộng. Tay bồng, tay dắt hai đứa con sinh đôi đang bám như sam, anh chia sẻ: “Nhiều lúc phải dứt con ra để đi làm việc làng, việc xóm. Cũng thương và áy náy lắm nhưng chẳng còn cách nào khác”. Tôi hỏi: “Sau này, khi các con lớn lên, anh sẽ dạy chúng điều gì”. Anh trả lời giản dị: “Tôi muốn dạy con làm người tử tế”. 

Q.H

(Nguồn- Báo Quảng Trị điện tử) 

Quang Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground