Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người về bên chân sóng

T

rước khi về thôn Thái Lai - xã Vĩnh Thái, một làng chài đẹp,  thanh bình trù phú vào hàng bậc nhất vùng biển bãi ngang huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tôi cứ hình dung ra ông Nguyễn Vĩnh Phúc mà mình sắp được gặp là một ông già râu tóc bạc phơ, chân chậm, mắt mờ, nói chuyện được với ông phải nói thật to như gào thi với sóng biển. Nhưng khi được gặp một người đàn ông tầm thước, phong thái khoan hoà, đứng trước ngôi nhà xây khang trang bề thế, nụ cười phóng khoáng đón khách, trong chưa đầy một phút, tôi liên tục đổi cách xưng hô từ ông xuống bác và khi ngồi với ông trong phòng khách, tôi đã tự tin gọi ông Phúc bằng anh, dù tôi biết rằng: ông Nguyễn Vĩnh Phúc năm nay bước sang tuổi sáu mươi sáu và gần tròn bốn mươi năm tuổi Đảng.

 Khi ở nhà, tôi đã hỏi trước anh Trần Hữu Vinh - Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao huyện Vĩnh Linh:

   - Ông Chủ nhiệm Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật huyện Vĩnh Linh của anh có dễ tiếp xúc không?

    Anh Vinh quả quyết:

   - Đó là một người đầy nhiệt huyết, cởi mở, thẳng thắn và chân thành. 

   Anh Vinh còn mở cặp tài liệu cho tôi xem bản báo cáo thành tích mới nhất của đoàn vận động viên Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật huyện Vĩnh Linh năm 2005 do ông Nguyễn Vĩnh Phúc làm chủ nhiệm: Tại hội thi thể thao người khuyết tật toàn tỉnh năm 2005 huyện Vĩnh Linh xếp thứ nhì toàn đoàn với 26 huy chương vàng, 20 huy chương bạc, 24 huy chương đồng...

   Anh Vinh cho biết thêm, năm nay đoàn Vĩnh Linh xếp thứ nhì, còn các năm trước đều xếp thứ nhất. Trong thành tích chung đó, có công sức rất lớn của ông Phúc.

* * *

   Ông Phúc sinh năm Tân Tỵ (1941). Người tuổi Tỵ thường tài hoa. Sự tài hoa của ông Phúc được thể hiện qua cách nói chuyện, qua suy nghĩ, hành động, qua hình dáng con người, qua nét mặt thanh thoát và qua những con chữ mạch lạc đều và đẹp lạ thường ở trong những cuốn sổ công tác đã cũ của một cán bộ gắn bó với phong trào cơ sở suốt ba mươi năm. ở con người ông và có lẽ cũng là nét đặc trưng của người vùng biển, cái gì cũng toát lên sự mộc mạc, chân thật, hồn nhiên như sóng biển, vô tư vỗ vào bờ cát mịn.

   Nhưng cuộc đời ông không êm đềm như những nét hào hoa. Trong tiếng sóng ầm ào và tiếng reo vi vút của hàng dương sau nhà, ông kể:

   " Tôi là lớp thanh niên thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự thứ hai của đất nước. Năm 1960, tôi trúng tuyển vào lực lượng Công an vũ trang (nay là bộ đội Biên phòng) phục vụ tại Khu bộ biên phòng giới tuyến Vĩnh Linh. Ngày ấy, được trúng tuyển vào Công an vũ trang, ngoài sức khoẻ, lý lịch tốt, bản thân phải là đoàn viên xuất sắc ở địa phương... Tôi hội đủ các yếu tố đó. Cũng cần phải nói thêm rằng: tôi thuộc lại điển trai, hoạt bát, dân biển nhưng nước da tôi trắng trẻo hồng hào chứ không đen mặn mòi xứ biển.

   Sau hai năm bảo vệ giới tuyến, năm 1962 theo yêu cầu nhiệm vụ giải phóng miền Nam, tôi được tuyển chọn bổ sung cho lực lượng an ninh giải phóng tỉnh Quảng Trị. Trước lúc đi B dài, tôi cưới vợ. Vợ tôi là một thiếu nữ làng xinh đẹp, quen thân nhau từ thuở nhỏ.

   Kể đến đây ông Phúc ngập ngừng nhìn xuống nhà dưới rồi gọi:

   - Bà Vân ơi, lên đây...

   Một phụ nữ trạc ngoài sáu mươi tuổi, người nhỏ nhắn, vẻ mặt đôn hậu xuất hiện. Giọng ông Phúc vẫn đều đều:

   - Đây là bà vợ thứ hai của tôi, bà vợ trước đẹp hơn bà này...

   Ông Phúc giới thiệu tự nhiên làm tôi giật thót tim. Thế nhưng đáp lại, bà Vân cũng cười thật tự nhiên:

   - Ông ấy toàn nói xấu tôi thôi. Rứa ba mươi mấy năm nay ai nấu cho ông ăn?

   Bà Vân nói giọng Huế, tôi hỏi quê, bà bảo là người xã Quảng Vinh - huyện Quảng Điền, “lên xanh” từ năm Mậu Thân 1968. Hai ông bà gặp nhau ở trại thương binh nặng ngoài Bắc, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng, năm 1976 bà theo ông về nơi miền chân sóng cho đến bây giờ...

   Khi bước vào ngõ nhà ông Phúc, điều đập vào mắt tôi đầu tiên thật ấn tượng, đó là vườn rau lang nhà ông Phúc xanh non lạ thường. Cây cối trong vườn cũng đều tươi tốt, mặc dù nhà ông Phúc cách biển chỉ một bờ đê cát, táp gió biển mặn. Trong ngôi nhà xây kiên cố, đẹp đẽ, mọi thứ đều gọn gàng, ngăn nắp. Điều này mách bảo rằng: Sau lưng người đàn ông trong căn nhà này là bóng dáng của một người phụ nữ đảm đang. Quả đúng thế, được hỏi, bà Vân cho biết: mỗi năm bà cho xuất chuồng 6-7 tạ lợn hơi. Số lượng không nhiều, nhưng đối với một phụ nữ tuổi đã lên bà, mang trong người bệnh tim mãn tính, một bệnh binh nặng thì đó là một thành tích không nhỏ.

   Vẫn giọng đều đều, tự nhiên, ông Phúc kể:

   - Tôi vào chiến trường năm 1962, xuyên suốt từ thời kỳ "chiến tranh đặc biệt" sang thời kỳ "chiến tranh cục bộ"  chớm vào chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" thì bị thương. Bị thương thật bất ngờ. Xông pha trận mạc, luồn lách bám đất giành dân sáu năm ròng không hề hấn gì, cuối cùng lại bị thương vì một loạt đạn pháo từ hạm đội của Mỹ ngoài biển bắn vu vơ vào xóm Búng - xã Hải Lâm (Hải Lăng). Lúc đầu, chỉ bị cụt trên mắt cá chân một chút nhưng do từ chỗ bị thương lên đến hậu cứ trên rừng quá xa, đường núi hiểm trở, thuốc men thiếu, nên khi ra Bắc tôi phải chuyển lên bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị. Vết thương nhẹ qua hàng tháng vận chuyển trên đường đã nặng lên do nhiễm trùng, phải cắt cụt chân trái cao gần đầu gối.

   Vốn là một thanh niên năng động, sôi nổi, ưa tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng khi bị cưa chân ở tuổi hai mươi bảy tôi buồn rũ rượi. Tôi trở nên lầm lỳ ít nói, để tóc dài gần ngang vai trông rất rừng rú, suốt ngày ngồi trong lán thương binh. Ngồi mãi cũng chán, tôi nhờ người đi mượn sách trên thư viện về đọc. Có điều lạ là tôi rất thích đọc tiểu thuyết hiện đại Nga và rất thích các mẫu người như Paven Coocsagin, A.Mê-rét-xép. Đặc biệt là khi đọc đến đoạn phi công Alếchxây Mê-rét-xép bị cụt hai chân vẫn lái máy bay chiến đấu lao vào đội hình máy bay tiêm kích phát xít Đức, dũng cảm tiến công bắn rơi máy bay làm cho bọn chúng tháo chạy toán loạn. Chi tiết ấy đã lay động, thức tỉnh bản chất tích cực trong con người tôi. Tôi nghĩ: Người ta cụt hai chân vẫn anh dũng thế, mình mới chỉ cụt chân trái, lại còn mỏm cụt dài thế này mà bi quan  chán nản là không thể chấp nhận được...

   Vết thương ổn định, tôi được chuyển về trại thương binh nặng ở Ninh Bình. Trại thương binh đóng gần dân; tôi ngắm cái mỏm chân cụt của mình mà nảy ra một ý tưởng. Tôi chống nạng gỗ vào làng xin một ống tre già, một đầu có mắt, một đầu không. Đo vừa chiều cao đốt xương cẳng chân phải, tôi chẻ ống tre ở đầu không có mắt ra những nan nhỏ rồi tỉ mẫn đan thành một cái hình thù như cái rọ. Đầu miệng rọ để đút mỏm cụt chân trái đã được quấn vải làm êm vào, còn đầu mắt ống tre chống xuống đất để...đi. Hiệu quả không ngờ...  Ngày ấy chưa có bài hát "Vết chân tròn ...trên cát" nhưng có lẽ tôi là người đầu tiên nhìn thấy vết chân tròn của mình do một đầu ống tre in trên đường đất của làng quê châu thổ sông Hồng. Vậy là mình vẫn còn đi được mà không cần có nạng. Tôi thêm tự tin, vào làng xin thêm ống tre già và tiếp tục chế tác nhiều ống chân mới, cái sau xinh hơn cái trước. Trên đầu giường tôi luôn có ba khúc chân giả tự chế tạo để dành thay thế các khúc chân bị hỏng. Khi tôi đã đi được thì càng siêng đi, vì vậy "chân tre" càng chóng hỏng. Thấy tôi tự làm " chân ống tre" đi được, các anh em trong trại thương binh có tình trạng thương tật như tôi cũng bắt chước làm theo. Tôi trở thành hướng dẫn viên rất năng nổ. Đi được bằng những chiếc chân tre tự chế; anh em  thương binh cụt một chân trong trại vui nhộn hẳn lên. Ngày ngày, trên đường làng, mọi người được nghe những âm thanh kẽo kẹt là lạ từ những chiếc chân tre ngồ ngộ của cánh thương binh. Tôi nghĩ phải tìm cách giảm cái tiếng cọt kẹt gây sự tò mò không cần thiết đó. Vậy là tôi tìm cao su cắt đệm thử . Tiếng cọt kẹt mất hẳn, ai cũng thích. Đi được rồi nhưng những dấu chân tròn vẫn "tố cáo" mình chỉ có một chân . Hơn nữa đầu chân tròn đi xe đạp rất khó khăn, nó thường trượt khỏi bàn đạp, vậy là tôi liền nghĩ cách làm thêm  bàn chân. Với một khúc gỗ gốc ổi, tôi gọt thành một bàn chân cho vừa một chiếc giày. Bàn chân phải làm bằng gỗ gốc ổi vì khi khô nó vừa bền vừa nhẹ. Bàn chân gỗ lắp vào dưới cẳng chân tre và đươc khéo léo chốt lại chắc chắn. Đi giày vào, ngồi lên xe đạp, không ai biết mình có cái chân bằng tre, gỗ ....

   Đi đứng đàng hoàng rồi, tự dưng thấy yêu đời hơn. Tôi xin Trại thương binh sang Hưng Yên học bổ túc văn hoá cho hết cấp III vì trước khi nhập ngũ tôi mới tốt nghiệp cấp II. Học xong bổ túc văn hoá, tôi hăng hái thi vào đại học nhưng... trượt. Học lên không được thì tôi chuyển hướng học nghề. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động - Thương binh xã hội ) mở lớp dạy nghề may cho thương binh, tôi ghi tên theo học. Vốn sáng ý và khéo tay, tôi học cắt may rất nhanh và đẹp. Hết khoá học, tôi là một trong những học viên có tay nghề giỏi.

   Những sự việc trên đây xảy ra trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1972  Thời gian này khi vết thương chiến tranh đã lên da non thì tôi lại mang thêm một vết thương lòng tê buốt.

   Chiến tranh ác liệt, tôi đi chiến trường xa, vợ tôi ở nhà tham gia du kích tập trung, những cám dỗ đời thường đã làm cho vợ tôi mềm lòng không giữ được lời thề chung thuỷ. Trở về, biết vợ lỡ lầm, là người lính chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, tôi vừa giận, nhưng cũng thật thương cô ấy... tất cả cũng chỉ tại chiến tranh và do hoàn cảnh tạo ra. Tôi thấm thía lời dạy của Lênin mà tôi đọc được trong một cuốn sách khi ở trại thương binh: "Tôi không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ không thắng nổi những phút yếu đuối của lòng mình". Có lẽ vợ tôi đã rơi vào một tình huống khó khăn và đã không thể vượt qua. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi chủ động tìm gặp cô ấy và đề nghị đoàn tụ. Thế nhưng sau một năm tái hợp chúng tôi đành phải chia tay vĩnh viễn. Đó thực sự là một quyết định khó khăn trong cuộc đời tôi. Nhưng sau này ngẫm lại tôi nhận ra: Chiếc gương đã vỡ dẫu hàn vá lại được cũng không thể nói là nguyên lành.

   Rồi tình yêu mới đến với tôi và người đó là vợ tôi bây giờ...

   Năm 1974, chúng tôi làm lễ cưới. Gần một năm sau thằng cu Tuấn kháu khỉnh ra đời làm cho tổ ấm của  chúng tôi càng thêm ấm cúng. Năm 1976, hai vợ chồng tôi đề đạt với Trại thương binh xin được về quê sinh sống.

   Ai cũng băn khoăn, vợ bệnh binh, chồng thương binh nặng, con nhỏ, về vùng bãi ngang sống làm sao nổi. Nhưng tôi tin vào ý chí, sức lực, bản lĩnh của mình và sự đảm đang của vợ. Mùa Xuân năm 1976, gia đình tôi dìu nhau về miền cát.

   Cất một căn nhà tạm, bày cái bàn máy khâu. Ban ngày may quần áo cho khách, ban đêm tôi làm cái nghề mà cha ông muôn thuở ven biển bãi ngang này đã làm để mà tồn tại mà sinh sôi, đó là đơm  mức bắt con ruốc.

Nghề may của tôi tỏ ra đắc dụng vì tôi may đẹp và bền . Có ngày trong căn nhà nhỏ của tôi sắp tới hai mâm cơm cho khách ven biển từ Ngư Thuỷ vào Tân Thuận đến chờ lấy áo quần ăn trưa. Còn nghề đơm mức, yêu cầu phải có sức khoẻ và có kinh nghiệm. Mùa ruốc xuất hiện gần bờ phải thức suốt đêm, đón dòng nước biển , cắm cọc xuống đáy biển sâu ba sãi nước. Không có sức, không thể lặn vo xuống đáy biển để cắm cọc sào cho chắc mà mắc lưới được. Nhiều người trong làng đi biển, làm biển có nghề nhưng khi thấy tôi một chân mà làm đâu ra đấy đều lắc đầu thán phục: “Mình hai chân hai tay mà không địch nổi ông Phúc”.

   Tôi kiên trì nghề đơm mức (dã đơm ruốc) của cha ông và nâng nó lên hàng nghệ thuật đón dòng, cắm trộ. Năm nào tôi cũng thắng to, có đêm bắt được tới bốn đến năm tạ ruốc tươi, giá trị khoảng hai chỉ vàng lúc đó. Tôi làm nghề  cho đến năm nay, theo lời khuyên của con cháu tôi mới nghỉ.

   Có lẽ đất quê hương mát lành, vợ chồng tôi lần lượt cho ra đời thêm bốn đứa con nữa, đứa nào cũng phổng phao đầy đặn. Để nuôi cho đàn con nhỏ ăn học đến nơi, đến chốn, vợ chồng tôi đã vận hành hết khả năng lao động của một thương binh, một bệnh binh nặng với ý chí phi thường trong gần hai mươi năm ròng rã.

   Ông Phúc bùi ngùi nhớ lại một kỷ niệm buồn:

   Cu Tuấn học xong trung học phổ thông, thi đại học năm đầu không đỗ. Thấy bố mẹ vất vả, các em đông, cháu trốn bố mẹ theo bạn bè đi lặn tôm hùm. Lặn bằng máy lặn thô sơ để bắt tôm hùm trong rạn đá ngoài biển là việc làm cực kỳ nguy hiểm. Theo cách nói dân gian đó là nghề " năm ăn, năm thua" . Biết thế nào gia đình cũng cấm nên cháu lén đi và điều rủi ro đã xảy ra: cháu bị tai biến mạch máu não cấp, chữa chạy thuốc thang tơi bời nhưng vẫn bị liệt hai chân.

ở viện về, gia đình khó khăn chồng chất, tôi và cháu lại phải lên thuyền ra khơi. Trên con thuyền nhỏ 4 CV, hai con người chỉ có một chân, cháu ngồi bẻ lái, còn tôi thả lưới buông câu. Để cho an toàn, cả hai cha con đều mang áo phao bất kể nắng mưa phòng bất trắc trên biển. Cuộc vật lộn mưu sinh rất nhọc nhằn và quyết liệt nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về tôi...

   Ông Phúc ngừng kể. Tôi ngước nhìn gian phòng khách trong nhà, trên tường treo đầy bằng khen, nổi bật là các thành tích: Gia đình hiếu học tiêu biểu năm 2004, Gia đình điển hình trong phong trào khuyến học năm 2004, Gia đình điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước năm 2005 do UBND tỉnh Quảng Trị tặng. Ngoài ra còn có năm giấy khen của UBND huyện Vĩnh Linh  tặng về thành tích xây dựng Câu lạc bộ thể thao Người khuyết tật huyện Vĩnh Linh từ năm 2003 dến nay.

   Tôi còn được biết, từ ngày trở về làng, 30 năm qua, ông liên tục tham gia công tác tại địa phương, hết làm Chủ nhiệm HTX sang làm Trưởng làng, hết Trưởng làng thì làm Bí thư chi bộ. Hiện nay, ông là Uỷ viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thể thao Người khuyết tật huyện Vĩnh Linh. Ông Phúc có một phẩm chất hết sức quý báu: đã không làm thì thôi,  được giao làm việc gì ông đều làm rất tốt.

   Ông tâm sự: Được tín nhiệm, được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyết tật huyện, khi ra đường thấy bất cứ người tàn tật nào, nhất là tuổi còn trẻ, ông đều dừng xe lại hỏi thăm và bằng con mắt tinh đời của ông, ông tuyên truyền vận động những người mà ông cho là có khả năng luyện tập thi đấu thể thao, giới thiệu về sinh hoạt trong Câu lạc bộ. Cách tuyển vận động viên độc đáo đó của ông đã tạo cho Câu lạc bộ thể thao khuyết tật Vĩnh Linh luôn có đội ngũ vận động viên hùng hậu, đi thi tỉnh và toàn quốc luôn đạt giải cao. Ông đi khắp huyện, sục sạo khắp các thôn làng để tìm vận động viên trong điều kiện  không phụ cấp, không công tác phí, miễn là mong cho Câu lạc bộ của mình luôn hoạt động sôi nổi.

   Đánh giá về ông Nguyễn Vĩnh Phúc, đảng viên bốn mươi năm tuổi Đảng của Chi bộ Thái Lai, Đảng  bộ xã Vĩnh Thái, từ đảng viên đến người dân đều nói rằng: ông là một đảng viên, một cán bộ cơ sở tuyệt vời. Thôn Thái Lai được như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực của chi bộ, của thôn và toàn thể dân làng, trong đó có phần  đóng góp xứng đáng của  ông Phúc trong suốt ba mươi năm qua.

   Đối với xã hội thì như vậy, còn với gia đình, ông là người chồng, người cha mẫu mực. Ông nói với tôi:

   - Tôi thương bà nhà tôi lắm. Bà bị bệnh tim nặng. Từ ngày theo tôi về biển hình như khí hậu trong lành đã làm bệnh tim của bà đỡ hơn. Yêu tôi mà bà phải chấp nhận lấy chồng xa. Tôi nghĩ: nếu bà là người làng, lỡ tôi to tiếng với bà thì bà chạy qua nhà mẹ đẻ, qua anh em chú bác để giải bày, chia sẻ. Đằng này bà ở đây một thân một mình, nếu tôi to tiếng với bà thì bà biết chia sẻ với ai. Hơn nữa, chính bà đã đến với tôi đúng lúc, băng bó vết thương lòng cho tôi, bà làm việc đó tốt hơn chuyên môn y tá chiến trường của bà rất nhiều. Nghĩ vậy mà thương bà nên tôi không bao giờ làm bà phải buồn.

   Tôi quay sang hỏi bà Vân:

   - Có đúng như ông nói vậy không hay có khách ông lại đề cao mình?

   Bà Vân cất giọng Huế nhỏ nhẹ:

   - Ông đi lo việc làng cả ngày, có gặp được ông đâu mà nghe ông nạt nộ...

   Trừ con trai đầu bị tai nạn bất ngờ, còn lại bốn đứa con của ông bà đều được nuôi dạy chu đáo, đều tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, giờ đã phương trưởng và đều là công chức nhà nước.

   Với tư cách là người lính cùng chung một chiến trường năm xưa, tôi đã đặt cho ông Phúc một câu hỏi thẳng thắn và khó trả lời :

   - Ông thuộc lớp  đảng viên cũ, được kết nạp Đảng ở chiến trường, có nhiều cống hiến, nhưng quen với tư tưởng chỉ huy tập trung bao cấp, liệu bây giờ có "dị ứng” với cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với sự điều hành của lớp cán bộ trẻ không?

   Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của tôi. Ông Phúc kể: Hôm mới rồi, tôi phê bình mấy anh cán bộ thôn, treo lá cờ Tổ Quốc trước cổng trụ sở HTX quá lâu ngày mà không thay để cho nắng, gió làm phai màu. Sau đó các anh đã cho thay ngay một lá cờ mới. Cuộc đời tôi trước sau chi cũng xác định rằng:" Máu đổ bảy mươi lăm năm nay không phải để phai cờ". Tôi biết Đảng ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục tiêu ghi trong cương lĩnh...

* * *

   Tôi thầm nghĩ: chuyến đi về vùng biển Vĩnh Thái lần này, nếu viết được một cái gì đó thì điều trước tiên tôi sẽ cảm ơn anh Trần Hữu Vinh, Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao huyện Vĩnh Linh, người đã cung cấp cho tôi những tư liệu ban đầu về ông Nguyễn Vĩnh Phúc và cảm ơn vợ anh:  nhà báo Phương Mai - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ tỉnh Quảng Trị bất chấp mưa to, gió rét của cử tiết lập đông đã dẫn tôi đến đúng người tôi cần gặp...

   Thế nhưng, khi được gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Vĩnh Phúc, người thương binh nặng với bốn mươi năm tuổi Đảng, cả cuộc đời gắn bó với quê hương nơi miền chân sóng, trong gian khổ khó khăn vẫn luôn lạc quan yêu đời, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, tôi liền đổi ý: Nếu bài ghi chép nhỏ này được đăng báo, trước tiên tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Phúc, những người đã cho tôi thêm một triết lý sống giản dị nhưng sâu sắc thuỷ chung: “Các thế hệ đã đổ máu hy sinh không phải là để phai cờ".

                                                                                       T.P.T

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 135 tháng 12/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground