Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ một thời làm báo

T

rong cuộc đời làm báo của mình tôi có nhiều kỷ niệm khó quên về những ngày làm phóng viên ở Bình Trị Thiên. Đặc biệt là chuyến đi Quảng Bình vào mùa lũ năm 1978.

            Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế sáp nhập thành một đơn vị  hành chính mới gọi là tỉnh Bình - Trị - Thiên. Do tỉnh lớn nên Đài phát thanh của tỉnh to lắm. Trụ sở của Đài đóng tại 19 - Lê Lợi Huế, phía Nam cầu Tràng Tiền. Lực lượng phóng viên của đài khá đông. Gần hai mươi người, biên chế thành một phòng phóng viên hẳn hoi, do ông Lê Xuân Phát làm trưởng phòng. Tôi thuộc diện phóng viên trẻ. Do đó những chuyến đi vùng sâu vùng xa như A Lưới, Nam Đông, Hướng Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch…bao giờ tôi và Nguyễn Thế Tường cũng được ưu tiên hàng đầu.

            Tháng 9 năm 1978, Quảng Bình xảy ra lũ lớn chưa từng có trong vòng 50 năm. Nguy ngập nhất là huyện lúa Lệ Ninh, đặc biệt là các xã thuộc vùng sâu trũng như An Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy. Lệnh của giám đốc đài là phòng phóng  viên phải cử ngay một phóng viên ra Lệ Ninh để viết bài phản ánh tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt của cán bộ và nhân dân Lệ Ninh. Người đầu tiên ông Lê Xuân Phát điểm mặt là Nguyễn Thế Tường. Nhưng không may, sau chuyến đi A Lưới trở về, Nguyễn Thế Tường bị ngã nước, sốt ly bì. “Thổ công không đi thì đến lượt hà bá thôi!”- Tôi nghĩ vậy. Bởi vì trong số hai phóng viên trẻ còn lại thì tôi là người ít tuổi hơn lại là người Vĩnh Linh sát nách Lệ Ninh. Và đúng như tôi dự đoán, sáng hôm sau họp phòng phóng viên, ông Lê Xuân Phát giao nhiệm vụ cho tôi phải ra Lệ Ninh gấp để viết bài phản ánh về tình hình khắc phục lũ lụt, phương tiện đi nhờ xe của Ủy ban Nông nghiệp tỉnh. Hôm ấy tôi báo luôn hai suất cơm trộn hạt bo bo để ăn cho chắc bụng chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi theo xe của ông Cổ Kim Thành - Chủ nhiệm Ủy ban Nông Nghiệp tỉnh. Khi xe ra tới Vĩnh Linh tôi chợt nghĩ: sau chuyến đi này, khi trở vào sẽ tranh thủ ghé thăm vợ con, vì vợ  tôi mới sinh cháu thứ hai, điện vào hai hôm trước mà tôi chưa ra được. Thế nhưng, khi ra đến Lệ Ninh, đến các xã vùng sâu trũng thấy bà con nông dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thì tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện ghé thăm vợ con được nữa.

            Xe chúng tôi ra đến thị trấn Cưỡi thì đã sáu giờ tối. Vào đến văn phòng Huyện ủy, sau khi ăn cơm xong, ông Cổ Kim Thành trực tiếp làm việc ngay với Ban Thường vụ huyện ủy Lệ Ninh. Tôi và đám phóng viên đi theo bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, thứ trưởng Bộ Y Tế, phó ban phòng chống lụt bão Trung Ương cũng được ngồi dự và nghe tình hình. Nghe ông Đoàn Long - Bí thư huyện ủy Lệ Ninh báo cáo những lại thiệt hại do lũ lụt gây ra cho toàn huyện Lệ Ninh mà tôi thấy bàng hoàng. Hơn năm ngàn ha lúa hè thu đang thời kỳ vào chắc bị ngập, 25 chiếc máy  kéo bị bùn lấp, hai phần ba số nhà cửa của dân bị ngập, trong đó có 3.200 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn…Nói chung tình hình sau cơn lũ của huyện Lệ Ninh hết sức nguy ngập, đặc biệt là khả năng phục hồi lại sản xuất và đời sống còn ngặp nhiều khó khăn lớn.

            Đêm ấy, nằm ở phòng khách của huyện ủy tôi không thể nào chợp mắt được. Hình ảnh những xóm làng bị ngập trong nước, những người già trẻ nhỏ không có giường chiếu để nằm, nhiều nơi người nông dân đang thiếu đói cứ lởn vởn trong đầu, làm tôi thao thức mãi…

            Sáng hôm sau, trước khi dự cuộc họp báo của huyện với các xã, tôi và một phóng viên của đài truyền thanh Lệ Ninh đi nhờ đò máy của lực lượng công an xuống các xã An Thủy, Xuân Thủy, Lộc Thủy để nắm thêm tình hình. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, đến đâu tôi cũng thấy bà con nông dân các xã vùng sâu đang đối mặt với những khó khăn quá lớn của đời sống  sinh hoạt chứ chưa nói gì đến phục hồi sản xuất. Nhiều nơi nông dân phải ăn thịt chuột, độn củ chuối vào cơm. Khó khăn lớn nhất là nhà ở cho vạn người đang che lều bạt để sống trên bờ đê Kiến Giang. Và một hình ảnh mãi đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy đau thắt mỗi khi nhớ lại. Đó là hình ảnh một cháu gái độ chừng sáu tuổi từ trong chiếc lều bạt chạy ra nắm lấy áo tôi vừa khóc vừa nói:

            - Chú ơi, có gạo không cho cháu mấy loong để trưa nay mẹ cháu nấu cho cháu ăn.

            Thì ra cháu tưởng chúng tôi là những người đến cứu trợ thật. Bởi vì cháu thấy tôi đeo một chiếc túi ở bên hông. Thực ra đó là chiếc túi đựng chiếc máy ghi âm R15 của Hung-ga-ri nặng trên 15kg. Tuy vậy tôi vẫn thấy băn khoăn như mình là người có lỗi. Và hình ảnh cháu bé  nắm lấy áo tôi xin gạo ngày nào trên cánh đồng trắng nước của Lệ Ninh vào mùa lũ năm 1978 đã găm vào đời tôi như niềm thao thức.

            Trở về huyện, dự họp báo, nghe nhiều chủ tịch xã vùng sâu phản ánh tình hình khó khăn của dân đúng như những cảnh mà mình đã gặp trong  chuyến đi lúc sáng. Trưa hôm ấy sau khi ghi âm ý kiến đề xuất của ông Đoàn Long, tôi tranh thủ viết ngay phóng sự “Lệ Ninh vào những ngày sau cơn lũ”. Trong bài phóng sự của mình sau khi phản ánh những thiệt hại về người và của, những khó khăn mà cơn lũ đã gây ra cho huyện Lệ Ninh, tôi viết nhiều về những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Lệ Ninh đang vượt lên trên bão lũ để ổn định đời sống và phục hồi sản xuất. Tôi không quên lưu ý các địa phương trong cả tỉnh, cả nước cần giúp đỡ Lệ Ninh trong cơn hoạn nạn này. Tôi xin phép đọc cho ông Cổ Kim Thành nghe. Ông đồng tình và nói thêm:

            - Phản ánh như vậy là chính xác. Có đi với mình ra đây mới viết được như vậy, chứ cậu ngồi ở Huế nghe điện thoại chắc gì đã viết được như vậy đâu.

            Nghe ông Cổ Kim Thành nói, tôi mừng lắm. Như vậy, chuyến đi của tôi ra Lệ Ninh lần này đạt yêu cầu đề ra.

            Trở vào đến Huế thì thành phố đã lên đèn. Tôi tự làm bữa cho mình bằng mì sợi luộc chấm với nước mắm. Ăn xong, tôi ngồi vào bàn để hoàn chỉnh bài phóng sự. Mãi đến 4 giờ sáng tôi mới đi ngủ. Một giấc ngủ sâu với những cơn mơ về cảnh lũ…

            Sáng hôm sau tôi đến cơ quan, ông Lê Xuân Phát bảo ngay:

            - Về rồi hả? Tranh thủ viết nhanh giao cho phòng biên tập rồi về nghỉ cho lại sức. Trông cậu hốc hác và xanh lắm.

            Tôi đem nộp bài cho ông Trương Đàn - Trưởng ban biên tập rồi qua bưu điện thành phố gửi bài phóng sự về Lê Ninh cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm sau, đến cơ quan, định xin nghỉ phép để ra thăm vợ con. Tôi chưa kịp nói ra ý định của mình, thì ông Lê Xuân Phát nói ngay:

            - Bài phóng sự của cậu có chuyện rắc rối đấy. Mới phát trên sóng được một lần mà văn phòng Tỉnh ủy điện qua bảo phải dừng. Nghe đâu họ bảo viết như vậy sẽ làm cho cả nước, Trung ương lo lắng cho Bình Trị Thiên, con em Lệ Ninh đang sống, làm việc ở Huế thiếu yên tâm. Ông Hồ Như Ý có vẻ không vui. Không biết có chuyện gì xảy ra với cậu đây. Mình cũng bối rối lắm. Thôi thế này, ngày mai cậu đi Phú Lộc một chuyến dự Đại Hội Đông Xuân của huyện, rồi về các xã ven biển của huyện viết về con tôm nước lợ của Phú Lộc xem sao. Nhân tố làm ăn mới đây. Có gì ở nhà mình nói đỡ cho. Căng đấy!

            Tôi xuống huyện Phú Lộc dự Đại  hội Đông Xuân với một tâm trạng khá nặng nề. Thế nhưng, sau khi về các xã ven biển của huyện Phú Lộc, tận mắt chứng kiến những người nông dân mạnh dạn đưa diện tích ruộng nhiễm mặn, trồng lúa bấp bênh sang nuôi con tôm nước lợ rất có hiệu quả thì tôi quên béng đi số phận của bài phóng sự về Lệ Ninh.

            Sau ba ngày lặn lội với các xã ven biển của huyện Phú Lộc, tôi trở về trung tâm huyện để bắt xe đò về Huế. Đêm nằm ngủ ở nhà khách của huyện, sáng dậy tập thể dục, tôi nghe buổi phát thanh thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam đang phát bài phóng sự của tôi về huyện Lệ Ninh. Bữa cơm sáng ở nhà khách, ông chánh văn phòng UBND huyện Phú Lộc nói với tôi:

            - Bài phóng sự của anh viết về tình hình lũ lụt ở Lệ Ninh được phát đến lần thứ ba rồi đấy. Hôm qua huyện Phú Lộc cử đại biểu ra thăm hỏi và mang ủng hộ Lệ Ninh mười tấn thóc giống.

            Nghe ông chánh văn phòng UBND huyện Phú Lộc nói như vậy mà tôi thấy nhẹ cả người.

            Trở về Huế, tôi đến ngay cơ quan. Giữa sân, tôi thấy có một chiếc xe u oát dính bết bùn đất đang đỗ. Tôi hỏi Xuân Lực:

            - Xe của ông nào mà trông lạ hoắc vậy?

            Xe của ông Đoàn Long - Bí thư huyện ủy Lệ Ninh vào cảm ơn cơ quan và bài phóng sự của cậu đấy. Cậu thoát hạn rồi. Sướng nhé! Xuân Lực vừa cười vừa nói với tôi như vậy.

            Vào phòng, tôi thấy ông Đoàn Long đang nói chuyện với ông Lê Xuân Phát. Thái độ vui vẻ và cởi mở lắm. Thấy tôi bước vào, ông Đoàn Long đưa tay bắt và nói rất vui:

            - Nhân vào làm việc với Tỉnh ủy, tôi tranh thủ đến thăm cơ quan và anh. Nhờ bài phóng sự của nhà báo mà huyện Lệ Ninh chúng tôi được rất nhiều sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của các huyện bạn để ổn định đời sống của dân và phục hồi sản xuất. Biết cám ơn cơ quan và anh thế nào bây giờ. Anh tranh thủ ra với huyện tôi lần nữa nhé.

            Tôi xiết bàn tay đồng chí Bí thư huyện ủy vào lòng bàn tay mình mà cảm thấy sức ấm nóng của đồng quê lam lũ lan tỏa trong mỗi tế bào của cơ thể mình. Tiễn đồng chí Bí thư huyện ủy ra xe, trở vào phòng, ông Lê Xuân Phát nói với tôi:

            - Có bài vở gì về Phú Lộc giao cho phòng biên tập. Ngày mai giải quyết cho cậu nghỉ mấy hôm ra thăm vợ con. Vợ cậu sinh cháu gái, chiều hôm qua lại điện vào có ý trách cậu. Mình có chút quà gửi thăm vợ cậu. Cầm lấy!

            Tôi mừng lắm. Thế là ước nguyện của vợ chồng tôi đã toại nguyện. Tôi đã có một cháu trai, nay vợ lại sinh cháu gái thì nhất rồi còn gì. Ngồi trên xe đò từ Huế trở ra Vĩnh Linh mà người tôi cứ lâng lâng như bơi trong mây. Chỉ vài tiếng đồng hồ  nữa thôi, tôi sẽ được ở bên vợ, được ngắm đứa con gái bé bỏng của mình. Tôi thấy mình thật hạnh phúc…

            Bởi vì những người làm báo như chúng tôi cuộc đời vất vả cực nhọc thật, nhưng nhiều lúc cũng có những niềm vui nho nhỏ. Bởi trước công luận và giữa cuộc đời, người làm báo phản ánh đúng sự thật khách quan vốn như nó có, cho dù sự thật đó có cay nghiệt đến mức nào đi nữa. Sự thật mang tính khách quan và có một sức thuyết phục rất lớn. Phản ánh đúng sự thật là bản lĩnh của người làm báo. Là sức chiến đấu của báo chí cách mạng.

                                                                                    N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 105 tháng 06/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground