Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhúm ruột Việt trên miền đất ISAN...

L

ịch sử lưu dân Việt là những câu chuyện bất tận. Cùng với những biến động lịch sử, cả ngàn năm qua người Việt đã có mặt khắp năm châu bốn bể, hình thành nên những cộng đồng đông đúc như ở Bắc Mỹ, Đông Â

Tuy nhiên chưa ở đâu lịch sử của cộng đồng Việt Kiều lại gắn bó với những thăng trầm của số phận đất nước như ở miền đông bắc Thái Lan - vùng đất vẫn được gọi trong các sách địa dư là miền đất I-san. Chúng tôi đã có một chuyến đi ba lô về miền đất ấy, đã thấy và đã gặp những con người, những câu chuyện lịch sử ít khi  được nói ra…

Tổ quốc phía mặt trời…

Đi theo xe open tour  của Sepon Travel từ Đông Hà, hết 335 cây số quốc lộ 9, đến bờ Đông sông Mekong thì chia tay, đoàn khách đi tour qua phà rồi thẳng hướng Bangkok, còn chúng tôi xốc lại ba lô nhìn con nước Mekong cuồn cuộn phù sa. Qua phà Mukdahan, bắt đầu đặt chân lên cửa ngõ của hành lang Đông Tây phía đất Thái. Từ Mukdahan, theo tấm bản đồ miền Đông bắc và cuốn sách giới thiệu về miền đất Isan, chúng tôi sẽ phải làm một vòng tròn qua ít nhất mười tỉnh trong số mười chín tỉnh của vùng này. Dự tính đi từ Mukdahan men theo sông Mekong lên NakhonPhanom, nơi có ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ, (cũng là tỉnh rất đông Việt Kiều) rồi vòng theo hướng tây lên Sacon Nakhon, Udon Thani, Khonkaen, Kalaxin … nhưng rồi một Việt kiều ở Muk khuyên chúng tôi nên đi lên Khonkaen trước, đấy là thành phố thủ phủ vùng Đông bắc Thái Lan, tòa Tổng lãnh sự Việt Nam tại vùng Đông bắc cũng được đặt ở đấy. Từ đấy hẳng muốn đi đâu thì đi…

Anh Nguyễn Kim Chiến, cán bộ  phụ trách công tác Việt kiều của tòa lãnh sự ở Khonkaen là người am hiểu khá tường tận về lịch sử cộng đồng Việt kiều ở vùng này. Theo anh Chiến, khác với những người Việt đầu tiên đến Thái Lan hồi cuối thế kỷ 18, theo phò Nguyễn ánh, bấy giờ lưu vong sang Vọng Các (Bangkok), Việt kiều vùng  Đông bắc Thái đến đây thế hệ đầu tiên hầu hết là những người dân yêu nước, khi phong trào Cần Vương, Văn Thân… thất bại vào cuối thế kỷ 19, bị đàn áp đã tìm cách sang Lào, Thái Lan, tập trung dọc hai triền sông Mekong từ vùng kề thủ đô Vientane (Lào) - Noong Khai (Thái) dọc về Pakxan, Thakhet (Lào) - Nakhon Phanom (Thái), Savanakhet(Lào) - Mukdahan (Thái)… Khi ấy dòng Mekong đã che chở cho những lưu dân Việt trên  hành trình lánh nạn. Dẫu thế  họ vẫn nung nấu tình yêu với Tổ quốc phía mặt trời mọc. Nếu dân Việt ở khu vực phía Noong Khai, Thabo..hầu hết là dân các tỉnh Nam Định, Hà Tây, Ninh Bình... phiêu dạt lên thì vùng NakhonPhanom, Mukdahan... chủ yếu dân của vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị …Vì những biến động lịch sử, nên họ - những người dân yêu nước phải bỏ xứ ra đi nhưng nhiệt huyết của họ với đất nước quê nhà vẫn luân lưu trong huyết quản. Dòng máu ấy đã truyền nối qua mấy thế hệ, trải hơn một trăm năm mà giờ đây, gặp họ trên miền đất Isan này vẫn nghe đồng vọng những bước chân của một hành trình thiên di bi tráng.

Anh Chiến giới thiệu cho chúng tôi gặp bác Hội trưởng Việt kiều Vùng Đông bắc Thái. Sau cuộc điện thoại giới thiệu về chúng tôi của anh Chiến, một ông lão đã ngoài bảy mươi lái ô tô đến tòa lãnh sự. Bác là Hoàng Minh Tâm, một người đã sinh ra trên đất Thái từ những năm 1930. Câu chuyện với bác Tâm diễn ra trong hồi ức bất tận của bác nối về từ thế kỷ 19, thuở cụ cố của bác, một nghĩa binh của Phan Đình Phùng, khi phong trào Văn Thân tan rã, đã cùng nhiều nghĩa binh khác tìm đường sang Lào, Xiêm lánh nạn, tránh sự truy sát của triều đình nhà Nguyễn. Những năm 1927-1929, khi Bác Hồ về đây gây dựng, những người con của các nghĩa binh phong trào Văn Thân đã trở thành những cộng sự, những đồng chí đầu tiên đầy tin cậy. Cụ thân sinh của bác Tâm là một trong số  những người đã hoạt động cùng Bác Hồ những năm tháng ấy. Những người Việt khi phải bỏ xứ ra đi lánh nạn, nhưng lòng yêu nước vẫn đắp bồi vọng về cố quốc như một lớp phù sa nguồn cội, nay ở quê người, gặp hạt giống cách mạng Bác Hồ gieo xuống đã nhanh chóng sinh sôi phát triển. Theo bác Tâm cho biết, nhiều người sau này đã hỏi: Vì sao Bác Hồ lại chọn vùng Đông bắc Thái Lan để lập các cơ sở cách mạng? Theo bác Tâm vùng đất này có những yếu tố rất thuận lợi về quan hệ giao lưu giữa Việt-Lào-Thái. Những năm ấy các cơ sở ở Nakhon Phanom chỉ cách Thàkhẹt đất Lào một con sông Mekong, từ đấy về móc nối với các cơ sở cách mạng trong  nước vùng Nghệ An, Hà Tĩnh... rất gần. Khu vực Udon Thani chủ yếu tập trung lực lượng quân sự, hậu cần... Xa hơn, vùng Phichit Bác mở trường đào tạo, huấn luyện cán bộ... (Mấy hôm sau về thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Nachock (Nakhon Phanom) chúng tôi cũng được nghe bác Võ Trọng Tiêu, người đang chăm sóc ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ cũng nói rằng sở dĩ bấy giờ bác Hồ chọn vùng Đông Bắc Thái để gầy dựng cơ sở chuẩn bị cho cách mạng trong nước là vì bấy giờ hầu như cả Đông Nam á đều là thuộc địa của Anh hoặc Pháp, chỉ Thái Lan còn độc lập, vả lại cộng đồng người Việt sang đây rất đông nên Bác đã chọn vùng này). Người Việt bấy giờ ở đôi bờ Mekong, phía kia Thái, bên này đất Lào nhưng vẫn qua lại đôi bờ thăm hỏi nhau, không phải quan san sông núi hay nhiêu khê giấy tờ như sau này. Theo bước của thế hệ đi trước, bác Tâm những năm 1942-1943 đã tham gia hoạt động cách mạng. Những năm 1944-1945, nạn đói hoành hành khắp miền Bắc, thêm nhiều bà con người Việt dắt díu nhau ngược hướng Tây, làm đông đúc thêm cộng đồng dân Việt ở dọc theo triền sông Mekong.

Tháng 3-1946, mặt trận Thàkhẹt vỡ, hàng ngàn Việt kiều đã từ Lào vượt sông sang nương nhờ vào sự che chở bảo bọc của bà con người Việt đang sống bên đất Thái. Kể từ cái ngày tháng 3 năm 1946 ấy cả một vệt dài từ Thabò, Noong khai, về Nakhon Phanom, Mukdahan…lên tận Phi Chit, UdonTha ni..số lượng Việt kiều lên đến cả chục vạn người. Riêng số Việt kiều từ Lào sang lánh nạn trước sự khủng bố của Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương đã lên đến năm vạn người. Không thể quên công ơn bảo bọc ấy của miền đất và con người  xứ Đông bắc Thái Lan.

Hơn một thế kỷ sống nơi đất khách quê người, trải bao “chớp bể mưa nguồn” điều gì đã khiến cho người Việt vẫn giữ vẹn nguyên những tập quán, nếp nhà đến lời ăn tiếng nói?

Hôm về Mukdahan, tình cờ chúng tôi lại đến thăm một đám tang người Việt. Cụ tên là Hà Văn Lâu, người Nam Định, sống ở Bangkok nhưng khi  mất đã trăng trối với cháu con đưa cụ về  chôn ở Nghĩa trang Việt kiều tại  Muk. Ngôi chùa Diệu Giác tọa lạc trên một khoảnh đất rộng được mua bằng tiền đóng góp của bà con Việt kiều. Hầu như mỗi khi có tang lễ bà con đều chọn ngôi chùa làm nơi quàn. Rất đông bà con đến giúp gia đình làm đám. Chúng tôi có cảm giác như đang ngồi đâu đó ở Việt Nam, giữa xôn xao tiếng quê nhà, nghe thân thương đến lạ. Anh Phan Ngọc Vinh, trong ban liên lạc Việt kiều ở Muk bảo: Bên này mỗi lần tang ma lo việc hiếu là tất cả cộng đồng trong khu vực đều tìm đến giúp nhau. Rất nhiều năm qua, nhất là những năm Tổng Hội Việt kiều bị cấm hoạt động, bà con mình nhân những cơ hội đám đình cúng giỗ để tụ họp sinh hoạt. Cái tình đồng hương nồng hậu ấy sẽ khiến người ta gần gụi nhau hơn và không cảm thấy quê nhà quá diệu vợi.

Hôm đi xe từ Mukdahan lên Khonkaen, chiếc xe chở chúng tôi đi bị hỏng khi vừa rời thành phố bốn chục cây số, còn gần 250 cây số nữa, đường cao tốc  biết làm sao đón xe? Thế nhưng anh Hải- người dẫn đường bảo: Cứ yên tâm thế nào cũng có xe của bà con mình lên Khonkaen theo đường này vì hôm qua ở Mukdahan có một đám cưới của Việt Kiều(!). Tôi băn khoăn: Đám cưới thì liên quan gì đến chuyện xe cộ? Anh Hải cười: Bên này bà con mình quý nhau lắm, đám cưới, đám ma dù cách nhau cả ngàn cây số nếu được mời hay được biết đều tìm đến. Có khi tận Bangkok vẫn lái xe đi cả đêm về, gần ngàn cây số,  gặp nhau để được nói với nhau bằng tiếng Mẹ. Đúng  như anh Hải nói, sau khi lấy điện thoại bấm bấm, một chốc sau chúng tôi may mắn gặp anh Dũng, (mà chúng tôi đã nhắc ở đầu bài) ghé từ Mukdahan lên đón và đưa về thành phố Khonkaen. Người thợ mộc năm xưa bây giờ đã là giám đốc một công ty thiết kế và trang trí nội thất khá lớn ở Khonkaen, cũng là một người hoạt động rất tích cực trong ban đại diện Việt kiều ở đây. Trước hôm rời thành phố Khonkaen, tình cờ  tôi được anh Đặng Văn Dũng cho xem cuốn anbum gia đình. Những tấm hình từ ba mươi, bốn mươi năm trước khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Giữa những ngày gian khó của thập niên 60-70 thế kỷ trước bà con vẫn giữ lòng trung trinh cùng Tổ Quốc. Và chúng tôi chợt hiểu…

Tấm hình chụp đám cưới của hai vợ chồng anh Dũng và chị Bé, chị mặc áo dài truyền thống cùng chồng thắp hương trước bàn thờ Tổ Quốc. Bàn thờ phía trên cùng lá quốc kỳ và khẩu hiệu “Tổ Quốc trên hết”, giữa là chân dung Bác Hồ. Đấy là  năm 1972, khi ở bên này đất nước đang những ngày dốc sức giải phóng miền Nam. Một tấm hình cũ hơn chụp bà con Việt kiều mừng xuân Canh Tuất (1970) các em thiếu nhi vẫn đội mũ calô và mang khăn quàng đỏ… Anh Dũng ngồi trầm tư rất lâu khi nhớ về những ngày tháng ấy, khi anh  còn là một chàng thợ mộc ở Mukdahan, đi làm thuê nay vùng này mai vùng khác, có lúc vào tận Bangkok (quê gốc anh ở  vùng Sịa, phía cầu An Lỗ (Huế). Việt kiều bấy giờ ai cũng hướng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, vì thế rất khó khăn trong sinh hoạt, thường bị gây khó khăn. Hồi đó, nhiều đợt thanh niên Việt kiều bị bắt, bà con kéo nhau cản đường quyết liệt, không cho cảnh sát Thái đưa con em mình đi. Sống ở xứ người, không được nhập quốc tịch, ra khỏi nơi cư trú cũng rất khó, nhiều khi người Việt muốn gặp nhau cũng dè chừng vì hôm nay gặp nhau, mai nhỡ có ai bất ngờ bị cảnh sát  bắt lại đâm ra nghi ngờ nhau. Tổng Hội Việt kiều yêu nước được thành lập từ cuối năm 1946 dần dần rút vào hoạt động thầm lặng hơn… Chuyện cũ đã xa, tưởng cũng không nên nhắc lại, nhưng những gian nan thuở ấy thật khó mà quên. Anh Dũng bảo những năm ấy, buổi sớm mai thức dậy, thấy máy bay Mỹ cất cánh từ những sân bay trên đất Thái bay về hướng Việt Nam ném bom là lòng lại như lửa đốt. Những năm 1970-1971 chiến trường bên nhà ngày càng ác liệt, một cuộc vận động lớn diễn ra trong cộng đồng Việt Kiều tại Thái Lan là phong trào “nở hoa”, góp tiền của cho công cuộc kháng chiến. Nhiều bà con đã không tiếc nhà cửa của cải, bán hết để góp cho đất nước với một niềm tin sẽ có ngày thắng lợi, Tổ Quốc mình được hòa bình.

Giấc mơ cố hương...

Buổi tối ở Khonkaen, đang ngồi ăn tối cùng mấy anh em Việt Kiều ở đấy bổng chuông điện thoại di động của anh Hải ngồi trong bàn réo vang, đang nghe  gương mặt anh chợt rạng rỡ hẳn lên, thông báo: Bà con dưới Mukdahan vừa gọi lên bảo rằng đợt này Muk có thêm hơn một trăm người được nhập tịch, chưa biết tất cả các tỉnh trong vùng có bao nhiêu người được cấp…Vậy là ai cũng móc điện thoại ra và gọi khắp nơi. Anh Chiến phụ trách công tác Việt kiều ở tòa Tổng lãnh sự Khonkaen gọi về hỏi Đại sứ quán ở Bangkok, anh Dũng gọi sang Nakhon Phanom  hỏi lại, người gọi lên UdonThani, người gọi về  Sakon Nakhon thông báo tin mừng. Không khí chợt ồn ào hẳn!

Hỏi ra mới hay, rất nhiều bà con người Việt suốt  một đời người sống trên đất Thái, thế nhưng vẫn chưa được nhập quốc tịch Thái Lan. Không được nhập quốc tịch nghĩa là đối mặt với cả  một núi khó khăn trong cuộc sống. Không được đứng tên mua bán chuyển nhượng đất đai nhà cửa, không có môn bài kinh doanh xuất nhập khẩu, và đáng  lo nhất vẫn là chuyện con cái không được vào đại học, hoặc nếu vào đại học phải chịu một khoản học phí như người ngoại quốc (cao gấp năm lần so với người Thái) và rất khó có thể tìm được việc làm tại các công sở. Bác Hoàng Minh Tâm cho biết: Ngày trước, những năm chưa được thông thoáng trong quan hệ hai nước,  muốn cho con em mình thuận lợi  trong tương lai, khi sinh con ra nhiều nhà phải gửi  con mình cho những bà con đã được nhập quốc tịch, mỗi người nhận giúp cho một đứa, vậy mới sinh ra chuyện trong gia đình mấy anh em ruột mỗi người phải mang một họ khác nhau. Dĩ nhiên bây giờ tình hình đã rất khác so với trước đây. Một số con em sinh ra thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư trên đất Thái đã được cấp quốc tịch Thái. Phần đông số chưa được nhập quốc tịch là những người thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, những người đã suốt một đời nắng mưa trên đất Thái vẫn đau đáu vọng về cố xứ với giấc mơ được hôn nắm đất quê nhà. Làm sao nói hết được niềm ngóng vọng khắc khoải ấy?

Nhưng có một người Thái Lan lại hiểu rõ tâm nguyện, nỗi lòng của những Việt kiều, bà là tiến sĩ Thăndzathip Siphanar, công tác tại Viện Giáo dục Châu á thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok). Bà đã nhìn thấy tiềm năng của cộng đồng người Việt ở Đông bắc Thái: “Nếu chính phủ nhập quốc tịch Thái cho những người Việt này thì  không chỉ họ được lợi mà ngược lại chính phủ cũng sẽ nhận được từ họ những cống hiến to tớn cho đất nước Thái Lan, bởi họ là những người có năng lực. Phải thừa nhận người Việt ở đây là những người cần cù siêng năng, chịu khó và giàu lòng nhẫn nại. Bà dẫn chứng: ở vùng đông bắc Thái Lan có nhiều mảnh đất khô cằn đã được họ khai phá là làm cho vùng đất khô cằn ấy trở nên trù phú xanh tươi. Nếu không tin cứ thử đến xem trang trại trồng cam ở  U donThani (trang trại này của anh Nguyễn Văn Tấn, một Việt kiều ở Udon – người viết) rộng cả ngàn hecta. Không chỉ là nơi trồng trọt mà đây còn là nơi nghiên cứu thực tập cho các nhà nông và không ít người là các kỹ sư nông nghiệp”.

          Có thể nói cuộc họp nội các chung giữa hai chính phủ Việt -Thái tại Đà Nẵng và NakhonPhanom hồi tháng 2-2004 đã mở ra một triển vọng tốt đẹp chưa từng có  cho quan hệ hai nước đặc biệt là vấn đề nhập tịch của bà con Việt kiều.

Hôm khánh thành làng Hữu nghị Việt Thái ở bản Nachock-Thủ tướng Thái Lan, ngài Thaksin Shinawatra đã nhấn mạnh trong bài diễn văn rằng: “Tôi đã được nghe ngài Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng nhiều người Thái gốc Việt lớn tuổi sinh sống tại đây qua nhiều thế hệ, đã có con cháu nhưng vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp, tôi hứa sẽ chỉ thị và thúc đẩy Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương sớm cấp giấy tờ cho những người dân này để có dịp được về thăm quê hương". Ngay sau đó, một cuộc họp về cấp quốc tịch cho các Việt kiều đã khẩn trương tiến hành với sự có mặt của các tỉnh trưởng trong vùng Đông Bắc Thái. Chưa đầy ba tuần sau, ngày 12-3-2004 tại hội trường trường Đại học sư phạm  tỉnh Nakhon Phanom, đại diện chính quyền Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ngài Pramuan Ruchanaserre đã trao quốc tịch cho 572 người Việt thuộc thế hệ sinh trưởng ở Thái Lan hiện đang cư trú tại các tỉnh vùng Đông Bắc Thái. Tại buổi lễ này đại diện chính quyền cũng cho biết sẽ có những đợt trao quốc tịch tiếp để giải quyết dứt điểm hàng ngàn hồ sơ xin cấp quốc tịch Thái Lan của người Việt đã nộp cơ quan chức năng.

Khi chúng tôi đến thăm làng hữu  nghị Việt Thái ở bản Nachock, nhiều người dân vẫn còn náo nức nhớ lại cái phút giây hạnh phúc khi thấy cờ Tổ quốc và cờ Thái Lan treo rợp đường Nakhon Phanom, chưa bao giờ họ tự hào và hãnh diện như thế khi Thủ tướng hai nước đã cắt băng khánh thành ngôi làng hữu nghị. Từ giờ phút ấy, nhất là sau lời hứa của Thủ tướng Thaksin Shinawatra với vấn đề cấp quốc tịch, đường về thăm lại cố hương của những người Việt cao niên không còn quá xa vời. Và cùng với việc mở ra quan hệ gần gũi và thắm thiết giữa hai nước, đường về cố hương càng gần hơn về với xa lộ xuyên á, con đường hành lang kinh tế Đông Tây đang rút ngắn khoảng cách quan san từ miền  Isan về đất Việt ….

Những ngày ở vùng đất đông bắc Thái nhiều khi đang ngồi trò chuyện với mấy anh em Việt kiều, bỗng... Quốc ca Việt Nam cất lên, chưa kịp hiểu làm sao thì thấy các anh rút… máy di động ra nghe! Rất nhiều người cài Quốc ca vào phần nhạc chuông. Tôi  hiểu đấy là cách để bà con luôn thấy Tổ quốc thật gần... Nhưng với tất cả những gì đã và đang chuyển động trên hành lang Đông Tây này, chúng tôi biết “đường về nhà” bây giờ không còn là chuyện quá xa xôi dù từ Thái về Việt cách xa nhau cả một...nước Lào.

Hai chiều thương nhớ …

Trong lúc nhiều bà con ở đây đang cố gắng nhập được quốc tịch để làm hộ chiếu về thăm quê nhà hay ráng kiếm lấy cái giấy “tàng đạo” (công nhận ngoại kiều nhập cư hợp pháp, được coi như giấy tùy thân để có thể tự do đi lại và hành nghề theo luật pháp phổ thông của nước Thái), thì hiện nay rất nhiều Việt kiều hồi hương từ những năm 60 đang quay lại thăm miền đất thơ ấu của mình. Chúng tôi đã gặp khá nhiều bà con mình từ Việt Nam sang, được bà con bên này đưa đi thăm chùa chiền thắng cảnh. Tại chùa Nongwaeng, ngôi chùa với tòa điện tháp cao chín tầng rất đẹp ở thủ phủ vùng đông bắc, nghe chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Việt  một du khách vãn cảnh chùa chợt cất giọng hỏi:  Mấy em là…Việt kiều? Khi biết chúng tôi vừa từ Việt Nam sang chị hồ hởi giới thiệu về mình. Chị là Lại Thị Liên nhà ở 23-phố Hàng Bài -Hà Nội, vừa sang thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn sau hàng chục năm xa cách. Quê gốc chị ở Yên Tiến, ý Yên, Nam Định nhưng sinh ra ở tỉnh Udon năm 1947- một năm sau sự kiện tháng 3-1946, sau đó về sống ở vùng Thabo phía trên Noong khai. Năm 1963 chị hồi hương theo gia đình về Việt Nam, bây giờ, sau bốn mươi mốt năm  chị trở lại thăm mộ người cha thân yêu của mình trên đất Thái. Về cùng đợt ấy có một  người hàng xóm với chị, sau này là ca sĩ Quang Lý…Chị Liên bảo: Hơn bốn mươi năm mới trở lại, tuy không phải là quê cha đất  tổ mà còn xúc động thế này  huống nữa sự khắc khoải của bao nhiêu bà con mình bên này đang thèm được về thăm đất Việt!

Hồi xưa để hồi hương, từ Noongkhai chị theo đoàn về tận Bangkok rồi xuống tàu, lênh đênh mười hai ngày đêm trên biển tàu mới cập cảng Hải Phòng. Nay thì từ Việt Nam, để lên đến đây chỉ chưa đầy một ngày đường bộ. Mạn ngoài theo ngã đường 8 (hà Tĩnh) chạy lên Vientiane rồi sang Thái qua ngã cầu Noongkhai, phía miền Trung đi theo ngã quốc lộ 9 thuận lợi hơn. Đường sá như thế nên mấy năm gần đây có một dòng thương nhớ đang chảy từ đất Việt về lại miền thơ ấu bên dòng Mekong của những Việt kiều về nước hồi thập niên 60 như chị Liên. (Đợt ấy số Việt kiều hồi hương hơn 2,5 vạn người).

Đường về nhà gần quá mà sao vẫn mãi là nỗi niềm đau đáu trong bao người? Không chỉ là chuyện nhớ nhung cố xứ, nhiều Việt kiều cũng rất muốn về quê nhà đầu tư, làm ăn, chuyển giao công nghệ cho bà con bên nhà…

Cứ như lộ trình chúng tôi đã đi từ Việt Nam sang thì hành trình từ thủ phủ miền đông bắc Thái về tới Việt Nam rồi đây chỉ còn trong một ngày! Việt Nam và Thái Lan bỏ thị thực mấy năm rồi, Việt Nam và Lào cũng đã bỏ, nếu Lào và Thái bỏ nửa thì thế là cứ việc cầm hộ chiếu mà đi. Nếu có trở ngại một chút thì đúng là lượng khách trên tuyến đường quốc lộ 9 sang Lào và Thái khá đông song bộ phận làm thủ tục ở các cửa khẩu ít người quá thành ra vẫn phải chờ. Không chỉ ở Việt Nam mà Lào cũng thế. (Chỉ có ở cửa khẩu Mukdahan (Thái Lan) phải thừa nhận là họ làm rất nhanh). Tuy nhiên mới trước đây mười ngày, hôm 1-12, trong đoàn diễu hành ô tô ấn Độ - ASEAN vào Việt Nam qua ngã Lao Bảo, tôi đã chứng kiến  một đợt làm thủ tục nhập cảnh nhanh…kỷ lục tại cửa khẩu quốc tế này với  thời gian chưa đến 30 phút cho hơn 250 khách! Dĩ nhiên đoàn Caravan ấn Độ - ASEAN này có sự lo lắng chuẩn bị của nhiều bộ, ngành trung ương thành ra nhanh đến vậy, nhưng loại trừ yếu tố ấy ra thì chuyện làm nhanh thủ tục cho khách là điều hoàn toàn có thể !

Con đường 9 trước đây rất quan san vắng vẻ, chạy từ Savẳn về tận Lao Bảo chỉ rừng và đồng hoang, vài thị trấn lèo tèo dọc đường ở các huyện lỵ như Sêpôn, Mường Phìn, Sênô… Bây giờ con đường đã được nâng cấp dài 250 km thảm nhựa láng o, những thị trấn bên đường cũng đã mang một dáng vóc khác, tuy chưa đông đúc sầm uất dân cư. Và điều mà tất cả bà con Việt kiều ở miền Đông Bắc Thái kỳ vọng nhất là cây cầu Hữu nghị số 2 (còn gọi là cầu Mittafab) nối Mukdahan với Savanakhet đang thi công, dự định hoàn thành vào cuối năm 2006. Hôm chúng tôi rời Muk sang Savẳn đất Lào, từ bên bờ đông Mekong nhìn sang Thái Lan đã thấy những trụ móng nhô lên giữa dòng sông rộng và sâu. Con đường xuyên á- hay là trục hành lang kinh tế Đông Tây, bên này chạy từ Maulayaing (Mianmar) bên bờ ấn Độ Dương - về cửa khẩu Maesot (Mianmar-Thái) qua Phitsanulok, về Khonkaen rồi về Mukdahan, sang Savẳn là chạm vào quốc lộ 9, chả mấy đỗi đường đã  đặt chân lên đất Việt.

Chao ôi, tận miền Đông Bắc Thái mà rủ nhau: “Cuối tuần này về thăm nhà nhé!” thì quá ư sung sướng, bởi trước đây điều ấy với mọi người chỉ là một giấc mơ, nhưng bây giờ tất cả đang trong tầm tay!

L.Đ.D

 

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 144 tháng 09/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground