Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhờ Đảng, thay đổi tập quán để cuộc sống đủ đầy - Kỳ 1: Khởi nghiệp ở đôi bờ Sê Pôn

Thuận là một xã miền núi vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của huyện Hướng Hóa, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào chạy dọc theo dòng chảy của sông Sê Pôn. Dân cư nơi đây có rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống và bao đời nay họ luôn có tinh thần đoàn kết vượt qua gian nan, thử thách để cùng chung tay trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng kinh tế, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hồ A Kiêm ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt trong ngôi nhà khang trang được dựng xây theo lối truyền thống của người Vân Kiều với đầy đủ tiện nghi phục vụ đời sống gia đình, sản xuất, nằm cạnh con đường lớn liên xã... ít ai ngờ rằng chủ nhân của nó đã từng sống trong nghèo khó, chạy ăn từng bữa. Với dáng người gầy gò, nhỏ gọn nhưng A Kiêm có nụ cười sảng khoái đầy năng lượng mang đến cho người đối diện một cảm giác gần gũi, thân thương.

Hồ A Kiêm đang rập mẫu khai dòng mủ cao su của gia đình - Ảnh T.A

Hồ A Kiêm đang rập mẫu khai dòng mủ cao su của gia đình - Ảnh T.A

Bên tách trà ấm nóng, khi chúng tôi chưa kịp vào chuyện thì A Kiêm đã cởi mở về hành trình khởi nghiệp nhiều gian nan của đời mình. Sinh ra và lớn lên ở miền rừng núi hẻo lánh khó khăn, đông anh em nên phải dừng học sớm để làm kinh tế phụ giúp gia đình và chừng hai mươi tuổi thì cưới vợ. A Kiêm bảo rằng, ngày ra riêng để tạo lập cuộc sống không có gì ngoài sức trẻ và sự quyết tâm. Nhưng rồi hai vợ chồng lao động quần quật lên rừng xuống núi mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhiều lần đứng trước những đồi đất phì nhiêu rộng lớn nghĩ suy, nếu không thay đổi tập quán sản xuất mà chỉ lao động theo kiểu “nhờ trời” thì đói nghèo sẽ đeo đẳng mãi. Sau bao nhiêu đêm dài trăn trở, A Kiêm quyết định đi tìm con đường sinh kế riêng cho mình.

Đầu tiên hai vợ chồng cùng bàn bạc thống nhất vay tiền của anh em, họ hàng đầu tư vào gieo trồng khoảng vài ngàn mét vuông ngô lai. Buổi ban đầu thiếu kinh nghiệm nên vừa làm vừa học cách chăm sóc, rút kinh nghiệm từ thực tế và cuối cùng cũng có được thành quả. Cứ thế, sau vài vụ gieo trồng, mở rộng diện tích rồi thu hoạch bán ra thị trường, trừ tất cả chi phí hai vợ chồng thu về số tiền kha khá mà theo anh Kiêm là “chưa bao giờ dám mơ tới”. Có tiền trả nợ vốn vay, tiền dư ra tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và đào ao nuôi cá. Một công đôi việc, ao dùng để trữ nước phục vụ tưới tiêu, cá làm thực phẩm cho cuộc sống gia đình. Bên cạnh sản xuất hoa màu anh Kiêm tranh thủ trồng xen canh cây cao su, chăn nuôi thêm gia súc như trâu, bò, dê... để tận dụng thức ăn từ lá ngô và cỏ cây xung quanh vườn rẫy.

Chưa dừng lại ở đó, bằng sự nhạy bén của người luôn tìm hiểu, học hỏi, anh nắm bắt thời cơ thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương chuyển đổi cây trồng từ ngô lai qua trồng sắn theo biến động nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, với 3 héc ta cây sắn và cây trồng các loại đã cho gia đình anh thu nhập mỗi năm gần một trăm triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh Kiêm làm thêm nghề ủ men lá từ cây rừng để sản xuất rượu theo kiểu truyền thống của người Vân Kiều. Hàng năm anh cho ra lò khoảng chừng 400 lít, thu về trên 30 triệu đồng. Và để bảo vệ nghề truyền thống anh đã đăng kí bản quyền thương hiệu sản phẩm rượu men lá do mình làm ra. Cùng với đó A Kiêm đã gieo trồng thử nghiệm cây ớt rừng (hạt giống ớt được lấy từ rừng Lào đem về ươm) và nhiều loại cây khác liên quan đến nguyên liệu chính cho sản phẩm rượu men lá. Hiện cây giống phát triển tốt với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất mới. Đây cũng là một ý tưởng mới mẻ đầy tiềm năng bổ sung cho mô hình kinh tế đa canh của gia đình, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế rất cao, bởi cây ớt rừng hiện nay trên thị trường rất hiếm.

Nhấp thêm ngụm trà nóng anh Kiêm còn “khoe”, không chỉ gia đình anh mà còn rất nhiều hộ gia đình khác trong thôn Úp Ly 2 cũng đã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh nên cuộc sống của bà con đồng bào nơi đây đổi thay từng ngày.

Đồng bào Vân Kiều vào mùa thu hoạch sắn từ những đồi cao - Ảnh L.T

Đồng bào Vân Kiều vào mùa thu hoạch sắn từ những đồi cao - Ảnh L.T

Mấy mươi năm gắn bó với vùng đất xã Thuận này Hồ A Kiêm tâm tình rằng: “Muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu ở miền rừng này người dân cần phải siêng năng, chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm cách trồng trọt, chăn nuôi phù hợp là có thể đạt hiệu quả trong sản xuất, thay đổi cuộc sống… Bên cạnh đó, trong mỗi mô hình khởi nghiệp đều phải có sự tâm huyết và cầu thị, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân và các thành viên trong gia đình thì sự phát triển mới bền vững được. Còn nếu chỉ sản xuất theo tập quán cũ phát đốt cốt trỉa, trông chờ vào trời đất mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa thì đói kém, như vậy sẽ khổ mãi và không thể thoát nghèo được”.

Không những làm kinh tế giỏi, anh Kiêm còn tích cực vận động bà con hiến đất, ngày công lao động, đóng góp để bê tông hóa đường liên thôn, liên xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Chính bản thân và gia đình anh đã hiến đất để xây dựng con đường có chiều rộng 3 mét và chiều dài hơn một ngàn mét bê tông hóa xuyên qua vườn nhà, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cũng như vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch của bà con trong thôn. Ngoài ra, Hồ A Kiêm còn là hội viên sinh hoạt tích cực trong câu lạc bộ 100 triệu đồng ở huyện Hướng Hóa, một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước và nhận được nhiều bằng khen trong công tác dân tộc do UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng. “Cũng nhờ tham gia tích cực trong các hoạt động phong trào ở địa phương cũng như các câu lạc bộ mà tôi học hỏi, nắm bắt những thông tin cần thiết từ đồng nghiệp, bạn bè để điều chỉnh kịp thời tránh được nhiều những bất lợi xảy ra trong sản xuất, kinh doanh” - Hồ A Kiêm chia sẻ thêm.

Nhắc đến đồng nghiệp Hồ A Kiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận, Nguyễn Dương Tài cho biết: “Đồng chí Kiêm là một bí thư chi bộ năng động, sáng tạo, một Phó chủ tịch Hội Nông dân xã gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động nên nói dân nghe, làm dân tin… Đặc biệt, anh luôn góp tiếng nói cùng cán bộ xã, thôn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bà con trong thôn, bản chấp hành thực hiện tốt. Và trong sản xuất phát triển kinh tế, Hồ A Kiêm là người cần cù, chịu khó, từng bước đặt được nền móng vững chắc trong thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh. Tuy mô hình không mới nhưng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và đã đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Quan trọng hơn là khả năng lan tỏa, tiếp thêm động lực để người dân trong thôn, bản học tập vươn lên”.

Trao đổi với chúng tôi về sự phát triển đổi thay của người dân nói chung và những mô hình khởi nghiệp của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là lực lượng đảng viên trẻ, Bí thư Đảng ủy xã Thuận, Hồ Ra Duông bộc bạch rằng, nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng như triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện ban hành giai đoạn 2022 - 2025 về hỗ trợ, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Kết hợp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững nâng cao giá trị và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm các mặt hàng nông sản chủ lực trên thị trường tiêu thụ. Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất, xen canh tăng vụ để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác... Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã hỗ trợ nguồn lực, động viên tinh thần nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, bà con Nhân dân xã nhà nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là lực lượng đảng viên trẻ đã thay đổi hẳn tập quán trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn khởi nghiệp từ những vườn đồi rộng lớn với những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đa canh đã làm thay đổi diện mạo đời sống bản làng, địa phương cũng như chất lượng cuộc sống ngày mỗi đủ đầy, bền vững hơn.

>>> Kỳ 2: Đảng viên phải dám nghĩ khác, làm khác để vươn lên làm giàu

 

TƯỜNG AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground