- Lần đầu tôi đến Lao Bảo là năm 1938. Tháng sáu. Tôi có người anh làm ở Bưu điện Xa-văn-na-khét. Tôi lên thăm anh tôi.
Nhà thơ Tố Hữu bắt đầu như thế sau khi nghe tôi trình bày mục đích yêu cầu, bảo tôi ngồi đợi một lát để lục tìm trên các giá sách, trong mấy chiếc tủ chắc cũng đựng đầy sách nhặt ra các thứ cần đáp ứng nguyện vọng của tôi. Trông chừng nhà thơ còn yếu mệt lắm. Trước lúc đến đây tôi nghe nói nhà thơ vừa bị ốm, chưa được khỏe. Sáng nay nhà thơ vẫn tiếp tôi bởi từ chiều qua bác Đặng Thí đã gọi điện nói chuyện với nhà thơ, và ý hẳn nhà thơ cũng sẵn sàng đồng tình, ủng hộ một việc làm có ý nghĩa mà Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị cho phép, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, lại cùng đứng ra với Ban liên lạc tù chính trị yêu nước Quảng Trị thực hiện là biên soạn một cuốn sách về hai nhà lao Quảng Trị, Lao Bảo, về những chiến sĩ yêu nước cách mạng ở hai nhà lao ấy và trong các nhà lao đầy tội ác của thực dân, đế quốc ở các nơi khắp trên nước ta nữa.
Phòng khách của nhà thơ cao rộng, thoáng đãng, chẳng có gì bày biện kiểu cách. Trên cao treo mấy bức tranh, giữa căn phòng là bộ xa-lông lót đệm da. Khay ấm chén uống trà giản dị đặt trên bàn. Bộ thường phục màu xanh nhạt, đôi dép nhựa đi trong nhà, với bàn tay chào đón niềm nở, nụ cười hiền hậu bao dung và những lời hỏi han nhỏ nhẹ, chậm rãi, chân tình của nhà thơ gợi cho tôi cảm giác rất thực ngay từ phút đầu những tình cảm gần gũi, ấm áp, khính trọng thân thương về một người thầy giáo, người bác, người chú, người cán bộ lãnh đạo hàng ngày mình vẫn thường tiếp xúc. Nhất là khi tôi tò mò nhìn dáng lum khum nhà thơ chăm chú lục lạo trong các ngăn tủ rồi cầm các thứ đi trở ra phòng khách thì ấn tượng về một bậc tận tâm, một bầu nhạy cảm, một tấm thịnh tình, một tầm nhân ái lớn lao trở nên cụ thể sâu xa mà lâu nay tôi vẫn tường có trong ý niệm về một nhà thơ cách mạng lớn Tố Hữu.
Cấm trong tay một tập thơ dày, bìa cứng, lật mở những trang có đánh dấu, đang bắt đầu nói về mình, nhà thơ đột ngột dừng lại ngó sang tôi hỏi:
- Mát ghi âm anh đâu? Tôi lúng túng ngập ngừng cười thưa:
- Thưa bác… thưa bác… ừ… à…
- Nhà văn nhà báo mình còn nghèo quá nhỉ! Thôi được, tôi chuyện tiếp. Và Tố Hữu thong thả tiếp tục câu chuyện với lời lẽ khá khúc chiết ý chừng để giúp đỡ cho ngòi bút ghi chép của tôi:
- Xe chạy đường Chín qua Khe Sanh, Lao Bảo uốn lượn ngoắt ngoéo trên các sườn đèo. Ngó xuống thăm thẳm suối khe, trông lên, màu tro trời xám xịt. Núi rừng thâm u xa lạ, cộng thêm một ý tưởng rùng rợn về một nhà lao biệt đày những chính trị phạm gợi ra miền ma thiêng nước độc, tự nhiên từ đâu đó trong tôi bật lên cái câu nhiều màu cảm thán hơn là nhận xét miêu tả: “Là Lao Bảo chốn này đây Lao Bảo”. Thế rồi quay viết ngược trở lại: Đèo cao vút vươn mình trong lau xám. Đá uy nghi trầm mặc dưới trời cao… cứ thế chắp dần mà thành bài thơ đầu tiên tôi viết về Lao Bảo.
Thật không nhờ mình lại có số gắn bó ngộ kỳ với Lao Bảo. Hoạt động cách mạng rồi bị bắt tống vào nhà lao Thừa Phủ. Tháng bảy năm một ngàn chín trăm bốn mươi tham gia đấu tranh với anh Lê Chưởng rất hăng. Tháng Mười bị nó lôi ót đi biệt đày Lao Bảo. Ngồi trong lao nghĩ đến bối cảnh tự do về hai năm trước, thấy sự đời có cái lắt léo ngồ ngộ, mới viết bài “Năm xưa”: Năm xưa tôi đến chốn này… Anh có thuộc bài này của tôi không? Và chẳng có để ý xem tôi có gật hay lắc, Tố Hữu ngó vào sách mà run rẩy, ngâm nga… Hồm xúc cảm của tôi cũng bị kéo chạy theo về một thời dĩ vãng đã xa lắc. Rồi nhà thơ ngẩng lên kể tiếp:
- Đó là bài thứ hai tôi viết về Lao Bảo. Vào tháng mười một nằm trong hầm giam lạnh quá “Mền không mà chiếu cũng không” tôi viết “Đông” “Đêm nay gió rét đông về. Mùa thu chừng đã tái tê đất trời…” Chưa có một nhà tù nào tôi viết được nhiều thơ như ở Lao Bảo. Bảy bài.
Một buổi chiều nó cho ra sân đổi gió ít phút. Gặp Châu Ro, mình cứ ngỡ Châu Ro là tên người thượng già, hóa không phải. Nó là tên của một dân tộc Châu Ro. Chuyện trò rồi nảy nguồn thương cảm, viết bài “Châu Ro”. Nhà thơ để lặng một lát, tay lật lui lật tới mấy trang sách như để dò tìm. Nghe giọng Huế kể chuyện vừa dí dỏm vừa thân mật đậm đà, thấy cử chỉ nhiệt thành, chu đáo của nhà thơ, tôi hết dần sự ý tứ dè dặt ban đầu. Cảm thấy thoải mái tự nhiên, tôi bật hào hứng đọc luôn một đoạn dài trong bài “Châu Ro”. Nhà thơ ngẩng nhìn, ra chiều xúc động lắng nghe, rồi bảo: “Anh đọc có hồn đấy”. Và tiếp tục kể:
- Châu Ro có một người con gái khá xinh. Người dân tộc mà da lại bạch tạng. Cả hai cha con cùng hoạt động Cách mạng. Cô con gái bị bắt giam ở Huế. Về sau không hiểu sống chết ra sao. Bài thơ thứ tư ra đời là như thế. Ba bài khác: “Đôi bạn”, “Trăng trối”, “Con cá chột nưa” tôi làm khi cùng anh em tuyệt thực đấu tranh. Anh muốn biết hơn về “Con cá chột nưa” thì hẵng tạm dừng chuyện thơ, kể qua chuyện nhà đày Lao Bảo đã.
Nhà lao Lao Bảo có hai cái chính. Một giam tù thường, một giam tù chính trị. Mỗi nhà có hai lao. Lao hầm xây chìm sâu độ hai mét xuống lòng đất. Lao nổi xây chồng lên. Tù chính trị nhốt cả lao hầm. Biệt giam thì xách lên lao nổi; bởi lao nổi như kiểu chuồng cọp. Nó là một dãi ca-sô, ô nhỏ, thấp lè tè, kín mít, chỉ chừa một cửa lỗ bé tí có chắn song sắt, lưới sắt cho chút ánh sáng lờ mờ và không khí lọt vào. Không đứng lên được, chỉ nằm và ngồi lom khom. Mùa nóng, cực nóng. Mùa lạnh, nền xi măng lạnh buốt xương. Còn bị cùm chân nữa. Tiểu, đại tiện tại chỗ. Kiếm một ống bương, tương tất vào đấy, đi làm cỏ vê đổ luôn. Thối om. Tôi viết Đôi bạn, Trăng trối, Con cá chột nưa trong ca-sô như thế đấy.
Nói lang bang qua chuyện sinh hoạt nhà đày tí. Bình thường, tù chính trị nhốt cả tập thể dưới hầm. Năm giờ sáng nó lùa dậy cho ăn bát cháo gạo chiêm đá, loại gạo rất cứng, khi nấu phải cho cục phèn chua vào để mau mềm. Ăn xong, lùa đi làm cỏ vê. Trọng án thì chân đeo xiềng, làm các việc nặng nhọc, hôi hám bẩn thỉu trong khu vực nhà giam. Còn lại lên rừng chặt củi, bới, trồng sắn, chặt tre a-lay… (loại tre thân đặc, rất cứng, sử dụng được rất nhiều việc). Đi làm vỏ vê thì việc chặt tre a-lay là nặng nề, khốn khổ nhất. Phải đi xa ba bốn cây số. Sên, vắt, nhất là muỗi độc… Phải chặt theo định mức. Bó mà vác. Được cái có chỗ gần sông, hợp nhau, buộc tre thành từng mảng, cởi truồng, lội xuống sông mà kéo. Mùa hè thì mát mẻ “vui vẻ” không nói; mùa đông rét như cắt ruột cũng phải ngâm nước mà lôi tre về, - Chợt ngừng, ngó mông lung như để hồi tưởng, rồi nhà thơ chợt cười – Hề hề, cũng vui, thấy mình làm uể oải, bọn cai tù biết tù thèm thuốc lá mới treo giải thưởng ai có năng suất, cho điếu thuốc. Trần Công Khanh người Vĩnh Linh, lão to khỏe lắm; làm như trâu. Cuối ngày, Khanh năng suất cao được thưởng điếu thuốc. Hôm sau, anh ta lại hăng lên. Có ngày được những hai ba điếu liền. Anh em phải đe, lão mới thôi. Bởi như thế cai ngục sẽ căn cứ vào mức tối đa để định mức cho từng người thì chỉ có chết. Chả ai theo kịp Trần Công Khanh.
Khoái nhất là đi làm rẫy. Thằng chủ ngục có con vợ Lào rất đẹp. Đi làm rẫy cho vợ chồng nó. Nó xây nhà gác ở ngay cổng ra vào. Anh đã lên chỗ nhà đày Lao Bảo bao giờ chưa? Có còn gốc tích gì không? – Nhà thơ đột ngột dừng kể, quay sang hỏi tôi – Hình như trong thời chống Mỹ nó mới nện bom làm sập đổ hết đấy. Sau Cách mạng tháng Tám còn nguyên. Tôi trả lời:
- Thưa, cũng còn một số nền gốc ạ.
- Cho khéo mà nói với địa phương cố mà giữ lại anh ạ. Quý lắm đấy. Di tích lịch sử một đời. Nó đã được xếp hạng rồi thì phải.
- Dạ thưa, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị, nhất là địa phương Hướng Hóa đã có nhiều biện pháp bảo tồn di tích được xếp hạng này đấy ạ. Nhưng tu chỉnh, khôi phục như ý thì còn phải đòi hỏi đi tới một bước dài hơn… không nói gì thêm, Tố Hữu tiếp tục quay lại chuyện “khoái” đi làm rẫy:
- Đi làm rẫy bởi có ăn. Nó bắt mình hái đu đủ chín mang về. Vườn đu đủ to rộng lắm. Mình hái, quả nào chín, to, ngon, chia nhau chén trước. Nhổ sắn cho nó thì vừa nhổ vừa nướng. Tha hồ xơi sắn nướng. Mà này, hóa ra cái anh chàng sắn nướng, tham ăn quá cũng rất khó tiêu. Hàng ngày, vợ chồng tên chủ ngục cứ đứng trên ban công giám sát. Bọn lính coi tù dùng đùi cui gõ lên đầu mà đếm từng người: một, hai, ba… Đi đếm, về đếm, về, nó bắt lột truồng hết để kiểm tra xem có thu dấu gì ở ngoài đưa vào không. Mình thì hổ ngươi, con vợ Lào thằng chủ ngục cứ đứng chằng chằng đôi mắt cứ ngó xuống.
Trong lao hầm, chủ yếu người miền Trung. Anh Nguyễn Chí Thanh, anh Hoàng Anh, và tôi nữa luôn bị chúng liệt vào loại cầm đầu. Khi có chuyện cứ bị núm chỏm lôi đi trước nhất.
Ta sang chuyện “Con cá chột nưa” nhé. Nó bắt đầu từ cái chết của Lê Thế Tiết. Lê Thế Tiết thật tuyệt. Nhà chuyên làm nước mắm ở đâu chỗ anh Lê Duẩn. Ông ta hay. Vào tù, suốt ngày chỉ ngồi khoanh tròn thở. Tập dưỡng sinh. Rồi ngồi thiền. Chẳng thấy ăn uống gì mấy mà người cứ béo. Ít nói. Mà đã nói là làm. Chắc như đinh đóng cột. Thằng giặc chẳng làm nhúc nhích nổi ông được một cái gì. Người rất bình tĩnh. Muốn đánh, muốn đá, muốn làm gì mặc xác. Bụng ông cứ rốn ông. Lì đòn dễ sợ. Tự chủ dễ sợ. Anh em kính trọng và rất thương ông. Ông có con gái là Lê Thị Diệu Muội làm liên lạc cho Đảng ở bên ngoài. Một hôm Muội gửi thư vào cho cha. Thằng giặc bắt được. Trong thư có mấy tiếng lóng. Nó gọi Lê Thế Tiết lên tra vấn. Năm lần bảy lượt mà không làm gì được ông. Bữa đó, không hiểu sao, hai bên dùng miệng đấu đá nhau, thằng chúa ngục thua lý chịu không nổi, điên tiết, nó mới giáng ông một tát như trời đánh. Chắc là bị bất ngờ, ông thất thế lộn nhào, đầu, gáy va vào chỗ hiểm. Thế là Đảng mất thêm một chiến sĩ kiên trung. Chuyện đấu tranh trong lao hầm vốn luôn âm ỉ. Nay đã có ngòi lửa châm rồi.
Bắt đầu là la hét phản đối. Khẩu hiệu:
- Đả đảo tra tấn, giết người!
- Đòi cải thiện đời sống: có ăn, có uống, có chăn mền…
- Đòi ra khỏi lao hầm, được ở trên mặt đất. Được nhận thư từ, quà cáp của gia đình.
- Đổi ngay tên đồn trưởng đi nơi khác… có mấy khẩu hiệu nữa nhưng tôi chỉ nhớ cái chính. Ở trong lao Huế hò reo được, vì bốn chung quanh có đồng bào đi lại nghe thấy. Ở đây, thâm sơn cùng cốc, la chỉ để mà la, ai nghe? Chặp, thấy mệt sức mà chả thu được gì mới bảo nhau đổi cách tuyệt thực. Tuyệt thực nó cũng không sợ. Tuyên bố tuyệt ẩm luôn. Thoạt nó đánh dữ. Khi thấy mình có cả tuyệt ẩm, nó cũng rung rinh. Nhưng vẫn đánh. Về sau, nó thôi đánh vì thấy mình oẹp cả rồi. Sau bốn, năm ngày, nó lôi những người cầm đầu lên ca-sô biệt giam. Có cả tôi. Chính trong hoàn cảnh ấy, tôi làm luôn ba bài thơ. – Tố Hữu chợt khẽ giọng, trầm ấm như nói cho riêng mình – Làm là cốt để tự nói với bản thân. Có truyền thì cũng truyền qua các ca-sô lân cận để cổ vũ, động viên nhau. Bởi, ở ca-sô nào nó cũng dở trò “Con cá chột nưa” để dụ dỗ, mồi chài như thế cả. Không ngờ các bài thơ ấy về sau được nhiều người mến đọc. “Con cá chột nưa” còn được đưa vào chương trình học văn cấp ba nữa. Mà nhớ rằng lúc bấy giờ tôi mới có hai mươi tuổi… Này, - Nhà thơ lại trở về với giọng thân mật, sôi nổi – anh biết không, lần đầu mình mới biết thế nào là đói. Ngày đầu chưa sao. Ngày thứ hai chộn rộn lắm. Ngày thứ ba như lửa đốt; Sang ngày thứ tư thấy như không thể chịu nổi nữa, không khéo thua nó mất thôi. Mình chủ động là thế đấy. Mới biết, dân phải chịu cảnh đói thì quằn quại đến thế nào. Từ cảnh ngộ ấy suy ra, càng nghĩ càng mới biết thương dân.
Nói là tuyệt ẩm, nhưng phải bí mật uống nhỏ giọt để lấy sức. Không ăn, có thể được nhưng không uống dễ chết lắm. Sang ngày thứ năm, ngày thứ sáu lại thấy tự nhiên trong người dịu lại. Hình như đã thích nghi hay sao ấy. Ngày thứ bảy trở đi, mất cảm giác hoàn toàn. Cứ dán thân con tép xuống sàn mà nằm thoi thóp. Trong cuộc đấu tranh, có tổ chức cứu tế. Chỉ cứu tế nước. Lấy đâu ra nước? Vận động binh lính thì coi như mình đã thua nó. Chỉ còn khẩu hiệu: không lãng phí nước đái. Nước đái cũng phân phối, cũng ưu tiên. Cho đến lúc chẳng anh em nào rặn nổi một giọt nước đái nào. Có mấy cha giỏi phá cùm. Nhớ là khi đi dội hầm xia, có chỗ còn đọng ít nước. Gỡ chân khỏi cùm, bò đi, dùng chăn thấm nước; bò về vắt vào miệng cho những người yếu mệt nhất. Tôi bé người, cũng được liệt vào loại yếu, cũng được vắt cho mấy giọt ưu tiên.
Thế mà ngắc ngoải sống đến ngày thứ mười bốn. Thấy mình kiên quyết quá, nó sợ mình chết hết thì nguy, nó báo về Quảng Trị thế nào đó, báo cả vào Huế nữa; Rồi kéo nhau lên Lao Bảo cả một đoàn. Nó tuyên bố chấp nhận các yêu cầu đấu tranh. Nó đồng ý thỏa mãn nguyện vọng tù chính trị. Vậy là nó đã thua. Mình đấu tranh cũng chỉ để đi đến thắng lợi như thế. Đồng ý kết cuộc này với nó.
Cuối tháng mười một năm bốn mươi, bù lại chỗ thua, nó đày anh Nguyễn Chí Thanh, anh Hoàng Anh, tôi và một số các đồng chí khác nữa đi Buôn Mê Thuột. Ở Buôn Mê Thuột tôi biết không được nhiều… Nói thế nhưng rồi luôn mạch, Tố Hữu cũng kể cho tôi nghe những diễn tiếp sau đó của nhà thơ cho đến ngày vượt ngục thành công ra đến tận Thanh Hóa.
Khá trưa. Thấy tôi vén tay áo xem đồng hồ, nhà thơ vẫn không tỏ ra mỏi mệt, lại tươi tắn, vui vẻ hơn là khác. Nhà thơ bảo: Có chỗ nào chưa rõ cứ hỏi thêm. Cuối cùng hỏi vui:
- Anh thấy đủ chưa? Tôi thưa lại:
- Dạ thưa, lớp con cháu nghe cha anh mình kêt về lịch sử, quá trình đấu tranh Cách mạng, không biết bao nhiêu cho đủ ạ. Nhà thơ cười hiền lành, lặng lẽ xếp đặt lại sổ sách rồi nói:
- Sang mục ảnh. Đây, soạn cho anh tấm ảnh này. Mà để tôi ký vào một chữ chứ nhỉ. Ký xong vào sau tấm ảnh, trao cho tôi, nhà thơ lấy giấy viết thư của mình ra nói:
- Việc còn lại là viết mấy dòng à? Viết ngắn thôi đấy nhé. Đặt bút xuống trang giấy, nhà thơ ngẫm nghĩ rồi ngẩng lên:
- Tôi viết thế nào cho tiện anh Hữu nhỉ? Tôi đâm lúng túng. Lẽ ra, xin nhà thơ mấy lời cho độc giả cuốn sách đang biên soạn mà tên sách thì chưa đặt xong, tôi đành nói quớ:
- Dạ thưa, có thể bác gửi chung cho các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị được không ạ? Nhà thơ gật gật rồi viết vào đầu bức thư: “Kính gửi các đồng chí và đồng bào Quảng Trị”. Nắn nót, chậm rãi một lát nhà thơ lại ngẩng lên:
- Nên viết việc liên quan đến nhà đày Lao Bảo chứ anh Hữu nhỉ.
- Thưa, như thế quý lắm rồi ạ. Nhà thơ bắt đầu viết một mạch.
Mười hai giờ thiếu mười lăm phút, mọi việc chỉn chu. Tôi đứng lên xin phép tạm biệt nhà thơ lớn Tố Hữu. Đôi bàn tay tôi muốn cầm chặt lấy mãi bàn tay nóng ấm của nhà thơ. Từ thuở bé, khi còn chưa biết cắp sách tới trường, tôi đã học theo các cô, các chú tôi mà thuộc lòng nhiều câu thơ, bài thơ Tố Hữu. Trưởng thành, một đời làm nghề dạy học, dạy thơ Tố Hữu đúng hệt trong sách, mà khi nào cũng cứ tự xét hiểu biết của mình về nhà thơ còn lỏm bỏm quá. Nhưng cho dù hôm nay được ngồi bên nhà thơ, nghe được khá nhiều từ nhà thơ gần trọn buổi sáng thì những hiểu biết của tôi cũng chỉ mới được bổ sung mà có bao giờ thấy đủ được đâu! Một con người đã từng tỏa sáng trong tôi; Những tư tưởng tình cảm lớn toát lên trên những trang thơ, trong cả cuộc đời cách mạng từng hướng dẫn con đường lý tưởng của tôi, trước nay còn là những ý niệm cao đẹp trong tiềm thức, thì giờ đây đã rất cụ thể, ngay cạnh tôi, con người ấy đã nắm lấy tay tôi bình dị, thân ái, gần gũi, cởi mở, chân tình, nồng nhiệt, luôn như là một ngọn lửa sáng ngời, sẵn sàng cùng đàn con cháu mình đi tới…
Cảm ơn Tố Hữu. Cám ơn nhà thơ lớn, luôn luôn là niềm ngưỡng mộ, yêu kính của lòng tôi.
Tháng 10 năm 1996
T.H