Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người thắp lửa

Từ “Thư viện” thùng đạn...
Thời chiến, cánh lính tráng chúng tôi ở chiến trường, trang bị gọn nhẹ được chừng nào quý chừng ấy, thường thì chỉ giữ lại những thứ gì tối cần thiết cho chiến đấu và cuộc sống; còn thì chẳng ai dại gì mà mang thêm bất cứ thứ khác ngoài súng, đạn, tăng, võng, cuốc xẻng, bi đông nước... ấy vậy mà có một người luôn kè kè thêm bên mình một vỏ thùng đạn đại liên đựng toàn sách, báo cũ khắp mặt trận B5 của chúng tôi hồi đó đông tới hàng vạn quân, chỉ có một.
Ông là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Vũ. Chẳng biết trong cái thùng đạn đó đựng những sách, báo gì nhưng nghe nói ông quý nó lắm. Liên lạc cho ông Vũ là thằng cháu gọi ông là chú thúc bá, xé trộm một tờ trong cuốn sách nào đó cuốn thuốc hút, bị ông đuổi thẳng cổ xuống đại đội chiến đấu.
Hơn một lần cái thùng đại liên ông Vũ đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Lúc đó tôi làm phóng viên báo Tiền tuyến - tờ báo của mặt trận B5. ông chủ nhiệm báo giao cho tôi tìm văn bản Di chúc của Hồ Chủ tịch để trích đăng báo nhân kỷ niệm 1 năm làm theo Di chúc của Người. Đôn đáo khắp cơ quan mặt trận không tìm đâu thấy, còn một ngày nữa báo lên khuôn, ông chủ nhiệm đập bàn nạt, lo đến phát sốt. Đúng lúc đó Văn Sĩ Tương (một đồng nghiệp ở báo) bảo: “Mày thử mò đến chỗ ông Vũ xem sao. Tháng trước về đó lấy tin, chính mắt tao đã thấy ông ấy lôi cả đống sách ra hong nắng. Đông, tây, kim, cổ đủ cả. “Thép đã tôi thế đấy” nhé “Tam quốc chí” nhé “Truyện Kiều” “Gió lộng” nhé “Nhật ký trong tù” của cụ Hồ nhé “Một người chân chính” nhé lại có cả một cuốn “Lượng giác lớp 9”, rồi “Bút ký triết học” của ông Lê-nin nữa chứ; nhiều sách lắm; còn báo thì chịu, không biết là những bài gì bởi ông cắt rời bài ông thích ở các báo Nhân dân, Quân đội, Tiền phong... Tao dám chắc chín mươi phần trăm bài mày cần, có trong đám sách báo đó”. Tôi chạy tắt đường rừng gần buổi sáng mới tới chỗ đơn vị ông Vũ đóng quân, nói không còn ra tiếng; anh, anh ơi, anh có bản Di chúc của Bác không? Ông cười cười nói, bản Di chúc của ông cụ siêu như rứa mà nhà báo các cậu không lưu được thì đúng là “báo hại”. Có ở trong thùng đại liên đó. Nghe ông nói thế, tôi mừng húm, đút vội cuốn sổ tay ông đưa vào túi áo ngực, cài khuy cẩn thận, tu một hơi cạn bát “Bê năm hai” nước, phóng nước mã hồi một mạch về toà soạn trao tận tay ông chủ nhiệm, lòng nhẹ lâng lâng như trút được gánh nặng cỡ ngàn cân.
Ông Vũ Thuộc, chủ nhiệm báo dở sổ, đọc đến đâu, mắt sáng lên như đèn ô tô tới đó. Cũng phải thôi bởi trong cảnh huống này ai đọc quyển sổ ấy, không có phản ứng gì mới là chuyện lạ. Chữ viết của ông Vũ cứng cỏi, khá đẹp, viết bằng nhiều loại mực, có trang viết bằng bút chì ngoài bản Di chúc của Bác còn có Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Danh sách Ban lễ tang Nhà nước, bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu, một số câu lời dạy của Hồ Chủ tịch, khoảng hai chục bài thơ trích tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác, ông ghi cả nguyên văn chữ hán, dịch nghĩa và dịch thơ. Tài liệu này đối với cánh làm báo chiến trường tụi tôi hồi đó quý lắm. Thấy quý dễ sinh lòng tham. Ông Thuộc định thủ luôn nhưng ông Vũ nghe tin liền tốc lên toà soạn, to tiếng với bọn tôi (nhất là tôi) một trận “tơi bời khói lửa”, rồi giật phắt cuốn sổ từ tay ông Thuộc đùng đùng ra về.
Không chỉ tôi mà các đồng nghiệp Văn Sĩ Tương (đã từ trần), Nguyễn Tử Mạch (liệt sĩ), Trọng Lượng (không rõ địa chỉ), Tô Đức Chiêu (Đại tá nhà văn, chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam) cũng ít nhất một lần phải tra cứu tư liệu trong cái thùng đại liên ông Vũ, phục vụ cho bài viết của mình.
Cảm phục trước tấm lòng người tiểu đoàn trưởng yêu quý sách báo ấy, nhà báo liệt sĩ Nguyễn Tử Mạch viết bài “Thư viện thùng đạn” đăng trên báo Tiền tuyến của chúng tôi số tết Canh Tuất 1970, hôm nay trộm phép vong linh của Mạch, xin được mượn làm cái tít dẫn cho bài báo của mình.
Đến nhà lưu niệm thờ Bác- phòng đọc sách báo cộng đồng.
Trung tuần tháng 4 năm 2010 tôi về thôn Nhan Biều 3 xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong. Người ta giới thiệu ở đó có ông Vũ đại tá cựu chiến binh lập cái thư viện nhỏ, có nhiều sách, báo, phát huy tác dụng tốt lắm. Tôi đến. Một ông già ngoài bát tuần, bước thấp bước cao, kính lão dày như đít chai tiếp. Thoạt đầu tôi không tài nào nhận ra ngồi trước mặt mình là ông Vũ đã quen biết từ bốn mươi năm trước. Cho tới khi ông dịch cặp đối chữ Hán đắp nổi hai bên cửa ra vào nhà lưu niệm thờ Bác thì tôi dần dần nhớ ra. Ông bảo, chọn mãi mới được cặp đối này. “Cổ Nguyệt Chiếu Sơn Hà/ Sĩ Tâm Quang Nhật Nguyệt.(                                                           )
đối ý, đối chữ không có gì đặc biệt, đại để là trăng xưa chiếu trên núi sông, lòng kẻ sĩ sáng như mặt trăng, mặt trời. Nhưng cái hay, cái thâm thuý ở dây là phép chiết tự. Nếu ta ghép hai chữ cổ và nguyệt sẽ thành chữ Hồ; hai chữ sĩ và tâm thành chữ Chí hai chữ nhật và nguyệt thành chữ Minh. Bây giờ cặp đối phải giải nghĩa là: Nhân cách, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh toả sáng khắp non sông, đất nước; đúng như cổ nhân nói ý tại ngôn ngoại là thế. Tôi hỏi, bác học chữ Hán được nhiều không mà rành quá? Ông nói “ngày xưa ông bố là thầy đồ dạy cho cũng được kha khá”. Xin được nói rõ thêm rằng, ý nghĩa cặp đối này ông đã dịch tôi nghe cách đây 4 thập kỷ đúng vào cái đận tôi hớt hải tới gặp ông xin bản di chúc đã kể ở phần trên. Lần đó tôi thấy câu đối này được ông lấy đinh đục khắc chìm trên nắp thùng đạn đại liên đựng sách. Nhờ nhớ lại chi tiết này, tôi quá mừng bởi khẳng định được ông đại tá già và tiểu đoàn trưởng Vũ ngày trước là một. Chao ôi! Thời gian. Khủng khiếp thật! Vị tiểu đoàn trưởng tráng kiện thủơ nào bây giờ già và yếu quá, tám mươi tư tuổi rồi chứ ít ỏi gì, trên người lại lãnh mấy vết đạn, xếp hạng thương tật 2/4 chứ có phải nhẹ nhàng gì đâu. Vậy mà chẳng quản thân già, sức kiệt vẫn hăng say hoạt động xã hội. Thương quá!
Giữa lúc tôi đang vẫn vơ nghĩ ngợi thì một tốp học sinh cấp II líu ríu tới. ông vội đứng dậy dẫn vào bàn thủ thỉ hướng dẫn các cháu đọc báo. Lát sau mộy bác nông dân quần lửng, áo ba lỗ lấm tấm bùn, dựa chiếc cuốc vào tường rào, tới hỏi ông Vũ mượn cuốn sách gì đó. Lại một chị người cũ cũ tới trả sách “Luật hôn nhân và gia đình”. Nơi bàn khách lúc này chỉ còn tôi và mấy người hàng xóm. Tiếp nối mạch chuyện, ông Duận Bí thư chi bộ thôn Nhan Biều 3 và bà Đông em gái ông Vũ kể cho tôi việc làm “nhà lưu niệm thờ Bác”. Xin được chắp nối thông tin hai người vừa kể.
Hơn 40 năm trận mạc, về hưu, ông Vũ cũng chỉ xây nổi căn nhà cấp 4. Đồng lương hưu đại tá so với mặt bằng hưu trí ở địa phương là cao nhưng cũng phải chia năm, xẻ bảy, đâu dễ gì trong một lúc có ngay hàng chục triệu để xây nhà lưu niệm thờ Bác. Thôi thì thượng sách là phải hết sức tiết kiệm, dành dụm từng chục ngàn từ lương hưu hàng tháng và chăn nuôi vịt.
Chưa tính trang thiết bị nội thất, riêng phần xây nhà lúc đầu và sau này mở rộng thêm phần lợp sân, ông Vũ phải chi vào đó khoảng 70 triệu (đơn giá lúc làm, cách đây 5 năm). ở nơi trang trọng nhất ông Vũ đặt tượng Bác Hồ, diện tích còn lại kê tủ, giá sách và bàn ghế.
Làm xông ngôi nhà lưu niệm, ông Vũ như trẻ ra được dăm tuổi. Thì ra ước nguyện nung nấu bấy lâu nay ở người cựu chiến binh già đã thành hiện thực; đó là xây được ngôi nhà nhỏ nhưng phải chắc chắn, vừa làm nơi thờ phụng, tưởng niệm Bác Hồ vừa là nơi nghiên cứu, học tập về tấm gương đạo đức của Người. Ước nguyện đáng yêu ấy đã nở hoa kết trái ngay trong khuôn viên nhà mình, hỏi sao không trẻ ra được?
Hàng tháng, ngày rằm, mồng một; hàng năm, các ngày lễ trọng, ông Vũ không quên thắp hương bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ, cầu nguyện cho linh hồn Người và ông mệ siêu thoát cõi niết bàn.
Có được nơi linh thiêng thờ phụng Bác coi như mới thực hiện được năm mươi phần trăm tâm nguyện. Phải biến nơi đây thành nơi truyền thụ kiến thức, giáo dục thế hệ trẻ mới toại nguyện. Và thế là ông Vũ đặt mua 5 đầu Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Quảng Trị, Tiền Phong, Lao động và gần 400 cuốn sách trong đó có nhiều cuốn viết về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Biết tin này, một số bạn bè, đồng đội và cơ quan, đoàn thể trong huyện gửi biếu ông hơn nửa nghìn cuốn nữa nâng tổng số sách hiện nay đến nghìn quyển.
Như thế là nơi đây ngoài chức năng là ngôi đền thờ Bác, nay kiêm thêm một “thư viện” nhỏ tại một vùng quê xa các trung tâm văn hoá. Ông Vũ bây giờ ngoài chức vụ “Thủ từ” trước đó nay kiêm chức “Thủ thư”. Thành ngữ Việt Nam có câu “Lừ đừ như ông từ vào đền” nhưng ông Vũ mỗi lần vào đền lại nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Cầm chiếc chổi lông phất nhẹ bụi trên trần nhà, miệng ông huýt sáo rổn rảng những giai điệu của bài ca đi cùng năm tháng. Ông đang vui ra trong lòng và đang khoẻ ra trong xác. Ngày xưa lèo tèo mươi cuốn sách, vài chục mẩu báo đã phục vụ được ối bạn đọc, giờ đây cả ngàn cuốn sách, tha hồ phục vụ cộng đồng. Sướng quá! Ông nâng niu, trân trọng từng tờ báo, trang sách. Ông sắp xếp, phân loại từng quyển sách hệt như một nhân viên thư viện cần mẫn. Rồi ông đọc, nghiền ngẫm từng lời hay ý đẹp, ghi chép tỉ mỉ, hệ thống lại thành 130 bài học về đạo đức Hồ Chí Minh. Vừa rồi ông đã tặng thiếu tướng Lê Mã Lương Giám đốc Bảo tàng quân đội một quyển sổ ghi chép 60 bài. Còn lại 70 bài ông cất kỹ lâu lâu lại mang đi giảng bài về đạo đức Hồ Chí Minh trong đảng bộ xã.
Đang ngồi say chuyện với mấy người trong thôn, chợt thấy một cô gái cao ráo, xinh xắn, xách nải chuối lùn to đùng thập thò trước cổng. Tôi hỏi ai đó? Ông Bí thư chi bộ bảo, cô Thảo giáo viên trường tiểu học của xã mấy bữa trước được ông Vũ hướng dẫn nội dung chuẩn bị bài dự thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đoạt giải nhất cấp xã, giải ba cấp huyện, có lẽ hôm nay tới tạ ơn “thầy” đó. Ông Bình hàng xóm khách tới hỏi ông Vũ mua con ngan đãi bạn góp chuyện; nhờ mượn được cuốn “Kỹ thuật chăn nuôi gà vịt” ở đây mà ông Cận, trúng lứa vịt, thu lời mười mấy triệu, sai con đem biếu ông Vũ một cặp vịt hơn 4 cân, nấu nồi cháo, cả chi bộ ăn không hết.
Chi bộ thôn Nhan Biều 3 đặt “trụ sở” tại nhà ông Vũ bởi nơi đây rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế đầy đủ, bốn năm chiếc quạt điện quay vù vù mùa hè mát, mùa đông ấm nhưng quan trọng hơn, mùa nào cũng nồng ấm tình người, tình đồng chí. Vâng! Nơi đảng viên ngồi họp là nơi không bình thường, khung cảnh trang nghiêm, phảng phất không khí tâm linh nơi bàn thờ Bác toả ra thì những người dự họp đều cảm thầy vinh dự, tự hào hơn, nhận rõ trách nhiệm lãnh đạo nặng nề hơn; do đó mà hăng hái, cầu thị hơn trong việc tự phê bình và phê bình, xây dựng nghị quyết chi bộ. Ông Duận thừa nhận rằng, họp ở đây tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng được nâng lên một bước.
Đất lành chim đậu. Các đoàn thể, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi của thôn, định kỳ hàng tháng cũng tổ chức sinh hoạt tại đây.
Tâm sự người giữ đền và giữ sách:
Sau một loạt “thao tác nghiệp vụ” phục vụ bạn đọc, lúc này vắng khách, ông Vũ mới quay lại bàn nước. Tôi hỏi, bác vũ còn nhớ em không? Ông nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu một lượt, lắc lắc cái cần cổ dài ngoằng nói “Nhớ răng (sao) được. Tra (già) tuổi quá rồi”. Tôi nói, em ở báo tiền tuyến mặt trận B5 ngày xưa đây, chắc bác chưa quên chứ? Ông cười cười, gật gật đầu “nhớ ra được chú rồi”. Thế là hai chúng tôi bù khú đủ thứ chuyện, tất nhiên không thể không nhắc cái chuyện ông “quạt” mấy thằng trong toà soạn một trận toé khói ngày nọ. Ông nói “Chú biết tại răng ngày xưa tôi nóng với các chú không? Đời thuở nhà ai mượn đồ của người ta rồi định ỉm đi luôn là mắc cái tội bất liêm, hiểu chưa? Bác đã dạy rồi, trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thiếu một mùa thì không thành trời. Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một đức thì không thành người. Lời cụ hay như rứa răng không chịu học và làm theo? Chú biết không? Lúc đầu tôi xây cái nhà thờ Bác này có không ít người bàn lùi, họ bảo, ông già rồi, nghỉ ngơi cho khoẻ, sống được ngày nào, con cháu nhờ ngày ấy, ôm rơm làm chi cho nhặm bụng. Là họ thương mình mới khuyên nhủ rứa chứ chẳng có ý xấu chi. Nhưng mình thấy không ổn. Phải làm sao có một chỗ tương đối đàng hoàng trong điều kiện cho phép để thờ phụng Bác. Rứa là sau bốn năm chuẩn bị mọi thứ mới làm xong cái nhà này. Dân quanh đây người thì gọi là “nhà thờ” hoặc “đền thờ” người thì gọi là “nhà sách” hay “phòng đọc”, gọi răng cũng trúng nhưng tôi, tôi đặt tên “nhà lưu niệm thờ Bác” tức là một trong những nơi truyền thụ, phổ biến, giới thiệu rộng rãi tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Còn chuyện học tập và làm theo thì sao? Đạo đức Hồ Chí Minh là cực kỳ vĩ đại, học suốt đời không ngạ. Ngay như việc mỗi người phải không ngừng rèn luyện, học tập; mà học ở đâu, học ở trường lớp, ở trường đời, học ở sách báo, học ở thầy, ở bạn, ở dân... nhằm nâng cao nhận thức tự hoàn thiện mình thì lớp con cháu chúng ta bữa nay có lắp máy nổ sau lưng may ra mới chạy theo kịp Ông Cụ. Chú có biết không? Hồi hoạt động ở Trung Quốc có lần cụ làm phiên dịch tiếng Nga cho một cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn. Nên nhớ là cụ dịch tiếng Nga ra tiếng Trung và tiếng Trung ra tiếng Nga chứ không phải tiếng Việt đâu nhé. Dịch kiểu nớ khó vô cùng. Mà cái vốn ngoại ngữ biết hàng chục thứ tiếng, chủ yếu là do cụ tự học cả đó. Hèn chi mà lúc sinh thời cụ đã dạy ta “Việc đời là chiếc thang không nấc chót. Việc học là không trang sách cuối cùng”, chí lý thật! Mình rất tâm đắc lời dạy này nên khó mấy cũng gắng lập cái “thư viện” nho nhỏ này, cũng là học và làm theo lời dạy của Bác với mong ước duy nhất ngày càng có nhiều người, nhất là các cháu thanh niên, thiếu niên tới đọc và làm theo sách báo”.
Nửa giờ trước đây bà Đông em gái ông Vũ cho biết, do hoàn cảnh chiến tranh anh trai bà sống độc thân, hàng ngày sau khi thu dọn xong công việc bên nhà chồng, bà phải tranh thủ tới giúp ông Vũ chợ đò, cơm nước... để ông anh dành toàn tâm, toàn sức cho công việc. Nhưng sức lực của ông đâu còn nhiều, liệu ông còn phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội được bao lâu nữa? Và nói dại, chẳng may ông qua đời thì có ai ghé vai gánh vác việc ông đang làm? Mang điều băn khoăn này tôi đặt một câu hỏi thẳng tưng mà không ngại người nghe mếch lòng; rằng, bác Vũ ơi, sau này nếu mệnh trời gọi bác “đi” thì cơ ngơi đền đài, sách vở này bàn giao cho ai? Ông Vũ cười khà khà rồi buông một câu xanh rờn “Đi” thì bàn giao cho chi uỷ, lo chi”.
Xin cho người viết bài này được miễn lời bình.
Vĩ thanh
Đã định dừng bài viết ở đây sau khi “chốt” được chi tiết quan trọng làm cái kết; đó là để kịp thời động viên, biểu dương và ghi nhận người đảng viên cựu chiến binh có những cống hiến tuyệt vời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên trong sơ kết đợt 1 cuộc vận động lớn đó Tỉnh uỷ Quảng Trị đã tặng ông vũ bằng khen, được ông treo trang trọng ở một vị trí khiêm tốn trong nhà thờ Bác. ý định thì thế nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, là tại vì có cái gì đó cứ thôi thúc mình hoài phải viết thêm khúc nữa nếu không sẽ thiếu; mà viết rất có thể sa vào lan man, dài dòng, xin bạn đọc lượng thứ.
Chuyện là thế này. Trước đây thôn Nhan Biều 3 không có học sinh nào thi đỗ đại học. Nhưng từ khi ông Vũ xây xong nhà lưu niệm thờ Bác (9/2006) chỉ trong mấy mùa thi có 11 em đậu vào các trường đại học và cao đẳng trong nước. Quả là chuyện hy hữu ở một làng quê nghèo. Dân làng bảo “Có thờ có thiêng”, nhờ Bác phù hộ cả đó. Không có cái nhà thờ của ông Vũ thì sức mấy. ấy là chuyện tâm linh của bà con thật là đáng yêu nhưng thực hư ra sao thì không ai lý giải được. Nhưng chuyện này thì có thể lý giải được; rằng cả 11 em đỗ đại học đó hết thảy đều là bạn đọc “ruột” của ông Vũ, được ông ưu ái, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình; các em dành nhiều thời gian đọc có phương pháp, ghi chép cẩn thận nên chắc chắn lượng kiến thức thu nạp được qua sách báo tương đối nhiều. Để có sách có lần chính ông Vũ phải đạp xe mười mấy cây số đến thư viện huyện mượn cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” của cố Tổng bí thư Lê Duẩn photocopy lại đem về cho số độc giả “ruột” đọc thoải mái. Kiến thức thu nạp được tại đây cộng với kiến thức tích luỹ trong 12 năm ở nhà trường là hành trang đáng tin cậy để các em làm được bài thi. Và mỗi lần có ai đó trong thôn nhập trường hoặc nhập ngũ đều được ông Vũ mời tới liên hoan kẹo bánh, động viên dặn dò đôi ba điều cần thiết, tặng các em món quà mọn, một trăm ngàn gọi là chút tiền uống nước. Còn các em là thêm một dịp được thắp nén hương dâng lên Bác cầu nguyện cho Người và thầm hứa với Người suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từ đây họ đã đủ lông đủ cánh bay đi bốn phương trời. Chẳng biết mai đây trong số họ ai còn có dịp quay lại cái làng quê nhỏ bé có cái nhà lưu niệm thờ Bác - cái “thư viện” nhỏ khiêm nhường của ông vũ nữa không. Và mai kia trong những năm tháng tít tắp cuộc đời trước mặt họ sẽ bay nhảy khắp mọi miền, sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều ngôi đền thờ Bác tráng lệ, đọc sách báo tại nhiều thư viện sang trọng nhưng có lẽ không ai quên được đốm lửa trí tuệ đầu tiên được ông Vũ thắp lên từ nơi này.
T.B
Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 190 tháng 07/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground