Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những gương mặt tỏa sáng

Q

ua đông lại tới xuân. Cùng thời gian dòng đời vẫn đang trôi mải miết. Vào những ngày then chốt của một năm, những ngày Tết, giữa xốn xang tiếng hát nụ cười, đào mai tưng bừng khoe sắc, lòng ta không khỏi chạnh nhớ đến những gương mặt thân yêu, nay đã người còn kẻ mất, đấy là những gương mặt văn hóa, những gương mặt như lửa thắp, tỏa sáng cùng năm tháng.

Giờ đây tôi muốn bắt đầu bằng những kỷ niệm lấy từ quê nhà. Trước tiên xin được kể một đống đất tưởng vớ vẩn mà lại rất lạ lùng. Nó nằm ven quốc lộ một, ở đầu bắc phố Phủ Từ Sơn, mỗi lần qua tôi thường bắt chước khách bộ hành ném thêm vào một cục đất nho nhỏ. Người đời gọi nó là mả ông Đống hoặc là mả thằng ăn mày. Lâu lâu thấy mả thằng ăn mày nổi lên cao quá, công nhân bảo dưỡng đường lại phải gọi nhau ra xúc vứt xuống mấy cái ao. Nhưng rồi rất lặng lẽ chẳng mấy chốc mả thằng ăn mày lại nổi lên, nó không chịu mất đi và nó có tự bao giờ chẳng ai rõ, chỉ biết trước khi có ta đã có nó rồi.

Đóng vai trò chủ yếu trong việc bồi đắp cho mả thằng ăn mày không phải ai khác mà chính là mấy bà quen chạy chợ quanh vùng. Chợ Phủ là một nơi tấp nập, tuần ba phiên, còn gọi là chợ Giầu. Giầu ở đây là giầu cau. Khách đến chợ ai chả mong gặp được sự hòa thuận, ai chả ngại gặp phải sự lừa lọc hoặc ế ẩm thua lỗ. Và thế là mọi người, không rõ tự đâu mà ai cũng đặt lòng tin vào sự phù hộ của thằng ăn mày chết thiêng từ bao giở bao giờ. Người ta cảm thấy có sự may mắn nếu trên đường vào chợ nhớ nhặt một hòn đất, hòn gạch ném lên cái của ấy.

Có một lần nhà văn Nguyên Hồng trên đường về Bắc Giang đã dừng xe đạp bên mả thằng ăn mày. Ông vuốt râu tủm tỉm cười mà hỏi tôi, anh hãy nói xem ngôi mả này giống cái gì trên đời? Tôi lúng túng chưa biết nên trả lời ra sao thì ông đã nói, nó chính là đời thằng nhà văn chúng ta đấy. Đời thằng nhà văn là do quê hương xứ sở nó bồi đắp nên, là do ông trời ông ấy phù chú mà thành, cho nên nó suốt đời phải mang nợ, trả được món nợ đời đâu có dễ, và chỉ có thể trả bằng tác phẩm mà thôi. Nhưng một khi, ai đã trả xong gánh nợ đó thì người ấy sẽ là bất tử.

Cứ theo ý tứ ấy mà ngẫm thì không phải chỉ có các nhà văn, mà còn nhiều người khác nữa, nhiều nhiều lắm, ở mọi lĩnh vực đều có thể thành bất tử. Xin lấy một ví dụ, đó là cuộc đời và sự nghiệp ông Trần Đức Thảo, một tiến sĩ triết học từng sống cùng thời với chúng ta. Ông Thảo gốc làng Song Tháp, xã Châu Khê, Phủ Từ Sơn, xuất thân là con trai thứ trong một gia đình có cụ thân sinh làm viên chức bưu điện, ở quê quen gọi là cụ Hàn Tiến. Con sông đào Ngũ huyện khê chảy vòng quanh làng, nằm ngay trước cổng làng bên gốc đa cổ thụ là một chiếc cầu nho nhỏ có trụ xây bằng gạch, cũng là do gia đình ông bỏ tiền xây tặng dân làng. Ông Thảo không sinh tại làng mà sinh ở Thái Bình, lớn lên ở phố Hàng Đường Hà Nội, là học sinh Lycée Albert Saraut, hết tú tài vào học luật năm sau được chọn gửi qua Paris, vào một trường nổi tiếng có truyền thống, Ecole Normale Supériuere. Những năm về nước lúc ông làm giáo sư, lúc cắm cúi dịch sách, nhưng việc được xem là cốt yếu cho cả một đời là việc viết sách. Chỉ cần viết một cuốn triết học. Mùa hạ 1997 tôi qua Mỹ, một giáo sư người New York đã đưa tôi xem cuốn sách của ông Thảo vừa được dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, đó là cuốn Nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, sách in cùng một lúc ở cả hai nơi, London và New York. Mà cũng chỉ in mấy trăm cuốn thôi. Hỏi vì sao in ít vậy, được cho biết là vì vấn đề mà ông Thảo đề cập cả thế giới lúc này chỉ có chừng vài trăm người đang quan tâm, mà cũng chả phải mọi người đều đã hiểu hết những gì ông Thảo bàn. Sách in ra một nửa dành cho những người đặt mua trước, còn lại đưa vào các thư viện lớn. Đối với ông Thảo đây là cuốn sách mang ý nghĩa tập đại thành. Ông đã viết nó nhiều năm ở một căn buồng khu tập thể Kim Liên vây quanh ông là cô đơn và nghèo túng. Sinh thời Jean Paul Sartre một triết gia của Pháp từng có lời đánh giá: "Trần Đức Thảo ở trong số những người hiếm có, luôn luôn tìm tòi khám phá ở chỗ giáp gianh giữa chân lý và phi lý". Còn ông Thảo thì đã đánh giá bạn mình, Jean Paul Sartre như sau: "Ông ấy, Jean Paul Santre là một triết gia biết đặt ra những vấn đề đáng bàn".

Mấy năm trước tại Paris, vào những giây phút cuối đời, những giây phút hấp hối, khuôn mặt ông bỗng bừng sáng, nửa tỉnh, nửa mơ ông đã nói ra một ý tưởng thật tốt lành về cái đẹp... "ý thức trong lời kêu gọi chính nó đặt ra sự đòi hỏi... Cái đẹp trong sự hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh..."

Đó là sự ra đi của một nhà tư tưởng, chỉ có thể nói là hết sức cao quí. Ngày còn nhỏ tôi được mẹ dắt về bên ngoại, lúc qua cổng làng mẹ trỏ tay bảo kia là nhà ông Thảo. Tôi nghển cổ nhìn qua bờ duối, nhìn mãi vẫn chả thấy có ngôi nhà nào. Chỉ thấy trong đó đang có một cây táo dại xõa cành xuống đống rơm khô, giữa một khu vườn buồn vắng.

Tôi mường tượng tới một con đường chênh vênh, mờ và hẹp nằm giữa một bên là cái đúng một bên là cái sai, đó là con đường trí tuệ mà ông đã đi trọn một đời. Con đường ấy như một sợi chỉ dài, đầu sợi chỉ được buộc từ gốc táo trong mảnh vườn đó. Vừa qua ông đã được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là sự ghi nhận xứng đáng về một nhân cách và một tài năng đã có nhiều đóng góp vào sự đi tới của nhân loại.

        ***

Trong dịp chuẩn bị kỷ niệm bốn mươi năm chiến thắng Điện Biên tôi đã theo đoàn các nhạc sĩ lên thăm mảnh đất lịch sử đó. Tôi may mắn được xếp ngủ chung với anh Huy Du, nguyên Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam mấy khóa liền. Người phụ trách chuyến đi nhắc tôi: "Hôm qua tại Mường Phăng Chu đã được chụp ảnh cùng anh Phan Huỳnh Điểu trước hầm Đại Tướng, giờ lại được xếp một buồng với anh Huy Du, cũng là một nhạc sĩ lão thành, đó là một vinh dự lớn. Tớ chỉ nhắc cậu lúc ngủ say mấy vẫn phải có ý quan tâm đến người già, thấy ông ấy ngáy đều đều thì yên tâm, thấy không ngáy là phải bò dậy lay nhẹ xem sao"! Tôi vâng rồi trùm chăn kín mặt. Lần này tôi mò lên đây vì hai nhẽ, một là trong đời tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến mảnh đất này, hai là việc đi lại đâu có dễ, cho nên khi thấy các anh lục tục lên đường thì tôi vội bám theo, túi không có một đồng, áo quần phong phanh, đến cái khăn mặt vắt vai cũng thiếu. Tôi nhập vào một đoàn mở đầu cho chiến dịch hành hương về Điện Biên.

Anh Huy Du đang ngáy đều đều bỗng im bặt. Tôi lật chăn ngồi dậy, khẽ hỏi:

- Anh Huy Du thức hay ngủ?

- ờ, mình ngủ, chú vẫn còn thức hả, vậy mình cùng thức cho vui.

Hai anh em bảo nhau bật đèn sáng trưng rồi ngồi hút thuốc. Tôi mang theo cái điếu cày dã chiến, ngắn chừng hơn một gang tay, anh Huy Du thì quanh năm vẫn thế, anh chỉ hút thuốc lá của hãng "Thăng Long". Mình là khách hàng trung thành nhất của "Thăng Long", anh nói vậy một cách đầy tự hào. Rồi anh than vãn sắp lên xe mà chị Nhung vợ anh còn chạy theo bắt ôm cái áo khoác dạ đen, lên trên ấy rét phải biết, vậy mà Điện Biên lại nóng, thế mới dở. Gần tám mươi rồi, ôm cái áo nặng như cái cùm, đi một bước oán vợ một bước. Tôi bàn thế vẫn còn là may, chỉ mới phải ôm cái áo chứ bà ấy mà theo lên thì mới thực là một thảm họa.

HOAèNG HIÃÚU NGHẫA

 

Anh Huy Du cười rất hiền, nhìn ra ngoài cửa sổ hồi lâu, nghĩ vẩn vơ gì rất lâu. Ngoài trời sương mù u uẩn, đặc như khói súng. Anh tâm sự, "Mình không được lên đánh Điện Biên, lúc đó mình đang là quân của đoàn Đồng Bằng, có nhiệm vụ ở lại cầm chân địch. Sau hòa bình được cử qua Trung Quốc học, cùng đi một chuyến với Hoàng Vân. Hoàng Vân và Đỗ Nhuận mới là lính Điện Biên, từ đây bước ra đã có Hò Kéo Pháo, Trên đồi Him Lam, Hành quân xa,... Đúng là một thời kỳ trưởng thành toàn diện, nhờ có hào khí Điện Biên mà âm nhạc nghệ thuật ta lớn lên nhiều lắm. Đó là một thời kỳ đất nước tìm được tổng lực, nhìn vào đâu cũng đầy hứng khởi, ngay trong quan hệ quốc tế cũng vậy. Cho nên khi bước chân ra ngoài, đi tới đâu cũng thấy người ta vẫy cờ vẫy hoa hô lớn Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Mười năm sau chiến dịch đó mình mới ngồi viết Bế Văn Đàn sống mãi, đấy là muốn mang ngọn lửa Điện Biên, muốn thắp sáng ngọn lửa Điện Biên để bước vào những trận đánh sắp tới. Lại ra trận, lại lên đường và Điện Biên vẫn đang vẫy gọi ta ở phía trước, bây giờ tớ đang ngổn ngang suy nghĩ, phải làm sao để Điện Biên không bao giờ lùi lại phía sau, chưa bao giờ Điện Biên là quá khứ. Cái tinh thần Điện Biên phải được hiểu rộng hơn, lớn hơn là một trận đánh. Tầm vóc của nó phải vượt xa khuôn khổ đó rất nhiều, sức thúc đẩy, sức vang vọng, chuyển động của nó là rất mạnh. Cái đêm quân ta rút qua gầm cầu Long Biên, cái đêm Hà Nội cháy ngút trời, bọn mình kéo lên Trung Hà, hẹn với nhau sẽ có một ngày trở lại, nhưng kỳ thực có thằng nào đã mường tượng nổi sự trở về nó ra làm sao. Không ai ngờ được, muốn trở về còn phải kéo nhau lên làm một trận thừa chết thiếu sống trên cánh đồng này. Rất nhiều bạn mình đã nằm lại đây, trong đoàn quân trở lại Thủ đô vắng mặt chúng nó. Mình đã ôm mặt khóc mặc dù vẫn biết nếu không thế thì cũng không có ngày về như đã hẹn. Theo thiển ý của mình cách kỷ niệm Điện Biên tốt nhất chưa phải là chuyện rùm beng chiêng trống mà nó phải là một cuộc vận động thật sự dũng cảm và trung thực để đất nước tìm lại được tổng lực, tìm lại được danh dự. Mình từng đã viết những câu nhạc rút ra từ đáy lòng, "Trời Điện Biên mây trắng, gió lưng đèo chiến thắng...". Lần này về, nếu ông trời không bắt ốm, mình sẽ còn viết tiếp những bản hùng ca cho Tổ quốc.

Tôi kể cho anh nghe cái ngày quả bom Mỹ đầu tiên rơi xuống Hà Nội, tôi nhận lệnh nhảy lên một chiếc "Gát" kéo khẩu pháo Tô Vĩnh Diện, một khẩu 37 ly, gửi vào chùa Láng. Tôi ngồi bên người lái xe, hai tay ôm hộp gỗ nhẹ tâng, trong đó chỉ đựng có mỗi một chiếc áo trấn thủ của anh Diện.

Khẩu pháo được đẩy vào nằm dưới mái tam quan ngoài cổng còn chiếc hộp thì đem vào gửi tận tay sư bà trụ trì, hẹn bao giờ yên hàn sẽ có người tìm đến để nhận lại.

Nhà sư tự tay mở hộp gỗ, cầm chiếc áo rách bươm lên ngắm nghía một hồi rồi kéo tôi lại gần, ướm thử chiếc áo vào ngực tôi. Bà khen "vừa vặn, hẳn là ông ấy cũng gày gày như cậu". Từ bấy đến nay đã là bốn chục năm, cũng chẳng rõ khẩu pháo ấy, tấm áo ấy giờ đang nằm trong nhà bảo tàng nào, chỉ nghĩ nếu hôm nay ướm thử một lần nữa chiếc áo vào tôi thì liệu nó có còn vừa vặn nữa hay không? Cái áo vẫn là cái áo năm xưa nhưng người thì e rằng đã khác nhiều, sức vóc mà teo tóp đi ắt sẽ rộng, còn nếu béo phình ra ắt sẽ chật, đằng nào cũng khó mà vừa được nữa.

***

Nhà văn Nga M.Gorki có lần đã nói, dấu hiệu tài năng còn là ở chỗ biết lúc nào thì nên dừng thôi đừng viết nữa, hình như ông Kim Lân đã nghĩ ngợi rất chín và hiểu ra một sự thật là cái thời mình cầm bút đã qua, đây là thời của người khác. ở đời cần nhất là phải giữ được cái duyên, còn duyên kẻ đón người đưa, đến lúc cái duyên kia chả còn mà vẫn định cố là dễ thành bẽ bàng.

Nhưng lạ lùng thay, những gì ông đã có, những gì ông đã viết, tuy không nhiều nhặn gì lại vẫn được bạn đọc trân trọng. Lớp con cháu lớn lên tìm đến ông, đọc ông và quây quần quanh ông một cách ấm cúng và tin cậy. Ông là một minh chứng cho chân lý không thể sống nhạt, sống tồi mà lại có văn chương.

Trong nền văn học ta có nhiều nhà văn tuổi đời dài mà cái có thể để lại lâu dài e không được bao nhiêu. Lại có những người mất sớm nhưng tác phẩm của họ là trường tồn, càng đọc càng thương nhớ. Lại nữa, có những nhà văn, số này không nhiều, họ vừa có may mắn sống thọ lại vừa có dịp nhìn thấy tận mắt những đứa con tinh thần của mình đã tìm được chỗ đứng lâu dài ở đời. Ông Kim Lân là một trong số đó, mặc dù không tiện nói ra nhưng ông hoàn toàn biết rõ điều đó. Ngày nay những "Vợ nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí"... của ông đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, rất nhiều sinh viên các khóa đại học và trên đại học đã chọn tác phẩm của ông làm đề tài nghiên cứu sách của ông in ít nhưng bạn đọc của ông lại rất đông.

Lỗ Tấn nói nhà văn là thầy thuốc chữa bệnh cho thiên hạ A.I.Ghertxen nói nhà văn không phải là thầy thuốc mà là chính nỗi đau của đất nước. Nghe to tát quá, tôi không dám bàn Kim Lân là ở trong số nào, thầy thuốc hay nỗi đau, chỉ muốn nói ông là nhà văn của người nghèo, trước sau ông vẫn chỉ là nhà văn của những ai cùng khổ mà thôi. Bản thân ông từ nhỏ cũng đã phải lăn lóc trong nghèo khổ, suốt đời sống giản dị, túng thiếu cần kiệm mà trong sạch. Giờ đây ông đã qua đời nhưng với mỗi chúng ta Kim Lân không bao giờ mất, đây chẳng qua cũng chỉ là một chuyến đi xa, rất xa mà thôi. Tưởng như ông cụ vẫn đang ngồi đó, một vóc dáng lom nhom nhỏ thó, chứa đựng một sinh linh sống động, một nhân cách khoan hòa mà hết sức cứng cỏi, một cuộc đời từng trải khiến ta phải thèm muốn.

Ông là một sự bí hiểm chẳng khác nào những chiếc lọ được bày la liệt trong căn phòng chật chội của ông vậy. Những lọ gốm Phù Lãng, Thổ Hà, Lò Chum, Hòa Bình, cái cao cái thấp, cái to cái nhỏ, mỗi cái một màu men một dáng đứng, tất cả đều có chung một vẻ quê mùa. Một vẻ gì để ta dễ cảm thấy gần gụi với gốc gác xa xưa, với bà con nơi quê nhà lam lũ, với những lầm than mà dân tộc từng nếm trải và nâng niu những nét tài hoa không thua kém một ai của ông cha mình thuở trước. Nhiều ngày nhiều tháng ông đã thu mình ngồi yên lặng trên chiếc tràng kỷ ọp ẹp để ngắm những cái lọ ấy. Ông đã lặn lội nhặt chúng lên từ các xứ đồng, vớt chúng lên từ các bụi tre bụi chuối, góc bếp góc sân, có cái vốn đựng tương đựng muối, có cái lăn lóc vạ vật ở sau vườn. Một ngày chúng được bàn tay ông đặt vào, xoay ngang lật ngửa, thế là lên ngôi, bàn tay ông như có phép màu, chỉ cần xoa nhẹ lớp bùn là men hiện ra, dáng hiệu ra, là hồn cốt nhập vào. Thật tài tình, ông đang chơi mà cũng là đang làm cái việc gọi hồn cho những cái lọ. Hay là ông đang gửi hồn mình vào chúng, chỉ mình ông biết chúng đang chuyện trò những gì với mình. Ông bảo muốn đánh giá nổi một cái lọ cũng phải học hỏi nhiều, mò mẫn nhiều. Tiêu chuẩn chung là nhất dáng nhì men, thứ ba là nguyên, thứ tư là hiếm. Đã không hiếm thì cũng không quí. Đứng về kỹ thuật mà nhìn nhận lại phải theo một tiêu chuẩn khác, nhất xương nhì da thứ ba đến lửa. Lửa phải hoàn nguyên mới ra được những men quí như men ngọc, men thúy hồng. Một cái lọ men chìm mờ hơn hẳn những đồ bóng loáng phù quang. Có lẽ, thuật xem người cũng vậy mà xem tranh cũng vậy. Là cái lọ đất nung tầm thường mà vẫn thật quí thật sang, trong khi màu mè xanh đỏ lại chứng tỏ nhà quê, nó cũng là chuyện đời vậy.Xương ở đây là đất còn men là da, bởi thế cây đa còn gọi là cây da, ta đốt cây đa để lấy than mang về bán cho các làng gốm chế men tráng lọ. Những cái lọ mang dáng quê hồn nước, những cái lọ im lặng, những cái lọ biết nói.

Tết trước thấy ông chọn chơi cành đào phai cắm trong lọ mộc, tết rồi ông tự dưng dở chứng thèm chơi chữ thảo, mà ông nào có biết Nho, ông bỗng cảm thấy lắm lúc trông vào chữ còn thích hơn trông vào tranh. Cái chữ Hán được viết thảo dù không đọc nổi vẫn đủ thấy đẹp, trong khi chữ Quốc ngữ giờ cũng đang được nhiều người mang viết thảo, nom chẳng còn ra làm sao. Chữ Quốc ngữ thuộc dòng la tinh, càng rõ ràng rành mạch, càng đơn giản càng tốt, đem viết thảo hóa rối loạn, bảo đẹp thì cũng đâu có đẹp. Đã dám đem chữ E đặt lên trước chữ A cho trẻ con học thì xem ra chẳng còn biết nể sợ gì ai nữa. Thôi thì tùy, tìm tòi vốn là quyền của thiên hạ, còn có thấy thuận mắt hay không cũng lại là quyền của thiên hạ.

Cụ Lang thấy ông Kim Lân mò đến tìm mình thì lấy làm mừng lắm, cụ vui ra mặt. Vậy là ông muốn treo chữ năm nay chứ gì, được thôi, tôi sẽ chọn một bài thơ cổ viết tặng ông. Đêm nay tợp hụm rượu là tôi đưa bút liền, phép cầm bút là cần một mạch, gọi là nhất khí. Chữ thảo đâu có phải là tùy tiện viết sao nên vậy, qui ra cũng chỉ có dăm bảy cách viết chính mà thôi. Mỗi lối một vẻ, duyên dáng ý tứ là cách "Khuê nữ bộ xuân" mãnh liệt bất chấp là cách "Thiếu niên cự khách", là thằng ranh nó cứ phang tới tấp vào cánh già chúng ta. Rung rinh lay động như con giun cựa mình khi xuân tới, như con rắn lột xác lúc thu về là cách "Xuân dận thu xà" còn như nhìn vào thấy đám chữ ùn ùn mà vẫn giữ được hàng lối như đằng xa có đám phu kiệu tiến trên đường thì được gọi là cách "kiệu phu tranh đạo". Nhưng năm nay ông đã đến gần tuổi chín mươi, vậy nên tôi phải chọn cách "liên miên thảo" để viết tặng ông. Liên miên thảo là thảo của người già đến cõi, đã thành vô chiêu, có quyền vượt qua mọi lề thói thông thường, là say đấy mà cũng tỉnh đấy.

Ông Kim Lân nhũn nhặn, thôi thì tùy ý ông, chỉ mong ông cứ vung bút cho tít mù vào nom mới sướng. Cụ Lang nghe bạn nói thì cười tít cả mắt, đứng dậy với chai rượu trên tủ, lựa hai chiếc chén hạt mít, men sứ trắng ngà màu hạt mít luộc, thành chén dựng gọi là chén đông ẩm. Cụ thong thả rót từng giọt rượu vào chén, mùi rượu bay lên thoang thoảng như mùa thu vẫn đang còn lưu luyến quanh đây. Những người sành như họ hiểu đây là mùi rượu Hoàng tửu.

Thầm hẹn mỗi bận thu sắp qua xuân sắp đến lại về cùng ngồi với nhau để uống rượu thưởng hoa. Những đài cúc vàng được bứng lên chậu gốm, còn vò rượu nếp cái thì đã được ủ hương cúc từ những mùa năm trước, thế gọi là thu ẩm hoàng hoa tửu.

                    Đ.C

 

 

 

 
 
Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground