Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký của người đã khuất

 Mùa hè năm 1963, trước sự phát triển của Cách mạng miền Nam, vùng giải phóng ở miền núi Quảng Trị ngày càng được củng cố, đường mòn Hồ Chí Minh - hệ thống giao thông chiến lược Bắc Nam - phát triển rất nhanh; kẻ địch đặt vấn đề ngăn chặn hành lang, bịt biên giới và đường 9 thành một chủ trương chiến lược hàng đầu. Chúng lập các lực lượng đặc biệt do Mỹ làm nòng cốt triển khai dọc biên giới, đẩy mạnh hoạt động biệt kích thăm dò và tiến hành các cuộc càn quét dài ngày qui mô lớn.

Tiếp theo "chiến dịch Lê Lợi" đánh vào các xã vùng “ngược nước" như A Dơi, Thanh, Thuận, Xi, Hướng Lập, Hướng Thanh, Hướng Bình, Hướng Phúc, Làng Cát… đầu năm, lần này địch hành quân vào vùng Tà Rụt hòng đánh phá hành lang và khu căn cứ của ta - Chúng thực hiện "3 sạch" đốt sạch, phá sạch, cướp sạch. Cán bộ, đảng viên Hướng Hóa và các cơ quan cấp tỉnh, các lực lượng đóng trên địa bàn đã tổ chức cho ông bà già, phụ nữ và trẻ em sơ tán ra ngoài vùng địch càn, còn lực lượng khỏe mạnh ở lại cùng du kích thực hiện 3 bám: cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch.

Trên lãnh vực tuyên truyền, Ban tuyên huấn Tỉnh ủy quyết định trong bất cứ tình huống nào cũng phải ra báo Cứu nước đúng kỳ hạn, chuyền về đồng bằng kịp thời gian để thông tin cho cơ sở tình hình và thắng lợi các cuộc chống càn ở miền núi, và cũng gián tiếp báo tin các cơ quan đầu não của tỉnh vẫn an toàn, củng cố lòng tin cho cán bộ, đảng viên, cơ sở ở đồng bằng. Cơ quan và nhà in  quân sự hóa triệt để, hết sức gọn nhẹ - Chúng tôi gùi trên vai những bát chữ chì nặng trĩu chuyển đến các địa điểm bí mật, quyết tâm bảo vệ nhà in và để cho nhà in hoạt động liên tục - Cán bộ được phân công đi tuyên truyền, tổ chức nhân dân chống càn. Mỗi cán bộ, nhân viên cơ quan điều được trang bị vũ khí. Địa điểm dự bị được bí mật chuẩn bị ở nhiều nơi. Xung quanh cơ quan (hồi đó chúng tôi gọi là nhà mình) bố phòng hầm chông để tiêu diệt địch và ngăn chặn lùng sục của chúng. Không khí chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thật sôi nổi hào hứng - Tình thương yêu đồng chí thật thắm thiết. Người này lo cho người khác, người nào cũng sợ đồng chí mình khổ, sợ đồng chí mình đói, giành lấy việc khó, việc nguy hiểm về mình - Giữa những ngày tháng sục sôi chiến đấu đó, anh Vân Sơn không may bị sập hầm chông ta gài bị thương...

Tôi kể cho chị Vân, vợ của nhà báo quá cố Vân Sơn nghe về những năm tháng chúng tôi sống với nhau ở Ban tuyên huấn Tỉnh ủy, ở tòa soạn báo Cứu nước, những ngày ấy thiếu thốn đủ thứ, đói cơm, lạt muối... nhưng tinh thần lạc quan yêu đời, tình đồng chí, đồng đội thì dồi dào, phong phú. Nghe đoạn, chị Vân lấy khăn lau nước mắt, đưa cho tôi chọn nhật ký của anh Vân Sơn và vội vàng nói: "Thôi anh đừng kể nữa, tôi đã đọc những trang nhật ký của anh ấy rồi" - Tôi xin phép chị Vân chép lại những trang nhật ký đó:

"Hai cái hầm chông ấy mình đã biết, hôm anh em làm xong mình đi về có thấy rào lại, mình đã trông thấy đã đi tránh một cách dễ dàng. Chiều hôm ấy mình về thì không thấy rào nữa. Trong bụng đinh ninh là chưa đến chỗ hầm chông. Đoạn đường lủi dưới dàn mây, mắt đang chăm chú nhìn về trước nơi mà mình đoán đó là hầm chông. Nhưng, sột! sột ! hai chân đã lún xuống hố, miệng hầm chông bày ra. Ôi chao! sao lạ thế này! Đúng là mình bị sập hầm chông rồi. Hai chân bị đau. Chống hai tay vào miệng hố, rút chân lên, 4 cái chông đeo theo, mũi chông thọc lên trên mu bàn chân. Chân trái 2 cái, rút ra ngay, máu chảy nhiều, nhưng còn chân kia 2 cái chông đang cắm. Mặc cho máu chảy, nghiến răng rút 2 cái chông bên phải. Một cái ra nhanh, một cái bị tuơ đâm lên thành bốn mũi. Một lần, hai lần rồi ba lần rút mạnh nó mới ra. Vừa rút chông vừa kêu: Sào ơi! tau bị chông rồi! Bọn chúng ở trong nhà tưởng là địch kêu nên ôm ba lô và xách súng chạy. Mãi sau kêu lại lần thứ hai chúng mới chạy đến, nhìn máu ra lênh láng chúng khiếp, mặt mày tái nhợt, nó xuýt xoa: Trời ơi! Chao ôi! sao thế này? Mình tự băng lại. Xong, Hồng cõng vào, hai cậu Sào, Kiên xách đồ đạc vào. Theo lệnh của bệnh nhân, ba đứa lo chạy nấu nước sôi hấp bông băng để rửa và băng lại.

Lúc ấy là 3 giờ chiều, 4 giờ băng lại xong mình nằm nghỉ, thật ngao ngán.

Rủi ro đâu mang lại cho mình thế này! Đang đi canh gác chống càn với dân đó, bây giờ thành một thằng què cả 2 chân. Chỉ nằm thôi? 9 giờ tối vết thương càng nhức tợn! Nhức như thế này thì chịu sao nổi! Nhưng không nhức sao được! Năm cái chông đâm vào, 4 cái xuyên suốt dưới lên trên, tất cả thành ra 9 vết thương. Dập phải cái gai còn bị nhức huống hồ đây nó đâm xuyên. Nhưng rên làm gì cho phiền lòng anh em. Nằm chịu không nổi. Mình bảo Hồng mở hộp thuốc ra lấy một ống moóc phin chích vào bả vai. May quá! Ngủ cũng đến 12 giờ đêm, ngủ được nó quên hết sự đời, không bị cơn nhức cấu xé.

Đường đi đến bệnh xá thì đã bị địch khống chế. Đường đi về Tỉnh uỷ thì không ai biết vì nguyên tắc bí mật. Làm sao để tìm y sĩ, y tá đây. Liệu có nhiễm trùng uốn ván không? Liệu có phải bị cưa chân không? Nếu bị cái chú uốn ván thì còn cũng không bao nhiêu ngày nữa. Xem ra thì ghê gớm đấy, nhưng cuộc đời có kết thúc thì chỉ người còn sống băn khoăn ưu phiền, còn người mất đi thì đã mất đi, yên chuyện.

Nếu phải cưa cụt 2 bàn chân thì ôi thôi, đi chân gỗ à? Hay ngồi bò lết? Cuộc sống lúc ấy rồi sẽ ra sao nhỉ?

2-5-1963: Mặc dầu tình hình địch như vậy. Chúng còn nống ra nhưng anh em hết sức lo lắng. Có lẽ các đồng chí xung quanh tự thấy đau nhiều hơn mình là người trực tiếp bị chông. Kiên và Lợi đi tìm y sĩ Nam.

3-5-1963: Y sĩ Nam đến. Nhìn cậu ta trông dáng hay? Cái trán sói, bộ đồ nâu bạc màu. Lạc quan yêu đời. Nam cởi băng, ngửi vết thương bảo tốt. Băng lại. Nhưng đó là mới biết vậy thôi. Con tê- ta- nốt có phản ứng nhiều khi đến 10 ngày mới biết. Cứ tin vậy.

Chiều lại cả Lăng, Thông, y tá Tiến đến nữa. Vui thật? Mình đau mà cả bà con xôn xao thương lo cho mình quá.

Có nên viết thư cho Vân báo tin này cho Vân biết không nhỉ? Thôi, cô ta biết thì phải biết! Hoảng lắm. Sẽ viết thư nói có bị đạp gai sưng chân nằm mấy ngày thế là được. Làm cái dấu để sau này gặp nhau tâm sự lại chuyện này.

Tối 5-5-1963: Anh em họp Chi bộ bàn đến cái mục giải quyết cho mình như thế nào. Gánh đi xa ra khỏi vòng kẹp của địch hay làm trại bí mật dấu? Hai cách đều có khó khăn. Gánh đi 3 ngày mới ra khỏi vòng, 4 người gánh, 1 người đi phục vụ nuôi dưỡng. Bốn người chưa chắc gánh đã nổi. Còn ở trại bí mật thì xem như nằm một chỗ địch đến thì không cơ động được.

Cuộc họp kéo dài đến 12 giờ đêm, quyết  định gánh ra khỏi vòng dù mất công đến đâu.

Sáng 6 có ý kiến bàn lại nên làm trại để ở. Mình cũng đồng tình với cách này, ba đồng chí đi tìm địa điểm và làm trại.

Sáng 7 võng cáng mình ra đi. Kiên và Hồng một cặp, Thành và Lưu một cặp, còn Lý mang ba lô bắt theo 3 con gà chúm đuôi tôm và muối ruốc phụ tùng linh tinh đi theo.

Nằm trên võng thấy các cặp ấy gánh mà mình đau lòng. Phải chi đi đường cái thì còn đỡ, ở đây leo dốc cao, tụt hố dài mà phải lủi đi giữa rừng, nhằm hướng mà đi. Cậu Kiên đau vai, nặng. Kiên nghiến răng cong lưng gánh mà cũng gắng cười. Thành yếu hơn cũng thế. Đường đi 2 giờ mà đi thành 5 giờ! Võng ông đi trước, sướng gì nhỉ? Căng ni lông làm mái, lấy cây nứa làm một cái giường vừa đủ cho bệnh nhân nằm. Anh Lý thì treo võng nằm bên cạnh- Trời mưa gió tạt nước vào bị ướt. Anh Lý loay hoay sửa cái nền, lợp cái bếp, nấu ăn, nấu ống tiêm... đi kiếm rau chuối bắp, chuối cây, có hôm bắt được một bát ốc, bắt được con đam. Anh nhường cho mình con đam bảo ăn cho mau lồi thịt.

Hằng ngày làm gì? Sáng dậy nằm trong màn mở máy nghe đài, vừa nghe đài vừa cuộn thuốc lá hút, xong mục nghe đài vén màn kéo ống nứa cứ nằm thế mà đái hoặc ngồi dậy mà đái cũng được Anh Lý đưa nước đến súc miệng rửa mặt xong là ăn cơm. Tiêm Pénicélline, tiêm B12, uống vitamine C và B. Cỏng đi ỉa. Vào nằm đọc sách, đọc báo. Ngồi dậy viết được ít bài cho Cứu nước tháng 5. Viết thư cho Vân, cho anh Cơ, cho Quang Hải. Nhận được thư của Cao Sơn, Hồng Quân, Anh Thư, Quang Hải gửi đến an ủi động viên.

Nằm không để tâm trí đi khắp đó đây, đi ngược thời gian, xem người, nhìn lại mình, ôn lại công tác, phấn khởi có, tự hào có, trách người khác có, trách mình có. Nhớ thương Vân vô hạn - Người vợ yêu quý, kính trọng của anh ơi! Bao nhiêu hình ảnh sống với nhau xa xưa đã về lại với anh.

Đọc thư anh Cơ. Anh nói lung tung, vui. Anh gửi thư chung cho anh em nhưng lại đề tên mình. Một là đùa, hai cũng là "đền đáp" một phần nào việc mình viết nhiều thư cho anh ấy. Anh C viết thư riêng cho mình không tiện.

Mình lại viết thư dài đùa với ông C cho vui.

Gửi thư cho Hải nhờ chuyển bao nhiêu thư cũ của Vân và 11 tờ Cứu nước nhờ Vân bảo quản hộ.

Vết thương ngày càng lành dần. Đi cà nhắc rồi đi thẳng được mặc dầu còn đau đầu phía trong. Thế là tai qua nạn khỏi. Các giả định hiểm nghèo đều không vấp phải. Định ngày 26 thì trở về nhà nhưng có tin địch xuất hiện vùng rẫy ta nên hoãn lại.

Mồng 1 tháng 6 định về lại phải hoãn vì địch đang ở phía dưới khe (cách 1 giờ). Đại bác địch nổ ì oằng, máy bay rè rè luôn.

Đúng là hai tháng nay sống trong tình trạng chiến tranh thực sự.

Nghe tin Nam bị mất tích. Sau đó tin đích xác bị bắn chết ngày 20-5, dịch cắt 2 tai và 2 ngón tay út? Tội nghiệp! Nam mới băng bó, tiêm thuốc, mới cười đùa với mình đây!

Mồng 5 tháng 6: Thành đến truyền đạt ý kiến đưa mình về và có thể qua vùng  L.T. ở. Ban đầu mình không về. Thôi ở nán lại 5 ngày xem sao rồi về nhà luôn, không muốn đi lung tung làm gì. Thành định đến mang ba lô về giúp mình, Thành về không. Nằm nghỉ nữa giờ suy đi tính lại thấy nên về. Dù về có việc gì đi nữa thì có anh em. Chỉ cực thân một chút nhưng đứng trên phương diện thi hành nghị quyết được tốt. Thế là kêu anh Lý dậy dọn vén đoàn trường ra về. Đến nhà, mới bước vào cửa các cậu đều tái mặt. Tại sao vậy? Té ra chiều nay có tin dịch đã đến ngoài thôn và có bộ phận đến phục kích sau lưng nhà rồi. Mình và anh Lý gần cạnh con đường ấy. Nhưng không can chi là không can chi rồi.

Thế là soạn sửa cả đêm để ngày mai tránh qua vùng khác..."

Anh Vân Sơn đã ghi nhật ký. Tôi nói thêm với chị Vân. Hồi đó, chúng tôi có trồng một rẫy ngô, mới có một số cây trổ cờ, bắp còn rất nhỏ, chưa có hạt, chúng tôi nhổ cả thân cây, rửa sạch đem về nấu lấy nước cho Vân Sơn uống. Nước cây ngô rất ngọt và đã làm cho bệnh nhân mỗi ngày mỗi khỏe ra. Về sau nhiều người cho rằng thân cây ngô non cũng là một vị thuốc bổ. Trong những ngày bình thường, chúng tôi ra quyết nghị cấm không ăn ngô non, phải để cho ngô già, mỗi bắp có thể được một lon hạt, một người ăn được một bữa, còn nếu ăn non thì mỗi người phải ăn đến 5-6 bắp, chẳng mấy chốc mà hết rẫy ngô. Thế nhưng khi cần thiết nuôi dưỡng đồng chí mình qua cơn hiểm nghèo thì chúng tôi nhổ cả rẫy ngô vừa mới trổ cờ.

Chúng tôi sống bên nhau, thương nhau như vậy qua những ngày tháng gian lao.

N.T. K.

Ngô Thế Kiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 25 tháng 10/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground