Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Hoàng - Hoài cảm thuở mang gươm đi mở cõi

 “ …Ai về đất Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

 

 Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương…”

                       (Nhớ Bắc-Huỳnh Văn Nghệ)

 

K

hông phải ngẫu nhiên mà bài thơ “Nhớ Bắc” nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ sau khổ thơ đầu nhắc nhớ đến đất Thăng Long và nòi giống Lạc Hồng thì khổ thơ thứ hai đã nhắc đến Nguyễn Hoàng, vị tiên Chúa có công đầu mở cõi, đưa đất nước tiến về phương Nam cho hậu thế hôm nay có dãi đất hình chữ S hào hùng bên bờ Thái Bình Dương.

Hội thảo khoa học quốc gia về “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn” tại Thanh Hóa nhân 450 năm nhà Nguyễn ( kể từ khi Nguyễn Hoàng vào khởi nghiệp ở Quảng Trị năm 1558) đã được nhiều sử gia trong và ngoài nước đánh giá rất công tâm. Với triều Nguyễn, có thể những nhận định về vị chúa này, ông vua nọ cần phân định công và tội, nhưng  riêng với Nguyễn Hoàng, tất cả đều thống nhất đó là vị chúa đã đóng góp lớn lao cho miền Thuận Quảng buổi đầu, từ nền móng của Nguyễn Hoàng mà con trai ông, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã mở mang các cảng thị như Cửa Việt, Hội An, đưa kinh tế giao thương của Đàng Trong tiến ra biển lớn và ngày nay ta có Hội An-di sản văn hóa thế giới …

Cũng từ Nguyễn Phúc Nguyên, dinh trấn Ai Lao được thành lập để giờ đây chúng ta có một cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đô hội nhộn nhịp.Chưa nói đến cương vực từ Thạch Bi Sơn (Phú Yên) vào tận  miền Chân Lạp-Nam Bộ, những kênh rạch đồng bằng từ Cà Mau lên Hà Tiên đều ghi dấu công lao các chúa Nguyễn, chỉ riêng đất Quảng Trị với 68 năm làm thủ phủ (1558-1626), niềm vinh hạnh được coi là đất đứng chân, đất bàn đạp của Quảng Trị để từ đây lãnh thổ vươn ra rộng dài đã là một tự hào của bất cứ ai. Bởi tất cả đã  khởi đầu từ Ái Tử .

*  *  *

Kể từ Nguyễn Hoàng cất bước ra đi mưu nghiệp lớn, cương vực đất nước rộng mở về phương Nam để rồi cõi trời Nam liền một dãi từ Lạng Sơn đến Cà Mau dưới thời vua Gia Long-Nguyễn Ánh (1802) , cho đến hôm nay, tròn 450 năm, trãi bao nhiêu dâu bể phân tranh, bao thăng trầm lịch sử, trên miền đất Nguyễn Hoàng chọn làm “kinh đô” khởi nghiệp ấy, 450 năm qua, còn lại gì lưu dấu tiền nhân? Còn những gì tưởng niệm tiền nhân?      

Dinh Cát- Ái Tử, dinh Trà Bát, bãi Sa Khư, chùa Liểu Ba, miếu Trảo Trảo,bến Gành…, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Kính Điển, Nguyễn Phúc Nguyên…Những tên đất, tên người buổi đầu mở cõi ấy ,  không gắn với một vùng đất phồn hoa đô hội nào của đất nước này  mà lại chứa chan với vùng quê Quảng Trị tơi bời gió cát.

Công lao của Nguyễn Hoàng giờ đây đã được nhìn nhận, sử cũ đã nhắc nhiều, vì thế chúng tôi không dám nói thêm.Chỉ mong ước tìm về miền thủ phủ xưa để may ra  tìm thấy  những vết tích ghi dấu buổi đầu chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi…

Buổi đầu đất lạ…

Bây giờ khách ngược xuôi trên đường thiên lý Bắc-Nam, qua khỏi thị xã Đông Hà (nếu đi từ Bắc vào) hay vượt qua Thành Cổ Quảng Trị (đi từ Nam ra) sẽ gặp một thị trấn nhỏ nằm khiêm nhường bên sông Thạch Hãn với tấm biển đề: “Thị trấn Ái Tử-huyện Triệu Phong”.

Cách Ái Tử chừng 60 cây số về phía Nam theo quốc lộ 1A  là kinh thành Huế lộng lẫy vàng son, lưu dấu vang bóng Vương triều nhà Nguyễn. Cho dù Kinh đô Huế với đền đài cung điện giờ đã là “di sản văn hóa thế giới”, thì với sử sách, Ái Tử vẫn mãi là kinh đô đầu tiên của cơ nghiệp nhà Nguyễn, mãi mãi giữ niềm  tự hào rằng đất này chính là thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người đã xây thành dựng lũy, mưu đại sự muôn đời. Thời gian gần 70 năm làm thủ phủ chưa phải  là dài nhưng ý nghĩa của miền đất này không đo đếm bằng thời gian mà chính là những gì nó đã mang lại cho nhà Nguyễn trong cái buổi “vạn sự khởi đầu nan”.Bởi vậy mà khi Huế được là “Chính dinh” các chúa Nguyễn vẫn không quên tôn phong cho đất Ái Tử này  là “Cựu dinh”.

Sách xưa có câu “thương hải tang điền”. Ba trăm năm thì biển xanh hóa thành nương dâu, bởi thế mà người đời vẫn gọi thời thế biến dịch thăng trầm là “cuộc bể dâu”.Bốn trăm rưỡi năm là khoảng thời gian gấp một lần rưỡi cái nỗi bể dâu thời cuộc ấy.Bây giờ chúng tôi tìm về Ái Tử, dấu tích của chúa Nguyễn Hoàng không còn nhiều ở đây nhưng vẫn còn đó những thao thức về miền đất “dung thân” của chúa Nguyễn.

Nguyễn Hoàng là con trai thứ của Nguyễn Kim-một công thần có công lớn trung hưng triều Lê.  Bởi người anh trai cả là Nguyễn Uông đã bị anh rể là Trịnh Kiểm mưu hại giết chết.Lo cho tính mạng của mình, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị ruột là Ngọc Bảo- vợ của Trịnh Kiểm lựa lời xin cho mình vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa.Trịnh Kiểm cũng muốn mượn tay quân nhà Mạc giết Nguyễn Hoàng, vả lại đất Thuận Hóa vốn đang là đất dữ , lam sơn chướng khí nên tâu với vua Lê cho Nguyễn Hoàng ra đi. Mang theo câu “sấm” của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” Nguyễn Hoàng lên thuyền về phương Nam với nhiều tráng đinh, nghĩa dõng quê nhà huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) cùng nhiều cư dân miền Thanh Nghệ.

Câu sấm của trạng Trình đã được sử sách nhắc đến nhiều.Nhưng sao cái ngày tháng 10 (âm lịch) của bốn trăm năm mươi năm trước ấy, khi đã vượt qua “Hoành Sơn nhất đái” , Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã không hạ trại ở phía Nam đèo Ngang? Không dừng lại bên sông Gianh? Bên bờ Nhật Lệ? Hay xứ Cửa Tùng phì nhiêu màu mỡ mà lại đi sâu vào miền Ái Tử bốn bề cát trắng chơ vơ?

Đại Việt sử ký toàn thư  (ĐVSKTT) bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) viết về cuộc ra đi này chỉ mấy dòng ngắn ngủi: “ Mậu Ngọ-tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân tĩnh công (tức Nguyễn Kim-nv) là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc phía đông.”

Học giả Phan Khoang trong : “Việt sử xứ Đàng Trong” viết chi tiết hơn: “Đoan Quận công và đoàn tùy tùng từ Cửa Việt lên sông Quảng Trị, đóng dinh tại làng Ái Tử.Năm ấy ông 34 tuổi…Khi Đoan Quận công mới đến Ái Tử,dân sở tại đem dâng 7 vò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ (quan Thái Phó, cậu ruột của Nguyễn Hoàng-nv) nói với Đoan Quận công rằng: “Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”

Tìm dấu dinh xưa…

Dấu vết dinh xưa nay đã tuyệt mù tăm tích.Nhưng cạnh bờ sông , gần sân bay Ái Tử vẫn còn địa điểm một ngôi miếu thờ lưu dấu chiến công của Nguyễn Hoàng trong trận đánh tướng nhà Mạc là Lập Bạo vào năm 1572. Huyền tích kể rằng Lập Bạo vốn là một tướng tài của nhà Mạc, giỏi về thủy chiến, đưa 60 binh thuyền từ Hải Dương vượt biển lên sông Ái Tử đánh cướp .Thế giặc mạnh, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đem quân ra bờ sông chống giữ, đêm ấy nằm mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh hiện ra bảo rằng muốn diệt tướng giặc hãy dùng mỹ kế . Vừa tỉnh giấc thấy một tỳ nữ là Ngô Thị nhan sắc xinh đẹp bước vào.Sực nhớ giấc mộng, Nguyễn Hoàng sai Ngô Thị mang lễ vật đến dâng cho Lập Bạo cầu hòa.Thấy Ngô Thị nhan sắc, Lập Bạo mê thích nhưng giả bộ cả giận nói rằng: “Ngươi đến đây làm mồi nhử ta chăng?” Ngô Thị uyển chuyển ứng đáp, rồi dụ Lập Bạo theo mình đi vào nơi quân của Đoan Quốc công mai phục.Lập Bạo biết bị lừa, nên lao xuống sông.Vốn là tướng giỏi bơi lặn, khó bề bắt được, nhưng Lập Bạo lặn đến đâu thì trên mặt nước có con chim bay tới đó cất tiếng kêu “trảo trảo” như chỉ đường cho quân Nguyễn. Lập Bạo bị bắt, quân nhà Mạc tan tác.Nhớ ơn thần sông giúp đỡ, Nguyễn Hoàng cho lập đền thờ tại bờ sông Ái Tử, phong là “Trảo Trảo Linh Thu phổ trạch tướng hựu phu nhân”, dân trong vùng gọi là miếu Trảo Trảo.Dấu tích miếu này còn trong một tấm hình ở tạp chí B.A.V.H (Đô Thành hiếu cổ).

Những huyền tích trong buổi đầu khởi nghiệp có thể là một cách để gầy dựng  thêm lòng tin trong dân gian, giúp cho việc mưu cầu đại nghiệp.Còn công lao của Tiên chúa Nguyễn Hoàng với đất này sử sách còn chép rõ.Quốc sử quán triều Nguyễn ca ngợi thì đã đành, nhưng sử thần nhà Lê trong ĐVSKTT vẫn không tiếc lời ca ngợi: “ Hoàng (tức chúa Nguyễn-nv) trị nhậm mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa,thường ban ơn huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ,cấm trấp kẻ hung ác,dân hai trấn lại cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng,thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá,quân lệnh nghiêm cấm,mọi người ra sức.Từ đấy người Mạc không dám dòm nom, trong cõi được yên ổn làm ăn..”

Nhiều tư liệu lưu đến bây giờ cho thấy dưới thời Nguyễn Hoàng đóng thủ phủ ở miền Quảng Trị, cảng Cửa Việt đã từng sầm uất đô hội. Ngay từ thời đó đã thiết lập thư từ bang giao buôn bán với Nhật Bản…Vết tích trên bến dưới thuyền một thời vang bóng vẫn còn lưu dấu, những gạch đá xây thành vẫn im lặng nhắc nhở, cả pho tượng đồng nguyên vẹn chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -cậu ruột Nguyễn Hoàng .Hoá ra vẫn còn rất nhiều dấu vết của Nguyễn Hoàng nơi làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong -xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát. Năm 1600 Nguyễn Hoàng đã dời thủ phủ từ Ái Tử về đây.Trà Bát là cái gạch nối giữa Nguyễn Hoàng (với 13 năm đóng đô ở đây đến lúc mất – năm 1613) và người con trai thứ 6 của ông- chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng đô thêm 13 năm nữa, trước khi dời thủ phủ vào Phước Yên (Quảng Điền) vào năm 1626.

 

Trà Bát - cảm hoài với tiền nhân.

Tất cả những gì của những vị chúa Nguyễn buổi đầu mở cõi nay chỉ còn những dấu tích ở Trà Bát (nay là làng Trà Liên xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) . Cho dẫu còn ít ỏi và phần nào hoang phế thì ngần ấy dấu tích vẫn đủ sức thức gợi cả một trời quá khứ.

Từ Ái Tử, nơi Nguyễn Hoàng dựng dinh trấn đầu tiên về Trà Liên chỉ cách chừng ba cây số về phía Đông Bắc. Ái Tử những năm chiến tranh bị người Mỹ xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn nên vết tích  dinh trấn đầu tiên của chúa Nguyễn hầu như bị cày xới để xây dựng  đồn bốt, kho đạn, sân bay… nay  không còn lưu dấu gì .Riêng dinh Trà Bát có phần may mắn hơn.

Về gặp ông Bùi Thịnh, trưởng ban điều hành làng văn hóa Trà Liên với hy vọng được ông dẫn lối đi tìm những dấu tích , trước khi rẽ xe vào trụ sở HTX tôi đã ngỡ ngàng khi thấy pho tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được thờ trong cái am nhỏ vừa đơn sơ vừa… chắc chắn. Pho tượng đồng này có một số phận nổi chìm kỳ lạ và giờ đây được coi là  “bảo vật quốc gia” tại Quảng Trị.

Thái phó Nguyễn Ư Dĩ –tước Uy Quốc công, là cậu ruột của  Nguyễn Hoàng, người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ khi mới hai tuổi khi Nguyễn Kim (thân phụ Nguyễn Hoàng) lánh nạn sang Lào. Chăm lo cho người cháu, thấy Nguyễn Hoàng “tướng mạo khôi ngô,vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh tài trí, kẻ thức giả đều biết đấy là bậc phi thường” nên Nguyễn Ư Dĩ đã đem việc kiến công lập nghiệp khuyến khích cháu. Chính Nguyễn Ư Dĩ cũng là người đã thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo  phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử. Ngôi chùa thờ Nguyễn Ư Dĩ có tên là Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông-Miếu Bông).Hiếm có một công thần nào lại được dân cúng giỗ quanh năm như Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ông Bùi Thịnh cho biết phong tục dân làng mỗi năm đều giỗ quan Thái phó vào các ngày rằm tháng 2, tháng 6, tháng 8 và ngày Tết. Pho tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17,  được đặt tại chùa.Năm 1972 chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng pho tượng vẫn nguyên vẹn. Ngày hòa bình trên nền chùa cũ, dân làng dựng lại một nếp chùa đơn sơ để đặt tượng thờ.Tuy nhiên năm 1989 kẻ gian đã đánh cắp pho tượng đồng quý giá này.Theo lời một bô lão, khi pho tượng bị mất, cả làng đã đổ ra tìm kiếm. Do tượng quá nặng, kẻ cắp đã mang pho tượng xuống vùi trên bãi cát ven sông Thạch Hãn gần làng.Khi cả làng dùng thuốn sắt đi dò dọc triền sông thì phát hiện tượng đang còn bị chôn vùi dưới cát, dân đã không để tượng ở chùa Liểu Bông cũ mà mang về cạnh đình làng rồi xây một cái am nhỏ nhưng kiên cố có bọc bê tông cốt thép để bảo vệ tượng. Khi dẫn tôi ra chùa Liễu Bông, ngôi chùa được dựng nên để thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng buổi đầu dựng nghiệp đã mất dấu, trên nền chùa xưa một dòng họ khác ở trong làng đã xây một khu lăng mộ nguy nga đồ sộ trên chính nền chùa cũ. Đau xót hơn khi chúng tôi tìm thấy quanh khu lăng mộ những phiến đá ôm lót chân cột chùa để nằm lăn lóc dãi dầu mưa nắng. Những phiến đá chứng nhân của hơn bốn thế kỷ còn bị đối xử như vậy thảo nào bao nhiêu dấu tích buổi tiền nhân khởi nghiệp cũng dần biến mất.

Không xa nền cũ ngôi chùa Liểu Bông là khu vực được coi là các vòng thành của dinh Trà Bát xưa.Một gò đất cao ráo, còn vương lại những phiến đá sa thạch to rộng và vô số gạch vụn đỏ au lẫn trên nền đất cũ.

Một trong những điều đặc biệt của các chúa Nguyễn là khi tiến về phương Nam mở mang cương vực hầu hết đều chọn xây dựng lỵ sở trên những vùng đất mà người Chàm đã từng sinh sống, thờ tự. (Trong số 10 “bảo vật quốc gia” ở Quảng Trị thì Trà Bát cống hiến 3 bảo vật, ngoài pho tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được đánh giá là “độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không đâu có được” còn có hai tấm phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và Trà Liên 2, dấu tích kiến trúc  Chăm điển hình có từ nửa cuối thế kỷ thứ  9 và nửa cuối thế kỷ thứ  10 được tìm thấy tại Trà Liên này.)

 

Thương cảng một thời…

Từ vị trí các vòng thành dấu tích của dinh Trà Bát , chỉ đi thêm một quảng không xa là ra đến Bến Gành. Sông Thạch Hãn chảy về quảng này chợt uốn một vòng cung rộng mênh mông. Anh Phan Văn Khuynh, trưởng ban Văn hóa xã hội của xã Triệu Giang đưa tôi ra bờ sông. Hơn bốn thế kỷ, sông không biết có đổi dòng đổi bến nhưng bên triền đất lở ven sông tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều mảnh chum gốm với họa tiết độc đáo lộ ra như chính đất đai đã gìn giữ trong lòng sâu của mình những phồn hoa đô hội một thời.

Trước khi chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước ngoài để có một cảng thị Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên này với quảng đường từ  Cửa Việt lên đây chưa đầy chục cây số đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ.Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, một nhà Quảng Trị học rất uy tín trong bài nghiên cứu “Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi (1558-1626)” đăng trên tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số xuân Tân Mùi 1991 (trang 100-104) đã công bố nhiều tư liệu về tầm vóc của vùng cảng Cửa Việt và  dinh Trà Bát này. Những tư liệu của linh mục Ngọc dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo của thế kỷ 16-17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha , Nhật Bản, Áo Môn (tức Ma Cao-bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc địa của người Bồ) đã đến đây chào “quan Tổng trấn” (tức Nguyễn Hoàng và sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của  cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã  vâng lệnh cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào năm 1585.

Bây giờ nhìn dòng sông Thạch Hãn cuồn cuộn nước xuôi về Cửa Việt đổ ra biển Đông, nhìn những dấu gạch gốm lẫn vào lòng đất đá bên bờ nước, rồi lăng mộ tư nhân dựng trên nền ngôi chùa xưa là Quốc miếu thờ những công thần, nhìn những dấu vết thành quách đang tan vào cát bụi, dẫu biết không có gì vĩnh cữu trước thời gian, biết ba mươi năm bom đạn chiến tranh muôn phần tàn phá, nhưng vẫn không thể thầm trách hậu thế đã hững hờ.

 

Niềm tưởng niệm lặng lẽ

Không phải hậu thế đã quên công lao người mở cõi.  Cho dẫu dấu tích của buổi đầu chúa Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị đã bị nhạt nhòa tàn lụi thì tâm khảm con dân miền đất này vẫn ghi lòng tạc dạ niềm tri ân với tiền nhân.Một trong những niềm tưởng niệm ấy là ngôi trường Trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được mang tên chúa: Trường trung học  Nguyễn Hoàng. Danh thơm của người mở cõi dành cho ngôi trường  được vinh dự mang tên, tên trường nay cũng không còn…

Hiếm có một ngôi trường nào đặc biệt như trường Nguyễn Hoàng.Được một nhóm thân hào, nhân sĩ ở thị xã Quảng Trị lập ra vào năm 1951, mang tên là trường Trung học tư thục , năm học tiếp theo được công nhận là trường công lập và đến niên khóa 1953-1954 mới được mang tên trường Trung học Nguyễn Hoàng. Quảng Trị vốn là đất địa đầu giới tuyến, sau những tao loạn thời cuộc, trường Nguyễn Hoàng đã có lúc dời vào tận Hòa Khánh (Đà Nẵng) nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi trường Nguyễn Hoàng như nhắc nhở khắc ghi công lao tiền nhân.

Sau hai mươi bốn năm tồn tại, sau ngày giải phóng (1975) có lẽ do những nhận định phiến diện về nhà Nguyễn ( cả chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn) của giai đoạn này nên ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Trị không còn mang tên Nguyễn Hoàng. Chỗ vị trí trường xưa vẫn mọc lên một ngôi Trường trung học mới mang tên trường cấp III Triệu Hải, và sau những lần tách nhập địa giới hành chính, bây giờ ngôi trường ấy mang tên Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị.

Trường Nguyễn Hoàng không còn mang tên xưa nhưng những thế hệ cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã mang theo hình ảnh ngôi trường cùng tên vị chúa mở cõi đi khắp năm châu bốn bể. Đấy là ngôi trường với  nhiều thế hệ trò giỏi nổi tiếng, không chỉ trước 1975 mà hơn 30 năm nay học trì của mái trường này vẫn gìn giữ và phát huy truyền thống “ đất học”. Và nếu đã có một thời gian nhắc đến những tuổi tên của nhà Nguyễn như là một sự “nhạy cảm” thì những cựu học sinh miền đất này vẫn mang niềm tự hào “học trò Nguyễn Hoàng”, dù họ đang là anh nông dân hay chữ đang lam lũ ruộng vườn hay là những nhà khoa học, doanh nhân đang sống ở chân trời góc biển.Đấy cũng là sự tưởng niệm im lặng (và có phần xót xa) rằng cho dẫu thế nào thì không ai, không điều gì bị lãng quên, như sau này nhà thơ Nguyễn Duy cảm khái về lễ cải táng vua Duy Tân:… “ Bao triều vua phế đi rồi/người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.

Năm 2006, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã góp tay để cho ra đời tập sách “Chân dung và kỷ niệm”, chỉ chưa đầy hai năm, tiếng gọi bầy của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã nối vòng tay lan xa khắp các châu lục, đã có bốn tập sách , mỗi tập dày ngót ngàn trang, in những hồi ức, kỷ niệm về ngôi trường.Đó thực sự là một kỷ lục mà chưa có ngôi trường nào có thể có được. Cái tâm nguyện của những học trò ra đi từ mái trường này vẫn là không muốn làm điều gì thẹn với uy danh tiền nhân mà ngôi trường được mang tên.

Hơn ba mươi năm trước, tên Nguyễn Hoàng không được giữ lại có thể vì những nhận định sai lệch về nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Nhưng giờ đây, nhất là khi Hội thảo quốc gia về  Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn diễn ra hồi tháng trước ở Thanh Hóa , với sự tham dự của những sử gia hàng đầu Việt Nam đã nhìn nhận công lao to lớn của nhà Nguyễn, đặc biệt là công lao của chúa Nguyễn Hoàng thì trả lại tên cho trường xưa âu cũng là chuyện hợp lòng người.

Không lý gì một miền đất được người có công lao đặt nền móng mở mang bờ cõi chọn làm thủ phủ để từ đó đi vào lịch sử, từ cái bàn đạp trên sa ngàn cát trắng này mà vươn ra rộng dài một cõi trời Nam.Miền đất ấy giờ không có một con đường, không có một ngôi trường được mang tên như một niềm tri ân và tưởng vọng?

                                                                                                L.Đ.D

 

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground