Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ mãi một lần gặp Bác

R

ất may, khi từ Liên Xô về Việt Nam, đúng lúc có đoàn đại biểu anh hùng miền Nam ra thăm Bác. đoàn gồm: Tạ Thị Kiều (Mười Lý), Hồ Vai, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng, Lê Chí Nguyện. Tôi là người chiến sĩ duy nhất của miền Bắc được phép vào đoàn để đến thăm Bác. Vinh dự này thuộc về các chiến sĩ Cồn Cỏ. Nếu không có Cồn Cỏ anh hùng, chắc tôi không được chú ý đến như thế. Điều đó là hiển nhiên.

Sáng ngày 19/10/1965, người của anh Vũ Kỳ ra báo:

- Trần Đăng Khoa chuẩn bị, ba giờ chiều có mặt ở cổng số 6 để đi gặp cấp trên.

Tôi đoán ngay là đi gặp Bác Hồ. Cả buổi sáng ấy nôn nao khó tả. Dù đã gặp Bác bốn lần rồi mà vẫn hồi hộp, thao thức. Trưa ăn không biết ngon, ngủ không yên, thao thức hoài. Để đợi đến ba giờ chiều, tôi đi cắt tóc, là ủi áo quần, một việc mà tôi chưa từng làm. Nhưng muốn được thật đẹp để gặp Bác.

Đúng ba giờ chiều, tôi ra cổng số 3, cũng vừa lúc ấy một chiếc xe màu trắng cũng vừa đến, đậu trước cổng. Chị Hồ Thị Bi bước xuống bảo tôi lên xe. Đoàn anh hùng chiến sĩ miền Nam: Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng, Hồ Vai, Lê Chí Nguyện đã có mặt đầy đủ trên xe. Mọi người đều nôn nao chờ đợi giây phút gặp Bác.

Xe đậu trước vườn Chủ tịch phủ. Vườn rộng, cây cao toả bóng mát, gió lồng lộng, vậy mà sao chúng tôi cứ nóng lòng, cứ hồi hộp.

Chị Hồ Thị Bi bảo:

- Các đồng chí hàng ngũ chỉnh tề, trật tự, nghiêm chỉnh.

Không xa trên con đường ngay phía trước chúng tôi, tôi nhận ngay ra Bác Hồ, thủ tướng Phạm Văn Đồng và phó thủ tướng Phạm Hùng đang đi tới phía chúng tôi.

Dù chị Hồ Thị Bi đã dặn chúng tôi hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm chỉnh, trật tự. Nhưng tất cả những lời căn dặn ấy gần như đã bị “phá sản”. Sáu người chúng tôi, không ai bảo ai cùng chạy ùa tới chỗ Bác Hồ. Tạ Thị Kiều và Hồ Vai vượt lên, ôm hai bên vai Bác. Bác dắt tay chúng tôi xếp hàng ngang. Tôi đứng ngay cạnh Hồ Vai, với tay tới qua lưng Vai, ôm lấy lưng Bác Hồ. Bên trái tôi là Trần Dưỡng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phó thủ tướng Phạm Hùng và chị Hồ Thị Bi được phép Bác Hồ cùng song hành với chúng tôi. Đó là một ngày sung sướng nhất đời tôi, một ngày đầy kỷ niệm, một hạnh phúc lớn lao thật không ngờ. Bây giờ mỗi lần nhìn lên bức ảnh chụp hôm đó, tất cả tâm hồn tôi như trở về với phút giây thân thương đó.

Lúc ấy chị Tạ Thị Kiều òa khóc.

Bác âu yếm hỏi:

- Gặp Bác, vui mới phải, sao cháu lại khóc?

Chị Kiều trả lời:

- Dạ thưa cháu sung sướng quá không cầm được nước mắt Bác ạ.

Bác chợt dừng lại chỉ ngôi nhà phía trước hỏi:

- Các cháu có biết nhà này là nhà gì không?

- Thưa Bác nhà này là nhà tiếp khách của Bác ạ.

Bác vui cười cởi mở:

- Cháu nói không đúng. Nhà này là nhà xưa Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần ở, cho đến nay còn hôi mùi thực dân đấy.

Bác nhắc những người cầm súng chúng tôi không được quên đất nước này một thời dưới ách thực dân. Nay không thể để chúng quay lại nữa. Đó là trách nhiệm của người chiến sĩ.

Bác hỏi Tạ Thị Kiều:

- Cháu ăn mỗi bữa được mấy bát?

Kiều đáp:

- Dạ thưa mỗi bữa một bát ạ.

- Ăn thế làm sao mà đánh giặc.

Bác quay sang hỏi tôi:

- Cháu Khoa ăn được mấy bát?

Tôi trả lời rất tự nhiên:

- Mỗi bữa cháu ăn năm bát B52 ạ.

Mọi người cười ồ. Đã năm bát là nhiều. Lại B52 nữa thì là ăn rất khoẻ. Bây giờ không ai nói tới bát B52. Nhưng trong thời chiến ai cũng biết. Đó cũng là bát sắt Trung Quốc, nhưng to hơn bát thường một lần rưỡi Lính ta ví với máy bay B52 là loại máy bay to nhất, để chỉ cái bát ngoại hạng.

Bác hưởng ứng ngay:

- Chiến sĩ Cồn Cỏ ăn nhiều đánh giỏi.

Bác cháu tôi dắt nhau đi quanh quất trong vườn, vừa đi vừa trò chuyện. Giữa vườn xuất hiện một bàn dài có nho, có táo, có bánh kẹo, y như vừa từ trên trời rơi xuống. Bác dắt chúng tôi đến gần bàn, bảo:

- Các cháu ăn hoa quả đi.

Bác hỏi tôi:

- Cháu Khoa có biết hút thuốc không?

Tôi đáp:

- Dạ thưa cháu không biết hút thuốc ạ.

- ừ - Bác nói – Học Bác gì cứ học, riêng hai điều không nên học. Một là hút thuốc, hai là không lấy vợ.

Chuyện Bác tự nhiên, lấy chuyện mình ra nói, đã không hề xa lạ, mà lại đầy tính giáo dục. Bác bảo Tạ Thị Kiều kể chuyện miền Nam cho Bác nghe.

Tạ Thị Kiều nói:

- Đồng bào miền Nam đều mong mau mau giải phóng để Bác vào thăm. Ai trong ấy cũng mong gặp Bác cả. Biết tình cảm ấy, trong chiến dịch tố cộng, chúng bắt dân xé cờ, bắt dân đạp chân lên hình Bác, song bà con thà chịu tù đày chứ không chịu xé cờ, không chịu đạp lên hình Bác.

Hồ Vai kể:

- Bà con Pa Kô, Ka Tu, Tà Ôi, Vân Kiều ở Trị Thiên đều một lòng hướng về Bác nên tất cả đã dùng họ Hồ thay cho họ mình.

Bác Hồ bảo tôi:

- Chú Khoa báo cáo Cồn Cỏ cho Bác nghe nào.

Tôi đã chuẩn bị kỹ tình hình Cồn Cỏ để báo cáo ở đại hội chiến sĩ quyết thắng, nên lúc này báo cáo với Bác thật không có khó khăn gì. Từ chuyện Thái Văn A trên chòi cao quan sát địch giữa bốn bề bom đạn của B52, F105, AD6 và đại bác cỡ lớn trên tàu Nêu-giơ-ri từ ngoài khơi bắn vào đến Nguyễn Văn Mật nằm đè che bộ máy ngắm của pháo khi bom nổ chỉ cách mình mấy mét. Từ chiến sĩ Nga mổ tám vết thương không có thuốc tê trong suốt tám giờ đồng hồ đến chiến sĩ Lê, vác súng đánh tàu giặc, bắn máy bay hết ụ súng này đến ụ súng kia. Khi bị thương vẫn không rời vị trí. Lúc thấy mình đã yếu, anh đề nghị nếu thấy anh đầy đủ tư cách là một Đảng viên thì hãy kết nạp anh vào Đảng. Anh có số tiền dành dụm lâu nay, xin để đóng Đảng phí dần.

Bác Hồ nghe chuyện Cồn Cỏ lấy khăn lau nước mắt.

Bác hỏi:

- Cán bộ chiến sĩ Cồn Cỏ người ở đâu nhiều nhất?

Tôi đáp:

- Thưa Bác, người đủ mọi phương ạ. Vĩnh Linh, Thanh Hoá, Hải Phòng, Hà Nội... Trên đảo, chúng cháu chia từng khu vực, lấy địa danh các tỉnh đặt tên. Nên quay góc nào cũng thấy anh em trong đất nước mình quần tụ nơi hòn đảo địa đầu.

Tôi kể tiếp:

- Còn dân Vĩnh Linh thì vượt mọi khó khăn gian khổ để đi chi viện cho đảo. Khẩu hiệu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của Vĩnh Linh là: con chết cha thay, chồng chết vợ thay, quyết tâm tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Thêm một lần nữa Bác không cầm được nước mắt.

Lúc về nhà ăn, chúng tôi đã thấy các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng và một số các đồng chí khác đang chờ. Tôi được Bác xếp cho ngồi giữa Bác và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bữa ăn, Bác gắp chia thịt cho từng người. Đến lúc nhà bếp đưa bát súp lên, Bác nhường bát súp cho tôi:

- Chiến sĩ Cồn Cỏ ăn khoẻ lắm.

Lệ của Bác là đã ăn gì thì phải ăn cho hết, không được để thừa. Sợ tôi ăn không hết, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng chia với tôi bát súp của Bác.

Đột nhiên Bác hỏi tôi:

- Khoa có vợ chưa?

Lúc nào Bác cũng chú ý những việc hết sức thiết thực như thế. Như lúc nãy hỏi về Cồn Cỏ, Bác hỏi: “Chiến sĩ Cồn Cỏ có đủ gạo ăn không? Có thực phẩm và rau xanh? Có nước ngọt? Hầm hào, khí tài chiến đấu? Lính có ngủ được không? Thương binh có đủ thuốc men? Có sữa đường bồi dưỡng không?...”

Bây giờ Bác hỏi về vợ con tôi, tôi đáp:

- Dạ cháu có người yêu rồi ạ, một cô thanh niên xung phong.

Đồng chí Tố Hữu ngồi bên nói ngay:

- Người yêu Khoa viết thư hay lắm- Tố Hữu đọc ngay một đoạn thư Mỹ Lệ gửi cho tôi- “Anh hãy quên em đi, chỉ để mình em nhớ anh là đủ, quên em mà chiến đấu. Dù sau này anh có đui mắt, què tay, cụt chân, thì em cũng tuyên bố với thế giới rằng: anh là người chồng duy nhất của em”.

Mọi người nghe, cười vang. Bác nói:

- ừ, con bé bao nhiêu tuổi mà viết thư hay đấy.

Lần ấy Bác tiếp chúng tôi suốt bốn giờ đồng hồ. Bác nói chưa bao giờ Bác tiếp khách lâu như vậy. Thấy tôi tần ngần, bác hỏi:

- Khoa có ưng chi không?

Tôi mạnh dạn:

- Dạ cháu muốn xin Bác hai điều. Một là xin Bác một tấm ảnh làm kỷ niệm và cho cháu sớm trở lại Cồn Cỏ để tiếp tục cùng anh em chiến đấu giữ đảo. Hai là: Bác cho cháu hôn Bác một cái.

Bác cười, tặng tôi tấm ảnh có chữ ký của Người, rồi Bác chìa má cho tôi hôn.

Tôi hôn xong Bác còn nói vui:

- Ơ cái thằng râu xóc, cà má Bác đau quá.

Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Bác. Bốn năm sau Bác ra đi. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt khi còn là một người lính cầm súng, cho tới sau này, lúc đã nghĩ hưu, lúc nào hình ảnh Bác cũng thấp thoáng bên mình, lúc nào cũng ân cần và thân thiết.

Được gần Bác, và cả bây giờ được nhớ Bác, đó là những hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi.

 

Trần Đăng Khoa kể

Nguyễn Quang Hà ghiTrần Hoài

 

Nguyễn Quang Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 142 tháng 07/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground