Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người muôn năm cũ

A

nh em quen biết cũ ở Đông Hà tưởng tôi lặn lội đi tìm phần mộ, hài cốt của chú bác, anh em nội ngoại gì đó đã hi sinh ở đất này. Mỗi năm mấy chuyến vào Đông Hà. Chuyến lên Sa Trầm, Sen Bụt. Chuyến về Gia Độ, đứng ngắm mấy nước mênh mang ở nga ba sông. Đâu cũng gặp người quen biết cũ. Khi quá đà vui nửa nhịp, có ai đó còn thật lòng khuyên bảo: “Này, có lỡ vướng mũ ruột rà nhà mình. Có chi mà ngại”. Lúc bị dồn đuổi vào thế bí, tôi buột miệng – “Có chứ. Tôi đang đi tìm. Tôi đi tìm tôi”.

Cả đời người, đặt bàn chân lên mặt đất mà bước đi. Cao thì trèo. Lên được đến bản Mèo trên Lũng Cú Hà Giang. Xa như dốc cầu tàu ngoài Côn Đảo. Nhưng dấu chân tôi đi, dày nhất, đậm nhất là ở Quảng Trị này. Mới rón rén đặt cái ba lô xuống đất Cùa, bởi cũng đã tập tòe thơ phú, tôi được xếp vào chỗ ngồi của một cuộc giao lưu. Trước mắt tôi là ông Chế Lan Viên, Bùi Hiển. Nhìn chênh chếnh là ông Vĩnh Mai, Dương Tường… Thân gần như anh trung đội trưởng, tiểu đội phó. Xa vời ngưỡng mộ như thánh như thần. Cuộc họp mặt giữa vòm lá mát. Cuộc họp bàn công việc của trăm năm, ngàn năm. Việc bút sách, tư tưởng. Cao sang và thậm chí bao điều mà xôn xao quanh mấy cái chõng tre bày mít chín vàng hươm và nước chè vườn hãm đặc. Bây giờ việc ấy cũng đang bàn. Bàn chuyện văn hóa tư tưởng. Bàn chuyện lý luận qua một hệ thống thiết bị trang âm và máy chuyên dùng tốc ký. Sau một ngày hội họp, tu tưởng và lý luận được in ra hàng vạn bản rồi tán phát khắp cõi bờ. Hội nghị văn hóa ở Cùa bàn về tư tưởng. Rồi đội ngũ lên đầu, thắt súng ngang hông tỏa về Cửa Việt, Cửa Tủng; tỏa lên Ba Lòng, Hoa Mỹ. Làm để tiêu hóa cái vừa bàn nên từ ông Dương Tường, Vĩnh Mai, Chế Lan Viên… hay dở có khác nhau mà chẳng thấy ai sai. Tôi nhập cư từ cuộc họp ấy và đến bây giờ chưa ra khỏi Quảng Trị - Đông Hà. Như còn là công dân thường trú của miền gió cát. Phần cao cả nhất và thẳm sâu khôn cùng thuộc về Quảng Trị. Phần hồn thiêng của kiếp người như vẫn cùng song cát Trung Giang, mưa rừng Hướng Hóa.

* * *

Trước Tết Mậu Thân, tôi về một xã cát Hải Lăng. Trời đã chập choạng khi mới ra khỏi bìa rừng. Lùi lũi bám theo người đi trước. Câm lặng từ bước đi, hơi thở. Nửa đêm về đến làng. Dân nghe báo có văn công trên chiến khu về đã kéo sang nhà mụ Bờng. Vúi đáo để. Vúi tới hơi thở gặp lại mùi mồ hôi cũ. Trộn chút cay cay của khói lá dương đốt, của vạn mắm ủ sau hè. Trộn chút tanh tanh của vẩy cá, cành rong. Trộn cả chút mơ màng của chòm sao khuya. Thứ ở trên rừng ít được gặp.

“Nì, chú ơi, bữa mô về hát?” – “Nghe cán bộ lên họp về méc (mách) là côi nớ (trên ấy) có Thu Sen hò hát ngon lèng (ngon lành). Răng (sao) chú không cho về dọi (về theo)? Bầy tui nuôi được mà”.

- Dạ thưa. Tôi đáp lời. Tôi về trước. Soạn lời ca rồi sẽ cho văn công về.

- Thiệt hí. Bầy tui nuôi heo ca (lợn gà) chờ đó.

Tôi chớp ngủ được ngót hai giờ thì có tin cấp báo giặc càn. Vậy là thêm tôi, việc chống càn của xã, của làng thêm vướng vúi. Tôi là lính từ thời “theo anh Vận (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95) đánh trận Nam Đông” nhưng là đánh trận, thắng trận trên giấy, trong từ vở kịch, câu thơ nhưng phải thú thật là chưa bắn phát đạn nào. “Chừ răng hè!”. Tôi nghe thấp thoáng lời bàn cách xử lý trường hợp của tôi. Xã đội trưởng nói với tôi câu gấp gáp như ra lệnh: “Nhà thơ xuống hầm” rồi chạy vụt đi. Một cô gái xuất hiện trước mắt tôi: “Chú cầm cái ni rồi theo cháu”. Hai gói mè xửng và một bi đông nước. Tôi nghĩ một điều vui vui đây là vũ khí chống càn của một nhà thơ. Phần cô gái là một khẩu AK có buộc thêm băng đạn. Quanh hông còn một chùm lựu đạn OF. Chắc chắn khi cần, cô gái sẽ chia phần lựu đạn cho tôi. Tôi sẽ trở ra Hà Nội ngày chiến thắng với danh hiệu anh hùng. Nghĩ được điều gì vui vui là phẩm chất tỉnh táo của một người dạn dĩ. Thôi, chuyện còn dài. Giờ là theo cô gái. Tôi đang sắm vai Lưu Bình của một tích chèo hiện đại. Tôi theo nàng Châu Long chui vào ruột đất để học làm người!

Máy bay phản lực các loại đã gào chát chúa qua làng. Tôi chạy gắn theo cô gái ra rìa bờ tre. Khi phần nắp hầm được khóa kín, một thế giới khác xuất hiệ. Tôi rùng mình. Tôi ấn đầu ngón trỏ vào thái dương “Cõi âm là thế này ư!” Cô gái châm sáng một chấm đèn hạt đỗ. Tôi thầm cảm ơn xã đội. “Ai xuống lần đầu cũng phải có người theo”. Cô gái trấn an tôi nhỏ nhẹ. “Yên tâm chú hí. Thỉnh thoảng chú ra đây mà thở. Khi mô tụi hắn thọc que sắt xuống, chú cháu mình ráng túm lấy, đẩy ngược lên. Tụi hắn không biết đây là hầm. Chú mà tôông nắp chui lên là chết cả làng”. Từ chút cảm giác sợ chết, tôi chuyển sang sợ cô gái. Lúc này đây, cô gái là chủ soái của hoàn cảnh. Oai phong hơn ông tướng tư lệnh chiến trường.

* * *

Khi rời hậu cứ, tôi không ước gặp một trận càn và được xuống hầm bí mật. Khi ngồi lọt vào đất sâu với một cô gái lại thấy may mắn vô cùng. Tôi có mặt ở đất này thời chống Mỹ là để viết cho được một câu hò khoan, một câu lục bát cho Thu Sen, Khánh Thiệm hò hát. Tọa độ này trên dãy Trường Sơn – ngang khúc Quảng Trị - mà không có binh đội, binh đoàn. Người cả nước về sống chung với người Quảng Trị. Đâu chỉ người Quảng Trị về đây. Cứ mươi người thì có khoảng hai, ba là dân gốc Quảng Trị. Như ông Lê Chưởng, ông Hoảng Phủ Ngọc Tường và Trần Hoàn. Đoàn văn công của tôi có ba mươi sáu người cũng chỉ đếm được bảy anh chị em là con dân bên Cùa, ngoài Vĩnh Quang, dưới Nhan Biều, và Gia Đăng. Thông thuộc như tôi cũng là dân lai. Tôi cứ lọ mọ đi, lọ mọ đến làng này, xã nọ để tìm cho được những chân dung Quảng Trị. Như một điều về văn hóa và tư tưởng mà tôi thâu nạp vào tâm thức ở một hội nghị bên Cùa năm 1950.

Giờ dây, trong hầm bí mật, tôi đang ngồi trước một chân dung. Khoảng cách chừng vài gang tay. Lặng lẽ.

- Em con ai?

- Dạ, con mụ Mắm ở xóm Bàu.

- Đi học chưa?

- Dạ, chưa. Nhưng mấy chú dạy. Đọc được rồi.

- Thích đọc cái gì?

- Dạ, thơ.

- Thuộc nhiều bài không? Đọc nghe nờ.

Cô gái tự nhiên lắm: “Gan chi gan rứa mẹ nờ. Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai…”.

- Giỏi. Tôi nắm bàn tay cô gái. Giỏi. Ai dạy?

- Dạ nghe đài. Nghe đài vài lần rồi thuộc theo.

Đất rung lên. Rồi âm i những sóng âm thanh hỗn hợp. Như tiếng xe xích, còn phân biệt được hướng chạy của tiếng chân người. “Càn lớn rồi”. Cô gái nói có vậy rồi lần ra phía có lỗ thông hơi. Tôi nhìn vào chỗ ngọn đèn được vặn nhỏ xuống bằng hạt đỗ xanh. “Đỡ khói mới thở được đến chiều”. Rõ là tôi lớ ngớ! Tôi còn định vặn sáng đèn để chép tặng cô gái bài Đêm Quảng Trị. Tôi nhìn vào chấm sáng liu riu, yếu ớt… chưa một lần được chết nên tôi cứ bịa ra từng cảm giác. Rồi cho phép mình tận hưởng vân vi. Thiêng liêng ấy gạt hết phần quỷ dữ trong người. Tôi nhẹ bẫng một sức sống thành thấn. Cô gái quay về chỗ ngồi, bóc mè xửng cho tôi ăn. Tôi hỏi thêm dăm câu nữa về công việc của một tay súng du kích ở làng. Cô gái ngửa cổ uống nước trong bi đông rồi hỏi nhỏ “Mấy giờ rồi hè?”. Rồi chính cô tự báo lấy “Xê rồi”. Cô gái khẩn khoản: “Cho cháu nghỉ một xí. Chiều sẽ kể đủ chuyện chú nghe”. Tựa vào vách hầm. Duỗi chân qua tôi. Cô gái ngủ.

Trong im lặng, cái nóng trọn mùi mồ hôi tìm lối thoát ra không được lại trở vào hơi thở. Trên mặt đất là gì tôi không biết nữa. Trên ấy như cũng lặng im rồi. Nhịp thở của tôi chìm lặn xuống để đẩy nhịp sống trong hơi thở của cô bềnh bồng dâng lên. Cô gái ngủ. Dễ như cả một ngày, một tháng, một năm trong thời đánh Mỹ, cô gái chưa có giấc ngon ấy bao giờ. Ý nghĩ thương mên tràn ngập trong tôi. Tôi đã cúi xuống cho cô gái một nụ hôn êm đềm lên ngực. Như câu ru: “Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận…” thì phía lỗ thông hơi có tiếng người. Trận càn rút tạt về bên kia động cát. Anh em du kích đón gấp tôi lên. Chưa kịp một câu chào. Giao liên dẫn tôi đi gấp về huyện đội. Từ đó tôi được dẫn đường lên “xanh”.

Mấy chục năm sau, tôi trở lại Đông Hà. Đêm nào cũng mơ màng như ai đó gọi tên mình. Không phải tiếng một người mà như dàn hợp xướng một thời vọng lại. Tôi đi tìm. Trong từng bước kiếm tìm, tôi hối hận. Chắp nối mãi lời thăm hỏi. Cuối cùng, cũng có người mách để tìm ra. Một dòng tên lặng lẽ trên bia. Một tấm bia ở hàng cuối cùng trong nghĩa trang huyện. Tôi gặp lại chân dung. Khong dám nghĩ là để viết câu hò khoan, câu mái đẩy. Tôi soi vào chân dung gặp lại để sống tiếp phần còn lại của đời mình.

Tôi đem lên rừng nhiều chân dung Quảng Trị. In vào trang thơ của tờ báo Quân Giải phóng Trị Thiên. Gửi vào giọng ngâm của Lê Lư. Chép tặng vào sổ tay chiến sĩ. Và nhiều nhất là biến thể vào các làn điệu dân ca rồi nhờ Thu Sen, Khánh Thiện hát tặng vào các chương trình biểu diễn dưới rừng già.

Chuyến sang Mỹ Năm 1998, ở một trường đại học thuộc bang Montana, sinh viên Mỹ hỏi tôi. Ông ra mặt trận với tư cách là một thi sĩ. Người ta “diễn” thơ ông thế nào?

Tôi kể:

- Năm 1968, sau trận Khe Sanh, đại quân ở mặt trận ấy chi viện sớm chơ mặt trận Trị - Thiên một trung tâm đoàn tinh nhuệ. Trung đoàn trưởng là ông Lê Khán và Chính ủy của họ là ông Lê Khả Phiêu. Trung đoàn này ở đội hình đánh vào Huế. Ba ngày trước giờ nổ súng, có lệnh từ Hà Nội vào. Cắt một tiểu đoàn lật cánh ra Quảng Trị, thọc sâu vào vùng cát Hải Lăng. Chính ủy Quân khu gọi tôi “Nhiệm vụ gấp. Gắng hoàn thành. Có cái gì đó về Quảng Trị, hát cho anh em nghe. Xong nhiệm vụ, văn công đi gấp vào điểm A của Quân khu. Rồi xuống Huế”

Văn công đi hết một ngày trong mừa. Tiểu đoàn X rất mừng được đón văn công nhưng việc “lật cánh” ra Quảng Trị quá gấp. Không còn trông được một giờ để ngồi xem hát. Ai đó nảy ra một sáng kiến: “Mai, tiểu đoàn và văn công cùng hành quân. Về qua địa điểm có hội trường Quân khu đã bỏ tróng, Tiểu đoàn nhường văn công đi trước hai giờ. Chiều mai, gặp nhau. Lại được xem ở hội trường. Có sân khấu. Vui với nhau hết cỡ rồi chia tay. Tiểu đoàn đi đêm. Chắc chắn về kịp địa điểm tập kết ở bìa rừng Quảng Trị.

Chương trình biểu diễn chuẩn bị cho tết Mậu Thân khá hay. Nhưng là hay cho Huế. Tôi nuốn có một ấn tượng thật bất ngờ. Phải hát tặng tiểu đoàn X một “chân dung” Quảng Trị. Nơi họ sẽ đến chặn quân Mỹ nếu chúng phản kích ở cảng biển đầu cầu này. Lính của tiểu đoàn này là con dân vùng châu thổ sông Hồng, sông Đáy. Đã kịp biết gì sâu sắc về Quảng Trị, Thừa Thiên. Tôi sẽ tặng họ một chân dung Quảng Trị qua làn điệu “Hát văn” quê họ. Tốp văn công chúng tôi có nữ diễn viên hát dân ca, cô Khánh Thiện sáng dạ. Chóng thuộc ý, chóng thuộc lời. Tôi bố trí đội hình hành quân. Khánh Thiệm luôn đi sau tôi. “Anh viết được câu nào là em nhẩm thuộc rồi xếp vào làn điệu”. Đến địa điểm có hội trường cũ của Quân khu, vừa ăn cơm nằm vừa dàn dựng, ráp nhạc.

Tiểu đoàn X nghe tiết mục hát văn “Lá thư Mỹ Thủy” của tôi. Tôi đứng sau Khánh Thiện để nhắc lời khi cần. Tay cầm một bản chép lời thơ. Là “lá thư” nên tôi nhờ tiểu đoàn X cầm về Mỹ Thủy. Màn hát ấy phải diễn lại đến ba lần. Tôi nhìn xuống phía Tiểu đoàn ngồi xem. Nghe dào lên từng dợn sống. Như lúa mẩy vàng dọc bờ sông Luộc. sông Trà…

Tôi không kịp giữ lại bản thảo. Hết chiến tranh, Khánh Tiệm mang bài thơ về quê chồng trong Bình Định. Bài thơ không một lần được in. Người còn sông, hết chiến tranh, mang về Bắc. Người ngã xuống đất Quảng Trị, túi áo ngực mang theo vào cõi vô cùng. Những bạn đọc ấy là người muôn năm cũ của thơ tôi. Số đông của tiểu đoàn ở lại đất Hải Lăng. Chuyến nào về Quảng Trị suốt mười năm gần nhất, tôi cũng vào nghĩa trang gặp lại. Phía dương gian, ai xấu mình xa, ai tốt mình gần. Gần hết một tiểu đoàn tôi yêu mến nằm lại dọc mùa cát trắng, tôi đã tìm gặp đủ.

* * *

Suốt đời người, tôi đi tìm tôi. Ở đâu đó, gặp đúng mình rồi những bởi còn canh cánh nỗi buồn phiền mà hóa thành xa lạ. Ở Quảng Trị, từ một ga Sa Lung xa hút về phía lò vôi cũ đến một xóm cá ngoài Thâm Khê tôi muốn náu nép vào lặng im thì đất đai, cây lá, hồn thiêng của một thời vẫn thức dậy mà nhắc nhở. Có ai dạy bảo tôi rằng “Người có đúng có sai, đất chẳng bao giờ bạc nghĩa”. Quảng Trị có bảy mươi hai nghĩa trang liệt sĩ. Quy mô lịch sử cấp quốc gia thì có một. Cấp chiến dịch có vài ba, dăm bảy. Đến cấp tỉnh huyện, xã là con số tổng thành không bến bờ. Tôi ra Cồn cỏ ngày đầu thế kỷ XXI này, người sống gồm các sắc lính có đến một trăm. Người đã chết vì đảo cỏ cũng đến một trăm dòng tên khắc lên mặt đá. Người muôn năm cũ nghiêm khắc nhìn tôi.

Một lần, tôi về làng Cương Gián ngoài Cửa Tùng xa để tìm vướng mộ nhà thơ Dương Tương. Bác Bạo họ Dương. Bác là thân nhân của ông Tường đón tôi như một người tri kỷ.

- Chú quê ở huyện mô hè?

- Dạ không. Con là người Hà Tĩnh nhưng có mặt ở Quảng Trị thời ông Tường còn sống.

- Quý hóa vậy.

May là tôi được giới thiệu trước. Bác Dương Đức Bạo là chiến sĩ cách mạng lão thành. Bám trụ vào cát bỏng quê hương mà đánh giặc cho đến ngày giải phóng. Không có biểu hiện, chứng chỉ gì theo trên trán, trên ngực để danh tánh được phơi bày. Phải đến tận nơi mà nghe rõ.

- Miềng cũ như cát sau động chú ơi. Cả dòng tộc Dương Đức chúng tôi từ đâu đó bên kia đèo Ngang trôi dạt về miệt cát này. Đất thần linh, đặt lòng ngưỡng mộ lên cát mà phụng thờ. Là đất tổ thì bấm chí, nung gan mà bảo vệ. Công lao với tổ tiên thì có đáng chi mà kể. Cứ nghĩ ngoài nớ, trong ni để phân biệt thì ai dám hy sinh. Cứ nghĩ đến ngày nay được đãi đằng gì thì ai dám hy sinh. Cứ nghĩ đến bây giờ mình bước vào chợ Kên, chợ Cạn là thiên hạ ráp xuống cúi chào thì ngày đó ai dám liều thân cứu làng, giữ xóm…”

Bác Bạo cho tôi chén rượu quê. “Chú rồi cũng là người cũ. Trước đã dám hy sinh thì chừ đừng có khước từ. Cũ mà tốt là vẫn phải dám hy sinh. Dám sống như người cũ là còn biết hy sinh”.

Trên đường từ quê bác Bạo trở lại Đông Hà, tôi có sự cỗ vũ lớn lao để mở rộng ý tưởng tìm gặp, viết đôi điều về người muôn năm cũ. Đêm ấy, ở nhà cô con gái cưng của bác Bạo, tôi đặt bút viết dòng đầu…

P.N.C

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 95 tháng 08/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground